Trẻ em thắp nến tưởng niệm hàng triệu nạn nhân đã chết
trong nạn đói 1932-33 Holodomor tại Ukraine, tại thành phố Lviv, ngày 26 tháng
11, 2022. (Yuriy Dyachyshyn/ AFP via Getty Images)
Mỗi năm, đến tuần lễ thứ tư tháng Mười Một, ngày thứ Bảy,
dân Ukraine lại thắp nến đặt trên bờ cửa sổ. Nghi lễ này bắt đầu từ năm 1991
khi Ukraine tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết. Mục đích là tưởng niệm những nạn
nhân chết đói trong những năm 1932, 1933 do chính sách bóc lột của Stalin gây ra.
Năm nay, Bộ Ngoại Giao Ukraine nhân dịp này đã tố cáo chính
phủ Nga đang tái diễn tội ác thời Xô Viết: “Cuộc chiến xâm lăng diệt chủng hiện
nay cũng nhằm những mục tiêu như thời 1932-1933: Tiêu diệt dân tộc Ukraine!”
Theo Tổng Thống Volodymyr Zelensky, “Vladimir Putin đang dùng nạn đói như một vũ khí tấn công Ukraine” khi phóng các hỏa tiễn vào các khu dân cư, đánh phá hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông và các nhà máy điện trong khi mùa Đông đang tới; cho dân Ukraine chết đói chết rét như thời Stalin.
Zelensky cho biết 17 quốc gia trên thế giới đã công nhận nạn
đói 1932-1933 do Stalin gây ra tại Ukraine là một “tội diệt chủng” (genocide),
như người Ukraine gọi tên tai họa này là “Holodomor.”
“Holodomor,” trong ngôn ngữ Ukraine ghép hai chữ holod,
nghĩa là nạn đói, và mor, là cơn đại dịch. Tên gọi này chỉ được dùng sau khi
Liên Xô theo chính sách Cởi Mở (glasnost) thời Gorbachev nới lỏng quyền tự do
phát biểu. Năm 1987, Bí Thư Thứ Nhất Đảng Cộng Sản Ukraine đã dùng chữ
Holodomor lần đầu, trong bài diễn văn kỷ niệm 70 năm sau Cách Mạng 1917. Năm
sau, Oleksiy Musiyenko, trong hội nhà văn Ukraine lập lại, từ đó ai cũng dùng
theo. Người Ukraine dùng động từ moryty (морити) với nghĩa là đầu độc, là tra tấn
hay làm cho kiệt quệ. Từ Holodomor được phổ biến rộng rãi khắp thế giới; tháng
Hai năm 2021 một vở kịch mang tên Holodomor đã được trình diễn ở Tehran, thủ đô
Iran.
Năm 1932, Joseph Stalin hoàn tất chương trình “tập thể hóa
nông nghiệp” trong Ukraine, cũng như các nước Cộng Hòa khác. Ukraine là nước sản
xuất nhiều lúa mì nhất trong Liên Bang Xô Viết, cho nên bị đặt chỉ tiêu phải
đóng góp nhiều nhất. Stalin tin rằng các nông trường tập thể phải sản xuất nhiều
hơn thời kỳ tư nhân canh tác, không ai dám nói sự thật rằng số nông sản đã tụt
giảm. Tháng 11, Stalin ra lệnh trưng thu tất cả lúa mì, kể cả hàng trăm ngàn tấn
thóc để giành làm hạt giống cho năm sau, vì ông ta nghi ngờ nông dân thế nào
cũng cất giấu. Mùa Đông tới, mỗi ngày có 28,000 người dân Ukraine chết đói, xác
nằm ngay trên lề đường tại các thành phố Kyiv, Kharkov.
Các sử gia ước tính tổng cộng từ 3.5 triệu đến 5 triệu người
Ukraine đã chết đói. Nhiều người còn cho rằng Stalin đã “hoạch toán,” biết trước
nạn đói xảy ra nhưng cứ thi hành với mục đích tiêu diệt phong trào đòi độc lập
của dân Ukraine. Sử gia Timothy Snyder, Đại học Yale, nói với bản tin Reuters
ngày 26 tháng 11, 2022, gọi đó là một “âm mưu giết người tập thể.”
So sánh với Ukraine thì số phận dân Việt Nam còn may mắn hơn
nhiều. Cùng theo chế độ Marx Lenin nhưng Việt Nam không bị Cộng Sản Trung Quốc
trực tiếp cai trị, nhờ có Liên Xô đứng cản trở.
