22 November 2022

VỀ - Ngự Thuyết

Bọn họ là những người sống xa quê hương trên dưới 40 năm. Có người gần 90 tuổi, hầu hết trên 80. Họ hẹn gặp nhau mỗi tuần một lần. Rồi chỉ được một thời gian ngắn, mọi người đồng ý mỗi tháng gặp nhau hai lần. Lại vì sức khoẻ kém, hoặc lái xe lọng cọng, thì mỗi tháng cố gắng một lần vậy. Thế mà vẫn có người bỏ cuộc vì lý do này, lý do khác. Có người đi không bao giờ trở lại. Coi bộ muốn vĩnh viễn ra đi?

Mà gặp để làm gì? Nói chuyện phiếm, gợi lên dăm bảy kỷ niệm đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đến nhàm chán. Và còn để ăn uống với nhau là phần chính nữa chứ. Vâng còn ăn là còn sống như một người nêu lên ý kiến đó. Tôi ăn, tức là tôi hiện hữu. Nghe có vẻ triết lý đấy chứ. Nên được mọi người khác tán thưởng. Vâng gặp và ăn phải luôn luôn đi đôi với nhau. Nhưng dường như – điều này bị bỏ quên không nói ra – gặp để điểm danh ai còn ai mất.

Trước kia ăn uống nhồm nhoàm, thiếu đường không kịp nuốt. Càng về sau càng “kén cá chọn canh”, ăn chẳng thấy ngon, cố nuốt cho xong nợ. Đấy là cái triệu chứng gì vậy? Trước kia, 10 người 10 tô gì đó đầy nhóc, cộng thêm vài món ăn chơi mới cảm thấy thoả thuê. Nay 5 tô mỗi tô chia hai, 10 người ăn không hết. 

Lại nữa, khi vào nhà nhiều người muốn cởi giày ra, không phải vì chủ nhà muốn thế, mà vì muốn nhẹ chân, thoải mái. Có bạn còn cởi cả tất, đi chân không như “hài nhi” cho mát mẻ, khoẻ khoắn. Càng bô lão, càng bé dại. 

Trước kia họ thường gặp nhau tại những nhà hàng ế khách, vắng khách, dễ ngồi lâu chuyện trò. Về sau thay phiên gặp tại nhà của nhau thấy tự do hơn, thích hơn. Khoẻ ngồi, mỏi nằm. Họp tại nhà có các bà tham dự cũng thêm phần hào hứng. Thức ăn lại do các bà nấu chắc chắn “heo thi” hơn. Nhưng phiền một nỗi, các bà noi gương các ông, già theo, và mệt mỏi, tuy người nào cũng thuộc lòng câu hát: “Em như cô gái hãy còn xuân/ Trong trắng thân chưa lấm bụi trần.” Nên họ hết ham trổ tài nấu nướng. 

Một bà lắm chuyện, nhất là chuyện tiếu lâm, bô bô: 

“Chúng mình ai cũng lớn tuổi rồi, không nên nấu nướng.”

Bên cánh các ông lão, có người lên tiếng:

“Bà chị nói chí lý. Đã già mà còn mò vô bếp ga, bếp điện, lò sóng bi ba, lỡ thò tay bấm lộn nút gây hoả hoạn.”

Nhưng cũng có người phản bác:

“Đâu đến nỗi. Tôi biết đằng nào thì bà chị đây vẫn thường phải nấu nướng mới có bữa ăn tươm tất cho anh chị. Tôi biết anh chị ở riêng, con cái đều ở xa. Không lẽ hai người đi ăn tiệm? Hay ăn cơm chỉ? Quanh năm suốt tháng?”

Một ông khác hỏi:

“Cơm chỉ là cái quái gì?”

“Là ra mấy cái cửa hàng bán cơm mình tới đó xỉa ngón tay chỉ món nào mình muốn mua.”

