29 December 2022

NHỮNG DÒNG TẢN MẠN* - Lê Q Lâm

* Tựa do GSC đặt

Chia xẻ với hiền đệ Trương Văn Út bút ký "Đời Lính Chiến Trường - Đời Thường Biệt Xứ"

Anh Trương Văn Út kính mến,

Cuối tháng 10 vừa qua, tôi đã nhận được quyển bút ký "Đời Lính Chiến Trường - Đời Thường Biệt Xứ". Anh đã ưu ái nhờ anh Châu Phước Cơ, người bạn đồng khóa 22 Võ bị Đà Lạt đích thân mang đến nhà trao tận tay tôi quyển sách của Anh với lời Thân kính tặng Sư huynh Lê Q Lâm của Út Bạch Lan, một chiến hữu mà tôi hằng quý mến.

Tôi hết sức xúc động và bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian trong quân đội làm việc ở CDEC (Combined Documents Exploitation Center). Tài liệu của địch, bạn và đồng minh gởi tới CDEC đều được tôi khai thác và nghiên cứu để tìm hiểu cuộc chiến Việt Nam được sâu rộng hơn. 

Nay nhận được quyển bút ký chiến trường của Út Bạch Lan, tôi coi đó là một tài liệu quý giá. Theo thói quen, tôi đọc lướt qua từ đầu đến cuối để tìm ra những nội dung nào quan trọng và hữu ích, khả dĩ có thể góp phần làm sáng tỏ cuộc chiến trước 1975 của ngưòi lính Quốc gia-Việt Nam Cộng Hòa. Và “nó” sẽ tác động như thế nào đến tiền đồ Dân tộc và tương lai Đất nước?

Đã có rất nhiều “cây bút có tầm cở” viết tả lại những chiến trận, nhưng hầu như họ chưa “lột tả” diễn đạt được hết những khốc liệt trên chiến trường như bút ký sống động của UBL -đại đội trưởng Trinh sát Nhảy Dù với những chìến công được tưởng thưởng Bảo Quốc Huân Chương nhân ngày Quân Lực.

Cũng đã có nhiều “cây bút nổi tiếng” diễn tả những thảm cảnh ở chiến trường, nhưng hầu như chưa có ai “lột tả” được Tình Người Trong Cuộc Chiến như UBL. Khi nhận lãnh phần thưởng cao quý Bảo Quốc Huân Chương, anh chua xót ngậm ngùi tưởng nhớ biết bao đồng đội thân thương đã đồng lao cộng khổ ngoài mặt trận, nay “họ đã nằm xuống, xanh cỏ để tôi được đỏ ngực. Đỏ ngực vì huy chương đầy ngực hay Đỏ Ngực vì tim tôi rướm máu. Bao nhiêu tháng năm qua, mỗi khi nhớ đến Họ là mỗi lần nhức nhối”. Đối với UBL, mặt trái của tấm huân chương Bảo Quốc mà anh vừa được tưởng thưởng còn nguyên những ngậm ngùi, hồn tử sĩ hy sinh đang ẩn tàng trong đó, làm sao vui được khi thuộc cấp của anh đã đưa lưng đỡ đạn để cho anh còn đứng hôm nay giữa thủ đô Sài Gòn ngày 19/6/1973. 

Họ là những hạ sĩ quan can trường, đối với UBL “họ là những bậc thầy của tôi, hướng dẫn chỉ bảo, trao truyền kinh nghiệm chiến trường cho tôi trong những bước chân đầu đời binh nghiệp. Có một lần đơn vị trực thăng vận vào mục tiêu Ashau, Alưới. Chân chạm đất là chạm địch ngay, Hạ Sĩ Nhất tên Minh, mang máy PRC25, nắm cổ áo tôi vật ngã xuống đất và hét: -ĐM! Thiếu úy Đà Lạt gì mà ngu thấy mẹ! Cứ la xung phong, xung phong. Đưa ngực cho nó phạng, chết mẹ hết ráo còn lấy ai xung phong”.

Mùa Hè năm 1972, Nguyễn Văn Minh đã đền nợ nước, ngã gục tại chiến trường cao nguyên, thân xác Minh được gói ghém trong lớp poncho ướt đẫm sương khuya. Nằm bên cạnh chiếc poncho lạnh giá bó xác người đệ tử thân thương, trong giấc ngũ chập chờn vì mệt lã, UBL chợt tai nghe tiếng nói của Minh “Đại úy ơi, mở ba lô của em ra, lấy cái poncholight của em mà đắp và giữ nó bên mình, lấy cái thẻ bài gửi cho mẹ em và con Nguyệt (em gái của Minh), còn sợi dây chuyền có cái thẻ ngà bằng nanh heo rừng Đại úy hãy mang vào cổ đừng bao giờ rời nó”. 

Vào thời điểm này, mùa Hè Đỏ lửa năm 1972, chiến trận diễn ra ác liệt, Cộng quân tấn công Dakto, tràn ngập Bộ Chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22 Bộ binh ở Tân Cảnh. Trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, UBL thoát nạn một cách kỳ diệu, như có một đấng vô hình nào đó che chở. Anh tin tưởng đó là nhờ bùa hộ mạng, nanh heo rừng của Minh, anh van vái: Minh ơi, thân thể của em chỉ còn là cái xác vô tri đang theo tiến trình hủy hoại…nhưng sau khi chết, “Hồn” em linh hiển vẫn còn huynh đệ chi binh quyến luyến, thường theo bên đời phù độ giúp cho anh may mắn thoát bao hiểm nguy giăng mắc trên đoạn đường chiến binh”.

Theo thi hào Nguyễn Du “Thác là thể phách, hồn là tinh anh”. Khi chết xác thân trở về với cát bụi, nhưng anh linh của Minh, của hơn 25 vạn binh sĩ VNCH đã chết vì quốc gia, vì dân tộc, sẽ quanh quẩn bên những đối tượng mà họ đã tận hiến cả cuộc đời, đó là non sông đất nước, là đồng đội, đồng bào chũng tộc. Ở bên kia thế giới họ vẫn tiếp tục phù hộ đồng đội, đồng bào và đất nước như hoài bảo lúc còn tại thế. Những anh linh đó trở thành một biểu tượng thiêng liêng rất khó định nghĩa mà người đời thường gọi là hồn thiêng sông núi, là tiền nhân.

Ngoài tình đồng đội, UBL còn là “Người lính đa tình, tình non sông rất nặng”. Và đặc biệt đáng nói, UBL còn thể hiện “Tình người trong cuộc chiến” đối với những người ở bên kia chiến tuyến. Họ cũng gặp nhiều truân chuyên, gian khổ, luôn đối đầu với tử thần, anh tâm sự “Trong suốt thời gian trong quân ngũ, tôi ít có cảm giác thù hận Việt Cộng dù trên chiến trường, hai bên nổ súng bắn giết nhau để sống còn, đó là qui luật tự nhiên”. Anh đối xử với tù binh, những kẻ thất thế sa cơ bằng tình người với lòng nhân đạo, không còn hận thù, không còn ranh giới giữa bạn với thù. 

Tháng 5/1971, Đại đội 2 Trinh sát Nhảy Dù hoạt động ở Chiến khu D, Trung đội 1 viễn thám giải giao đến UBL ba nữ tù binh trong đó có Nguyễn Thị Yến, sinh quán ở Chợ Gạo (Mỹ Tho), học sinh trường bán công Thiên Hộ Dương Mỹ Tho vào bưng cuối năm 1969, hiện là y tá của một bệnh xá của Việt Cộng trong vùng.

Xem qua lời khai, anh biết Yến sinh năm 1948, học hết lớp đệ tam bậc trung học thì nghỉ học, ở nhà phụ giúp mẹ trông coi mãnh vườn dừa hơn một mẫu ở ven kinh Chợ Gạo. Cha của Yến vì đã theo kháng chiến thời Việt Minh, nên năm 1958 bị mật vụ của Tổng thống Ngô Đình Diệm bắt giam hơn 3 năm, được phóng thích vài tháng thì qua đời vì bệnh lao phổi. Gia đình Yến sống trong vùng sôi đậu, nên các đồng chí của cha nàng thường xuyên ghé thăm mẹ của Yến và gieo vào đầu óc non trẻ của nàng những oán hận, phải trả thù cho cha. Năm 1967, Yến vừa tròn 20 tuổi, nàng bắt đầu hoạt động cho Việt Cộng với nhiệm vụ giao liên với các tổ nội thành ở chợ hàng bông Mỹ Tho. Năm 1969, các tổ nội thành bị đổ bễ, Yến được lệnh “vào bưng”.

Như một định mạng an bày, viên đại úy trinh sát nhảy dù VNCH xuất thân từ trường Nguyễn Đình Chiểu nay đối mặt với một tù binh đặc biệt, cô y tá Việt Cộng cựu học sinh trường bán công Thiên Hộ Dương. Hai ngôi trường gần như đối diện nhau nằm trên đường Hùng Vương, con đường đẹp nhất của thị xã Mỹ Tho. Một cuộc thẩm vấn diễn ra cũng khá đặc biệt giữa hai đối tượng chí hướng khác nhau song đều hấp thụ nền giáo dục đề cao nhân bản, đạo đức…

 -Hôm nay cô bị bắt và đang ngồi đối diện với tôi, cô có biết số phận của cô sẽ ra sao hay không?

-Thưa anh, con người sinh ra đời, ai ai cũng cầu sinh, chớ chẳng có mấy ai đâu cầu tử, chết hay sống đều có định số an bày cả rồi, có cãi số phận được không? Đối với các anh phía Việt Nam Cộng Hòa, em là kẻ có tội, nay em bị các anh bắt thì tùy các anh định đoạt, thân phận của em như cá nằm trên thớt! 

