10 September 2022

NHỚ… TỪ MỘT LẦN COI PHIM - Nguyễn Hoàng Quý

Sau cuộc tấn công đợt 2 Mậu Thân của Việt Cộng, nhà tôi cháy rụi. Khi lên Đà Lạt học, tôi xin tá túc ở nhà cô tôi ở cuối đường Phan Đình Phùng. Mỗi chúa nhật, tôi và người em họ ra phố đều nhìn thấy những hình ảnh oai hùng và đẹp mắt: sinh viên sĩ quan (SVSQ) trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam và trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị đi phố cuối tuần!

Thỉnh thoảng tôi cũng gặp người cháu gọi bằng cậu đang học khóa 25 trường Võ Bị ghé thăm. Cháu lớn tuổi hơn tôi, con đời trước của chồng người chị cô cậu nhưng xưng hô với mọi người trong gia đình tôi như các cháu con đời sau của anh chị. Khi lên học Đà Lạt ghé thăm cô dượng tôi cũng xưng hô với cô dượng bằng ông bà, các em tôi bằng cậu dì, như ruột thịt.

Nhân coi lại phim The Longest Day (Le jour le plus long), đến đoạn người con trai tướng Eisenhower xin ra chiến trường sau khi trị thương ổn định, chỉ huy của anh ta không bằng lòng vì chưa thể chiến đấu như người bình thường được. Vợ tôi bảo: Đâu phải con ông Tướng muốn gì cũng được! (dầu là muốn đi chiến đấu) trong khi ở Việt Nam thì…

Chuyện lan man với vợ làm tôi liên tưởng đến người cháu dễ thương đã quá cố này, đến những kỷ niệm với cháu hơn 45 năm trước ở Đà Lạt. Sáng nay, lại đọc trên BM blog bài viết “Chuyện ở Học viện Quân sự West Point”. Rất thú vị và điều này thúc đẩy tôi viết lại vài hàng những kỷ niệm với cháu và những điều tôi biết về trường.

Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam nhận sinh viên đã có bằng tú tài II, trúng tuyển sau khi thi đậu vào trường, có thời kỳ phải vượt qua cả kỳ thi vấn đáp. Khóa sinh được gửi học ở quân trường Quang Trung Sài Gòn 3 tháng để tiếp thu phần huấn luyện cơ bản. Quang Trung là TTHL cho tất cả những người lính bình thường!

“Sau khi xong ở Quang Trung, bọn cháu (khóa 25) được xe đón về trường ở Đà Lạt để học chính thức. Khi xe vào đến cổng trường, một lễ đón tiếp tân khóa sinh diễn ra long trọng, có cả quân nhạc oai hùng, ai cũng rơm rớm nước mắt, cứ như tổ quốc đã giao vận mạng đất nước vào tay mình nhưng khi vượt qua bảng ghi khẩu hiệu “Tự thắng để chỉ huy” trước cổng, lệnh từ chỉ huy ban xuống: “Vất ba lô, tất cả chạy quanh vũ đình trường ba vòng!”. Ba vòng vũ đình trường là 3 cây số! Và từ đó, bắt đầu thời kỳ “huấn nhục” diễn ra trong 56 ngày với những thử thách cực kỳ cam go mà nếu không dốc lòng chắc khó mà tồn tại. Cháu kể cho tôi nghe những ngày mới về trường như thế. Có lần, cháu ghé thăm, khi tôi lấy xe đưa về, cháu giành chạy xe, tôi bảo, đường lạ để mình chạy, cháu bảo SVSQ Võ bị không để người khác chở trừ phi là những người cùng trường. SVSQ cũng không được đi xe lam, không được ngồi quán cóc, không ăn uống ở lề đường, ở các quán xá bình dân mà phải vào nhà hàng, tiệm ăn sang trọng. Đó là tinh thần “Tự thắng để chỉ huy”, tôi nghe mà ngạc nhiên pha lẫn thích thú.

Mỗi cuối tuần, phố phường Đà Lạt bỗng đẹp thêm và sang trọng nhất là khu Hòa Bình nhờ có các SVSQ vừa VBQG vừa CTCT đi phép. Nghe kể mỗi sinh viên đều có bốn bộ complet là lễ phục gồm 2 bộ tiểu lễ và 2 bộ đại lễ, hai cho mùa đông và hai cho mùa hè. Chỉ đến khi SV xong thời kỳ huấn nhục, được “gắn alpha” thì mới được đi phép ra phố với lễ phục, mới “được tôn trọng” như con người, mới được cư xử theo hiến pháp và luật pháp. Còn huấn nhục thì cứ gọi là bị đày đọa đến cùng và bị ít nhiều là tùy hên/xui.

