Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (11/2/1944–27/3/2011)
Trần Trung Đạo: Sửa lời nhạc trở thành một hiện tượng
khá phổ biến tại Việt Nam, sửa do chỉ thị, sửa để được hát, sửa để khỏi bị làm
khó dễ, sửa để kiếm sống v.v.. Tuy nhiên, có một nhạc phẩm rất phổ biến nhưng
không ai sửa đó là Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang
(1944-2011). Nhạc phẩm này được hát vang trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội trong hầu
hết các cuộc biểu tình chống Trung Cộng bành trướng từ đầu thập niên 2000 đến
nay. Nhạc phẩm được giữ nguyên vẹn bởi vì bài hát được cất lên từ tuổi trẻ, từ
những tấm lòng Việt Nam yêu nước trong sáng, không vụ lợi, không nịnh đảng,
không vì tiền.
Nhân ngày giỗ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, 27 tháng
3, mời đọc lại bài viết Khi Bài Hát Trở Về.
---------
Nếu phải xếp hạng những bài hát được sinh
ra và lớn lên cùng với thăng trầm của đất nước, với thao thức của thanh niên,
sinh viên, học sinh, với tâm trạng của những người lính trẻ trong cuộc chiến
tranh tự vệ đầy gian khổ ở miền Nam trước đây, tôi tin, Việt Nam Quê Hương
Ngạo Nghễ của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sẽ là một trong những bài ca
được xếp hàng đầu.
Không giống như một số hành khúc quen thuộc trong giới trẻ trước 1975 như Dậy mà đi của Nguyễn Xuân Tân (Tôn Thất Lập), Tổ quốc ơi ta đã nghe của La Hữu Vang thiết tha, mạnh mẽ nhưng chỉ giới hạn trong các phong trào sinh viên tranh đấu và ngay khi ra đời đã bị đảng sử dụng cho mục đích tuyên truyền trong các trường đại học, các đô thị miền Nam, hay Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy chan chứa tình dân tộc, kêu gọi người người thương mến nhau nhưng thiếu đi cái hùng khí, sôi nổi của tuổi trẻ. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang không dừng lại ở nỗi đau của đất nước mà còn nói lên cả những bi thương, công phẫn, thách đố của tuổi trẻ Việt Nam trước những tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người.
Trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, Việt Nam Quê Hương Ngạo
Nghễ nổi bật lên như một biểu tượng cho khát vọng của một dân tộc đã vượt
qua bao nhiêu gian nan khốn khó để tồn tại và vươn lên cùng các dân tộc khác
trên mặt đất nầy.
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang.
Lời nhạc của Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ tương đối
khó nhớ nhưng nhờ cách sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, mạnh mẽ, tượng thanh, tượng
hình như “xích kêu loang xoang”, “trên bàn chông hát cười đùa vang vang” hay
“Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi” đã làm cho Việt Nam Quê Hương
Ngạo Nghễ trở thành độc đáo, không giống như những bài ca yêu nước khác với
những ý tưởng quen thuộc và lời ca phần lớn là lập lại nhau.
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ đẹp tự nhiên như một đoá
lan rừng, không mang màu sắc chính trị, không nhằm cổ võ hay biện minh cho một
chủ nghĩa nào, không cơ quan nhà nước nào chỉ đạo thanh niên sinh viên học sinh
phải hát và bài hát cũng chẳng nhằm phục vụ lợi ích riêng của chính quyền, tôn
giáo hay đảng phái chính trị nào.
Trước 1975, từ thành phố đến thôn quê, từ các trường trung học
tỉnh lẻ đến đại học lớn như Huế, Sài Gòn, từ các phong trào Hướng đạo, Du ca đến
các tổ chức trẻ của các tôn giáo như Thanh niên Công giáo, Gia đình Phật tử, từ
các quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, Quang Trung, Nha Trang đến các tổ chức, đoàn
thể xã hội từ thiện đều hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.
Sau 1975, bài hát theo chân hàng trăm ngàn sĩ quan và viên
chức miền Nam đi vào tù. Nhiều hồi ký, bút ký kể lại Việt Nam Quê Hương Ngạo
Nghễ đã được hát lên, kín đáo hoặc cả công khai, ở nhiều trại tù khắp ba miền
đất nước. Trong tận cùng của đói khát, khổ nhục, đớn đau, Việt Nam Quê Hương
Ngạo Nghễ đã hoá thành những hạt cơm trắng, hạt nếp thơm nuôi sống tinh thần
những người lính miền Nam sa cơ thất thế.
