Đang chuẩn
bị dắt xe ra về, Hiến bỗng nghe tiếng gọi:
-Này, cậu Hiến
– Dạ sếp gọi em ạ.
– Báo cho cậu một tin nóng hổi vừa thổi vừa run nhé, đảm bảo
nóng đến mức…hai đầu gối cậu tha hồ reo hát trên nền đường đấy .
-Dạ tin gì thế ạ. Hiến tò mò, dù đã quen với cách đùa của sếp.
-Cậu biết công ty mình là công ty liên doanh với Nhật rồi chứ.
-Dạ em biết, nhưng sao cơ ạ?
– Thì sắp tới có một dự án lớn do công ty vừa trúng thầu, vì
vậy tuần tới đích thân một kỹ sư, à chuyên gia của Nhật sang làm dự án
trong khoảng 6 tháng, nên cậu sẽ được giao nhiệm vụ lái xe cho ông ấy đấy.
Mắt chữ o, mồm chữ i, Hiến vội vàng từ chối:
– Ôi thưa xếp, lâu nay em toàn lái xe cho
các sếp Việt Nam mình, được các sếp tin tưởng, giao phó cả tính mạng
trên từng cây số, giờ các sếp lại không tin tưởng em nữa ạ?
-Ơ hay cái cậu này, dù sao cậu cũng là tài xế cứng của công
ty, được suy tôn là “người cầm lái vĩ đại” , nên công ty mới tin tưởng giao sếp
mới cho cậu chứ. Tôi và anh Hân – phó giám đốc cũng cân nhắc mãi trước
khi điều chuyển cậu đấy.
-Nhưng…nhưng … Hiến ấp úng …làm sao em làm người cầm lái vĩ
đại cho sếp mới được ạ , em có biết tiếng Nhật đâu, chí ít thì cũng phải để cho
em nửa năm học tiếng Nhật mới có thể giao tiếp được chứ.
-Ô không sao không sao, Sếp lôi một tràng “tiếng Nhật” ra ,
nói líu lo:
– Mi đưa ku ra, ta xoa ku mi!
– Xoa ku ta chi? Ngu chi cho xoa, xa ku ta ra,
xoa ku mi đi!
Hiến cười ngơ ngẩn, không biết phản ứng ra sao, sếp tiếp tục
an ủi:
– Đùa vậy, chứ không sao đâu, thời gian này cậu có thể vừa
làm, vừa tham gia lớp học tiếng Nhật ở các trung tâm tiếng Nhật vào ngày nghỉ,
hoặc buổi tối. ..Cùng lắm thì cậu cứ phát huy hết sở trường tiếng Anh của mình
là được.
– Dạ… Thế thế ông ấy cũng biết tiếng Anh ạ?
– À cũng nhì nhằng biết chữ như cậu thôi…miễn không nói
theo kiểu tiếng bồi là được rồi, ví dụ Ô là umbrella, tomorow là ngày mai chứ
không thể ghép
hai chữ lại là thành ô mai, hiểu chưa?.
– Vâng thưa sếp, Hiến đùa bằng một câu tiếng anh vô thưởng
vô phạt : Like is afternoon ạ
– Cái gì? cậu nói gì? nói lại tôi nghe nào.
Biết Sếp đang vui, Hiến vui vẻ nhắc lại:
– Dạ … Like is afternoon nghĩa là
thích thì chiều ạ
Đang nghiêm nghị sếp bỗng vén môi cười xòa:
– À mà no star where ( không sao
đâu), Cả tôi và cậu cũng sắp sửa “ i go my sugar, you go your sugar” (Tôi
đi đường tôi , cậu đi đường cậu ) rồi , hôm nay lại là cuối tuần, để tôi
mời cậu ra quán bia cỏ làm vài chầu chúc mừng nhé.
Nhớ đến lời hứa với vợ và con ở nhà, lại không muốn làm phiền
túi tiền của sếp, Hiến vội vàng từ chối.
– Dạ, em có việc phải đi rồi, hẹn gặp sếp đầu
tuần sau ạ.
Dướn người ,khởi động tay ga, sang số, Hiến bất ngờ rẽ ngoặt
vào một hiệu sách lớn bên kia đường. Lọt thỏm trong cả núi sách các loại,
từ văn học, lịch sử, khoa học, tâm lý v.v cô bán hàng nở nụ
cười chào đón:
– Dạ anh đến mua sách ạ?
