Bà Năm đưa 3 cây
nhan gần chạm trán, khấn: “Lạy thổ thần đất
đai và cô hồn các bác, hôm nay là 30 Tết, con cầu xin thổ thần đất đai và cô hồn
các đẳng phù hộ cho con của con – tên Cúc – làm ăn phát đạt, gặp được người xứng
đáng. Nếu lời nguyện của con được linh ứng, con sẽ xin cúng một con gà.”
Cắm nhan xong,
quay lại, thấy Bảo và Thảo đang nhìn Bà chăm chăm, vì chưa bao giờ thấy ai cúng
và lạy, Bà Năm nạt:
-Nhìn cái gì? Bộ
lạ lắm sao?
Hai đứa bé sợ, vừa nhìn nhau vừa bước lui vào phòng, đóng cửa lại. Mẹ của Bảo và Thảo từ trên lầu đi xuống, bà Năm bảo:
-Cúc! Từ ngày tụi
mày bảo lãnh tao qua đây tới giờ, đã mấy tháng rồi, mà hai đứa nhỏ cũng “ì” cái
mặt tụi nó ra. Tao là bà Ngoại của tụi nó “chớ bộ” tao là... “cứt” sao!
Nhờ sống ở Mỹ khá
lâu, ngôn từ và suy nghĩ của Cúc không còn như thời Cúc mới được sang Mỹ theo
diện hôn phối, sau khi thành hôn với Đạm. Cúc đáp:
-Tụi nó mới bốn
năm tuổi, biết gì đâu mà Má nói thấy ghê!
-Ghê gì! Mày
không dạy tụi nó tiếng Việt thì tụi nó đâu biết Ông Bà của tụi nó là ai; bởi vậy,
tụi nó cứ gọi tao là you rồi “trơ mắt”
nhìn, coi tao như... “cứt”!
-Tụi con đi làm
suốt ngày, thì giờ đâu mà dạy tụi nó tiếng Việt. Tụi nó không hiểu tiếng Việt;
Má không biết tiếng Anh thì chịu thôi.
-Thằng Đạm lấy
mày thì nó phải “cung phụng” mày; “mắc mớ gì” mày phải đi làm?
-Nếu con không đi
làm, ai gửi tiền về cho Má và họ hàng suốt bao nhiêu năm qua?
-Mỗi tháng mày
“thí” cho tao có mấy trăm đô “chớ mấy”! Bà con xin, mày cũng “thí” mỗi “hộ” 100
đô “chớ mấy”; trong khi đó vợ chồng mày sống trong cái nhà “chần dần”!
-Bao nhiêu cũng
“chớ mấy”, vậy tiền đâu tụi con trả tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm và nuôi
hai đứa nhỏ?
Bà Năm trở lại đề
tài mà Bà lập đi lập lại với Cúc không biết bao nhiêu lần kể từ khi Bà đến Mỹ:
-Nuôi con thì phải
nghĩ đến tương lai cho con. Mày muốn hai đứa nó lớn lên học hành để làm ông kia
bà nọ hay là mày muốn tụi nó làm thợ bạc như “thằng” Đạm?
-Con nói với Má
hoài. “Nó” đem con qua đây, cho con đi học tiếng Anh rồi học nghề và tụi con có
hai đứa con. Bây giờ Má biểu con “đá nó cái rột”, ai nuôi con của con?
-Mày học được chữ
nào là công khó của mày chớ “dính dấp” gì tới nó?
-“Nó” phải mua xe
cho con, trả tiền học, tiền sách vở, tiền xăng, áo quần v.v. chớ sao không
“dính dấp”?
Bà Năm nạt lớn:
-Đi học thì mượn
hoặc xin tiền của chính phủ. Mua nhà, mua xe trả góp chớ đâu phải như bên mình,
mua, trả “cái rột”. Mày qua đây chỉ có bổn phận ở nhà, đi chợ nấu ăn cho nó
thôi. Nó phải có bổn phận chu cấp mọi thứ cho mày. Còn con, mày nuôi không nổi
thì xin tiền chính phủ Mỹ mà nuôi. Ăn học như mày mà sao dốt quá vậy?