Những năm sau đó, bài hát, như tác giả của nó và hàng triệu
người Việt khác lên đường ra biển tìm tự do. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
lại được hát lên giữa Thái bình dương giông bão, hát lên ở các trại tỵ nạn
Palawan, Paula Bidong, Panat Nikhom trong nỗi nhớ nhà, hát lên ở Sungai Besi,
White Head trong những ngày chống cưỡng bách hồi hương, hát lên ở San Jose,
Santa Ana, Boston, Paris, Oslo, Sydney trong những cuộc biểu tình cho tự do dân
chủ Việt Nam, hát lên ở các trại hè, trại họp bạn Hướng đạo, các tổng hội sinh
viên Việt Nam tại hải ngoại.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, trong buổi phỏng vấn dành cho
chương trình Tiếng Nói Trẻ đã kể lại câu chuyện ra đời của Việt Nam Quê
Hương Ngạo Nghễ trong âm nhạc Việt Nam: “…Thế bài Việt Nam Quê Hương Ngạo
Nghễ cũng vậy, nó không phải là một bài ca tôi nghĩ là quá lớn, nhưng lúc bấy
giờ khi tôi kết thúc tập Trường Ca vào năm 1965, cuối 1965 hay đầu 1966 gì đó,
khoảng thời gian đó, 10 bài trường ca, những bài như Nỗi buồn nhược tiểu, Tiếng
rống đàn bò, Lìa nhau, Thảm kịch khó nói v.v. những bài nói về đất nước của
mình rất là khổ sở, tôi nghĩ nên kết nó bằng một bài hát có tiếng gọi hùng
tráng và tha thiết hơn. Thành ra tôi viết bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
một cách rất là dễ dàng. Tất cả những ý đó tôi đem vào hết trong bài hát đó để
nó vượt qua cái khốn khó, vượt qua cái quê hương nhỏ bé, nhược tiểu mà trở
thành một nước to lớn, và lòng người cực kỳ dũng mãnh. Viết xong bài đó tôi
nghĩ chỉ kết thúc tập Trường Ca mà thôi, không ngờ về sau càng ngày đi các nơi
càng thấy nhiều người ưa thích bài đó, có lẽ đáp được ước vọng của nhiều người,
tôi nghĩ tiếng gọi đáp ứng đúng được tiếng của nhiều người, không riêng gì giới
trẻ đâu, cả người lớn tuổi ở các hội đoàn về sau này, rồi đi vào trong quân đội,
đi rất nhiều nơi. Thành ra, tôi cho đó là một bài hát tự nó trưởng thành nhưng
khi viết tôi chỉ đúc kết cho tập Trường Ca lúc đó mà thôi.”
Thật đơn giản và tự nhiên như thế. Không một ông Bộ trưởng Bộ
Chiêu hồi nào đặt hàng hay một ông Tổng ủy trưởng Dân vận nào chỉ thị anh phải
viết. Anh viết không phải để thi đua sáng tác hay mong mang về giải thưởng,
huân chương. Trong tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính, tình yêu nước bao giờ
cũng là sự thôi thúc tự nguyện. Anh viết Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ để
kết thúc tập trường ca của riêng anh nhưng cũng nối tiếp tập trường ca lớn hơn
của đất nước.
Sau ba mươi năm, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã trở về qua nhiều ngả,
trong nhiều tư cách khác nhau, một số tình ca sáng tác trước 1975 đã được nghe
lại trong nước, nhưng đây là lần đầu tiên một bài hát đã về lại quê hương qua
ngả của trái tim, trở về trong vòng tay nồng ấm của tuổi trẻ Việt Nam.
Bất ngờ và cảm động, một buổi sáng tuần trước, khi đi dạo một
vòng qua các blog Việt ngữ, tôi bắt gặp không chỉ những mẩu tin nóng viết vội
vàng trên đường phố, những đoạn phim biểu tình vừa mới đưa lên YouTube, những tấm
hình ghi lại cảnh xô xát giữa đồng bào, sinh viên với công an, nhưng còn được
nghe lại bài hát quen thuộc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Tôi cảm nhận
qua lần gặp gỡ đó một niềm vui chung khi có một bản nhạc mà các em sinh viên Việt
Nam ở California, Washington DC, Oslo, Paris, Hà Nội, Sài Gòn cùng hăng say hát
trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng bá quyền mà không cảm
thấy ngần ngại, nghi ngờ, xa cách.
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian.
Trong số một trăm em đang hát trong nước hôm nay có thể hơn
chín mươi em chưa hề nghe đến tên Nguyễn Đức Quang lần nào, và nếu có nghe, có
đọc qua bộ máy tuyên truyền của đảng, cũng chỉ là một “nhạc sĩ ngụy đã theo
chân đế quốc”. Biết hay không biết, nghe hay không nghe không phải là điều quan
trọng. Điều quan trọng là bài hát đã đáp ứng được ước vọng về tương lai và tình
yêu tổ quốc của tuổi trẻ. Tổ quốc, vâng, không có gì lớn hơn tổ quốc. Văn hoá
không phải chỉ là đời sống của một dân tộc mà còn là những gì giữ lại được sau
những tàn phá, lãng quên.
