07 February 2023

DẢI NGÂN HÀ VÀ VÙNG CẢI TẦN Ô - Doãn Quốc Sỹ

Phi cơ hạ cánh xuống phi trường Anchorage (Alaska) vào hồi mười giờ. Khí lạnh lâng lâng nơi đây là một cái gì phi thời gian, siêu không gian! Trên chuyến bay trở về Việt Nam, Chương quyết định dừng lại nơi đây hai mươi bốn tiếng. Đã từng thưởng thức cái nóng lục địa Nevada, Chương muốn thưởng thức thêm cái lạnh miền kế cận Bắc cực này. Đây cũng là một cá tính đặc biệt của Chương: ưa tận tình thưởng thức những đối cực! 

Còn thêm hình ảnh những dấu chân cát xóa nữa chứ! 

Những dấu chân cát xóa! Chẳng hiểu vì sao tự nhiên hình ảnh và ý nghĩ về những dấu chân cát xóa lại chợt đến ám ảnh chàng vào lúc này! Cũng là một cách ùa nhập vào hư vô chứ sao! Ùa nhập vào hư vô, không phải để chạy trốn mà để hóa giải mọi nóng bỏng, mọi bất quân bình của thế thái nhân tình! 

Chương qua đêm êm ả trong một phòng khách sạn do hãng máy bay đã giữ chỗ trước cho. Chẳng có gì để thưởng ngoạn ngoài màu tuyết mênh mông trắng xóa nơi này. 

Hôm sau, Chương tới phi trường một giờ sớm hơn giờ phi cơ tới. Chàng thở ra màu mây xà cừ. Bỗng trước mắt chàng, qua màu mây xà cừ xuất hiện một thiếu phụ thì phải. Nàng có mang – dáng nàng hơi đẫy mà không thô, đặc biệt khuôn mặt nàng có nét đẹp của nữ thần Hy Lạp. 

Phải rồi, với dáng người đó – khi nàng chưa có mang – với khuôn mặt đó mà nàng mặc cái toga trắng rộng và đứng ở thềm điện Pantheon thì nàng thực là hiện thân của nữ thần Athena. Bất giác như bị thu hút bởi cái nhìn hiền hậu của “nữ thần”, Chương cúi chào nàng không hề bỡ ngỡ, đúng như chào một người quen biết đương nhiên. Nàng cũng nở nụ cười và cúi chào Chương, và còn “đương nhiên” hơn khi nàng cất giọng hỏi – nàng hỏi bằng tiếng Việt: 

- Ông hẳn là người Việt Nam? 

- Sao bà biết? 

Nàng lắc đầu: 

- Là tôi đoán vậy! 

Vừa lúc đó một người đàn ông nhô ra khỏi cửa phòng đợi, tiến vào hành lang, dáng đi hơi một chút khập khiễng thì phải. Mái tóc chàng gợn sóng bồng bềnh, vừng trán cao, khuôn mặt dài, đôi mắt mờ ánh suy tư và đượm buồn. Khoảng bên hàm trái của chàng có chiếc nốt ruồi và một sợi râu dài mà chàng để nguyên không nhổ. Nàng giới thiệu chàng với Chương: 

- Nhà tôi! Hai người đàn ông bắt tay nhau, Chương tự giới thiệu tên mình trước, người chồng Việt giới thiệu người vợ Mỹ: 

- Nhà tôi, tên Mỹ là Horthy, tên Việt là Hoa. Tôi là cựu trung úy Biệt động quân Trần Nguyên Lĩnh. 

- Ủa, tôi cũng là cựu trung úy Biệt động quân. Chúng ta là bạn cũ cùng một binh chủng! 

Vào lúc đó tiếng ở máy phóng thanh mời mọi người lên phi cơ. May sao chuyến phi cơ này vắng khách, hàng ghế hai vợ chồng Lĩnh–Hoa còn một ghế trống ngoài cùng. Chương tới để tiếp tục câu chuyện khi phi cơ đã cất cánh qua Bắc cực, trực chỉ Tokyo – Hoa ngồi trong cùng sát bên cửa kính nhìn ra ngoài. Cái nhìn của Lĩnh bao giờ cũng đượm suy tư và u buồn, nhưng mỗi khi chàng cất tiếng nói, vẻ mặt bừng sáng, khoáng đạt, trầm tĩnh. Sợi râu duy nhất mọc dài từ chấm nốt ruồi đen không còn vẻ dị đoan hay cẩu thả, mà thành một nét cá tính của chiều sâu suy tư. 

- Chị nói tiếng Việt giỏi quá! – Chương nói với Hoa. 

- Cám ơn anh – Hoa đáp – nhưng đọc sách Việt thì còn dở lắm, cứ phải mở quyển tự vị hoài. 

- Chị ở Việt Nam bao lâu? 