Tuy nhiên Trung Cộng cũng gián tiếp gây ra nạn đói và chết
chóc ở nước ta. Các cố vấn Trung Cộng chỉ huy cuộc Cải Cách Ruộng Đất giết hại
hàng trăm ngàn người, kể cả những người từng ủng hộ Việt Cộng. Sau năm 1975, Lê
Duẩn trở mặt chống Trung Cộng để liên kết với Liên Xô; nhưng vẫn “học tập Mao
Chủ tịch” với một kế hoạch “tập thể hóa nông nghiệp” phỏng theo Công Xã Nhân
Dân của Mao Trạch Đông. Duẩn bắt đầu thi hành chính sách này, lấy “quê hương
cách mạng” ở miền Bắc Trung phần làm thí điểm. Đó là nơi Cộng Sản Việt Nam đã
thí nghiệm tổ chức Xô Viết Nghệ Tĩnh thời 1930. Năm 1978, dân nhiều làng ven
núi ở Thanh Hóa, Nghệ An được lệnh xóa bỏ các ngôi nhà ở để tăng số đất canh
tác. Thanh niên, học sinh được huy động đi phá nhà đồng bào, đem giường, chiếu,
nồi niêu soong chảo lên sườn đồi, dựng chòi làm chỗ ở. Kết quả là nhiều người bắt
đầu phải nhịn đói.
May mắn cho dân Việt Nam là khi Trung Cộng xua quân đánh vào
các tỉnh biên giới, Lê Duẩn phải ngưng thúc đẩy kế hoạch “tập thể hóa.” Các cán
bộ địa phương, nhìn tận mắt thấy những hậu quả thảm khốc, nhân cơ hội Bộ Chính
Trị bận lo đối phó cuộc chiến tranh biên giới, đã từ từ ngưng thi hành rồi cho
cả kế hoạch “Mao ít hơn Mao” này chìm xuồng! Nếu còn tiếp tục, chỉ trong một
vài năm không biết nạn đói sẽ giết bao nhiêu người! Chiến dịch “dạy cho Việt Cộng
một bài học” của Đặng Tiểu Bình đã vô tình cứu sống hàng trăm ngàn người Việt
thoát nạn chết đói.
Nhưng Việt Nam chỉ may mắn hơn Ukraine trong một vụ thoát chết
đói đó thôi. Năm 1991 Ukraine may mắn hơn Việt Nam vì đã thoát khỏi chế độ cộng
sản khi Liên Xô tan rã. Đế quốc Trung Cộng chưa tan, thì Việt Nam còn phải chờ
lâu! Hiện nay thì người Việt lại thấy mình may mắn hơn vì không bị lâm vào cảnh
chiến tranh!
Mỗi dân tộc sống với cái “nghiệp” của mình, nhưng người Việt
vẫn thích so sánh. Thí dụ, một vị giáo sư Đại Học Bách Khoa tôi mới gặp trong
Mùa Hè vừa qua. Ông giáo sư này đã đi công tác ở nhiều nước, từ Nga tới Mỹ, nên
tôi có dịp ngồi cùng bàn ăn với ông. Tôi không muốn nói rõ trường Bách Khoa
nào, vì chắc cũng không khác gì nhau.
Có lúc câu chuyện nói đến chiến tranh Ukraine, ông giáo sư kể
lại rằng ngày xưa khi đến Ukraine ông khâm phục vô cùng. Ở Kyiv, ông thấy những
cao ốc nhiều tầng không thua kém gì Moscow hay New York. Nhưng, bây giờ thì ông
thấy nước Ukraine cũng thường, chẳng hơn gì nước mình. Bởi vì, các thành phố
như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng cũng đầy rẫy nhà trọc trời!
Sau khi nghe lời ông giáo sư nói, tôi đã hỏi ông một chuyện
thời sự. Ông có biết quân Ukraine mới đánh chìm chiếc tàu chiến mang tên Mátx
Cơ Va (Moskva) hay không? Ông biết chứ, soái hạm Moskva của hạm đội Hắc Hải bị
đánh đắm ngày 14 tháng Tư năm 2022.
Đó là chiếc soái hạm đầu tiên của đế quốc Nga bị đánh chìm kể
từ trận hải chiến Nga-Nhật ở eo biển Đối Mã năm 1905.
Ông có biết quân Ukraine đã dùng hai chiếc hỏa tiễn Neptune
R-360 bắn trúng Moskva hay không? Sau khi ông giáo sư gật đầu, tôi nói thêm:
con tàu chiến Moskva đã được chế tạo từ thời còn Liên Bang Xô Viết, ở thành phố
Mykolaiv thuộc nước Ukraine, trên bờ sông Bug chảy ra Hắc Hải. Những hỏa tiễn
Neptune cũng do người Ukraine sáng chế.
Người Ukraine chế tạo được những chiếc tàu thủy lớn như thế,
những hỏa tiễn mạnh như thế. Nước Việt Nam mình có làm được hay không? Mấy năm
trước, công ty Sam Sung của Đại Hàn, đang lắp ráp các điện thoại ở nước ta, đã
đề nghị Việt Nam cung cấp một thứ đinh ốc để lấy tiếng có dự phần sản xuất.
Không có xí nghiệp nào ở nước ta sẵn sàng để làm thứ đinh ốc đó. Nào, mời chư vị
quân tử, xin lỗi, mời các đồng chí, chúng ta cùng nâng ly!