Tôi đứng trước tủ áo mở toang, lần lượt nhìn từng cái, nghĩ
thầm: Cái đầm này tay áo ngắn quá, lớn tuổi rồi cánh tay chẳng còn tròn lẳn như
xưa, lại phơi ra thì không lịch sự cho lắm!.. Còn chiếc áo này thì cổ hơi hở, lần
đầu tiên gặp người ta, mình không tự nhiên! Chiếc quần này thì ống loe quá làm
người mình sao lùn hẳn…
Cứ thế tôi tung hết cả cái tủ quần áo ra đầy giường ngủ lớn queen size mà vẫn chưa chọn được cái nào vừa ý mặc cho chiều nay, lại gần đến giờ phải đi nữa, từ nhà đến chỗ hẹn cũng phải mất 1 tiếng đồng hồ trừ hao giờ kẹt xe nữa chứ; thế mà chả có cái nào hợp với mình vào lúc này cả, vậy mà cuối tuần nào tôi cũng đi shopping với bạn, khiêng về bao nhiêu cái!
Nhìn đồng hồ, rồi vội vàng bấm số gọi cho cô bạn:
- Allo Thu Hằng hả? Bích Chiêu đây... Cho mình xin lỗi nhé,
chắc mình sẽ không đến đâu, mất công quá...
- Tại sao không đến?
- Tại vì…
Tiếng Thu Hằng nói rõ ràng trong điện thoại vẻ không bằng
lòng lắm:
- Nè Bích Chiêu ta nói cho mi biết nhe, người ta không phải
người ở đây đâu, lâu lắm mới về thăm gia đình một lần, ta phải nói gãy lưỡi mới
có ngày họp mặt hôm nay, hôm thì mi bận, hôm thì ổng bận, rồi hôm thì ta bận...
Cả 3 người mình đâu phải ở không đâu mà muốn gặp lúc nào thì gặp chứ! Mi phải
biết muốn gặp nhau lấy hẹn rất khó, mi lại mè nheo nữa thì ta hết ý rồi đó…
- Ta xin lỗi!
- Vậy sao ngay từ đầu mi không nói luôn là không muốn gặp
đi, để ta đỡ phải mất công lấy hẹn? Mà nói cho ta biết vì sao mi lại đổi ý vậy
để xem có lý không cái đã?
- Tại vì... ta không tìm được bộ đồ nào cho vừa ý…
- Thiệt tình! Chờ đó, để ta đem đến cho mi bộ đồ của ta nhe!
- Thôi! Đồ mi toàn là cái hở sâu quá không à.
- Dạ thưa chị, em biết chị chỉ thích mặc mấy đồ kín cổ cao
tường, áo đầm dài chấm đất, bao phủ toàn thân phải không? Chán mi ghê, ổng có
chấm điểm quần áo đâu chứ, chỉ muốn nói chuyện thôi.
- Thì lần đầu gặp gỡ mà mi, sure là ổng sẽ nhìn mình từ đầu
tới chân rồi.. Ta ngại quá! Ta nghĩ lại rồi, bây giờ mình đã không còn trẻ, đã
gần 60 rồi, không biết có cần ai làm bầu bạn không nữa, ta đã quen sống một
mình, quen tự do cả 10 năm nay rồi, bây giờ lại quen thêm ai nữa cho mệt, lại
làm phiền cả đôi bên... ta...
- Hey! Stop nhe! Nói cho mi biết nhe, ta mệt vì mi và cả ổng,
cả 2 người y chang vậy, ổng cũng như mi, sáng nắng chiều mưa, lúc thì yes yes,
lúc thì no no... Ta nói hết nước miếng luôn đó! Thôi, đi thay đồ đi ta đến đón
nhe, trong nửa tiếng nữa ok.
Tôi ngần ngừ thì đã nghe cô bạn cúp cái rụp bên kia đầu dây.
Quay trở lại với núi quần áo đầy một giường, tôi phải mặc 1
trong những thứ ấy mà thôi vì không còn chọn lựa nào khác nữa, nếu không phải mặc
đồ cô ta áo thì ngắn tay rộng, cổ lại khoét sâu nữa!
