Đại Nghi là một kỹ sư trẻ,
chuộng khoa học, luận lý lại đọc quá nhiều tư tưởng, triết học Đông-Tây, rồi bị
tiêm nhiễm cho nên có tật là hoài nghi tất cả mọi chuyện trên đời. Chẳng hạn đối
với người đang hăng say hoạt động thì anh cho rằng biết đâu đó chỉ là kẻ
háo danh, lấy cớ ”phục vụ cộng đồng” để thủ lợi riêng hoặc chuẩn bị ra “ứng cử”.
Còn đối với kẻ nhiệt tâm, nhiệt tình quyên góp tiền bạc của đồng bào cho công
tác thiện nguyện, dự án này, chiến dịch nọ, thì chàng lại nghi ngờ cho rằng, tiền
quyên góp một nửa sẽ chui vào “túi áo khỉ”. Quan niệm của anh chàng là “Thời buổi
bây giờ làm gì có thánh nhân. Tất cả đều vì cơm áo, gạo tiền, danh vọng nhưng
che giấu bằng những mỹ từ thánh thiện, cao đẹp”.
Đấy là về mặt con người. Còn về mặt tư tưởng, triết lý thì anh cũng có quan niệm
thật quái dị. Chẳng hạn đối với kẻ đang bị mọi người căm ghét thì Đại Nghi lại
bảo “Chưa chắc, biết đâu anh ta chẳng là người dễ thương?” Còn đối với kẻ đang
được mọi người thán phục, ngưỡng mộ thì Đại Nghi lại cho rằng “Biết đâu vài ba
năm nữa thiên hạ chả lại xúm chửi ông ta như tát nước vào mặt ?” Còn đối với
chuyện mà cả thế giới cho là đúng thì anh chàng lại bảo “Coi chừng chỉ vài ba
năm nữa thôi bà con mới thấy nó trật lất!” Chẳng hạn như chuyện cả thế giới đều
tin chắc Ông Saddam Hussein cất giấu một kho vũ khí hóa học và hủy diệt hàng loạt
khiến nhân loại nguy tới nơi rồi. Thế nhưng sau khi Ô. Bush Con đem quân tiến
vào phá tan tành đất nước Iraq thì chẳng có gì cả.
Với đầu óc hoài nghi và thái độ “ba phải” như vậy cho nên Đại Nghi chẳng bao giờ
thương ai hay ghét ai, chẳng bênh phe này chống phe kia, chẳng lao vào những biến
động thương-ghét om sòm cả trời đất và dĩ nhiên chẳng hại ai, dù làm rụng
một sợi lông chân.
Tuy nhiên trong những lúc vắng lặng tâm tư, Đại Nghi tự hỏi chẳng lẽ trên
cõi đời này không có chân lý? Bất cứ chuyện gì trên cõi đời này cũng phải có
người đúng người sai chứ? Từ nỗi dằn vặt đó chàng ta quyết tâm tìm cho ra chân
lý. Với ý tưởng khá “ngông cuồng” này, Đại Nghi dành dụm một số tiền, xin nghỉ
giả hạn không lương một năm rồi trang bị giống như mấy “Ông Tây ba-lô”, lên đường
đi tìm chân lý với quyết tâm của một người lên đường “tầm sư học đạo”. Bắt chước
Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, chàng không dám khinh thị một ai mà lần
mò, tìm tòi, vấn hỏi tất cả mọi người vì chàng tin rằng chân lý phải nằm ở khắp
mọi nơi. Nếu chân lý nằm ở người này mà không nằm ở trong người kia, chỉ nằm ở
chỗ này mà không phổ cập ở chỗ kia thì chỉ là “chân lý dỏm”, chân lý phải có
tính phổ quát.
Trước tiên chàng tìm đến một ông chủ tịch hội đồng quản trị của một hãng chế tạo
vũ khí khổng lồ. Sau khi giới thiệu thân thế và khát vọng của mình, chàng lễ
phép hỏi:
-Thưa ông chủ tịch, trên đời này có chân lý không và chân lý nằm ở đâu ạ?
Ngồi dựa ngửa ra đằng sau chiếc ghế da, ông chủ tịch mỉm cười đáp:
-Chân lý có chứ. Chân lý nằm ở kẻ nào có nhiều hàng không mẫu hạm, khu trục hạm,
máy bay không người lái, vũ khí nguyên tử và máy bay ném bom chiến lược tàng
hình, chẳng hạn như B-2, B-52. Chính vì muốn nắm giữ chân lý cho nên họ mới tìm
đến chúng tôi. Không có chúng tôi thì họ đâu còn chân lý. Cho nên có thể nói
các nhà chế tạo vũ khí hay nói nôm na là “các lái súng” sẽ nắm giữ chân lý.
