15 April 2023

TÌNH THƯƠNG TRONG NGOẶC KÉP - Mặc Đỗ

Khi nhân viên cảnh sát hay tin bằng điện thoại ập tới thấy người con gái nẳm sóng soài, úp sấp, chết nơi sân sau ngôi biệt thự, máu chảy một dòng từ miệng, một dòng khác từ lỗ tai bên trái có những sợi tóc lòa xòa che khuất. Người con gái tóc dài tới lưng, bận quần đen và áo cánh trắng. Theo gương mặt, tuổi người chết độ ngoài hai mươi, chưa tới hai mươi lăm. Gương mặt hiền, dông bão phảng phất trên nước da tái xanh của người con gái không quen mà đã chịu sóng gió bên ngoài gia đình. Sự chết chưa biến đổi bao nhiêu cái thân xác còn tươi. Những người trong nhà cho biết cô gái từ sân thượng lao xuống không hiểu vì nguyên do nào; vào giờ đó cô gái có những công việc phải làm, không lý gì bỏ lên chơi trên sân thượng đến nỗi hụt cẳng té chết. Cô gái là người làm công trong nhà.

Trước đó không đầy nửa giờ, chiều tối, cô con gái bà chủ ngồi tiếp chuyện cậu bạn trai ngoài phòng khách. Chị bếp nghe chuông reng chạy ra mở cổng: ông chủ làm việc tại một thành phố miền Trung về chơi. Lát sau có tiếng chuông reng nữa, chị bếp lại chạy ra: cậu Hai tình cờ cũng được nghỉ phép về. Bà chủ đang đánh bài tại một nhà gần đó hay tin chồng con cùng về chơi một lượt, bỏ cả bài, tất tả, mừng rỡ chạy về.

Cả nhà tíu tít vui vẻ ngoài phòng khách. Cô gái, vì là người mới chưa hiểu công việc trong nhà, cứ yên lặng ủi nốt đống quần áo hằng ngày. Chị bếp ở nhà trên đi xuống bảo cô gái hãy dẹp chuyện ủi đồ lại, chạy lên lo lấy nước hơi, ly, đá, có mấy chai rượu trong tủ cứ đưa ra tuốt, ông chủ, cậu Hai đòi uống rượu vui, bà chủ và cô Ba không uống rượu, lấy nước ngọt vài thứ đưa ra sẵn. Cô gái theo lời chị bếp rút dây điện, thu xếp bàn ủi và các thứ trên mặt bàn cho gọn rồi chạy lên nhà trên. Tò mò cô gái hé cánh cửa ngó ra phòng khách… Ba lần cô gái khựng lại, thò đầu ra rồi khựng lại, gương mặt hốt hoảng, kinh dị. Trong khi tiếng nói cười vui vẻ từ phòng khách vọng vào cô gái tính chạy xuống sân lại thôi. Một giây sau cô gái chạy vút lên cầu thang. Tiếng ồn ào vui vẻ ngoài phòng khách chen lẫn với một vài tiếng thổn thức nấc lên do cô gái hối hả chạy trên những bực thang.

Chị bếp đang lúi húi lo bữa ăn đông người bất thường bỗng nghe thấy một tiếng rớt nặng, mềm ướt giữa sân sau, chị bếp ngoái cổ ngó ra sân, chưa nhìn thấy rõ, bước đúng hai bước về phía cửa chị bếp đã thấy rõ và bật một tiếng la bải hải. Nhà trên bặt tiếng chuyện trò vui vẻ, mọi người theo nhau chạy xuống. Ông chủ nhanh chân tới trước nhất, vội chạy lại, ghé ngồi xuống, nâng đầu cô gái nằm sóng soài dưới nền xi-măng, ông chủ chăm chú ngó tới hai lần gương mặt cô gái mới thốt lên: “Ủa ! Con nhỏ đó !” Như có một sức hút kéo lại, cậu trai bạn của cô con gái bà chủ cũng lao tới quỳ một chân ghé xuống bên gương mặt được ông chủ nâng bằng một bàn tay và cũng la lên: “Trời ơi! Chị Vân!” Cậu Hai chậm chân đi tới sau lưng bà mẹ, nghe tên Vân cũng vội chạy đến, chỉ một thoáng giây ngó qua gương mặt cô gái chết người con trai bổ nhoài xuống đất ôm lấy cái xác, nức nở khóc không ra tiếng.

Ông đại úy cảnh sát, trưởng phòng Hình cảnh, cùng với một toán nhân viên khác tới sau toán cấp cứu chừng mười phút, khi nhận được điện thoại cấp báo. Nghe lời khai của chị bếp và của những người khác trong nhà ông đại úy đưa con mắt suy nghĩ ngó quanh một vòng rồi nói:

“Tôi rất tiếc phải mời tất cả quý vị về Quận. Giờ này tôi còn đủ nhân viên làm việc, chúng tôi sẽ chia nhau lấy lời khai của quý vị một lượt. Có phải chịu đói tới khuya xin quý vị cảm phiền, tôi phải làm nhiệm vụ của tôi.”

Đây là lời khai riêng của từng người trong nhà ngay buổi tối hôm đó tại quận cảnh sát.

