Chị Bông gởi tâm sự cho chị Ngân Bình phụ trách mục “Tình
Chàng Ý Thiếp” của một tuần báo. Chị than thở chuyện tình cảm hai vợ chồng già
nhà chị lúc nào cũng xung khắc cãi nhau. Ông ấy lát gạch vườn sau chỗ cao chỗ
thấp làm chị Bông vấp ngã mấy lần đã không biết điều xin lỗi còn mắng vợ xớn
xác. Chị Bông tiết kiệm ngân quỹ gia đình, ở nhà chuyên mặc đồ thừa của con gái
thì ông ấy nói quần áo ngắn cũn cỡn, váy màu mè xanh đỏ như bà đồng bóng.
Chị Ngân Bình khuyên rằng tình vợ chồng bao năm đã cũ mòn rồi, như nồi phở để nguội mất ngon chị cần phải hâm nóng lại. Chị Bông bèn mạo muội gọi phone chị Ngân Bình để nghe lời khuyên cụ thể hơn:
– Hâm nóng tình già cách nào hả chị?
Chị Ngân Bình giải thích:
– Chị hãy làm một chuyến đi xa, nhân dịp này vừa thăm con
cháu vừa tạo khoảng cách cho ông chồng chị cảm thấy trống vắng, thương nhớ chờ
mong.
Chị Bông lo lắng:
– Nhưng kết quả ngược lại là chị… chịu trách nhiệm đó
nha.
Đến lượt chị Ngân Bình lo lắng:
– Ủa, tôi đã giúp chị lời khuyên mà còn chịu trách nhiệm
là sao?
– Tôi thấy mấy ông già vắng vợ, xa vợ dễ ngả lòng lắm, chồng
tôi được tự do một mình lỡ ông ấy ra vào mấy quán cà phê đèn mờ có mấy cô tre
trẻ phục vụ thì tình vợ chồng nhà tôi chẳng hâm nóng mà cháy khét luôn
đó.
Chị Ngân Bình tự tin:
– Tưởng gì. Bao năm qua chồng chị vẫn ngoan hiền thì làm gì
dám “đổi đời” ghê gớm thế.
Chị Ngân Bình nói đúng, có lẽ tình vợ chồng mấy chục năm đã
cũ mòn, đã giết chết tình yêu thuở thanh xuân nên người ta đối đãi với nhau
không cần gìn giữ, không cần làm đẹp lòng nhau nữa. Đằng nào cũng là vợ là chồng,
xung quanh vòng vây nào con cháu, nào tài sản tiền bạc, nào đạo lý, thân nhân họ
hàng, bè bạn gần xa, những sợi dây vô hình buộc chặt cuộc đời họ bên nhau khó đứt
lìa.
Chị Bông thèm được chồng trân trọng quý mến, thèm được chồng
nâng niu yêu thương như thuở ban đầu, cái tình cảm đã mất đi từ lúc nào không
hay sau mấy chục năm chồng vợ khi tuổi đời chồng chất. Nhất định chị sẽ hâm
nóng lại tình gìa nguội lạnh theo lời khuyên của chị Ngân Bình, tình cũ sẽ làm
cho mới lại, chị sẽ “đi xa” một khoảng thời gian để anh Bông thấy vợ là cần thiết.
Chị tuyên bố cho chồng bất ngờ xem phản ứng anh thế
nào:
– Em sẽ đi tiểu bang California thăm con gái và cháu ngoại.
Anh chẳng ngạc nhiên, chẳng “xót xa” vì vợ sắp đi xa mà còn
hào hứng tán thành:
– Phải đấy, phải đấy, bà nhớ con nhớ cháu muốn đi thì cứ việc
đi.
Chị Bông chạnh lòng nghĩ thầm: “Đã thế tôi sẽ đi thật lâu
cho ông biết thế nào là… tình xa nhé”. Chị mua vé máy bay đi California 2
tháng. Anh Bông vui vẻ chở vợ ra phi trường và dặn dò:
– Nếu tôi… quên thì gần ngày về bà phone nhắc tôi ra
phi trường đón nha.
Trời ơi, thì ra chồng chẳng chờ mong ngày vợ về sao? Ai lại
có thể quên ngày đoàn tụ nhỉ? Chị Bông tưởng lúc chia tay sẽ bịn rịn lưu luyến.