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ sau 30 tháng Tư 1975 hẳn
đã nằm trong danh sách các tác phẩm “văn hoá đồi trụy” mà đảng tìm mọi cách để
xóa bỏ, tận diệt. Thế nhưng, như giọt nước rỉ ra từ kẽ đá và như bông hoa mọc
giữa rừng gai, bài hát đã sống sót, đã ra đi và đã trở về. Để tồn tại, một bài
thơ, một bản nhạc cũng phải trải qua những gạn lọc, những cuộc bỏ phiếu công bằng
không chỉ của người nghe, người đọc dưới một chế độ chính trị nào đó mà còn của
cả lịch sử lâu dài. Bài hát phát xuất từ tình yêu nước trong sáng như Việt
Nam Quê Hương Ngạo Nghễ sẽ ở lại rất lâu trong lòng tuổi trẻ Việt Nam hôm
nay và nhiều thế hệ mai sau.
Là một người thích tham gia các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng,
bài hát mang tôi về thời trẻ tuổi của mình.
Tôi còn nhớ, mùa hè 1973, khi còn là sinh viên năm thứ nhất,
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ cũng là nhạc sinh hoạt chính của trại hè
sinh viên toàn quốc quy tụ đại diện sinh viên các trường đại học và cả sinh
viên du học về nghỉ hè, do Bộ Giáo dục và Thanh niên tổ chức lần đầu và có lẽ
cũng là lần cuối tại trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu. Đêm trước ngày chia tay,
chúng tôi không ai ngủ được. Ngày mai sẽ mỗi người mỗi ngả, chị về Huế, anh về
Đà Lạt, em về Cần Thơ và đa số chúng tôi sẽ trở lại Sài Gòn. Cùng một thế hệ
chiến tranh như nhau, khi chia tay biết bao giờ còn gặp lại. Những ngày tháng
đó, cuộc chiến vẫn còn trong cao điểm. Mỹ đã rút quân nên máu chảy trên ruộng đồng
Việt Nam chỉ còn là máu Việt Nam. Thảm cảnh của “mùa hè đỏ lửa” chưa qua hết.
Trên khắp miền Nam, đâu đâu cũng có đánh nhau, đâu đâu cũng có người chạy giặc.
Mơ ước của tuổi trẻ chúng tôi là được thấy một ngày đất nước hoà bình, một ngày
quê hương không còn nghe tiếng súng. Đêm cuối trại hè, chúng tôi ngồi quây quần
thành một vòng tròn rộng quanh cột cờ trường Thiếu Sinh Quân và hát nhạc cộng đồng
như để vơi đi những vương vấn, lo âu đang trĩu nặng trong lòng. Bài hát được
hát nhiều nhất trong đêm đó là Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, và khi điệp
khúc cất lên cũng là khi chúng tôi hát trong nước mắt:
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.
Những giọt nước mắt của tuổi sinh viên nhỏ xuống xót thương
cho dân tộc mình. Tại sao có chiến tranh và tại sao chiến tranh đã xảy ra trên
đất nước chúng tôi mà không phải tại một quốc gia nào khác? Mấy tháng sau,
tháng Giêng năm 1974, bài hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ đã được hát
vang trên đường phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ sau khi Hoàng Sa rơi vào tay
Trung Quốc. Những bản tin đánh đi từ Đà Nẵng, danh sách những người hy sinh được
đọc trên các đài phát thanh làm rơi nước mắt.
Và hôm nay, ba mươi ba năm sau, trong cái lạnh mùa đông trên
xứ người, những lời nhạc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ từ YouTube phát ra
như xoáy vào tim.
Tôi lại nghĩ đến các anh, những người đã hy sinh ở Hoàng Sa
tháng Giêng năm 1974, ở Trường Sa tháng Ba năm 1988. Các anh khác nhau ở chiếc
áo nhưng cùng một mái tóc đen, một màu máu đỏ, một giống da vàng, cùng ăn hạt gạo
thơm, hạt muối mặn, cùng lớn lên bằng giòng sữa mẹ Việt Nam, và cùng chết dưới
bàn tay hải quân Trung Quốc xâm lăng.
Việt Nam, sau ba mươi ba năm “độc lập, tự do” vẫn chưa thoát
ra khỏi số phận nhược tiểu bị xâm lược, vẫn chưa tháo được cái vòng kim cô
Trung Quốc trên đầu. Việt Nam có một lãnh hải dài trên ba ngàn cây số nhưng thực
tế không còn có biển. Cả hành lang Đông hải rộng bao la từ Hải Nam đến Hoàng Sa
và xuống tận Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm. Nếu vẽ một đường cung dọc theo
lãnh hải đó, ngư dân Việt Nam chỉ còn có thể đi câu cá ven bờ chứ không thể
đánh cá như ngư dân Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay các quốc gia khác trong
vùng biển Đông. Phía sau tấm bảng in đậm “mười sáu chữ vàng” hữu nghị thắm thiết
giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là thân xác của ngư dân Việt Nam
trôi bềnh bồng dọc các hải đảo của tổ tiên mình để lại.
