14 March 2023

MÈO “NHÍ” NGÀY XƯA - Triều Phong

Viết cho Valentine’s Day, 2023

Đây là một câu chuyện thật, vì lý do tế nhị, tác giả đã thay đổi tên nhân vật. Nếu có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào xảy ra, tác giả thành thật cáo lỗi và hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
- Triều Phong -

Con đường Ngô Gia Tự vẫn như ngày nào, ồn ào, náo nhiệt. Xe đạp, xích lô, xe ba gác chở đầy đồ đạc cồng kềnh, những chiếc Cub nghĩa địa đời 80, 82, cánh én… chạy loạn xạ, người đâm ngang, kẻ quẹo gắt. Cứ thế, mạnh ai nấy chạy!

Đó là quang cảnh của một buổi trưa hè năm 1987. Sài Gòn ngày xưa, bấy giờ là thế! Thấm thoát mà dân chúng đã sống với Việt Cộng được mười hai năm kể từ khi mùa Xuân Ất Mão tang thương 1975. Thuở ấy, người ta tưởng không thể nào ở nổi với cộng sản dù chỉ một ngày nhưng “sông vẫn chảy, dòng đời vẫn trôi, thời gian vẫn lặng lờ đi qua và mọi người… vẫn sống, dù phải sống ngắc ngoải hay lặc lè!”

Và mặc dầu cuộc sống xô bồ là thế, đường Ngô Gia Tự lộn xộn là vậy nhưng Bạch vẫn thích đi trên con đường có nhiều bóng mát này nhờ hàng cây dầu to hai bên, mỗi khi có dịp ra Quận 5 tức Chợ Lớn ngày xưa. Hắn thích đạp xe tà tà, lang thang nhìn các hoa dầu rơi loắn xoắn từ trên cao mỗi khi gió nhẹ thổi qua và nghĩ ngợi mông lung về phận đời, phận người tan tác sau cơn “gió bụi” của dân chúng miền Nam, như hắn lúc ấy, mà nghe đắng chát bờ môi.

Hôm nay, thằng Thành, thằng Tuấn là những thằng bạn cùng ở tù chung lúc trước đến nhà kéo hắn đi nhậu, vì có thằng Hoành mới được thả về cách đây mấy hôm. Bọn hắn kéo nhau ra Cửa Hàng Ăn Uống đầu đường Ngô Gia Tự, Quận Mười, để lai rai vì bữa nay cửa hàng có bán bia hơi.

Cả đám ngồi tán dóc, kể lể chuyện xưa, chuyện lao động cực khổ khi bị bọn cai tù “lôi lên, đạp xuống” nơi trại cải tạo và cảm thấy vui vì hội ngộ. Bạch bị tập trung cải tạo do vượt biên nhiều lần, thằng Tuấn thì lãnh mươi năm tù vì hát bài nhạc cấm “Sài Gòn vĩnh biệt,” thằng Thành bị búa năm năm bởi tội “đái bậy” vào một đêm khi đang uống rượu cây Lý tại một quán nhậu trên đường Lý Thái Tổ và băng qua bên kia đường để “xả xú bắp” rồi bị công an và dân phòng đi tuần tra bắt. Nó không ngờ cái vách tường ấy lại là “Nhà Hữu Nghị Việt Xô”. Phần Hoành thì lại xem phim Rambo do đám thủy thủ tàu viễn dương mang lậu về nước mà phải bóc ba cuốn lịch.

Tuy nhiên tội nhất là thằng Sơn, lúc bọn chúng nhắc tới nó! Ba Sơn là trung tá của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bị đưa đi ra ngoài Bắc “học tập,” nó ở nhà làm công nhân cho Nhà Máy Dệt Việt Thắng. Tổ trưởng của nó là thằng bộ đội người Bắc mới xuất ngũ vừa ngu lại vừa dốt mà hay lên mặt kẻ cả. Nó biết ba Sơn là “sĩ quan ngụy” nên thường hoạnh hoẹ, hạch sách.

Một hôm quá tức giận Sơn quăng cái tua vít (screwdriver) đang cầm trên tay sau khi bị thằng nọ sỉ vả, chẳng ngờ cái tua vít trúng vào thùng máy, bật lên cao rồi rơi vào dàn máy đang vận hành, khiến cho guồng máy đang hoạt động bị kẹt và đứng lại bất ngờ, nổ tung, nhiều thiết bị của dây chuyền sản xuất bị phá vỡ.