Tôi tên là Y.Y.Y., 50 tuổi, nghề nghiệp làm bếp. Tôi ở làm cho ông bà chủ tôi đã hơn mười năm, cùng với một con nhỏ tên Lài, Nguyễn Thị Lài, nó vô làm sau tôi nhưng cũng được hơn sáu năm, tháng trước nó xin thôi việc để về lấy chồng. Còn lại một mình tôi phải làm cực quá, tuy ở nhà chỉ có bà chủ với cô Ba. Bà chủ cũng lo kiếm người phụ cho tôi nhưng kiếm không ra. Hồi này kiếm người làm không dễ như hồi trước. Cách đây đúng năm bữa tôi đi chợ Sàigòn tình cờ gặp con nhỏ Vân. Nó không tính đi kiếm việc làm, trông nó hiền, dễ thương, xinh xẻo, coi bộ có thể hợp ý cô Ba, cô Ba khó tánh lắm, người làm xấu xí không sạch sẽ cô Ba không chịu, tôi hỏi nó có muốn đi làm không. Con nhỏ như vừa bị một chuyện gì khổ sở lắm cho nên hãi sợ hết mọi thứ, nó không tin tôi, cứ hỏi mãi có thật tôi rủ nó đi làm công ở trong nhà người ta hay làm công chuyện gì khác. Tôi bảo nó nếu cần kiếm việc, muốn làm thì theo tôi về nhà bà chủ, nếu bà chủ với cô Ba có ưng mới được chứ chưa chắc đã được làm, cứ vô nhà, coi nhà thì thấy là chỗ tử tế, không ưng bụng thì thôi tôi đâu có ép.

Nó theo tôi về nhà, bà chủ với cô Ba cũng chấp thuận nó, lương năm ngàn một tháng, bà chủ cho ăn ở, công việc phụ giúp tôi, nhưng đặc biệt lo sạch sẽ nhà cửa đồ đạc, giặt ủi, thế thôi, thỉnh thoảng cô Ba sai vặt chạy đi mua cóc mua ổi. Con nhỏ có giấy tờ đàng hoàng, cha chết, còn mẹ, có một em trai đi học, quê ở Trảng Bàng, bà mẹ vẫn ở đó.

Vì nó là người mới, lại do tôi đưa vô, tôi có trách nhiệm, đêm tôi giữ nó ngủ chung với tôi, tuy con nhỏ Lài trước nó có chỗ ngủ riêng, tôi tính nếu xem chừng tin cậy được mới để nó ngủ riêng, vì nhà vắng chỉ có mấy người đàn bà, hồi này lôi thôi lắm, ban đêm nó mở cửa cho trộm cướp vô thì sao. Nằm chung với nó tôi có hỏi chuyện nhưng nó chỉ nói sơ qua. Mãi đêm hôm qua thấy tôi thương nó thật tình như con nó mới cho biết nhà mẹ sa sút vì phải lo cho thằng em ăn học mà thằng nhỏ ở Sàigòn tiêu xài quá, đua chúng bạn, lợi tức của nhà không đủ. Cách đây hai tháng thấy cảnh nhà quá thiếu mà đứa em lại hư, có người quen mướn ra Qui Nhơn coi sóc hai đứa nhỏ học tiểu học, được nuôi ăn ở, mỗi tháng mười lăm ngàn lương riêng. Con nhỏ nói với tôi có đi học tới đệ tam. Nhưng ra đó có xảy ra chuyện chi không vui nên phải bỏ về. Tôi cố gạn hỏi nhưng nó không nói, bảo rằng chuyện buồn chả nên nói. Tôi có hỏi tại sao không về Trảng Bàng với mẹ, nó nói vì mắc cở với mẹ, mẹ nó cứ ngăn không cho đi Qui Nhơn, nó không nghe, bây giờ lỡ việc trở về nó mắc cở quá, thà đi làm ở Sàigòn ít lâu có tiền gửi về cho mẹ còn hơn. Nó vẫn giấu chưa cho mẹ biết vụ thất bại ở Qui Nhơn.

Tội nghiệp không hiểu tại sao khi không nó té chết như vậy. Tôi không nghĩ là nó tự tử, vì suốt năm ngày nay có buồn, có vẻ hoảng hốt đôi lúc, nhất là ban đêm nằm cạnh tôi, nhưng nó không có vẻ gì muốn chết. Chính nó có nói phải ráng ăn uống cho khoẻ đặng làm việc được, có tiền gửi về cho mẹ. Ban chiều ông chủ với cậu Hai về, tôi ra mở cửa. Mắc lo bữa ăn thêm người, sợ không kịp, tôi mới bảo nó lên nhà trên lo rượu với nước uống. Nó vừa bỏ đồ ủi chạy lên không tới mười phút thì tôi nghe nó rớt cái bịch từ sân thượng xuống. Nó không có công chuyện chi phải lên tới sân thượng, lau cầu thang, lau sàn nhà ở phòng trên lầu hai thì có nhưng không phải lên tới sân thượng, phơi đồ cũng phơi ngay trên nóc nhà xe, giờ đó đâu có việc gì ở tận sân thượng. Từ năm bữa nay tôi dám chắc nó chưa hề bước ra chỗ sân thượng nữa.