- Tôi sang Việt Nam hai lần, mỗi lần hai năm. 

- Nhà tôi – Lĩnh nói – thuộc giáo phái Mennonite, tôn chỉ bất bạo động tương tự như giáo phái Quaker. Hai lần sang Việt Nam, nhà tôi đều hoạt động trong Cơ quan Xã hội Tình Thương và Hòa Bình Cơ Đốc – A Service of Christian Love and Peace. 

- Anh gặp chị ở Mỹ? - Không, tôi gặp nhà tôi ở Bình Định, quận Hoài Ân. Cả hai lần! 

- Ý anh định nói cả hai lần khi chị sang Việt Nam phục vụ trong Cơ quan Xã hội?

 - Vâng! Mặt trận Bình Định luôn luôn nặng. Binh chủng Biệt động quân của chúng ta mấy năm gần đây tới lui nơi này hầu như thường xuyên. Cơ quan cứu trợ xã hội của nhà tôi cũng vậy. 

Nữ chiêu đãi viên đẩy xe rượu tới. Cả ba cùng chọn uống Cognac Champagne. Chương tiếp tục câu chuyện sau ngụm rượu nồng ấm. Chàng hỏi: 

- Anh thụ huấn sáu tuần sình lầy ở Dục Mỹ, Nha Trang xong là ra chiến tuyến ngay? 

- Vâng, dọc theo con đường huyết mạch thuộc Bình Định, đó là quãng Quốc lộ số 1 tính từ Nam ra Bắc qua các địa danh thoạt là Phù Cát, Phù Mỹ, rồi quận Hoài Ân bên trái trên vùng núi, kế tiếp trước mặt là quận Hoài Nhơn có xã Bồng Sơn, tiếp tục đi thẳng nữa là quận Tam Quan, đèo Bình Đê, phía tay mặt là biển và núi – núi Gà, tôi còn nhớ. Cả bản đồ Bình Định như in hằn trên tim tôi, từng vị trí máu lửa đó. 

Cả ba cùng nâng ly uống. Giọng Lĩnh trầm xuống hẳn, ôn lại một hình dung héo hắt: 

- Những rặng dừa Tam Quan bị chặt cụt ngọn hết, chỉ còn những thân dừa cao ngẳng trơ trẽn, vụng dại, hệt đám tù binh gầy gò vừa bị chặt cụt đầu trong một cuộc hành hình tập thể! 

- Anh ở Bình Định suốt thời gian phục vụ trong quân đội? 

- Quãng giữa tôi có sang Mã Lai sáu tháng học về chiến tranh chống du kích do các sĩ quan người Anh phụ trách. 

Ngụm rượu thứ ba làm Chương bừng vui, chàng hỏi: 

- Anh gặp chị Hoa ngoài Bình Định?

- Vâng! Vào ngay dịp đầu! Thuở đó Hoa cùng hoạt động với ông anh ruột, đoàn ngũ hóa các em bụi đời nạn nhân chiến tranh. Chuyến thứ hai trở lại Việt Nam, Hoa mới chuyển sang công tác săn sóc thương bệnh binh. Thực ra tôi thân với ông anh trước – Lĩnh quay lại nhìn Hoa cười. Lần đầu, Henry, tên Việt là anh Hạnh, ăn cơm với tôi tại một tiệm ăn nhỏ ở ngay quận lỵ Phù Mỹ, tôi thấy anh đã biết húp canh, mút xương cá, kể cả xương đầu. Đến khi gặp Hoa, cũng vậy. 

Lĩnh nghiêng đầu về phía Chương nói đủ cho chàng nghe giữa tiếng động cơ phản lực êm ả đều đều: 

- Thoạt tôi tưởng họ chỉ sống giả vờ giản dị để dễ gần dân chúng Việt Nam, như ông Tây thực dân hồi nào vẫn ăn nước mắm mà vẫn chửi mình là nhà quê. Nhưng không, họ sống thực như vậy, họ không hề cho mình là con dân cường quốc tới sống với tiểu nhược. Về sau này càng sống nhiều với họ – ở Bình Định tôi gặp họ hàng ngày, trừ những dịp phải đi hành quân – tôi càng khoái họ, tôi càng hiểu không phải họ chỉ thích giản dị, xuềnh xoàng – vì giản dị, xuềnh xoàng thì nước nào cũng có theo cái cách riêng của họ – nhưng họ thích giản dị, xuềnh xoàng lối Việt Nam, vì họ biết người Việt Nam không lầm cái đơn giản với cái thô kệch. Vào một dịp ăn lễ Thanksgiving, hạ tuần tháng Mười Một, hai anh em giữ thói quen riêng gia đình họ bên Mỹ, nhịn đói trước hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Lần đó họ mời tôi ăn, tôi cũng xung phong nhịn mười hai tiếng. Họ nói phải nhịn như vậy khi ngồi xuống ăn bữa cơm Thanksgiving mới cảm thấy ý nghĩa hai chữ Thanks và Giving. Tôi nghĩ linh hồn của nước Hoa Kỳ sống động là sống động trong những người như vậy. Họ có bảy anh em, nhà tôi là người thứ hai, cha là vị mục sư Tin Lành. Cả bảy anh em đều sống dấn thân như thế, kẻ ở Nam Mỹ, kẻ ở Phi Châu, kẻ ở Việt Nam. 