Đây là nhà máy của các nhà giàu có trước 1975 lập ra với trang thiết bị đa số là của Mỹ, Pháp… Do đó giờ không có đồ đạc để thay thế vì Việt Nam đang bị Mỹ “cấm vận.” Nhà máy đành ngưng sản xuất và Ban lãnh đạo phải mời các chuyên gia Đông Đức sang nghiên cứu tìm phương cách cứu vãn. Vụ việc kéo dài một thời gian khá lâu khiến câu chuyện trở nên nghiêm trọng mà bản thân Sơn cũng không ngờ, thế là hắn bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam xét lý lịch rồi nâng “quan điểm” tội của hắn thành “âm mưu phá hoại nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa”, là một tội vô cùng nặng nề vào thời kỳ đó và hắn bị kêu án chung thân!

Qua nhiều lễ lạc, Sơn được giảm án xuống còn hai mươi năm tù! Ngày bị chuyển ra trại cưỡng bức lao động, hắn ốm nhom và xanh mét, đi không muốn nổi vì bị nhốt ở phòng biệt giam quá lâu. Trông thật tội nghiệp!

Nói và uống mãi chẳng mấy chốc cả bọn đã ngà ngà say. Bạch đưa tay kéo bao thuốc lá lại gần định rút lấy một điếu nhưng không may là chẳng còn điếu nào. Bạch đứng dậy bước ra ngoài ngó dáo dác, chợt nhìn thấy cách đó không xa, nơi gốc cây có một bà già đang ngồi với một xe đẩy bán thuốc lá dạo, hắn liền bước tới:

-Bác có thuốc “con mèo” không bác? Cho cháu một gói đi!

-Cậu muốn “mèo lớn hay mèo nhí?”

Bà già từ tốn hỏi lại khiến hắn chưng hửng, mặt nghệt ra. Ngay lúc ấy có một cô gái nhỏ, tuổi độ chừng mười lăm hay mười sáu gì thôi, mặc đồng phục học trò, trên áo trắng có gắn phù hiệu tên trường Hoàng Văn Thụ cũng vừa trờ tới, cười nắc nẻ để lộ cả cái răng khểnh khi nghe bà già nói thế. Cô gái liếng thoắng:

-Nội này, hỏi kỳ ghê nơi?

Nói đoạn, cô quay sang Bạch giải thích:

-Thuốc Craven “A” này nè anh, bây giờ có hộp nhỏ mười điếu nữa. Anh muốn mua thứ nào?

Nói đoạn cô mở tủ thuốc, thò tay lấy hai hộp “con mèo,” một lớn và một nhí ra đưa cho hắn xem.

-Thuốc giả hả? Bạch ngắm nghía rồi hỏi lại.

-Dạ, không. Thuốc thật chứ! Chắc anh ở quê mới lên hả? Hãng thuốc lá Craven sang đây mở nhà máy sản xuất trên đường đi Quang Trung đó anh. Được mấy năm rồi và họ sản xuất thêm hộp nhỏ mười điếu nữa, nghe nói hút còn ngon hơn cả hộp lớn nữa á. Bộ anh không biết hả, hút thử coi?

Đoạn cô bé rút một điếu con mèo “nhí” đưa cho Bạch xem và còn chỉ dẫn:

-Mèo “nhí” này, anh phải đốt ở đầu vàng nghe. Đầu vàng này không phải là đầu lọc đâu, họ làm thế thôi.

Bạch đưa điếu thuốc lên mắt xem xét giây lát, đoạn ngửi thấy thật thơm liền gật gù như hiểu ra nên vui vẻ đùa:

-Mèo “nhí’ bao giờ cũng ngon hơn, thôi cho anh một gói thử đi!

Cô gái xí một tiếng và liếc Bạch bằng một cái đuôi mắt thật dài, miệng lại tủm tỉm cười, ngó thật ngộ.

Thế là từ đó, mỗi khi ra Sài Gòn hay Chợ Lớn hoặc có dịp đi ngang đây, Bạch thường ghé lại chỗ này mua thuốc. Chẳng bao lâu, hắn trở thành khách quen thuộc và dần dà thân thiết hơn với bà già và cô gái nhỏ.

Dòng đời tiếp tục đẩy đưa hắn tù lên tội xuống thêm một lần nữa đến năm 1989 mới thoát được qua Phi Luật Tân. Bạch bị kẹt lại ở trại tị nạn PFAC (The Philippine First Asylum Camp) tới gần mười một năm mới vào được Mỹ định cư sau một thời gian dài chịu đựng khổ cực. Hắn lập tức lao vào tìm việc làm ngay để mong có tiền về thăm gia đình, thăm cha mẹ già đang đau yếu.