-Cô có thể cho tôi biết rõ thêm vì sao cô vô đây, vì thù hận hay hoàn cảnh đưa đẩy hay vì một 1ý tưởng nào đó?

-Thưa anh, thù hận thì có vì ba em “bị giết”; hoàn cảnh thì cũng có, vì sau Tết Mậu Thân tông tích của em bị lộ nên phải nghe lời các chú, các bác, đành phải gạt lệ ra đi để lại mẹ già đơn chiếc, quạnh hiu một mình nơi quê nhà. Còn nói về lý tưởng thì em lờ mờ chẳng hiểu biết gì. Em có được đọc vài quyển sách nói về tiến trình hình thành tôn giáo của con người, từ khởi thủy là Duy Thần, rồi Duy Tâm, Duy Ngã, Duy Linh…Bây giờ biết thêm Duy Vật… Nhưng đối với em, Duy gì gì đi nữa, em cũng không quan trọng. Em chi biết sống, thì mạng sống con người là quan trọng hơn tất cả mọi việc trên cỏi đời nầy.

-Bây giờ cô đã bị chúng tôi bắt giữ, cô có còn hy vọng gì với mạng sống của riêng cô hay không”.

-Như em đã thưa chết sống đều có số mạng. Có người muốn chết mà chết không được, còn người muốn sống thì định mệnh lại cướp họ đi. Hy vọng của em đang nằm trong tay các anh thì còn hy vọng gì cho ngày mai, còn tương lai nào ai đoán biết trước được.

Trong nổi niềm thông cảm và thương cảm ba cô tù binh y tá Việt Cộng, UBL không thể ra lệnh giết những cô gái yếu đuối thế cô, trong tay không có một tấc sắt làm vũ khí để tự vệ, cho dù họ ở bên kia chiến tuyến. Anh quyết định theo lương tâm mà phóng thích họ, nhưng làm cách nào không bị thượng cấp khiển trách và đồng đội dị nghị. Đang suy tính thì người hiệu thính viên bước vào và ra dấu cho anh ra ngoài để nhận chỉ thị của trưởng ban 3 Lữ đoàn: Lệnh ngày mai di chuyển đến mục tiêu mới bên kia sông Bé và tiến sát đến biên giới Miên Việt. Vào giờ G sẽ có trực thăng võ trang Cobra của Mỹ “dọn bãi” trước khi đại đội trinh sát của anh vượt sông. Trở vào hiện trường, anh“cố tình” nói lớn, ra lệnh cho viên thiếu úy giải giao ba cô tù binh: “Đêm nay cho ba cô ăn uống đầy đủ, bỏ vào túi vải của họ mỗi người một phần lương thực Ration C, rồi đem ra xa “bắn bỏ”. 

Sáng sớm hôm sau, đơn vị của anh rời hiện trường, những tiếng súng nổ vang, đồng đội của anh nghĩ rằng ba cô tù binh đã được xử lý, nhưng không phải, những tiếng súng để từ giả họ đang tìm lối thoát đào sanh với mấy gói lương thực Ration C của Mỹ. UBL không ngờ anh đã gieo vào lòng họ mối ân tình nặng trĩu đối với người sĩ quan nhảy dù VNCH.

Ngày 27/1/1973, hiệp định Paris, ngừng bắn ra đời, ĐĐ 2 TSND đang tăng phái hành quân cho Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, án ngữ tại bờ sông Thạch Hãn. Vì đã ngưng chiến, UBL ra lệnh dọn đất bằng phẳng để làm một sân bóng chuyền để đồng đội giải trí. và ngỏ lời mời bộ đội phía bên kia qua đấu giao hữu. Mấy ngày sau là ngày 30 Tết Quý Sửu nhằm ngày 3/2/1973, sau trận đấu giao hữu hai bên Quốc Cộng chấm dứt, một tiệc tất niên linh đình bày ra trước sân, ta cùng địch nắm tay nhau nhẩy sol đố mì, cùng uống cạn hai can rượu đế Cầu Bạch Hổ.

Nửa đêm hôm sau,  mùng một Tết, một đệ tử là Trung sĩ nhất Lê Văn Triết thuộc Toán 3 Viễn Thám đến trình, xin ông thầy giải quyết một tình huống khó xử: “Thưa đại úy, gia đình bố mẹ của em là dân miền Bắc di cư năm 1954 lúc đó em khoảng độ một hai tuổi. gia đình người chú ruột của em còn bị kẹt lại miền Bắc với 4 người con trong số này có hai người con trai bị xung vào bộ đội năm 1972 tên là Châu và Phong, một người phục vụ ở Đại đội Đặc công thuộc Sư đoàn 325 và người nữa là bộ đội ở trung đội phòng không của Trung đoàn 95 cũng trực thuộc Sư đoàn 325 BV. Định mệnh run rủi trớ trêu, ba anh em họ chúng em gặp lại nhau qua những trận bóng chuyền vừa qua do đại úy tổ chức và sau trận đấu trưa ngày 30 Tết chúng em nhận ra nhau và hai em họ của em quyết ở lại với phe ta, nhất định không trở về lại bên kia dù có bị xử bắn tại chỗ hay bất cứ hình phạt nào của hai bên dành cho hai đứa em họ của em”. 

Sau ngưng bắn, lệnh cấp trên là không được nhận hồi chánh viên, đầu thú hay trong trường hợp chạm súng bất đắc dĩ bắt được tù binh, ngay chính cả hàng binh thì phải “Giải giao tại chỗ” có nghĩa bắn bỏ, không báo cáo, không giải giao. Trường hợp và tình cảnh của Triết, Phong, Châu thật đáng được giúp theo lương tâm. UBL không thể đánh mất lương tri cũng là lương tâm để ra lệnh bắn bỏ. Sáng hôm sau, đích thân anh đến gặp thượng cấp để bày tỏ nổi khó xử của mình. Nhị vị Lữ đoàn trưởng và Trưởng phòng 2 Sư đoàn Dù đều cho rằng “xử theo tình thì Đại úy Út lãnh cán búa, xử theo lý thì thất nhân tâm quá”, chỉ còn cách trình Tư lệnh Sư đoàn quyết định…nhưng ông ta trả lời ngắn gọn “chẳng lôi thôi gì cả, giải giao tại chỗ”. 

Trở lại đơn vị, anh miên man suy nghĩ, mình trải qua bao nhiêu chiến trận, đã từng lấy mạng sống trêu đùa với định mạng, bây giờ trước hai kẻ thù với thân thể gầy còm, da dẻ xanh xao với ánh mắt hiền lành, sợ sệt đang khép nép quay đầu về với Ta, mà cảnh ngộ đưa đẩy phải ra lệnh giết họ thì quả thật là trớ trêu! Anh biết rằng “Nếu ra lệnh cho binh sĩ thi hành “giai giao tại chỗ” thì chính cái nhất điểm lương tâm này sẽ đeo đuổi dày vò tâm thức mình suốt cuộc đời còn lại”. 

Biết được cha mẹ của Triết đang sống trong giáo xứ Khiết Tâm ở Thủ Đức, một giáo xứ 100% người Bắc di cư 1954, cha của Triết hiện là thầy bốn, thầy năm gì đó của giáo xứ, có nhiều uy tín với linh mục chánh xứ. Do đó, UBL cho Triết đi phép hai tuần, ứng trước hai tháng lương, đồng thời cũng cấp giấy phép (giả) cho Châu và Phong. Triết có nhiệm vụ đưa hai đứa về giao cho cha và liệu bề cưu mang tụi nó. Khi về đến nhà, Triết phải đốt ngay hai cái giấy phép giả và nhớ một điều tối quan trọng là căn dặn gia đình nói rằng tụi nó là lao công đào binh của Sư đoàn 3 BB với hai cái tên mới. Hai ngày sau họ đã ở Thủ Đức. và ba tháng sau Triết báo cho biết, Châu và Phong đã trở thành dân quân xã Khiết Tâm với giá 100 ngàn đồng cho mỗi người. 

UBL nghĩ rằng trong mỗi con người đều có “cái thước” để đo chính lương tâm của mình, dài hay ngắn, căng hay chùng là tùy vào mức độ lượng khoan dung, tha thứ của mỗi cá nhân. Khoan dung, tha thứ tuy chưa chắc và có thể không thay đổi được hận thù địch-bạn trong quá khứ, nhưng nó có khả năng mở rộng cho tương lai những con đường tốt đẹp khác? Anh đã không thi hành nghiêm khắc quân lệnh “giải giao tại chỗ” mà còn âm thầm lén lút giúp cho hai cán binh Cộng sản Bắc Việt một con đường sống, một lối sống. Trái tim của anh có chỗ bao dung dành cho những kẻ thù đã sa cơ thất thế muốn tìm một con đường sống lương thiện và sự tha thứ! Chẳng những đã tha cho Châu, Phong, anh còn giúp họ làm lại cuộc đời vốn dĩ đã không may trong suốt quảng đời tuổi trẻ dưới chế độ dã man cùng cực tại miền Bắc. Anh tâm sự “Lý lẽ từ ái và độ thương cảm tha nhân của tôi ‘bảo” tôi phải làm như vậy, dù lý trí có phân vân, đắn đo khi cá cược số phận của mình”.

