Sau khi công sản chiếm miền Nam Việt Nam họ chủ trương lùa
dân thành phố đi kinh tế mới, một đề án to lớn mà rỗng tuếch vì không hề được đầu
tư chuẩn bị. Bao nhiêu gia đình đã phải ra đi dù họ không hề mong muốn. Họ đập
phá nhà cửa để lấy tôn, lấy gỗ hoặc là mang đến vùng kinh tế mới để cất lại nhà
cửa, hoặc bán lấy tiền, nhà gỗ nhà tôn trở thành có giá trị hơn nhà xây gạch
kiên cố vì còn lấy được những vật liệu. Nhưng dù là nhà loại nào cũng để lại
thảm cảnh người đi rồi bỏ trơ lại căn nhà bị đập phá nham nhở, vách tường chênh
vênh, nền hoang, sân lạnh. Trông thật đau lòng.
Người mừng vui chiến thắng! Người nhà cửa tan hoang!
Tại phường tôi cư ngụ hai cán bộ tuyên truyền đi đến từng hộ
nhà dân để khuyến khích và thúc đẩy dân đi kinh tế mới. Hai cán bộ, một nam một
nữ này đến nhà ai thì chủ nhà thường tìm cách lánh mặt không tiếp nên họ cứ đến
rồi đi, rồi đến nữa, nên hầu như ai cũng quen mặt. Tôi cũng một lần phải
tiếp khách không mời này. Họ là cán bộ kinh tế của phường, hai người thay phiên
nhau ca ngợi về vùng kinh tế mới ở rừng lá Thuận Hải, sẽ có chuyến xe đưa đồng
bào đi về vùng đất mới, đến đó lập nghiệp chúng ta sẽ khai hoang rừng thành ruộng
đất tha hồ mà trồng lúa ngô, khoai sắn hay rau quả, rồi nuôi thêm gà vịt dần dần
tiến lên heo, bò, chẳng bao lâu chúng ta sẽ làm giàu từ hai bàn tay trắng.Anh cán bộ kết luận: Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Tôi ngoan ngoãn lắng nghe họ thao thao nói những điều tốt đẹp
về vùng đất mới, cứ nghĩ đến chuyện đốn cây rừng, phá bụi rậm gai góc, xẻ đất,
cuốc xới trồng trọt là tôi đã kinh hồn hoảng vía, nhưng tôi không có công ăn việc
làm, chồng lại là “lính nguỵ” đang đi “học tập cải tạo” thì họ chỉ muốn tống ra
khỏi thành phố thôi. Tôi coi như số phận mình không thoát khỏi kinh tế mới
nên tôi cố vớt vát may ra đời có chút gì vui. Kiên nhẫn đợi họ nói xong tôi mới
e dè hỏi:
– Thế rừng lá có… đẹp không ạ?
Chị cán bộ tưởng cá đã cắn câu, chị ta vẽ vời thêm:
– Rừng lá đẹp lắm, có suối reo, có chim hót, nhà chị ở sẽ trồng
giàn bầu, giàn bí… đời sống sẽ thanh thản êm đềm hơn hẳn ở thành phố.
Anh cán bộ nhấn mạnh:
– Chị đưa các con đi kinh tế mới thì chồng chị đang học tập
cải tạo sẽ chóng về.
Tôi hứa liều:
– Vâng, để tôi suy nghĩ.
Tôi đã nghĩ về rừng đẹp như chị cán bộ diễn tả và như tôi từng
mộng mơ thời con gái, nào biết rằng trong rừng ngoài suối reo chim hót còn có rắn
rít muỗi mòng, có vắt và các loại côn trùng độc hại khác. Nhưng tôi biết
làm gì trong khu rừng lá xa lạ ấy? chưa kể cái tội sợ ma nữa. Làm sao mà tôi sống
ở trong rừng với 2 đứa con thơ được! May quá đúng lúc này thì tôi nghe tin
từ người bạn quen có một nhóm người ở Xóm Mới đang thành lập tổ hợp mì sợi tại
phường tôi, họ đã đăng ký và xin được giấy phép rồi chỉ cần thêm vài hội viên
góp vốn để trả chi phí lắp đặt máy móc và thành hình. Tôi đã liên lạc được với
anh Tình trưởng nhóm xin “một chân” trong tổ hợp và đồng ý góp cổ phần.