-Cô chọn cho tôi hai quyển “giao tiếp căn bản” vừa tiếng Nhật,
vừa tiếng Anh.
Cô bán hàng nhanh nhảu chìa ra túi nilon xinh xinh trong có
hai quyển sách vừa chọn:
– Dạ của quý khách đây ạ.
… Về đến nhà, dựng xe trước cửa, Hiến lao vào bàn, lật giở
vài trang, quên cả lời hứa với vợ là đưa hai con sang nhà bà ngoại ăn tối, say
sưa đọc…Hóa ra tiếng Nhật phức tạp hơn Hiến tưởng nhiều, chỉ riêng cách chào hỏi
thông thường thôi cũng có đến 5,7 câu khác nhau, tùy từng bối cảnh nam, nữ, già
trẻ, lớn bé, thân sơ, rồi tùy thời gian sáng trưa chiếu tối mà áp dụng. Cụ thể “Konnichiwa”
,” konbanwa” hay “ohayougozaimasu” trong tiếng Nhật đều mang ý nghĩa
chào hỏi, nhưng để dùng cho hợp ngữ cảnh lại phải mất công tìm hiểu,
trong khi Hiến ngoài 30 tuổi , một vợ đời và hai con đẻ, chưa có vợ ngày
và con rơi vãi, cũng chưa một lần bước chân tới đất nước mặt trời mọc
hay tiếp xúc với người Nhật nơi xứ sở anh đào thì…đào đâu ra chữ mà nói
đây, nếu không chịu học?
Kể từ hôm ấy( sau khi nghe cái tin nóng hổi, “vừa thổi vừa
run” ), Hiến dốc lòng, dốc sức để học tiếng Nhật, kể cả khi đang “tẩy trần” dưới
vòi hoa sen mát lạnh hay khi “xổ ruột” vào sáng sớm mỗi khi ngủ dạy theo thói
quen, Hiến cũng lẩm bẩm vài câu tiếng Nhật. Ngay cả khi đi ngủ cũng cầm theo
quyển “giao tiếp tiếng Nhật”, nghĩa là ăn tiếng Nhật, ngủ tiếng Nhật, tắm tiếng
Nhật và ị cũng tiếng Nhật luôn.
…
Niềm lo lắng bấy lâu , nay đã hiện rõ mười mươi.
Sếp đến, cả công ty rộn rã cờ hoa, người lo bảng hiệu:
“Welcome to Mr Ajinomoto”, người lo bày tiệc chiêu đãi, người lo viết báo cáo để
trình bày mọi công việc liên quan tới dự án, riêng Hiến được cử ra sân bay đón
sếp.
Xa xa một người da trắng, mặt tròn, cặp mắt hẹp,
hàng lông mày rậm, tiến đến tấm biển Hiến đang cầm: “Mr Ajinomoto”
Quả thật, nếu không có dáng người cao dong dỏng, ngược hẳn với
sự hình dung của Hiến, có lẽ Hiến đã tưởng sếp là người Mông Cổ cơ.
Bỗng dưng bao nhiêu sự tự tin biến đi đâu cả, chủ động
chìa tay ra bắt tay sếp, cúi gập đầu chào sếp theo nghi thức giao tiếp của
Người Nhật, miệng Hiến lại thốt ra những tiếng vô hồn, trống rỗng:
Lẽ dĩ nhiên là sếp không hiểu, để chữa thẹn, Hiến đành
bập bẹ thứ tiếng Anh nhì nhằng biết chữ của mình.
-Good afternoon, nice to meet you( Chào buổi trưa, rất
vui được gặp ông).
Sếp vui vẻ bắt tay Hiếu đầy tự tin:
–Ohayogozaimasu. (Chào buổi trưa)
Sợ Hiến không hiểu, Sếp nói rõ hơn bằng tiếng Anh:
–Me too, Nice to meet you.(Tôi cũng vậy, rất vui được gặp
ngài)
Để gây thiện cảm Hiến lấy hết vốn tiếng anh của mình
ra hỏi:
–What do you think about our Vietnamese( Ngài nghĩ gì về
Nước Việt Nam chúng tôi)
Sếp trả lời thoáng chút e dè:
– Oh, not so good. (ồ, không tốt lắm)
Tức khí Hiến hỏi:
– Do you know speak Vietnamese? (Ngài có biết
nói tiếng Việt không ?