Tên tôi là X.X.X., 49 tuổi, nội trợ. Nhà tôi đi làm việc ở tỉnh lâu lâu mới về, mọi việc ở nhà đều do tôi quyết định. Bao lâu tôi vẫn có hai người làm, một chị bếp và một nhỏ con gái lo công việc vặt. Chị bếp làm với tôi từ lâu. Tháng trước tôi cho con nhỏ kia thôi việc để về xứ vì lý do riêng trong gia đình của nó. Thiếu người làm tôi có kiếm người thế mà kiếm chưa được. Bữa thứ hai trước chị bếp đi chợ Sàigòn có đưa về con nhỏ này, tôi thấy nó có giấy tờ đàng hoàng cấp tại Trảng Bàng, coi bộ dễ thương, tôi cho ở lại làm thử, lương tháng năm ngàn. Hồi này kiếm người làm là một chuyện rất mệt tuy không thiếu người xin làm. Ra chợ Sàigòn kêu về cả chục người cũng có nhưng hiếm có người làm tốt, cho nên khi thấy chị bếp nói gặp con nhỏ ở chợ tôi đã ngại không muốn. Để cho nó làm thử ít bữa thì thấy cũng được, vì vậy tôi mới giữ nó cho tới hôm nay.

Con nhỏ ngoan ngoãn, siêng việc, nhưng nét mặt hay buồn. Tôi nhận thấy có những lúc nó bình thường và có những lúc như nó muốn sịu xuống vì buồn. Tôi có nói với chị bếp và con gái tôi rẳng con nhỏ có tâm sự gì buồn lắm, e rằng nó không làm được lâu. Hôm qua chị bếp có nói cho tôi hay con nhỏ buồn là vì muốn đi làm xa giúp đỡ má nó nhưng việc không xong phải trở về, nghe nói nó có được đi học tới hết đệ tam rồi vì nhà nghèo phải bỏ dở học. Gia đình chúng tôi rất quý những người có học, vợ chồng tôi có hai đứa con, mong mỏi chúng chăm chỉ học, đỗ đạt hơn ba chúng, không dè thằng Hai học hành dở dang tới tuổi động viên phải đi lính, con bé em có thừa khả năng, thừa phương tiện học hành, cũng ham chúng bạn ăn diện, dong chơi nhiều hơn là học. Tôi đang buồn vì con, nghe nói con nhỏ ham học mà nghèo không học tiếp được tôi thấy thương lắm, định bụng chờ cho nó làm ít lâu xem có thật là ngoan ngoãn ham học tôi sẽ giúp đỡ cho nó học lại, thấy nó có ăn học mà bắt làm việc cơ cực tôi không nỡ. Tôi có dặn chị bếp thử dò hỏi xem tâm sự của nó ra sao, tôi sẵn lòng giúp đỡ nếu nó cần.

Ngay từ trước khi hay biết con nhỏ như vậy tôi vẫn xử đối với nó như mọi người làm khác, hơn nữa tôi còn bảo chị bếp vì nó là người mới đừng bắt lo những công việc nó chưa quen. Trong năm ngày ở trong nhà tôi công việc gì đối với nó tôi cũng coi như đang lúc tập làm, tôi không hề rầy la một tiếng. Như tôi đã nói, công việc làm của con nhỏ khá chu đáo. Tôi có thể nói chắc ở nhà trên đối với tôi và con gái tôi cũng như dưới bếp đối với chị bếp, trong năm ngày nay không có một chuyện gì xảy ra đến nỗi con nhỏ buồn mà phải tự tử như vậy. Vâng, tôi tin rằng nó tự tử, vì không lẽ gì vào giờ đó đang bận công việc mà nó lên chơi trên sân thượng để lỡ té chết. Tôi nghĩ rằng nó có ý định tự tử từ trước, gặp bữa đó chồng tôi, con tôi ở xa về cả nhà đang mắc tíu tít nói chuyện, chị bếp mắc lo nấu ăn dưới bếp, nó nhân cơ hội cắt lẻn lên lầu, lên sân thượng mà lao mình xuống đất. Đó là ý nghĩ của tôi, nhưng tôi không thể giải thích tại sao con nhỏ lại chọn cách đó, muốn chết đâu có thiếu gì cách. Báo hại tôi, nó chết trong nhà tôi, ngay giữa sân, tôi sẽ phải lo cúng kiếng cách nào giải oan cho linh hồn nó. Tôi không biết mẹ con tôi có dám ở trong ngôi nhà đó nữa hay không, ngôi nhà vợ chồng tôi mua được đã hơn mười năm nay, đang sống yên ổn.