Bà lắm chuyện cười đáp:

“Mấy ông không hiểu ý tôi.” Rồi cố khề khà. “Các ông ơi, xin chịu khó nghe. Tôi phải thủng thẳng kể cho có đầu có đuôi có xuôi có ngược mới lọt lỗ tai. Bà già không nên nấu nướng vì ai nấy đều biết rằng thì là người mình Bắc Nam nhiều lúc chỉ định một thứ nhưng nói khác nhau. Chẳng hạn Nam nói nấu Bắc nói đun, Nam nói nướng Bắc nói thui. Nấu nướng thành đun thui. Nói lái thì sẽ là đui thun. Mà đui là mù, thun là co. Rồi lại nói lái thành ...“

Các bà không ai bảo ai đều vội vàng đồng thanh la toáng:

“Thôi, thôi, chị ơi, đủ rồi. Có cái chuyện vô duyên đó mà cứ nói đi nói lại hoài. Kỳ.”

Tuy ăn không còn ngon miệng, nhưng nếu không có cái gì nhâm nhi cũng thấy thiếu thiếu. Và câu chuyện bớt phần đậm đà.Cuối cùng, một khám phá vĩ đại. Khỏi cần các bà nhọc lòng làm thức ăn thức uống. Chỉ một cú điện thoại gọi đến nơi chuyên lo việc đặt tiệc, thức ăn nóng hổi sẽ được mang đến tận nhà, đúng giờ đúng giấc. Muốn gì có nấy, phở, hoặc bún bò Huế, hoặc mì Quảng, hoặc bánh xèo, bánh nậm, vân vân. Lại có cả chén, bát, đũa, muỗng, ly, tách, toàn là đồ giấy. Ăn xong, cho đồ giấy vào bao ny lông to, đem ra ngoài cửa, bỏ vào thùng rác. Khoẻ ru.

Lần này họp tại nhà ông Tiến. Ông gợi ý:

            “Tôi vừa nghĩ ra một đề tài mới, muốn mang ra để anh em mình ‘cãi nhau chí choé’ cho vui. Các bác đồng ý chứ?”

Mọi người vui vẻ tán thành.

“Chúng ta ai cũng có dịp trở về thăm nhà vài ba lần,” ông Tiến tiếp lời. “Theo tôi biết, có bạn về nhiều lần lắm, năm nào cũng về. Vậy mỗi bạn thử kể lại chuyện chuyến đi của mình. Chắc chắn sẽ hấp dẫn.”

            Ông Sở, người già nhất, thủng thẳng đáp:

“Tôi còn ai bên đó nữa đâu mà về.”

“Tôi cũng vậy,” Ông Quan nói. “Bảo lãnh hết đợt này đến đợt khác. Sạch trơn cả rồi. Không về nữa.”

Ông Tiến tiếp lời ngay:

“Thì kể lại chuyện trước kia, trước khi bảo lãnh hết trơn như trường hợp anh Quan. Với lại ngay cả khi không còn bà con thân thích bên nhà, cũng về được chứ. Về thăm những nơi mình từng sống cả tuổi trẻ, cả một thời gian khá dài trong đời. Từng có kỷ niệm vui buồn không ít thì nhiều.”

Một ông khác lên tiếng:

“Đúng, đúng. Thăm quê cũ, thăm bà con chòm xóm láng giềng ngày xưa. Thăm một vài người bạn còn sót lại trong khi đa số chúng mình qua đây cả rồi. Người ở lại mới là người đáng được thăm ...”

Một người khoái trá cướp lời:

“Và thăm bồ nhí nữa.” 

Ông Tiến vui vẻ phản đối:

“Già mà ham. Vài mươi năm trước. Hoạ may.”

Một ông, tóc mới hoa râm thôi, bộ râu mép tỉa gọn gàng, da dẻ còn hồng hào, trịnh trọng nói:

“Tôi khác các bạn. Tôi về xây lại nhà từ đường cho khang trang, hoành tráng. Họ hàng trông vào chịu lắm. Cuối năm nay về nữa để trùng tu mồ mả tổ tiên. Họ tôi khá lớn. Mà mình là Việt kiều. Phải cư xử thế nào ngó cho được con mắt chứ.”

