Cách mạng Mùa Thu 1945, tiếp theo là Toàn quốc kháng chiến 1946, là những thời điểm mà thế hệ lưu vong trên 70 tuổi nhớ đến với nhiều nỗi đau thương, ngậm ngùi. Riêng tôi kỷ niệm tản cư những năm kháng chiến chống Pháp thật khó quên. Gia đình tôi bỏ làng ở tỉnh Quảng Nam, chạy vào tận Bình Định. Lúc đầu sống ở Bồng Sơn sau dời lên Hội Yên, và sống ở đó cho đến ngày hồi cư về làng cũ.
Một kỷ niệm khó quên là sông Lại Giang. Sông xuất phát từ thung lũng An Lão, chảy ra cửa biển Bàu Tượng, xuyên qua các cánh đồng phì nhiêu quận Hoài Ân, Hoài Nhơn. Về mùa đông, con sông thu hẹp, cạn dòng, trừ khi lũ lụt. Trái lại mùa nắng, mức nước sông lên cao, chảy chậm lại vì cứ độ một cây số thì có hệ thống dẫn thủy nhập điền gọi là “bờ xe gió” hay “dàn xe gió”(noria): Vào đầu Xuân, các làng ven sông bắt đầu đóng cừ ngang sông, ghép vỉ tre vào cừ, làm thành đập chắn, dồn nước vào một lạch chảy xiết sát bờ. Một giàn chừng 5 đến 10 bánh xe đặt ngang qua lạch. Giàn là một kiến trúc giống như sườn một căn lầu hai từng gồm những cột gỗ đóng sâu vào lòng lạch, và những xà ngang dọc, nối kết vào cột, bằng dây mây. Giàn có nhiều ngăn, và trong mỗi ngăn là một bánh xe. Xà ngang nâng bánh xe có khấc lót sắt cho trục tựa vào. Mỗi bánh xe, có trục gỗ bịt sắt hai đầu, từ đó các nan gỗ dài 3m tỏa ra nâng vành có bề ngang 1m. Tất cả đều ghép lại bằng những sợi mây, do những thợ chuyên nghiệp làm. Những tấm vỉ tre cản nước 1m X 1m, được cột, cách khoảng đều đặn, vào đầu mút nan, sát vành. Nước đẩy những tấm vỉ làm bánh xe quay trên trục. Các ống tre lồ ô, có đáy là mắt tre, và có miệng hướng lên cao khi vành xe được nâng lên khỏi mặt nước sông, cột nghiêng 45 độ trên vành, múc nước. Lên đến đỉnh, ống tre nằm ngang, trút nước vào các máng xối dẫn nước vào ruộng. Giữa các bờ xe gió, là những hồ nước xanh biếc, phẳng lặng. Bờ cừ cũng chừa một lối hẹp ở giữa dòng sông cho đò dọc đi lại. Hội Yên là một làng nông nghiệp ven sông Lại Giang, có xưởng dệt vải Ba-ta (của dân tản cư từ Phú bông, Quảng Nam vào), có xưởng giấy sản xuất loại giấy màu vàng sẫm (vì thiếu hóa chất tẩy bột giấy), có Ủy Ban Kháng Chiến Miền Nam (UBKCMN) trấn đóng, nên cuộc sống ở đây có phần náo nhiệt. Với tôi, Lại Giang thay thế Thu Bồn nơi quê cũ, cũng đầy ắp kỷ niệm thiếu thời: tắm sông, chèo thuyền...Kháng chiến chống Pháp bước vào năm thứ sáu. Liên khu 5 từ
Đèo Hải Vân vào đến Bình Thuận, gồm cả Cao Nguyên Trung Phần là một quân khu lớn.