Thay vì trả lời, “yes” hoặc “no”, sếp thản nhiên tuôn
ra một tràng tiếng Việt:
–Cấm ăn cắp vặt
-ăn cắp vặt là phạm tội!
Hiến ớ ra chưa kịp phản ứng ra sao thì sếp tiếp:
-Vui
lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, ăn không hết sẽ bị phạt tiền,
-Ôi Hiến buột miệng khen: – Good, very good, you
speak Vietnames very well( Tốt, tốt lắm, ngài nói tiếng Việt Nam rất tốt)
Sếp xua tay, cau mặt, nói rành rẽ từng tiếng, nửa
như cảnh báo, nửa như nhắc nhở:
–Phải cảnh giác với người Việt Nam.
Câu nói của sếp khiến Hiến vừa tức giận , vừa xấu hổ,
những cục “tức” lan rộng ra tận mang tai, xuống cuống họng, nuốt không
trôi…”Kiểu này là khó “gặm” đây. Ông ta biết đủ mọi thói hư tật xấu của người
Việt Nam, ăn cắp, ăn vặt, ăn tham, nên sẽ luôn giữ khoảng cách với người Việt,
Mình tuy là cấp dưới, dù là “người cầm lái vĩ đại” đi chăng nữa, cũng sẽ khó mà
tạo thiện cảm, ấn tượng…Hiến nghĩ.
II
Đúng như suy nghĩ ban đầu của Hiến về sếp mới: “Rất khó gặm”
Không chỉ đơn giản là hàng rào ngôn ngữ cách biệt, vì dù sao cả hai cũng quyết
định sử dụng tiếng Anh, dù rằng trình độ tiếng Anh của hai bên chỉ ở mức nhì nhằng
biết chữ, biết chữ nhì nhằng, nhưng bằng cả ngôn ngữ cơ thể, mắt, miệng
tay chân v.v vẫn có thể ra hiệu cho nhau và đoán được ý nghĩ mà đối
phương đang định diễn đạt, bày tỏ . Cái khó mà không thể “ló cái khôn” của Hiến
là: Sếp rất khó tính, đến mức độc đoán, nguyên tắc. Cụ thể 6 giờ sáng Hiến
phải trở dậy chuẩn bị xe qua đón sếp, cho dù quy định của công ty là 7 rưỡi
mới bắt đầu làm việc nhưng 7 giờ 15 là sếp đã có mặt và chui vào
phòng làm việc luôn, rồi ngồi lì ở đó cho đến 8, 9 giờ tối, hình như Sếp chỉ trở
về nhà để ngủ… Trước đó, đi với các sếp cũ, cứ 8 rưỡi, 9 giờ sáng
Hiến mới được phép ló mặt trước cửa nhà sếp, quành ra đến ngõ là chở
sếp đến thẳng quán phở ăn sáng, xong vòng vèo đến quán giải khát ngồi uống
café, vừa uống vừa nhâm nhi đủ mọi chuyện trên trời, dưới biển, hoặc lướt
nét, buôn điện thoại, vì vậy hôm nào đến công ty cũng đã gần 10 giờ. Sếp
quăng ca táp, treo áo khoác vào thành ghế, lượn lờ đến các phòng
ban, gặp người nọ, người kia , khoảng 1 tiếng là lại chở sếp đi ăn
trưa, tụ tập trò chuyện uống bia, 3 giờ chiều đưa sếp quay lại công ty ngủ một
giấc rồi 4 rưỡi đón sếp về, thế là xong. Những lúc sếp ăn uống, nhậu nhẹt
Hiến đều được ưu ái gọi vào ngồi cùng. Trừ hôm nào tiếp khách sộp,
hoặc các em gái mưa, baby sugar “không phận
sự miễn vào”, thì Hiến lại ra xe ngả ghế xuống ngủ ngon lành, cho đến khi
sếp gọi.
Liền tù tì mười năm trời đi với các sếp cũ, Hiến chẳng
bao giờ phải lo chuyện ăn sáng, ăn trưa, ngoài việc “củng cố dạ dày” toàn các
món sơn hào, hải vị của cả ba miền ra còn khoản rượu bia, gái gú, hát hò, đủ kiểu.