Ông Phương tỏ vẻ khó chịu:

“Bạn ơi, Việt kiều mất giá rồi. Việt kiều thua Việt cộng.”

Người đàn ông tóc hoa râm, tên là Tuân,cãi gượng gạo:

“Cũng có nhiều loại VC. VC đại gia, VC trung gia, VC tiểu gia, và cả VC khố rách. Không phải VC nào cũng ngon hơn tôi đâu.”

Một giọng nói khác gióng lên khàn khàn:

“Làm gì có VC khố rách.”

Lại một ông già mặt mày đăm chiêu, nhăn khúm như cái bánh tráng nướng bị nhúng nước lên tiếng, vừa nói vừa cười khẽ:

“Anh Tuân ơi. Tôi công nhận anh còn ngon lắm, đừng lo.” Quay qua nhìn chủ nhà. “A cái anh Tiến này, nghe tôi nói đây. Cũng có những người lòng nguội lạnh, không muốn nhớ cái quá khứ khốn nạn đó, không muốn thăm cái gì ráo cả, thì sao? Nghĩa là không ưa về nữa.”

“Nhưng tại sao không ưa về, hả anh?” Ông Tiến ôn tồn hỏi.

“Tại sao hả?” Cao giọng gắt gỏng. “Thì tôi vừa nói đó, sao mau quên thế.”

Ông Tiến, ngạc nhiên về cái thái độ ấy, chau mày đáp:

“Vầng, già rồi, mau quên. Xin hỏi lại, tại sao? Tại sao không về?”

Ông già mặt nhăn khúm đáp:

“Hỏi tức là trả lời.”

“Hỏi mà là trả lời?” Ông Tiến cãi. “Hôm nay anh ăn phải cái gì mà nói năng vớ vẩn thế?”

“Anh đừng nói cái kiểu lấc cấc như thế. Ai vớ vẩn? Anh cần tôi giảng giải cho rõ nghĩa hay sao? Thì đây. Anh hỏi vì anh thắc mắc, phải không? Nhưng tại sao anh thắc mắc? Đó là tại vì anh đã mang trong đầu một định kiến về tôi. Nghĩa là anh đã có câu trả lời đoán mò nào đó. Đoán mò nhưng cũng có khi trúng. Đó là câu trả lời. Vâng, tôi chưa bao giờ về và cũng không bao giờ về tới cái xứ mà tôi ... cũng như các anh ở đây,  đã ... trăm phương nghìn kế, mới thoát ly ra khỏi.” Ngẫm nghĩ một chốc. “Nay thấy ‘không sao cả’ lại mò về. Như thể một đàn ruồi đàn nhặng, ai đã nói thế nhỉ, bị xua đuổi, bay quanh quẩn, không biết bay đi đâu. Khi thấy yên yên, tưởng không bị để ý, quay về đậu chỗ cũ.”

Không khí trong căn phòng bỗng chùng lại. Mọi người im lặng. Người cầm ly trà uống từng ngụm nhỏ, sặc nước, ho khan; kẻ vớ tờ báo, loay hoay tìm mắt kính đeo vào, làm như muốn tìm đọc cái tin gì quan trọng lắm. Một ông già ngồi cạnh ông Tiến, mặt mày có phần ngơ ngác, răng rụng nhiều nhưng không mang răng giả, đầu tóc bạc phờ phạc không chải, tay che miệng ho nhè nhẹ, thỉnh thoảng lẩm bẩm như muốn nói gì, đưa tay lên nửa chừng rồi lại buông xuống. Ông Lâm, người có vẻ ít tuổi nhất, đứng dậy giả lả:

“Mình gặp nhau cho vui, không nên làm mất hoà khí. Tôi thấy anh Tiến, anh Thái, anh nào cũng ... cũng đúng cả. Cãi nhau làm chi, mất vui. Cho nên tôi đề nghị đổi đề tài, nói chuyện khác. Chẳng hạn ...”