- Bây giờ anh chị trở lại Việt Nam? 

- Không, chúng tôi chỉ tới Tokyo, để rồi từ đó sẽ đi Helambu (Nepal), công tác xã hội giữa những bộ lạc Sherpa, giống Mông Cổ. Giữa vùng Hy Mã Lạp Sơn núi xanh đỉnh tuyết trùng trùng điệp điệp đó, tôi được sống gần dòng suối màu ngọc bích, hay đi dưới hàng cây cao vút hoa trắng như hoa nhài, hay dừng lại bên một bụi rhododendron hoa đỏ như hoa hải đường, hay nói như đồng bào Thượng, tự nhiên tôi cảm thấy được xoa dịu phần nào vết thương chiến tranh Việt Nam. Có lẽ sang năm tôi sẽ đi Châu Phi, hoặc Nam Mỹ, hoặc Đại Dương Châu. 

- Anh đã là một đoàn viên của giáo phái Mennonite?

- Gần như vậy! 

- ? 

- Tôi nói “gần như vậy”, vì quả thật tôi đang công tác cho Cơ quan Xã hội Tình Thương và Hòa Bình Cơ Đốc, nhưng bình sinh tôi không hề thuộc về một nhóm phái nào cả. Tôi như một tên tuyệt đối thích ở trường, dù chỉ đóng khố cũng bận bịu không chịu nổi. 

Cả ba cười rộ thực tình. Ba ly Cognac Champagne đã vợi nửa hoàn toàn hâm nóng tâm tình họ. 

Lĩnh nói tiếp: 

- Trước đó tôi vẫn nói đùa với anh Hạnh là khi nào giải ngũ sẽ nhập đạo Mennonite. Tôi nói vậy vì biết tình thế nước mình lúc đó làm gì có chuyện giải ngũ, trừ khi mình ngã đạn. Thực là kỳ, tôi chỉ đinh ninh mình có hai trường hợp, một là tại ngũ tiếp tục nhập cuộc chiến đấu, hai là chết. Không ngờ rơi vào vị trí thứ ba, tôi bị thương ở mắt cá chân tại mặt trận Tam Quan, vùng núi. Gặp ngay chuyến trực thăng đưa về quận Phù Mỹ. Nơi đây Hoa vào thăm tôi và tự ý xin gặp cấp chỉ huy cho chở gấp tôi về Quân Y Viện Quy Nhơn. Để chậm sẽ bị hoại thư cưa đến đùi. Phương tiện giao thông không còn gì ngoài hai chiếc GMC, một chở quan tài có phủ quốc kỳ – một Đại úy Quân Y vừa tử trận – chiếc kia chở hai xác binh nhì còn bó poncho. Chiếc trực thăng vừa tới thì đã phải trở lại mặt trận Tam Quan cùng Bộ Tham mưu Hành quân. Hoa đã “tháp tùng” tôi trên chiếc GMC thứ hai. Tôi, kẻ bị thương còn sống, được đặt nằm trên băng, hai chiến hữu xấu số nằm dưới sàn xe, Hoa ngồi ngay sát bên tôi. Trên đường về Quy Nhơn, đôi ba lần tôi có kín đáo nghiêng đầu nhìn xuống sàn xe. Hai xác chiến hữu cùng được cuộn trong poncho, khoảng đỉnh đầu buộc túm của mỗi xác có gài chiếc mũ cát-két vải cùng màu với poncho, sau đó là bốn khoảng thắt bằng dây dù trắng: cổ, eo, đầu gối và gót chân. 

Người tử sĩ lùn thấp thì được poncho gói kín cả chân, người kia cao hơn nên hai chân thò ra ngoài, màu xám ngoét – hay trắng bệch thì cũng thế. Không hiểu rõ người chiến hữu lúc chết tư thế ra sao, chỉ biết nhìn theo vết hằn bó dưới poncho lúc đó thì tay trái áp lấy tai. 