Từ ngày lái cho sếp Nhật , dạ dày Hiến lúc nào cũng nhàu nhĩ thõng thẹo
như một túi vải rách, đơn giản vì 6 giờ đã phải vùng dậy,
lo đánh răng rửa mặt thay quần áo rồi lao ra khỏi nhà, đúng 6 rưỡi
sáng đã lấp ló ngoài khuôn cửa để đón sếp mới, trong khi sếp
đã ăn sáng xong rồi, trưa sếp cũng ăn qua quýt ngay tại phòng bằng đồ ăn
nhanh rồi lại cắm đầu vào làm việc, tối nào sếp cũng ngồi lại công ty để
xem sơ đồ, dự án, các chi tiết trong bản thiết kế v.v Tối mịt mới
chịu nhấc đít đứng dậy, mặc Hiến ngồi chờ với cái bụng đói meo và khuôn mặt bơ
phờ, thiểu não. Vì thế chỉ vài tuần sau khi phục vụ sếp mới, mỗi ngày 15 tiếng,
Hiến đã xuống sắc, sút cân, đến mức vợ ngạc nhiên:
– “Dạo này anh ăn khỏe thế mà sao xuống ký dữ vậy,
hay là tương tư cô nào rồi”?
-Cô nào, Hiến phì cười vì nhớ lại câu chuyện với
cô phiên dịch , vừa mới tuyển từ trung tâm tiếng Nhật về
-Này ông ta mới sang Việt Nam lần đầu mà rành rẽ tiếng Việt
ghê, không chỉ Xin chào, cám ơn như những người ngoại quốc bập
bẹ tiếng Việt trên vô tuyến…tàng hình đâu mà biết cả những câu dài
ngoằng, phức tạp cả về ý nghĩa lẫn cấu trúc ngữ pháp đấy
– Thế ạ, cô phiên dịch tò mò
Cụ thể những câu ông ta hay nói:
-Hãy lấy đủ lượng cần thiết”,
-“Đừng để thức ăn thừa”,
-“Thêm thịt, phải trả tiền
Hoặc
Không được dắt chó vào công viên này, nếu chó ị ra phải tự
mang phân chó về”
Ngửa cổ cười ngặt nghẽo đầy khoái trá, cô bé giải
thích:
– Giỏi gì đâu anh! Em sang bên Nhật mấy tháng,
thấy mấy câu đó viết đầy trong siêu thị, nhà hàng, công viên, ông ấy nhìn nhiều
thành quen, nên nhớ thôi! Ngoài ra ông ấy chẳng biết thêm một từ tốt đẹp nào của
người Việt mình đâu. Rõ xấu hổ cho thói quen của không ít người Việt Nam
mình, nhập gia mà tùy…tiện, tham lam, dối trá, thiếu văn hóa quá đi mất.
Khi đó, Hiến nhớ, chút tự tôn dân tộc nổi lên, Hiến cắm đầu
bước đi, không nói không cười, khiến cô phiên dịch đi bên cạnh phải sải chân dấn
bước cho kịp, rồi kể tiếp:
– Thật đấy, anh cứ phục vụ sếp cho tốt, biết đâu lại được ưu
ái sang Nhật một chuyến, sẽ thấy những dòng chữ tiếng Việt thân
thương của mình được viết nguệch ngoạc, sai chính tả, thiếu dấu, thiếu vần trên
những tấm ván, tấm bìa nham nhở, lấm lem khắp mọi nơi như thế nào? Từ hàng rào
của trang trại đến cửa khu apartment, hoặc bến tàu, bến xe, bãi tắm, thậm chí cả
tường nhà vệ sinh cũng không chừa.
Hiến buông tiếng thở dài, tự nhiên thấy nao nao trong người,
bởi đâu chỉ là nỗi nhục, nỗi đau của một vài cá nhân trong cộng đồng người Việt
mà thật sự là nỗi nhục quốc thể…Nếu thế thì mong sang Nhật để làm
gì?
Đi bên cạnh, cô bé phiên dịch thở dài, giọng trào lộng:
-Lâu nay người ta luôn coi tiếng Anh, tiếng Trung là hai
ngôn ngữ phổ biến và được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, vậy mà bây giờ, tiếng
Việt đang trỗi dậy và nhăm nhe lật đổ sự thống trị của hai thứ tiếng ấy.
– Vớ vẩn, Hiếu gắt
-Thật đấy, cô bé khẳng định: – Em đi nhiều em biết,
không chỉ ở Đông Nam Á, Châu Á, mà cả Châu Phi, Châu Mĩ, Châu Úc, Châu
Âu, đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp những dòng chữ … thân thương ấy…Thật oải
quá đi mất.