***
Mùa Xuân năm ngoái tại hội chợ Tết, giữa tiếng pháo đỏ đì
đùng, đoàn múa lân với thằng bờm nhảy lao xao trước tiệm bán hoa mai đào của
đoàn tôi cho việc gây quỹ từ thiện, tôi gặp lại cô bạn học cũ thời trung học,
Thu Hằng. Chúng tôi rất thân nhau thuở cùng đi học; đã khoảng một thời gian dài
20 năm chúng tôi chưa từng gặp lại vì sau khi học xong, mỗi đứa một nơi, lập
gia đình, bận rộn chuyện công sở... Thu Hằng vẫn không đổi bao nhiêu, vẫn hay
nói cười huyên thuyên, đã lập gia đình nhưng vẫn chẳng có con.
Còn số phận tôi không được may mắn lắm, chồng tôi đã qua đời
sau một cơn bạo bệnh cách đây 10 năm, anh ra đi nhẹ nhàng, bất ngờ sau khi ăn
cơm chiều xong, chàng bị lên cơn đau tim, gục xuống bàn và chìm sâu vào giấc ngủ
miên viễn, chúng tôi vô cùng hụt hẫng, và không chuẩn bị; gánh nặng như thêm sức
làm oằn đôi vai gầy guộc của tôi, vừa đi làm, vừa trông con, làm tôi không còn
chút thì giờ nào cho riêng mình.
20 năm như một thoáng mơ, hai đứa chúng tôi ngồi với nhau ở
hội chợ Tết, tôi kéo chiếc ghế cho bạn ngồi, hai đứa tâm sự với nhau mãi đến
chiều khi chẳng còn người trên sân khấu nữa, nhìn xung quanh mọi người đã về hết,
Thu Hằng vẫn cứ nài nỉ tôi:
- Mi hãy nghe ta, đi thêm một bước nữa cho bớt cô đơn, thấy
mi còn trẻ, còn sắc, ta thấy tiếc lắm!... Mà mi nhớ ông anh ta không? Cái ông
chả bao giờ nhìn đến con gái cả đấy?
- Ta... thật tình cũng nhiều lúc thấy buồn và lẻ loi lắm,
nhưng nghĩ mình đã lớn tuổi, vác thêm một người nữa lại phải có trách nhiệm, rắc
rối quá!
- Cứ thử xem sao, hãy mở lòng và cho mình một cơ hội nữa, được
thì tiến xa, không thì mi cũng chả mất mát gì mà, đúng không? Con mi đã lớn,
hãy nghĩ cho bản thân mình.
Tôi chả biết trả lời sao, im lặng sửa soạn mọi thứ chất lên
xe ra về.
Lúc tôi vừa bước lên xe, nó cố níu tay tôi:
- Ông anh ta sẽ từ bên Pháp về thăm nhà vào tuần tới, ta sẽ
tạo điều kiện cho mi và ổng gặp nhau nhé?
- Thôi thôi, ta ngại lắm, đừng đừng!
- Hum... Chán mi quá, cứ suy nghĩ đi, có gì nói ta biết sau.
Nàng vẫy tay chào tôi khi tôi cho máy xe nổ sửa soạn về nhà.
Trên đường về, tôi nhớ lúc nãy Thu Hằng có kể cho tôi nghe về
ông anh của nàng. “Anh Ba của ta rất thành công trong sự nghiệp, anh đã giữ những
chức vụ rất cao, làm được rất nhiều tiền, tậu nhà cửa thật đẹp, nhưng ảnh chả
có ai để chia sẻ... Bây giờ ảnh đã về hưu với căn nhà kếch xù, bốn bức tường
màu ngà cũng quay mặt làm ngơ mỗi khi ảnh muốn kể một câu chuyện khôi hài, những
chậu hoa vẫn quay mặt lãnh đạm trên chiếc bàn rộng lớn trong nhà bếp, căn bếp
thì lúc nào cũng lạnh tanh và đầy bụi bặm; nên lúc này chàng mới nghĩ đến việc
cần một nửa còn lại của mình!
Tôi mỉm cười, con người ta khi nào cần thứ gì thì mới đi tìm
thứ đó, chứ lúc chưa cần có người đem dâng đến “mõm” cũng không thèm nhìn tới!
Hình ảnh một người đàn ông cao, gầy, quần áo phẳng phiu
nhưng chỉ mỗi một cái áo trắng với chiếc quần tây đen duy nhất... Tôi đã nhớ ra
ông anh này của nàng rồi, chỉ biết ở nhà gọi là anh Ba chứ không biết tên anh
trên khai sinh là gì nữa.