Lĩnh ngửa cổ cạn ly Cognac Champagne rồi tiếp: 

- Hoa đã đưa tôi về kịp lúc. Tôi chỉ bị cưa khoảng trên mắt cá một chút và được giải ngũ. Tôi dùng nạng ở Việt Nam, nhưng khi sang Hoa Kỳ chỉnh hình, tôi không cần dùng nạng nữa, đi chỉ hơi khập khiễng. Chúng tôi làm lễ thành hôn trên đảo Puerto Rico, nơi có cô em thứ ba của Hoa đương làm công tác xã hội. Chúng tôi hưởng tuần trăng mật ngay trên đảo đó, đảo có tre mọc hai bên đường lộ, có những vườn cam, vườn quýt, vườn chuối, sao mà giống Việt Nam! Chỉ khác có một điều, các cô gái nơi đây khi ra đường đều có bà chaperon đi kèm để giữ gìn, theo tập tục Tây Ban Nha cổ. 

Lĩnh quay lại hỏi vợ: 

- Hoa còn nhớ trên hòn đảo thần tiên đó, chúng ta chỉ lái xe một ngày là hết các danh lam thắng cảnh? 

Hoa gật đầu cười tươi: 

- Và tới bãi biển nào cũng ùa xuống tắm một lúc. Phi cơ bay ngang Bắc Cực hơi nghiêng cánh. Thời gian như ngưng lại trong màu tuyết trong sáng, lạnh thăm thẳm và biến thành tấm gương trong cũng lạnh thăm thẳm để Chương soi vào nhìn thấy rõ vết thương của người khác mà không thấy đau đớn gì trong giây lát. Lúc đó Chương mới cạn ly Cognac Champagne. 

Mùi rượu thơm lừng bốc lên, tỏa ra như một tấm voan hồng phủ lên mối sầu của chàng. 

- Anh thật là đại diện cho hạnh phúc Việt Nam – Chương chợt nghe thấy mình nói với Lĩnh – anh trả nợ nước, xứng đáng với công ơn tiền nhân, vừa một bàn chân tiện trên mắt cá nhưng vẫn đi được; anh có người bạn đường mặt đẹp như Phật Bà Quan Âm, hòa hợp trong mối tình nhân bản quốc tế; về Việt Nam lúc nào cũng được, không tự tôn, xa Việt Nam lúc nào cũng được, không tự ti! 

Các nữ chiêu đãi viên đã bắt đầu dọn ăn cho những hàng ghế trên. Chương đưa mắt nhìn khuôn mặt Lĩnh trở lại chìm trong suy tư. 

Chợt Lĩnh quay sang hỏi Chương: 

- Anh có biết kinh Phật diễn tả cái vô cùng của không gian và cái vô tận của thời gian ra sao không? 

Chương đỡ khay thức ăn từ tay cô chiêu đãi viên chuyển qua Lĩnh vào cho Hoa. Khi ba người đã ngồi nghiêm chỉnh trước ba khay, Chương gật đầu đáp lời cô chiêu đãi viên thứ hai vừa đẩy xe rượu tới:

- Vâng, cô cho chúng tôi uống vang hồng. 

Ba chúng ta uống vang hồng chứ? Và Chương hỏi Lĩnh: 

- Kinh Phật diễn tả cái vô cùng của không gian và cái vô tận của thời gian ra sao?

Lĩnh nhìn ba ly vang sóng sánh hạnh phúc, bất giác bật cười:

- Có cái gì khác giữa ly vang này với cái vô cùng vô tận của Thời-Không? 

Lĩnh hơi cúi xuống kiểm điểm lại những hình ảnh nội tâm sắp được phát biểu, rồi khẽ ngửng lên, không nhìn vào ai, nhưng nói với tất cả: 

- Kinh Phật nói – là tôi cũng chỉ nhớ mang máng – hay nghĩ có một phiến đá vuông mỗi bề ba dặm, một người cầm một tấm áo cứ một trăm năm lại phẩy lên phiến đá một cái cho đến khi phiến đá mòn hết. Hay vo tròn dải Ngân Hà, tán thành bụi hòa vào với nước, rồi tiến về phương Đông với cây bút lông, gặp thế giới nào thì chấm một cái cho đến khi hết mực Ngân Hà.

 Cả ba cùng nhấc ly vang hồng làm điệu mời nhau, nâng lên môi nhắp ngụm thứ nhất trước khi ăn. Và họ đồng tình im lặng cho đến khi dùng xong bữa. 

Họ đã dùng xong bữa! Phi cơ lại nghiêng cánh. Vẫn một màu tuyết trắng xóa và lạnh thăm thẳm. Chưa ra khỏi Bắc Cực! Chương có cảm tưởng cái lạnh bên ngoài đã làm cho tắt ngấm hết thảy, không còn gì, kể cả tiếng động mong manh nhất, trừ tiếng động cơ êm êm rù rì, dĩ nhiên. Khoảng rộng bên trong phi cơ trở thành mênh mông như có mang theo sông núi. Tuy nhiên sự vắng lặng nơi mọi hàng ghế không ghê rợn, chỉ buồn buồn, nỗi buồn bềnh bồng, nhẹ đấy mà núi Thái Sơn cũng bất lực không nhấn chìm nổi. 

