02 March 2023

TÔI CÒN NHỚ (JE ME SOUVIENS) - Linda Lê | Đào Trung Đạo chuyển ngữ

Linda Lê sinh năm 1963 tại Dalat, Việt Nam, cha gốc Việt, mẹ gốc Pháp,14 tuổi cùng mẹ và chị em "hồi hương" qua Pháp (cha ở lại Việt Nam), năm 1981 học tại Lycée Henry IV để chuẩn bị thi vào École Normale Supérieure nhưng không đậu nên vào học Sorbonne. Tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 1984. Đã xuất bản trên hai muơi tiểu thuyết và khảo luận: Autres jeux avec le feu, Les aubes, Calomnies, Lettre morte, Les trois Parques, Voix, Personne, Lame de fond... (đều do Christian Bourgois xuất bản), Tu écriras sur le bonheur (Presses Universitaires de France P.U.F. xb), Les évangiles du crime (Julliard xb), Marina Tsvetaieva, Comment ça va la vie? (Jean-Michel Place, col. Poésie xb.) Một vài tác phẩm của Linda Lê đã được dịch sang tiếng Việt như: Tiếng Nói (VOIX Nguyễn Đăng Thường dịch, nxb Văn – USA,) Vu Khống (CALOMNIES Nguyễn Khánh Long dịch, nxb Nhã Nam – VN) và Lại Chơi Với Lửa (AUTRES JEUX AVEC LE FEU Nguyễn Khánh Long dịch dở dang Ba Nữ Thần Số Mệnh (LES TROIS PARQUES), Thư Chết (LETTRE MORTE do Bùi Thu Thủy dịch), Sóng Ngầm (LAME DE FOND do Hà Thanh Vân và Bùi Thu Thủy dịch, nxb Nhã Nam – VN), À l’enfant que je n’aurai pas, In memoriam, Au fond de l’inconnu pour trouver du nouveau…

****

Tôi còn nhớ ngày tôi đến nước Pháp. Tôi đã không được thấy Paris nhưng lại là Sarcelles, vùng ngoại ô ủ rũ trông giống như một người đàn bà chưa tỉnh rượu hẳn. Tại nơi tiếp đón, người ta cho chúng tôi ăn sáng bằng trái lê. Cái vị đầu tiên tôi biết về nước Pháp là vị trái lê của vùng Sarcelles.   

Tôi còn nhớ người ta muốn đưa chúng tôi về Sotteville, gần Rouen. Làm sao ta có thể trở thành một cư dân của Sottevile nhỉ? Mãi sau này, tôi mới khám phá ra rằng nhân vật được lấy làm kiểu mẫu trong quyển Nhật Ký của Một Kẻ Quyến Dụ của Kierkegaard đã từng lưu lại một thời gian khá lâu trong viện tâm thần ở Sotteville.

Tôi còn nhớ thành phố Havre, nơi trú ẩn đầu tiên của tôi ở Pháp. Hình bóng Sartre vẫn còn lởn vởn trong những hành lang cái thư viện thành phố.

Tôi còn nhớ bài luận văn đầu tiên của tôi ở đại học lấy chủ đề bánh madeleine của Proust. Trong bài luận văn tôi nhắc đến một người bà tưởng tượng và mùi hoa tử đinh hương.

Tôi còn nhớ con voi đá ở quảng trường Bastille, di tích của Napoléon nơi Gavroche trú ngụ cùng lũ chuột.

Tôi còn nhớ quyển Les Misérables, quyển sách đầu tiên ghi dấu tuổi thơ của tôi ở Việt Nam.

Tôi còn nhớ mình đã đi tìm kiếm Gavroche ở Paris và Ông Homais tại những dược phòng ở Normandie.

Tôi còn nhớ Julien Sorel nổi loạn chống lại người cha. Quyển Le Rouge et le Noir là quyển Thánh Kinh của tôi khi mười sáu tuổi.

Tôi còn nhớ khi ngồi trong thư viện Sainte-Genevière, tôi đã nghĩ đến André Breton và về Dinh Vĩ Nhân (Hôtel des Grands Hommes) nằm đối diện Điện Panthéon.

Tôi còn nhớ khi đến Paris, tình cờ tôi đi qua đường Git-le-coeur. Tôi vẫn tin là trong khu phố chật hẹp này, nơi có rạp chiếu bóng Saint-André-des-Arts, trước đây có một người đàn bà bị hủy hoại, chết vì tình yêu, đã sống ở đường này. Rồi một bữa nọ tôi biết được rằng Git-le-coeur là chữ biến đổi từ hai chữ Gilles le queux và Gilles le cusinier). Tiếng Pháp có đầy rẫy những bẫy sập để giữ lại được những giấc mơ.

