27 September 2022

VỀ GIỮA MÙA MƯA - Ngô Nguyên Dũng

ĐÊM MÙA MƯA BẮT ĐẦU

Chuyến bay từ Dubai tới Sài Gòn thưa khách. Tôi ngồi một mình một dãy ba ghế. Xong bữa tối, tôi nằm đắp chăn, nhắm mắt chập chờn. Và nghĩ ngợi vu vơ. Về những cơ duyên cho tôi cơ hội về thăm quê nhà lần này. Về chỗ trọ mới trong ngôi nhà "hoành tráng" của người bạn thân thời đi học. Về một gặp gỡ và những hành trình sắp tới. Về để thăm lại đất và người của tháng năm trước đại dịch. Về như thể đối diện những thử thách của nội tâm, trước ngoại cảnh.

Cũng như một đêm tháng mười cách đây một thập niên, thành phố sinh quán chào đón tôi bằng một cơn mưa. Nhưng khác, vì mưa đêm cuối tháng tư lần trở lại này ào ạt, mịt mù đến nỗi viên phi công phải lượn vòng gần ba mươi phút trên không phận phi trường, mới có thể hạ cánh xuống phi đạo.

Trong sảnh kiểm soát chiếu khán nhập cảnh chỉ thấy du khách của chuyến bay này. Nhân viên phi trường cắm cúi làm việc. Một ngẩng mặt. Rồi huơ tay thờ ơ bấm bàn phím, quét mắt nhìn những thông tin hiện trên màn hình. Và lẳng lặng đóng mộc. Nơi băng chuyền nhận hành lý, có bà du khách đang lớn tiếng phân bua thùng cạc-tông của bà bị thấm nước rách, nhiều món quà rơi rớt đâu hay đã bị ai lấy mất. Hành lý không phải qua máy soi. Chỉ mất khoảng ba mươi phút là xong mọi thủ tục. Cổng đến loe hoe vài chục người. Ra đón tôi lần này chỉ có ông anh, cô cháu dâu và người bạn mới. Mưa vẫn tầm tã. Cô cháu dâu phải vất vả hơn một tiếng mới gọi được tắc-xi.

Trên đường tới nhà trọ, người tài xế bắt chuyện, phàn nàn về hiện trạng giao thông trong thành phố. Tuyến đường xe điện Sài Gòn - Suối Tiên vẫn chưa hoàn tất. Mặt bằng đại lộ Lê Lợi vẫn chưa được "giải phóng" hoàn toàn. Nhiều nơi, đường sá "xuống cấp" trầm trọng, không được sửa chữa. Cho ra vẻ bận rộn, "họ" đào lên chỗ này chỗ nọ, rồi lấp lại. Tôi lắng nghe, thỉnh thoảng góp đôi lời vô thưởng vô phạt. Mọi chuyện với tôi vẫn còn quá mới. Khung cảnh phố xá một đêm mưa nhiệt đới hai bên đường tuy đã quen mắt, nhưng cảm xúc trong tôi gần như mới vì những thay đổi. Chỗ trọ. Bạn đồng hành. Khung cảnh, thời gian, và tâm tư tôi.

Chỗ tôi ở trọ lần trở lại này là một ngôi nhà tráng lệ nằm trong một hẻm cụt, cạnh phố Phú Mỹ Hưng, quận bảy. Nhà có ba tầng, mỗi lầu một phòng: "phòng mùa xuân", "phòng mùa hạ" và "phòng mùa xuân". Có vài phòng để trống. Chúng tôi được bạn dành cho "phòng mùa thu". Còn có thêm một sân thượng được bạn văn vẻ đặt tên "vọng nguyệt lầu" bày biện nhiều chậu cây cảnh.