Nhưng anh Bông luôn miệng giục giã:
– Bà vào trong sớm đi cho thoải mái.
Rồi anh Bông hăng hái xách phụ vợ cái túi xách khi chị đứng
xếp hàng chờ kiểm hành lý. Cứ làm như anh muốn tống một của nợ đi cho khuất mắt.
Chỉ có gia đình con gái là bất ngờ thôi. Con gái đón chị
Bông về nhà và phân bày:
– Mẹ đột ngột đến thăm, con vội sửa soạn phòng không biết có
thiếu sót gì không?
– Mẹ muốn làm bất ngờ cho con cháu vui mà, mẹ nhớ con cháu
qúa nên đến thăm và ở hai tháng đấy.
Con rể cảm động:
– Thật vui khi có mẹ đến chơi, các cháu sẽ tha hồ vòi vĩnh
bà kể chuyện và nấu nướng món nọ món kia.
Thế là một công đôi việc, vừa thoả lòng thăm con cháu chị
Bông vừa tạo không gian khoảng cách xa nhà để nơi kia chồng sẽ nhận ra vắng mụ
vợ già cũng trống trải biết bao.
Nhưng ở với con cháu mới được 5 tuần lễ chính chị Bông đã cảm
thấy nhớ nhà, nhớ tất cả những gì liên quan đến đời sống quen thuộc hằng ngày của
mình, chị nhớ khu phố mình ở, nhớ cả chợ búa thường đi mỗi cuối tuần. Chị Bông
bảo con đổi vé máy bay về nhà sớm. Chị quyết định không báo cho chồng biết, chị
lại muốn chồng bất ngờ, 5 tuần lễ xa nhau đủ cho chồng thấm thía nhớ
thương.
Về đến phi trường chị Bông hồi hộp và sung sướng gọi taxi chở
về nhà. Căn nhà thân yêu đây rồi, chị tưởng tượng khi cánh cửa mở ra chồng sẽ mừng
rơn ôm chầm lấy vợ, chị sẽ cảm động rưng rưng nói một câu nũng nịu tình tứ:
– Em nhớ anh nên về sớm đó. Anh có nhớ em không?
Anh sẽ như ngày xưa lãng mạn ngọt ngào nói một câu đã xem
trong phim ảnh hay đọc được trong tiểu thuyết:
– Những ngày không em đời anh là hoang vu sa mạc.
Nhưng không, anh Bông đứng sững sờ nơi cửa không thốt nên lời.
Chị Bông phải lên tiếng:
– Anh kinh ngạc và chết lặng như vừa thấy người từ cõi chết
trở về vậy hả??? Em, Bông đây mà, Bông của anh đây mà.
Bây giờ anh mới hồi tỉnh và hỏi một câu vô duyên:
– Sao bà về sớm thế?
Chị Bông chưa kịp đáp anh thêm câu vô duyên khác:
– Đi thăm con cháu thì ở lại vài tháng cho đã đời đi. Về làm
chi…
Chị Bông biết tính “ăn ngay nói thẳng” của chồng, xưa nay
nghĩ sao nói vậy không hình thức bề ngoài cho vừa lòng vợ nhưng chị vẫn cụt hứng.
Nhìn nét mặt của chồng chị Bông nghi ngờ:
– Anh sao thế? Nhìn mặt anh như chưa tỉnh một cơn mê, cứ làm
như em có tội với anh khi bất chợt về nhà sớm vậy đó.
– Chứ còn gì nữa.
– Trời ơi… Bộ anh có chuyện gì mờ ám hả? Hả?
– Tôi đang nghe những bản nhạc tình Bolero, bà về không đúng
lúc.
Bây giờ chị Bông mới để ý lắng nghe tiếng nhạc vọng ra từ
trong phòng, giọng Hoàng Oanh đang tha thiết năn nỉ ỉ ôi: “Chỉ hai đứa mình
thôi nhé… đừng cho trăng nép sau hè… chỉ hai đứa mình thôi nhé… trần gian thanh
vắng tứ bề…”
Chị Bông gắt:
– Nhạc gì thì cũng là nhạc, liên quan gì đến chúng ta?
