Người học lịch sử sau này sẽ tự hỏi tại sao chế độ đó không
sụp đổ nhanh hơn, theo sau ở các nước Đông Âu và Nga, để dân Việt Nam được sống
tự do sớm hơn, có cơ hội phát triển kinh tế và văn hóa nhanh hơn?
Ký giả này đã nhiều lần tự hỏi một cuốn lịch sử Việt Nam in
năm 2075 sẽ nói gì về ngày 30 tháng Tư trước đó 100 năm?
Nhà viết sử sẽ ghi nhận 30 tháng Tư năm 1975 là ngày cuộc nội chiến đã chấm dứt giết chết hai triệu người Việt; sau đó ba, bốn trăm ngàn người Việt đã vùi xác trên Biển Đông khi tìm đường chạy trốn một chế độ độc tài khắc nghiệt. Sách có thể ghi chú rằng dân số cả nước lúc đó khoảng 35 triệu.
Các sử gia sẽ so sánh: Cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh vào thế
kỷ 17, 18 là do hai dòng họ các tướng quân tranh quyền, chiến tranh kéo dài đến
vài trăm năm. Cuộc nội chiến thế kỷ 20 không lâu như lần trước, chỉ có 16 năm,
từ tháng Năm năm 1959, khi toán quân Bắc Việt đầu tiên theo đường Trường Sơn
xâm nhập miền Nam. Nhưng số người chết cao gấp mấy chục lần.
Chắc các nhà viết sử sẽ phải nhìn rộng hơn để tìm hiểu cái
gì gây nên cuộc nội chiến thứ nhì này? Tìm đến gốc thì đó là một phần trong lịch
sử của cả loài người, cái gọi là “Chiến tranh Lạnh” giữa hai khối tư bản và cộng
sản. Gốc rễ bắt đầu là phương thức kinh tế tư bản phát triển vào thế kỷ 18 ở Âu
châu, đưa tới một phản ứng là lý thuyết Mác xít. Từ đó, có cuộc cách mạng năm
1917 thành lập một chế độ cộng sản ở nước Nga. Rồi thế giới chia hai, nhiều quốc
gia cũng bị cắt đôi theo hai ý thức hệ.
Trong lịch sử Việt Nam thì cuộc nội chiến chấm dứt năm 1975
chỉ là một đoạn trong một cuộc tranh chấp lâu dài hơn giữa hai chủ trương lập
quốc sau khi thoát nạn thực dân. Một bên là những người muốn đưa nước ta vào
làm một thành phần, một đội quân đi hàng đầu trong mặt trận quốc tế do Liên Xô
lãnh đạo. Bên kia là những người chủ trương lấy dân tộc làm mục đích chính yếu,
liên kết với các nước chống lại Nga Xô. Một bên muốn thiết lập chế độ chuyên
chính của đảng cộng sản, tổ chức kinh tế theo lối hoạch định tập trung. Bên kia
muốn tùy nghi học hỏi theo kinh nghiệm các chế độ chính trị tự do dân chủ, với
hệ thống kinh tế thị trường, cũng gọi là kinh tế tư bản, có thể tùy nghi lựa chọn
vì ở mỗi nước mỗi khác.
Nhưng không phải bất cứ một nước Á và Phi châu nào cũng trở
thành bãi chiến trường cho hai khối cộng sản và tư bản tranh hùng giết hàng triệu
người, như ở Việt Nam. Ấn Độ không, Thái Lan không, các cựu thuộc địa như Phi
Luật Tân, Malaysia, Indonesia, vân vân, cũng không lâm cảnh tương tàn bi thảm
như nước mình. Những nước đã bị chia đôi như Đức, Hàn Quốc sau năm 1954, cũng
không bị cảnh nội chiến kéo dài như ở Việt Nam. Có phải các quốc gia này tình cờ,
gặp may mắn hay chăng? Hay là giới lãnh đạo ở các nước đó khôn ngoan hơn người
Việt?
Vì vậy Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, và rất đáng
thương. Sự kiện đầu tiên đẫn tới cuộc nội chiến là ông Hồ Chí Minh lập đảng Cộng
Sản Việt Nam, nhắm mục đích đưa người Việt vào chủ nghĩa cộng sản, một tín ngưỡng
duy vật. Ông theo đường lối Stalin bên Maskva muốn dùng phong trào Cộng Sản Quốc
tế mở rộng ảnh hưởng của Nga ra khắp thế giới.