Đêm bên hồ Bán Nguyện, phố Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn 

Người bạn này của tôi lúc trước là dân học trường Tây, cha Nhật mẹ Việt. Tôi quen bạn qua một người bạn khác. Chúng tôi đã một thời khắng khít nhau, gặp mặt gần như mỗi ngày, dẫu không học chung trường. Thân thiết đến vậy, nhưng tính tình bạn và tôi khác nhau như đêm ngày. Bạn lanh lẹ, hoạt bát bao nhiêu thì tôi rụt rè, lặng lẽ bấy nhiêu. Tôi gặp bạn, la cà cùng bạn chỗ này chốn nọ, có lẽ chỉ để khỏa lấp những khiếm khuyết của tâm tính mình. Tôi du học trước bạn một năm. Không liên lạc nhau nhiều thập niên dài. Rất tình cờ, bạn quen biết một ông bạn ở cùng thành phố với tôi. Bạn qua thăm ông và chúng tôi gặp lại nhau. Bấy giờ bạn tôi đã trở thành "đại gia", chuyên sưu tầm đồ cổ. Nhà bạn ở Genève, đã có lần bạn giới thiệu cho tôi xem qua màn hình ipad, trông như một tiểu bảo tàng viện. Bạn xây nhà ở Sài Gòn, luôn miệng dặn dò: "Về Sài Gòn, mày cứ tới nhà tao ở. Đừng ngại gì hết nha!"

*

Chúng tôi tới nơi thì mưa cũng vừa tạnh. Đã gần nửa đêm, nhưng vì bạn tôi chưa ăn tối, nên chúng tôi được anh quản gia trẻ hướng dẫn đi ăn khuya. Quán nhỏ ven đường Huỳnh Tấn Phát bán hủ tiếu hoành thánh chỉ có chúng tôi là thực khách. Không ngon, nhưng "ngon" ở không gian ăn. Đơn giản. Buồn buồn. Mát se se và cách tiếp đãi ân cần, cũng như điệu bộ liến thoắng của cậu bé hầu bàn, hẳn là con của vợ chồng chủ quán.

Đêm đầu tiên trong căn phòng mùa thu đầy đủ tiện nghi như trong khách sạn bốn sao, tôi trằn trọc vì trái múi giờ, nằm nhắm mắt, vẽ ra trong trí những dự tính. Hai tháng rong chơi ở Việt Nam, trời ơi, có bao giờ tôi nghĩ tới chuyện ấy. Nhớ lại lúc trò chuyện với ông anh bên Mỹ. Sau khi anh hỏi tôi có định về để gặp nhau không, tôi bối rối đáp, anh ơi, em muốn về lắm, nhưng kẹt nỗi… Anh nói ngay, anh sẽ tặng em tiền vé máy bay. Những ngày kế tiếp, tôi liên lạc mua vé. Nhằm lúc dịch bệnh đã bắt đầu giảm, đã có vài hãng hàng không mở lại tuyến đường về Sài Gòn. Và sứ quán Việt Nam cũng đã cấp giấy miễn thị thực, cho du khác nhập cảnh trở lại. Tôi chỉ phải để ý tuân hành vài thủ tục ngăn ngừa dịch bệnh mà thôi.

Để rồi, đêm nay, tôi có mặt tại Sài Gòn, nơi tôi ra đời và sống qua quãng đời niên thiếu. Mọi chuyện diễn tiến như một trò ảo thuật. Trên sân khấu vĩ đại và cuồng nộ của đời sống trong thời chiến. Cánh màn nhung mở ra, rồi khép lại. Tấn tuồng vui buồn theo chu kỳ thời tiết. Lần này, khi mùa mưa bắt đầu. 

Trước bưu điện Sài Gòn

Lúc thiếp đi thì trời đã hây hây sáng. Dưới lòng hẻm vọng lên tiếng rao hàng ghi băng: "Bánh mì nóng giòn đây!", và "Bánh chưng! Bánh giò!" Chỉ bao nhiêu đó, lặp đi lặp lại mỗi sáng sớm.