Gần cuối năm 2004, Bạch trở lại Sài Gòn; thành phố hoa lệ với nhiều kỷ niệm thời thơ ấu nhưng đã thay đổi quá nhiều, từ con người đến góc phố, làm hắn cảm thấy lạ lẫm. Đôi khi hắn chạnh lòng vì cô độc bởi tất cả bạn bè thân quen gần như không còn được mấy ai để tâm sự buồn vui. Bạch cảm thấy cô đơn ngay chính trên quê hương mình, ngay chính chốn này, nơi hắn được sinh ra mà hắn thường tự hào là nơi “chôn nhau cắt rốn” lúc còn ở hải ngoại. Cuộc sống và sinh hoạt ở đây đã khác xưa đến độ hắn khó có thể thích nghi được.

Chiều một hôm, hắn gọi chú Tám xe ôm thường đậu trước đầu hẻm chở hắn đi vòng vòng Sài Gòn để ngắm lại thành phố mộng mơ ngày xưa. Sau khi chạy quanh trung tâm một đỗi, chú tài xế chạy qua Nhà hát Hòa Bình. Lúc tới Ngã Bảy Lý Thái Tổ, bất chợt Bạch nhớ tới cửa hàng ăn uống hồi trước hắn thường nhậu cùng đám bạn nên bảo chú Tám rẽ qua đường Ngô Gia Tự để hắn tìm lại một chút kỷ niệm ngày cũ.

Cửa hàng ấy bây giờ trở thành một nhà hàng lớn, đầy thực khách. Các căn nhà kề bên giờ cũng là những cửa tiệm mua bán đủ loại hàng hóa khác nhau tạo nên một quang cảnh tấp nập, ồn ào, náo nhiệt. Bạch muốn vào thăm nơi đó coi bây giờ ra sao nên rủ chú tài xế vào làm “sương sương.” Chú Tám vui vẻ cho xe tấp vô lề, Bạch bước xuống và chưa kịp leo lên vỉa hè thì: Ầm!

Cả hắn lẫn chú Tám và chiếc xe ngã chỏng chơ vì một cô gái điều khiển xe gắn máy chạy ngược chiều từ hướng trên đổ xuống, đâm sầm vào họ. Giữa lúc hắn đang lồm cồm ngồi dậy và còn chưa biết chuyện gì đang xảy ra thì tiếng cô gái tru tréo, ong óng vang lên:

-Trời ơi, ông bước xuống sao hổng coi gì hết vậy?

-Cô chạy sai mà còn đổ thừa người ta nữa là sao?

Chú Tám vừa đỡ xe lên vừa sừng sộ. Cô gái cũng dữ dằn không kém, trợn mắt hét to:

-Sai gì? Tui chạy sát trong lề chớ bộ!

Bạch xoa xoa khủy tay, thấy cánh tay rướm máu một tí do trầy xước và nghĩ thầm trong bụng “thiên hạ bây giờ hối hả sống, giành đường để đi, chạy ngược chạy xuôi, không nhường nhịn chi cả. Luật lệ giao thông đâu rồi?” Một vài người buôn bán xung quanh tò mò, bu lại nhìn. Ít phút sau một phụ nữ khoảng chừng ba mươi tuổi từ đâu đi tới quan sát một đỗi rồi đưa cho hắn miếng khăn giấy lau máu, tần ngần giây lát cô bước vội trở vô căn nhà gần đó và rồi khi trở ra, cô đưa chai thuốc sát trùng cho hắn và nói với người con gái gây ra tai nạn:

-Mày chạy ngược chiều mà còn ẩu tả, đụng người ta không xin lỗi lại còn trả treo cái gì nữa?

Đến lúc này cô gái nọ dường như cũng đã nhận ra sai phạm của mình bèn làm thinh. Bạch săm soi chân tay mình một lần nữa đoạn ngó sang chú tài xế:

-Chú Tám có sao không?

-Tui không sao, chỉ sợ em thôi!

Bấy giờ hắn mới quay qua người phụ nữ, trả lại chai thuốc và ngẩng mặt lên nói:

-Cám ơn chị.

Người phụ nữ đưa tay cầm lấy chai thuốc, nhìn hắn một hồi thì mặt bỗng rạng rỡ, mắt ngời sáng lên:

-Ủa, anh đi đâu sao… lâu quá không thấy anh dzậy?