-Tùy theo income
chứ không phải ai cũng mượn hoặc xin được tiền của chính phủ để đi học hoặc
nuôi con.
-“In côm” là cái
gì?
-Lợi tức cá nhân
hằng năm.
-Mày là “kỹ sư dược
sĩ”. Mấy “thằng” dược sĩ cùng làm với mày sao mày không “chôm” một “thằng” mà
mày cứ sống với “thằng” thợ bạc? Lương của “thằng” thợ bạc so với lương của “kỹ
sư dược sĩ” như mày thì thấm vào đâu?
-Con nói với Má
hoài. Con chỉ là người trợ giúp dược sĩ (pharmacy technician) chứ con
không phải dược sĩ; vì con không có căn bản học vấn, làm sao học đến dược sĩ được!
Hơn nữa, ở đây không có nghề nào là “kỹ sư dược sĩ” cả.
-Mày phụ giúp dược
sĩ thì gọi là “kỹ sư dược sĩ” chớ còn gì nữa. Chỗ mày làm có nhiều dược sĩ, sao
mày không “củm đại” một “thằng” để trở thành “bà dược sĩ”? “Bà dược sĩ” không
danh giá hơn “bà thợ bạc” sao? Đồ ngu!
Vì mộng được làm
“bà dược sĩ”, Cúc đã “tấn công” và tự “hiến thân” cho một dược sĩ làm cùng công
ty CVS. Cúc hy vọng dược sĩ này sẽ ly dị vợ để sống với Cúc.
Không ngờ, chuyện
ngoại tình của Cúc và dược sĩ bị “đổ bể”. Vợ của dược sĩ đã khôn ngoan, dùng
tình cảm chinh phục chồng, thuyết phục chồng dời đi tiểu bang khác.
Riêng Đạm, khi
hay tin Cúc ngoại tình, Đạm âm thầm đau khổ, lên facebook tìm bạn gái.
Sau thời gian
“lăng nhăn ảo” với vài cô bên Việt Nam, Đạm nhận ra đa số phụ nữ bên Việt Nam
chỉ muốn tìm cuộc sống “đổi đời” – như Cúc – chứ không có tình yêu, Đạm thất vọng.
Và, điều quan trọng hơn cả là, càng lớn Bảo càng giống Đạm và càng quyến luyến
Đạm một cách rất thiết tha, đậm đà; vì thế Đạm quyết định tha thứ và vẫn sống với
Cúc.
Sự thật là như thế.
Nhưng, Cúc chỉ nói với mọi người về sự phản bội của Đạm trong chuyện “tình ảo”
trên facebook; còn chuyện ngoại tình giữa Cúc và dược sĩ, Cúc “giấu biệt”.
Vì không hiểu rõ
sự việc, bà Năm kể công:
-Mày là con một.
Vì thương mày, Ba mày phải buôn lậu để gây dựng tương lai cho mày; “không dè” ổng
bị đồng bọn thanh toán vì “chia chác” không đều! Tao phải bán nhà, bán đất để
tìm mai mối cho mày đổi đời. Bây giờ mày lỡ gặp thằng chồng “cà chớn” mà mày
còn tiếc “cái nỗi gì”?
-Má để từ từ, được
không?
-Từ từ? Bộ mày tưởng
mày trẻ đẹp “woài” sao?
-Con biết, nhưng
“kẹt” hai đứa nhỏ.
-“Kẹt” cái gì!
Tao đã hỏi người Việt quanh đây. Họ nói, tại tiểu bang này, nếu ly dị, Mẹ được
nuôi con; hằng tháng Cha phải chu cấp tiền nuôi con cho đến khi con 18 tuổi;
tài sản chia hai.
******
Sáng chủ nhật, dậy
trễ, thấy Đạm, với nét mặt rất buồn, đang đem va-ly và nhiều vật dụng của Đạm
chất vào xe truck màu đỏ, Bảo ngạc nhiên:
-Daddy đem va-ly và mấy thứ đó đi đâu?