Nghe trả lời thế, Đại Nghi kinh hãi cảm tạ vị chủ tịch rồi hối hả đáp máy bay
qua Nữu Ước để xin gặp một ông tỷ phú nổi tiếng khắp thế giới về chứng khoán,
tài chính và địa ốc. Sau hơn một tuần lễ thấy chàng kiên trì chờ đợi, có lẽ thấu
hiểu khát vọng của người tuổi trẻ, ông chủ tịch cho gặp mặt. Vừa thương vừa ái
ngại, ông nhìn người tuổi trẻ, hỏi:
-Cậu tìm tôi có việc gì?
-Dạ thưa, cháu đi tìm chân lý nhưng không biết chân lý có hay không?
-Chân lý có chứ. Nó nằm ở đây này…
Nói xong ông chủ tịch vói tay mở chiếc tủ sắt sau lưng. Cánh cửa sắt bật mở,
bên trong là những cọc đô-la xếp gọn ghẽ. Mùi tiền mới tỏa ra thơm phức. Lấy một
cọc ném lên mặt bàn, ông chủ tịch nhún vai nói:
-Tiền là chân lý! Tiền làm thay đổi tình cảm con người. Tiền có thể phá vỡ mọi
giá trị trên cõi đời này. Tiền khiến cha con, anh em, chồng vợ chia lìa. Tiền
làm người ta mờ mắt cho nên thấy đúng thành sai, thấy sai thành đúng. Cậu không
nghe người ta nói “Tiền vào pháp đình công lý đội nón ra đi” sao? Cả thế giới
bây giờ đang bị sai khiến bởi đồng đô-la cho nên có thể nói tiền không những chỉ
là chân lý mà nó còn đẻ ra chân lý. Cho nên muốn có chân lý phải có tiền. Không
đô-la thì đừng nói tới chân lý.
Nói xong ông dang hai tay ra phía trước, giơ lên cao rồi nhún vai, một cử chỉ rất
phổ thông ở Mỹ để diễn tả câu nói “Nó như vậy đó”.
Nghe ông tỷ phú nói thế, Đại Nghi rầu rĩ, nói lời cảm ơn rồi lui ra. Nhân tiện ở
cùng một thành phố, chàng chợt nảy ra ý định vào tòa nhà Liên Hiệp Quốc để vấn
hỏi, chắc chắn sẽ có lời giải đáp. Người mà chàng xin tiếp kiến là ông cựu tổng
thư ký. Mặc dầu đã hết nhiệm kỳ nhưng do uy tín, ông này vẫn được trọng dụng và
thỉnh thoảng được cử làm đặc sứ để làm “con thoi” trong những trong những vụ khủng
hoảng của thế giới. Chàng nồng nàn đặt câu hỏi:
-Thưa ngài, là nơi đưa ra những quyết định trọng đại ảnh hưởng đến sinh mệnh của
loài người, phải chăng đây là lương tâm của nhân loại và là biểu tượng của chân
lý cho toàn thế giới? Thưa ngài, chân lý có thực không? Nếu có, phải chăng Liên
Hiệp Quốc chính là cơ quan thi hành và thể hiện chân lý đó?
Khẽ thở dài, ông cựu tổng thư ký nói:
-Cậu cũng biết đó, cơ quan này không phải do chúng tôi lập ra, mà do thế giới
đóng góp. Nếu mai đây người ta không góp tiền nữa thì Liên Hiệp Quốc đóng cửa
và chúng tôi chỉ còn nước về nhà đuổi gà cho vợ. Vì do thế giới đóng góp cho
nên nước nào có nhiều tiền thì tiếng nói của họ mạnh. Khi họ mạnh thì chân lý
“nghiêng” về phía họ. Đôi khi Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra những quyết định có vẻ
như “biểu tượng của chân lý”. Sở dĩ có được những quyết định như vậy là
vì nó phù hợp với quyền lợi của năm ông ủy viên thường trực của Hội Đồng Bảo
An. Chỉ cần một ông phủ quyết là chân lý chết, nếu chân lý sống thì cũng chỉ là
tiếng kêu trong sa mạc. Nói tóm lại chân lý “có” khi nó phù hợp với quyền lợi của
các đại cường. Chân lý là “không” và nhiều khi trở nên nghịch lý khi nó phản lại
quyền lợi của các nước lớn. Do đó chân lý không nằm ở đây. Chúng tôi chỉ là
phát ngôn viên, nói đúng ra là đào kép trên sân khấu, còn đạo diễn thì đứng sau
hậu trường. Khi không có “tuồng” để diễn thì đào kép thất nghiệp. Cậu không thấy
Liên Hiệp Quốc nhiều khi im lặng như tờ, nhân viên rảnh rỗi ngồi đọc báo, tán gẫu,
xem truyền hình hoặc vào mạng lưới “chat” (1) cho đỡ buồn sao?