Trong nhà của bạn tôi, đã có sẵn bốn, năm chiếc xe gắn máy. Bạn nhắn tin, chúng tôi cứ tự tiện lấy chạy. Anh quản gia trẻ mời chúng tôi đi ăn sáng. Phở. Quận bảy có nhiều hàng quán của người miền Bắc vào sống sau một chín bảy lăm. Đầy dẫy những quán phở tên hiệu một chữ. Quán này ghi thêm hàng chữ "phở Bắc chính hiệu". Vào ngồi thì thấy trên bàn có đầy đủ tương đen, tương đỏ, tỏi ngâm giấm, và hầu bàn tự động mang ra một dĩa rau quế, ngò gai, rau om và giá trụng. Tôi có cảm tình với những tiệm phở có đầy đủ gia vị như vậy. Ai thích, cho vào. Không thích thì thôi, cớ gì phải ọ ọe: "Phở Bắc không ai ăn thế!" Lạ chưa, có ai bắt ăn đâu!

Sau đó, tôi và bạn ghé uống cà-phê ven đường, dưới bóng mát tàn cây rậm. Cho bạn, một đen đá không đường sữa. Cho tôi, một cà-phê sữa đá. Cà phê đựng trong ly nhựa, có muỗng nhựa và ống hút, đậm vị, ngon không ngờ. Và rất rẻ. Tôi thích ngồi vỉa hè, lê la ăn uống. Chỉ cần sạch sẽ tương đối là đủ. Với tôi, những hàng gánh vỉa hè là nơi lý tưởng để tôi vừa nhẫn nha thưởng thức, vừa theo dõi sinh hoạt đường phố.  

Nắng ngày đã găng gắt nóng. Tiếng động giao thông rộn rã đầu trưa. Còi xe vang liên tục, tiếng rụt rè, tiếng gắt gỏng. Những người bán vé số tới mời chào không ngớt. Tôi có cảm tưởng, dường như nhiều hơn trước. Có lẽ là hậu quả ngăn đường cấm chợ vì đại dịch sau hai năm đằng đẵng? Những tương phản của đời sống vật chất trong thành phố năng động này bắt tôi nhiều lúc băn khoăn. Chỉ cách ngôi nhà khang trang của bạn tôi một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, chạy thêm vài trăm thước, là tới khu phố nhà giàu Phú Mỹ Hưng. Không gian thay đổi chóng vánh như nắng mưa. Bên này là đường Huỳnh Tấn Phát, huyết mạch của quận bảy, với hàng quán bình dân san sát và giao thông hối hả đêm ngày, ngang dọc những con hẻm mạng nhện. Bên kia là đại lộ Nguyễn Lương Bằng với bốn làn đường dành cho xe hơi và hai làn dành cho xe máy ngược xuôi, hai bên là khách sạn cao tầng, siêu thị, cao ốc văn phòng cùng những quán xá cao cấp, giá bán gấp đôi gấp ba những nơi thị tứ. Những con đường nhỏ yên tĩnh bên trong. Vườn hoa và hồ nước trồng súng. Những căn biệt thự gắn hệ thống máy ghi hình tự động, lặng lẽ tới độ đáng ngờ…

Một quán cà-phê trong con đường sách, Nguyễn văn Bình, Sài Gòn.

Trưa hôm ấy, trong không gian êm ả và ẩm nóng của Phú Mỹ Hưng, bất chợt tôi nghe lại chuỗi âm quen. Inh ỏi. Giòn giã. Chợt vang chợt tắt. Tiếng ve. Thanh âm như thể ứa ra từ một tùy bút của Võ Phiến, trong một truyện ngắn của Đặng Mai Lan, từ ký ức những mùa hè hoa niên tôi. Cũng trong thành phố này. Nhưng ở một nơi khác.

NĂM NGÀY Ở SÀI GÒN

Sài Gòn vào mùa mưa, chiều nào trời cũng rớt một cơn rã rượi. Đôi khi, vừa hừng sáng, tôi chợt thức giấc vì tiếng mưa lao xao mái ngói. Những ngày này, không còn nghe vang vẳng tiếng rao hàng ghi băng lè rè thường lệ. Tôi nằm trong căn phòng kín màn, nhá nhem sáng tối, lắng nghe nhạc mưa vỗ về, rạo rực hân hoan như trẻ nhỏ một sáng không phải đi học.