Chương nhíu lông mày nghĩ thầm: cảm giác đầu tiên khi con người vừa từ kiếp thú chuyển sang kiếp người hẳn là nỗi buồn bềnh bồng bỡ ngỡ đó. 

Không rõ Lĩnh quay sang nói những gì với người vợ Mỹ, Chương chỉ thấp thoáng nghe tiếng Horthy–Hoa đáp thành những câu ngắn đầy dẫy những tiếng “Ồ”, “Phải rồi” đượm vẻ ngộ nghĩnh đặc biệt của người ngoại quốc nói – dù đã sõi lắm – tiếng Việt. Giọng nàng rõ ràng có khả năng làm tiêu tan mọi mâu thuẫn như dòng sông hóa giải những dòng suối, và biển cả hóa giải những dòng sông. Chương không lầm về nỗi buồn bồng bềnh khôn nguôi, vì chính khuôn mặt Lĩnh lúc đó cũng buồn, thật buồn, tựa như thực thể của cuộc đời là buồn, và Lĩnh nói với Chương bằng giọng êm hơn đông cơ phản lực vang vọng từ cái lạnh Bắc Cực ùa vào: 

- Thực là lạ lùng, từ ngày trưởng thành hầu như mọi bất hạnh và hạnh phúc của đời tôi đều rình để được thể hiện vào hôm ba mươi Tết – thời gian thiêng liêng nhất của người Việt, thiêng liêng còn hơn sự sống và sự chết nữa. Thời còn là sinh viên tôi chống chính thể độc tài, gia đình trị, kỳ thị tôn giáo ngu xuẩn của Đệ Nhất Cộng hòa, bị nhốt vào xà lim đúng tối hôm ba mươi Tết. Vừa đủ một năm sau, chiều ba mươi Tết, tôi ở tù ra, về tới nhà bước vào bếp, mẹ tôi đang nấu bánh tét. Thấy con về, mẹ tôi khóc bù lu bù loa, vui buồn lẫn lộn đến tức cười. Anh biết không, tôi bị cắt cụt chân cũng đúng vào chiều ba mươi Tết đấy anh ạ, và khi tỉnh thuốc mê, lúc đó vào khoảng mười giờ tối ba mươi Tết thì phải, khi mở mắt thấy Hoa ngồi ngay bên đầu giường bệnh. Cho đến bây giờ nhiều khi cố nhớ lại, tôi cũng không rõ tôi và Hoa đã nói với nhau những gì để rồi hai đứa đi tới hứa hôn, chỉ tiếc thầy mẹ tôi đã mất. 

Lĩnh và Chương cùng cười. Đôi mắt Hoa long lanh mở lớn trên khuôn mặt Phật Bà Quan Âm của nàng, miệng nàng khuất bên má Lĩnh nhưng Chương biết nàng cũng đang mỉm cười. Chương nói: 

- Dầu sao cũng còn là đêm ba mươi Tết! 

Lĩnh gật đầu: 

- Đúng thế! Mùa hạ năm ngoái chúng tôi đã bắt đầu làm công tác xã hội ở Helambu rồi. Tôi và Hoa tới dự lễ Losar đón mừng năm mới. Tôi mến những người dân bộ lạc Sherpa biết là dường nào! Họ yêu thiên nhiên như người dân Việt, họ là những thiên tài về vũ, y như người dân Việt có thiên phú về thi ca. Chúng tôi tham dự cuộc nhảy múa với họ suốt đêm tại một tiền đình tu viện. Đêm đó là đêm gì anh biết không? 

Chương đáp ngay: 

- Đêm ba mươi! 

- Đúng! Bên ngoài tuyết rơi tới tấp như để cho đúng nhịp với lời ca bước nhảy bên trong. Bước ra ngoài, tuyết ngập lút tới bụng chân. Bình minh ló dạng, chúng tôi hoàn toàn bị tuyết băng nhốt kín. Suốt một đêm ca hát nhảy múa, chúng tôi càng thêm sung sức, đào phăng phăng từ trong tu viện đào ra. Khi mọi người đã chui ra, nhìn lại, như thể chúng tôi vừa tái sinh, chui ra khỏi cái linh cữu tuyết băng tập thể. Tuyết đã ngừng rơi, tia nắng đầu năm vừa bừng sáng. Ngẩng nhìn đỉnh núi Yurin bên Tây cao mười ngàn bộ, đỉnh núi Yangri bên Đông cao mười một ngàn bộ, kẽ nứt ở giữa phảng phất một làn sương mù bao phủ. Nhìn xuống bên dưới: thung lũng con sông Melamchi mở ra êm ả thần tiên! Đứng ở khoảng cao bảy ngàn bộ đó, vào vị trí thời gian đó, cái đẹp hùng vĩ của tạo vật chụp lấy tôi như một giấc mơ thần tiên chụp lấy một con người vừa hóa thành bướm, và thực tình tôi có cảm tưởng mình đứng ngoài cái sống chết. 