Từ Đèo Cả vào Nam, toàn bộ Cao Nguyên, và hơn nửa tỉnh Quảng Nam mạn Bắc, là
vùng xôi đậu hoặc hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Pháp, và chính quyền Quốc
gia thời Bảo Đại, nhất là các thị xã, quận lỵ, và thành phố. Vùng hoàn toàn do
UBKC Liên khu 5 kiểm soát gồm nửa tỉnh Quảng Nam mạn Nam, tỉnh Quảng Ngãi và
Phú Yên. Năm 1952 Liên quân Pháp và Bảo an Đoàn, trong chiến dịch Atlante, đổ bộ
lên Qui-Nhơn, và Tuy hòa, (thành phố bỏ ngỏ do tiêu thổ kháng chiến), rồi lan tỏa
ra các vùng phụ cận, thu hẹp phạm vi kiểm soát của UBKC. Vợ chồng Bác sĩ Hoa,
làm việc ở Bệnh viện Song Thanh, gần Qui-Nhơn, phải di tản ra làng Hội Yên. Họ
tá túc trong nhà ông Chánh Bích, một địa chủ giàu có trong làng. Trang trại ông
Bích là một khu vườn rộng lớn gần một mẫu tây, có hàng rào xương rồng dày, kín,
vây bọc bốn phía. Cổng vào là một ngôi nhà nhỏ, lợp ngói, khép lại bằng hai
cánh cửa lim. Tiếp theo cổng là lối đi vào nhà, giữa hai hàng dâm bụt cắt xén đẹp
mắt, và những chậu hoa lớn, trồng đủ thứ hoa nhiều màu, thơm ngát. Bóng mát những
cây ăn quả làm lối đi mát rượi. Rời lối đi rợp mát, khách bước vào sân gạch rộng
lớn, chan hòa ánh sáng, mà vào mùa gặt dùng để phơi lúa. Một dãy nhà dài, lợp
ngói đỏ, có hàng hiên rộng, làm thành chữ U, bọc hai bên và chính diện sân. Vườn
sau dãy nhà là thế giới êm mát, rợp bóng cây ăn quả. Gia đình tôi đã thuê một
góc vườn, dựng một mái nhà tranh để ở. Chính vì thế mà tôi có dịp gần gũi hai
ông bà Bác sĩ Hoa.
BS Hoa đã tốt nghiệp Y khoa, đại Học Paris năm 1942. Vợ ông,
bà Khương Băng Tuyết, tốt nghiệp viện Quốc gia Âm Nhạc Paris khoa Dương cầm
cùng năm ấy. Ông, quê Đà Nẵng, con một phú thương. Cha ông có tàu buôn lớn, chở
hàng đi về các cảng Sài gòn, Hải Phòng,Vinh, và là chủ nhân những dãy phố cho
thuê, dày đặc ở Đà Nẵng. Bà quê Sài gòn cũng con một đại phú gia. Hai người đã
quen biết nhau ở Paris, trong một buổi họp mặt sinh viên du học, và một tình
yêu lớn đã nảy nở, trong khung cảnh lãng mạn của kinh đô hoa lệ nhất Châu Âu.
Sau ba năm say đắm, tràn đầy hạnh phúc, cộng với nỗi mừng vui đỗ đạt, công
thành, danh toại, họ hối hả về Việt Nam để thành hôn cuối năm 1942. Lễ cưới được
cử hành ở Sài gòn thật linh đình. Rước dâu về Đà Nẵng phải thuê bao cả hai toa
tàu hạng nhất. Lễ ra mắt cô dâu ở họ nhà trai cũng linh đình không kém. Đám cưới
xong, đôi tân hôn đi hưởng tuần trăng mật ở Ý, rồi ghé Paris để sống lại kỷ niệm
thân thương. Ba tháng sau họ trở về Đà Nẵng. Nhưng không phải là để mở phòng mạch
hành nghề. Cả hai ông bà đều là con một, và cùng kế thừa một sản nghiệp đồ sộ của
đôi bên phụ mẫu đã qua đời vài năm sau. Các nghiệp vụ doanh thương đã có những
gia nhân thân tín đứng cai quản, và hàng tuần báo cáo thu nhập. Vì thế BS Hoa
thấy không phải hành nghề chi cho mệt, mà cùng vợ hưởng thụ cuộc sống thư nhàn,
đi du lịch khắp nước, từ Bắc, chí Nam. Họ giao du rộng rãi và như Mạnh thường
Quân, trong nhà lúc nào cũng đầy thực khách, và cả ba, bốn bàn mạt chược. Nhưng
biến cố năm 1945 dồn dập đến: Cách mạng Mùa Thu rồi Toàn quốc kháng chiến. Pháp
trở lại tái chiếm Đà Nẵng. Ông Cử Diện, cha BS Hoa, xưa kia đã từ quan thời
Pháp để xoay qua kinh doanh. Ông đã giúp đỡ rộng rãi phong trào yêu nước Đông
du, cấp học bổng cho học sinh giỏi và có chí hướng du học Pháp. Vì thế BS Hoa,
cũng chẳng ưa gì chế độ thực dân, đã chọn lựa đi tản cư, khi thành phố lọt vào
tay Pháp. Hai ông bà đã gói ghém vàng bạc, nữ trang đi vào tận Quảng Ngãi rồi
Bình Định. Bà không quên mang theo đàn dương cầm, mà sự chuyên chở kềnh càng tốn
tiền không ít. Ngày mà bà chở dương cầm về Hội Yên, ít nhất phải sáu người lực
lưỡng mới đem được đàn xuyên qua cổng nhà ông Chánh Bích.
