10 December 2022

MAX ĐI HỌC - Lê quang Thông

Tôi cố ý viết đầu đề có ba chữ, đọc lên nghe như “Tôi đi học”, âm hưởng từ ngày tựu trường trước đây non nửa thế kỷ, ngày lứa chúng tôi vào lớp Đệ Thất. Chúng tôi được học hai bài nói về ngày tựu trường, mà rất nhiều người đã thuộc lòng. Bài đầu của một người Huế : Đại tá Quân đội Nhân Dân miền Bắc, Thanh Tịnh. Bài thứ hai của một người Pháp, Nobel Văn chương năm 1921, Anatole France.
Đây là hai bài nằm lâu nhất trong bộ nhớ của nhiều thế hệ :
“Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…” (Quê Mẹ, Thanh Tịnh, 1941).
“ …tôi sẽ kể cho các bạn nghe, tôi thấy lại những gì khi đi ngang công viên Lục xâm bảo, những ngày đầu tháng mười bầu trời buồn và đẹp hơn bao giờ hết; vì đây là mùa lá rụng từng chiếc trên vai những pho tượng trắng…” (Le Livre de mon ami, Anatole France, 1885).
Và hai bài kết thúc bằng câu chót :
Hôm nay tôi đi học
C‘était la rentrée
vang mãi trong đầu nhiều thế hệ.
Sáng nay “lòng tôi lại nao nức” với ngày tựu trường của Max, cháu ngoại của tôi, năm nay 6 tuổi, nhập học vào lớp 1 trường Tiểu học, và sẽ qua 4 năm ở trường này (Grundschule). Đây là một trường Tư thục, học phí khá cao bao gồm cả ăn trưa và kèm cặp buổi chiều, nằm ở trung tâm thành phố.
Hệ thống giáo dục Trung Tiểu học công lập ở Đức rất tốt. Bằng chứng gần gũi là cha mẹ, cậu mợ, cô chú của Max…đều học theo hệ thống này rồi vô Đại học, tốt nghiệp và hiện giữ những vị trí điều hành hay chuyên môn đầy trách nhiệm trong xã hội.
Nhưng mỗi thời một khác. Riêng chỉ gần đây thôi, dịch Vũ Hán cũng đã làm thay đổi rất nhiều sinh hoạt trong mọi gia đình. Cách làm Homeoffice đơn giản là làm việc ở nhà, cũng không dễ cho các vợ chồng trẻ trong việc đón đưa, kèm cặp con cái.
Tìm cho ra một loại trường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phía cha mẹ, phía con cái…không phải là chuyện dễ. Cả năm cuối Max còn ở nhà trẻ, cha mẹ nó đã nỗ lực tìm kiếm và chọn được ngôi trường có truyền thống 136 năm này cho Max.
Hôm nay Max rất chững chạc, áo Chemise tay dài, tóc cắt gọn, mặt sáng rực, vai mang cặp, tay ôm Schultüte (hay còn gọi Zuckertüte là túi hình loa kèn dựng chocolat, bánh kẹo…). Hai bên nội, ngoại của Max đều có mặt trong ngày tựu trường để mừng vui cùng cháu.
Buổi khai giảng ngắn gọn, không trang hoàng màu mè nhưng thân mật. Bà Hiệu trưởng nói đôi lời chào mừng. Các bạn lớp hai vừa múa vừa hát chào các bạn mới và kết thúc bằng phần đọc tên các em lớp một, lên nhận mỗi em một bông hoa Hướng Dương lớn. Các em đứng hàng ngang trước mặt mọi người, ôm hoa cùng Zuckertüte, cặp sách sau lưng, để phụ huynh chụp ảnh lưu niệm.