Giọng Lĩnh tự nhiên miết mải và càng thăng trầm xuống say mê một cách kỳ lạ khiến Chương có cảm tưởng như giọng đó từ xa, xa lắm, từ phía ngoài Bắc Cực thấp thoáng màu tuyết trắng xóa vẳng vào. Chương quên khuấy nỗi buồn bềnh bồng bất diệt trong khi nghe Lĩnh kể một hơi dài rồi ngừng lại trong cái tiếc nuối bàng bạc của cả hai: 

- Vâng, đúng lúc nhìn cái linh cữu tuyết băng tập thể mà chúng tôi vừa chui ra, đúng lúc mình có cảm tưởng hóa thành cánh bướm thần thoại, bay vào một giấc mơ thần tiên đứng ngoài cái sống chết, thì tôi tê điếng cả người, sực nhớ đã bỏ Dấu Chân Cát Xoá 75 quên cả lũ cải tần ô chết vùi dập dưới làn băng tuyết. Nguyên khi rời Việt Nam cùng Hoa tới vùng Hy Mã Lạp Sơn công tác xã hội, tôi có mang theo ít hạt cải tần ô, thứ cải mà thuở sinh thời mẹ tôi vẫn hay nấu canh cho ăn. Tới Helambu, hai vợ chồng đem gieo ngoài vườn, ngay phía bên hông nhà. Cải mọc mới bằng ngón tay, tôi nếm thử… gần muốn ngồi bệt xuống đất vì quá cảm xúc – nhớ lại những bát canh nóng mẹ nấu với tôm tươi, ngồi ăn dưới giàn bí đao quê nhà khi trời vừa chạng vạng, thuở còn đi học. Hè qua thu lại, thế nào tôi quên khuấy việc bóc lấy hạt cải từ những bông đã khô đi năm ấy – cho tới lúc bình minh ló dạng, vừa lúc dự lễ Losar đón mừng năm mới, mới sực nhớ ra. Tiếc ngẩn tiếc ngơ, nghĩ mình chắc còn lâu lắm mới về Việt Nam để lấy được hạt giống. Nào ngờ qua mùa đông đó sang xuân, khi những bông huệ rừng crocuses trồi lên, hoa mimosa cũng sắp trổ, nhìn lại vườn rau đã thấy những búp cải xanh rờn. Bán tín bán nghi, tôi ngắt một lá nếm lại lần nữa, đúng là cải “cố nhân”, cải năm ngoái. Sướng quá anh ơi! Muốn chảy nước mắt! Nghiệm ra cũng lạ, vì thứ cải này tuy là cùng tộc với loại cúc dại và loại cúc nhà… 

- Daisies and chrysanthemums! 

Hoa giải thích bằng tiếng Anh, chứng tỏ nàng vẫn chăm chú theo dõi lời Lĩnh kể… Cả khuôn mặt lẫn nụ cười vời vợi của nàng nghiêng nghiêng hướng về Chương, khuôn mặt của nữ thần Athena Hy Lạp, của Phật Bà Quan Âm Việt Nam. 

- Phải, – Lĩnh tiếp – những thứ cải tần ô đó mang sang Việt Nam là miền nhiệt đới, đáng lý phải chết đi rồi trong mùa đông qua. Mấy hạt cải đó thì sống chi nổi dưới tầng đất đông cứng của miền Helambu lưng chừng Hy Mã Lạp Sơn! Thế mà chúng vẫn đâm mầm khi tuyết đã qua. Hè năm đó nhờ cả một vốc hạt cải đã được vãi xuống đất nên “vườn cải quê hương Việt Nam” của chúng tôi xum xuê không thể tả được, hoa vàng rực! Tôi có cảm tưởng như mẹ tôi sống lại, hay đúng hơn mẹ tôi đã trở thành vĩnh cửu. Tôi đã không uổng công bao nhiêu năm vào sinh ra tử! Tôi nghĩ giá như mình có mất nốt bên chân kia, nghĩa là mất cả hai bàn chân cũng chẳng uổng. Tôi sung sướng muốn chảy nước mắt là vì thế! Thu tới – tức là thu năm ngoái – tôi cẩn thận để dành cả thẩu hạt cải vào một dịp cùng Hoa tới công tác tại mấy làng vùng thung lũng hai bên bờ sông Melamchi, tôi đã đem ba phần tư thẩu hạt cải tần ô rải khắp lượt, cả tả ngạn lẫn hữu ngạn con sông hoang sơ và trong suốt Melamchi, sau khi đã rắc cùng khắp mảnh vườn nhà, rắc ra cả ngõ. Kể từ đó tôi tin rằng cải tần ô Việt Nam sẽ như diều gặp gió mọc bất kể ở đâu. Cứ tính rồi đây mỗi mùa thu, cải chết đi, số hạt tăng theo cấp số nhân, chim chóc tha đi, gió thổi đem đi, rồi năm này qua năm khác, ắt là cả vùng Hy Mã Lạp Sơn tràn ngập màu hoa cải vàng của mẹ tôi. Màu vàng rực anh ơi! Đất nước mình dung dị như vậy làm sao tiêu diệt nổi?! Ha ha, tôi truyền bá đạo Cải Tần Ô cũng là một hình thức của đạo Việt Nam hồn nhiên dung dị! Biết đâu, tới ngày nào đó, có một nhà thực vật học Tây phương đi dạo bờ sông Melamchi hay bất kỳ một dải đất hoang vắng nào miền lưng chừng Hy Mã Lạp Sơn đó, tình cờ ngó xuống bắt gặp một hoa vàng, lấy làm lạ và ngắt đem về, loay hoay tìm hiểu sau lớp kính phóng đại – loupe – tìm mãi mà không biết hoa đó là hoa khỉ khô gì của miền núi này. Daisy không phải, mà chrysenthemum cũng không, không phải Âu, chẳng phải Nhật. Chung quy chỉ vì bát canh rau nóng nấu với tôm tươi ngày nào thuở tên thương phế binh Việt Nam còn là cậu học sinh trung học, được mẹ cho ăn, ngồi dưới giàn bí đao, khi trời chiều vừa chạng vạng. 