Ở lứa tuổi 16, lối sống của ông bà BS Hoa thu hút trí tò mò
của tôi. Ông lúc ấy độ 30 tuổi, nét mặt nghiêm nghị, thanh tú, trí thức. Bà khoảng
25, với vẻ đẹp quý phái, cân đối, khỏe mạnh, đúng như lời thơ ông tặng bà lúc mới
quen nhau:
...Xinh xinh sao thân nở đặn đầy
Xinh xinh sao đôi má hồng hồng
Xinh xinh sao nụ cười êm ái
Xinh xinh sao dáng đi quý phái
Xinh xinh sao vầng trán phẳng phiu
Xinh xinh sao mái tóc mỹ miều
Mái tóc xõa của tuổi xanh ngăn ngắt
Và đôi mắt, ồ đôi mắt
Là một trời tình tứ, ngây thơ..
Ngước nhìn, anh những thẫn thờ,
Nàng tiên tiền kiếp, trong mơ đây rồi...
Trong khi mọi người ăn mặc xuềnh xoàng với vải ta sần sùi,
ông bà với áo quần vải vóc ngoại mượt mà, trắng tinh hoặc màu sắc óng ả. Ban
ngày khi ông đi làm ở bệnh viện Liên khu cách Hội Yên một cánh đồng, bà ở nhà,
làm bếp, trồng hoa, và nhất là đàn dương cầm cả giờ. Bà không đi chợ mua đồ ăn,
mà gửi tiền, nhờ người khác mua. Để tránh con mắt tò mò, ông bà ít ra ngoài. Thảng
hoặc có đi dạo trong làng thì lựa ban đêm, trên những hẻm mờ tối. Thấy tôi nghe
lén bà đàn, bà nẩy ý dạy tôi đánh đàn. Nhờ cách dạy tận tâm và có phương pháp,
tôi tiến bộ nhanh. Tôi bước vào thế giới huyền diệu của âm thanh qua các bài
menuet đơn giản nhưng réo rắt, những bài Songe d'été, Princesse Czardas, La
prière d'une vierge, La chapelle au clair de lune, Lettre à Élise, v.v... dịu
dàng thơ mộng. Những bài bà đàn thì rất khó và dài dặc của những nhạc sĩ cổ điển
nổi danh, như Beethoven, Bach, Mozart, Chopin, Mendelssohn, Brahms, cùng rất
nhiều nhà soạn nhạc khác mà tôi không nhớ hết. Tôi nghe tâm tình bà qua bài
“sonate au clair de lune” của Beethoven, lúc xao xuyến, lúc hối tiếc, giận dỗi
và sự thanh thản cuối cùng. Bà kể tôi nghe Beethoven lúc nhỏ đã bị cha xiềng
chân vào đàn, để tập đánh đàn cả ngày cho giỏi. Bà cũng kể uy lực của âm nhạc
qua chuyện nhạc sĩ nầy có cô học trò cũ đến thăm, thổ lộ ông nghe nỗi buồn vô vọng
vì đứa con mới chết. Ông không nói gì, ngồi trước dương cầm, dạo những khúc nhạc
êm ái đến nỗi một giờ sau, người học trò thấy lòng thanh thản trở lại, vơi đi nỗi
buồn mất con... Bà cũng kể khi mới về làm dâu, cha mẹ chồng nghe bà tốt nghiệp
dương cầm, bèn bảo bà đánh đàn cho nghe. Ngồi trước phím đàn, bà e lệ hỏi:
-Thưa ba mẹ muốn con đàn bài gì?
Bà mẹ chồng âu yếm bảo:
-Con đàn sáu câu vọng cổ cho ba mẹ nghe.
Bà đã khóc thầm, trong bụng thấy tủi, vì công phu mình học
thật quá thừa để đàn 6 câu vọng cổ đơn giản. Phải chi nói mình đàn sonate của
Beethoven hay mazurkas của Chopin cho thỏa chí.
