Tôi vốn chả thiết tha hay mặn mà gì lắm với chuyện
văn nghệ/văn gừng nên hoàn toàn không quan tâm chi đến những điều tiếng
eo sèo, quanh mấy câu thơ (“hơi quá tân kỳ”) của Nguyễn Quang Thiều.
Theo Wikipedia,
tiếng Việt, đọc được vào hôm 21 tháng 7 năm 2021: “Ngoài lĩnh vực chính
thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các
thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và tham
gia vào lĩnh vực báo chí. Ông hiện nay là Chủ tịch Hội
Nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.”
Thảo nào mà Nguyễn Quang Thiều thường xuất ngoại, và hay viết về những chuyến đi. Năm tháng mà Nguyễn Quang Thiều sống ở nước ngoài, có lẽ, ít hơn thời gian tôi ngồi lê la trong mấy cái bar rượu (nơi xứ lạ) nên đọc mấy trang du ký của ông không thấy có chi là hào hứng lắm.
Cũng theo Wikipedia: “Nguyễn Quang Thiều được coi là người
cùng với nhà văn, trung tướng công an Hữu Ước sáng lập nên hai tờ báo là tờ An
Ninh Thế giới cuối tháng và Cảnh Sát Toàn Cầu.”
Đã là một quan chức trong chế độ toàn trị, lại làm
báo Cảnh Sát với một ông tướng công an (rất nhiều tai
tiếng) nên thỉnh thoảng Nguyễn Quang vẫn bị chê trách là lẽ tất
nhiên. Tuy nhiên, khách quan mà xét thì khó có thể phủ nhận được
rằng ông là một người cầm bút có tài (và cũng rất có tâm) khi viết
về cuộc sống ở nông thôn.
Hãy xem qua đôi đoạn (“Thư Của Đứa Con Những
Người Nông Dân”) đã được đăng nhiều kỳ trên trang Vietnamnet:
“Cảnh làm ruộng của những người nông dân của mấy chục năm
trước kia và bây giờ chẳng khác nhau chút nào. Có khác thì chỉ khác một điểm.
Đó là người nông dân đi sau đít con trâu mấy chục năm trước kia hiện ra trong ảnh
đen trắng còn người nông dân bây giờ vẫn đi sau đít trâu nhưng là trong ảnh màu
rực rỡ….”
Trong những tấm “ảnh mầu rực rỡ” này, Nguyễn Quang
Thiều tìm ra được nhiều con số rất “kinh hoàng” – theo như nguyên văn
cách dùng từ của chính ông:
“Khi tiếp xúc với những người nông dân, tôi thường xuyên hỏi
về tổng thu nhập mỗi tháng của một khẩu trong một gia đình họ là bao nhiêu. Dù
rằng tôi biết họ đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả nhưng tôi vẫn kinh ngạc
khi nghe một con số cụ thể:
‘Tổng thu nhập một tháng trên một khẩu của chúng tôi là
40.000 đồng …’ 40.000 đồng có giá trị như thế nào lúc này. Đó là giá của 2 bát
phở, giá của 4 lít xăng, giá của hai xuất cơm trưa văn phòng, giá của một cuốc
xe ôm trên đoạn đường 10km, giá của hơn một bao thuốc lá 555, giá của 3 ly cà
phê…Tôi biết sẽ có rất nhiều người không thể tin rằng tổng thu nhập hàng tháng
của một khẩu trong hầu hết những gia đình nông dân lại chỉ với một con số ‘kinh
hoàng’ như thế.”
Nhà văn Nguyễn
Khải còn cho biết thêm đôi ba sự việc còn “kinh hoàng” hơn thế
nữa:
“Ai cũng giàu có hơn trước, nấu cơm bằng nồi cơm điện, tối
xem tivi mầu, giờ rảnh thì xem phim bộ. Mỗi xóm đều có cửa hàng cho thuê băng
vidéo, có gái điếm cho ngủ chịu đến mùa trả bằng thóc, có cờ bạc, có hút thuốc
phiện và chích heroin, thành phố có gì ở làng quê đều có, cả hay lẫn dở, dở nhiều
hơn hay.”