Anh nhớ lời ông Ngoại của anh, căn dặn con cháu rằng: “Ai cho con một chén cơm, một manh áo, các con phải phải nhớ ơn suốt đời, nhưng con cho ai chén cơm, manh áo thì con phải quên đi”. Anh đã vi phạm quân lệnh tha cho Châu và Phong và đã quên hành động này, nhưng Châu, Phong không quên. Tết Bính Thìn năm 1976 anh đang bị giam giữ ở trại tù tập trung Hốc Môn, và nhận được thùng quà Tết nặng tới 3 kilô, người gởi là Lê Thanh Triết ở Thủ Đức, gồm có một tấm chăn dầy, 1 ký thịt bò khô xào mắm ruốt xã ớt, bàn chải đánh rang và xà bông. Trộn lẫn trong ruốt là hai tờ giấy 50$ (tiền Hồ) kèm theo một dòng chữ “tụi em sẽ cố gắng lo cho anh “đi” càng sớm càng tốt”. Bốn tháng sau, tháng 5/1976 anh vượt ngục trại tù Long Giao) rồi đi tới xã Khiết Tâm, Thủ Đức tìm nhà ông Lâm, cha của Triết và nhờ liên lạc với gia đình ở Tiền Giang.

UBL tâm tình: “Cuộc sống là tiếng vọng của luật nhân quả? Những gì tôi “gửi” đi, nay quay trở lại; những gì tôi đã gieo trồng, nay tôi đang gặt hái; những điều tôi cho đi, nay tôi nhận lại và quan trọng trong tình người: tôi đang nhận lại những trái tim chân tình yêu thương vuợt qua thù hận của người bên kia chiến tuyến đã có một thời bắn giết nhau trong quá khứ, nhưng cảnh ngộ trớ trêu như một định mệnh an bài, qua biến thiên thời thế đổi thay mà tôi với gia đình Triết, Phong, Châu lại thương mến nhau như cùng một mái ấm gia đình tình thâm nghĩa nặng”. Đối với anh, “Không có một sự việc gì xảy ra trên cuộc đời nầy mà không có nguyên nhân? Duyên khởi -Nghiệp báo cũng là gieo Nhân và gặt Quả”.

Ân Tình Hội Ngộ: Vượt trại tù ở Long Khánh, sau đó anh trở về quê quán Mỹ Tho, đạp xích lô để mưu sinh, chân nhấn bàn đạp, mõi nhừ run rẩy, mồ hôi nhễ nhại nhỏ giọt chảy dài xuống má. Một hôm, vừa qua khỏi ngã năm cây xăng tới cư xá công chức bên sau nhà thờ Tin Lành, anh thấy một phụ nữ còn rất trẻ vẫy tay ra dấu gọi, anh kéo thắng tấp xe vào lề. Người phụ nữ thoáng nhìn anh rồi bước lên xe và nói: -Chú chở tôi tới bệnh viện Mỹ Tho. Đến nơi bà khách xuống xe trả cho anh hai đồng.

Khi đưa tiền, bà lại nhìn mặt anh như quan sát và lần này anh thấy vẻ mặt của bà hơi khác thường, cử chỉ lúng túng như có một điều gì bất chợt khiến bà tần ngần…? Trong tâm anh, cũng có một “cái” gì đó dao động. Anh bỗng dạn dĩ cố nhìn kỷ gương mặt và ánh mắt của bà. Khuôn trăng này, ánh mắt này, âm điệu lời nói tuy ngắn ngủi khi nãy, như có gì quen thuộc mà anh đã từng gặp “gở” ở đâu? Nhưng thôi đi, mình phu xích lô mà! Bà khách lấy lại vẻ bình thường rồi nói: -Chiều nay tôi có vài việc cần phải đi một vài chỗ. Khoảng 5 giờ chiều chú đến đón tôi được không? Chú cứ chờ ở đây khoảng vào giờ đó, tính bao nhiêu tôi sẽ trả. 

-Dạ, tôi sẽ đến trước 5 giờ.

Anh dao động vì đã nhìn và nhận ra gương mặt trái xoan cùng đôi mắt đen láy thông minh cùng giọng nói của cô Nguyễn Thị Yến quê quán Chợ Gạo, đã bị đơn vị anh bắt và thả ra 5 năm trước trong chiến khu D.

Buổi chiều anh trở lại bệnh viện trước giờ hẹn. Yến từ hành lang bước ra vội vã lên xe và đột ngột thay đổi cách xưng hô: -Anh đưa em xuống Chợ Cũ để thăm một bệnh nhân, chờ em và đưa em về.

Ngồi trên xe, Yến cứ quay đầu lại nhìn anh, có lần nhìn chầm chặp vào gương mặt rám nắng, râu ria lõm chõm gầy gò của anh. Anh hoang mang có chút lo âu vì bản thân đang sống trong tình trạng kẻ bị tầm nã, trốn trại tù. Không biết Yến đang làm gì, nhưng chắc chắn phải là một cán bộ có chức sắc của chế độ mới, nếu không thì làm sao ở cư xá công chức sang trọng nhất của thành phố này? Trên đường trở về nhà, Yến bất chợt quay lại nhìn và hỏi:

-Trước năm 75 anh có đi lính nhảy dù không? 

-Dạ có, nhưng tôi giải ngũ trước khi giải phóng, vì bị thương gãy chân. Anh bịa chuyên nói dối để tránh né.

-Năm 1971 anh có đi hành quân ở Sông Bé tỉnh Phước Long hay không?

Anh trả lời ngay là không. Anh đoán biết Yến đã nhận ra anh nhưng chưa chắc nên mới hỏi thăm dò những câu huỵch tẹt như thế. Trước kia anh thẩm vấn cô, ngày nay cô thẩm vấn anh, ngẫm sự đời “tạo hóa’ hay định mệnh thật trớ trêu? Về đến nhà, Yến xuống xe, móc ví nhét vào tay anh tờ gấy bạc 50 đồng và dặn: -Tám giờ mai, em chờ ở đây, anh đến đón em đi làm. 

Yến tin chắc rằng anh đạp xích lô đưa đón mình hàng ngày chính là ông đại úy nhảy dù mà nàng nhớ mãi trong mấy năm qua. Còn UBL vì nghịch cảnh đang mag tội vuợt ngục và tham gia kháng chiến với “Sư đoàn Tiền Giang” nên phải chối bỏ tông tìch của mình. Yến mời ân nhân vào nhà, nhắc lại “duyên khởi” 5 năm trước và bày tỏ nổi lòng:  

Sau những tràn đạn nổ vang, em hồn phi phách tán, khi tỉnh hồn, em với Hạnh, Ánh lội qua sông Bé tìm gặp đơn vị cũ chạy miết qua bên Miên cho đến ngày được lệnh chuẩn bị ch chiến trường An Lộc, em được cất nhắc lên chức vụ Y ta trưởng của Công trường 5. Nhưng vì thế cô, cánh hoa trong tay lang sói, em bị ép uổng, phải qua tay bao nhiêu thằng thủ trưởng khốn nạn, chúng thàm khát và lạm dụng thân xác em như đồ vật. Đôi khi em muốn tự tử, lại nghĩ đến Mẹ già hiu quạnh luôn ngông chờ tin con, em không dám chết, em như cái xác sống phó mặc cho cảnh đời đưa đẩy và em nghĩ tới anh, thầm hỏi tại sao lúc đó anh không hỏi đơn vị của em ở đâu, có bao nhiêu người, đang di chuyển và trú đóng ở nơi nào, mà chỉ “tra vấn” em những câu hỏi rặt Tình Người rồi bày kế “xử tử”bọn em bằng những loạt đạn bắn chỉ thiên.

Bao nhiêu năm phải sống với bọn chúng, em chỉ thấy toàn là giả dối, dối nát, ngu đần. Em ngán ngẩm muốn thoát ly nhưng cảnh ngộ như những gọng kìm khép chặt vào chân, đành thúc thủ chịu trận cho qua ngày tháng. 

Sau “giải phóng” 30/4/1975 em xin về quê quán Chợ Gạo để quán xuyến mãnh vườn của Cha Mẹ để lại. Nhưng chúng giữ lại và cho em làm Phó giám đốc bệnh viện Mỹ Tho dưới quyền cai quản của con mẹ i tờ rít từ ngoài Bắc vào. Đến năm 1976 em kết hôn với anh Tân là cựu giáo sư văn chương trường trung học Nguyễn Đình Chiểu. Nhờ chức vụ phó giám đốc của em, chính quyền cấp cho em một căn hộ trong cư xá vốn là nhà của một công chức chế độ trước bỏ nước ra đi trước tháng tư 1975, hiện nay em có 2 con với chồng. Nhiều lần tâm sự, em bàn kế với Tân là mình phải tìm đường ra đi khỏi nước vì không thể sống với bọn man di mọi rợ này được. Tân khuyên em nên kiên nhẫn chờ sự bảo lãnh của người em ruột của Tân đang định cư ở New Orlean, Louissiana. Sau đó, Yến đề nghị: -Hay là để em kiếm một việc làm cho anh trong bệnh viện của em? Nhưng UBL trả lời:

-Không! Cám ơn cô, tôi “có đường đi” và cũng chưa biết đi đâu? Nhưng tôi phải đi, cho dù phải trả gía bằng mạng sống của chính mình, chắc cô cũng biết? Nay vì ân tình nghĩa lụy, cô đã giúp cho tôi có thêm nghị lực để mạnh dạn bước tới với cảnh ngộ khó khăn như thuyền trôi mắc kẹt trên khúc sông cạn. Và mãi tới hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in là cô đã trả lời câu hỏi của tôi: “mạng sống của con người là quan trọng”.

Ngoài chữ Nhân trong đối nhân xử thế, UBL còn rèn luyện tư cách bản thân, lấy chữ “Tín” làm trọng để tương giao và giữ gìn sự liên hệ giữa người với người được bền chặt tốt đẹp lâu dài. Anh tâm đắc với lời dạy của người xưa “Nhân Vô Tín Bất Lập”, làm người mà không biết trọng chữ Tín thì không làm được việc gì cả.

