24 November 2022

CHÚ BÌNH - Nguyễn Chí Thiệp

Những chiếc trực thăng Chinook và UH1B cuối cùng khuất đạng về hướng biển, trời Sàigòn trở lại vắng và buồn, thỉnh thoảng đâu đó vang lên một tràng đạn lẻ tẻ, đường đạn vạch lên khung trời mờ đục, thật xa một vài tiếng đại bác cầm chừng. Phố xá đóng cửa, hoặc chỉ mở hờ đủ cho một người lách ra vào. Trên đường chỉ còn những người lính tan hàng mặc áo trận quần đùi lầm lũi từ ngoại ô đi vào thành phố, những người không di tản kịp dìu dắt vợ con trở về nhà. Mọi người buồn và lo. Sàigòn hồi hộp chờ đợi đài phát thanh truyền lệnh. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cho các đơn vị trưởng giữ vững vị trí để chờ lệnh. Không còn ai tin vào những lệnh của cấp chỉ huy quân đội đã rã ngũ vào chiều 29-4-75.

6 giờ 30 chiều, ba tôi không mở đài BBC như mọi ngày, ông đã thất vọng vì biết chính phủ VNCH không còn nữa. Ông chỉ ngồi thở dài. Mới vài ngày mà ông đã già và tiều tụy hẳn đi.

9 giờ sáng ngày 30-4-75 đài Sàigòn loan tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Lệnh của tướng Hạnh cho các đơn vị trưởng quân đội VNCH tiếp xúc với cấp chỉ huy quân giải phóng bàn giao địa điểm. Tôi không cầm được nước mắt, cả nhà tôi ai nấy đều khóc, dù tin đầu hàng không còn đột ngột như cách một tháng trước tin Đà Nẵng thất thủ; nhưng khi sự thật được xác nhận càng khiến cho tôi cảm thấy bàng hoàng.

Ngày 25-3-1975 từ Sàigòn tôi về Đà Nẵng để đưa gia đình ba mẹ và các em tôi vào Sàigòn. Cuộc di tản đầy kinh hoàng ra khỏi thành phố quê hương đã ảnh hưởng đến tinh thần tôi, tôi suy thoái và chán nản cùng cực. Vào được Sàigòn, gọi tất cả bạn thân bảo chuẩn bị để ra đi lánh nạn Cộng Sản. Tôi nói với các bạn một khi miền Trung mất thì không tài nào giữ được Sàigòn và phần đất còn lại tại miền Nam. Dường như bạn hữu tôi không ai tin, ai cũng nói là họ không đi. Chưa bao giờ ra đi ngoại quốc, nên tôi thấy một quyết định ra đi đơn độc quá táo bạo, muốn bạn bè cùng đi để nương tựa nhau. Không ai đáp ứng lời bàn gọi của tôi. Nhưng giờ đây họ đã đi hết rồi. Suốt ngày 29-4 tôi gọi điện thoại đến nhà từng người thì không còn ai ở nhà.

10 giờ kém 15 phút toán quân Việt Cộng  đầu tiên vào đường Hùng Vương, Thị Nghè. Đi đầu là những chiếc tank T-54 và thiết giáp PT-76 có bộ binh đi theo. Cần anten mỗi xe có cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thỉnh thoảng có một cờ đỏ sao vàng của Bắc Việt. Chiếc tank đi đầu dừng lại ngay trước nhà tôi vì trên cầu Thị Nghè còn một chiếc M-41 án ngữ. Một tràng đại liên của người lính dũng cảm cuối cùng nào đó từ pháo tháp chiếc M-41 làm số người tò mò ra đứng hai bên đường chạy rạt vào các hẻm. Một người lính Cộng Sản ngồi trên xe tank và hai người lính Cộng Hòa tan hàng đi trên đường chết ngay lúc đó. Đoàn xe tank Cộng Sản lùi lại một đoạn và chuẩn bị tư thế tác chiến. Hai phát đại bác làm cháy chiếc M-41. Chiếc M-41 có xác người lính chiến đấu tự sát được ủi qua một bên để quân Việt Cộng  đi vào trung tâm Sàigòn. Một người lính Biệt Động Quân tan ngũ bị thương lết vào nhà tôi xin băng bó.