Tôi tên là V.V.V., 20 tuổi. Bữa chị bếp đưa chị ở mới về có tôi ở nhà, lúc đó khoảng hơn chín giờ, tôi mới ngủ dậy, đang ăn sáng ở bàn, tôi có nghe má tôi hỏi chuyện chị ta. Công việc ở trong nhà hoàn toàn do nơi má tôi định đoạt hết, tôi không bao giờ biết tới. Tôi chỉ đòi nơi má tôi một điều kiện là trong một gia đình đàng hoàng không thể có những người làm xấu xí quê kệch, chưng diện một chút càng tốt nhưng vẫn phải giữ đúng vai trò người làm. Tại tôi đòi hỏi như vậy cho nên cho chị ở trước nghỉ cả tháng nay không kiếm được người thay thế. Tôi coi chị ở mới này đã có thiện cảm ngay từ đầu, trông chị ta xinh xắn, nét mặt dễ thương, tiếng nói cũng dễ thương, tôi chịu không được mấy người có máu đàng Thổ, tiếng nói khó nghe lắm. Má tôi trước khi nhận cho chị ta vô làm có đưa mắt hỏi ý tôi, tôi gật đầu chịu. Vì chị ta coi được, thế thôi.

Tôi đi vắng nhà hoài, công việc ở trong nhà chẳng mấy khi tôi biết tới. Tôi có nghe má tôi hai ba lần khen chị ở mới với tôi, má tôi bảo chị ấy ngoan, siêng năng, biết giặt đồ rất sạch, ủi đồ thẳng nếp, chỉ có một tội là tại sao thỉnh thoảng nét mặt chị ấy buồn rười rượi, đôi khi có vẻ hốt hoảng sợ hãi nữa. Má tôi cho rằng chị ấy có tâm sự gì uẩn. Còn lâu tôi mới quan tâm tới tâm sự của người khác, cho nên nghe má tôi nói tôi cũng biết vậy, không có ý kiến. Nuôi người làm trả lương cao cho người ta sốt sắng làm, mình là chủ chỉ cần công việc của người ta lo đầy đủ cho mình, còn tâm sự của người ta hơi đâu mình quan tâm. Với lại tâm sự của mình có ai biết tới đâu mà lo tâm sự của người khác.

Chiều hôm nay, anh bạn thân của tôi tới chơi từ lúc bốn giờ, má tôi mắc đánh bài bên nhà lối xóm, tôi ở phòng khách, cho chạy băng nhạc cùng ngồi nghe với bạn. Rồi ba tôi ở Qui Nhơn về, hai phút sau tới anh Hai tôi ở Huế cũng được nghỉ phép về tới. Tôi bảo chị bếp chạy qua mời má tôi về, cả nhà xum họp vui vẻ chưa được mười phút thì nghe tiếng chị bếp la dưới sân: “Chết ! Người chết !” Chúng tôi hoảng kinh ào xuống sân sau thì thấy chị ở mới nằm chết đó. Tôi chẳng hiểu chi hết. Tại sao có thể chết dễ dàng như vậy được ? Cuộc đời đáng sống lắm chứ, chuyện buồn nào mà chẳng qua đi, tại sao lại đi tìm cái chết, chết thê thảm như vậy mới lạ kỳ nữa.

Khi nãy tôi hoang mang chẳng suy nghĩ chi hết, chỉ tự hỏi tại sao chị ta lại chết như vậy. Tới đây ngồi suy nghĩ thêm tôi có thể cho rằng chị ta lén lên lầu, lên sân thượng chơi, rồi lỡ té chăng. Đứng trên cao quá có thể thấy choáng váng té được lăm chứ. Trên sân thượng có một lần tôi mở bum, chăng đèn kết hoa nhưng không succès bao nhiêu, với lại lối xóm thấy làm ồn có phàn nàn với má tôi, sau này lại cấm nhảy, thành ra tôi không tổ chức lần nào khác trên sân thượng. Hằng ngày chẳng ai lên đó, cả tháng chẳng ai đặt chân lên đó, trừ ra những khi ba tôi về, ông thấy không khí Sài Gòn ngộp quá, buổi tối hay lên đó bắc ghế ngồi nói chuyện với má tôi.

Tôi tên là U.U.U., 26 tuổi, trung úy trừ bị trong quân đội VNCH. Cách đây chừng hai tháng, khi đó tôi làm việc tại một chi khu gần thành phố Quy Nhơn, nơi ba tôi là y sĩ trưởng một bịnh viện công. Thỉnh thoảng tôi về Quy Nhơn thăm ba tôi. Cách đây chừng hai tháng, tôi nhớ là một chiều chủ nhật, ba tôi mắc đánh bài mã tước với mấy ông bạn, không muốn ở nhà một mình, tôi thả bộ dạo chơi trong thành phố. Lát sau tôi ghé một quán nhỏ mang cái tên ngồ ngộ “Trăng Thu.” Trong một vùng ánh sáng nửa tối nửa sáng, có nhiều bàn nhỏ, ghế thấp, những người trẻ tuổi tụ họp từng bàn uống trà, cà-phê, bia chai hay bia hộp, hoặc những thứ giải khát khác, và nghe nhạc, những bản nhạc thời thượng, do những ca sĩ nổi tiếng hát và được thâu băng.