…Mải nghĩ, Hiến sực tỉnh khi nghe vợ giục:
-Thôi anh vào rửa ráy tay chân đi rồi tranh thủ học tiếng Nhật.
Dù sao có méo mó hơn không. Mà biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời
đấy . Biết đâu được sếp tin tưởng, anh lại.
– Ôi dào, anh cắt ngang:
“Tưởng rằng hy vọng chứa chan
Nào ngờ ngửa cổ chán chưa hở giời.”
– Sao thế anh ? Vợ lo lắng hỏi:
– Thì đấy, cứ tưởng được phục vụ đối tác nước
ngoài là đổi đời may mắn, ai dè…
Vợ đón ý, giọng thoáng vẻ e ngại:
– Mấy tuần nay em thấy anh bơ phờ mệt mỏi , mà tiền lương
đưa về cũng ít hơn nên lo quá, không biết có chuyện gì ?
Anh cáu kỉnh:
– Tại ông ta hết, Ăn uống thì phải tự bỏ tiền túi ra,
giờ giấc thì chặt chẽ, hơi một tí là bị trừng phạt
Vợ ngạc nhiên, đôi đồng tử nở xòe như cúc áo :
-Trừng phạt? Từ lâu em vẫn nghĩ Người Nhật tốt bụng, tế
nhị lắm mà
Được vợ khơi nguồn cảm hứng , anh ào ào kể:
– Chẳng giấu gì em, mới hai tuần đầu ,đã ba lần
anh bị mất toi hai triệu bạc rồi.
– Ôi sao thế ạ, vợ hỏi giọng ngạc nhiên:
– Có gì đâu, anh chở sếp đi công tác, vừa đánh tay lái
ra cổng thì quệt ngay vào cái xe đạp cũ nát của ai đó dựng ở mé đường làm
chiếc xe đạp đổ kềnh, cái yên xe gẫy gập và văng ra. Anh đang định phóng
đi theo thói quen thì sếp quát :
– Stop here, You can not do that. ( Dừng lại,
mày không được làm thế), rồi sếp mở cửa , kéo tay anh nhảy xuống, bắt anh
dựng cái xe đạp lên cho ngay ngắn rồi trừng mắt ra hiệu cho anh phải mở ví lấy
ra tờ 500 nghìn , trong khi sếp mở cặp, xé từ sổ tay ra một tờ giấy trắng muốt,
bảo anh kẹp tiền vào đấy, để vào giỏ xe , chưa đủ sếp còn dậm chân,
khoát tay, bắt anh phải viết : “Tôi vô tình làm gãy yên xe của bạn. Hãy cầm
tiền này để sửa xe, và hãy tha lỗi cho tôi”.
Vài hôm sau, cũng đúng lúc anh đánh tay lái ra cổng, lại quệt
vào cái xe đạp chết tiệt đó. Lần này thì cái yên không văng ra nữa mà là cái
bàn đạp. Sếp Nhật lại bắt anh nhảy xuống, dựng xe lên, bỏ 500 nghìn vào
giỏ xe rồi để lại mảnh giấy như cũ: “Tôi vô tình làm gãy bàn đạp của bạn. Hãy cầm
tiền này để sửa nhé , và hãy tha lỗi cho tôi”. Tất nhiên anh không chịu, nhưng
không đủ lý lẽ để nói lại , kể cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, đành phải móc hầu
bao lần nữa,
-Ôi- thế là mất toi một triệu hả anh. Vô lý thật, vợ
anh than thở .
Ngay sau đó anh tìm gặp giám đốc cũ để than thở và kéo mấy cậu
lính trẻ ở công ty lên, cái xe vẫn dựng ở chỗ cũ, anh tức khí lao
thẳng vào khiến nó bẹp rúm, từ góc đường, mụ già bán nước lao ra, vừa dang hai
tay vừa gào thét:
– Thằng chó! đền tiền sửa xe cho bà đi ! Mày đâm nát xe của
bà thế này, bà lấy tiền đâu mà sửa hoặc mua xe mới đây?
Lập tức anh mở cửa, nhảy xuống xe cùng hai cậu trẻ trong
công ty, túm lấy mụ, cảnh cáo:
-Mụ muốn chết hả, Cái xe của mụ bán cho đồng nát chắc được
hai chục bạc không? Hôm nay tôi đâm để ngày mai mụ đừng giở trò, bắt ông
Nhật phải ra lệnh cho tôi rút hầu bao đền tiền cho mụ đấy. Mụ thích
thì gọi công an đi. Tôi thách cả nhà mụ đấy.