Nghe ông cựu tổng thư ký nói thế Đại Nghi buồn khôn tả. Chàng nói lời từ giã rồi
không một chủ định, chàng lang thang trên hè phố rối lạc bước tới Times Square
(2) lúc nào không hay. Ngẩng đầu lên, chàng thấy tấm bảng hiệu bằng đèn nê-ông
của một hãng truyền hình. Đây là một tổ hợp truyền thông khổng lồ, chủ nhân của
rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, truyền hình địa phương. Tin tức của đài này
truyền đi không phải chỉ ở Mỹ mà cả thế giới theo dõi. Có thể nói đây là trung
tâm có thể uốn nắn đầu óc, lề thói suy nghĩ của nhân loại. Cũng giống như những
lần trước, sau khi điền đơn xin tiếp kiến, chờ đợi cả tuần lễ, chàng được ông tổng
biên tập cho gặp mặt. Ông là một nhân vật đầy quyền thế, lương khoảng năm triệu
đô-la mỗi năm. Dưới ông có cả chục nhân viên phụ tá, cả trăm “producer” đặc
trách chương trình, phụ trách quảng cáo, chuyên viên nghiên cứu, văn khố, thu
hình, biên tập viên, phóng viên có mặt hầu như khắp nơi trên thế giới. Ông là
linh hồn của tập đoàn. Ông toàn quyền quyết định việc cắt xén tin tức, cái nào
cho “đi”, cái nào vứt vào thùng rác, chiến thuật loan tin, hình ảnh nào cần đưa
lên… hoàn toàn do ông quyết định. Ngồi dựa ngửa ra đằng sau, hai chân gác cả giầy
lên bàn - lối ngồi của các Sheriff (3) trong các phim cao-bồi, của các “tay tổ”
hay của tổng thống Mỹ như Tổng Thống Obama ngồi trong Tòa Bạch Ốc trong
các phiên họp với các cố vấn. Nhìn chàng tuổi trẻ mặt mũi cao ráo, dáng vẻ trí
thức nhưng lại có vẻ ngây thơ, ông tổng biên tập hỏi:
-Cậu gặp tôi có chuyện gì? Xin việc hả?
- Dạ, cháu không xin việc mà muốn đi tìm chân lý. Theo cháu biết nơi đây là kho
chất chứa tài liệu, lịch sử, hình ảnh của toàn thế giới. Tiểu sử, thành tích, kể
cả các hành vi bê bối của các lãnh tụ, các chính trị gia đều nằm ở đây. Không một
chuyện gì mà ông không biết. Không một bí mật nào - dù bí mật quốc phòng, bí mật
ở Toà Bạch Ốc mà ông không biết, biết một cách tường tận và cả “bề trái” của nó
nữa. Vậy thì theo ông chân lý có không và chân lý nằm ở đâu?
Sau giây phút ngạc nhiên về người tuổi trẻ, ông phá lên cười ngặt nghẽo, rồi
nói:
-Này, nói đùa thôi nhé. Tuổi trẻ không lo xây dựng sự nghiệp, lấy vợ, sinh con
đẻ cái mà đi tìm chân lý thì đầu óc hơi có “vấn đề” đấy. Nhưng trông cậu có vẻ
thành thật nên tôi thấy cần nói cho cậu rõ. Chân lý là cái gì thì tôi không biết
nhưng tất cả mọi Sự Thực, Cái Đúng, Cái Sai, cái gọi là Chính Nghĩa, hoặc Lý Tưởng
Cao Cả đều nằm ở ngay đây, ở ngay chúng tôi. Tất cả đều do chúng tôi nhào nặn
ra.
Há hốc miệng vì ngạc nhiên, Đại Nghi hỏi:
-Theo cháu biết cơ quan truyền thông chỉ làm công việc thông tin, có nghĩa là
thấy sao nói vậy. Vả lại tôn chỉ của ngài là “Fair and Balance” tức
“Công Bằng và Quân Bình” tại sao ngài lại nói ngài có thể bóp méo tin tức và
chân lý?
Sau một hồi cười ngặt nghẽo, ông tổng biên tập nói:
-Cậu ngây thơ quá! Tất cả những cái đó chỉ là quảng cáo. Cứ thử nhìn vào đời mà
xem có công ty, ngân hàng, luật sư nào mà không nói “tận tân, tín nhiệm, bảo
vệ quyền lợi của thân chủ ”. Có ông ứng cử viên tổng thống nào mà
không hứa hẹn trăm điều tốt đẹp? Nhưng cuối cùng thì sao? Chẳng lẽ chúng tôi
trương bảng hiệu “Thiên Vị và Bên Trọng Bên Khinh”?
Tới đây thì Đại Nghi ngắt lời ông:
-Thưa ông tổng biên tập. Thế nhưng làm cách nào ngài có thể bóp méo tin tức để
nhào nặn chân lý?