Đạm bế Bảo lên,
giọng nghẹn ngào:
-Daddy phải đi.
-Khi nào daddy về?
-Daddy sẽ không về.
Bảo tròn mắt nhìn
Đạm:
-Cái gì?
Đạm lập lại. Bảo vùng
vằn:
-Tại sao? Con muốn
daddy trở về.
Đạm siết chặt Bảo
vào lòng. Vừa khi đó, hình ảnh những buổi chiều Đạm dẫn Bảo và Thảo đi bộ vòng
quanh khu vực gia đình cư ngụ, nhiều người láng giềng vẫy tay, nói “hi!” và khen hai đứa bé dễ thương, hiện
về trong cõi lòng tan nát của Đạm. Một trong những người thương hai đứa bé như
cháu ruột là bà Hồng; nhưng Bảo không biết Bà tên gì. Nghe Bà và Đạm thường nói
chuyện bằng tiếng Việt, Bảo tự ý đặt tên cho Bà là “bà Việt Nam”. Nhớ đến đây,
Đạm thở dài:
-Daddy
đâu muốn đi, con!
-Nếu daddy
không muốn đi, ai bắt daddy đi
được?
-Quan tòa! Nhưng
Cha con mình vẫn sẽ gặp nhau.
-Bằng cách nào?
-Thỉnh thoảng, daddy sẽ đón hai đứa về sống với daddy.
-Tại sao lại thỉnh
thoảng?
-Quan tòa đã phán
quyết như vậy.
-Quan tòa là ai mà
ác vậy?
-Lớn lên con sẽ
hiểu. Bây giờ con nghe lời daddy, gắng
học giỏi. Hè, daddy sẽ đưa con và Thảo
đi Disney World chơi.
Bảo ôm cổ Đạm. Đạm
dặn:
-Lúc nào daddy cũng thương nhớ các con. Con và Thảo
phải gắng học và vâng lời Mẹ dạy, nha!
Đạm dặn Bảo phải
vâng lời Mẹ dạy. Nhưng suốt thời gian dài sống với Cúc, Ngoại và Thảo, lúc nào
Bảo cũng chỉ nghe Cúc nói Đạm là “thằng” đàn ông xấu xa, tồi tệ, đáng ghê tởm
nhất thế giới; vì đã bỏ vợ con để theo mấy bà bên Việt Nam. Cúc bán nhà – Đạm
đã ký giấy thỏa thuận tặng Cúc, Bảo và Thảo “nữa ngôi nhà” Đạm được hưởng khi
ly dị – dời đến khu vực khác. Cúc đổi số điện thoại; cấm Bảo và Thảo liên lạc
hoặc nhắc đến Đạm. Đứa nào cãi lời, Cúc sẽ đuổi ra khỏi nhà để mấy người homeless
bắt đi.
Như thế tưởng
chưa đủ, bà Năm còn lo xa:
-Mày dọn nhà đi
mà mày đã cho thằng Đạm địa chỉ mới để hằng tháng nó gửi tiền nuôi hai đứa nhỏ
chưa?
-Hằng tháng “nó”
gửi check đến luật sư của con; luật
sư của con sẽ chuyển đến con.
******
Điện thoại reng,
bà Hồng nhất lên, allo và nghe:
-Hi, “bà Việt
Nam”!
-Bảo! Trời ơi! Bà
phải “ở trên điện thoại” từ sáng sớm đến chiều nay mới tìm được con!
-Con xin lỗi Bà.
Nhưng làm thế nào Ba của con biết con đi lính mà nhờ Bà tìm?