Nhà Thu Hằng có 3 anh em. Nàng là con gái út; anh hai đã có
gia đình khi chúng tôi mới vào lớp 6, anh ba là con mọt sách, chàng thích
nghiên cứu về khoa học, suốt ngày vùi đầu vào thư viện với đôi mắt kiếng dầy cộm
mà chẳng bao giờ ngước đầu lên để nhìn ánh mặt trời; tôi nhớ nhiều lần đến nhà
cô bạn, chàng đi ngang qua chiếc xích đu mà tôi và Thu Hằng ngồi giữa sân,
chàng cứ lăm lăm đi thẳng ra cổng, cho đến khi cô bạn tôi gọi giật lại:
- Anh Ba, bạn em chào anh kìa!
Anh quay lại liếc tôi một cái, vẻ xấu hổ vì gặp con gái,
khuôn mặt anh đỏ bừng, luống cuống anh nói:
- Chào... ở nhà chơi với Thu Hằng nhé!
Chàng nhảy lên xe và vọt thẳng ra ngoài đường.
Kỷ niệm của tôi về chàng chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu! Vậy mà 30
năm chả làm chàng thay đổi, vẫn độc thân với quyển sách! Còn tôi, tôi đã già đi
rất nhiều, đã trải qua bao cuộc bể dâu của cuộc đời, công việc, con cái và sự
ra đi của chồng tôi làm cách nhìn cuộc đời của tôi khác đi, mong manh trống trải
hơn nữa. Tôi và chàng có thể hợp nhau được không? Có thể có cùng một điểm nào
chung giữa chúng tôi không đây?
Chàng và tôi đều về hưu, có thể như Thu Hằng nói “... sẽ
cùng nhau đi du lịch, lo cho nửa đời về sau của tụi mi, có tiền cùng hưởng, có
cháo cùng húp, nâng đỡ lẫn nhau.. thay vì mướn người lạ trông nom,thay tã,đút
cơm...” Nghĩ đến đây tôi phì cười! Thời bây giờ sao thực tế hết sức chả còn
lãng mạn tình yêu gì ráo, chỉ nghĩ đến cái lợi lộc đổi chác của chính bản thân
mình.
Nhưng nếu ở một mình thì như tình trạng hiện tại của tôi, tự
do trong cô đơn, buồn vui hay hạnh phúc cũng chẳng thể kể cho một ai, muốn đi
du lịch cũng thấy thiếu thốn một cái gì đó! Con cái bận bịu công việc của riêng
nó, tôi chẳng thể kể lể tâm sự với đứa nào cả!
Rốt cuộc, sau một tuần suy nghĩ, Thu Hằng điện thoại để hỏi
thăm thì tôi đã trả lời với nàng:
- Ta chấp nhận lời đề nghị của mi…
- Vui quá! Vậy mi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi phải không? Cuối tuần
này anh ba ta về thăm gia đình, ta sẽ đến đón mi về nhà ta nhé!
- Nhưng…
- Thôi đừng có nhưng nhiếc gì nữa, đã quyết định rồi và mi
có mất gì đâu, gặp hợp thì tiếp tục, không thì ngưng, có gì mà mi phải quýnh
lên!
- ...Ta thấy… sao sao ấy!
Tiếng cô bạn tôi của tôi cười hăng hắc một cách chiến thắng ở
đầu dây bên kia:
- Vậy nhé! Ta sẽ đến khoảng 2 giờ trưa cuối tuần này,
ok!
***
Tôi thấy vui vui hồi hộp trong lòng như đứa con gái 18 tuổi
lần đầu tiên hẹn hò, cái cảm giác phập phồng ấy làm tôi quýnh quáng, không chọn
được cái áo nào cho phù hợp, tôi phải tự trấn an mình:
Hít thở nào, hít sâu vào, thở ra cho sảng khoái, không có gì
cả, chỉ là một cuộc gặp gỡ bạn bè mà thôi, đừng quýnh, đừng lo lắng!
Tiếng dingdong vang lên ngoài cửa, tôi vội vã chạy ra mở,
đôi mắt tôi chợt mở thật to, khuôn miệng há tròn. Người đứng trước mặt tôi
không phải Thu Hằng như đã hẹn mà là một ông già với hàm râu quai nón muối
tiêu, mái tóc bạc gần hết đầu, nhưng đặc biệt đôi mắt lanh lợi, yêu đời, ông ta
thấy tôi ngạc nhiên và đứng như trời trồng, vội vàng trấn an:
- Cô có phải là Bích Chiêu không?