Tôi còn nhớ Heine, khi mới mắc phải những triệu chứng khởi đầu của chứng bại liệt sau đó giết chết ông, đã ngã quỵ xuống trước một người phụ nữ trong một căn phòng của bảo tàng viện Louvre. Và điều khôi hài là ở chỗ người phụ nữ này là một người không có khả năng nâng ông ta đứng dậy: bức tượng Vénus de Milo.

Tôi còn nhớ, trong thời thơ ấu của tôi ở Việt Nam, nuớc Pháp biểu trưng cho một nỗi hoang tưởng có kích thước của cái thư viện Babel.

Tôi còn nhớ ở một con đường thuộc Belleville, Rousseau đã bị một con chó đen to đùng hất ngã lăn quay. Quyển Les Rêveries du promeneur solitaire (Những giấc mộng của kẻ bộ hành cô độc) đã là niềm đam mê của tôi khi mười bảy tuổi. Tôi đã từng viết lên trên cuốn sổ thông hành của mình như sau – “Nghề nghiệp: kẻ rong chơi”.

Tôi còn nhớ đã từng mơ tưởng đến sống lưu đầy ở Montevideo, bởi vì Lautréamont là một người Pháp mỉa mai xứ sở của mình nhất.

Tôi còn nhớ tôi đã, cũng như Rimbaud trước đây, đưa ra câu trả lời cho tất cả những câu hỏi người đời đặt cho tôi về những tham vọng của mình: “Tuổi trẻ vô nghề nghiệp sẵn sàng làm bất kỳ chuyện gì. Bởi tinh tế, tôi đã đánh mất đời tôi”.

Tôi còn nhớ mình đã đi đến đường L’Odéon để thăm Cioran, kẻ từng nói mình chỉ nhận một quê nhà độc nhất là tiếng Pháp. Passoa trước đây đã gợi ý cho ông. Là một người nào đó, cũng có nghĩa không là một người nào cả (“Être une personne, c’est aussi être personne” Linda Lê chơi chữ “personne”.) Kinh nghiệm thi ca không phải là “tôi nói ngôn ngữ” mà là “ngôn ngữ nói với tôi”. Ngôn ngữ nói qua tôi.                                             

Tôi còn nhớ Kafka đã khuyên Milena “hãy đặt hy vọng vào tiếng nói của mình”, hãy đặt tất cả hy vọng của mình trong những khả tính và bất khả tính của ngôn ngữ để viết một cách riêng mình.

Tôi còn nhớ đã ở trong Khu Cư Trú Học sinh Trung học, đường Dr Blanche, là nơi Nerval đã được chăm sóc và tôi đã thường nghĩ đến việc viết một tẩu khúc để lại như một chứng nhận: “Chiều nay đừng chờ đợi tôi bởi đêm sẽ đen và trắng.”

Tôi còn nhớ đã học thuộc lòng hàng tràng câu văn của Corneille, trong những câu này chữ “funest” (tàn khốc) làm vần cho toàn thể phần còn lại.             

Tôi còn nhớ quyển Aventures du brave soldat Chveik và cái ông chủ quán rượu chẳng khi nào chửi thề mà lại không nhắc đến những trang truyện của Hugo viết về Cambronne và những trận đánh của Napoléon.

Tôi còn nhớ mình đã học tiếng lóng trong tác phẩm của Hugo nhưng lại chẳng hề nghi ngờ rằng đó là một thứ tiếng lóng đã cũ mèm, nay chẳng còn ai dùng nữa. Tôi còn nhớ nỗi vui sướng tinh quái khi tôi có thể nói với chị tôi: “Colle-toi ça dans le fusil!”

Tôi còn nhớ chẳng khi nào đi ngang trước rạp Vieux-Colombier mà không nghĩ tới buổi diễn thuyết sôi động của Artaud và câu nói của ông ta: “Có học có nghĩa là nhai nuốt số phận mình, đồng hóa số phận bằng tri thức.” Tôi còn nhớ đã muốn sang Mễ Tây Cơ sống, bởi con người của Rodez đã tìm thấy ở đó một nền văn hóa sống động làm cho những đóa hoa tâm hồn đóng băng có sức sống trở lại và làm cho luồng thần kinh xuôi chảy… Châu Âu với những thành lũy cổ cũ và nước Pháp, quá rũ liệt, trang nghiêm và đã thành xác chết, không còn cung cấp được gì có thể làm cho tác giả quyển L’Ombikic des limbes ngạc nhiên.