Trước thái độ như quen biết hắn từ lâu đời của người phụ nữ làm Bạch ngạc nhiên nhìn sững người đàn bà, ngờ ngợ dường như đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải.

-Hổng nhớ em phải hông? Biết mà! Mèo “nhí” nè… nhớ chưa?

Nói xong, người phụ nữ nọ chúm chím cười hí hí làm Bạch tỉnh người, reo lớn:

-A, nhớ rồi… Ủa, em vẫn còn… bán ở đây hả?

Sau tai nạn ấy hắn thường xuyên tới thăm Mèo “nhí” hơn. Một hôm, hắn mời Mèo “nhí” đi ăn tối tại một nhà hàng khá sang và đầm ấm. Trong lúc ăn, Bạch lặng lẽ quan sát thấy Mèo “nhí” tuy không đẹp nhưng nhìn kỹ rất mặn mà và có duyên ngầm nhờ cái răng khểnh mỗi khi nàng cười, khiến hắn cảm thấy hình như giữa hai người có “cái gì gì đó” với nhau thì phải. Bạch hắng giọng lên tiếng:

-Em nè, mười mấy năm trước anh gặp em khi em còn là cô bé đang học lớp mười thôi, nhớ không?

-Sao không?

-Không dè mười mấy năm sau mình lại gặp nhau cũng rất tình cờ chắc là… là… có duyên há.

Mèo “nhí” liếc nhìn hắn, nuốt miếng thức ăn đang nhai dở xong, chu mỏ một cách đáng yêu.

-Chứ gì nữa, em cũng nghĩ vậy nếu không thôi thì em đâu nhận lời đi với anh đêm nay? Mà anh em mình chưa hề biết tên nhau.

-À há, ngộ thiệt!

Mèo “nhí” cười phá lên, làm vỡ vùng không gian đang yên ắng. Nàng ngừng lại một tí mới lên tiếng.

-Tên em là Hoàng Ngâu. Nguyễn Thị Hoàng Ngâu!

-Hoàng Ngâu?

-Ừ, Hoàng Ngâu. Nội bảo, ba em ngày xưa là lính VNCH. Ba em kể với bà là ngày xưa nhiều lần đi hành quân, có những chiều khi dừng chân bên những cánh rừng ngoài miền Trung, đôi lúc ba em thấy nhiều cây có bông hoa vàng nhỏ li ti rất đẹp và thơm mà bấy giờ ba em không biết là hoa gì.

-Hoa Hoàng Ngâu?

Mèo “nhí” chúm chím cười:

-Anh đoán tài thật! Sau đó ba em hỏi thăm dân địa phương mới biết tên nó. Ba nói, ba ước sau này nếu ba có gia đình và có con gái thì sẽ lấy tên này đặt cho con gái mình.

-Bây giờ ba em đâu?

-Ba em chết ngoài Bắc, cuối năm 1977, trong trại tù cải tạo. Lúc ấy… em được chừng năm tuổi!

Câu chuyện đang vui bỗng chùng xuống. Cả hai im lặng một lúc. Không muốn Mèo “nhí’ buồn, hắn đổi đề tài nói về ngày tháng khó nhọc của mình. Bạch kể những khổ sở lúc vượt biên, nhục nhằn trong trại lao động, sự kinh hoàng của bão biển hay khi đại dương giận dữ nổi sóng to gió lớn, các chuyện khôi hài, cười ra nước mắt thời ở trại tị nạn bên đảo Phi…, khiến Mèo “nhí” khi thì thở dài lúc lại cười nắc nẻ như trẻ con. Và không biết tự lúc nào, Bạch với Mèo “nhí” cảm thấy như gần gũi nhau hơn vì cả hai đều cô đơn, chưa có gia đình!

Một buổi tối, khi chỉ còn hai ngày nữa là trở về Mỹ, Bạch nghe lòng nôn nao, thôi thúc mãnh liệt, ước muốn gặp Mèo “nhí” mà hắn không thể nào cưỡng lại được! Hắn vội vã thay đồ, ra ngõ không gặp chú Tám xe ôm, hắn gọi taxi hãng Mai Linh chạy đến Ngô Gia Tự mời Hoàng Ngâu đi uống cà phê.