Qua những chuyện bà kể, qua đối thoại tâm tình của hai ông
bà, tôi biết mối tình họ được xây đắp trong sự hài hòa, quên mình, lắng nghe
nguyện vọng của nhau để đem lại niềm vui cho người mình yêu. Tôi biết được
Paris có sông Seine chảy về hướng Tây (nước ta phần lớn sông đều chảy về Đông)
và chia Paris thành hai phần Nam (tả ngạn), Bắc (hữu ngạn). Trung tâm thành phố
là nhà thờ Notre Dame nằm trên cù lao giữa dòng sông Seine. Từ trung tâm ấy,
Montmartre với đền thờ Sacré Coeur ở hướng Bắc. Hướng Nam là Montparnasse. Quảng
trường Bastille ỏ hướng Đông. Tháp Eiffel cao vọi ở hướng Tây. Vì những cuộc hẹn
hò trên các nẻo đường Paris, mà họ thuộc thành phố rộng lớn nầy như trong lòng
bàn tay, chỗ nào có cà-phê ngon, chỗ nào có tiệm ăn Việt Nam, tiệm Mandarin bán
tới con vịt số mấy. Họ tìm kỷ niệm nhiệt đới ở đường Cherche Midi. Họ đi trên
“bâteau mouche” để nhớ lại kỷ niệm chuyến đi trước. Họ lang thang trên những nẻo
đường ngoại ô, tay cầm tay, nói không bao giờ hết chuyện như: -“trời hôm nay đẹp”õ,
-“ừ, trời hôm nay đẹp thật” –“anh có nhớ mình quen nhau lúc nào?”, -“Em có biết
tối qua, nhớ em không ngủ được” v.v...
Ông Chánh Bích có một thuyền gỗ dài độ 10m. Giữa thuyền là một
căn nhà nhỏ 3m X 4m có mái lợp cót che mưa nắng, có cửa sổ treo rèm hai bên, có
cửa ra vào, đằng lái và đằng mũi. Trong nhà nhỏ có một bộ bàn ghế tiếp khách.
Thời trước ông hay đi lại trên Lại giang, hoặc tiếp đãi bạn bè trên thuyền nầy.
Nhưng từ ngày Cách mạng Mùa Thu, ông biết chính quyền không ưa gì lối sống tư sản,
nên ông không dùng thuyền nữa, mà chỉ cho mượn đãi khách. Ông bà BS Hoa đã mượn
thuyền để thưởng thức vẻ đẹp đêm trăng trên Lại giang, nhân kỷ niệm 10 năm
thành hôn. Vì biết chèo thuyền nên tôi được tháp tùng hai ông bà. Hôm ấy cũng
có BS Đồi, đi xe đạp trên 100km, từ Quảng ngãi vào thăm. Chúng tôi 4 người, đợi
hoàng hôn xuống, mới rời nhà ra bến xưởng giấy, mang theo đèn cầy, trà, bếp cồn
cùng đồ ăn. Trăng rằm đã lên ở chân trời, tròn, sáng. Hàng dừa hai bên bờ sông,
lá đung đưa theo gió, lấp lánh ánh trăng. Mặt nước phẳng lặng in trăng xuống
đáy, lan tỏa những vòng vàng rực.
Chúng tôi xuống thuyền. Tôi mở dây buộc thuyền và ra sau lái
khua chèo, nhẹ nhàng đẩy thuyền ra giữa sông. Đến nơi tôi thả neo, giữ thuyền đứng
yên một chỗ. Tôi giúp khiêng bàn ra đằng mũi, chúng tôi ngồi vào bàn, im lặng
ngắm vẻ đẹp chung quanh: Bầu trời có ít vẩn mây, sâu thẳm. Trăng lên cao một ngọn
sào trên chóp hàng dừa, tỏa ánh sáng bàng bạc trên sông. Dàn xe gió lấp lánh dưới
trăng, nước đổ ra trên máng xối như những dòng bạc sáng lung linh. Tiếng nước đổ
rào rào, tiếng trục xe gió mài trên đà nâng, rên rỉ kéo dài nghe thật buồn.