- Vâng! …
- Thu Hằng nhờ tôi... cổ quá bận nên muốn nhờ tôi đến đón
cô.
- Vậy anh đây chính là... anh Ba…?
- Dạ tôi... tôi là…
-Anh... Ba có nhớ em không? Hồi xưa ở Việt Nam em hay đến
nhà anh để học bài chung với Thu Hằng đó...
- Ờ... Ờ…
- Anh Ba sao khác lạ ghê, nếu đi ngoài đường chắc chắn em
không nhận ra đâu!
-...
- Anh Ba có thấy em thay đổi nhiều không? Chắc em già quá...
anh cũng không nhận ra há!
Tôi thấy anh nhoẻn miệng cười, cứ như người ngậm bồ hòn, ăn
nói thật từ tốn, giữ ý tứ. Tôi lại nghĩ là chắc sợ tôi đánh giá con trai nói
nhiều nên anh giữ kẽ.
Trong lúc chàng lái xe, tôi ngồi bên cạnh có dịp liếc nhìn
chàng từ đầu đến chân, lại từ chân lên đầu, chàng đã thay đổi rất nhiều, hồi
xưa chàng không để râu quai nón như vậy, dáng người không mập và có bụng như
bây giờ, cặp mắt có tuổi nên híp và đầy nếp nhăn, chân mang đôi giày sandale
mùa hè, hở chân, những móng chân dài chưa cắt trông không sạch sẽ chút nào, chẳng
có gì là người «trong mộng» của tôi cả.
Tôi buồn buồn suy nghĩ người này có thể cùng tôi đi hết đến
cuối cuộc đời được không đây?! Dưới mắt cô bạn tôi, tôi hợp với người này hay
sao? Cô bạn tôi phải biết gout tôi thế nào chứ, biết rằng khi lớn tuổi người ta
không còn trẻ đẹp như xưa, nhưng ít ra cũng phải săn sóc chút ít vẻ ngoài của
mình cho dễ nhìn, nhất là bây giờ anh ta đang đi gặp người «nửa của mình»!
Tôi thất vọng vì ngoại hình của anh Ba, định bụng sẽ nói với
anh cho tôi xuống ở góc đường trước mặt kia. Tôi không muốn phí thì giờ của
mình nữa, thà tôi ở một mình suốt đời còn hơn là…
Anh Ba chú ý lái xe, thỉnh thoảng đến những chỗ đèn đỏ, anh
ngừng lại, tay với chai nước lọc:
- Cô uống đi cho đỡ khát, trời hôm nay hơi nóng, cũng không
có gió, mặc dù tôi đã để máy lạnh hết cỡ vẫn thấy hầm quá... đường xá lại đông
đúc nữa…
- Dạ em không khát đâu anh, em thích cả bốn mùa ở Canada
này, mỗi mùa có một cái rất riêng biệt của nó...
Tôi chưa nói hết lời, đèn xanh bật lên, bỗng tôi nghe anh bấm
kèn inh ỏi, mặt tức giận đỏ ửng, vì một bà Ấn Độ ở phía bên lane trái muốn quẹo
phải, cắt đầu xe anh mà không để đèn báo hiệu, may là anh Ba đạp thắng kịp chứ
không thì sẽ đâm vào hông xe của bà ấy. Còn đang trong cơn tức giận, anh Ba chửi:
- Đồ chết tiệt, cứ tưởng là đàn bà muốn làm gì thì làm hay
sao? Ra đường mà gặp mấy mụ này thì xui cả ngày!
Nói xong, anh Ba cảm thấy như lỡ lời, liếc qua nhìn tôi,
phân bua:
- Cô thấy không, mấy bà già lái xe ẩu như thế đó, tôi không
hiểu sao họ lại đậu bằng lái xe được nữa, cứ tưởng như đi bộ trong nhà hay sao
đó, muốn cua đâu thì cua, quẹo đâu thì quẹo, như nằm trên giường muốn lăn đâu
cũng được!
- Không còn con đường nào khác ngoài con đường này để đến
nhà Thu Hằng hả anh? Nếu không thì mình cũng có thể lấy con đường khác?
- Đường nào cũng vậy thôi, giờ này học sinh ra về nên đường
sẽ kẹt lắm, kẹt không sao, nhưng tôi chỉ sợ mấy bà lái xe ẩu!