Thế là khi 2 cán bộ kinh tế mới ghé nhà tôi lần nữa để thúc
giục tôi đăng ký đi kinh tế mới tôi đã tự tin trả lời:
– Tôi sắp đi làm trong tổ hợp mì sợi cũng là góp sức lao động
sản xuất thực phẩm phục vụ đồng bào, xã hội. Bao giờ chồng tôi đi học tập về
thì sẽ tính chuyện đi kinh tế mới sau.
Đó là năm 1978.
Hai tháng sau thì tổ hợp mì sợi bắt đầu hoạt động, địa điểm họ thuê là 2 căn
nhà tôn trong khu gia binh cũ phá các vách ngăn ra cho rộng để làm nơi sản xuất,
rất gần nhà tôi, đi bộ chừng 10 phút là tới. Tuy là từ căn nhà ở như hộ dân
nhưng ở mặt tiền đường, treo bảng hiệu lên cũng đập vào mắt người ta “Tổ Hợp Mì
Sợi Gia Công Phường10 Gò Vấp”. Bên trong tiếng máy chạy ầm ĩ (chắc vì máy cũ,
phụ tùng dổm mới kêu to đến thế?) và tiếng nói cười của mười mấy công nhân mỗi
ca cũng làm khối người mơ ước được vào làm tổ hợp như tôi.
Từ một cỗ máy cũ và mớ sắt hư vụn nào đó, anh Tình đã cải tiến thành cỗ máy làm
mì sợi liên hoàn trông cũng oai lắm, đầu máy là thùng trộn bột đoạn giữa máy là
cán bột và cuối cùng là máy cắt thành sợi mì. Nhân viên tổ hợp đa số là cư dân
trong xóm chúng tôi chưa bao giờ biết làm mì sợi là gì. Khi thì tôi đứng chỗ
máy cán bột khi thì tôi cắt mì và khi thì tôi vắt mì, hai bàn tay lả lướt đưa
những vạt mì sợi chảy từ máy xuống nia xuống mẹt sao cho không bị rối để chốc nữa
sẽ cho vào lò hấp, khi mì chín hoặc là sẽ giao mì sợi tươi hoặc là nắm thành từng
vắt phơi khô giao cho tổ lương thực của phường tùy theo hợp đồng gia
công. Làm vài ngày quen tay quen việc nên chẳng bao lâu ai cũng thành thạo
dù đứng ở khâu nào. Tổ hợp mì sợi có 2 ca, ca sáng sớm đến chiều và ca chiều
đến khuya. Ai cũng phải làm 2 ca, thay qua đổi lại cho công bằng.
Hồi ấy tôi còn trẻ vẫn còn mê ngủ, nếu tôi làm ca sáng thì
có bác Mộc cùng làm và nhà bác gần nhà tôi là người đến gọi tôi dậy. Mỗi buổi
sáng tờ mờ bác đứng trước cổng rào và gọi to mấy lần:
– Bông ơi là Bông! Dậy chưa?
Khi tôi giật mình thức giấc thì chắc rằng mấy nhà hàng xóm bên cạnh nhà tôi
cũng thức giấc theo vì bác Mộc gào to quá. May là hàng xóm Việt Nam dễ tính và
thông cảm không ai khiếu nại gì cả.
Lần nào tôi ra đến cổng cũng bị bác Mộc trách:
– Tao gọi mày như gọi đò sang sông!