Tình tự xa quê nhà vì tản cư, nỗi khổ chiến tranh, làm chùng lòng mọi người. Bà
BS Hoa lên tiếng trước phá tan im lặng: “Tôi vào trong pha trà, nấu chè và sửa
soạn thức ăn.” Tôi vào giúp bà và để hai bác sĩ ngồi tâm sự với nhau. BS Đồi có
mang theo một hộp phó mát Canembert và hai ổ bánh mì dài. Ông có người bà con,
là gián điệp nhị trùng, đã lén mang những thức ấy từ Đà Nẵng vào cho ông. Vì muốn
chia với bạn thân, ông phải giấu của “quốc cấm” ấy vào xách tay, và lặn lội đường
xa. Tối hôm ấy, sau khi chúc vợ chồng BS Hoa tràn đầy hạnh phúc, chúng tôi bắt
đầu ăn bánh mì với phó mát, mà gần 7 năm không được ăn, một món ăn không có gì
đặc biệt ở Paris hoặc Đà Nẵng, song trong hoàn cảnh tản cư hiện tại, quả là
ngon tuyệt, mặc dù bánh mì đã lâu ngày, không còn giòn và ngọt. Hai ông bác sĩ
còn uống thêm rượu đế, để giải sầu. Sau đó tráng miệng với chè đậu xanh đánh,
mùi vị rất ngon, mà bà BS Hoa đã nấu từ chiều với một “recette” đặc biệt. Cuối
cùng là uống trà Bắc Thái, mà một cán bộ miền Bắc vào, tạ ơn BS Hoa đã chữa trị
cho anh ta bệnh sốt rét. Trà ngon thơm, và làm mọi người tỉnh ngủ. Hai bác sĩ,
ngồi giữa sông, không sợ tai vách, mạch rừng, đã phê bình những mưu toan UBKCMN
che đậy dã tâm xích hóa cuộc kháng chiến, dành công đầu cho đảng Lao động, một
đảng Cộng sản trá hình. Sự bất mãn của họ giải nghĩa vì sao họ trốn về thành,
chừng sáu tháng sau cuộc gặp gỡ trên. Trăng đã xế về Tây lạnh lùng, xa vắng.
Chúng tôi đi nghỉ. Hai vợ chồng BS Hoa trải chiếu nằm trong phòng nhỏ. Tôi và
BS Đồi nằm dưới trăng ở mũi thuyền. Vì uống trà, tôi trằn trọc, khó ngủ, và
nghe vợ chồng BS Hoa to nhỏ, âu yếm. Đến gần sáng thì tôi chợp mắt ngủ.
Cũng nhờ có tiền, ông bà BS Hoa đã móc nối với ngư dân ở Tam
Quan. Một ngày cuối tuần họ giả đi tắm biển. Trong đêm tối họ xuống thuyền buồm,
ra khơi. Chuyến đi trót lọt, và hai ngày sau họ đã về đến bãi biển Sơn Chà.
Trình diện với cơ quan an ninh thành phố xong, ông bà được bạn bè cũ đến bảo
lãnh. Vì ngôi nhà cũ bị lính Pháp trấn đóng, ông bà phải lang thang sống nhờ
người quen, đồng thời mướn luật sư, tìm cách lấy lại tài sản cũ. Lúc ra đi tản
cư vội vã, không mang theo giấy tờ sở hữu nhà đất. Giấy tờ của sở nhà đất chính
phủ cũng bị cháy rụi, lúc giao tranh trong thành phố. Các nhà cho thuê nay có
chủ mới. Riêng những tàu buôn thì phần bị phá hoại, lúc Pháp tái chiếm cảng Đà
Nẵng, phần bị trôi dạt mất tăm. Tài sản bên bà BS Hoa ở Sài gòn lại càng khó
thu hồi lại được, vì không tìm lại được gia nhân cũ, và những chứng từ sở hữu.
Vì cứ đinh ninh sẽ trở về lối sống nhàn nhã trước kia, hai ông bà theo đuổi kiện
tụng, cả ở Sài gòn và Đà Nẵng. Rốt cuộc chỉ đòi lại được hai căn nhà nhỏ, nhưng
phải bán đi để lo luật sư. Thế là phải lang thang sống nhờ bạn bè. Nhưng tình
bác ái lâu ngày rồi cũng mệt mỏi. Bạn bè xa lánh, và có người nói xúc phạm. Hai
ông bà thấy tủi nhục, ôm nhau khóc lóc cho tình đời đen bạc. Ông bà bàn định sẽ
cùng nhau tự tử. Thuốc ngủ đã mua hai liều mạnh. Trong tuyệt vọng não nề, bỗng
ông sực tỉnh:
-“A quên mình còn cái bằng Bác sĩ.”
Thế là hai ông bà đứng lên, hăng hái kiến tạo cuộc đời mới.