Trong cái không gian yên tĩnh, ấm cúng của quán cà phê mà Mèo “nhí” đưa hắn tới, những cặp tình nhân ngồi lặng lẽ bên nhau to nhỏ thủ thỉ chuyện tình yêu của riêng họ. Dưới ánh đèn mờ ảo, tiếng hát ngọt ngào quyến rũ, ma mị của Barbra Streisand qua bản tình ca bất hủ “Life is a moment in space. When the dream is gone. It’s a lonelier place… We never know why… But I give you it all. I am a woman in love. And I do anything. To get you into my world… Over and over again. What do I do… You feel my love. I hear what you say… Ooh, yeah. I am a woman in love…” như lôi hắn trở về những tháng ngày cũ của thập niên tám mươi mà thời đó bất kỳ đi tới quán cà phê nào ở Sài gòn hắn cũng nghe các bản nhạc tình mùi mẫn như thế này!

Không muốn phí thời gian thêm nữa, Bạch nghiêng người sang Mèo “nhí” gọi nhỏ:

-Hoàng Ngâu nè!

-Anh kêu em là Mèo “nhí” đi. Em thích anh kêu em vậy!

Thấy Hoàng Ngâu vùng vằng, nhõng nhẽo nói thế, Bạch bật cười.

-Mèo “nhí” nè, hai ngày nữa anh đi rồi. Em… em… chờ anh nghe?

-Chờ làm gì?

-Anh muốn… lập gia đình với em? Em… đợi anh nha?

-Không, không… em không hứa?

Thấy Mèo “nhí” trả lời nhanh và dứt khoát như vậy, hắn chưng hửng. Nhìn Bạch bối rối, chân tay thừa thãi xoa xoa mặt bàn, nàng tiếp:

-Anh biết, năm nay em cũng xấp xỉ ba mươi rồi. Đời người con gái đâu còn nhiều thời gian. Bây giờ em chờ anh trở lại, biết đến bao lâu? Nếu em hứa rồi nhỡ mai em quen người đàn ông khác thì chẳng hóa ra em… em phụ anh sao? Nhiều chuyện lôi thôi rắc rối sẽ xảy ra. Em không muốn làm phiền anh và mất thời gian của cả hai.

Nghe Mèo “nhí” phân tích, hắn thấy cũng có lý. Cảm khái sự thẳng thắn của nàng, hắn buột miệng nói không nghĩ ngợi khi nhớ ông bà thường nói “lấy vợ là phải lấy liền tay!”

-Ok, ngày mai mình đi làm giấy kết hôn hén!

Thế là hôm sau hắn vội vã sắm đủ thứ để làm lễ hỏi, chụp hình, làm giấy tờ rồi về Mỹ lo thủ tục bảo lãnh hôn thê… và chỉ sáu tháng sau thì đưa Mèo “nhí” sang đoàn tụ.

*****

Bạch mở mắt, qua ánh sáng của ngọn đèn neon trên trần ở Trung Tâm Nội Soi và Giải Phẫu Dạ Dày của Khoa Tiêu Hóa (Dayton Gastroenterology, LLC) tại 75 Sylvania Dr, Beavercreek, Ohio, hắn thấy hình ảnh thằng con trai và Mèo “nhí” rung rinh, lay động. Tiếng con trai hắn vang lên bên tai:

-Ba khỏe không?

Hắn gật đầu nhè nhẹ, Mèo “nhí” nắm tay hắn bóp nhẹ, nói nho nhỏ:

-Bác sĩ nói nằm đây nghỉ ngơi, chừng tiếng nữa nếu không có gì là có thể về!

Khoảng gần một giờ sau thì bác sĩ giải phẫu của hắn tới thăm, hỏi han và xem xét lại lần nữa đoạn cho hắn rời trung tâm. Người y tá đẩy hắn ra đến tận bên ngoài cổng, khi Mèo “nhí” lái xe tới, thằng con trai mười lăm tuổi của Bạch phụ cô y tá đưa hắn vào ngồi trong xe.

Bóng cô y tá khuất dần sau khi hắn cám ơn và chào từ giã. Trên đường về, gió xuân thổi nhè nhẹ lúc Mèo “nhí” hạ cửa kiếng xe xuống để hít không khí trong lành của buổi ban mai. Bạch nhìn vợ và ngó thằng con trai qua kiếng chiếu hậu, lòng nghĩ ngợi miên man.

Cái vụ ăn “bo bo và khoai mì” trong trại cưỡng bức lao động năm xưa tai hại ghê gớm. Do ăn mấy thứ đó mà hắn bị táo bón kinh niên rồi đi tiêu ra máu suốt hơn ba mươi năm trời mà hắn chữa mãi không lành, dai dẳng tới ngày nay, bởi dạ dày bị trầy xước ở thành trong nên không có thuốc nào làm khỏi được. Bác sĩ bảo chỉ nên ăn thức ăn mềm, kiêng đồ cứng để tránh bị chảy máu nhiều hơn.