Bác Mộc gốc dân Hà Nội, di cư từ 1954, trước 1975 gia đình bác là gia đình sang
cả trong xóm, hai vợ chồng phong lưu dáng cậu mợ và đứa con gái duy nhất của
bác từ bé đã hay diện áo đầm đi giày màu hồng xinh xắn thường làm tôi lúc bé đã
ước ao và ghen tị. Tôi và con gái bác bằng tuổi nhau nên bác Mộc xem tôi như
hàng con cái.
Từ khi bác trai mất đi gia đình bác sa sút, rồi biến cố 1975 lại càng thêm sa
sút, bác Mộc gái phải ra chợ bán hàng nhưng bác vẫn “quý phái” kiểu Hà Thành,
tóc vấn trần cài lược, áo trắng nõn, cổ đeo chuỗi hạt ngọc màu xanh dù bác Mộc
ngồi bán xôi vò, chè, bánh trôi, bánh chay chình ình giữa chợ kẻ qua người lại
và bụi rác ngổn ngang. Hôm nào hàng ế, bác bưng cả rổ bánh chay hay xôi vò đến
nhà tôi bán tống bán táng giá “mão” rẻ bèo bắt tôi mua bằng được. Bác bảo
nhà mày em đông mua cho chúng nó ăn.
Bác cũng đóng tiền vào tổ hợp mì sợi cho yên thân, khỏi phải mỗi ngày nấu nướng
chè bánh và bưng ra chợ bán nữa. Có bác Mộc ca chúng tôi vui nhộn hẳn lên vì
bác hay thơ phú và kể chuyện tiếu lâm, chuyện tiếu lâm của bác thanh mà tục, tục
mà thanh, ai cũng thích nghe. Có hôm bác ngâm thơ “Đồi thông hai mộ”:
Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ?
Anh của em yêu quý nhất đời.
Có hôm bác trải chiếc chiếu xuống đất để mọi người ngồi vắt
mì sợi thành từng nắm đem phơi khô, bác liền ngâm nga hai câu thơ, không biết
là ca dao tục ngữ của dân gian hay do bác sáng chế ra:
Trải chiếu ra đôi ta nằm xuống,
Xong cuộc rồi ta cuộn chiếu lên.
Một bác gái khác vội phản đối:
– Ấy chết bác Mộc đừng ngâm thơ loại này nữa, ở đây có mấy đứa xa chồng đừng
làm hư chúng nó.
Khi tôi đổi sang làm ca tối, tôi vốn nhát gan sợ ma thì có
cô Tỵ làm cùng ca đưa về tận nhà vì nhà cô phải đi ngang nhà tôi. Một đêm khuya
khi tôi và cô Tỵ đang đi trong khu xóm đến nhà thờ tôi trông thấy một
bóng người mặc áo khoác dài như áo mưa đang đứng nép mình vào góc cổng nhà thờ.
Tôi sợ hãi vừa chạy nhanh vừa la to:
– Cô Tỵ ơi, có người! Có người!
Cô Tỵ cũng sợ vội chạy theo cho kịp tôi, khi hoàn hồn cô Tỵ nói:
– Bông ơi là Bông, sao em dại thế, bóng người ấy là kẻ gian đấy, đang đêm mà mặc
áo khoác dài tới chân đi lang bang trong xóm là để rình mò nhà người ta thôi.
Nó thấy mình nó sợ phải ẩn mình trong góc cổng nhà thờ mà Bông lại sợ nó thế mới
ngược đời. Thằng kẻ cắp ấy được một phen tha hồ cười.
– Nhưng nó việc gì phải mặc áo khoác hay áo mưa thế hả cô Tỵ?
– Để không ai đoán ra hình dạng nó đấy mà.
– Lần sau em sẽ rút kinh nghiệm, nếu gặp nó chúng mình cứ hiên ngang đi qua mặt
nó nhé.