– Có chứ. Bà bình tĩnh đừng tưởng tượng quá xa xôi, nghe tôi
nói những lời chân thật từ đáy lòng đây. Nhờ bà đi vắng dài hạn tôi bỗng như
anh chàng trẻ tuổi độc thân, chẳng nấu nướng gì cả, cơm hàng cháo chợ mà bà vẫn
chê bai toàn là gia vị độc hại, bột ngọt, dầu mỡ muối đường không tốt cho sức
khỏe ấy, nhưng lạ và ngon khác với cơm bà nấu. Tôi đã có những ngày tự do thoải
mái, muốn ăn gì thì ăn, đi đâu thì đi, làm gì thì làm mà không sợ bị bà xía vô
hạch họe cấm cản hay liếc dọc liếc ngang vào ra lẩm bẩm. Lúc nào rảnh nằm nghe
những bản nhạc tình cảm Bolero tâm hồn tôi lãng mạn, ướt át chơi vơi cảm xúc.
Đang mơ màng thế cho nên thấy bà đột ngột trở về, đứng lù lù nơi cửa tôi không…
giật mình sao được.
Chị Bông giận hờn:
– Em hiểu rồi, thì ra anh đang quay về lứa tuổi hai mươi
thương nhớ vu vơ đấy… “Chỉ hai đứa mình thôi nhé” bảo đảm là không có hình bóng
của em, vì người ta chỉ thương nhớ những gì đã mất, còn những thứ đã đạt được
trong tay như em đây có đi xa, đi vắng hay… tiêu đời luôn càng tốt phải không
anh?
Anh Bông chẳng thèm dỗ dành vợ mà tỉnh bơ nói tiếp:
– Thí dụ ngày đó tôi không lấy được bà thì bà mãi mãi là người
trong mộng của tôi. Tình yêu thời tuổi trẻ và tuổi già khác nhau xa, ngày xưa
hai chúng mình cứ nôn nóng đòi làm đám cưới gấp, một ngày không có nhau là một
ngày hoang phí. Nhưng bây giờ có khi vắng xa nhau một ngày là một ngày dễ chịu,
dễ thương.
Anh xuống giọng tràn đầy tình cảm:
– Cám ơn bà đã vắng nhà mấy tuần cho tâm hồn tôi trẻ lại.
Tóm lại lâu lâu mình cũng cần “chia xa” cho… tình gần nhau hơn.
Chị Bông khen:
– Em mới đi vắng vài tuần mà anh đã ảnh hưởng Bolero quá chừng,
ăn nói lãng mạn hẳn ra. Có xa cách mới biết nhớ thương nhau, đó là mục đích của
em, em sợ tình nguội lạnh nhạt phai nên đã hâm nóng tình già, tình cũ của chúng
mình. Coi như em vắng nhà là đã tặng anh một giấc mộng thanh xuân, tuy ngắn ngủi
nửa vời.
– Giấc mộng nào chẳng dở dang nửa vời, có bao giờ chúng ta
ngủ mơ đầy đủ một câu chuyện đâu. Có bà bên cạnh là tôi trở về thực tế rồi, bây
giờ tôi có nghe thêm hàng trăm bài nhạc tình Bolero mùi mẫn cũng chẳng chạnh
lòng nổi, chẳng mộng mơ nổi. Để tôi đi tắt nhạc và chiều nay tôi khỏi lái xe đi
ăn cơm tiệm, bà nấu gì tôi ăn nấy.
Chị âu yếm nói với chồng:
– Hôm nay em sẽ nấu cho anh một bữa cơm ngon sau 5 tuần lễ
xa nhà nhưng không phải chỉ bằng thịt cá rau củ gia vị hành ngò. Đố anh biết là
món gì?
Anh Bông tươi cười:
– Bà làm như bà là cô giáo và tôi là thằng học trò nhỏ của
bà để bà “đố vui để học” hả. Tôi nghe bà nói hàng trăm lần rồi, bà nấu bằng tất
cả tâm tình của bà chứ gì. Tôi hiểu bà từ đời nào, cũng như bà đã hiểu tôi từ
kiếp nào. Cám ơn bà đã hâm nóng tình già, tuy cũ mòn theo thời gian nhưng nó vẫn
còn đấy đi đâu mà mất.