Lúc đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (sau bị Stalin bắt đổi tên
là Đảng Cộng Sản Đông Dương), nước Việt Nam đang bị người Pháp cai trị và bóc lột.
Người Việt Nam đã nổi lên chống Pháp suốt từ cuối thế kỷ 19. Tất cả mọi người
Việt Nam yêu nước đều chống Pháp. Tất cả đều mong đuổi người Pháp đi, xây dựng
một nước Việt Nam độc lập. Những chiến sĩ bị người Pháp hành quyết trong năm đó
là 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Các nhà cách mạng đều muốn nước Việt Nam
sau khi độc lập sẽ theo một chế độ dân chủ, tự do giống như thể chế của nước
Pháp sau các cuộc cách mạng 1789 và nước Trung Hoa từ năm 1911.
Ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam nghĩ khác. Họ nêu
chủ trương rõ rệt là sau khi được độc lập thì sẽ thiết lập ở nước ta một chế độ
theo kiểu của Stalin gọi là “vô sản chuyên chính.” Họ nhắm biến Việt Nam thành
một phần của mặt trận vô sản thế giới chống chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Theo ông
Stalin, các khái niệm về quốc gia, về tổ quốc là các tư tưởng lạc hậu.
Các người nghiên cứu có thể thấy rõ ý nguyện của Hồ Chí Minh
trong báo Thanh Niên do ông xuất bản ở Quảng Châu. Ngày 18
tháng Mười năm 1925 báo này in trên tiêu đề khẩu hiệu: “Vô sản toàn thế giới,
hãy đoàn kết lại!” Đó là kết luận của bản Tuyên ngôn Cộng Sản, do hai nhà triết
học Đức, Karl Marx và Friedrich Engels viết vào tháng Hai năm 1848. Câu này vẫn
còn trên bia mộ của Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London.
Ngày 20 tháng 12 năm 1926 ông Hồ viết trên báo Thanh
Niên: “Cái danh từ tổ quốc là do các chính trị gia đặt ra để đè đầu nhân
dân ... để buộc những người vô sản phải cầm vũ khí bảo vệ tài sản của địa chủ
và quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực ra, chẳng có tổ quốc, cũng chẳng có biên
giới.” Không có quốc gia, không có tổ quốc, đó là quan điểm rõ rệt của ông Hồ
Chí Minh.
Đảng Cộng sản ra đời năm 1930 đặt cho phong trào giải phóng
dân tộc ở Việt Nam trước một ngã rẽ: Phải lựa chọn giữa khuynh hướng quốc gia,
dân tộc và một chủ nghĩa quốc tế.
Ông Hồ Chí Minh đã chọn đường lối quốc tế, sau khi “hãnh diện
đã được giác ngộ” ở Pháp, rồi được huấn luyện các kỹ thuật nghề gián điệp,
tuyên truyền, ở Maskva. Nhiều nhà cách mạng Việt Nam không đồng ý, họ chỉ nhắm
mục tiêu giành độc lập dân tộc.
Từ đó, ở nước ta có hai xu hướng chính trị đối nghịch, quốc
gia và quốc tế, mối xung đột càng ngày càng nặng nề. Khi thế giới chia ra hai
khối theo ý thức hệ tư bản và cộng sản, Việt Nam cũng chia làm hai, giống ở Đức
và Hàn Quốc. Vì vậy nước ta trở thành chiến địa cho hai thế lực quốc tế, làm
nơi thí nghiệm các loại vũ khí của Nga và Mỹ.
Các nước Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân không lâm cảnh
tương tàn vì họ không có những đảng cộng sản trung kiên và tàn bạo như ở Việt
Nam. Những nhà cách mạng xu hướng quốc gia ở các nước này không bị Cộng Sản sát
hại trước khi bắt đầu cuộc tranh đấu vũ trang đòi độc lập. Ở Việt Nam thì Đảng
Cộng Sản lo thanh toán tất cả những lãnh tụ quốc gia có uy tín, như Trương Tử
Anh, Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ, vân vân trước khi đánh nhau với Pháp. Hồ Chí Minh
cũng theo đúng chỉ đạo của Stalin, sát hại những chiến sĩ Đệ Tứ Quốc Tế như Trần
Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu. Đảng Cộng sản thành công vì họ dám vứt bỏ
đạo lý, bất chấp các quy tắc pháp luật, nói lời gian trá không ngượng miệng, giết
người không ghê tay.