Ông già ngồi cạnh ông Tiến ho lên sù sụ. Đấy thường là dấu hiệu ông muốn phát biểu điều gì. Mọi người chờ đợi. Ông thủng thẳng nói, giọng yếu ớt , không mạch lạc, khó nghe, khó hiểu:

“Tui thì tui không đồng ý rằng người nào cũng đúng, cũng sai. Nghĩa là cũng có sai, có đúng. Mà ai sai nhiều, ai đúng nhiều thì chỉ có người đó biết mà thôi. Mình người ngoài không nên ý kiến.”

Nhiều tiếng gióng lên:

“Nghĩa là cái gì? Tại sao không nên cho ý kiến?”

Ông ho sù sụ nhìn quanh ngơ ngác, có vẻ sợ sệt, nói tiếp:

“Xin lỗi tui nói không rõ. Nói cách khác người ngoài khó đoán biết đâu đúng đâu sai. Thôi thì cứ cho ai cũng đúng. Mà cũng có thể sai. Cho nên tôi nhất trí với chú Lâm. Nhưng  không nên đổi đề tài. Vì còn có lắm điều nhiều chuyện rối rắm lắm. Đổi đề tài, lộn.”

Ông Lâm hỏi gặng:

“Tại sao chú Lâm? Anh lớn tuổi hơn tôi chắc?”

Ông Tiến giải hoà:

“Vâng gọi là bác Lâm đúng hơn.” Xoay qua ông già ho sù sụ ngồi cạnh. “Vậy anh định nói cái gì?”

“Tui muốn mấy chú, à mấy bác, nói chuyện cũ gì gì đó, tức là không đổi chuyện. Vì tui cũng có chuyện cũ. Mà ai lại không có chuyện cũ, để mãi trong lòng, sình bụng khó chịu.”

Ông Tiến như thấy nhẹ nhõm:

“Có phải anh muốn trở lại câu chuyện về nhà. Về thăm nhà?”

“Đó là chú nói chứ không phải tui nói. Nhưng ai cũng có thể nói, chứ không phải chỉ một mình tui. Ta dân chủ mà.”

Ông Tiến vui hẳn lên:

“Tôi hiểu cái ý cuối cùng của anh rồi. Muốn kể chuyện về thăm? Thì cứ nói đi, chúng tôi sẵn sàng nghe.”

Ông già ho lên một hồi dài, mặt mày méo xẹo:

“Tui không có khoa ăn nói, không nói được gì tui muốn nói. Nói xong thấy không phải vậy. Đầu đuôi lộn tùng phèo, chắc các chú không hiểu tui định nói gì. Thôi đừng bảo tui. Lại nói trước quên sau, nói sau quên trước. Chuyện sờ sờ trước mắt còn lộn bậy, huống là. Mà về để thăm bồ, thì tui cũng không có bồ. Mà không có chuyện đó, các chú, xin lỗi, các bác, nghe thiếu vui. Vì vậy cho nên chi tui xin mấy chú cho phép tui đừng nói thì hay hơn. Mà có nói thì nói ít ít. Vì nói dai, nói dài, nói dại, dượng tui dám mắng mẹ tui như vậy đó. Mà đó là chuyện đã lâu, chớ không phải chuyện mới đây.”

Hai ông già ngồi khá xa bàn ăn trầm trồ với nhau:

“Anh biết tên cái thằng cha đó không?”

“Không. Tôi kẹt không họp mặt hai lần liên tiếp. Chắc hắn mới gia nhập nhóm.”

“Tôi còn thua anh. Bị Covid hành mất cả tháng. Tôi định không tới nữa, nhưng lại thấy nhớ. Hôm nay trở lại thì gặp lão này lần đầu tiên. Hắn thần kinh rồi. Nói năng cái kiểu gì lạ vậy.”

“Kệ nó. Có người chịu nói bậy bạ là trám được chỗ rồi. Đỡ phải nghe khích bác lẫn nhau, chính chị chính em ỏm hành ỏm tỏi. Mình chỉ việc ngồi nghe. Nghe chán thì cho lời hắn nói chui qua lỗ tai kia.”

Cả hai cùng cười hô hố. 

Ông già ngồi cạnh ông Tiến nhìn quanh ngơ ngác một hồi, chờ đợi. Không thấy ai nói gì thêm, ông ho một hơi dài.