Chương đã không dằn được lòng, thốt lên hào hứng: 

- Tôi khoái màu vàng rực của loại hoa cải này. Ở Huế anh gọi là cải tần ô, ngoài Bắc chúng tôi gọi là cải cúc. 

Màu vàng của cải tần ô không chỉ sáng rực trong lòng Chương lúc đó mà mãi mãi về sau. Đồng thời Chương cũng hiểu vì sao khi nãy lúc ba người cùng nâng ly vang hồng, họ đã đặc biệt cùng bị ám ảnh bởi cái vô cùng vô tận của Thời-Không. Kể từ đây cái vô cùng vô tận ấy được nhuộm vàng màu cải tần ô. Tất cả trở thành vĩnh cửu – như niềm đau Việt Nam! Chương càng mở lớn đôi mắt nhìn Lĩnh, sững sờ. Chàng đâu ngờ, thật đâu ngờ, hai người cựu quân nhân của binh chủng Biệt động quân lại đã gặp nhau ở chỗ ùa nhập, mỗi người một cách, vào hư vô – ùa nhập vào hư vô không phải để chạy trốn thực tại, mà là để hóa giải mọi nóng bỏng, bất quân bình của thế sự nhân tình. Bây giờ thì Chương hiểu vì sao khi gặp Lĩnh, tự nhiên chàng có khuynh hướng nép mình và tự xóa nhòa một cách tin cẩn. Ở chàng chỉ có bề rộng mà ở Lĩnh là chiều sâu chàng khao khát, chiều sâu mang đủ những vấn đề tương ứng với những gì chàng đặt lang bang trên bề mặt: thời gian, không gian, hư vô, tình yêu thiên nhiên – và khuôn mặt Phật nữa chứ! Chương hiểu rồi, tại sao nụ cười trên mọi khuôn mặt Phật đều phảng phất nửa vui nửa buồn. Rồi đây khi tới Tokyo, chia thành hai ngả, biết rằng Chương có bao giờ gặp lại cặp vợ chồng Việt Mỹ này – chàng sinh trưởng từ một đất nước đau khổ đến tuyệt đỉnh của khổ đau, nàng sinh trưởng ở một đất nước mà óc tổ chức đạt tới chỗ tuyệt hảo của máy móc, nhưng do đó nhiều khi bộ não chính sách cũng máy móc đến chỗ điên khùng! Họ chắp cánh bay xa quê hương – mà không phải là rời bỏ – để thành một cặp hoàn hảo ngoài ý muốn và ngay cả ý thức họ! 

Chương có ghi địa chỉ của họ tại Helambu và cũng đã cho họ địa chỉ của chàng – tại một hẻm Sài Gòn. Biết rằng rồi đây Chương có còn gặp lại họ? Tuy nhiên trong cái vô cùng vô tận của thời gian, không gian, họ và Chương há chẳng vẫn thường xuyên gặp nhau đó sao! 

Thấm thoắt đã lại thêm một năm nữa qua đi. Khoảng thời gian ngót hai năm đó, với bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng chưa thể có gì thay đổi đáng kể dù vui hay buồn, tốt hay xấu. Nhưng ở Việt Nam thì sự điêu tàn khủng khiếp nhìn thấy rõ từng ngày! 

Đêm Giao thừa năm nay, Chương đứng tì tay bên cửa sổ nhà mình chứng kiến một khung cửa sổ khép kín câm nín và tối om đối diện ngang bên hông nhà. 

