Nghe chương trình 70 Năm Tình Ca của nhà
báo Hoài Nam là một trong những tiết mục giải trí giúp tôi “quẳng gánh lo đi mà
vui sống”. Đi làm về, vội vàng cho xong những việc thường nhật ở nhà, tôi mở
máy nghe nhà báo Hoài Nam kể chuyện. Nhà báo Hoài Nam dẫn dắt thính giả đi qua
mấy chục năm tình ca Việt Nam. Hôm nay, ông kể về thời kỳ sau 1975.
… Thưa quý thính giả... giữa thập niên 1980, Bảo Chấn phụ
trách hòa âm dĩa nhạc Sài Gòn. Giữa thập niên 1990 Bảo Chấn sáng tác các ca
khúc… Cuối 1990 nhiều ca khúc được ưa chuộng...
Nhạc tình thời kỳ trước 1975, tôi biết hầu hết các nhạc sĩ ông Hoài Nam nhắc đến. Rất nhiều bài hát ông trích dẫn, là những ca khúc tôi say đắm của những nhạc sĩ tôi ngưỡng mộ. Nhưng tôi lơ là với dòng nhạc sáng tác ở Việt Nam sau 1975 và ít khi tìm thấy bài hát “ruột” cho mình.
Bảo Chấn… từ trên đỉnh cao rơi xuống vực thẳm qua vụ án đạo
nhạc đầu tiên tại Việt Nam*. Tình Thôi Xót Xa ... giống tới … % bài hát
I've Never Been to Me, của Charlene...
Nghe đến đây, tôi khựng lại. Bỗng nhiên, trong trí tôi văng
vẳng nhạc điệu là la lááá la laa làà laa. Tôi vội vàng vào YouTube tìm bài
hát. La la là, lá là la, la lá la là... Đây rồi! Đúng rồi! Đây là
nhạc điệu của một trong những bài hát đã hớp hồn tôi trong những năm đầu ở Đức.
Phút chốc, những kỷ niệm của thuở ban đầu ở Đức hơn 30 năm trước lũ lượt kéo về.
Đây là căn nhà ở thành phố Duisburg, sáu chị em tôi xúm xít gần lò sưởi
than, radio trong phòng khách ra rả suốt ngày. Kia là tòa nhà
của trường học Đức ngữ ở tỉnh Heilbronn. Trong phòng chung bốn người, chị Thanh
Tâm và tôi chia giường hai tầng. Tôi áp sát tai vào máy cassette hiệu
Palladium bé tí nghe nhạc. Đó là ngôi trường trung học với ký túc xá ở làng
Wolfhagen. Máy cassette nho nhỏ vẫn siêng năng ca hát cho tôi.
Nhưng bấy giờ, âm thanh có thể hay hơn, vì nhờ các anh bạn cùng trường thâu nhạc
từ những dàn máy hiện đại có amplifier Sony, Philips...
Thời chúng tôi
chân ướt, chân ráo đến Đức, anh cả của chúng tôi, người bảo lãnh mấy chị em qua
Đức, khuyên chúng tôi nghe radio hằng ngày để tập quen với tiếng
Đức, trong lúc chờ đi học. Chúng tôi răm rắp vâng lời anh. Ngay sau đó, tôi hiểu
là mục đích nghe tiếng Đức cho quen tai hãy còn xa vời, trừu tượng. Nhưng tôi
mê radio, vì được nghe nhạc xen kẽ trong chương trình phát thanh. Khi
xướng ngôn viên lăng lăng, líu líu tiếng Đức với tin tức, bình luận... tôi chăm
chú việc nhà. Bởi, tôi nghe, chắc cũng như vịt nghe sấm. Nhưng mỗi khi có tiếng
nhạc dạo, tôi bắt đầu dỏng tai. Gặp bản nhạc quen quen tôi mừng rỡ, sung sướng.
Ngay cả nhạc Đức chẳng hiểu chữ nào, tôi vẫn thích. Miễn nhạc, là nghe lòng
mình reo vui.