-Cái đó dễ lắm. Nó không phải là thủ thuật của riêng chúng tôi mà của bất kỳ cơ
quan truyền thông nào khi họ thiên vị. Nguyên tắc là khi chúng tôi bênh ai thì
những cái xấu của họ chúng tôi ỉm đi mà chỉ nói về những cái tốt. Nghe tin tức
và bình luận mãi như thế quần chúng tin rằng đây là kẻ tốt nhưng sự thực hắn ta
là kẻ xấu. Chẳng hạn đối với một cuộc chiến tranh xâm lược, muốn tạo chính
nghĩa cho cuộc chiến, chúng tôi tìm cách bôi bẩn kẻ thù, ngụy tạo ra những bằng
chứng để rồi cuối cùng quần chúng và dư luận thế giới đứng về phía chúng tôi.
Khi đó chúng tôi nắm ngọn cờ đại nghĩa “thế thiên hành đạo”. Ngoài ra, cậu
tưởng chúng tôi sống vì lý tưởng hả? Xin thưa chúng tôi chỉ là một cơ sở thương
mại. Chúng tôi sống vì tiền. Không có tiền thì lấy đâu trả lương cho tôi và mấy
trăm nhân viên? Chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để kiếm tiền. Cậu thử nhìn lại
xem cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi hai ứng cử viên quyên góp được khoảng hai tỉ
đô-la. Tiền ấy chạy đi đâu? Thưa ngài nó chạy vào túi các cơ quan truyền thông ạ.
Hễ ông nào có nhiều tiền thì “mua” được truyền thông. Truyền thông mạnh thì làm
tổng thống. Truyền thông yếu thì thua. Ở nước Mỹ này truyền thông là vua. Truyền
thông nắm cả cán cân công lý!
Nghe ông tổng biên tập nói vậy, Đại Nghi choáng váng cả mặt mày. Chàng không ngờ
nghề làm truyền thông giống như thằng Mõ của Việt Nam ngày xưa, cầm cái mõ đi
quanh làng, gõ lốc cốc để loan báo tin tức mà quyền thế ghê gớm như vậy. Chỉ tội
nghiệp người dân bị xỏ mũi từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không hề hay biết.
Vừa buồn vừa chán nản, Đại Nghi nói lời từ giã. Bước ra ngoài, chàng lang thang
trên đường phố rồi lạc bước tới khu Brooklyn lúc nào không hay. Đây là khu của
người Da Đen và đủ loại sắc dân thiểu số Âu, Á, Ấn Độ, Phi Châu, Nam Mỹ nghèo
nhất Nữu Ước, nổi tiếng với những khu ổ chuột ghetto. Tại thành phố
này, hầu như không một bức tường nào, không một xe vận tải nào mà không bị vẽ bậy
(4) làm thành phố trở nên nhơ bẩn và xám xịt. Dường như để tô điểm thêm vẻ độc
đáo - là hình ảnh của những người vô gia cư lang thang, ngủ gà ngủ gật trên hè
phố, các trạm xe điện ngầm mà chính quyển chỉ báo động nhưng không sao giải quyết
được. Năm nay ông thị trưởng thông báo số lượng người vô gia cư tăng thêm
34%. Theo thống kê, tại New York cứ 2688 người dân là có một người
vô gia cư. Nhìn các ông bà vô gia cư Da Trắng và Da Đen sát bên nhau hoặc mơ
màng nhìn trời nhìn đất hoặc nhìn vào cõi hư vô một cách yên bình và bất cần đời…Đại
Nghi chợt ”ngộ” ra rằng có lẽ ở tận cùng đáy địa ngục con người dễ dàng
cảm thông với nhau và không còn phân biệt màu da, chủng tộc, thân thế. Rồi
trong đầu chàng lóe lên một ý tưởng: Phải chăng chỗ nào không còn “phân biệt”
thì chỗ ấy chân lý hiển lộ? Và rõ ràng các ông bà vô gia cư kia còn có gì để
“phân biệt” nữa đâu? Vậy thì chân lý phải nằm trong họ chứ? Chẳng lẽ chân lý
không có hoặc không đến với những người hiện đang sống thừa bên lề
xã hội? Nghĩ được như thế chàng nảy ra ý định làm quen với một người vô gia cư
để tìm hiểu chân lý. Thế nhưng đến với các ông bà vô gia cư không phải chuyện dễ.
Với hình dáng bình thường như thế này, các ông bà đó tưởng mình là cảnh sát
chìm hoặc nhân viên xã hội tới điều tra thì họ bỏ đi hoặc ngậm miệng không nói
gì. Do đó cần phải cải trang.