Tôi còn nhớ đã tìm, ở Paris, đến nơi những nhà văn ngoại quốc trước đây đã trú ngụ: Mickiewicz ở phố sông Seine, Hemingway ở phố Pérou, Sadegh Hedayat ở phố Championnet, Gertrude Stein ở phố de l’Odéon, Marina Tsvétaíeva ở phố Meudon, và nhất là Paul Celan, từ căn phòng của ông ta ở phố Ulm đã viết cho Yves Bonnefoy: “Ông ở trong xứ sở của ông, trong tiếng nói của ông, trong những buổi diễn giảng của ông, giữa sách vở của ông, những tác phẩm ông yêu quí. Còn tôi, tôi ở bên ngoài…”

Tôi còn nhớ đã đi theo bóng ma Rainer Maria Rilke trong vườn Luxembourg và ở viện bảo tàng Rodin. Trong quyển Nhật ký thời ở Paris, ghi chú ngày 7 tháng 11 năm 1902 ông ta nói đã đọc quyển L’Éducation sentimentale và chỉ thích có mỗi chương trước chương cuối cùng, khi Bà Arnoux gặp lại Frédéric Moreau lần cuối.

Tôi còn nhớ đã từng hy vọng cây cầu Mirabeau chỉ thực sự hiện hữu trong trí tưởng tượng của Appolinaire.

Tôi còn nhớ những thi sĩ siêu thực đã muốn vả vào xác chết của Anatole France. Khi lần đầu người ta kêu gọi tôi nổi loạn chống lại chủ nghĩa khoa bảng hàn lâm, tôi đã coi như Anatole France không hề hiện hữu. Tôi hiểu rằng Breton đã kích động những người cùng nhóm tát vào mặt nước Pháp, cái xứ sở chỉ còn là một thây ma và cần phải tiếp máu văn hóa cho cái xác đó sống lại.

Tôi còn nhớ bài luận văn của Heine, bài Về nước Pháp, là một tuyên ngôn tình yêu và vỡ mộng. Nhưng ông ta cũng nhắc lại một câu châm ngôn xưa: “Khi vị Thượng đế tốt lành trong bầu trời cảm thấy buồn bã, thì ông ta mở khung cửa sổ ra và nhìn xuống những thông lộ của Paris.”

Tôi còn nhớ một số người vẫn còn cứ hỏi có phải tôi xuất thân từ xứ Đông Dương không. Kateb Yacine đã nói rằng tiếng Pháp là một chiến lợi phẩm. Tôi không cảm thấy mình đang hòa bình hay chiến tranh với nước Pháp. Bản văn là tổ quốc của tôi. Tôi gây chiến với ngôn ngữ, để sửa chữa sự bất hòa với bản thân mình, và để có thể viết khi thì hòa đồng với cái Tôi của mình, khi thì ở thế đối nghịch, hòa đồng với cái Không-Tôi của mình (người chuyển ngữ in chữ đậm.)

Đã rất lâu, tôi còn nhớ, diện mạo của Nhà văn đối với tôi là Bergotte, một kẻ đau nặng, đã ăn những củ khoai tây và đi xem bức tranh Vue de Delft của Veer Meer để dán mắt nhìn vào một chi tiết trong bức tranh, hệt như một đứa trẻ dán mắt nhìn vào một con bướm nó muốn chụp bắt. Những giờ cuối cùng của Bergotte đã được dành cho việc ăn những củ khoai tây không được chín lắm và để quan sát khoảnh tường nhỏ xíu màu vàng trong bức tranh của Veer Meer.

Tôi còn nhớ về mối hoài niệm Marina Tsvétaíeva rên xiết: Tocard, căn bệnh của xứ sở. Người ta có thể viết về sự trở về trong một ngôn ngữ đang hướng về tương lai. Thi sĩ vừa là Orphée kẻ đi xuống địa ngục vừa là Euridyce, kẻ bị bóng tối vây khổn.

Tôi còn nhớ đã yêu thích Henri Calet kẻ đã tái hiện người cha đã khuất, và Violette Leduc, kẻ đã có thể kiêu hãnh về phận con hoang của mình. Tôi còn nhớ mình phải là con cái của không một ai, và rằng William Blake gọi Thượng đế là Nobodaddy.

Tôi còn nhớ về người bạn có một nỗi ham muốn sâu thẳm là tạo lập một Quốc Tế Những Người Giấy với lời kêu gọi: “Những kẻ vô xứ trong tất cả các nền văn chương, hãy đoàn kết lại!”