Tuy nói thế nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ cứ… chạy là tốt nhất, còn cô Tỵ
có chạy hay không thì mặc cô ấy. Nghe chuyện này bác Mộc lại thân mến mắng tôi:
– Bông ơi, mày đi làm mà như công chúa đi chơi, sáng có người đến gọi đi, khuya
có người đưa về tận nhà.
Tôi đi làm thì nhởn nhơ như vậy, em và con tôi lại hay đến tổ mì tìm tôi vì đủ
những lý do. Chưa có ai đi làm mà thoải mái và “tiện nghi” như tôi. Cũng may vì
từ tổ trưởng đến tổ viên của tổ hợp mì sợi toàn là người cùng chế độ cũ, cùng
hoàn cảnh và là hàng xóm nên gần gũi và thông cảm nhau lắm.
Cô em gái áp úp tên Thoa lúc ấy trông coi thằng Bí con tôi mới
lên 3 tuổi những khi tôi đi làm. Thằng Bí sinh tháng 8 năm 1975 vào cái năm lịch
sử buồn của miền Nam Việt Nam. Mẹ tôi mới mất nên chị em tôi ở chung một nhà.
Tôi là chị cả đầu đàn. Dì mới 12 tuổi đầu bế cháu vẹo cả sườn vì thằng bé mập mạp,
đi bộ từ nhà đến tổ mì. Hai dì cháu nó đứng ngoài cửa sổ tổ mì nhìn vào trong,
hễ thấy bóng tôi là cùng reo lên mừng rỡ rối rít như bắt gặp được vàng hoặc như
ngàn trùng xa cách lâu lắm mới gặp lại nhau:
– Chị Bông ơi… chị ơi… chị ơi…
– Mẹ Bông ơi… mẹ ơi… mẹ ơi…
Tôi cũng mừng vui không kém nhưng phải tất tả chạy ra bên cửa sổ và giả bộ mắng
em gái:
– Mày bế cháu đến đây làm gì?
– Thằng Bí khóc đòi gặp mẹ, em bế nó đến đây chơi cho nó vui.
– Chỗ người ta làm việc chứ có phải công viên đâu mà chơi cho vui.
Thằng Bí nào hiểu chỗ làm việc là gì, cứ đòi hỏi:
– Mẹ về nhà đi, mẹ bế con đi.
– Còn lâu mẹ mới về.
Thoa nhanh nhẩu:
– Em với thằng Bí chơi ở ngoài sân đợi chị về luôn.
Thế là tôi vừa làm việc vừa thỉnh thoảng trông thấy con và em mình lấp ló ở
khung cửa sổ. Khi nào rảnh tay tôi lại chạy ra cửa sổ để mỉm cười với chúng nó,
như muốn nói với thằng con bé bỏng rằng “Con ơi, mẹ vẫn ở bên con
nè”. Thoa bế thằng Bí đến tổ mì thường xuyên như cơm bữa, đến chơi vớ vẩn
hoặc có lý do đàng hoàng. Có hôm Thoa bế cháu đến, tôi lại hiện ra ở khung cửa
sổ tổ mì để “giao lưu” với em mình, chưa kịp hỏi thì Thoa đã nghiêm trọng nói:
– Chị Bông ơi, thằng phường đội vừa đến nhà mình hỏi anh Thủy đâu? Em nói là đi
học lâu lắm mới về.
Con bé thông minh và khôn ngoan lắm dù chỉ là nghe hóng mà đã hiểu chuyện, nó
biết là thằng phường đội đến nhà nào là đưa giấy báo “trúng tuyển nghĩa vụ quân
sự” cho nhà nấy, nên nhà nào có con trai đến tuổi lính rất lo sợ thằng phường đội
ghé nhà. Tôi dặn Thoa:
– Trưa nay Thủy về thì em nói Thủy ăn cơm xong đạp xe lên Hàng Xanh nhà bác
Châu tạm trú vài ngày nhé, thằng phường đội sẽ đến vài lần nữa không gặp Thủy để
giao giấy báo “trúng tuyển” thì cũng qua đợt giao quân nghĩa vụ quân sự, là Thủy
sẽ thoát được đợt này.