Xóm Chương ở là một xóm lao động, rất đông trẻ con lúc nhúc, lũ trẻ đen đủi con nhà lao động thuần túy: có; thấp thoáng dăm đứa da trắng, tóc hơi vàng, mắt hơi xanh là lũ trẻ lai Mỹ: có. Sâu trong xóm và phía sau xóm là khu những cô gái điếm. Đối diện với khung cửa sổ bên hông căn gác gỗ nhà Chương, cách một mái nhà thấp, là khung cửa sổ của một căn gác gỗ khác hẹp hơn, xơ xác hơn, vũng tối đọng bên trong nông choèn như vũng bùn trâu đầm. Đó là gian gác của một cô gái điếm! Mới trưa nay Chương còn thấy lủng lẳng phơi phía ngoài cửa sổ chừng một chục cặp lạp xưởng. Giờ đây đêm ba mươi, vào lúc Giao thừa, tiếng chiêng trống bắt đầu vang rền của đền, chùa quanh đấy, hỏa châu xanh, đỏ, vàng chiếu sáng cả vùng trời Sài Gòn; những mâm hoa quả cúng lộ thiên, và nến, và hương lấp lánh như sao sa. Riêng hai cánh cửa sổ bên căn gác gỗ cô gái điếm vẫn đóng chặt câm nín, ôm lấy bóng tối cũng câm nín và mất hút. Nếu ban ngày không đã từng nhìn thấy, chắc Chương không thể ngờ khoảng đó có hai cánh cửa sổ – trong khi những khung cửa sổ khác trên những từng gác cao thảy đều như những nụ cười chan hòa ánh sáng. Chương nhớ có lần chứng kiến cảnh hai cô gái điếm dời chỗ ở. Chiếc taxi hai cô gọi vào sâu trong xóm – cũng xóm này – đậu ngay trước cửa. Hai cô vừa rúc rích cười vừa hấp tấp khuân “đồ nghề” ra. “Đồ nghề” đây là chăn, là gối, là mấy cái gối ôm. Chương không bao giờ quên cảnh các cô cười ngặt nghẽo khi ném vội những bạn đồng hành vô tri mà vô cùng gợi cảm đó vào trong taxi. Trong khi các cô cố ấn chúng thật nhanh, thật gọn vào phía ghế sau taxi, thì hai chiếc gối ôm tai ác đã như thể hềnh hệch cười ưỡn mình tuột khỏi cánh tay một cô mà lăn kềnh xuống mặt đường, báo hại các cô phải cúi xuống lượm vội lên, nhét vội vào taxi, lườn bụng và hai vai rung lên. Các cô vẫn cười! 

Đôi mắt Chương trân trân nhìn vào khoảng có hai cánh cửa sổ khép chặt câm nín đêm ba mươi Tết. Cô gái điếm hẳn đã về quê! Đêm ba mươi Tết, những đứa em lang bạt, những đứa con hoang tàng đều cố lần về quê tìm hơi ấm của mẹ, của gia đình chút ít. “Má, con đã về!” – Chương nghĩ vậy. Cô chào má và giơ lên một chục cặp lạp xưởng đã phơi khô. “Con mua về ăn Tết nè, má!” Bà mẹ già, Chương tiếp tục nghĩ, mái tóc trắng, nét mặt nhăn nheo – bà mẹ nào mà chẳng biết con làm gì, nhưng thế bất khả, không có chọn lựa! 

Ba mươi Tết Chương bỗng thành một thời điểm lạ lùng quy tụ tinh hoa của khổ đau, của hạnh phúc của cả kiếp người. Chương lại nghĩ tới cặp vợ chồng Việt Mỹ – Lĩnh, Hoa – và liên tưởng đến vùng cải hoa vàng mênh mông của họ. Sau hai năm, hẳn là vô vàn các hạt giống đã tung bay theo gió! Chẳng hiểu, sau khi rời đám thổ dân Sherpa vùng Helambu, dấu chân họ – những dấu chân cát xóa – đã lưu lạc sang những miền nào của châu Phi, hay Nam Mỹ, hay một hòn đảo nhỏ nào của Đại Dương Châu mịt mù khói sóng? 

Ôi những dấu chân cát xóa trên những ngả đường đời! 

Chương chợp ngủ! 

Chàng mơ thấy hai cô gái điếm tay ôm chăn gối, tóc xõa, chạy ùa vào vùng hoa vàng rực của một dải tần ô ngút ngàn như dải Ngân Hà, phủ gần kín cả đôi bờ một dòng sông rộng tại một thung lũng – ngang sườn núi thì phải! 

Doãn Quốc Sỹ

Sài Gòn 1974

Trích trong tiểu thuyết “Dấu Chân Cát Xóa” của Doãn Quốc Sỹ