Họ vay mượn bạn bè ít vốn để mở phòng mạch. Ba năm sau họ đã trang trải được nợ
nần, mua xe, mua nhà, có đời sống ổn định và tìm lại hạnh phúc ngày xưa. Gia
đình có thêm hai đứa con, một trai, một gái. Ông không quên mua cho bà một đàn
dương cầm mới. Trong nhà lại dập dìu tiếng nhạc rộn vui, thanh thản. Thời đệ nhất
Cộng hòa ông làm ty trưởng y tế Đà Nẵng, đồng thời là giám đốc bệnh viện thành
phố. Khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào Việt Nam và leo thang chiến tranh, có những đoàn
văn nghệ từ Mỹ sang, đi khắp chiến trường, biểu diễn cho lính Mỹ xem, để nâng
cao tinh thần chiến đấu của họ. Có một đoàn văn nghệ biểu diễn quanh Đà Nẵng
trong nhiều tháng, trong ấy có một nhạc sĩ dương cầm Mỹ trẻ, tên gọi là Bill, tốt
nghiệp âm nhạc viện Nữu Ước. Anh chỉ là Trung sĩ, chắc là để thi hành nghĩa vụ
quân sự. Đoàn văn nghệ ấy, gồm nhiều ca sĩ nổi danh, có lần giúp vui cho bệnh
nhân Bệnh viện Đà Nẵng trong dịp Giáng sinh. Phần lớn họ hát các bài thánh ca
như Jingle Bell, Silent Night, v.v... Cảm động nhất là các ca sĩ ngoại đã hát
những bài thánh ca Việt như bản “Đêm đông” của nhạc sĩ Hải Linh. Bill và bà
Băng Tuyết đệm đàn, rồi không biết vì sao, hai người lại cho hội trường thưởng
thức độc tấu dương cầm , bà với bản Rhapsodie Hongroise của Litz, Bill với bản
Lieder của Brahms. Họ âm thầm so tài và mọi người đều bị lôi cuốn bởi dòng nhạc
êm ái, điêu luyện. Sau đêm biểu diễn ông bà BS Hoa mời Bill đến tư gia ăn những
món đặc sản Việt. Bà Tuyết và Bill lại có dịp bàn luận về âm nhạc. Bill xuất
thân gia đình vọng tộc, nói tiếng Pháp thạo, vì đã từng qua Paris học hỏi dương
cầm. Chàng lại đẹp trai, khiêm nhường, ăn nói có duyên và nhiệt tình. Bà Tuyết
được trời ưu đãi, trẻ lâu, lúc ấy tuy gần 40, song da dẻ vẫn mịn màng, đẹp mà
không cần son phấn. Hai người phục tài nhau, và cùng một mê say: nhạc dương cầm
cổ điển. Từ đó, Bill thường đến nhà bà Tuyết và hai tâm hồn đa cảm làm giàu cho
nhau bằng những khám phá lý thú bên đàn dương cầm, thâm nhập vào sự tinh anh,
tài ba, xuất thần của các nhạc sĩ thiên tài.
Sở dĩ tôi biết được các chi tiết trên về gia đình BS Hoa vì
sau khi ông bà về thành, gia đình tôi cũng hồi cư về làng cũ. Tôi ra Huế tiếp tục
học, rồi vào trường Y Sài gòn. Khi đi học cũng như khi ra trường, tôi vẫn thường
xuyên đến thăm ông bà. Lúc về Tổng Y Viện Duy Tân, cuối tuần tôi thường chơi mạt
chược ở tư thất ông bà. Kết thúc bi thảm sau đây tôi đã cố tìm hiểu, và cho đến
nay nghĩ đến tôi vẫn còn bàng hoàng:
Sự đi lại thân thiết giữa bà Tuyết và Bill đi vào một ngã rẽ
định mệnh. Không hề nghi ngờ lòng chung thủy của vợ, bỗng một hôm, sau một ca mổ
căn thẳng, BS Hoa đột nhiên muốn về nhà nghỉ ngơi. Mở khóa vào nhà, phòng khách
không có ai, trong nhà im ắng. Ông đoán là vợ đi phố và các con đều đến trường.
Ông lặng lẽ đi vào phòng ngủ và thấy Bill ôm vợ mình, hai người say sưa trong
giấc ngủ. Ông choáng váng, lặng người, song cũng vẫn bình tĩnh, không làm ồn
ào. Khóa cửa nhà lại như cũ, ông trở lại nhà thương làm việc. Chiều đến ông về
nhà, xem như không có gì xảy ra. Trong bữa ăn tối ông vẫn vui vẻ trò chuyện với
vợ và con. Nhưng tối đó ông không vào phòng ngủ như thường lệ. Bà Tuyết có trực
giác là có điều gì nghiêm trọng. Bà trăn trở, và cuối cùng ra phòng làm việc của
chồng. Đèn vẫn sáng. Đồng hồ phòng khách ngân nga điểm hai giờ. Chồng bà gục đầu
trên bàn viết, thân thể bất động, chùng xuống trên ghế bành rộng. Hai cánh tay
xoải trên bàn, đè một lá thư. Như cái máy, bà rút lá thư xem:
“Em thân yêu. Em hãy xem cái chết của anh như một tai nạn xuất
huyết não cấp tính, và làm ma chay bình thường, để khỏi gây những lời dị nghị,
có hại cho em và cho con cái chúng ta. Anh vẫn yêu em như thuở ban đầu, và cầu
mong em thanh thản, yên vui trong hạnh phúc mới. Riêng anh đã ích kỷ chọn sự
yên lặng của nấm mồ.”