“Tui muốn về nhà cũ. Lạ quá! Toàn đồi cát, trước kia đâu có. Hình như, trong trí nhớ không OK lắm của tui, nhà tui nằm gần núi đá, mà đá thì cây khó mọc, cỏ may ra, nhiều nơi núi trọc không cỏ, làm gì có cây lớn. Chỉ nhiều cây xương rồng, và mấy cây chi chi đó tui không biết tên. Mẹ tui thì khác. Ngày xưa mẹ tui nói, có sông, có ruộng, và vườn cây ăn trái. Có mấy thứ trái nghe thật lạ mà tui chưa bao giờ thấy chớ đừng có nói là ăn, tức là trái cóc trái nhái trái nghèo trái bần, trái bòn bon, vân vân. Chắc tui lộn.”

Vài tiếng xì xầm:

“Đúng là lộn xộn.”

Ông tiếp:

“Bỗng tự nhiên mấy ngôi nhà tường đá, mái cũng đá, đường đi cũng đá, đó là chưa kể xa lộ chận ngang, không đi qua được. Đi vòng xa lắm. Phải đứng lại. Lạc đường rồi. May quá, sau tôi, có một đoàn người. Chắc họ cũng lạc đường như tôi, chổng tai lên nghe ngóng, hỏi han. Mà chẳng ai trả lời. Thì cũng chẳng may mắn gì. Đứa con gái nhỏ xíu chạy theo mẹ nó, chớ còn ai vào đó nữa, là bà chưa già, nó đưa một tay lên trời chỉ chỉ, tay kia ôm con mèo Xiêm lông trắng tai đen, miệng đen, đuôi đen, bốn bàn chân cũng đen luôn. Nghe nói giống mèo này linh lắm. Tôi rất nhớ con mèo đó. Con nhỏ nói tiếng Anh nhỏ quá, tui lắng nghe, nhưng tui lãng tai, không hiểu. Bà mẹ đi như chạy. Chẳng biết phải làm gì, tui chạy theo luôn. Thấy thế, con nhỏ hát. Bài gì nhỉ, nghe quen quen, nhưng không phải bài hát trong phim Charade. Tui thích coi mu-vi. Thích bài hát đó, nó ám ảnh tui. Quên lời rồi, hát vài nốt thôi nhé, la si la mi ré la ... sol la sol fa la mi ...Xin lỗi tui nói tới đâu?”

Ông Phương sốt ruột:

“Anh Mão ơi, vào chuyện ngay đi. Đừng vòng vo tào lao nữa.”

“Dạ, dạ. Xin lỗi tui nói tới đâu?”

“Tới chạy theo bà mẹ con nhỏ.”

“Bà bảo chỉ vài chục cây số nữa là tới. Sao xa quá vậy, vô lý. Tôi hỏi chẳng thấy ai trả lời. Cô gái, tức là con nhỏ, ngó tui cười. Bà bảo xa gì mà xa. Mà xa thì có xe đây. Quả có một chiếc xe hơi cũ móp méo đã đậu bên đường chờ nổ máy, người lái là một người Mễ. Cạnh đó có hai ba người ở xứ nào khó biết. Chắc cũng Mễ, hay Nam Mỹ. Họ giống nhau lắm, như mình giống Tàu, giống Nhựt, giống Mường. Mà cũng khác.”

“Thôi, thôi, thôi. Kể tới ngang đó là quá đủ rồi,” một người lớn tiếng nói như ra lệnh.

“Thì cứ nghe kể tiếp đi đã,” một người khác lên tíếng. “Tôi thấy cũng ngộ ngộ, nghĩa là hay, rất hay. Trên trung bình.”

Một ông già đốp chát:

“Rất hay mà trên trung bình? Phải ưu chứ. Tối ưu chứ.”

Ông già đang kể chuyện đâm hoảng:

“Tôi đã nói mà. Tôi nói dở lắm, và trật, và lộn, và quên. Tui xin một chú khác kể tiếp câu chuyện của tui.”