Đã tới giờ ăn trưa, Đại Nghi ghé tiệm McDonald mua hai phần ăn, tìm một bãi tập
trung rác cũng gần đó. Chàng bới trong mấy thùng và tìm được một chiếc áo áo
khoác đã rách nhưng vẫn còn mặc được. Chàng cởi chiếc áo khoác của mình, gói trọn
vào một bao ny-lông rồi khoác chiếc áo đó lên người. Mùi hôi của chiếc áo làm
chàng buồn nôn. Bới thùng rác thứ hai, Đại Nghi móc ra được một chiếc mũ nhàu
nát và đội lên đầu. Nhìn quần áo và mũ đội thì chàng trông có vẻ như một người
vô gia cư nhưng còn bộ mặt và đôi bàn tay sạch sẽ như thế kia thì rõ ràng là một
ông vô gia cư giả. Thu hết can đảm, chàng thò tay xuống đất, quét mấy đám bụi
đường rồi trét lên mặt và mu bàn tay của mình. Một tay ôm chiếc bọc ny-lông, một
tay ôm hai phần ăn trưa, chân cố tình đi lảo đảo, miệng nói năng lảm nhảm, Đại
Nghi bước dọc theo Fulton Street là con đường chính của thành phố. Đi một đỗi,
chàng thấy trên vỉa hè, chỗ có mái hiên thụt vào bên trong của một cao ốc, có lẽ
đã bỏ trống vì làm ăn thua lỗ, một ông vô gia cư đang ngồi đó. Ông ta trông giống
như một quái nhân thời cổ hay một thị dân nghèo khổ chui rúc ở những khu ổ chuột
của thời Âu Châu bắt đầu công cuộc kỹ nghệ hóa. Râu tóc ông ta để dài và vì
không tắm gội, chải chuốt cho nên nhuốm màu đất. Vì khuôn mặt bị phủ khuất bởi
mái tóc, qua chòm râu xồm, rất khó đoán tuổi của ông ta. Có thể ông ta ở tuổi bốn
mươi, năm mươi, sáu mươi hoặc bảy mươi không biết chừng. Ông ta ngồi dựa vào bức
tường dưới mái hiên, tay trái tựa trên chiếc ba-lô nhơ bẩn. Chiếc ba-lô căng phồng,
không biết trong đó chất chứa những gì. Tay phải ông ta đặt lên lưng một con
chó vàng. Đại Nghi đứng cách ông ta khoảng năm, sáu bước, quan sát một hồi rồi
ngồi xuống. Có lẽ ông già vô gia cư cũng chẳng để ý chi đến sự xuất hiện của Đại
Nghi nhưng người chú ý trước tiên lại là con chó. Con chó vàng nằm úp mặt xuống
vỉa hè, chiếc mõm của nó dài theo mặt đất, đôi tai nó cụp xuống. Nó giương đôi
mắt buồn bã nhìn Đại Nghi rồi giống như chủ, nó lại cúi xuống nhìn lòng đường.
Thỉnh thoảng nó lại giương đôi mắt nhìn Đại Nghi như thế nhưng không phản ứng
gì. Khuôn mặt của nó rất buồn. Hình như nó hiểu được thân phận của nó. Cũng như
chủ, nó không có một mái nhà để chạy nhảy vui chơi, để vẫy đuôi mừng khi chủ nó
về, được ăn những món ăn ngon mà chủ nó mua từ những siêu thị. Nó chỉ là một
con chó vô gia cư. Một con chó vô gia cư cũng biết buồn và biết tủi thân. Ngồi
như thế khoảng dăm ba phút, Đại Nghi mạnh dạn nhích lại gần, chỉ còn cách ông
ta khoảng một thước. Tới đây thì Đại Nghi phân vân không biết phải khởi đầu như
thế nào. Ngôn ngữ của giới vô gia cư chắc chắn phải khác ngôn ngữ của người
bình thường. Thô tục, gắt gỏng, cộc lốc hay thế nào đó… chàng hoàn toàn không
rõ. Cuối cùng thì Đại Nghi chìa cái hộp đựng đồ ăn về phía người đàn ông rồi lựa
chọn một cách nói có vẻ như của kẻ vô gia cư:
-Ăn không?
Lão già mắt vẫn nhắm nghiền, ngồi bất động, không nói một lời. Lặng ngắm lão
già, Đại Nghi nói tiếp với giọng kẻ cả hơn:
-Này, có ăn không thì bảo?
Giây lát sau, lão già từ từ mở mắt, nhìn Đại Nghi không nói gì, rồi chìa tay
trái đỡ lấy hộp đồ ăn. Lão cẩn thận mở hộp ra, bẻ phân nửa chiếc Big Mac cho
con chó. Còn lão thì ăn phân nửa còn lại và khoai tây chiên. Con chó được chủ
cho ăn, nó mừng rỡ nhổm dậy. Trong khi nhai, thỉnh thoảng nó ngước mắt nhìn Đại
Nghi. Lão già ăn rất từ tốn như không có vẻ đói lắm và cũng chẳng thèm đưa mắt
nhìn hay nói năng gì với Đại Nghi. Lúc này Đại Nghi có cơ hội ngắm lão. Khuôn mặt
lão xương xương chứ không bì bì như những dân vô gia cư nghiện rượu và tỏa ra một
cái gì đó thanh thoát, hiểu biết. Ăn xong lão lấy mấy tờ giấy napkin
(5) có sẵn trong chiếc hộp, chùi miệng rồi lấy tay vỗ về con chó. Giây
lát sau lão cất tiếng:
-Tại sao cho đồ ăn?