Sau khi khước từ thiện ý của Yến, làm công việc ở bệnh viện, khỏi phải đạp xích lô vất vã. Do sự giới thiệu của chị dâu, người Việt gốc Hoa vốn là một cô giáo tốt nghiệp sư phạm, lo mai mối và giới thiệu UBL với một gia đình người Hoa ở Chợ Lớn. Anh có một việc làm chui, được Chú Xồi trả 25 đồng một ngày. 

Một hôm như thường lệ, làm xong công việc, Chú Xồi trả tiền công cho anh 25 đồng. Có tiền anh ghé quán cà phê ven lề đường, anh móc túi đếm tiền với niềm vui thơ thới, nhưng anh ngạc nhiên vì sao có tới 50 đồng? Trong hoàn cảnh khốn cùng này, đây là số tiền khá lớn, nhưng anh giật mình vì nhớ lời chị dâu căn dặn: “Em phải nhớ, làm ăn với người Tàu thì một cắc là một cắc, một đồng là một đồng, phải cho đàng hoàng thành tín, ăn gian, nối dối thì không bao giờ làm ăn với họ được. Họ làm ăn với nhau chỉ đơn giản chỉ một chữ Tín.” Anh bừng tỉnh, cong lưng đạp xe nước rút một hơi trở lại gặp Chú Xồi và hoàn trả 25 đồng mà chú đưa dư. Chú cười thân thiện và nhận lại tiền. 

Sau đó, khi vừa giao hàng xong, Chú Quảnh là em chú Xồi mời anh vào ăn cơm chung với gia đình của họ. Khi ra về, Chú Quảnh đưa anh ra cửa và nói: -Nị là sĩ quan ngụy trốn học tập phải không, đừng sợ. Ngộ biết hết rồi, từ từ mình sẽ tính. Rời nhà Chú Quảnh, anh vô cùng lo sợ nên đạp xe thẳng đến gặp chị dâu, trình bày câu chuyện và lo lắng hỏi xem là chị có nói cho họ biết về thân thế vượt ngục và hoàn cảnh trốn tránh của mình hay không? Chị cười hiền hậu và nói với giọng tự tin, bình thản -Em yên tâm, không sao đâu, họ đang giúp em đó.

Hai tuần sau Chú Quảnh đưa cho anh một giấy khai sanh giả, tên họ mới là Trần Chỉnh sanh năm 1942, người Việt gốc Hoa và sau đó anh được xếp vào danh sách với gia đình Chú Quảnh, Chú Xồi tổng cộng hơn 60 người lên thuyền đánh cá, tách bến rời kinh Miệt Thứ, Rạch Giá ra khơi vượt biển. Cuộc vượt biên thất bại vì tàu bị gãy bánh lái, tất cả mọi người bị tống vào trại giam của Ty Công an Cà Mau. Thời điểm này là lúc phong trào vượt biên bán chính thức đang nở rộ công khai, gia đình Chú Quảnh chạy hối lộ nên khoảng 3 tháng sau tất cả được phóng thích. Trong thời gian bị thẩm vấn trong trại giam, chú Quảnh căn dặn anh: -Nị nhớ khai Nị là em vợ của ngộ. Nị là em ruột của vợ ngộ, nhớ nói giọng lơ lớ, đừng nói nhiều.

Trở về Sài Gòn, họ là những tài phiệt Chợ Lớn móc ngoặc, làm ăn với nhóm “quan tham” đang khai thác cửa hàng IMEX bán những mặt hàng ngoại quốc tịch thu của người Tàu ở Chợ Lớn. Chú Quảnh, Chú Xồi cho UBL 30 ngàn đồng để góp vốn làm ăn với họ, bây giờ anh là Trần Chỉnh nhờ nói, đọc và viết tiếng Anh nên được cắt đặt làm thủ kho, được cấp giấy chứng nhận là nhân viên Cửa Hàng Imex có đóng dấu, ký tên của Trưởng phòng Thương nghiệp quận Nhất TP/HCM và một tờ giấy nhỏ ghi tên Lý Kim Anh, Trưởng phòng Công an Chợ Bến Thành. Cứ vài ngày, các Chú tài phiệt Chợ Lớn dí vào túi vài ba ngàn đồng, tương đương một cây vàng, họ nói đó là tiền lời từ 30 ngàn đồng “hùn vốn’ của anh.

Một ngày đẹp trời tháng Ba năm 1982, anh xuống một chiếc ghe gạch cát của Công ty Dầu khí Vũng Tàu tách bến hướng ra khơi. Một tháng sau, đang chờ rời khỏi đảo Pulau Bidong để sang trại chuyển tiếp Galang II, anh nhận được thư vợ gởi từ Việt Nam: “Anh thương, Chị Ba (chị dâu của anh) có đến thăm em, cùng đi với chị có một người đàn ông Việt gốc Hoa tên gọi là Chú Xồi, người này đã trao cho em 10 lượng vàng và nói: “đây là tiền của anh Út gởi cho chị”. 

Trong lời Kết câu chuyện trên, UBL tự hỏi “có phải vì trả lại 25 đồng mà chú Xồi đã cố tình đưa dư mà cơ duyên, định số đã đưa đẩy tôi gặp gia đình họ rồi cộng sinh làm ăn buôn bán với họ trong quảng đời gần 4 năm trong hoàn cảnh cá chậu chim lồng, nổi lo sợ bất trắc luôn rình rập từng giờ, từng ngày…cho đến một ngày đột ngột rời bỏ quê hương với sự che chở, giúp đỡ tận tình của họ, những người Hoa sinh trưởng và lớn lên trên đất Việt đã bao đời. Trong tư cách cá nhân của bản thân thọ ân sâu dầy mà người ân nhân bất cần báo đáp. Tôi viết lại chuyện này như một trải lòng Thủy Chung Tri Ơn đến Gia đình Minh Hương đã phát huy và xiển dương được một trong những nét Văn hóa Tinh thần Trung Hoa cổ xưa là chữ Tín mà ở thời đương đại, những “bậc” Thượng đại nhân đang ngự trên tột đỉnh quyền lực đã có mấy ai và chắc gì đã giữ chữ Tín được vẹn toàn”.

Ân Tình Tái Ngộ: Năm 2014 tại Mỹ, một cú điện thoại lạ với zip code 508 từ vùng Boston, Massachusetts: -Dạ, tôi là Tân xin được nói chuyện với anh Út Bạch Lan. -Dạ tôi Út Bạch Lan nghe đây. -Dạ thưa anh, em là Tân chồng của cô Yến Chợ Gạo. Em có quen với một vài người bạn, họ nói biết anh, em xin số điện thoại và gọi cho anh. Vợ chồng em có đọc bài “Trinh sát 2 Nhảy Dù” của anh, trong nội dung bài viết có nói là bắt được ba cô y tá vẹm ở Chiến khu C, nhưng vợ em tên Yến lại bảo em phải cố liên lạc ngay để nói với anh là Chiến khu D chứ không phải C. Tụi em qua Mỹ được 6 năm rồi, mọi việc cũng ổn định, Yến cứ nhắc đến anh hoài, anh nói chuyện với Yến nha, để em chuyển phone cho vợ em.

-Hi, ông anh đạp xích lô! Tưởng anh là lính cộng hòa tình nghĩa “huynh đệ chi binh’ thương dân nghèo, ruộng hoang cỏ cháy, thấy nổi xót xa của kiếp đọa đày. Ai có ngờ ông anh bèn vượt biển giong đi luôn, không thương người em gái nhỏ Chợ Gạo còn ở lại chờ trông.Thì ra ông anh cũng ác ôn như mấy thằng cán ngố thời lai đồ điếu thành công dị hợm! Anh còn nhớ anh đã nói gì với em trước khi anh biệt tích không? Anh nói là anh có đường đi, em biết ngay là anh đi đâu rồi, nhưng anh dấu tụi em. Điều đáng trách là anh không dẫn tụi em theo, rồì bây giờ sang Mỹ còn viết bài về ba cô y tá ở Chiến khu C nữa. Tình cờ đọc bài viết đó mới biết anh là Đại đội trưởng Trinh sát 2 Nhảy Dù “ác ôn có nợ máu với nhân dân” chớ không phải là ông phu xích lô râu tóc xồm xoàm đưa đón em đi làm và ngồi nghe em kể chuyện chiến khu. Lúc anh biến mất, em cứ tưởng anh bị tai nạn, cứ chờ anh đến chở đi làm, chờ hoài không thấy anh tới, em phải đi bộ và nhớ hoài gương mặt của tên ĐĐT/TSND “ác ôn” đã thẩm vấn em rất ư hòa bình.

UBL vội ngắt lời và đùa vui -Cô Yến nè, Cô nói như vậy không sợ anh Tân chồng cô giận sao?

-Hổng có đâu! Tân rất yêu thương, thông cảm, chia xẻ, tôn trọng và chìu chuộng em mọi thứ, anh không câu nệ, nhỏ mọn với quá khứ của em từ tâm hồn lẫn vật chất. Với Tân là tình nghĩa vợ chồng, với anh là ân oán của thù và bạn, anh là thù của em, em cũng là thù của anh, nhưng tại sao em vẫn luôn nghĩ đến anh? Vì anh là người bạn hay nói xa hơn anh là nhất điểm tinh thần, là động lực để em tự cứu vớt đời mình ra khỏi lớp bùn thối tha nhơ nhớp. Em mơ ước sẽ có ngày gặp lại anh ở một nơi nào đó trên phần đất tự do, dân chủ để nghe anh tra vấn những câu chuyện thấm đượm tình người giữa hai kẻ thù Quốc gia- Cộng sản không cùng chiến tuyến….