Buổi tối Đài truyền hình Sàigòn phát hình cảnh chiếm Dinh Độc Lập, chiếc T-54 ủi sập cánh cổng chính, không một kháng cự, trên xe một người lính nhảy xuống cầm cờ MTGPMN chạy vào dinh, ra trước lan can lầu vẫy cờ.

Chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, toàn bộ nhóm người đầu hàng được chiếu trên màn ảnh, ông Dương văn Minh, ông Nguyễn văn Huyền, Vũ văn Mẫu, Nguyễn văn Hảo, Lý Quí Chung và một số người khác. Đám đông chính phủ có vẻ né né trước một anh bộ đội Bắc Việt nhỏ con gầy ốm. Người bộ đội này không đeo cấp bậc, nhưng chắc là sĩ quan cao cấp, mặt anh hênh hênh đắc thắng, đôi môi thâm xì nhưng con mắt sáng có vẻ gian xảo quỉ quyệt.

Kết thúc hai mươi mốt năm chiến đấu bằng một quyết định đầu hàng không điều kiện sau một tháng đổ sụp không kháng cự. Từng tỉnh, từng Sư Đoàn rã ra từng mảnh rồi bỏ chạy trước khi địch đến, thật vô lý..

Trong 21 năm, có khi dành nhau từng tấc đất, từng ngọn đồi, rồi kết thúc kỳ cục, người thua không biết tại sao mình thua, mà kẻ thắng cũng ngỡ ngàng vì không hiểu tại sao mình thắng.

Theo quân Bắc Việt cán bộ Cộng Sản các ngành vào miền Nam tiếp thu các cơ sở, những cán bộ miền Nam tập kết được ưu tiên vào Nam.

Chỉ mới hơn một tháng mà Sàigòn thật nhiều thay đổi. Trừ những khu vực chợ trời như đường  Hàm Nghi và Trương Minh Giảng, nhà phố đều đóng cửa im lìm. 

Sau thời gian trăng mật ngắn ngủi giới thiệu với dân Sàigòn bằng những cuộc lễ trong tháng năm, Ủy Ban Quân Quản ra lệnh các sĩ quan binh sĩ và công chức VNCH trình diện ở cơ sở nộp hết giấy tờ. Công an bắt đầu đi sục sạo bắt bớ. Cái hy vọng mỏng manh về việc thực thi hòa hợp hòa giải tan như làn sương mỏng trong nắng mai.

Sau bài học tập đầu tiên ở các khóm, ấp mà cán bộ Cộng Sản không dấu diếm nên nói rõ ra là thành phần “tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt và tay sai phải qua giai đoạn tập trung cải tạo”.

Chú Bình đến gia đình tôi vào buổi chiều có mưa nhẹ trong tháng Sáu. Mới 6 giờ chiều, đường Hùng Vương Thị Nghè, con đường chính từ miền Trung và miền Đông vào Sàigòn vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một xe bộ đội chạy qua. Chỉ có những con chó đói của những gia đình di tản chạy đi bới những đống rác kiếm ăn.

Khi thấy bóng dáng người cán bộ Việt Cộng  mặc áo mưa, đội nón cối đi lại trước nhà, ba tôi tái mặt, ông bảo tôi mở cửa sau trốn ra khỏi nhà. Đã có nhiều trường hợp bắt bớ, nhất là đoàn công tác của công an Liên khu 5 đã vào Sàigòn lục lạo để bắt những sĩ quan, viên chức các tỉnh miền Trung.

Người nhà ra mở cửa, người cán bộ giới thiệu một lúc ba tôi mới nhận ra bà con. Chú Bình bà con một đầu ông nội với ba tôi, lúc nhỏ chú được gia đình cho vào “Vùng tự do” ở Quảng Ngãi để đi học, và chú tập kết ra Bắc năm 1954. Ba tôi tiếp khách lạnh nhạt vì tính ông đã ít nói, ông lại không thích “người ở bên kia” dù là bà con thân tộc.

Sợ mếch lòng, tôi phải ra chào hỏi. Câu đầu tiên chú Bình hỏi làm tôi ngạc nhiên:

– Tại sao cháu không đi ra nước ngoài? Về đến Đà Nẵng nghe nói là gia đình còn ở lại Sàigòn, mà không đi, thật vô lý.

Tôi chưa biết trả lời thế nào thì chú Bình nói tiếp:

– Cháu có biết nhiều cán bộ theo đoàn quân về Nam, chỉ muốn mặt trận cầm cự được thời gian để họ ra hồi chánh để mong chạy ra ngoại quốc không?