- Anh lái xe cũng giỏi ghê, biết nhiều đường nữa.
- Tôi chỉ lái theo GPS thôi, nó chỉ sao tôi đi vậy! Chắc cô
cũng mệt vì trời nắng quá…
Bất thình lình tôi nghe cái rầm, xe bị lọt vào cái ổ gà giữa
đường, rồi nhảy lên, tiếp sau đó là tiếng nổ vang dội ở phía bên tôi ngồi; giật
mình, tôi ôm chặt lấy cánh tay phải của anh, mắt nhắm nghiền, miệng la:
- Ahhh…
Khi mở mắt ra, tôi thấy anh nắm chặt lấy hai bàn tay tôi,
khuôn mặt lo lắng, nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Đừng lo! Đừng sợ, có anh đây! em uống miếng nước cho bớt
căng thẳng!
Tôi lắp bắp:
- Chuyện gì vậy anh? Xe bị gì vậy anh?
- Em cứ ngồi yên trong này nhé, để anh xem có cái garage nào
gần đây không, xe mình bị sụp ổ gà nên bể lốp xe!
- Bể lốp xe sao?
- Đúng rồi! Đường nhiều ổ gà quá anh đã không tránh khỏi nên
bị sụp vào đó và bánh xe bị bể, cũng may là không bị đụng xe vì dễ bị lạc tay
lái đâm vào xe bên cạnh. Để anh chạy từ từ đến garage gần đây, em đừng lo.
Anh chạy xe thật chậm đến garage gần đó, không dám đi nhanh
sợ làm hỏng cái niềng. Đến nơi, mừng quá anh vội nhảy ra khỏi xe ngay đi tìm chủ
garage, không thấy ai ở đó cả, đi vòng quanh trước sau, cánh cửa sắt vẫn đóng
im ỉm, điện thoại theo số họ ghi ở trước cửa, cũng không thấy ai cầm, hỏi những
nhà bên cạnh thì họ nói là garage đã đóng cửa vài ngày nay rồi!
Anh nhìn tôi, cười trừ:
- Em đừng lo, giúp anh vài thứ nhẹ nhàng nhé, đưa cho anh mấy
cái dụng cụ này khi anh cần.
Nói xong, anh vòng ra sau mở nắp xe sau đưa tôi nào là
tournevis, clé, molette, kìm búa... Anh thoăn thoắt như người thợ đầy kinh nghiệm,
nâng xe bánh trước lên bằng đồ nâng quay tay, rồi lấy dụng cụ thay bánh, tôi cứ
tưởng anh phải khổ sở tốn nhiều thì giờ lắm, nhưng khoảng 30 phút, bánh xe đã
được thay xong xuôi.
Trong lúc dọn dẹp đồ nghề vào cốp xe, bỗng trời trở nên xám
xịt, gầm gừ, như báo hiệu cơn mây mưa sắp đổ.
Anh Ba nhìn tôi thở phào:
- May quá, mình vừa thay xong bánh xe chứ không thì nền đất ẩm
ướt thì làm sao mà ngồi quỳ xuống đất được, với lại nhờ chỗ garage này khô ráo
trên sàn xi măng nên mình làm nhanh gọn như vậy, trong cái rủi lại có cái may!
Lúc này tôi mới nở nụ cười với anh:
- Anh thật nhanh nhẹn quá, rất rành về xe cộ, nếu những người
khác bị như vậy, họ sẽ không biết làm sao rồi, đi với anh, em thật an tâm!
Anh Ba nhìn tôi với cặp mắt thật xúc động:
- Cám ơn em đã tin tưởng anh! Nhiều cô không hiểu anh, nghĩ
anh không biết lo lắng hay ăn nói không có duyên, quá thẳng, họ chỉ tìm những
người nói những lời hoa mỹ, đến khi có chuyện lại không biết làm gì cả!
Tôi nhìn tận sâu trong đáy mắt chàng, lần đầu tiên tôi cảm
thấy chàng chân thật và thật gần gũi,không khách sáo. Tôi tưởng như đã quen
chàng từ lâu lắm rồi, chứ không phải mới một vài giờ đây thôi, vì chàng tự
nhiên, đơn thuần và đối xử với tôi như người đã thân quen ngay từ lúc ban đầu.