Mùa đông cuối năm 2014, vợ chồng Tân đón UBL ở phi trường Boston, anh nhìn Yến nét thanh tân thời con gái đã qua đi, bây giờ nàng là một phụ nữ đứng tuổi, nhưng ánh mắt hiền lành, tinh anh vẫn còn tỏa sáng niềm tin trên khuôn mặt trái soan như ngày nào và giọng cười, tiếng nói vẫn như ngày xưa, chưa hề ‘hóa thạch” theo thời gian làm già cỗi tâm hồn. Yến ngồi băng sau, tỉnh thoảng chồm lên phía trước và nói -Anh biết không? Sau khi anh đi một thời gian, cuối năm 1980 chúng nó điều em đi học để lấy bằng Phó tiến sĩ Y khoa! Trời ơi! Học lực của em chưa xong bậc trung học phổ thông, trình độ y tá trong rừng chưa qua khỏi chiếc lá mít. Vậy mà thằng lãnh đạo để cử cho em đi Hà Nội chuyên tu, học lấy bằng cấp, học vị Phó tiến sĩ Y khoa chỉ trong vòng 6 tháng. Xong khóa chuyên tu, em trở về lại chức vụ cũ với mãnh bằng Phó tiến sĩ Y khoa như chuyện khôi hài mà có thực tại đất nước Việt Nam …

UBL lưu lại hai đêm ba ngày ở nhà vợ chồng Yến-Tân. Anh bước ra sau hiên nhà hút thuốc, Yến ra đứng bên cạnh và thân tình như anh em, nàng ôm lấy tay và ngước nhìn mái tóc trắng bạc của anh rồi nói nhỏ -Anh xem kìa, tóc anh có khác gì những mãnh tuyết còn đang đọng ngoài kia! Còn em tựa như cành cây khô trụi lá sau mùa đông tàn tạ vì cảnh ngộ và tuổi đời. Anh đã không cần chiêu hồi em? Nhưng qua những ngày tháng biết anh trong cảnh đời kham nhẫn, khổ cực đạp xích lô đưa đón em đi làm, em cảm nhận có một cái gì đó nơi anh mà em chưa hiểu thấu? Đêm hôm qua em không ngủ được và chạnh lòng tự hỏi: có biết bao những chiến sĩ trong quân đội miền Nam cũng đã có cùng sự chịu đựng oan nghiệp và giữ được nghị lực phấn đấu như anh? Em rất trân trọng và hâm mộ các anh và biết rằng sở dĩ quê hương Việt Nam còn tồn tại cho tới ngày hôm nay là vì dân tộc Việt là giống nòi tình có bản chất nhân ái làm gốc, sống triệt để hướng thượng, kiên cường, kham nhẫn và quật khởi, luôn đấu tranh để được sinh tồn, tiếp nối và tiến hóa.

UBL biểu lộ sự đồng tình, đưa tay vỗ nhẹ bờ vai gầy guộc của Yến, và trong tâm tư đang nhen nhóm bếp lửa ấm, lan tỏa thâm tình an nhiên và hạnh phúc. Bất chợt anh có ý nghĩ ngộ nghỉnh: từ vật là khẩu phần Ration C và chiếc xe xích lô làm duyên, anh và Yến đã vượt qua chiến tuyến thù hận Quốc gia và Cộng sản, kinh qua bao cảnh ngộ oan nghiệp của dòng đời, như “cùng một lứa bên trời lận đận” vẫn giữ được lòng nhân, lương thiện làm gốc để rồi gặp lại nhau, đây là Nghiệp tốt? Cám ơn Thượng đế.  

Anh quan niệm, không có một việc gì xảy ra trên cuộc đời nầy mà không có nguyên nhân? Duyên khởi -Nghiệp báo cũng là gieo Nhân và gặt Quả. Những ai gieo gió ắt sẽ gặt bão, lịch sử thế giới đã chứng minh như thế. Anh và Yến là những người nhân hậu cho dù quá khứ là kẻ thù, nhưng đều lấy nhân phẩm làm khuôn mẫu làm Người. Do vậy “Trời” không phụ hiền nhân, đã đãi ngộ cho chúng tôi được sống an bình, hạnh phúc nơi trú xứ thích hợp Mỹ Quốc có nhiều điều kiện tốt, để còn đóng góp trí lực báo ân nơi đã cưu mang mình và hướng về đồng bào trong nước mưu sự bình minh trên quê hương thanh bình.

UBL là quân nhân cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, nhưng vì cảnh ngộ “tháng Tư gãy súng” nay cầm bút để giữ chút lòng tự trọng, anh không bao giờ mặc áo thụng để vái lạy nhau, hay tâng bốc nịnh bợ ai, cũng không vô cớ chụp mũ, vu khống, phê bình, chỉ trích, đã kích người khác nhất là đồng đội của mình một cách hằn học mang đầy tính chất đố kỵ, ganh ghét như phường mục hạ vô nhân! 

Một thời là quân nhân cầm súng và cùng sánh vai với hàng hàng lớp lớp thanh niên miền Nam tham gia chiến đấu chống giặc Cộng sản từ miền Bắc xâm lăng miền Nam để bảo vệ dân lành và phân nửa giang sơn bờ cỏi và sau cùng cũng không làm tròn trách nhiệm Bảo Quốc An Dân mà phải buông súng, tan hàng ngày 30/4/1975!

Niềm đau cứ mãi canh cánh trong tâm hồn, không thốt nên lời, anh phải lập thân, quyết chí  “tầm Sư học Đạo”, miệt mài học Lịch sử vì Lịch sử là diễn biến Chính rrị Thời Qua và “nó” là hệ quả của thế Chính trị Hiện Tại sẽ dẫn đến thế Chính trị Tương Lai. Và mục đích của Chính trị là tạo nên sự hài hòa giữa những con người sống trong xã hội, những đoàn thể sống trong quốc gia, và những quốc gia trong cộng đồng nhân loại. Mục đích của chính trị là giải quyết là giải quyết ổn thỏa những tranh chấp, xung đột tinh thần và vật chất gây ra do sự mâu thuẫn quyền lợi giữa những cá nhân, giữa những từng lớp, giữa những đoàn thể và những quốc gia, tạo được tình trạng ổn định, điều kiện cần thiết để xã hội phồn thịnh. 

UBL nhận định rất đúng về mục đích của Chính trị, (tôi xin góp ý) và diễn biến Chính trị của thời đã qua đã được giải quyết bằng Chiến tranh và cuộc chiến cũng đã kết thúc bằng một giải pháp Chính trị, đáp ứng trọn vẹn các đòi hỏi mà UBL đã nêu ra. Tôi xin đề cập đến Chiến tranh VN và sự can thiệp của Mỹ.

Năm 1965, kỷ niệm 100 năm nội chiến Mỹ chấm dứt (1861-1865) HK trực tiếp nhảy vào cuộc chiến VN để giúp kết thúc cuộc nội chiến ở đây đã kéo dài từ hai thập niên trước. Đúng một năm sau ngày Mỹ đưa quân vào MN, tháng 3/1966 tôi vào trường Võ khoa Thủ Đức, đến cuối năm, anh Trương Văn Út vào trường Võ Bị Đà Lạt. Chúng tôi đều là cựu học sinh Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, tôi hơn Út 4 tuổi nên vào Đệ thất trước Út 4 năm (1953)

Sau khi mãn khóa quân sự, anh Út xông pha ngoài mặt trận cùng các chiến hữu đồng minh bảo vệ MN tự do. Còn tôi được được thuyên chuyển về Trung tâm Khai Thác Tài liệu Hỗn hợp (TTKTTL) tức Combined Document Exploitation Center (CDEC). Đây là cơ quan hỗn hợp, về phía VN trực thuộc Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, về phía Mỹ CDEC trực thuộc J2/MAC-V (Military Assistance Command-Vietnam).

CDEC được Quân đội Mỹ thành lập năm 1966, để khai thác và nghiên cứu tài liệu Cộng sản, phục vụ cuộc chiến. Ngoài số tài liệu tịch thu ngoài chiến trường, còn có sách báo xuất bản ở Hà Nội, các báo Nhân Dân và Quân đội Nhân Dân vừa phát hành thì tuần lễ sau đã có ở CDEC. Ngoài ra còn có các bản tin tức của Đài phát thanh Hà Nội, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, các bản tin kiểm thính theo dỏi các trao đổi thông tin giữa các đơn vị Cộng quân, có lẽ do Phòng 7 Bộ TTM cung cấp. 

Từ một giáo chức trở thành một chuyên viên nghiên cứu cuộc chiến đau thương của dân tộc, âu đó là định mạng hoặc là cái nghiệp của tôi. Ngày đầu tiên đi nhận nhiệm vụ do quân đội giao phó. Khi tôi đến cổng số 6, nằm sát bên trái cổng chánh tức cổng số 1 Bộ Tổng Tham Mưu, hai quân cảnh một Việt, một Mỹ đứng nghiêm chào. Tôi đưa họ xem sự vụ lịnh và đi vào doanh trại Mỹ, cách đó khoảng 200 thước. Tại cổng của doanh trại có 3 quân cảnh Mỹ đứng gát, khi tôi bước đến, cả ba đứng nghiêm chào và chỉ hướng tôi vào CDEC, nằm phía sau bãi đậu xe. Tôi đi bộ trên còn đường dài khoảng 30 thước dẫn đến cửa chính của CDEC. Nơi đây có một quân nhân Mỹ ngồi phía sau bàn tiếp tân, khi tôi tới gần, anh ta bước ra khỏi bàn đứng nghiêm chào. Tôi trình sự vụ lịnh, anh ta ghi vào sổ, trao cho tôi thẻ visitor, anh ta chào tôi một lần nữa khi tôi bước vào nhiệm sở mới. 