Không gặp ai quen, tôi ngồi một mình uống cà-phê trong góc quán, đối diện với chiếc quày nhỏ nơi thâu tiền. Một mình tôi hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác, thả nông nỗi chán phè của một chiều chủ nhật cô đơn qua khói thuốc, chờ sáng mai trở về đơn vị. Tôi không nhớ tại sao và từ một giây phút nào tôi chợt chú ý tới cô gái ngồi thâu tiền ở trước mặt. Tôi chú ý tới một nét buồn kỳ lạ trên gương mặt cô gái. Không buồn cô gái đã có một vẻ hiền, ngoan, dịu dàng hiếm có, thêm nét buồn cô gái trở nên một thỏi nam châm thu hút những người con trai như tôi ngồi một mình đếm những giây phút qua đi chẳng có việc gì làm, chẳng có ý nghĩ nào vương vấn lâu trong đầu. Bảo rằng đó là một thỏi nam châm rất đúng, vì lúc đó như có hẳn một từ trường giữa cô gái ngồi kia yên lặng và tôi cũng yên lặng ngồi đây. Mấy phút sau, biết rằng cô gái cũng để ý tới con mắt không dời của tôi, tôi đứng lên đi lại gần quày thâu tiền xin phép được nói chuyện với cô gái. Cô gái vui lòng. Câu chuyện lúc tối đó rất tầm thường, nhưng từ sau khi quán đóng cửa tôi đưa cô gái về chỗ trọ và chia tay về nhà tôi tin rằng đã có một chút gì ràng buộc giữa hai chúng tôi. Trên khúc đường vắng, cô gái cho biết đã bị lừa ra đây không phải để săn sóc hai đứa nhỏ mà để thâu tiền ở quán nước như tôi đã thấy. Bị lừa nhưng cô gái đành chấp nhận vì đã lỡ khăng khăng với mẹ đòi đi, với lại cô gái cũng cần mỗi tháng có một món tiền gởi về cho mẹ ở Trảng Bàng.

Sáng hôm sau tôi trở về chi khu nhưng chiều hôm đó tôi đã kiếm được cách xin phép quay lại Qui Nhơn. Chúng tôi lại gặp nhau. Bắt đầu yêu nhau, cô gái mà từ đó tôi thấy có quyền được gọi bằng tên riêng, Vân đã lần lần kể hết cảnh nhà cho tôi nghe. Vân mồ côi cha từ năm mười tuổi. Bà mẹ thừa khả năng nuôi dạy hai người con, Vân và Đức em trai Vân, vì ông chồng khi chết đi có để lại cho vợ con một vườn trái cây nhiều huê lợi tại Bình Dương. Trảng Bàng là quê bà mẹ, ông cha người gốc Bình Dương. Vì thuận tiện riêng, bà mẹ đưa hai con về quê ngoại ở Trảng Bàng, nơi đó bà mẹ được thừa hưởng một di sản ruộng đất cũng khá. Vườn trái cây ở Bình Dương là nguồn lợi tức chính cho ba mẹ con sinh sống thừa thãi. Lên trung học hai chị em Vân được mẹ gửi đi Sài Gòn ở nhà bà dì để đi học. Vân học hành rất ngoan, Đức mê theo thằng con trai bà dì, hai đứa chơi nhiều hơn học và tập được đủ thứ tật xấu, trong số có tật đánh bạc. Trong vòng có năm sáu năm trời, nguồn lợi về vườn trái cây không đủ cho bà mẹ chi dụng và lần lần phải cắt từng khu vườn bán đi. Tai hại nhất là những năm về sau Đức lớn lên càng ăn chơi hơn, tốn kém hơn, và đến tuổi động viên phải lo lót trốn lính. Trọn vẹn di sản của người cha để lại đã từ cái túi của cậu con trai bay đi hết.

Tới năm nay thì cả một mảnh vườn còn lại ở Trảng Bàng cũng qua tay người khác vì những vụ lo lót trốn lính của Đức. Vân phải nhận lời ra Qui Nhơn vì biết mẹ đã tới đường cùng không có cách nào có tiền sinh sống hằng ngày chứ đừng nói tới cung ứng cho cậu con trai phá của. Theo lời Vân, dường như hồi sau này Đức có cặp bồ được với con gái một nhà giàu ở Sàigòn cho nên có thể tiếp tục ăn chơi không đòi hỏi quá nơi bà mẹ nữa.

Càng thấu hiểu hoàn cảnh của Vân tôi càng thấy yêu Vân hơn. Vân đã thuận một ngày nào đó sẽ để tôi đưa về nhà giới thiệu với ba má tôi và sau đó sẽ xin ba má tôi cho cưới Vân làm vợ. Sở dĩ tôi còn chần chờ là vì tôi biết rõ thành kiến trong gia đình tôi, nếu đưa Vân về nhà ngay lúc đó thì không giấu được ba tôi rằng Vân chỉ là một cô gái ngồi thâu tiền tại một quán nước, nhất định ba má tôi không khi nào ưng một đứa con dâu với địa vị như Vân. Vân trở về Trảng Bàng rồi mới tính tới chuyện giới thiệu Vân với ba má tôi. Có một lần đề cập tới vụ Vân trở về Trảng Bàng, Vân có nói với tôi để Vân tính, nhưng coi bộ không tin rằng có thể chiều ý tôi được ngay. Tôi ngu dại không lượng định được sự cần tiền nơi Vân như thế nào. Với lại nếu tôi có ngỏ lời muốn giúp, Vân chưa chắc đã chịu, tôi biết Vân nhiều tự ái lắm.