Max sẽ học trường này trong 4 năm bậc Grundschule. Sau đó sẽ vào một trong 3 loại trường tuỳ theo kết quả học lực của 4 năm đó :
-Hauptschule học 5 năm để lấy bằng Hauptschulabschluss, sau đó 3
năm học nghề, và ra đời với một nghề nghiệp lao động trong tay.
-Realschule học 6 năm để lấy bằng Realabschluss, Sau đó có nhiều khả
năng lựa chọn : hoặc học một nghề trung cấp như Krankenschwester (Y
tá), Bankkauffmann (Nhân viên Ngân hàng)…,hoặc học thêm 2 năm lấy
Fachabitur để vào Fachhochschule.
-Gymnassium học 8 hoặc 9 năm sau Grundschule, lấy bằng Abitur và
vào Đại học (Hochschule, Universität).
Như vậy trẻ được định hướng ngay từ khi xong Grundschule. Cách phân trường, lối đào tạo này rất khắt khe, quyết định tương lai con người từ tấm bé, lúc con trẻ đa số chưa nắm vững hướng đi của chính mình. Lúc mới đến Đức, ít ai hiểu được tường tận cách tổ chức giáo dục bậc Trung học. Tìm tòi đọc thì tiếng Đức chưa đủ, nên chúng tôi tìm cách trao đổi với bạn bè Đức để biết cách học hành của con cái thế nào.
Nhìn chung toàn Cộng hòa Liên Bang Tây Đức, giáo dục bậc Trung, Tiểu học các Tiểu bang đại thể giống nhau, tuy vẫn có nhiều điểm khác biệt theo truyền thống, tập tục vùng miền, tín ngưỡng. Ví dụ Tú tài ở một số Tiểu bang không được nhận vào Đại học các Tiểu bang khác, như một quyết định bất thành văn, nhưng có giá trị.
Về mặt hình thức, tổ chức giáo dục ở Đức có những điểm không giống ai. Ví dụ ở các trường bậc Tiểu học, Trung học không chào cờ, không đồng phục. Dấu ấn quá khứ Đức quốc xã đè nặng trong mọi sinh hoạt xã hội, dĩ nhiên lãnh vực giáo dục không ngoại lệ.
Ví dụ về Nam Hàn xin được mua bản quyền sách giáo khoa Nhật Bản, dịch sang tiếng Hàn để giảng dạy ( ngoại trừ các môn xã hội như văn, sử, địa ), mà không cần đầu tư nghiên cứu thêm, là một điều đáng suy gẫm.
Trong 20 năm, từ 1968 sau quyết định của Park Chung-hee, dùng sách giáo khoa Nhật Bản, Hàn Quốc đã tiến một bước dài trong mọi lãnh vực, đưa Hàn Quốc vào nhóm 24 nước thịnh vượng trên thế giới.
Người thuận bán và người xin mua đều đáng nể trọng. Tư duy phóng khoáng về lợi ích giáo dục, vượt qua ranh giới đất đai, tự hào dân tộc…than ôi ! còn quá xa lạ trên đất nước chúng ta.
Bao lâu mà con trẻ phải mua đến 23 cuốn sách giáo khoa khi đến trường. Bao lâu mà cô giáo còn phải chuốc lục, tô hồng, uốn éo rót bia cho lãnh đạo…thì hỡi ơi ! chúng ta vẫn chưa có điểm bắt đầu.
Ngày tựu trường của cháu, ông ngoại ngồi nghĩ miên man. Con tim vẫn còn giữ những rung động êm đềm nhẹ nhàng từ hai bài học thuộc lòng “Tôi đi học” dù đã hơn nửa thế kỷ. Chính rung động ấy hướng dẫn tâm tư yêu chuộng cái đẹp, nét hồn hậu của cuộc sống. Âm vang “Hôm nay tôi đi học” ngân mãi trong lòng nhiều thế hệ.
Âm vang trong tôi sẽ ngân dài như thế, nếu đừng dự buổi nói chuyện của nhà văn Thanh Tịnh vào khoảng những ngày đầu tháng 4.1975 tại Toà Viện Trưởng, Viện Đại học Huế.
Trong không khí chiến thắng (Huế nằm trong tay Bắc quân từ 26.3.1975) buổi nói chuyện quy tụ những khuôn mặt hớn hở, tự hào được ngồi vào hàng ngũ cách mạng, và dĩ nhiên cùng tham dự không ít người mê khung cảnh làng Mỹ lý ( làng Dương Nỗ của nhà văn), tò mò nhìn thần tượng của mình. Tôi đi theo một người trong Ban Tiếp quản Giáo Dục ở Huế, nhờ còn chạy chiếc Yamaha cà tàng và anh ta cần người chở.
Đại tá Thanh Tịnh, ngoại hình có vẽ phong trần, da tai tái và rất hào hứng nói về đời bác Hồ, như một thánh nhân, với đêm ra đời sấm sét chớp sáng làng Sen, với lòng nhân ái cao vời, đến nỗi khi nhắc tới, ông xúc động đôi vai run run, sụt sùi không thành tiếng, phải quay mặt đi lau nước mắt…giữa một hội trường im lặng, ngơ ngác…
Sau này khi đọc nhận xét của Đoàn Phú Tứ : “ Không ngờ là một nhà thơ trữ tình như Thanh Tịnh lại đi làm trò hề, trò xẩm “, mới biết ông là người tấu thơ nổi tiếng ngoài miền Bắc.
Tập “Đi từ giữa một mùa sen” ông viết 1816 câu, đại loại :
Đó là cậu Nguyễn sinh Cung
Đoạn đầu thiên sử anh hùng vĩ nhân
hay
Đẹp thay anh Nguyễn tất Thành
Sử ca đoạn sáu lừng danh anh hùng
Chuyện không có gì lạ. Chỉ lạ là lối ca tụng sướt mướt, rất đồng bóng, liên tưởng tới cơn lên đồng tập thể. Cho nên cũng không lạ chi khi Xuân Sách vẽ chân dung Thanh Tịnh bằng mấy câu :
Bao năm NGẬM NGÃI TÌM TRẦM
Giã từ QUÊ MẸ xa dòng Hương Giang
Bạc đầu mới biết lạc đường
Tay không nay lại vẫn hoàn tay không…
Đa số những người theo kháng chiến, rồi theo Cộng sản đều tay không, ngoại trừ các ông quan cách mạng. Tay không đã là may mắn lắm, nếu không tù tội, bầm dập đói khát và ê chề với lý tưởng và thực tế. Tay không về mặt vật chất, và suy đồi về mặt trí tuệ vì sợ. Từ đó nhập vào cuộc lên đồng tập thể.
Xin cho tôi sống lại phút giây hồn nhiên trong sáng của sớm mai mùa Thu, được Mẹ nắm tay dắt đi tựu trường. Xin cho tôi sống mãi trong rung động ngây thơ mà Quê Mẹ đã truyền vào tâm trí từ những ngày còn bé dại. Tôi muốn được nghe vang bên tai hoài giọng Max thỏ thẻ khi từ trong lớp bước ra :
Ông Ngoại, lớp Max có một cô, một thầy, và hai mươi bạn.

Lê quang Thông
Frankfurt, Germany