-Ba của con kể rằng:
Hector – ngày trước cùng làm tại tiệm kim hoàng với Ba con – gặp con tại phi
trường. Thấy con giống Ba con “như đúc”, Hector hỏi thăm. Con xác nhận và cho
Hector biết con lén gia đình, sang California trình diện, nhập ngũ. Sau khi con
lên máy bay, Hector tìm trong điện thoại của Hector, thấy số điện thoại cũ của
Ba con. Hector nghĩ, cứ gọi thử xem,
nếu đúng, Hector sẽ báo cho Ba con biết tin con đi lính; nếu không đúng thì
Hector cũng đã hết lòng với người bạn cũ. Không ngờ Ba của con không đổi số điện
thoại. Thế là Ba của con điện thoại, nhờ Bà tìm con; vì Ba con và Hector không
đủ khả năng sinh ngữ cũng như sự hiểu biết về các cơ quan công quyền.
-Hector quả là
người tốt! Con xin lỗi đã làm phiền Bà.
-Tìm được con, Bà
vui chứ sao lại phiền. Con khỏe không? Con đang ở đâu?
-Con khỏe. Con
đang ở trung tâm huấn luyện Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
-Cái gì? Trời! Ba
của con nói với Bà rằng con cho Heator biết con sắp xong năm thứ hai đại học;
nhưng vì buồn gia đình nên đi lính. Tại sao con không gắng thêm vài năm nữa cho
xong đại học rồi xin vào trường sĩ quan?
-Sĩ quan hoặc
lính cũng chỉ đánh giặc thôi, đâu khác biệt gì. Sự khác biệt quan trọng nhất
trong đời người là một đứa có Cha và một đứa có Cha mà không được gặp, không được
liên lạc với Cha!
-Bà hiểu.
-Biết bao nhiêu
năm rồi con không được hug, không được
nghe tiếng nói của Ba con, Bà biết
không?
Dù đã nghe người
Việt quanh khu vực này nói về việc Cúc ngoại tình với dược sĩ làm cùng công ty,
bà Hồng cũng nói khác đi; vì Bà không muốn làm cho Bảo đau lòng thêm:
-Là phụ nữ, Bà hiểu
tâm trạng của Mẹ con. Con đừng trách Mẹ con.
-Con không trách
Mẹ con. Con hiểu Mẹ con có lý lẽ của Mẹ con. Nhưng trái tim của con cũng có lý
lẽ của nó.
Ngưng một chốc để
nén xúc động, Bảo tiếp:
-Làm thế nào Bà
tìm ra con?
-Sau khi hứa với
Ba con, Bà vào Google, tìm, rồi điện
thoại đến các nơi tuyển mộ tại Houston. Không ai có thể giúp Bà; vì Bà không có
tư liệu cá nhân của con. Bà gọi các văn phòng tuyển mộ tại Dallas và Austin
cũng bị từ chối vì cùng lý do. Bà khóc, giải thích với nhân viên phòng tuyển mộ
tại Austin rằng Bà không biết số điện thoại của Mẹ con. Lúc sáng Ba con gọi Bà
trên số desk phone của Bà – mà desk phone của Bà không có máy để ghi lại
số điện thoại hoặc lời nhắn – và Bà cũng quên hỏi Ba con số điện thoại của Ba
con; do đó Bà không thể gọi lại Ba
con để lấy tư liệu cá nhân của con. Bà nhờ văn phòng tuyển mộ tại Austin ghi
tên họ, địa chỉ và hai số điện thoại của Bà rồi chuyển đến con với lời nhắn: Nếu
con nhận ra Bà là “bà Việt Nam”, hãy gọi Bà ngay; vì Ba con rất khổ tâm và lo lắng
cho con!
-Cảm ơn Bà đã tìm
con. Tụi con thương nhớ Ba con nhiều lắm. Nhưng Mẹ con cũng vẫn cấm tụi con
liên lạc với Ba của tụi con! Mẹ con bảo, nếu tụi con liên lạc với Ba con thì Mẹ
của con sẽ... tự tử chết!