Nhân một dịp lẻn về Qui Nhơn gặp Vân trong chốc lát tôi đụng đầu với một ông anh họ cũng ở trong quân đội như tôi nhưng có thế lực lắm tại bộ tư lệnh quân đoàn. Gặp nhau cả hai chúng tôi cùng ngạc nhiên không ngờ cùng ở một vùng mà không biết. Ông anh có hỏi chi tiết nhiệm vụ hiện thời của tôi. Tai hại cho tôi, một tuần sau tôi nhận được lệnh đổi về Huế, do sự can thiệp của ông anh họ, tưởng làm vậy là vui lòng tôi. Nhận được lệnh tôi đâm bổ về Qui Nhơn kiếm Vân. Bà chủ quán cho biết Vân đã thôi không làm tại đó nữa, đi đâu bà không biết.

Về nhà để báo tin cho ba tôi hay vụ thuyên chuyển, tôi thấy ở góc bàn giấy của ba tôi một phong thư đề tên tôi. Thư của Vân. Trong bao thư còn một bao thư khác mang con dấu ty bưu điện Trảng Bàng. Vân viết vắn tắt trong thư nói rằng đã đứt ruột phải quyết định nhận đi làm việc tại một nơi xa để có thể vay trước một món tiền lớn. Đi xa như vậy tức là không bao giờ còn gặp lại tôi nữa, nhưng Vân không có cách nào khác, tôi cứ đọc lá thư của má mới gửi ra thì biết. Bà mẹ viết trong thư cho Vân biết Đức mới về nhà cho hay lỡ đánh bạc thua cầm thế mất chiếc xe honda của một người quen, bây giờ cần có một trăm năm chục ngàn chuộc xe, nếu chậm người kia thưa gởi, lòi ra vụ trốn lính thì nguy. Bà mẹ tính bán nốt căn nhà đang ở lấy tiền trả nợ cho Đức, số còn lại sẽ dựng một căn nhà nhỏ trên đất của một người bà con vui lòng cho cư ngụ.

Ý hẳn Vân đã không muốn mẹ phải hi sinh phần gia sản cuối cùng cho nên đã quyết định như vậy. Tôi bỏ cả một ngày hỏi thăm khắp nơi mà không sao biết được Vân đã dời Qui Nhơn để đi đâu. Phải đi Huế gấp theo lệnh, ra tới Huế công việc mới buộc tôi không thể nhất đán xin nghỉ phép mà về Sài Gòn để đi Trảng Bàng gặp bà mẹ Vân, thư của bà mẹ lại không ghi địa chỉ để tôi có thể theo đó mà viết thư. Mãi cho tới hôm qua, nhờ sự giúp đỡ của ông anh họ tôi mới xin được phép một tuần về đây với mục đích duy nhất là sáng mai đi Trảng Bàng. Không dè vừa về tới nhà đã gặp Vân, gặp trong trường hợp thê thảm như vậy.

Tôi tên là T.T.T., 23 tuổi, sinh quán tại Bình Dương, trú quán tại Trảng Bàng, hiện đi học tại Sài Gòn. Chiều hôm nay tôi có mặt tại ngôi nhà xảy ra vụ tai nạn vì tôi quen với cô V.V.V. Trước kia có thể nói là hằng ngày tôi có mặt tại đó vì chúng tôi chơi thân với nhau. Trong khoảng hơn một tuần nay tôi không lại đó chơi vì có công chuyện riêng phải đi Trảng Bàng. Mới từ Trảng Bàng về lúc trưa, bốn giờ chiều tôi đã lại kiếm cô V., chúng tôi đang ngồi nghe nhạc tại phòng khách ba của V. về tới, sau lại tới anh Hai của V. cũng từ Huế vô. Chúng tôi đang nói chuyện nghe tiếng la dưới sân sau. Chúng tôi chạy xuống thì chuyện đã xảy ra. Tôi quen thân với gia đình của V. nhưng không bao giờ chú ý tới những chuyện trong nhà, tôi không có ý kiến nào về trường hợp đã xảy ra.

Tôi nhìn nhận nạn nhân đúng là chị ruột tôi, tên Vân. Tôi bận đi học tại Sài Gòn rất ít khi về thăm nhà. Mới đây tôi hay tin chị tôi đi Qui Nhơn nhận săn sóc việc học cho hai đứa nhỏ tại một gia đình quen. Tôi không hiểu vì lý do nào mà chị tôi lại bỏ công việc ở Quy Nhơn về đây và đi làm công. Gia đình tôi không đến nỗi quá nghèo để chị tôi phải đi làm công như vậy. Tôi không có ý kiến về cái chết của chị tôi, có thể là tai nạn, có thể là tự sát. Buổi chiều khi tới chơi tôi không biết có chị tôi làm công tại đó, khi tôi tới chị bếp ra mở cửa cho tôi.

 

Tôi tên là S.S.S., y khoa bác sĩ, y sĩ trưởng bịnh viện Qui Nhơn, gia đình tôi để lại Sài Gòn vì có sẵn ngôi nhà và con gái tôi đang theo học tại Sài Gòn. Chiều nay tôi về thăm nhà, vừa về tới được chừng không đến nửa giờ thì xảy ra vụ này.