Trong hốt hoảng bà điện thoại cho tôi đến gấp. Năm phút sau
tôi đã có mặt ở nhà bà. Khám xác và nhìn lọ thuốc ngủ trên bàn, tôi biết BS Hoa
đã dùng một liều cực mạnh, và đã tắt thở từ lâu. Thể theo lời người quá cố, tôi
đứng ra lo việc ma chay long trọng, mà hầu hết những nhân vật tai mắt của thị
xã đều đến phúng điếu, song không mảy may hay biết sự tình, chỉ thương tiếc BS
Hoa đã sớm ra đi vì bạo bệnh.
Chừng ba tháng sau tang lễ, bà BS Hoa xuống tóc, vào tu ở một
ngôi chùa gần nhà. Bà từ biệt thế giới dương cầm, âm nhạc. Bà buộc vợ chồng tôi
dọn về ở nhà bà, tiếp tục coi sóc phòng mạch của chồng bà, và theo dõi hai con
bà nay đã vào Đại học ở Sài gòn.
Vì sao BS Hoa đã chọn cái chết? Có lẽ vì quen sống trong tiện
nghi, cuộc đời không có những thử thách, lao đao, nên sự thích nghi, đối đầu với
biến cố rất yếu. Ông đã có một tình yêu lớn, ông trân quý, xây đắp, và là nơi
trú ẩn an toàn cho ông . Ông đã tìm thấy ở đó hạnh phúc lớn nhất của mình.
Nhưng biến cố xảy đến, làm cho lâu đài tình ái của ông sụp đổ tan tành. Những
điều đẹp đẽ ông trân quý trở nên xấu xa, đen tối không phương cứu vãn. Ông thất
vọng não nề. Ông quan niệm cuộc đời quá đẹp. Ông không chấp nhận sự yếu đuối, bội
phản. Thật ra vợ ông chỉ là yếu đuối, mà không bội phản. Thiên chúa Giáo khác
Phật Giáo ở điểm căn bản. Phật giáo hoàn toàn đặt sự giải thoát khỏi thất tình,
lục dục bằng sự tự chủ bản thân, nghĩa là chỉ ta cứu lấy ta. Trái lại Chúa
Jesus đã nói: “Linh hồn, thì siêu thoát, nhưng xác thịt yếu đuối.” Sai lầm là
nhân bản (to err is human). Biết con người yếu đuối tội lỗi nên Chúa đã đổ máu
ra cứu chuộc nâng đỡ, và sẵn sàng thứ lỗi, khi con người biết hối lỗi và trở về
với đường ngay, lẽ thẳng. Sự cứu rỗi con người không thể tự người làm được, mà
phải nhờ vào sự cộng tác, dẫn dắt của Thượng Đế. Bởi người là người, không phải
là thần thánh. Tự biết mình yếu đuối, và thấy sự yếu đuối của người khác là sự
cao cả của con người. (la grandeur de l'homme est grande en ce qu'il se connait
misérable, et aussi en ce qu'il a vu la misère d'autrui). BS Hoa phải rộng lượng
thứ lỗi cho sự yếu đuối của vợ. Sự im lặng của ông thật đáng ca ngợi, để tránh
những đổ vỡ to lớn hơn nữa. Nhưng ông đã ích kỷ tìm sự im lặng của nấm mồ. Ông
không biết như thế là làm tan nát tấm lòng yêu thương chân thật của vợ ông, và
mối tình lớn mà hai người un đúc sẽ đứt đoạn. Ông phải chấp nhận đau thương, để
tình yêu thêm sâu sắc và biết hy sinh hơn nữa. Ông đã làm vợ ông từ bỏ một sự
phong phú, giàu có tâm hồn là âm nhạc, vì bà cho đam mê nầy là đầu mối của sự
sa đọa.