Bỗng nhiên tôi có chút cảm phục chàng và muốn tìm hiểu chàng
nhiều hơn nữa nên đã bỏ ý định muốn về nửa chừng lúc nãy.
Chàng lấy một khăn giấy ướt sạch trong cốp ra đưa cho tôi:
- Em lau tay đi, dính dầu dơ hết rồi!... Lại chùi tùm lum
nên trên trán có dính vết dầu nữa!
Tôi đưa tay lên trán lau, không đúng chỗ, anh Ba cười vang:
- Hahaha, em lau bên trái, vết dầu ở bên phải cơ mà! Đưa anh
lau dùm cho!
Với sự tự nhiên, anh cầm chiếc khăn lau trán phải của tôi một
cách cẩn thận, nhẹ nhàng; anh ngắm nhìn tôi, thì thầm đủ tôi nghe:
- Bây giờ đẹp gái rồi đấy!... Uổng thật!
Tôi mở mắt thật to, ngạc nhiên ngước lên nhìn anh:
- Uổng gì ạ?
- Em ở góa...10 năm rồi sao? Có thật không? Sao không tìm một
người bạn nào đó? Em còn trẻ và đẹp lắm!
Khuôn mặt tôi bắt đầu ửng đỏ, một chút e thẹn thời con gái
len lén nhẹ vào tim. Đã 10 năm tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ phải gặp một người đàn
ông khác, sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, yêu nhau và kết hôn... Bao nhiêu thứ lỉnh
kỉnh nhiêu khê tốn thời gian ấy, tôi phải bắt đầu lại hay sao?!
Bỗng nhiên, anh vòng tay ôm vai tôi, kéo tôi chạy vào bên
trong một hiên nhà gần đó, miệng nói không ngừng:
- Nhanh lên, chạy nhanh lên, trời đang đổ cơn mưa lớn đó!
Chúng tôi vừa vào đến mái hiên ở một căn nhà gần đó, thì cơn
mưa cũng đuổi theo bén gót, đổ xuống như trút nước, anh đưa tay ra ngoài mưa hứng
những hạt mưa to và nặng giữa trưa hè:
- Những cơn mưa như thế này làm anh nhớ về quê hương mình
quá! Đã gần 40 năm anh chưa có dịp về lại thăm đất nước, còn em đã về lại chưa?
- Em cũng chưa bao giờ về lại từ ngày qua đây, họ hàng em chẳng
còn ai bên ấy hết, còn bạn bè thì không biết có còn giữ tình bạn của ngày xưa
không, em cảm thấy mình sẽ lạc lõng khi về lại nơi ấy.
- Anh thì khi trẻ lo học, lo làm việc, đến lúc về hưu anh mới
thấy mình... thiếu rất nhiều thứ mà lẽ ra khi còn trẻ mình phải làm cho mình
ngoài sự nghiệp, vật chất…
- Anh muốn nói đến... một nửa kia phải không?
- Đúng đấy, anh chưa từng nghĩ lập gia đình là việc hệ trọng
của cuộc sống.. Anh thiết nghĩ con người thành công nhờ sự nghiệp vật chất là đủ,
anh loay hoay trong sự suy nghĩ ấy, và làm việc thật nhiều thật nhanh để đạt đến
con số anh đề ra, rồi khi về hưu anh mới thấy mình thật bơ vơ, trống vắng. Em
biết không, nhiều người giới thiệu cho anh, các cô đến với anh chỉ vì anh có
nhà cửa, anh có tiền bạc, nhưng chất “xúc tác” giữa tụi anh thật vô vị nhạt nhẽo,
anh không có chút cảm xúc nào khi ở bên cạnh họ, nếu ép mình thì đâu gọi là hạnh
phúc nữa! Con người anh lại sống rất chân thật, anh không thích những sự màu mè
bên ngoài, khi ở chung mới lật tẩy nhau... Nếu ai chỉ yêu cái mả bề ngoài, thì
đừng tiếp tục tìm hiểu anh làm gì, vì con người phải sống bằng trái tim và tâm
của họ chứ!
Trời vẫn nắng, mưa vẫn cứ rơi, một cậu bé chừng 12,13 tuổi,
người dân da đỏ ăn xin bỗng nhiên xuất hiện bên kia đường, chạy vội vào mái
hiên chỗ chúng tôi đang trú mưa, người ướt như chuột lột, tóc dán chặt vào đầu,
nước mưa tong tong chảy từ đầu, quần áo xuống chân, cậu bé cất tiếng:
- Xin hãy cho con ít tiền đi xe bus về nhà... Con thật đói
vì chưa ăn gì cả ngày hôm nay, hãy giúp con và em gái con, nó ở đằng kia vì trời
mưa không thể theo con được.