Ba tôi vẫn dè dặt:

– Đã có hòa bình rồi, ở lại trong nước sống như người bình thường họ nỡ giết hết sao?

Chú Bình sẵng giọng:

– Làm sao sống như người bình thường được. Trong chế độ XHCN không có người dân nào là bình thường. Tất cả phải vào trong một bộ máy, người bị gạt ra khỏi guồng máy đó là phản động. Người ta thi hành chuyên chính của giai cấp vô sản. Không phải chỉ kể tội cá nhân, mà mang cả tội giai cấp nữa. Không thuộc giai cấp vô sản là bị liệt vào hàng ngũ phản động. Cháu là viên chức trong chính quyền mà sao cháu kém hiểu biết về chế độ Cộng Sản thế.

Bị chê là kém hiểu biết về chế độ Cộng Sản tôi hơi tự ái nên cãi lại:

– Cháu cũng biết là Cộng Sản độc tài, tàn ác, vô nhân đạo, nhưng chạy ra ngoại quốc vừa là chuyện phiêu lưu, vừa nhục nhã, vả lại Hiệp định Ba Lê có qui định là không trả thù.

– Cháu lại ngây thơ, cháu đừng nghĩ trả thù là họ giết hết. Họ không giết, nhưng cháu sẽ bị đưa đi các trại cải tạo. Giữ người trong các trại cải tạo có lợi hơn là giết. Chú tưởng cháu không tin vào chính sách hòa hợp hòa giải của chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam mới đúng. Chính phủ này có quyền gì đâu. Tất cả đều được quyết định tại Hà Nội.

Tôi nói rõ ý nghĩ của tôi:

– Không phải cháu hoàn toàn tin. Nhưng chỉ có ba lựa chọn, hoặc là phải chết – cháu không làm được chuyện đó, hoặc là chạy ra nước ngoài, trong lúc mình bị hoảng hốt, thất vọng mà tụi Mỹ nó chửi người di tản là tham nhũng, trốn chạy, mình thấy đi thì nhục quá. Ở lại, thì phải tự tìm cho mình một niềm tin, dù rất mỏng manh. Bây giờ cháu biết quyết định đó là sai, chỉ vì xúc động nhất thời, không nhìn thấy xa, thì trễ rồi.

Bữa cơm xoàng trong gia đình đã làm cho chú Bình xúc động. Chú nói từ lúc vào đến Đà Nẵng, chú mới được ăn thịt bò, dù chú là cán bộ trung cấp, ở ngoài Bắc từ lâu dân chúng và cán bộ cấp dưới không được ăn thịt bò. Trâu, bò là sức kéo, không được làm thịt. Chỉ có hai hạng người được ăn: thứ nhất là cán bộ cao cấp ở trung ương – họ viện lý do cần bồi dưỡng cho những người có công tác quan trọng, nên cần có tiêu chuẩn cao; thứ hai là những người phụ trách các hợp tác xã chăn nuôi, khi có nạn dịch hay bão lụt, trâu bò chết thì họ nhân cơ hội làm thịt ăn bừa đi rồi báo cáo trâu bò chết vì dịch hay vì lạnh là xong.

Nhìn thấy những em nhỏ vào bữa ăn chào mời lễ phép chú Bình khóc. Chú không nhìn thấy những hình ảnh đó từ lâu rồi. Trẻ em miền Bắc rất mất dạy, một mặt vì đảng chủ trương đưa trẻ em ra khỏi gia đình để chúng trung với đảng hiếu với dân, nên dạy cho trẻ em đấu tranh cả những người thân thích kể cả cha mẹ. Mặt khác vì cuộc sống khó khăn cha mẹ không có thì giờ chăm sóc con cái. Cảnh sống chung chạ trong những hộ gia đình chật hẹp, đụng chạm gây gổ nhau suốt ngày. Những đứa trẻ mới mười ba, mười bốn tuổi đã chửi thề ăn nói tục tĩu, vào lớp học thì đã biết chọc thầy cô, thầy cô không làm gì được, vì học sinh có hội, có đoàn bảo vệ.