Nhớ lại chiều hôm trước, tôi và bạn tới tham dự bữa cơm tái ngộ cùng các cháu trong một quán ăn Tây của đứa cháu trai ở Bình Thạnh. Đường từ quận bảy về Phan Xích Long xa dịu vợi. Vì đường sá chưa rành, nên chúng tôi lạc lối, chạy lòng vòng mất gần một tiếng mới tới nơi. Dự tính trước đó tạt ngang chùa Vạn Thọ ở đường Hoàng Sa, bên dòng kênh Nhiêu Lộc, Tân Định, để thắp nhang hồi hướng công ơn sinh thành và dưỡng dục của ba má, cũng như để tưởng nhớ vợ chồng cô em gái, phải dời lại ngày hôm sau.

Trong ký ức tôi, thuở thập niên một chín sáu mươi, chùa Vạn Thọ nằm sâu trong xóm Chùa, bên một ao nước thủy thảo thưa thớt, bùn lầy, rác rến hôi hám. Chỉ thấy thôi, chứ chưa lần nào tôi vào trong. Giờ đây, chùa đã được tân trang, tọa lạc trên đường Hoàng Sa, ven kênh đào Nhiêu Lộc, mà tôi nhớ thuở trước được gọi là sông Cầu Mới. Tro cốt ba má và vợ chồng đứa em gái được anh chị em và các cháu tôi đem gởi trong đó. Mỗi lần về Sài Gòn, tôi đều ghé ngang thắp nhang.

Trưa nay, trong khi tôi còn đang loay hoay cúi tìm hộp đựng tro cốt vợ chồng đứa em gái, thì một sư bà áo lam bước lại, giọng ân cần:

"Ông tìm tên ai?"

Tôi nói tên và reo lên tiếng nhỏ, đây rồi, rồi trỏ tay vào hai hộp dán bài vị người quá cố nằm kề nhau. Sư bà nhoẻn cười, chặc lưỡi bâng quơ:

"Lâu rồi, không thấy ai tới thắp nhang."

Nói xong, sư bà ngồi xuống, kéo hộc tro cốt ra đặt trên đùi, rút khăn lau bụi. Cử chỉ bà chậm rãi, thận trọng, như sợ làm đau những nỗi niềm sinh tử.

Tôi thắp nhang, thầm thì, anh về thăm hai em. Cũng như mới nãy, con về thăm ba má… Tôi ngỏ lời cảm ơn sư bà, rồi ra về. Xế trưa hôm ấy, lúc trời còn thắp nắng, tôi nhờ bạn chở đi thăm lại những con đường tuổi hoa niên. Từ Hoàng Sa về phố Tân Định, nơi tôi mở mắt chào đời, quẹo phải Trần Khắc Chân, rẽ phải Trần Khánh Dư, chạy tới cuối đường rẽ trái Nguyễn văn Nguyễn, lúc trước là Nguyễn Hữu Cảnh. Rồi Trần Quí Khoách. Và Đặng Tất, số bảy. Cảm xúc tôi lần này không như lần đầu tiên. Nỗi nhớ xòe lên. Như que diêm vừa bật, chợt tắt ngúm trước mưa gió cuồng bạo những thay đổi. Không còn thấy cây trứng cá sau cổng sắt sơn xanh. Không còn thấy hàng rào cắt tỉa tươm tất. Không còn thấy thấp thoáng bên trong từng vạt ngói rực nắng… Lúc chạy ngang, tôi chỉ thốt được mấy tiếng:

"Đây rồi! Nhà cũ của anh… không còn cây trứng cá… em ơi!"

Giọng tôi bạt gió, tan theo những mất mát… Và những Đặng Dung, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần văn Thạch, Bà Lê Chân chợ Tân Định, Hai Bà Trưng, … Tôi về thăm lại. Tôi băng ngang, băng ngang những lối cũ một chiều mây giăng, khi những giọt mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống, ngỡ như những giọt nước mắt chia sẻ cùng tôi những hoài niệm.