Một tục ngữ Đức có nói:“Khi người ta đưa quỷ nắm ngón tay,
nó sẽ chụp luôn cả cánh tay.” Một cách tránh xa quyến rũ tội lỗi, là đừng bao
giờ thử xem một tí. Đây cũng là bài học quá muộn cho bà Tuyết. Trong thâm sâu
tâm hồn, bà đau khổ biết bao, khi thấy chính lỗi lầm mình đã đưa chồng vào tuyệt
vọng. Tôi thường hay đến chùa thăm bà và đàm đạo với bà về triết lý nhà Phật.
Bà đã tìm lại được sự thanh thản tâm hồn ở cửa thiền, và sự tương thông với người
chồng quá cố thân yêu. Bà tận tâm trong công việc từ thiện của Chùa. Nhưng điều
làm tôi vui mừng nhất là bà đã cho mang đàn dương cầm của bà vào chùa. Bà đã trở
lại với âm nhạc để tìm lại sự an bình mới. Bà đã sáng tác nhiều ca khúc thâm trầm
siêu thoát, mà mỗi khi tôi vào thăm, bà đàn cho tôi nghe. Đó là những truyền cảm
linh thiêng của người mẹ thứ hai trong đời tôi. Tôi ra về với tâm hồn thơ thới
và những quyết tâm mới. Tôi đã cùng nhà chùa tổ chức các buổi trình diễn dương
cầm của bà cho mục đích từ thiện. Chắc nhiều thính giả lúc ra về cũng thấy cõi
lòng hân hoan thơ thới, ít nhất là vì dư âm của những dòng nhạc bất tận, huyễn
hoặc, thâm trầm, và cũng có những tâm hồn đồng điệu nhập vào sự huyền nhiệm của
tình yêu, sự sống và tài ba, qua sự sắp xếp thần kỳ của tiết tấu và âm thanh,
thoát ra dưới ngón tay huyền diệu của ni-cô Băng Tuyết.
Riêng với Bill, tôi đã báo tin cho anh ta về cái chết của BS
Hoa. Anh ta có gửi vòng hoa phúng điếu, và không dự đám tang theo lời khuyên của
tôi. Sự có mặt một ngoại nhân có thể gây dị nghị. Thư anh gửi cho bà Tuyết sau
đó, tôi đã hủy đi hết và dặn anh nên chỉ liên lạc với tôi. Anh có trao đổi với
tôi nhiều ý kiến hay. Anh nói là những năm cuối trung học Loyola, tại thị trấn
quê anh, do các linh mục dòng Tên (jesuites) cai quản, anh đã học qua nhiều
khóa giáo lý. Khi nói đến hôn nhân, các linh mục giảng dạy nhấn mạnh, là phải
giữ thanh khiết trước ngày thành hôn. Ở Mỹ hiện nay trong các trường trung học,
có những hội đoàn thanh niên nam nữ, thệ giữ đồng trinh (virgin) trước khi lập
gia đình. Giáo lý đưa ra nguyên tắc là không được tách rời tình yêu ra khỏi nhục
dục (sex). Chỉ tìm thú vui xác thịt là tội lỗi. Anh nói:
-“Tôi đã xem thường điều giảng dạy trên, và hậu quả là đổ vỡ
và hối tiếc không nguôi. Trong 10 giới răn mà Moise nhận lãnh từ Thượng Đế có
điều: chớ lấy vợ chồng người. Tôi đã phạm tội trọng (péché mortel)”
Sau nầy khi tôi qua Mỹ, tôi có đến nhà anh chơi. Anh đã 60
tuổi. Anh kể là sau khi giải ngũ, anh trở về dạy âm nhạc tại trường trung học
Loyola, ở Wichita, quê anh. Anh đổi qua chơi phong cầm cho các nhà thờ. Anh rất
mộ đạo và đã yên vui xây dựng gia đình gương mẫu trong giáo xứ. Anh khoe với
tôi, các con và cháu của anh đều là hội viên hội “Thệ giữ đồng trinh trước ngày
thành hôn.” Trên góc bàn thờ Chúa trong nhà có để ảnh bà Tuyết ngồi trước dương
cầm lúc ở Đà Nẵng. “Như thế để nhắc nhở gia đình tôi cầu nguyện cho bà”, anh
nói. Trầm ngâm giây lát anh thêm: “Những tình cảm sôi nổi, những thị hiếu nhất
thời, những say mê của trào lưu mới, những thú vui thân xác, theo thời gian sẽ
qua đi, nhưng đạo đức, luân lý, bổn phận, trách nhiệm, tự chế, khắc kỷ, là trường
cửu, và là những yếu tố tạo nên giá trị của con người.