Trong suốt dòng lịch sử, hoạ xâm lăng từ phương Bắc vẫn là mối
đe doạ thường xuyên. Khác với các thời đại trước đây, cái bất hạnh của Việt Nam
ngày nay không phải chỉ là mất đất nhưng mất đất mà không đòi lại được ngay. Cuộc
kháng Nguyên lần thứ nhất trong hàng vương tước nhà Trần chỉ có mỗi Trần Nhật
Hiệu chủ trương “Nhập Tống” và lần thứ hai chỉ có Trần Ích Tắc và đám hầu tước
Trần Kiện, Trần Văn Lộng, Trần Tú Viên chủ trương “Hàng Nguyên” nhưng ngày nay,
về mặt lập trường quan điểm, Việt Nam có đến 14 Trần Ích Tắc và 160 Trần Kiện.
Trận đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra tại Trường Sa năm 1988 theo
tác giả Daniel J. Dzurek trong biên khảo Xung Đột Trường Sa: Ai có mặt trước?
(The Spratly Islands Dispute: Who’s on First?) chỉ kéo dài vỏn vẹn 28 phút và
Việt Nam chịu đựng hầu hết thương vong. Với một giới lãnh đạo tham quyền cố vị
và sự chênh lệch quá xa về kỹ thuật chiến tranh như thế, cuộc đấu tranh giành lại
hai quần đảo sẽ vô cùng khó khăn.
Dù sao, tuổi trẻ Việt Nam, khác với các thế hệ Tân Trào, Pác
Bó trước đây, thế hệ Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay có nhiều cơ hội tiếp xúc, học
hỏi và so sánh giữa chế độ các em đang sống với các tư tưởng tự do dân chủ,
khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhờ đó, hy vọng các em sẽ có những chọn lựa đúng
cho mình và cho đất nước phù hợp với dòng chảy của văn minh nhân loại.
Trong cuộc chiến Việt Nam dài mấy mươi năm đảng đã sản xuất
ra không biết bao nhiêu bài hát, bài thơ kích động lòng yêu nước nhưng tại sao
các em không đọc, không hát nữa? Như một độc giả trong nước đã trả lời, đơn giản
chỉ vì chúng nhạt nhẽo. Ý thức sâu sắc đó đã được thể hiện không chỉ trong khẩu
hiệu các em hô mà ngay cả trong những bài hát các em hát. Sau những Như có
Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn của những ngày
đầu phong trào, các bạn trẻ trong nước đã đi tìm những nhạc phẩm nói lên lòng
yêu nước trong sáng, tích cực, không bị ô nhiễm, chưa từng bị lợi dụng và họ đã
tìm được Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.
Mỗi khi nhắc đến những khó khăn đất nước, chúng ta thường
nghe đến những “bất hạnh”, “nỗi đau”, “tính tự ti mặc cảm”, vâng đó là một thực
tế hôm nay, thế nhưng dân tộc Việt Nam “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, nước non
bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi khẳng định, không
phải chỉ biết đau, biết tự ti mặc cảm mà thôi nhưng từ những nỗi đau đã biết lớn
lên bằng tự hào và kiêu hãnh làm người Việt Nam. Chỗ dựa tinh thần của tuổi trẻ
Việt Nam hôm nay không có gì khác hơn là lịch sử. Không thể làm nên lịch sử mà không
cần học lịch sử. Lịch sử sẽ là vũ khí, là hành trang trong hành trình tranh đấu
cho một nước Việt Nam mới, cũng như để xây dựng một Việt Nam tươi đẹp sau nầy.
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên.
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ như giọt nước mắt bi
tráng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nào nhỏ xuống trên quê hương chiến tranh khốn
khổ, đã bốc thành hơi, tụ thành mây và sau bao năm vần vũ khắp góc bể chân trời
đã trở về quê hương qua ánh mắt của em, qua nụ cười của chị, qua tiếng hát của
anh, hồn nhiên và trong sáng.
Từ “vết thương rỉ máu” của một dân tộc đã từng bị nhiều đế
quốc thay phiên bóc lột, lợi dụng và hôm nay còn đang chịu đựng trong áp bức của
độc tài đảng trị, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ cất lên như một lời
khuyên, hãy sống và hãy vững tin vào lịch sử.
Sẽ có một ngày, sẽ có một ngày.