Một ông già móm mém nói lầm bầm:

“Kể tiếp? Sao lại có chuyện người khác có thể kể tiếp chuyện riêng của anh? Thôi, đừng kể nữa là hay hơn cả. Đồ ăn nguội hết cả rồi.”

“Hôm nay ăn đồ nguội đổi bữa,” một ông khác tiếp lời. “Bánh mì thịt nguội thì còn nguội cái nỗi nào nữa. Ai đói cứ việc vừa gặm bánh mì vừa nghe anh Mão kể chuyện thần tiên. Cắn đau răng thì bẻ nhỏ ra mà ăn, khỏi kiếm dao kiếm kéo, mất công. Xin anh Mão cứ kể tiếp. Tìm được nhà không? Mà sao lại có Mễ lọt vào trong câu chuyện? Ly kỳ quá. Ha Ha.“

“Cám ơn chú khen tui. Tui xin được ... à, à Mễ hả? Đúng, vì vùng tui ở hồi đó có nhiều người Mễ. Tôi muốn về thăm một lần xem sao. Cát lún, đi mỏi chân. Hình như không lạc đường. Bà mẹ lấy khăn lông ra lau mồ hôi. Con mèo bị bà cú vào đầu cái bốp đau kêu meo meo. Gió thổi mạnh. Cát mịn bốc lên trông như khói, hít vào ấm, sặc. Cô gái buông con mèo ra, đưa hai bàn tay nhỏ xíu chận gió. Con mèo nhảy qua vai bà già làm lành. Bà già hét mày xui lắm. Chó mới hên. Vì mày mà tìm không ra nhà. Bà kéo mạnh nó xuống khỏi vai. Nó cố rị lại. Bà rách áo, rách vai, ba bốn vết máu kéo dài tươm ra. Bà giật mạnh con mèo, ném nó xuống đất nghe cái bịch. Rồi đi mau với đứa con gái, mà đoàn người thì đã đi xa rồi. Con mèo bị ném mạnh không đau chạy theo kịp ngay. Chân ngắn mà chạy mau hơn người, tui thương nó quá không phải vì tui tuổi mão. Bà bảo đứa con gái trói nó vào một gốc cây bên đường. Nó vùng vẫy, sợi dây cột chặt quanh cổ càng chặt thêm, vùng mạnh, dây siết, máu chảy. Cái cổ con mèo Xiêm lông trắng thành lông đỏ. Mà cứ vùng, cào cát thành đống to chung quanh, sập xuống lấp cả thân hình, lòi cái đuôi và cái đầu cựa quậy. Nhưng hai con mắt xanh mở to nhìn tui. Tui quay người đứng lại mới thấy mắt nó. Rồi tui mắt không rời đi thụt lùi xa nó dần cho đến khi không thấy nó nữa, mà nghe thì cứ nghe, hết meo meo rồi, chỉ còn gầm gừ khặc khẹo. Tui bịt tai, nhắm mắt, để hết biết. Cứ thế thụt lùi, vấp té. Khi mở mắt ra, mọi người biến  mất. Đi tới không biết đường, đi lui sợ gặp con mèo xui. Mà tui thương con mèo lắm.”

Nói tới đó, ông già ho lên sù sụ. Cố cầm cơn ho thì hai mắt đã đỏ kè. Mọi người trong phòng xì xầm. Ông Tiến ngập ngừng nói với người kể chuyện:

“Chuyện anh vừa kể nghe cũng ... cũng được. Mà có thật hay tưởng tượng?”

“Có thật chứ nhưng nhớ nhớ quên quên.”

“Vâng, cám ơn anh. Bây giờ xin anh kết thúc ngắn gọn. Vì ... vì còn để thì giờ cho mấy ông bạn khác kể chuyện của họ. Một cách vắn tắt, anh về Việt Nam năm nào, tháng nào, ngày nào? Về thành phố nào? Hay làng nào?”

Ông già ngẩn người:

“Tui ... tui có bao giờ về Việt Nam đâu. Nhưng có nghe nói. Mẹ tui nói hoài.”

“Vậy nãy giờ anh nói cái chi?”