Anh chị em chúng
tôi dường như ai cũng ghiền nghe nhạc. Việt Nam, những năm cuối của thập niên
70 cho đến khi chúng tôi qua Đức năm 1982, phải nói là chúng tôi rất thiếu thốn
món ăn tinh thần. Năm thì, mười họa, mượn được máy cassette cũ
của ai đó, chúng tôi túm tụm, bu quanh máy để nghe vài bản nhạc “vàng”, vài bài
hát của các nước “tư bản”. Thỉnh thoảng túi rủng rỉnh chút tiền, chúng tôi đạp
xe lên đường Lê Lợi, uống nước mía, để được nghe nhạc “thính phòng”. Tức là phải
tai thật thính, tách những âm thanh nổi mấy chiều của xe cộ xuôi ngược, loại những
tiếng động ồn ào chung quanh, để tai đón lấy những điệu nhạc, giọng ca của
ABBA, Boney M. Có lẽ do tình trạng suy dinh dưỡng nhạc nhiều năm, cho nên bây
giờ chúng tôi lâm vào cảnh miếng khi đói, gói khi no. Nghe bài hát nào tôi cũng
cảm thấy êm tai, cũng xuýt xoa, hay kinh khủng, hay dễ sợ.
Chúng tôi như những
đứa trẻ mê ăn quà, hau háu nhìn hũ kẹo màu sắc sặc sỡ, ước được thò tay vào hũ,
nhón viên kẹo, màu xanh, màu đỏ. Nếu được nhón thêm viên màu vàng, màu tím càng
vui hơn nữa. Nghe bài hát trên radio, thấy ca sĩ trình diễn
trên ti-vi, chúng tôi vội ghi nhận, vội nhớ theo cách của mình. (Bởi
lúc đó chúng tôi đã có chữ nghĩa đâu để hiểu lời giới thiệu.)
Em trai tôi ưng ý
một bài hát trong radio. Em vội viết thư đến anh bạn cùng trường
tôi. Anh đã ở Đức được vài năm, có nhiều kiến thức về nhạc hơn. Em nhờ anh bạn
thâu vào băng cassette cho em bài hát “Bà gùm bà guề”. Anh bạn
rất muốn giúp. Nhưng anh chịu thua, không biết đó là bài hát gì. Muốn ra cửa
hàng để hỏi, cũng chả biết hỏi thế nào. Về sau, tôi khám phá ra, đó là
bài The Lion Sleeps Tonight của ban nhạc The Token. “Bà gùm bà
guề” là đoạn nhạc dạo đầu, có lẽ phỏng theo giọng gầm của sư tử.
Anh cả tôi kể,
danh ca Elvis Presley qua đời, anh tiếc lắm, vì anh rất mê giọng Elvis Presley.
Tình cờ, sau đó, mấy chị em chúng tôi xem ti-vi, thấy một chàng ca
sĩ với mái tóc chải chuốt, vừa hát, vừa quay microphone, rộn ràng
vui nhộn rock-n-roll, đẹp mắt hết sức. Chị em chúng tôi coi xong,
bàn lui tới, cuối cùng đi đến kết luận, đó là ca sĩ Elvis Presley. Như vậy, tin
ca sĩ chết, có lẽ chúng tôi nghe nhầm. Chúng tôi trịnh trọng kể cho anh bạn
nghe, chúng tôi mới được coi chương trình ca sĩ Elvis Presley hát live trong ti-vi.
Anh bạn ban đầu hơi ngỡ ngàng, lúc lắc đầu, làm sao có chuyện đó được. Nghe tụi
tôi diễn tả một hồi, anh hiểu ra. Đó là ca sĩ Shakin’ Stevens. Ô, thôi rồi,
chúng tôi trông gà hóa cuốc.
Chúng tôi đến Đức
được 3 tháng, ti-vi truyền hình trực tiếp chương trình Giải
Ca Khúc Âu Châu, Eurovision Song Contest 1982. Mấy chị em chúng tôi coi mê
mẩn, trầm trồ, sân khấu tráng lệ, ca sĩ, nhạc sĩ lộng lẫy, đàn trống nhộn nhịp.