Khi tôi chạy xuống tới sân sau nạn nhân đã tắt thở, từ trên cao hơn mười thước lại dộng đầu mạnh xuống nền xi- măng có thể chết tức khắc. Nâng đầu nạn nhân lên tôi đã kinh ngạc nhận ra đó là một bịnh nhân tôi mới chữa trị cách đây có mấy tuần lễ ngoài Quy Nhơn.

Một buổi sáng nhân viên ty Cảnh sát dẫn giải tới bịnh viện một người con gái bị buộc tội hành nghề mại dâm đang mắc bịnh hoa liễu nặng. Ty Cảnh sát gởi bịnh viện chữa trị cho người con gái với tư cách một can nhân, chờ khỏi bịnh sẽ được đưa qua bên tòa án. Khi đó tôi hoàn toàn không lưu ý tới một khía cạnh nào khác nơi người con gái ngoài nhiệm vụ chẩn bệnh rồi chữa bệnh. Chẩn bệnh tôi thấy người con gái mới bị mất trinh không lâu, đang mắc bịnh lậu mủ rất nặng, tình trạng sửc khỏe tồi tệ vì xúc động thần kinh quá mạnh đồng thời trải qua một thời gian thân xác bị hành hạ quá sức chịu đựng của thể chất. Vì là một trường hợp bịnh trạng đặc biệt, có thể nói y sĩ tranh đấu từng giờ với tử thần, cho nên tôi đã bỏ rất nhiều công săn sóc cho người con gái đó. Sau mười ngày vừa lo chống vi trùng hoa liễu vừa lo gây lại sức khỏe cho bệnh nhân, hai công việc rất khó dung hòa, vì dùng một lượng trụ sinh rất mạnh cần thiết cho trường hợp bịnh thì hại tới tình trạng sức khỏe đã quá suy yếu, tôi đã cứu được người con gái. Từ ngày thứ mười trở đi, người con gái đã tỉnh táo hơn, tôi mới chú ý tới nét mặt, nhất là hai con mắt rất hiền từ, những lời nói lễ độ tự nhiên, những cử chỉ rõ ràng khép nép kín đáo, tôi lấy làm lạ tại sao một người con gái như vậy có thể là một con điếm sắp bị đưa ra tòa, tức là một thứ bị bắt nhiều lần không còn biện pháp ngăn cản nào khác.

Chú ý như vậy nhưng tôi là một y sĩ, y sĩ không có quyền tò mò nếu bịnh nhân không nói và thấy không cần thiết cho việc chữa trị. Người con gái nằm bịnh viện đúng hai chục ngày, bịnh lậu mủ đã trị có thể nói là tuyệt nọc, chỉ còn tình trạng sức khoẻ mới khả quan, nhưng khả năng của một bịnh viện công ở tỉnh không cho phép giữ bịnh nhân ở lại thêm. Đúng như lời yêu cầu khi đưa bịnh nhân tới tôi đã trả người con gái lành bịnh cho ty Cảnh sát. Khi xuất viện, người con gái chỉ tới ngỏ lời cám ơn tôi và cũng không yêu cầu tôi giúp đỡ một điều gì khác. Tôi yên ổn lương tâm một y sĩ, và vội quên ngay trường hợp đó.

Tới tối ngày hôm sau, ông biện lý vốn là bạn chơi mã tước tới gặp tôi tại nhà và hỏi thăm tôi về hồ sơ bịnh trạng của người con gái đó. Khi đó tôi mới tò mò hỏi thăm lại về trường hợp người con gái trên bình diện tòa án. Ông biện lý cho biết cứ như lời khai của người con gái mà ông biện lý lấy tâm tín của một thẩm phán cho rằng đúng sự thật thì y thị là nạn nhân của một vụ mua bán và bội tín, mua bán và bội tín trên thân xác khổ sở của người con gái đó.

Từ Trảng Bàng người con gái bị lừa ra Quy Nhơn để trông nom việc học cho hai đứa nhỏ với số lương mười lăm ngàn đồng một tháng, được ăn ở không mất tiền, tiền chuyên chở từ Trảng Bàng ra Quy Nhơn và trở về do người mướn chịu. Tới Quy Nhơn không có học trò mà chỉ có công việc thâu tiền tại một quán nước. Người con gái cần tiền giúp mẹ cho nên cũng vui lòng nhận. Công việc tạm êm xuôi trong vòng một tháng. Ông biện lý dùng chữ “tạm” là vì chẳng bao lâu sau khi tới Quy Nhơn người con gái đã được mụ chủ quán dụ dỗ bán trinh cho người nhà giàu sẽ được một món tiền lớn, sau đó tiếp tục hành nghề mại dâm sẽ có thêm nhiều tiền nữa. Cô gái cương quyết không chịu, mụ chủ cũng để yên, thỉnh thoảng lại tấn công nhưng vô hiệu.