Chuyện bị sĩ quan chỉ huy hay huấn luyện viên phạt là bình thường nhưng việc bị khóa đàn anh phạt mới là cắc cớ, mới là kinh hoàng, là ác mộng, và việc này có thể xãy ra ngay trong tiệm ăn, nhà hàng, giữa khu Hòa Bình Đà Lạt, năm hai phạt năm một, khóa 24 phạt khóa 25 là chuyện thường.

Sau Mậu thân, do tình hình an ninh sau biến cố này, các trường khuyến cáo SVSQ không nên đi quá Ngã Ba Chùa trên đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng cũng thế. Có lần tôi theo cháu vào thăm trường, cậu cháu vào câu lạc bộ uống café, khi vào nơi này phải đi ngang nhà ăn, ở đó treo tại các vị trí trang trọng ảnh của các khóa sinh từ khóa I là những vị tướng nổi tiếng và đang tại nhiệm của quân lực VNCH. Cũng ở nhà ăn, cháu kể khi ngồi vào bàn ăn, từ động tác bưng chén cơm, đưa vào miệng đến đặt lại xuống bàn đều phải theo hình thể hình học và theo các phương vuông góc với nhau. Không hiểu người ta thực hiện việc này nhằm mục đích gì nhưng nghe kể thật là thú vị và điều này giúp người nghe hình dung được hình ảnh người sĩ quan quân lực VNCH mang lon thiếu úy khi ra trường!

Từ ngoài cổng đi vào, ghi nhận đầu tiên và cũng là sự thán phục của tôi là mọi nơi đều sạch sẻ, ngăn nắp, nhà cửa, phòng học, đường đi lối lại được bố trí ngay ngắn, sạch đẹp hơn cả công viên và chắc chắn đây là do bàn tay chăm sóc của khóa sinh (chỉ khi so sánh với hai nơi tôi đã từng biết: Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn ở Ninh Hòa và Trung tâm Huấn luyện Đống Đa ở Phú Bài, Huế).
Cháu cũng được nghe các niên trưởng kể lại rằng đêm trước ngày làm lễ ra trường cho các khóa tốt nghiệp, các SVSQ trực ở Đài Tử Sĩ giữa khuya thường nghe tiếng chào nhau, tiếng chân mang giày đi trận về đi rầm rập nhưng không thấy người, hỏi đơn vị trước đây của nhau của vong hồn các sĩ quan đã tử trận nên ai cũng sợ phải trực ở đó! Không biết thực hư thế nào?

Chuyện tôi được nghe kể nhiều, không chỉ riêng từ cháu là nội dung đào tạo và áp lực khi học trong trường. Từ năm 1966, trường VBQGVN thực hiện học trình 4 năm, bằng tốt nghiệp được công nhận có giá trị như bằng cử nhân dân sự nhưng tôi biết, khi ra trường họ là một sĩ quan đa năng đa hiệu, biết lái xe, biết chèo thuyền, biết sữa chữa nhỏ khi xe hay ca nô hỏng hóc, biết nhảy đầm, biết mưu sinh thoát hiểm, biết tổ chức một chương trình văn nghệ hay một đêm vũ hội hóa trang… Điều này làm tôi liên tưởng đến trường Võ bị West Point ở Mỹ và khi tìm hiểu thì đúng là trường học tập mô hình đào tạo của West Point. Mời bạn đọc những trích đoạn này trên BM blog: “Ở Mỹ nghe ai nói tao từng học ở West Point, người ta nhìn mình từ trên xuống dưới, như 1 thực thể lạ, một con người hoàn hảo. Không xếp hạng được vì nó không có thể có tiêu chuẩn để xếp”.
“Chương trình học từ thiên văn vũ trụ đến cách bắt tay, cách uống rượu vẫn tỉnh táo, cách gấp mùng mền chiếu gối đến tranh luận các tác phẩm của Victor Hugo. Trên thông thiên văn, dưới tường địa chất, giữa thấu nhân tâm”.

“Ở West Point, có một slogan là cứ đưa cho tôi một người không phải tâm thần, tôi đều có thể đào tạo thành 1 công dân ưu tú”.