Khuya ấy, trở về nhà trọ, tâm tư tôi cứ mãi vướng víu giai điệu và lời hát: "Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải. Nơi những sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái… Ở đó có những… Ở đó ngó thấy…" ()

Vậy mà, đêm nọ, khi tôi và bạn tới một quán nhạc hát với nhau ở đường Điện Biên Phủ, Phan Thanh Giản cũ, tôi không hát ca khúc này mà rên rỉ "Tiễn Em". Tôi và bạn, ai cũng thích âm nhạc và thích hát. Bạn tôi hát kiểu này nhiều lần rồi. Còn tôi, đêm ấy là lần đầu tiên tôi thử nghiệm. Tôi hát như trẻ thơ thuở nào, chiều chiều cầm cuốn nhạc tự chép trên tay, ra ngồi ghế xích đu, một mình thỏ thẻ. Nhiều lúc tôi trẻ thơ chẳng hiểu nhạc sĩ bóng gió điều chi, cứ vậy mà hát thôi. Cất giọng để nhớ tới tiếng hát cô Lệ Thanh năm xưa, cớ gì cứ xui "người ta" khóc là sao? Có gì vui đâu, sân ga đèn vàng một đêm chia tay tuyết trắng não nùng? "Nơi em có trăng soi. Anh một mình rét mướt. Trời mùa đông Paris, suốt đời thèm trăng soi." ()

Để rồi, nhiều thập niên sau, tôi thấy mình tóc trắng chuốc giọng đê mê về một đêm mùa đông tha hương tiễn đưa người yêu dấu trở lại quê nhà. Tôi như thằng bé vướng hội chứng tự kỷ, đứng ôm con thú bông nhồi vụng về những hình ảnh quá khứ đã vỡ nát từ lâu, vỗ về lời ru:

"Có bao giờ em hỏi

Quê hương mình ở đâu

Có bao giờ em đợi

Tháng mấy trời mưa ngâu

Bây giờ em mới biết

Em đã chết từ lâu." ()

Tôi cũng tưởng mình "đã chết từ lâu"… Nhưng không, trong lần về thăm quê nhà này, mới hay rằng, đáy lòng tôi vẫn còn âm ỉ tro than những mưa nắng thanh xuân.

*

Trước nhà hát thành phố đường Đồng
Khởi (Tự Do cũ), Sài Gòn

Sài Gòn đang hồi sinh sau hơn hai năm hôn mê vì dịch bệnh. Công trình xây cất tuyến đường xe điện Bến Thành - Suối Tiên dở dang được tiếp tục và đang dở bỏ rào chắn. Cầu Thủ Thiêm 2 đã xong, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt để được cắt băng khánh thành. Tuy nhiên, chợ Bến Thành và những ngã đường thương mại sầm uất trước đây hai năm vẫn chưa hồi tỉnh. Cứ mỗi lần đi ngang ngã ba Tự Do - Lê Lợi hay Nguyễn Huệ, lòng tôi lại bồi hồi hồi tưởng những công trình kiến trúc cũ. Góc này, ngày xưa, là tiệm bánh Givral. Nơi đây là rạp chiếu phim Rex. Chỗ nọ là nhà hàng Thanh Thế. Còn đây là nhà sách Khai Trí, quán kem Pôle Nord, thương xá Tam Đa. Trên con đường này là tòa soạn báo Sống, ở tầng ba là nhà một người bạn, tôi thường lui tới…

Năm ngày đầu tiên tôi trở lại Sài Gòn là khoảng thời gian để tôi lần giở những trang hồi ức ngổn ngang những mặt người, những khung cảnh, những cảm xúc, cũng như làm quen với những biến đổi của thời cuộc và tâm tình mình.

Và sửa soạn hành lý cho hành trình sắp tới.

(07.2022)

Ngô Nguyên Dũng