Đại Nghi vội vã đáp:
-Vì thấy đằng ấy dễ thương.
-Dễ thương sao được? Một thằng homeless (6) lang thang trên đường
phố thì có gì dễ thương đâu? Nói dóc!
Để chiều lòng lão già, Đại Nghi nịnh tiếp:
-Đằng ấy trông có vẻ hiền!
Lão già lại đốp chát:
-Mẹ kiếp! Một thằng vô gia cư không hiền thì dữ với ai?
Nghe lão già nói thế Đại Nghi bí và không biết nói thêm gì nữa. Nhưng may mắn
làm sao, giây phút sau lão nói:
-Tại sao mày lại lang thang như tao?
Đại Nghi bịa chuyện:
-Tớ bị vợ đá ra khỏi cửa!
Nghe trả lời thế lão già phá lên cười nhưng tiếng cười vụt tắt rất nhanh.
Lão gục đầu xuống một hồi rồi ngẩng đầu lên, giọng nghẹn ngào:
-Tao cũng bị vợ “đá” như mày.
Tới đây thì dường như hố ngăn cách giữa
hai người không còn nữa. Đại Nghi thành thực nói:
-Ông kể cho nghe được không?
Bằng giọng vừa mỉa mai, bi thương vừa khôi hài, lão nói như trong cơn mơ:
-Tao là quản lý cho một công ty, lương trăm ngàn đô-la một năm. Tao lấy một con
vợ mặt mũi cũng khá xinh xắn. Cuộc sống của tao là niềm mơ ước của khá nhiều
người. Con vợ tao nói nó yêu tao, nhưng không hiểu sao, có thể do Trời sinh,
tính tình nó rất quái dị. Tao làm cái gì nó cũng nói sai, nó làm cái gì cũng
đúng. Tao nói cái gì cũng sai, nó nói cái gì cũng đúng. Tao mua cái gì nó cũng
chê đắt, nó mua cái gì cũng OK. Quan điểm, sở thích của nó về mọi vấn đề chính
trị, văn hóa, xã hội…đều đúng, còn của tao đều bậy. Tao cố nhịn nhục cho yên cửa
yên nhà nhưng cuối cùng sức người có hạn, tức quá tao xáng nó một bạt tai. Thế
là nó gọi cảnh sát đến còng tay tao rồi nạp đơn xin ly dị. Cuối cùng tao bước
ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Vì chán ngán, vì hận đời tao tìm lãng quên
qua những chai rượu và lang thang trên vỉa hè như thế này đây.
Tới đây, lão già ngừng lại rồi nói tiếp với giọng như muốn khóc:
-Cho mày hay. Đàn bà là Ông Trời! Cãi nó là chết. Nhớ nghe con. Đàn bà là chân
lý. Đừng bao giờ cãi lại đàn bà nghe con!
Nghe lão già nói thế, Đại Nghi thất kinh hồn vía. Là người chưa có vợ, chỉ bồ bịch
đi chơi, ăn uống, chiều đãi nhau qua lại, Đại Nghi chưa hề biết sức mạnh của
người vợ, người đàn bà. Nay nghe lão già nói “đàn bà là chân lý”
chàng chán nản vô cùng. Sau khi đối đáp một vài lời vu vơ, từ giã lão già,
chàng tiếp tục lang thang trên hè phố, đầu óc suy nghĩ miên man và rối mù. Cuối
cùng chàng suy luận rằng có thể có hai loại chân lý: Chân lý giữa cuộc đời đầy
tương tranh đố kỵ, tị hiềm này và một thứ chân lý khác vượt lên trên tất cả. Mà
vượt lên trên tất cả những thứ ô trược này chỉ có tôn giáo mà thôi. Nghĩ được
như thế chàng quyết định mua vé máy bay qua Rome. Do sự giới thiệu của một vị
linh mục, chàng được gặp một Đức Ông quyền cao chức trọng nay đã về hưu
đang sống trong viện dưỡng lão của giáo hội. Vì đã về hưu, tối ngày rảnh rỗi,
chăm lo cầu nguyện cho nên Đức Ông vui vẻ tiếp chuyện chàng tuổi trẻ. Đức Ông
nhẹ nhàng hỏi:
-Con gặp ta có chuyện chi?
-Dạ thưa Đức Ông, con muốn biết trên cõi đời này chân lý có thật không và chân
lý nằm ở đâu? Có thể nào chân lý thuộc về đàn bà không.
Chàng vừa nói dứt lời, mở to mắt vì ngạc nhiên, vị Đức Ông nói:
-Sao con lại hỏi thế? Đàn bà tạo ra từ cái xương sườn của đàn ông. Nếu nắm giữ
chân lý thì phải là đàn ông chứ sao là đàn bà.