Thế là tuy tôi đi làm nhưng vẫn “chỉ huy” và “điều hành” được công việc ở nhà.
Thời sau 1975 nhà nào có con em bị nhận giấy “trúng tuyển nghĩa vụ quân sự”
cũng đau khổ như nhận giấy báo tử. Tôi quen một gia đình ở Xóm Mới, bà cho thằng
con trai và đứa cháu ngoại đi vượt biên bị chết biển mà bà khóc thương thằng
cháu ngoại vật vã hơn là thương thằng con trai. Hỏi ra thì bà giải thích:
– Thằng con trai tôi bị gọi đi “nghĩa vụ quân sự” thì coi như trước sau gì cũng
chết, chỉ thương thằng cháu ngoại ngây thơ vô tội.
Rồi bà Bắc kỳ di cư ở Xóm Mới đay nghiến:
– Tiên sư cha chúng nó, chúng bắt buộc thanh niên đi bộ đội mà còn giả nhân giả
nghĩa, láo khoét và mồm mép gọi là “trúng tuyển” làm như khó khăn lắm, cạnh
tranh lắm và vinh dự lắm mới được đi. Con ông cháu cha chúng nó chẳng đứa nào
được “trúng tuyển” cả, mà toàn đi du học hay lao động Đông Âu, Liên Xô đua nhau
gởi hàng hóa về Việt Nam như đi buôn hay chúng nó làm việc trong nước thì cũng
là ăn trên ngồi trốc thiên hạ, nhà cửa mình chúng chiếm, công việc ngon chúng
hưởng.
Có hôm thì Thoa có lý do khác khi bồng bế cháu đến tổ mì gặp tôi:
– Chị Bông ơi, sổ mua chất đốt để ở đâu để em nộp cho tổ trưởng tổ dân phố ngày
mai mua dầu hôi.
– Vẫn trong kệ sách đấy.
Cái kệ sách màu nâu yêu quý của tôi, cái kệ sách mà tôi đã thuê bác Tùng thợ mộc
trong xóm đóng theo đúng kiểu tôi vẽ ra, kê ngoài phòng khách không còn thuần
túy là sách nữa vì tôi đã phải đốt hay vứt đi khá nhiều những cuốn không thích
hợp với chế độ mới nếu không muốn bị kết tội “tàng trữ văn hóa phẩm phản động
và đồi truỵ”, nên kệ sách lỏng le, đựng đủ thứ lặt vặt trời ơi đất hỡi, không
biết Thoa có bới tìm ra cuốn sổ chất đốt không, hay lại chạy ra tổ mì hỏi tôi lần
nữa.
Hôm thì Thoa đến để bàn chuyện ăn uống:
– Sáng mai đến lượt tổ mình được mua bánh mì tổ. Mai chị đừng làm món mì sợi hấp
chấm xì dầu nữa nhé, em ngán lắm.
– Chị cũng ngán nói chi em. Thôi để hôm nào lãnh lương chị sẽ nấu một nồi xúp
xương chan mì sợi rắc hành ngò tiêu ớt vào ăn ngon lắm.
Thoa tươi nét mặt, háo hức nhưng thắc mắc:
– Em cũng thích ăn mì sợi có chan nước lèo như thế, nhưng mà có thịt không?
Tôi trả lời nước đôi, nó muốn hiểu sao thì hiểu:
– Chị không chắc là xếp hàng chen lấn nổi với người ta để mua thịt heo theo sổ
đâu, mà mua thịt chợ đen thì đắt lắm.