Một bước ngoặc lớn trong đời tôi, tôi linh tính một việc trọng đại gì đây? Năm năm trước tôi được cố vấn Mỹ dùng trực thăng đưa đi nhậm chức hiệu trưởng. Một việc hi hữu có một không hai này là vì tình thế lúc đó đòi hỏi. Nay tôi đến nhận việc tại một cơ sở của Mỹ nên họ chào đón tôi một cách lịch sự. Việc chào kính của người lính là kỷ luật của quân đội, nhưng khi viết những dòng này, tôi có ý nghĩ những người lính Mỹ đã chào kính một chiến sĩ đồng minh mà khi kết thúc cuộc chiến, họ bị hy sinh để Hoa Kỳ thực hiện được mục tiêu chiến lược quốc gia: làm sụp đổ Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa, kết thúc chiến tranh lạnh. Và viên sĩ quan này sẽ viết sử, giúp làm sáng tỏ cuộc chiến chính nghĩa của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Tôi xin nhắc lại năm 1963 được các cố vấn Mỹ dùng trực thăng đưa đi nhậm chức hiệu trưởng. Lúc bấy giờ, sau tổng thống Diệm bị đảo chánh (1/11/1963) học sinh sinh viên biểu tình, bải khóa đòi lật đổ hiệu trưởng. Điều này không những xảy ra ở Sàigòn mà còn lan rộng đến một quận nhỏ là Hồng Ngự. Học sinh trung học ở đây bỏ học đòi lật đổ hiệu trưởng. Trường Hồng Ngự nằm bên cạnh Chi khu và quận đường, quận trưởng là thiếu tá Nguyễn Bá Thìn tự Long phải huy động lực lượng Bảo an để bảo vệ an ninh vì sợ Việt Cộng trà trộn gây loạn. 

Học sinh có thân nhân tham gia lực lượng dân sự chiến đấu thuộc Trại Lực lượng Đặc biệt Mỹ trú đóng ở kinh Đồng Tiến cách Hồng Ngự 5 cây số, họ nghĩ rằng ông quận trưởng ra lịnh lực lượng Bảo an đàn áp học sinh, nên kéo về quận lỵ gây áp lực với ông quận trưởng. Cuộc xung đột có nguy cơ xảy ra giữa lực lượng Bảo an quận và Dân sự chiến đấu Mỹ khiến ông quận trưởng phải cầu cứu tỉnh. Trung tá Đoàn Văn Cương tỉnh trưởng Kiến Phong phải nhờ tới sự can thiệp của cố vấn Mỹ. Viên trung tá Mỹ chỉ huy Lực lượng Đặc biệt Vùng 4 dùng trực thăng đưa ông tỉnh trưởng, ông thiếu tá cố vấn Mỹ và tôi, đang dạy học tại Cao Lãnh,  tỉnh lỵ Kiến Phong đến Hồng Ngự nhận chức hiệu trưởng, còn các ông lo giải quyết vụ xích mích giữa lực lượng Dân sự chiến đấu Mỹ và Bảo An quận. 

Sau ngày đảo chính 1/11/1963, các cuộc xáo trộn chính trị vẫn tiếp diễn, học sinh không còn biểu tình chống hiệu trưởng mà lại chống đồng môn thuộc các trường khác, Phật giáo và Thiên chúa giáo cũng xung đột. Tướng tá thì sau đảo chính, lại chỉnh lỳ, biểu dương lực lượng, lại đảo chính, lật đổ chính phủ dân sự để tranh giành quyền lực. Trong hai năm đầy xáo trộn ở thủ đô, cộng quân hầu như làm chủ nông thôn. Cuối năm 1964 đầu năm 1965, tại Bình Giã (Bà Rịa-Long Khánh) một bộ phận của Sư đoàn Công trường 9 là Sư đoàn đầu tiên của Quân Giải phóng Miền Nam, giữa ban ngày mở cuộc tấn công vào một hậu cứ an toàn của quân chính phủ, xa luân chiến với 7, 8 Tiểu đoàn Biệt động quân và Thủy quân lục chiến được pháo binh và phi pháo yểm trợ. 

Để cứu miền Nam đang trên đà sụp đổ, đầu tháng 3/1965 Hoa Kỳ đưa hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục chiến đổ bộ lên Đà Nẵng, mở đầu giai đoạn Mỹ can thiệp trực tiếp vào chiến tranh VN. Quân đội miền Bắc cũng bắt đầu ồ ạt tiến vào miền Nam “đánh Mỹ cứu nước”.  Trong bối cảnh đó, đầu năm 1966 tôi được lịnh nhập ngũ, theo học khóa 22 Sĩ Quan Trừ bị Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp tôi được bố trí về ngành Quân Báo và được thuyên chuyển về Trung tâm Khai Thác Tài liệu Hỗn hợp.

Nhờ làm việc ở đây tôi hiểu rõ hơn về cuộc chiến VN. Nơi đây lưu trữ hầu hết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng (Lao động Việt Nam) và Trung ương Cục (CS Miền Nam). Các tài liệu này đều có phần mở đầu nhận định tình hình trong và ngoài nước, từ đó họ tiên liệu các tình huống sẽ xảy ra, mọi tình huống đều có phương hướng và hành động thích hợp. 

Riêng tôi, qua sự ghi nhận có chọn lọc nội dung các tài liệu quan trọng trên, tôi biết được phần nào những gì xảy ra trong nước và dư luận thế giới về cuộc chiến, nói chung khá bất lợi cho VNCH. Giới lãnh đạo MN, hình như không muốn biết những sự thật này, trong khi phía Mỹ, họ chuyển dịch sang Anh ngữ các tài liệu quan trọng, đồng thời chụp microfilm chuyển về Mỹ. Người Mỹ, họ khai thác tin tức tài liệu, không những của Cộng sản mà cả báo chí Việt ngữ ở Sàigòn. Có lần họ đưa cho tôi xem một bài báo đề cập đến hành vi tham nhũng của một tướng lãnh VNCH và nhờ tôi đánh giá như thế nào? Tôi trả lời, chúng ta chỉ khai thác tài liệu của CS mà thôi, đây là tờ báo của chế độ Sàigòn. Viên Đại úy Mỹ trả lời: nhiệm vụ của người làm tình báo phải tìm hiểu cả bạn lẫn thù. Có thể nay là bạn, trong tương lai sẽ là thù, hay ngược lại. Lúc đó tôi chưa hiểu câu nói thâm thúy của Lord Palmerston, người đã hai lần làm thủ tướng nước Anh hồi giữa thế kỷ 19: “Nations have no permanent friends or allies, they only have permanent interests”. 

***

Hàng đống tài liệu từ chiến trường chuyển về CDEC hàng ngày giúp tôi mường tượng được cảnh chiến trường ác liệt bi thảm ngoài mặt trận khi Quân đội Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn đang kịch chiến, quần thảo với những sư đoàn chính qui thiện chiến của CSBV ở khắp nơi, từ mạng Bắc Sàigòn kéo dài đến Quảng Trị. Đồng thời tôi cũng biết được cuộc đấu tranh ngoại giao ở bàn đàm phán Paris giữa Tiến sĩ Henry Kissinger và ông Cố vấn Lê Đức Thọ cũng gay gắt sôi động như cuộc chiến đẫm máu trong nước.

Được dịp nghiên cứu chiến tranh VN, tôi cố công tìm hiểu mối liên hệ lịch sử giữa Việt Nam và Đông Dương với các cường quốc thế giới như Pháp, Anh, Nhật, Mỹ, Trung Hoa, Liên Xô…Các mối liên hệ này kéo dài cả 100 năm kể từ khi Pháp đô hộ VN, Lenin thành lập Quốc tế 3, ông Hồ Chí Minh gia nhập đảng CS Pháp, du nhập chủ nghĩa CS vào VN, Hoa Kỳ bắt đầu can dự vào công việc thế giới, giúp kết thúc Thế chiến I.  Có thể nói việc nghiên cứu khá toàn diện, ngoài chiều dài thời gian, chiều rộng thế giới, tôi còn để ý đến chiều sâu, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện ước của những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận, đặc biệt là những cán binh Cộng sản miền Bắc, họ là linh hồn của cuộc chiến. 

Môi trường CDEC đã giúp tôi nhận thức được trách nhiệm lớn lao của mình. Bất kể ngày đêm tôi thường thấy các quân nhân Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn trong tư thế tác chiến với bộ đồ trận dính đầy sình, đất, cát, bụi, súng ngắn, súng dài kè sát bên hông, hấp tấp khuân chuyển các bao tài liệu cồng kềnh vừa tịch thu ngoài chiến trường. Sau khi bàn giao xong, chưa uống hết lon coca, họ tức tốc lên xe trở về với đồng đội đang chiến đấu ngoài mặt trận. Nhìn họ, tôi liên tưởng đến anh em chiến hữu của mình, các bạn tôi cũng đang xông pha ngoài chiến trường, chịu biết bao gian lao nguy hiểm.

Trong số tài liệu tịch thu, có hàng ngàn lá thư loang lỗ vết máu của những người con, người chồng, người cha gởi về bố mẹ, vợ con ở miền Bắc. Trong thư, họ bày tỏ ước nguyện mong chiến tranh sớm chấm dứt, để được quay về với những người thân yêu. Ước mơ chưa thành, họ đã vĩnh viễn nằm xuống, sinh Bắc, tử Nam. Đó cũng là ước nguyện chân thành của các chiến hữu của tôi, của những người lính Mỹ và đồng minh. Biết bao người cũng chung số phận hẫm hiu đó. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? Từ xưa có mấy ai ra chiến trận, trở về đâu! Họ xông pha chiến đấu chỉ vì trách nhiệm do đất nước giao phó: thống nhất đất nước, bảo vệ dân chủ tự do và giúp Việt Nam chấm dứt chiến tranh. 