Ca sĩ Nicole, cô nữ sinh trung học 17 tuổi, đại diện nước Đức, xuất hiện trong
chiếc áo đầm đen chấm trắng, ôm cây đàn guitar trắng. Chúng
tôi mừng lây, khi thấy thí sinh nước “mình” đoạt giải nhất cuộc thi. Anh tôi giải
thích cho chúng tôi sơ sơ về nội dung bài hát.
Một chút hòa
bình, một chút yêu thương, để tôi không bao giờ mất đi niềm hy vọng
Hãy cùng hát với
tôi bài ca nhỏ, để thế giới cùng sống trong hòa bình...
Ein bisschen
Frieden, ein bisschen Liebe, dass ich die Hoffnung nie mehr verlier
Sing mit mir
ein kleines Lied, dass die Welt im Frieden lebt
Ngày nay, đám con
trẻ của chúng tôi nghe đến bài hát này, có thể cho là xưa cũ, lỗi thời, thậm
chí quê mùa. Nhưng với tôi, đó là bài hát tiếng Đức đầu tiên tôi nghe và nhớ được.
Giờ đây, khi hiểm họa chiến tranh còn hiện hữu trên trái đất, ý nghĩa bài hát vẫn
là ước nguyện bao người.
Nhiều bài hát,
nghe lần đầu là tôi... tinh tú quay cuồng. Như trường hợp bài I've
Never Been to Me. Tôi không rõ điều gì làm tôi thích bài hát. Từ radio,
toàn cả bài, tôi nghe lõm bõm vài chữ, chỉ nghe trọn được mỗi câu I've
Never Been to Me. Tôi không biết nhạc sĩ nào viết, ca sĩ nào hát. Bài hát
chấm dứt, xướng ngôn viên tiếp tục nói tiếng Đức, tôi ngẩn ngẩn, ngơ ngơ, hồn
vía để tận đâu đâu. Điệu nhạc lởn vởn trong trí. Sau đó, thỉnh thoảng tôi còn
được nghe bài hát vài lần. Khi từ radio cũ kỹ vang lên những nốt
nhạc đầu la la là, lá là la, tôi rộn ràng, háo hức, chờ đến
câu I've Never Been to Me, để nghêu ngao ca theo. Những năm đầu thập
niên 80, internet với tôi vẫn còn là khoa học giả tưởng. Cho
nên, nghe được bài hát mình thích trên radio, giống như được món
quà bất ngờ, được những giây phút hạnh phúc lắng nghe điệu nhạc làm tim mình
xao xuyến.
Biết đâu, nhạc sĩ
Bảo Chấn cũng gặp “tiếng sét ái tình” như tôi. Nhạc sĩ tình cờ nghe đâu đó bài
hát, I've Never Been to Me. Ông không biết tác giả, không biết
xuất xứ bài hát. Ông thích điệu nhạc, nhập tâm, điệu nhạc du dương mãi bên tai,
thành quen, thành thân. Vì nhạc sĩ là... nhạc sĩ, nên một hôm đẹp trời, ông thổi
vào điệu nhạc ông thích một làn hơi Việt: …Mùa xuân trên cao ngàn hoa
lá lấp lánh nắng/Nụ hôn thơ ngây trao em rồi…
Bài hát I've
Never Been to Me có lẽ chỉ nổi tiếng một thời gian ngắn rồi chìm vào
quên lãng. Radio dành chỗ cho những bài hát thời thượng khác.
Tôi chẳng có dịp nghe lại bài hát. Tôi dần quên bài hát không biết tựa. Từ dạo ấy
đến bây giờ đã hơn ba mươi năm. Bỗng chiều nay, qua câu chuyện của nhà báo Hoài
Nam, tôi “gặp” lại tình xưa. Hỏi sao không bồi hồi, bâng khuâng.