-Thế nhưng ông già vô gia cư nói…
-Cái thằng cha đó uất ức nên nói bậy đó. Chân lý nằm ở Thượng Đế. Thượng Đế là
chân lý. Thượng Đế sáng tạo ra chân lý. Không có chuyện gì qua khỏi bàn tay của
Thượng Đế cả.
-Nhưng…
Đại Nghi ngắt lời vị Đức Ông và định nói thêm về những thứ chân lý mà quý ông
chủ tịch hội đồng quản trị hãng chế tạo vũ khí, ông tỷ phú, ông tổng biên tập tổ
hợp truyền thông, ông cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vừa “dạy bảo” chàng. Nhưng
Đức Ông đã chặn ngay:
-Không “nhưng nhị” gì cả. Con cứ về đọc lại Thánh Kinh và cầu nguyện. Cầu nguyện
và tin tưởng vào Thượng Đế con sẽ thấy đâu là chân lý.
Đại Nghi hiểu rằng đối với các bậc tu hành trọng vọng như thế này, điều tốt nhất
là vâng lời, không nên tranh luận, cãi vã. Chàng mau mắn vái chào vị Đức Ông,
nói lời cảm tạ rồi sau đó đáp máy bay đi Mecca xin diện kiến một giáo sĩ
Hồi Giáo. Vị này dành cả cuộc đời để nghiên cứu về Kinh Koran đang là giảng sư
của một trường giảng dạy Thánh Kinh cho các giáo sĩ trẻ. Thấy chàng là người gốc
Á Châu từ Mỹ tới, vị giáo sĩ vui vẻ tiếp chuyện. Sau khi lắng nghe nguyện vọng
của người tuổi trẻ, vị giáo sĩ nghiêm trang nói:
-“No God but Alah”. Không có Thượng Đế gì cả. Chỉ có Đấng Allah! Thánh
Kinh Koran là lời của Đấng Allah. Đó là chân lý. Không có một thứ chân lý nào
khác ngoài Kinh Koran.
Nghe trưởng lão nói thế, cũng giống như lần gặp vị Đức Ông trước đây, chàng
kính cần vái chào, nói lời cảm tạ rồi từ giã.
Lang thang ở Thánh Địa Mecca một ngày, đầu óc lùng bùng bởi những gì vị Đức Ông
và Giáo Trưởng nói, chàng quyết định đáp máy bay tới Thành Phố Allahabad bên bờ
Sông Hằng để tìm gặp các vị Lạt Ma Tây Tạng đang sống lưu vong ở bắc Ấn Độ.
Vào mùa này, khoảng 10 triệu dân Ấn Độ đang quy tụ dọc theo Sông Hằng - con
sông linh thiêng - để tắm gội hầu rửa sạch tội lỗi. Nhìn cả rừng người, đông
như kiến cỏ, quần áo có, trần truồng có, lao xuống dòng sông với vẻ mặt hân
hoan, thánh thiện, Đại Nghi tự hỏi không biết dòng sông này có khả năng gì để rửa
những tội mà con người phạm phải như trộm cướp, hiếp dâm, chuyển vận xì ke ma
túy, buôn bán nô lệ, tội ác chiến tranh, tội diệt chủng, hủy diệt văn hóa và
dân bản địa v.v…Cho dù có rửa được đi nữa thì sử sách nhân loại vẫn còn ghi,
làm sao tẩy xóa được? Tại đây có khá đông người dân Tây Tạng cùng các vị Lạt Ma
vượt thoát chế độ áp bức của Hoa Lục sinh sống như những người tỵ lưu vong. Sau
khi dò hỏi dân địa phương, chàng được tiếp xúc với một vị Lạt Ma. Sau khi nghe
xong khát vọng của người tuổi trẻ, vị Lạt Ma không nói gì mà pha một bình trà.
Sau tuần trà đầu, dường như thấy sự im lặng đã vừa đủ để những cảm xúc nồng nàn
của Hoài Nghi lắng xuống, vị Lạt Ma nhẹ nhàng hỏi:
-Con đi tìm chân lý hả?
-Dạ.
Vị Lạt Ma hỏi tiếp:
-Này ta hỏi con, trước khi con người xuất hiện ở thế gian này, chân lý có
không?
-Dạ không có.
Vị Lạt Ma lại hỏi:
-Thế sau khi con người biến mất trên cõi đời này, chân lý còn không?
-Dạ, chân lý cũng chết theo.
Vị Lạt Ma nhấp một ngụm trà rồi nói:
-Vậy thì chân lý không phải là một chủ thể độc lập mà nó cộng sinh với con người,
nó từ cuộc sống này đi lên, nó tùy thuộc vào con người và biến đổi theo tham-dục
của con người.