******
Trong khung cảnh
nhộn nhịp, vui tươi, nhìn Thảo rạng rỡ với chiếc áo cưới màu trắng, vương miệng
cũng màu trắng và bó hoa hồng trên tay, Bảo vẫn cảm nhận được sự trống vắng
trong hồn chàng. Bảo thở dài, nhìn sang bạn gái, tự hỏi: Nếu sau này, con mình
lập gia đình mà mình không được tham dự, mình sẽ nghĩ như thế nào? Con của mình
sẽ nghĩ gì? Nếu con gái của mình phải cầm tay một người đàn ông khác trong những
bước first dance – vì mình không được nhận vinh dự đó – thì con gái của
mình sẽ cảm nhận như thế nào? Mình có đủ can đảm để vượt qua nỗi đau quá lớn đó
hay không? Nỗi buồn trong lòng mình sẽ sâu đến độ nào?... Đang suy tư, Bảo chợt
nghe giọng bạn gái:
-Bảo, đứng lên! Đứng
lên, đi ra với cô dâu.
Bảo nắm tay Thảo
bước vào sân khấu trong tiếng vỗ tay rộn rã. Nhìn nụ cười rạng rỡ của Thảo, Bảo
cảm thấy thương em vô cùng và cũng nhớ Ba
vô vàn!
Ban nhạc dạo hết
phân đoạn đầu tình khúc She Walks With Me của Michael W. Smith, ca sĩ “bắt”
vào:
Lời ca gợi lại
trong hồn Bảo hình ảnh những buổi chiều hạnh phúc xưa, khi Bảo và Thảo cùng Ba
đi bộ quanh xóm... Kỷ niệm vừa sống lại trong hồn, Bảo đưa tay quẹt nước mắt.
Thảo vừa bước theo vòng tay đưa đẩy của Bảo vừa nhìn Bảo, khẽ nói:
-Bảo! Anh gắng
vui trong ngày trọng đại của đời em. Em thương anh.
Bảo tự hỏi: Ngày
trọng đại của đời em mà Ba của em không được phép hiện diện! Có bất công cho em
hay không? Sự bất hòa giữa Cha Mẹ là chuyện của Cha Mẹ, tại sao bắt con phải nhận
lãnh hậu quả? Với hai hàng nước mắt tuôn dài, Bảo quay nhanh về phía bàn gia
đình và thấy “bà Việt Nam” đang nhìn chàng với ánh mắt đầy xót thương! Mủi lòng
quá, Bảo rời sân khấu, bước vội ra cửa trong sự bàng hoàng và xúc động của mọi
người!
Bước chầm chậm
trong khung trời rực rỡ của lồng đèn màu đỏ, chữ vàng, treo trước mỗi nhà hàng
và tiếng trống của đoàn múa Lân, Bảo chợt nhớ những mùa xuân xưa, khi Bảo và Thảo
được mặc quần áo mới, được Ba Mẹ đưa đi chúc Tết bà con và bạn hữu. Bảo và Thảo
được “lì xì” tiền mới. Khi về nhà, Ba bày Bảo, Thảo và mấy đứa bé cùng xóm chơi
“bầu, cua, cá, cọp”... Nhớ đến đây, Bảo tủi thân, tựa vào trụ đèn, gục đầu vào
lòng bàn tay, dáng vẻ rất khổ sở.
Bất ngờ, một bàn
tay nhẹ nhàng đặt lên vai của Bảo, giọng dịu dàng:
-Hi, Bảo!
Quay sang, nhận
ra bà Hồng, Bảo hơi khom xuống, vừa hug Bà vừa thì thầm:
-“Bà Việt Nam”!
Con buồn quá!
-Bà hiểu. Nhưng,
con gắng vượt qua để niềm vui của em con được trọn vẹn.
-Con phải làm gì
bây giờ?
Bà Hồng chưa kịp
đáp thì chiếc truck màu đỏ của nhân
viên an ninh tuần tiễu chạy chầm chậm ngang qua. Nhìn theo chiếc truck, niềm thương nhớ Ba lại cuồn cuộn
trở về rồi òa vỡ trong lòng, Bảo không thể tự chủ được, gọi lớn: “Truck! Bring my daddy back! I want my daddy
to be here for my sister’s wedding!”
Điệp Mỹ Linh