Một tuần trước khi người con gái được đưa tới trị bịnh, y thị nhận được thư của mẹ từ Trảng Bàng cho biết phải bán nhà để lo trang trải công nợ. Vì thiết tha với ngôi nhà mẹ con sống từ lâu đầy kỷ niệm, người con gái đã trả lời bằng lòng đề nghị của mụ chủ quán. Mụ chủ quán đặt điều kiện cô gái chịu để cho một người có tiền phá trinh và sau đó phải sống với người đó liên tiếp trong hai tuần lễ sẽ được tròn món tiền một trăm năm chục ngàn. Số tiền kiếm được đủ để giúp mẹ khỏi bán nhà, cô gái ưng thuận. Ngay hôm sau cô gái được đưa tới một tỉnh ở Cao Nguyên và trao trong tay một người đàn ông có thế lực tại đó.

Ông biện lý cho biết người con gái đã tỉ mỉ kể lại chi tiết cuộc đày đọa thân xác với một người đàn ông to lớn và vũ phu như một con trâu. Trên nguyên tắc, về phương diện sinh lý khi một người nam và một người nữ đã thuận tình ráp lại sống với nhau sớm muộn người nữ sẽ tìm thấy khoái cảm, cho dù lúc ban đầu có sợ hãi sự chung đụng. Đằng này sau một đêm và một ngày trong tay người đàn ông đó cô gái chỉ thấy hoảng sợ đến độ kinh hãi la hét mỗi khi người đàn ông tới gần. Kết cuộc, người đàn ông có thế lực nổi giận đuổi cô gái ra khỏi nhà. Thảm thương cho người con gái là thoát khỏi vòng ông chủ lại rơi vào tay lũ gia nô, chúng thay phiên nhau hành hạ người con gái. Địa ngục kéo dài trong vòng năm ngày thì nội vụ đến tai một người cũng ở trong vòng thế lực của người đàn ông kia nhưng có tình thương và tư cách nghĩa hiệp. Người này đứng ra can thiệp để giải phóng cho cô gái.

Đã sa vào địa ngục lại chẳng được một đồng bạc nắm trong tay cho đỡ tủi, cô gái cũng đành, cố cứu lấy mạng sống. Nhưng người đàn ông nhiều thế lực không biết nghe lời lũ gia nô ra sao đã cho người đuổi theo tới Quy Nhơn và cô gái đã biến thành một gái điếm đáng đưa ra tòa lên án. Vì tình trạng sức khỏe thảm hại của cô gái cho nên mới có vụ đưa tới bịnh viện.

Ông biện lý có bàn với tôi nên giải quyết vụ người con gái đó cách nào. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau rất lâu. Tất cả vấn đề thu gọn vào một điểm: người con gái có đứng ra tố cáo nội vụ hay không. Ông biện lý cho biết đã chỉ vẽ cho cô gái biết nên làm và phải làm như thế nào và ông biện lý hứa tận tình giúp đỡ, nhưng cô gái đã từ chối, chỉ xin ông biện lý giúp đỡ cách nào để có thể trở về Trảng Bàng với mẹ. Cả hai chúng tôi thật tình đều muốn vụ mua bán đen tối đó phải được làm cho ra lẽ, nhưng suy nghĩ chán chúng tôi đi tới kết luận cứ nên chiều theo ý mong của cô gái là hơn hết, lương tâm chúng tôi có không yên nhưng cô gái sẽ yên và đó cũng là điều cô gái mong ước, lương tâm chúng tôi ít nhất cũng được cái cớ đó che đậy. Hai chúng tôi đã dễ dàng giúp cho cô gái có được mấy cái quần, mấy cái áo thay đổi (khi trở về Quy Nhơn cô gái mất hết những gì đã có trừ bộ quần áo trên người), chút tiền dận túi và một giấy máy bay Quy Nhơn - Sài Gòn .

Tôi xác nhận người con gái làm công trong nhà tôi mới chết và người con gái tôi đã gặp ở Quy Nhơn đích thị là một. Nhưng tôi không thể hiểu tại sao đã về tới Sài Gòn người con gái đó không về Trảng Bàng với mẹ lại đi làm công và tại sao chiều hôm nay đã tình cờ té lầu mà chết hay nhảy lầu tự sát ngay trong nhà tôi.

Đọc hết tờ biên bản và những lời khai, ông đại úy trưởng phòng Hình cảnh gấp tập hồ sơ lại, nói với cô thư ký ngồi ở bàn kế bên, cô thư ký ngơ ngác không hiểu, ông đại úy như nói một mình :

“Tất cả những người có liên quan tới cô gáỉ trong vụ này đều có biểu tỏ tình thương với cô gái. Nhưng bấy nhiêu tình thương đã không kéo được cô gái ra khỏi hoàn cảnh khốn khổ. Đặt bên thân phận cô gái, tình thương giống như một món trang sức đáng bày giữa hai ngoặc kép.

Xét hồ sơ này nhiều phần chắc là ông biện lý sẽ truyền xếp, điều tra bổ túc sẽ đụng phải những vách núi thế lực. Nếu ông biện lý là một người làm văn học nghệ thuật, với hồ sơ này ông ấy có thể soạn được một vở kịch, dựng lên một tuồng hát, hay quay thành một cuốn phim, cùng lắm cũng viết được một truyện ngắn, truyện của xã hội bây giờ.”

Mặc Đỗ