Mãi cho đến dạo gần đây khi hắn thường xuyên bị chảy máu mỗi lần đại tiện thì Bạch mới lật đật đi tái khám. Lúc nội soi bác sĩ thấy đại tràng của hắn xuất hiện các mụn nhỏ, sợ ung thư, bác sĩ cắt một mẫu để thử nghiệm thì đó chỉ là những khối u lành tính. Tuy nhiên hắn cũng đã bị trĩ hậu môn (hemorrhoids-anus) nên các bác sĩ quyết định giải phẫu cho hắn.

Kể ra thì đời hắn cũng hên bởi “Trời không phụ lòng người” vì đám cưới được chừng hơn một tháng thì Mèo “nhí” cấn thai. Vậy là hắn và vợ có được món quà “vô giá” Trời Phật ban cho; một thằng con trai kháu khỉnh, nhanh lẹ và học rất giỏi. Trải qua bao lận đận khổ sở thời trung vận thì hậu vận của hắn khá may mắn, vì ít ra hắn cũng có một gia đình đầm ấm với vợ và con để có thể san sẻ ngọt bùi khi tuổi già, an ủi đỡ đần lúc đau yếu như bây giờ chẳng hạn!

Một ngày kia, Mèo “nhí” đi khám tổng quát về cho hắn biết là bác sĩ bảo ngực nàng có một khối u nhỏ cần lưu ý, sáu tháng sau trở lại để bà bác sĩ theo dõi, xem diễn tiến như thế nào. Tuy nhiên, sắp tới thời điểm tái khám thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh, do đó các cuộc hẹn đều bị hoãn hay bị hủy bỏ hoặc khám qua “video” chứ chẳng thể đến bệnh viện để khám trực tiếp được, bởi tất cả các cơ sở y tế đều bị quá tải vì có quá nhiều bệnh nhân mắc Covid và đó cũng là một biện pháp mà chính phủ dùng để ngăn ngừa tình trạng lây lan trong dân chúng.

Do vậy mà gia đình hắn cũng không thể đi khám tổng quát như thông lệ được. Mãi cho đến năm rồi lúc mọi sự dần dà trở lại bình thường thì Mèo “nhí” mới lấy được hẹn tới bệnh viện khám phụ khoa và tại đây bác sĩ mới phát giác ra nàng đã mắc phải ung thư ngực ở thời kỳ cuối. Việc điều trị trong giai đoạn này đã trở nên quá trễ tràng và… muộn màng!

… Bầu trời trắng đùn đục như ngậm nước của mùa Đông miền Trung Tây nước Mỹ làm cảnh vật thêm u ám, dù lúc đó là đã hơn 10 giờ sáng. Con đường dẫn vào nghĩa trang ẩm ướt, lầy nhầy tuyết khiến nó trở nên trơn trượt hơn. Mọi thứ chung quanh trắng xóa vì tuyết rơi đêm trước. Giữa khung cảnh tiêu điều; sân ga cuối cùng, đầy ảm đạm và u buồn của đời người ấy hai cha con Bạch vẫn còn đứng yên lặng mặc dù mọi người đến tiễn đưa đã ra về hết.

Thằng con nắm chặt tay hắn, nước mắt nhạt nhòa. Cạnh bên, Bạch cũng im lặng, cơn đau vẫn âm ỉ trước sự ra đi đột ngột của Mèo “nhí,” người thân thương nhất của hắn trên cõi đời, ở Mỹ này. Người duy nhất chia ngọt sẻ bùi nơi đất khách với hắn, người cho hắn một đứa con yêu, đã âm thầm rời bỏ làm hắn muốn đổ gục, dẫu biết rằng cái cầu “sinh, lão, bệnh, tử” này ai cũng phải một lần bước qua. Trong nỗi đau chất ngất của sự vô thường, Bạch buồn ngơ ngác và như còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng ta thán của cụ Bùi Hữu Nghĩa thuở nào!

“Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm đều khen mình đáng vợ;

Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông thẹn phận tớ làm chồng!”

Tuyết lại bắt đầu rơi, bay lất phất, theo những cơn gió thoảng nhè nhẹ…

Triều Phong
Mùa Đông Ohio, ngày 28 tháng 01 năm 2023