Biết trò lừa đảo đã bị lật tẩy, mụ ta vội vàng bỏ lại đống sắt
vụn chạy lấy người, trước sự trừng mắt của ba đứa tụi anh.
– Còn một triệu nữa thì sao hả anh, chả lẽ anh cứ để
ông ta giở thói gia trưởng, bắt nạt mình mãi à?
– Ừ anh thở dài, thực sự anh đang chán lắm đây, nhờ sếp
cũ can thiệp để người khác phục vụ sếp mới thay anh mà sếp cũ đâu có chịu, cứ
nhắc đi nhắc lại:
-Thôi, chịu khó đi, có khó chịu cũng phải chịu khó vậy. Người
Nhật sống kỷ cương phép tắc lắm, để tớ nói với cô phiên dịch trẻ, dịch lại
nỗi đau à nỗi oan cho cậu vậy, biết đâu ông ấy hiểu ra mấy trò lường gạt của bọn
đầu đường xó chợ ấy mà bỏ qua
-Thế đã có kết quả chưa hở anh, Nếu hiểu ra sếp mới phải
đền tiền cho anh chứ? Giọng vợ nôn nóng.
– Khổ! anh than: Con bé ấy có dám dịch lại đâu, vì nó biết sếp
mới ác cảm với thói hư tật xấu của người Việt Nam mình nên không muốn “Vạch áo
cho người xem lưng nữa” . Còn sếp cũ thì cứ đùa: “ Đã bảo : Mi
đưa ku ra, ta xoa ku mi! Mà không chịu, lại cãi văng tê: “Xoa
ku ta chi? Ngu chi cho xoa, xa ku ta ra, xoa ku mi đi”!
– Còn những lần khác thì sao hả anh, em nghe anh kể: Chỉ
trong vòng hai tuần mà bị phạt oan mất hai triệu cơ mà. Bỏ qua tâm
trạng rối bời của Hiến, cô vợ trẻ tiếp tục tra vấn…
– Thì hôm ấy, đang vội nên anh vượt đèn đỏ và bị công
an tuýt còi. Theo thói quen anh nhấn ga vọt lên. Công an dẫu có nhìn thấy
anh chạy nhưng đường đông, lực lượng mỏng nên bố bảo cũng không dám đuổi
theo nữa. Tưởng thoát, ai ngờ sếp mới lại giậm chân, trừng mắt, ý bảo: Đã vượt
đèn đỏ lại cố tình bỏ chạy là phạm luật giao thông. Cậu phải quay xe lại
chỗ công an nộp phạt đàng hoàng cho tôi
– Ôi Đúng là thằng Nhật dở hơi! Câu cuối cùng giọng
anh thốt lên đầy nộ khí.
Trong tiếng lách cách va chạm của bát đĩa trên mâm chuẩn bị
bê đi, anh nghe rõ tiếng thở dài của vợ:
– Đành phải thích nghi thôi anh ạ, chủ nào tớ nấy mà, đừng
quen chân vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều nữa, chẳng may có va quệt vào
đâu cũng nên tự giác dừng lại, xin lỗi hoặc an ủi họ một tiếng, đừng để sếp phải
nhảy xuống theo mình nữa, vừa gây hiểu lầm, vừa thiệt hại về kinh tế, rách chuyện
lắm.
Lây tâm trạng của vợ, Hiến cũng bất giác thở dài thườn thượt
rồi lặng lẽ bước sang phòng khách, tự tay pha trà…Vừa nhâm nhi ngụm trà đặc
sánh thoảng hương vị hoa nhài, Hiến vừa ao ước, cầu sao 6 tháng qua nhanh , sếp
mới về Nhật để Hiến lại được phục vụ sếp cũ, vừa xả hơi, thư giãn, vừa ăn
uống thả phanh, tiền lương cũng không bị hao hụt trong những lần gia cố các vết
lõm trong dạ dày nữa. Thứ bảy, chủ nhật lại được sếp bà thưởng nóng vì có công
đưa các quý bà hoặc quý cô đi chùa chiền , ca si nô hay bãi biển giải trí…còn
hiện tại thì đúng là chỉ biết ngửa cổ… chán
chưa hở giời (!)
“Bao giờ cho đến tháng 10
Để Người trở lại nơi người đã sang” ???
Sacto, tết Quý mão 2023