Những lá thư như vậy, không ghi nhận một chút gì về chiến lược, chiến thuật, song tôi không thể bỏ qua. Con chim sắp chết, tiếng kêu ai oán, con người sắp chết, lời nói chân thành. Tôi phải đọc để thỏa lòng người tử sĩ, thư của họ đã có người nhận. Người đó tuy không phải thân nhân ruột thịt, song cũng là đồng bào của mình, họ hiểu được tấm lòng và ước mơ của mình. Xúc động làm tôi quên đi sự hôi tanh của tài liệu thấm máu, tôi say sưa làm việc để góp phần sớm chấm dứt nổi đau thương chung, đó cũng là con đường sống của dân tộc. Tôi biết chỉ có Mỹ mới chấm dứt được cuộc chiến đã kéo dài hơn 20 năm. Chấm dứt trong điều kiện có lợi nhất cho dân tộc: vừa thống nhất đất nước vừa mang lại dân chủ tự do cho đồng bào. Tôi phải góp phần giúp họ hoàn thành nhiệm vụ, để các chiến hữu đồng minh của tôi sớm quay về quê hương. 

Cuối cùng ước mơ của những người chiến binh đã thành sự thật: chiến tranh chấm dứt. Có lẽ trời cao không phụ lòng thành của tôi, lại dành cho tôi một cơ duyên nữa. Đêm 25 rạng 26 tháng 10 năm 1972, tôi được đọc một tài liệu tối mật của Cộng sản, báo cho biết một hiệp định hòa bình đã hình thành, Cộng quân được lịnh chuẩn bị xuống đường lấn đất giành dân khi lịnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 26/10/1972. 

Tôi được chỉ định đến Dinh Độc Lập tường trình sự kiện trọng đại này với Trung tướng Đặng Văn Quang -Phụ tá An ninh Quốc gia của tổng thống. Lúc bấy giờ TT Thiệu và các giới chức cao cấp VNCH vẫn chưa biết gì về việc hiệp định hòa bình đã được soạn thảo xong sắp được ký kết. Đây là kết quả của cuộc đấu trí giữa “tay lái trâu” Việt Nam và “tên cao bồi” Mỹ tại cuộc mật đàm ở Paris trong hơn 4 năm qua. Hai từ này do chính họ nói ra. Tướng Đặng Văn Quang cho biết Kissinger vừa rời Sàigòn hai ngày trước đó sau 5 ngày ở đây để thảo luận với tổng thống Thiệu về bản dự thảo hiệp định Paris. Nhưng Kissinger không đề cập gì đến việc ký kết và ngừng bắn, trong khi các đơn vị Cộng quân lại biết rõ chi tiết để hành động. Vì thế, TT Thiệu cho rằng Kissinger đã toa rập với Lê Đức Thọ ở bàn đàm phán để bán đứng Miền Nam Tự do cho Cộng sản. 

Đúng 3 tháng sau, hiệp định chấm chiến tranh, tái lập hòa bình ở VN chính thức ra đời. Hiệp định Paris 1973 đáp ứng trọn vẹn những ước vọng của những chiến binh tham dự cuộc chiến, dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Đó cũng là khát vọng của toàn dân từ Nam chí Bắc. Chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại, người dân miền Nam được hưởng đầy đủ mọi quyền tự do, họ sẽ quyết định vận mạng tương lai miền Nam qua một cuộc tổng tuyển cử dân chủ tự do có quốc tế giám sát. Chính quyền miền Nam sẽ hiệp thương với chính quyền miền Bắc để thống nhất đất nước theo tinh thần Hiệp định Genève 1954. Việt Nam thiết lập bang giao với Mỹ, và được Mỹ viện trợ để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước thời hậu chiến. 

HĐ Paris 1973 đã góp phần củng cố vìệc bình thường hóa mối quan hệ Đông Tây, mở ra giai đoạn hợp tác Nga-Mỹ trên cơ sở hai bên đều có lợi. Hai bên cam kết giảm bớt xung đột đi đến loại trừ hoàn toàn nguy cơ xung đột vũ trang, đã ký một thỏa ước lịch sử về “Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược” (Strategic Arms Limitation Treaty – SALT). Đối với Trung Cộng, HK không dùng quyền phủ quyết chấp nhận Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa gia nhập LHQ và trở thành Ủy viên thường trực HĐBA. HK mặc nhiên thừa nhận Bắc Kinh là lãnh tụ Thế giới Tbứ ba trong thế Ba Chân Vạc để bảo vệ hòa bình thế giới, dựa trên nguyên tắc bất can thiệp của các cường quốc và quyền tự quyết của các dân tộc

Điều bất hạnh của MN tự do là khi chiến tranh chấm dứt, HK phác họa mối quan hệ giữa họ và VN trong tương lai sẽ trải qua 3 giai đoạn: chấm dứt thù địch, thiết lập bang giao và cuối cùng là hợp tác. Sau khi HĐ Paris ra đời, HK rút quân khỏi MN, giảm dần viện trợ cho VNCH trong khi Hà Nội quyết tâm đánh bại quân Cộng Hòa, giải phóng MN để thống nhất đất nước. Cuộc chiến tự vệ, bảo vệ MN tự do vô cùng khó khăn vì QLVNCH phải chiến đấu đơn độc, không còn quân viện của Mỹ nữa.

Tuy nhiên có điều may mắn là CSVN thống nhất đất nước không vì nghĩa vụ dân tộc, mà vì nghĩa vụ quốc tế để tăng cường phe XHCN do Liên Xô lãnh đạo. Hành động này sẽ bị Trung Cộng trừng phạt vì CSVN đã phản bội sự giúp đỡ to lớn của họ từ năm 1950 đến nay. Chính giới Mỹ đã thấy được viễn ảnh này, nên quyết định chấm dứt hoàn toàn sự can dự ở MNVN. Ngày 23/4/1975 tại Đại học Tulane ở New Orleans, TT Gerald Ford tuyên bố: “Hôm nay, người Mỹ có thể lấy lại niềm tự hào đã có trước chiến tranh Việt Nam. Nhưng sẽ không đạt được điều đó nếu chúng ta quay trở lại một cuộc chiến đã xong rồi” 

Quyết định của HK đã giúp quân dân MN tự do không còn phải đổ máu vô ích sau khi cuộc chiến đã chấm dứt. Mục tiêu chiến đấu của người lính Cộng Hòa là mang lại dân chủ tự do cho đồng bào, quyền tự quyết của dân tộc…đã được ghi rõ ràng, đầy đủ chi tiết trong Chương IV gồm có 6 Điều từ 9 đến 14 trong HĐ Paris 1973 mà toàn văn bản hiệp định chỉ có 9 Chương và 23 Điều. 

Đối với quốc gia dân tộc, hai nghĩa vụ thống nhất đất nước và mang lại dân chủ tự do cho đồng bào đều cao cả…Nhưng không thể thực hiện song hành cùng một lúc. Phải thống nhất đất nước trước, dân chủ tự do sẽ đến sau, không chỉ dành cho nhân dân MN mà cho đồng bào cả nước. Ngày 30/4/1975 MN tự do chấp nhận buông súng để đất nước thống nhất. Đó là đặc tính cao đẹp của dân tộc: Biết hy sinh tình riêng vì nghĩa chung: Bảo vệ tự do cho MN là tình riêng, thống nhất đất nước là nghĩa chung…Nhưng rất tiếc CS bắt họ phải đầu hàng, 5 tướng lãnh VNCH cùng một số chiến hữu cấp dưới đã tự sát để bảo vệ danh dự người lính thà chết chớ không đầu hàng.

UBL là điển hình người lính Cộng Hòa nhân hậu, anh luôn tin tưởng hồn thiêng của đồng đội đã hy sinh vì Tổ Quốc luôn ở bên anh, đã độ trì anh tai qua nạn khỏi trong 8 năm xông pha ngoài trận mạc. Những gì anh gieo trong thời chinh chiến, anh gặt trong những giai đoạn bi thảm nhất của cuộc đời, một tù nhân chính trị sống ngoài vòng pháp luật trong chế độ chuyên chính bạo tàn cộng sản. Ngoài qui luật thông thường gieo nhân lành gặt quả tốt, bản chất lương thiện của anh đã động đến lòng Trời khiến anh gặp quới nhân giúp anh đến được đất nước tự do.

Từng chiêm nghiệm được lẽ huyền vi của qui luật nhân quả, vay trả - trả vay, UBL với nửa phần đầu của cuộc đời để chiến đấu ở chiến trường để bảo vệ quê hương…Nhưng mộng lớn bất thành, nửa phần đời còn lại sống biệt xứ, anh vẫn là một người Việt Nam trung hậu, ngoài chuyên nghiệp quân sự, nay anh tìm tòi học hỏi chính trị bằng cách nghiên cứu lịch sử với hoài bảo để có thể còn đóng góp trí lực báo ân đất nước đã cưu mang mình và hướng về quê hương mưu tìm cho đồng bào một buổi bình minh tươi sáng.

Ông Vũ Tài Lục viết quyển Những Quy-luật Chính trị trong Sử Việt với lời Tựa “Không đọc sử, không đủ tư cách nói chuyện chinh trị’. Theo nhà báo lão thành Nguyễn Tú, lịch sử ghi lại những sự kiện xảy ra theo đúng nguyên trạng, từ đó các sử gia sắp xếp có suy nghĩ để tạo thành một toàn cảnh chung, giúp họ nhìn thấy rõ các sự kiện trong tiến trình xảy ra mà viết thành sử. Việc sắp xếp các sự kiện lịch sử để tạo dựng lại được một cách trung thực dù là tương đối -một giai đọạn lịch sử khả tín, các sử gia không khỏi vấp phải những chỗ trống nan giải, lúc này đành phải để chữ “tồn nghi” chưa chắc chắn, để người sau bổ túc. Tuy nhiên, lịch sử -bất luận ở thời đại nào, bất cứ ở nơi đâu, xưa nay, đều không bao giờ có chuyện “ngẫu nhiên”. Lịch sử -theo một qui luật bất di bất dịch là qui luật “nhân quả”, để nhận định, mà không cần phán xét rườm rà; còn người đời, có thể “tùy nghi”. Lịch sử đứng trên tất cả vì tính chất vô tính, vô tình và vô thần của nó. Lịch sử cũng không cần được ban cho hai chữ “khách quan”. Lịch sử là lịch sử thế thôi.