Trích dẫn trên làm tôi liên tưởng tới slogan chữ to đặt ngay trước trường Đào tạo Người nhái ở bán đảo Cam Ranh trước 1975 đại để là: “Việc gì người thường không làm được, người nhái phải làm được!” Tôi không ở gần cháu được lâu vì không còn học ở Đà Lạt năm sau nhưng sau này nghe gia đình kể lại rằng, trước ngày ra trường, người anh em cột chèo với ba cháu là một dân biểu có thế lực ở Sài Gòn có nhã ý đề nghị vận động cháu về làm việc ở Nha Quân pháp bộ Quốc Phòng để khỏi đi chiến đấu nhưng cháu lễ phép cám ơn và từ chối với lý do là không thể phụ lòng tin và mong mỏi của trường. Cả nhà không đồng tình nhưng nễ cháu và không tiếc lời ca ngợi nhà trường.

Ra trường, cháu về đơn vị tác chiến của SĐ2 BB (đóng ở Quảng Ngãi mà mùa hè đỏ lửa 1972 cũng đã xãy ra những trân kịch chiến với Bắc quân), đó là điều mà cháu lấy làm tiếc vì khi ghi danh vào các binh chủng lừng danh như Thủy quân luc chiến, Biệt động quân, Nhảy dù… đã có những đồng môn đỗ cao hơn chọn trước và hết chỗ! Khi cuộc chiến kết thúc, cháu đã mang quân hàm đại úy. Đẹp!

Sau 1975, khi cháu đi tù về, thỉnh thoảng tôi có gặp đôi lần, vẫn như xưa với nụ cười hiền và mắt sáng khi cười, vẫn lễ phép, nhã nhặn, sau đó lại nghe cháu về Sài Gòn làm việc cho một HTX của bạn cùng khóa, hợp tác xã này ưu tiên và ưu đãi cho tất cả đồng đội ở tù về. Sau này, rất vô tình, tôi lại gặp một cựu sinh viên khóa này ở thị trấn tôi làm việc, vậy là anh ta gọi tôi bằng “cậu” và kể lại câu chuyện trên cùng những chia sẻ về sau khi cháu bệnh ở Sài Gòn rồi qua đời và khóa 25 đã giúp đỡ vợ con cháu như thế nào.

Vẫn biết rằng, “La comparaison n’est pas raison” (mọi sự so sánh đều khập khiểng), đem so sánh trường West Point thành lập từ 1802 với trường VBQGVN ra đời ở Đập Đá, Huế năm 1950 (nhưng chỉ với học trình 9 tháng rồi tăng dần lên 4 năm từ năm 1966) là không ổn nhưng tôi nghĩ, sinh viên VBQGVN cũng không khác gì West Point như mô tả dưới đây: “Nhìn các học viên WP đánh đàn, nhảy, khiêu vũ, võ thuật, hát, ảo thuật, thám hiểm, vẽ…hay thậm chí tỉ mỉ ngồi cắt tỉa giấy để rèn luyện đôi tay khéo léo, bạn sẽ thấy mình sẽ phải cố gắng thật nhiều. Một ngày chỉ có 24h, là công bằng cho tất cả mọi người. Chúng ta phải ngủ 6-8 tiếng, ai cũng chỉ còn 16h trong ngày. Nên phải chia ra, làm gì, học gì trong quỹ thời gian ít ỏi đó. Một WPer nếu sáng sớm không nộp được bảng mô tả công việc trong ngày (daily to-do list) cho bạn trưởng nhóm, thì coi như nắm chắc suất cuốn gói về quê”.

Với tuổi đời chỉ ¼ thế kỷ, chương trình và nội dung đào tạo lúc đầu theo mô hình Pháp rồi Mỹ nhưng trường đã góp phần không nhỏ cho sự lớn mạnh và làm rạng danh quân lực Việt Nam Cộng Hòa với những chiến công lẫy lừng của những sĩ quan đã từ đó ra đi, đã làm những cố vấn Mỹ và sĩ quan đồng minh chiến đấu chung chiến hào không tiếc lời ca ngợi và cả người của “bên thắng cuộc”. . . sau khi chiến tranh chấm dứt vẫn còn nễ phục kể cả khi họ chỉ là một tù nhân đang bị đày đọa trong các trại tù.

Nguyễn Hoàng Quý