Chú Bình nói, ông Hồ Chí Minh chủ trương một trăm năm trồng người, đào tạo thế hệ Cộng Sản thứ ba, thứ tư thành con người mẫu để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nhưng kết quả chỉ tạo ra một lớp người máy, ngu dốt, ham chuộng vật chất và vô luân.

Chú Bình nhờ được hưởng quy chế ưu đãi người tập kết, chú được đi học ở Liên Sô với cấp bằng Phó tiến sĩ trở về làm giám đốc một phân bộ nhà máy hóa học ở khu kỹ nghệ Thái Nguyên. Chú vào Nam theo phái đoàn tiếp thu kỹ nghệ Biên Hòa. 

Tôi hỏi chú thấy kỹ nghệ ở miền Nam như thế nào. Chú Bình nói lúc ở miền Bắc, chú đọc tài liệu của đảng nói miền Nam nghèo đói, sống nhờ trên đống rác của Mỹ, công nghiệp chỉ sản xuất được các “đồ nhựa xấu xí”. Vào đến miền Nam chú thấy tài liệu tuyên truyền đều sai sự thật, so với miền Bắc thì khu kỹ nghệ Biên Hoà rất hiện đại. Về khu kỹ nghệ Thái Nguyên, chú Bình nói nếu trên cương vị một đảng viên chú nói đó là một khu công nghệ vĩ đại của nước ta do đảng và bác Hồ muôn vàn kính yêu lập nên; nhưng nếu đứng trên cương vị một kỹ thuật gia thì chú nói đó là đồ bỏ đi. Khu kỹ nghệ Thái Nguyên được xây dựng bằng số tiền tám trăm triệu miền Bắc thời giá năm 1958, một số tiền rất lớn, máy móc mua lại của Trung quốc. “Bác Hồ” bị Mao Trạch Đông lừa bán máy móc cũ của Nhật trang bị cho thành phố Đường Sơn từ thời 1935-1938. Cho nên hiện nay máy không còn cơ phận thay thế. “Bác Hồ” và Trung ương đau lắm, nhưng sợ mếch lòng đàn anh Trung quốc nên không dám nói.

Tôi dẫn chú Bình đi xem sinh hoạt thương mại ở khu chợ Bến Thành, dù việc mua bán và hàng hóa giảm đi quá nửa nhưng chú Bình cũng chóa mắt vì hàng, chú nói chú đã đi khắp các thủ đô các nước Đông Âu kể cả Bá Linh và Praha là hai thành phố có sinh hoạt cao nhất khối Cộng Sản, hàng hóa cũng chưa bằng một phần tư Sàigòn. Không đâu được mua hàng tự do có lựa chọn. Nơi đâu cũng thiếu hàng và mua bán theo chế độ phân phối, người mua được bán cái gì nhận cái đó, không có quyền lựa chọn. Hàng thiếu, được bán là may mắn. Nếu không xài được đem ra bán ở chợ trời cũng có lời.

Những ngày chú Bình thường đến nhà chơi, chú thường đến nhà chơi, chú cháu nói chuyện chẳng mấy lúc mà thân. Chú nói không phải ở miền Bắc ai cũng tin vào đảng, những người tuổi trẻ, được đi học ở Liên Sô và Đông Âu, cũng có được nhận định là không thể trông vào chế độ Cộng Sản có thể làm được gì cho đất nước. Nhưng những nhận định đó không thể bộc lộ cho người khác vì sợ. Cộng Sản cai trị dựa trên thuật làm cho dân sợ, chính sách nhân hộ khẩu, và chế độ công an nhân dân làm dân đói phải bám vào đảng và dân sợ không dám chống đối. Tiêu diệt hết sức đề kháng, người ta chấp hành mãi thành một phản xạ ai cũng phải chịu đựng để mà sống; nếu bị đi các trại tập trung vì tội phản động khổ hơn là chết.

Chú Bình biết là dân chúng miền Nam có truyền thống đấu tranh chống chính quyền, chú hy vọng vào sức đề kháng đó.

Trước khi trở lại miền Bắc, chú nói với tôi, dù là đã có một vợ và hai con, dù là đảng viên và sắp được đi sang Liên Sô học tiếp để lấy bằng tiến sĩ nhưng nếu có một cuộc chiến đấu lần thứ hai chú không ngần ngại tham gia.

Chú đã nói với tôi thật nhiều chuyện về thực tế đời sống của miền Bắc cũng như trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa mà theo chú Bình là một xã hội hoàn toàn bế tắc, không thể phát triển và phục vụ cho con người. Xã hội đó không xứng đáng để tồn tại.