Tôi còn nhớ tôi luôn luôn muốn sống trong một xứ sở như một người khách lạ khác thường (étrange étrangère, Linda Lê chơi chữ – chú thích của người chuyển ngữ) và tôi nhìn nước Pháp với con mắt ngạc nhiên, như một xứ sở quá thân thuộc và quá lạ lẫm. Nước Pháp luôn làm tôi ngạc nhiên, chỉ bởi một sự kiện là nó hiện hữu, và bởi khi ta không còn ngạc nhiên nữa có nghĩa là từ bỏ, là từ từ trượt vào cái chết.

Phải viết trong khi lắng nghe tiếng nói của những con quỉ của mình. Tôi còn nhớ trong quyển Une voie pour l’insubordination (Con đường để bất tùy thuộc) trong đó Michaux kêu gọi sự bất tùng phục và lời xảo trá của những vị thánh. Ông ta vểnh tai nghe những gợi ý của lũ quỉ phương xa, còn quỉ sứ Âu châu đối với ông ta quá thánh thiện. Những nhà văn Pháp gần gũi nhất của tôi là những kẻ đã vượt qua những biên giới nội tại.

Tôi còn nhớ quyển lịch làm việc tôi đã lập ra lần lượt theo những ngày tiền định trong nền văn chương thế giới. Quyển lịch với ngày “Thứ Hai hiện sinh” (dành cho) của Benjamin Fondane, ngày Thư Ba của Melville – một bài thơ sáng tác về những hòn đảo –, ngày Thứ Tư tro cốt Schoppenhauer, ngày Thứ Năm mang tên Chesterton, ngày Thứ Sáu kỳ diệu của Defoe, ngày Thứ Bảy là ngày Borges đi ngang mặt “kẻ thứ ba”, kẻ được Borges bí mật gửi cho truyện La Rose profonde, và ngày Chủ Nhật dành cho sự vong hoại tâm thần của Elsa Morante. Nhưng Thứ Hai cũng còn là ngày của nước Pháp, ngày của một triết gia Do thái đã bị người quản lý chung cư giao nộp cho Gestapo và ông đã bị chết thiêu ở Birkenau.

Tôi còn nhớ bài học của Cioran: một con người biết tự trọng không có cội rễ (con người không là những cái rễ), không thuộc về bất cứ một cộng đồng nào. Cioran đã học tiếng Pháp từ một người Basque cụt tay. Ít ra cũng như thể ông ấy giả bộ như vậy. Và câu chuyện cổ tích về Cioran được phát sinh từ mẩu chuyện truyền miệng này. Tôi học Pháp văn trong những quyển sách của Hugo, kế đến là Flaubert. Tôi còn nhớ rằng sự thèm khát hiểu biết lớn lao và sức mạnh làm việc ngấu nghiến cô tịch của Croisset đã gây ấn tượng mạnh trên tuổi trẻ của tôi và nó có khuynh hướng chắc chắn sẽ dẫn tới chứng ù lỳ.

Tôi còn nhớ quyển Tôi còn nhớ của Georges Perec, kẻ đã tuyên bố rằng không tìm thấy gì khác trong cuộc tra hỏi bất tận của mình ngoài cái xì-căng-đan niềm im lặng của những kẻ đã chết.

Tôi còn nhớ một người bạn tôi đã nhìn thấy trong lá cờ Pháp sự phối hợp của ba yếu tố: nước (màu xanh), khí trời (màu trắng), lửa (màu đỏ). Anh ta muốn hình dung nước Pháp như một bức tranh trừu tượng, không phải là một mảnh đất để người ta mọc rễ, nhưng là một bầu trời vần vũ quay cuồng trong đó khí trời có cái hậu vị của cơn giông tố của biển còn đọng lại trong cổ họng, trong cơn giông tố quay cuồng đó nước chơi với lửa.

Tôi muốn hồi ức nuớc Pháp như một người khách lạ phái nữ xinh đẹp, theo cái nghĩa của Proust rằng những quyển sách hay được viết trong một thứ ngôn ngữ ngoại quốc. Tôi muốn hồi ức nước Pháp như một lữ khách phái nữ có tính cách Baudelaire, như một giấc mơ của đá khai sinh từ bàn tay của Rodin, như một bài thơ tình điên mang tên Albertine, Salammbô, Héloise hay Aurélia.

Linda Lê, Je me souviens trong Le complexe de Caliban/Mặc cảm Caliban, Christian Bourgois Editeur 2005, trang 89-97.

Đào Trung Đạo chuyển ngữ