Dù “dở nhiều hơn hay,” làng quê Việt Nam vẫn tồn tại
nhờ vào vô số những nông dân “đội sương nắng bên bờ ruộng sâu, vài ngàn
năm đứng trên đất nghèo ” để nuôi nấng cho cả dân tộc này được sống
“no lành” – theo như lời (Tình Ca) thắm
thiết của Phạm Duy.
Câu hỏi đặt ra là liệu giới nông dân còn vẫn có thể
tiếp tục “đứng” mãi như thế thêm bao lâu nữa, trước tình trạng nông
thôn đang bị bức tử một cách thảm thương như hiện cảnh? Bi kịch mới
nhất của giới nông dân Việt Nam vừa được RFA tường
trình, vào hôm 22 tháng 6 vừa qua:
“Vụ án hai nhà hoạt động vì quyền đất đai là ông Trịnh Bá
Phương và bà Nguyễn Thị Tâm bị cáo buộc tội danh ‘phát tán tài liệu nhằm chống
nhà nước’ đã kết thúc giai đoạn điều tra vào hôm 15 tháng 6 năm 2021…
Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương, cho biết, gia đình chồng
của cô có tổng cộng ba người bị bắt giữ, bao gồm ông Phương bị công an Hà Nội bắt
giam một năm về trước – chỉ bốn ngày sau khi bà sinh con…
Luật sư Lê Văn Luân, người bào chữa cho cả hai nhà hoạt động
thì cho hay trên Facebook cá nhân rằng, cả bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá
Phương đều bị đề nghị truy tố theo khoản 2, Điều 117 Bộ Luật Hình sự với khung
hình phạt từ 10 đến 20 năm tù giam.”
FB Vũ
Quốc Ngữ cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, an ninh Việt Nam bắt giữ
ít nhất 13 người theo cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hoặc ‘lợi dụng quyền
tự do dân chủ,’ và kết án 14 người cũng theo hai tội danh trên với mức án từ 4
năm đến 15 năm tù giam.”
Cả hai tội danh thượng dẫn đều rất mơ hồ – nếu chưa
muốn nói là hàm hồ – chỉ để che đậy cho những sự thực (phũ phàng)
liên quan đến việc tranh chấp đất đai ở xứ sở này:
Hiến pháp 1959 vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai” như Hiến
pháp 1936 của Liên Xô mà nó được coi là một bản sao. Cho dù, từ thập
niên 1960 ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970 ở miền Nam, ruộng đất của nông
dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức thuộc
về “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980…
Chiều 18-1-2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại
hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư
liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn
Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục tùng đa số”. Nhưng,
tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng
bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản
xuất” quan trọng nhất.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc,
tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Chính cái được mệnh danh là “chế độ công hữu” này
đã sản sinh ra vô số những “vụ cướp ngày” từ mấy thập niên qua:
“Chỉ đến thời đại của Internet và đặc biệt là mạng xã hội,
những vụ cướp đất đầy tai tiếng mới được phơi bày, luôn luôn đầy bạo lực, máu,
nước mắt, và tù tội. Những cái tên đất, tên làng đã đi vào… lịch sử cướp đất:
Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm, Dương Nội, Thủ Thiêm, và nhiều nữa… (Đoan
Trang, Trịnh Hữu Long. “Chính
Trị Việt Nam: Một Thập Kỷ Nhìn Lại.” Luật Khoa Tạp Chí
30/12/2009).
Tác giả Đỗ
Thúy Hường tóm gọn:
“Luật ngày càng rườm, dài. Nhưng ‘tim đen’ của luật lại rất
đơn giản. Nó nằm ở nội hàm của từ ‘quản lý’… Chỉ bằng một câu viết trên giấy ‘Đất
đai (về hình thức) là sở hữu toàn dân, (nhưng thực chất) do nhà nước toàn quyền
quản lý’… Thế là, lập tức 50-60 triệu nông dân đang có ruộng, phút chốc biến
ngay thành tá điền của đảng.”
Phải cần thêm bao nhiêu dân oan, bao nhiêu mảnh đời bầm
dập, và bao nhiêu gia đình nông dân tan nát nữa để cái nhà nước hiện
hành có thể “hoàn
thiện CNXH ở Việt Nam vào cuối thế kỷ này” ?
Tưởng Năng Tiến