Tôi không ngờ chỉ trong một thời gian ngắn mà tôi đã học thêm được nhiều chuyện, những gì trước kia còn mơ hồ nay đã sáng tỏ. Trước kia tôi luôn luôn ở trong tình trạng mâu thuẫn. Sách vở học được cũng cho thấy chế độ Cộng Sản là không thể chấp nhận được. Không còn hình ảnh kháng chiến, hình ảnh những con người đi làm cách mạng để giải phóng cho đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang vẫn khiến tôi khâm phục. Những bài học lịch sử chống ngoại xâm từ lớp tiểu học vẫn mãi mãi đậm nét trong tim tôi. Nhưng chú Bình đã cho tôi thấy rõ lịch sử đã bị lợi dụng, cả cái viện Sử học được lập nên ở Hà nội để chỉ nhắm mục đích tìm ngụy chứng cho tính dân tộc của đảng Cộng Sản. Thực sự độc lập dân tộc chỉ là một giai đoạn chiến lược, để người Cộng Sản bước đến cuộc cách mạng vô sản của họ, để họ thống trị toàn dân, đem dân tộc nô lệ cho hệ thống Cộng Sản quốc tế. Đối với người Cộng Sản thuần thành, không có dân tộc mà chỉ có đảng, không có con người mà chỉ có giai cấp đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù giai cấp để được quyền lợi cho một số người lãnh đạo đảng. Về mặt tinh thần thì Cộng Sản đang xây dựng một tôn giáo dùng hận thù làm động lực phát triển.

Nhưng hận thù chỉ là một thuật nhất thời, vì hận thù không hợp với con người. Xã hội loài người có những mâu thuẫn thù hận, có những điều xấu – Nhưng căn bản con người vẫn là tình thương. Hận thù, lòng tham là sản phẩm của bản năng, của thú tính, của phần hạ cấp của con người; nhưng con người còn phần thăng hoa, còn quả tim, còn hướng về tình thương, chỉ có tình thương mới là sự kết hợp rộng rãi bền vững. Chứng cớ sống trong Xã Hội Chủ Nghĩa trong hơn 20 năm, là đảng viên, nhưng đảng đã không nhuộm đỏ được những con người như chú Bình. Đảng chỉ tạm thời khuất phục họ bằng bạo lực, nhưng nếu có dịp thì họ sẽ vùng lên chống lại đảng. Đến lúc đó chắc chắn đảng phải sụp đổ. Chế độ Cộng Sản được xây dựng trên một lý thuyết phản tự nhiên, không phù hợp với con người chắc chắn sẽ bị đào thải, nó chỉ còn sức mạnh ở tổ chức, kết hợp với nhau bằng kỷ luật sắt tàn bạo, nhưng khi kỷ luật không còn thì đảng phải tan rã.

Tôi đã có một niềm tin trở lại là dân tộc Việt Nam sẽ không bị tiêu vong vì họa Cộng Sản. Sự thua trận chỉ là tạm thời, chắc chắn sẽ có những cuộc đấu tranh mới dưới hình thức khác hơn cuộc chiến đấu cũ vừa mới kết thúc.

Tôi quyết định không đi trình diện học tập cải tạo theo thông cáo của Ủy Ban Quân Quản vào những ngày 13, 14 và 15 tháng Sáu. Nhưng tôi đã không trốn thoát được, tôi bị bắt vào năm 1976.

Ra tù năm 1988, tôi được biết chú Bình đã đi học ở Liên Sô vào năm 1979; chú đã thành công bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1982, nhưng chú đã không trở về nước, chú trốn ở lại Liên Sô hay đi một nước nào khác cả gia đình không ai biết. Thím Bình bị tước đảng tịch, không được đi dạy học, hai người con bị đuổi ra khỏi đại học.

Tôi nhớ lời nói của chú Bình trước khi chia tay, chú không ngần ngại tham gia một cuộc chiến đấu thứ hai trong đời. Hoàn cảnh đất nước quá khó khăn, nhiều tổ chức đối kháng bị tiêu diệt trong trứng nước. Chưa có được một cuộc chiến đấu mới để chú Bình tham gia. Chú phải quyết định trốn ở nước ngoài.

Nguyễn Chí Thiệp