“Tui đã nói tui không biết nói mà. Các chú cứ để tui nói.”

Hai ba ông già khác cùng lên tiếng một lúc:

“Thôi được, vậy anh định về đâu mà lạc đường? Về thành phố nào, làng xóm nào?”

Ông già ngơ ngác: 

“Tui về đâu hả? Tui về nhiều nơi. Vì tui ở nhiều nơi, nên có nhiều nơi để về. Nhớ hết sao nổi mấy chú ơi. Cho tui nói thêm, không dài đâu mà sợ. Tui  qua Mỹ khi còn trong bụng mẹ. Nghĩa là mẹ có chửa tui chớ không phải mẹ bồng tui trên bụng. Hai mẹ con sống bên nhau, như đàn gà chỉ một mẹ một con không rời. Lúc thúc bên nhau suốt ngày, có chi ăn nấy. Đêm thì cánh mẹ đắp lên con ấm áp yên giấc cho tới sáng. Khi tui 6, 7, 8 tuổi gì đó,thì mẹ tui chết. Chỉ có hai mẹ con mà mạ bỏ con đi. Buồn lắm mấy chú.” 

Nén cảm động, ho khan, lấy lại bình tĩnh: 

“Hồi mẹ tui còn sống, mẹ thường nhắc tới tên cái làng của mẹ là làng Hiền Sĩ, và có con sông không có cầu, có đò ngang đò dọc không chạy bằng buồm mà bằng chèo, mẹ cũng biết chèo, và giặt áo quần, chiếu, rửa chén, làm cá, vo gạo. Nước sông sạch, không sao cả con. Mẹ có nói tên con sông, nhưng tui quên mất. Khi nào mẹ nhớ làng ăn cơm nuốt không nổi, rũ xuống như cây bông thiếu nước lâu ngày, bắt tui ngồi trong nhà một mình tối thui, mẹ ra ngoài hiên ngó trời ngó đất lâu thật lâu. Mẹ tui không nói được  tiếng Anh, nhờ đó tui nói tiếng Việt Nam giỏi hơn tiếng Mỹ, tiếng Mễ. Khi lớn, mấy tuổi không nhớ, tui có sống ở Mễ cả năm trời với một con nhỏ. Tui thích hát, nó thích nghe. Mà còn chuyện này nữa. Hồi đó, hồi nào quên mất, có một ông dượng. Thỉnh thoảng ông tới ăn, may là ít khi. Một bữa ông đòi rượu, bắt tui đi mua, người ta không bán rượu cho con nít. Tui nói ông không tin, cú đầu tui đau điếng, rồi lấy dây thòng lọng thòng vô cổ tui dọa. Mẹ la thất thanh. Ông nói ông giỡn. Ông trở lại mấy lần rồi biến, lần nào mẹ cũng làm hung dữ. Nhưng tui không muốn kể  chuyện đó với ai nữa. Hay là ... cứ kể hết trọi ra đây ...”

Ông già mặt mày nhăn khúm vội vàng ngăn lại:

“Thôi, thôi, anh đừng kể. Nhưng chuyện này hơi vô lý. Anh nói đi hồi 75 còn trong bụng mẹ, mà nay trông anh cũng ngang lứa chúng tôi, trên dưới 80. Tính ra ...năm nay 2022 ... vừa mới tưởng niệm 47 năm Miền Nam thất thủ. Thì anh phải còn trẻ lắm, 46, 47 gì đó là cùng.”

Ông Mão, người vừa kể chuyện rề rà, lôi thôi, dài dòng, mệt nhọc, bỗng như tỉnh giấc, mở to mắt, nói lắp bắp:

“Chú ơi, a, bác ơi. Mới gặp nhau vài lần là cùng mà chú đã nói trúng ngay chóc. Đúng, cháu mới 47. Là còn trẻ hả chú? Vậy ra cháu già trước tuổi.”

Ông già ngẫm nghĩ, tính toán, nói một mình, Mão? Tội nghiệp. Anh chàng này đúng là sinh năm con mèo.

Ngự Thuyết