Anh nhìn nó một lúc rồi nói:
- Chờ chú ở đây nhé, chú sẽ cho con cái này!
Nói rồi, chàng chạy băng ngang cơn mưa, những giọt nước làm
ướt cả áo, cả người nhưng chàng vẫn không màng, ra đến xe, tôi thấy chàng lục lọi
một lúc, xách vào hiên:
- Con hãy cầm lấy những thứ này về cho em gái nhé!
Anh đưa cho thằng bé cả gói đồ ăn sandwich kẹp trứng và thịt
ham mà anh đã mua để dành trong xe lỡ có đói thì dùng, một cây dù lớn, và 20$.
Thằng bé mừng quá vì gặp được người rộng lượng, hai tay ôm một
đống đồ vào bụng để đừng bị ướt, nó cúi đầu thật thấp:
- Con cám ơn cô chú, rất cám ơn chú đã cho con và em gái con
nhiều đồ quá... Chúc cô chú thật nhiều phước lành ạ.
- Được rồi, không có gì đâu, con đem đồ ăn về cho em gái
nhé, đi từ từ đừng chạy trong cơn mưa sẽ trơn té đó nhe. Đi chậm thôi!
Tôi chứng kiến cả câu chuyện, thật cảm kích tình nhân loại của
chàng, cảm kích sự tử tế, chia sẻ của chàng với người kém may mắn hơn mình.
Sự lạnh lùng với bề ngoài không cuốn hút của chàng từ lúc đầu
tiên gặp gỡ cho đến bây giờ, cũng con người ấy, bề ngoài ấy, chàng đã thuyết phục
được trái tim tôi; lòng tốt và sự năng nổ, tháo vát của chàng như đốt cháy được
sự thờ ơ của tôi đối với chàng lúc ban đầu.
Tôi vui vẻ nói:
- Thu Hằng nói với em anh ở bên Pháp lâu lâu mới qua đây
thôi, sao anh rành đường đi nước bước như người bản xứ vậy?
- Cỡ 2 năm anh lại qua đây chơi một lần, thăm gia đình, với
lại bạn bè của anh cũng có một số ở đây, nên anh cũng rành đường đi lắm... Có
GPS thì sợ gì! Anh lại về hưu nữa, đâu có gì là bận rộn và cản trở đâu…
Chàng nheo mắt nhìn tôi:
- Trời hết mưa rồi, mình đi tiếp nhé!
Chàng giúp tôi rời khỏi chỗ hiên nhà, tay chàng vẫn che trên
đầu tôi, như sợ còn giọt mưa nào sót lại ở đâu đó sẽ làm ướt tóc tôi, chàng mở
cửa cho tôi vào chỗ ngồi rồi mới vào lại bên lái xe, đưa cho tôi chai nước lọc:
- Em hãy uống cho thấm giọng nhé, từ nãy giờ em chẳng uống
tí nước nào rồi.
- Không! anh hãy uống đi, anh làm nhiều từ nãy giờ, anh mới
phải uống chứ!
- Anh không sao, không khát lắm, em cứ tự nhiên đi!
Tôi cố vặn cái nắp chai đóng thật chặt, vặn mãi vẫn không thể
mở ra nổi, chàng dừng xe lại nói với tôi:
- Anh xin lỗi nhé, đưa anh mở cho!
Vừa nói chàng vừa lấy lại cái chai, vặn dễ dàng, đưa cho
tôi, chọc quê:
- Con gái tay yếu chân mềm là phải rồi.
- Hahaha, em không là con gái tiểu thư, ngồi chờ người ta hầu
hạ đâu, em đã phải làm việc một mình rất vất vả để nuôi con đấy! Cái chai này
không có nghĩa gì với em đâu, nhưng lúc này... vì có anh nên muốn làm nũng thôi
đó mà!
Chàng quay sang nhìn tôi với nụ cười đầy cảm thông, khoảng
cách giữa chúng tôi dường như đã không còn nữa!