Chậm rãi châm tuần trà thứ hai, đợi cho chàng tuổi trẻ uống xong, vị Lạt Ma mơ
màng nói:
-Con người có thể đạt tới trình độ hiểu biết ngang nhau nhưng khát vọng và
tham-dục của con người thì không bao giờ giống nhau. Người ta có thể đồng ý với
nhau rằng một kẻ nào đó giết người nhưng tìm cách đối phó với kẻ sát nhân thì
hoàn toàn khác biệt. Kẻ thì tôn thờ phong thánh, gắn huy chương, kẻ thì
lên án, kẻ đòi tử hình, kẻ bài bác án tử hình đòi đối xử nhân đạo. Hiện nay kẻ
nắm giữ chân lý của loài người chính là kẻ nắm được số đông hoặc có sức mạnh
tài chính, quân sự hoặc truyền thông. Thế nhưng thế giới không phải cứ như thế
mãi. Khi số đông suy giảm hay một siêu cường thứ hai, thứ ba xuất hiện, chân lý
cũng sẽ khác đi, loài người sẽ sống trong một trật tự mới. Đôi khi chân lý là
tương quan lực lượng mà kẻ yếu thường cam chịu.
Nghe vị Lạt Ma nói thế, Hoài Nghi hỏi:
-Thưa Lạt Ma, như vậy chân lý có hay không? Và con phải quan niệm chân lý như
thế nào?
Vị Lạt Ma hiền từ đáp:
-Chân lý có chứ, nhưng nó là trăng đáy nước. Khi nào con nhìn chân lý như nhìn
mặt trăng đáy nước thì tâm địa bình ổn và không còn gì thắc mắc. Lát nữa đây,
khi con từ giã ta đến một nơi nào khác, lại có một sự biện giải khác về chân
lý. Nhưng tất cả đều như trăng đáy nước mà thôi. Chân lý nằm ở tất cả mọi nơi,
đầy khắp vũ trụ và nó không thuộc về ai cả. Người nắm giữ chân lý cũng giống
như người giữ nắm cát trong tay. Đôi khi kẻ khăng khăng nắm giữ chân lý, không
cho ai chia xẻ một chút chân lý khác lại là kẻ làm khổ người ta không biết chừng.
Nghe vị Lạt Ma nói thế chàng vô cùng ngạc nhiên, hỏi:
-Là giáo chủ của một tôn giáo mà Đức Phật không nắm giữ chân lý, cũng như không
tạo ra một thứ chân lý nào cho tôn giáo mình sao?
-Đúng vậy. Đức Phật không sáng tạo ra chân lý và cũng không nắm giữ chân lý. Lời
dạy của Đức Phật chỉ có mục đích giúp chúng sinh vơi bớt khổ cũng giống như ông
bác sĩ chữa bệnh. Ông bác sĩ không tạo ra bệnh cũng như không “nắm giữ” bệnh. Lời
biện giải về chân lý nếu có của Phật giống như lời ông bác sĩ giải thích cho
con bệnh biết nguyên do của bệnh và phương pháp chữa trị mà thôi.
Nghe vị Lạt Ma nói thế, Đại Nghi không hỏi thêm gì nữa. Chàng nhắm mắt lại rồi
mở mắt ra rồi thấy nhẹ nhõm cả người. Chàng vái chào vị Lạt Ma, nói lời cảm tạ
rồi bước ra ngoài.
Giờ đây dọc theo bờ Sông Hằng đoàn người đông như kiến cỏ vẫn đang cuồng nhiệt
lao xuống dòng sông tắm gội với vẻ hân hoan, thành kính lạ thường. Nhưng khác với
khoảnh khắc trước đây, tâm địa chàng trở nên bình ổn. Chàng không còn thắc mắc,
không còn hoài nghi và tra vấn về chân lý. Dường như tất cả những gì đang diễn
ra trước mắt chàng đều “như thị và như thị” và “như trăng đáy nước”.
Chàng đưa tay vẫy tay chào chào đoàn người đông như kiến cỏ đó rồi lặng lẽ bước
đi. Ngày mai đây chàng sẽ đáp máy bay về Mỹ và sống một cuộc đời rất bình thường
như hằng tỉ con người bình thường khác, không còn hoài nghi về bất cứ chuyện gì
trên cõi đời này.
Đào Văn Bình
(Trích tuyển tập truyện ngắn Mê Cung xb năm 2019, Amazon phát hành)
(1) Tán gẫu trên diễn đàn
(2) Khu thương mại, kịch nghệ, giải trí lớn nhất nước Mỹ nằm ở
ngã tư Broadway và đường Seventh St. và được coi như ”Ngã Tư Của Thế Giới “
(The Crossroads of the World)
(3) Cảnh sát trưởng Mỹ trong các phim Cao Bồi.
(4) Graffiti : Nạn vẽ bậy lên tường, cửa hiệu, xe cộ đang là thảm họa của
các nước văn minh.
(5) Khăn ăn bằng giấy.