Các nhà viết sử sau này có thể ghi nhận 30 tháng Tư năm 1975
cũng là ngày bắt đầu giai đoạn suy yếu của chủ nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam. Khi
chiến tranh chấm dứt, người dân có dịp so sánh hai chế độ ở miền Nam và Bắc.
Nhiều nhà trí thức nhìn thấy những dấu vết của một xã hội tự do tương đối ở miền
Nam, dễ thở hơn so với miền Bắc. Đảng Cộng Sản để lộ bộ mặt thật, là một guồng
máy cai trị bằng công an, độc tài, tham nhũng, bất lực trước vấn đề hiện đại
hóa đất nước. Cộng Sản Việt Nam khó biện minh cho các chính sách chuyên chế,
tàn bạo như cũ, phải thay đổi.
Đến những năm 1980 thì đảng Cộng Sản Việt Nam quay đầu ngược
lại, cũng chập chững đi theo kinh tế tư bản như khi họ bắt đầu phát triển hồi
thế kỷ 19. Cảnh sụp đổ của các nước cộng sản ở Âu châu càng giúp người Việt thấy
rõ những nhược điểm của guồng máy cai trị mà ông Hồ Chí Minh đã gây dựng lên
theo kiểu mẫu ông học ở Nga xô.
Người học lịch sử sau này sẽ tự hỏi tại sao chế độ đó không
sụp đổ nhanh hơn, theo sau ở các nước Đông Âu và Nga, để dân Việt Nam được sống
tự do sớm hơn, có cơ hội phát triển kinh tế và văn hóa nhanh hơn? Vì một guồng
máy chuyên chính, độc quyền rất khó thay đổi. Những người nắm quyền trong tay sẽ
không bao giờ muốn bị giảm bớt, đừng nói đến bị mất quyền. Hệ thống công an được
nuôi dưỡng để bảo vệ quyền hành cho các đảng viên, họ nói thẳng rằng “Đảng Còn
thì Mình Còn.” Hệ thống kiểm soát các nguồn thông tin khiến người dân chỉ còn
biết lo nhu cầu “cơm áo gạo tiền,” không nghĩ tới ước vọng nào cao hơn. Nếu nới
lỏng hai gọng cùm kiểm soát này, dân Việt nếm mùi rồi đòi thêm tự do thì các đảng
viên sẽ mất hết ưu quyền, không thể ngồi trên đầu dân mãi được.
Đến năm 2075 người Việt đọc lịch sử nước mình sẽ thấy Việt
Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, thật đáng tiếc. Giữa thế kỷ 19 khi bắt đầu tiếp xúc
với Tây phương, nếu chính quyền nhà Nguyễn biết canh tân đất nước, thì chắc nước
mình đã khá, nếu không tiến nhanh bằng Nhật Bản thì cũng phải theo kịp Thái
Lan. Vào cuối thế kỷ thứ 20 nếu chế độ cai trị thay đổi toàn diện và nhanh
chóng sau năm 1990 thì chắc nước Việt Nam không đến nỗi thua kém các nước lân
bang như Mã Lai, Cam Bốt, Phi Luật Tân. Nếu Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại thì
bây giờ cũng có thể tiến gần bằng Đại Hàn Dân Quốc hay Đài Loan. Sẽ không đến nỗi
người dân hãnh diện kiếm được tiền nhờ làm công nhân lắp ráp trong cơ xưởng của
Sam Sung hay Foxconn, mà khi họ cần đến một cây đinh ốc mình cũng không cung cấp
được.
Một bài học kinh nghiệm mà người Việt Nam năm 2075 có thể
nghĩ ra là đừng bao giờ chấp nhận sống dưới một chế độ độc tài. Nhất là một chế
độ dựa trên một hệ thống tư tưởng giáo điều, hủ lậu, cố chấp, mà các vua quan cộng
sản còn tham những gấp vạn lần vua quan thời phong kiến.