Tiếng chuông điện thoại của tôi reo lên cắt ngang bầu không
khí yên lặng của chúng tôi, Thu Hằng bên kia đầu dây:
- Bích Chiêu ơi, mi và anh Ba cứ đi chơi đi nhé, ta không thể
đến nơi hẹn được đâu vì trời mưa, đường sá kẹt xe quá, ta không thể nào thoát
khỏi cái cầu này, nếu đến trước cứ kêu món ăn đi, rồi ta đến sau; còn nếu không
thì tuần tới mình cùng nhau đi cho tiện; ta xin lỗi hôm nay ta bận bất ngờ vì
ông boss gọi vào thanh toán cho xong cái hồ sơ quan trọng này.
- Vậy để ta hỏi anh Ba xem sao rồi mình sẽ hẹn vào kỳ khác vậy,
mi cứ từ từ về nhà đi nhe.
- Xin lỗi mi và anh Ba nhé!
Tôi không biết có phải cô bạn tôi muốn tạo điều kiện cho tôi
và anh Ba gặp mặt nhau riêng rẽ như thế này không, mà từ trưa đến giờ chả thấy
bóng dáng nàng ta đâu cả, để chúng tôi phải tự biên tự diễn không thôi; nhưng
đây cũng là dịp may cho tôi hiểu nhiều hơn con người của chàng.
Sau khi bàn bạc với anh Ba, chúng tôi ai về nhà nấy, hẹn cuối
tuần tới anh sẽ chở Thu Hằng đến đón tôi đi chơi một thể.
*****
Kỳ hẹn lần này tôi không cần phải làm dáng điệu đà nữa, vì
thấy kỳ vừa qua anh Ba cũng chỉ mặc mỗi cái áo chemise cộc tay với chiếc quần
bò mà thôi, anh chẳng trịnh trọng, rất tự nhiên, nên tôi rút kinh nghiệm, lần
này cũng đơn giản chiếc áo đầm ngang đầu gối với những chiếc hoa cúc vàng nhẹ
nhàng cho mùa hè; mái tóc kẹp gọn phía sau gáy, đôi giày hơi cao một chút chừng
5 phân thôi để đi bộ cho dễ.
Khi tôi ra mở cửa cho mọi người thì vô cùng ngạc nhiên, trước
mặt tôi hình ảnh một người đàn ông thon gọn, tóc tai sạch sẽ, bộ râu quai nón
không còn nữa, nụ cười sảng khoái với ánh mắt yêu đời; bên cạnh là Thu Hằng,
linh hoạt xinh xắn, nàng nói:
- Đây mới là Anh Ba của ta! Sao... mi ngạc nhiên vậy?
Tôi vội vàng kéo nó ra một chỗ riêng:
- Hôm nọ ta thấy anh Ba của mi có bụng, râu quai nón, mắt
híp và đầy vết nhăn mà? Sao hôm nay lại thon gọn... đàng hoàng lịch sự vậy? Có
phép hay sao?
-Hahaha, mi không biết ổng hay làm cách biến hóa để thử lòng
mấy cô gái lắm! Kỳ rồi ổng mặc cái áo kaki dày rộng, nhìn thấy có bụng, ổng muốn
làm bề ngoài xấu xí để xem mi có chê bai gì ổng không đó, ngay ban đầu nếu ai
không hợp với ổng thì tránh ngay đi đỡ mất thì giờ của cả hai bên, ai ngờ mi đã
làm cho ổng «tâm phục khẩu phục», về nhà ổng khen mi quá xá!
- Ta có làm gì đâu, chính anh Ba của mi đã làm cho ta thấy ảnh
thật «uy tín» đó.
Thu Hằng nói to lên cho cả hai chúng tôi cùng nghe:
- Mới gặp lại nhau có một lần sau 30 năm mà cả hai đã khen
nhau đủ thứ hết, đâu cần bà mai này nữa đâu há!
Anh Ba chen vô:
- Cơn nắng mùa hè ở Canada cũng rất nóng không khác gì cơn nắng
Paris, nhưng nếu chỉ một mình tôi đi giữa cơn nắng thì thấy rất khát và mệt,
nhưng nếu hai người cùng đi, chắc chắn đoạn đường ấy sẽ ngắn hơn, cơn nắng cũng
sẽ bớt gay gắt hơn và một trong hai người chúng tôi sẽ phải tìm một vật gì đó
che cho cơn nắng bớt chiếu thẳng vào mình; nên hôm nay tôi quyết định sẽ ở lại
với ánh nắng hiền hòa của Canada.
Sỏi Ngọc