Trong tinh thần đó, tôi xin tóm lược lại giai đoạn lịch sử sau ngày 30/4/1975. Sau 21 năm phân ly, đất nước thống nhất trở lại, tướng Trần Văn T à, Chủ tịch Ủy ban Quân quản tuyên bố với các phóng viên ngoại quốc: “Đối với người Việt Nam, không có ai là kẻ chiến thắng hoặc chiến bại chỉ có đế quốc Mỹ đã bị đánh bại”. Theo thông cáo của Ủy ban Quân quản, hàng trăm ngàn quân nhân công chức chế độ cũ đi trình diện học tập cải tạo với số lương thực dự trù 10 ngày hoặc 1 tháng tùy theo cấp bậc chức vụ. Họ là những người chấp nhận ở lại MN, nên hăng hái đi học tập để hiểu rõ đường lối chủ trương của chính phủ cách mạng Lâm thời MNVN hầu sớm hội nhập vào xã hội mới, góp phần xây dựng đất nước trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc.

Dù vói tâm trạng lo âu của kẻ bại trận, song người dân MN cũng chia sẻ nổi vui mừng đối với những người thắng trận. Đồng bào miền Bắc sẽ chấm dứt những năm tháng dài lao động cực khổ quên mình đê chi viện cho tiền tuyến miền Nam, nhất là những người đàn bà đảm đang thay chồng làm mọi việc nhà để người chồng an tâm đi làm nghĩa vụ chiến đấu, đa số đã chịu cảnh “sinh Bắc tử Nam”. Đối với kẻ chiến thắng, họ còn hãnh diện lập được kỳ công giải phóng đồng bào MN khỏi “trại tập trung khổng lồ” của Mỹ ngụy. Đồng bào hai miền đề hy vọng hướng về ngày mai đất nước thanh bình, thống nhất độc lập thống nhất và tự do 

Sau biến cố 30/4/1975, đất nước bước vào giai đoạn vô cùng thuận lợi để phát triển thời hậu chiến. Ngoài sự giúp đỡ của khối cộng sản, theo tinh thần HĐ Paris, VN sẽ thiết lập bang giao với Mỹ và các nước dân chủ tự do. HK dự trù sẽ viện trợ 3250 triệu để giúp VN tái thiết đất nước. Với một đội ngũ chuyên viên được đào tạo tại LX, TQ và các nước Đông Âu, nay có thêm những thành phần tốt nghiệp từ các nước Tây phương tân tiến. Họ sẽ thực hiện được lời hứa của chủ tịch Hồ Chí Minh “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.  

Ước mơ trên không thành khi Hà Nội đổi tên nước từ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ba tiêu đề Độc lập, Tư do, Hạnh phúc vẫn còn, nhưng nội dung Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc không còn khi CSVN xây dựng chủ nghĩa xã hội, áp dụng chủ nghĩa cộng sản mà mục tiêu là hận thù. Hận thù đã tạo ra cuộc chiến tàn khốc kéo dài 30 năm kể từ khi ông HCM phát động toàn quốc kháng chiến (20/12/1946). Và khi chiến tranh chấm dứt 30/4/1975 CS lại tiếp tục tạo hận thù. Họ trù dập đồng bào MN, đày ải những người theo chế độ cũ.

Năm 1945, ông Lê Duẩn từ Côn Đảo trở về đất liền được đồng bào MN tận tình cưu mang che chở, giúp ông lập gia đình với một giai nhân thuộc gia đình trí thức giàu có để ông an tâm phục vụ cách mạng. Các giới địa chủ, trí thức Tây học yêu nước tận tình giúp ông trong giai đoạn Nam Bộ kháng chiến chống Pháp và chính quyền quốc gia Bảo Đại, sau đó là kháng chiến chống Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm từ 1945 đến 1957. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở mặt phản bội đồng bào MN, phản bội MTGPMN, phản bội nghĩa vụ dân tộc. Ông làm nghĩa quốc tế với câu tuyên bố để đời: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em”.

Ngoài hành động phản bội dân tộc, CSVN  còn phản bội đàn anh Trung Cộng, khiến Bắc Kinh gây khó khăn bằng cách xúi giục đàn em Pol Pot-Khmer Đỏ gây hấn ở biên giới Tây Nam. Để đối phó với nguy cơ này, đầu tháng 11/1978 ông Lê Duẩn đến Mạc Tư Khoa cùng Brezhnev ký hiệp ước hữu nghị Việt-Xô. Dựa vào LX, hai tháng sau CSVN xua quân sang Nam Vang lật đổ chế độ Pol Pot được Bắc Kinh hậu thuẩn. 

Một chuổi nhân quả lịch sử tiếp diễn không ngừng, TQ thiết lập bang giao với Mỹ. Đặng Tiểu Bình đến Hoa Thạnh Đốn tuyên bố sẽ tấn công VN, dạy CSVN một bài học và hô hào Mỹ, Tây Âu và Nhật hợp tác với TQ thành lập Liên mình chống bá quyền LX mà CSN là tên tiểu bá quyền khu vực Châu Á.

Chiến tranh Đông Dương lần 3 kéo dài từ 1979 đến 1989 giữa các nước cộng sản với nhau đã đưa chủ nghĩa cộng sản ở LX sụp đổ hồi cuối năm 1991. Để sống còn, trước đó, tháng 9/1990 tại Thành Đô, CSVN quay về hợp tác với TQ từng bị họ tuyên bố là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, được ghi vào Hiến pháp năm 1980.

Trong giai đoạn này, ông Nguyễn Cơ Thạch, uỷ viên Bộ Chính trị CSVN, Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó thù tướng nhận định: “Một thời Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu”. Để ứng phó với tình thế mới, HK xúc tiến giải quyết dứt khoát những tồn đọng sau chiến tranh: vấn đề POW/MIA, vấn đề HO và kết thúc chiến tranh Đông Dương lân 3 bằng HĐ Paris 1991 về Cam Bốt.  Theo lộ trình vạch ra từ năm 1972, TT Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký văn kiện binh thường bang giao Việt Mỹ (7/7/1995).

Ba mươi lăm năm trước, tại Đại hội Đảng lần thứ III, (tháng 9/1960) ông Hồ Chí Minh đề ra chiến lược giải phóng MN để tăng cường phe xã hội chủ nghĩa. Ông Lê Duẩn đã thực hiện mục tiêu này nhưng cuối cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Chủ nghĩa Mác Lênin đã bị chôn vùi ngay tại quê hương Đức của Marc và quê hương Nga của Lenin. Nhân sự kiện này, tôi nhớ quyển hồi ký Một Cơn Gió Bụi của cụ Trần Trọng Kim, trong lời Tưạ, cụ viết:

“Hình như ngoài cuộc nhân sinh vật chất của người ta, có cái thế lực u uẩn, huyền bí, an bài tất cả mọi việc theo đúng cái nghiệp của từng người, giống như một tấn tuồng sắp đem ra trình diễn, đã có người xếp đặt đâu đấy cả rồi, ai đóng vai trò nào là phải đóng cho hết trò, chứ không từ chối được. Các nhà trết học nói đó là cái nhân quả tự nhiên của các sự vật, chứ không có gì lạ. Nói đúng lắm nhưng tìm ra cái nhân và biết được cái quả , không phải là việc dễ”. Ngoài cái Nghiệp, theo cụ Trần con người còn có cái Tâm, có người thiên dục (đam mê quyền lực) có người thiên lương nên cái Quả khác nhau.

Ông Hồ Chí Minh và Lê Duẩn vì cái nghiệp cộng sản đã làm đóng trọn vai trò, tạo ra cái quả, đất nước gánh chịu chiến tranh triền miên gần nửa thế kỷ, cuối cùng trở lại thời Bắc thuộc. Bill Chinton cũng vì cái nghiệp giải trừ chế độ cộng sản, quay lại VN cùng ông Võ Văn Kiệt bình thường hóa mối bang giao Việt Mỹ. Sau này ông Kiệt đã nói với Báo Việt Weekly: “Hồi chúng tôi mới giác ngộ đi theo cách mạng, lý tưởng thế giới đại đồng mạnh mẽ lắm” nhưng nay ông coi “dân tộc là trên hết”. 

Người đồng chí của ông là Nguyễn Hộ tuyên bố: năm 1991 “Tôi làm cách mạng 56 năm, gia đình tôi có hai liệt sĩ: anh ruột và vợ tôi. Nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân đã chịu hy sinh quá lớn, nhưng cuối cùng đất nước chẳng được gì, vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sĩ nhục nên tôi ly khai đảng CSVN rời thành phố về sống ở nông thôn. Nên hơn lúc nào hết về tinh thần và tư tưởng tôi thấy hoàn toàn được giải phóng. Bấy giờ tôi không còn bị kẹp chặt bởi cái kềm sắt” của chủ nghĩa Mác Lênin của đảng CS nữa. Do đó nó cho phép tôi dám nhìn thẳng vào sự thật và dám chỉ ra sự thật, đặc biệt trong tình hình sụp đổ của Đông Âu và sự tan rả của Liên Xô”.

Lê Q Lâm