Thời đại tân kỳ của
thế kỷ 21, thật tiện dụng, cần gì, cứ gõ cửa bác thám tử Gồ. Lời nhạc chẳng cần
chép viết cho mỏi tay, đầy dẫy trên liên mạng. Lúc nào cần, tải xuống, thích
thì in ra. Khỏe ru. Với bác Gồ và sự hợp tác của YouTube, khán
thính giả có điều kiện nghe bài hát, đọc nội dung bài hát, xem ca sĩ trình diễn,
tìm hiểu hoàn cảnh ra đời bài hát... Buổi sáng, trên đường đi làm, bạn
nghe radio: You raise me up so I can stand on mountains.
Chiều tối, bạn cần vài phút lục lạo trên internet, You
raise me up to walk on stormy seas. Thế là bạn có thể nghe nhóm Westlife
and Secret Garden, nhóm Celtic Woman, 12 Tenors hoặc cô ca sĩ của nước Đức
Helene Fischer ca. Sau cùng, có lẽ Josh Groban mới thật sự cho bạn cảm tưởng You
raise me up to more than I can be.
Tôi có thể nghe liên tục suốt một tiếng đồng hồ chỉ một bài
hát. Tôi yêu bài If của David Gates, bởi yêu tiếng đàn đệm guitar,
bởi mấy chữ if của bài hát đẹp lạ lùng. If a picture
paints a thousand words / Then why can't I paint you?
Tôi đã nhiều lần tương tư bài hát, cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại
quốc. Nhưng những “mối tình một chiều” của tôi thường có lý do, vì lời bài hát
hay, vì hợp với tâm tình của tôi, vì ca sĩ đó tôi rất mến mộ... Nhưng bài I've
Never Been To Me là một tình yêu không điều kiện, như tâm sự của nhạc
sĩ Diệu Hương, yêu em vì chỉ biết đó là em. Vậy thôi.
Chỉ trong mấy chục phút, tôi chạy xe ngang dọc, xuôi nam,
lên bắc nước Đức, trở về ngày cũ của hơn ba thập niên trước. Mơ màng hồi tưởng
những kỷ niệm êm đềm, đôi lúc vụng về nhưng dễ thương. Tôi đã nguôi ngoai nỗi bực
dọc ngày nay trên hãng, khi đụng độ nặng nề với bà xếp lựu đạn. Tôi quên khuấy
phiền toái buổi chiều khi tan sở, chạy không kịp thở tìm phương tiện về nhà, vì
tuyến đường xe lửa của mình bị trục trặc.
Ông T. Vấn có viết “... tất cả những người yêu thích chương
trình 70 năm Tình ca Việt Nam đều nợ ông Hoài Nam một lời cám
ơn viết bằng chữ hoa.” Tôi được thưởng thức chương trình 70 nhạc tình của ông
Hoài Nam. Ngoài ra, trong chương trình về nhạc sĩ Bảo Chấn, ông Hoài Nam còn tặng
cho tôi tấm vé đi ngược thời gian, đôi phút trở về dĩ vãng của những ngày tháng
thuở tôi tuổi đôi mươi. Để tôi gặp lại tình xưa, một mối tình nhẹ hơn sương
khói cho một bài hát không biết tên.
Tôi xin gởi đến ông Hoài Nam lời cám ơn bằng chữ hoa, thật
thân ái và rất trân trọng.
Hoàng Quân
* Mới đây, tôi nghe rằng, ngày xưa nhạc sĩ Bảo Chấn bị oan
trong “nghi án đạo nhạc” và có nhiều “uẩn khúc” đằng sau những lời phê bình, chỉ
trích. Tôi có ý tìm thêm thông tin trong internet. Nhưng không tìm
thấy. Hy vọng sẽ có người minh oan cho nhạc sĩ.
Bài đọc của nhà báo Hoài Nam
70 Năm Tình Ca (91) – Thời kỳ sau 1975 – Bảo Chấn, Bảo
Phúc