Ôi, tôi chán làm sao cảnh xếp hàng mua thịt ở ngoài chợ, cả một đám đông các bà
các cô dù ở nhà thanh lịch cỡ nào đến đây cũng hơn thua, xô đẩy chen lấn, cũng
bu đen bu đỏ quanh phản thịt như đàn kiến bu quanh hũ đường nhưng tay vẫn cầm
chặt cuốn “Sổ thực phẩm” như cầm một báu vật không thể đánh rơi đánh mất, người
đứng vòng ngoài không thể nào nhìn thấy mặt mũi miếng thịt. Thấy mặt mũi cô bán
thịt cũng khó như thấy dung nhan thủ trưởng cơ quan nào đó. Cô hàng thịt cắt
thịt thoăn thoắt và cũng thoăn thoắt thảy miếng thịt lên bàn cân, cái cân còn
nghiêng ngửa, chông chênh chưa ồn định thì cô đã nhanh tay lấy thịt ra đưa cho
khách hàng mà ai cũng hiểu là miếng thịt ấy cân non chưa đủ số lượng, nhưng vẫn
“hồ hởi” nhận miếng thịt để thoát ra khỏi vòng vây còn hơn là khiếu nại đã
không được giải quyết còn bị cô hàng thịt sưng xỉa, cửa quyền và chảnh chọe: “Nếu
không muốn thì trả lại thịt đây”.Hoặc cô lườm nguýt mắng cho: “ Chỉ làm mất thì
giờ của đám đông tập thể bà con”.
Cô đã lấy danh nghĩa “tập thể” ra đe dọa là quan trọng lắm, không ai dám giằng
co với cô thêm nữa. Mỗi ngày bán hàng xong ít ra cô hàng thịt cũng kiếm được mấy
ký thịt “thặng dư” mang về nhà. Đấy là cảnh chợ búa, tại các cơ quan cũng “phàm
phu tục tử” chẳng kém. Khi mà Việt cộng chơi trò quản lý bao tử, làm con người
thiếu thốn đói khát thì con người bỗng trở nên thực tế, tầm thường và có cả hèn
mọn. Bạn tôi là giáo viên kể rằng mỗi khi mua thịt heo định kỳ các giáo viên
lên văn phòng để chia chác mỗi người nửa ký, có những ganh tị, bất đồng và
tranh dành vì miếng thịt này không ngon bằng miếng thịt kia.
Nếu các học trò mà chứng kiến được cảnh này thì không biết hình ảnh thầy cô
giáo của chúng có còn đáng trân trọng nữa không? Tan trường giáo viên ra về
với miếng thịt heo buộc dây treo lủng lẳng ở tay lái xe đạp đã là một ngày hoan
hỉ. Nét mặt Thoa lại ỉu xìu đưa tôi thoát dòng suy nghĩ, về với thực tế:
– Nhưng chị ơi,
ngày mai món bánh mì tổ ăn với chuối hay hấp mỡ hành ăn với rau sống chấm nước
mắm em cũng ngán luôn. Chị mua trứng về tráng ăn với bánh mì nhé? “Bánh mì
tổ” khác với bánh mì ngoài chợ đen, vì vừa cứng vừa dở, bánh để nguội, để cũ là
cứng như đá, ném ai chắc cũng chảy máu đầu hay gây thương tích… trầm trọng!
Tôi gắt lên:
– Chưa biết, mai ăn thì mai tính.
Thời buổi xã hội chủ nghĩa, thực phẩm bán theo quy chế, hạn chế mỗi đầu người,
ngoài phần gạo ít ỏi theo tiêu chuẩn mà gạo thì đầy bông cỏ và sạn, họ còn bán
kèm theo mì sợi, bột mì, hay khoai lang, khoai mì, hạt bo bo. Đến nhà nào cũng
thấy ông già bà cả hay trẻ con ngồi trước cái mâm trải gạo mỏng ra để nhặt sạn
hay bông cỏ trước khi nấu cơm. Thế mà có khi vẫn còn sót, nhiều người đang nhai
cơm vấp phải hạt sạn tế tái cả răng và tê tái cả cõi lòng.
Thoa nhà tôi thích công việc nhàn hạ này, nó thường ao ước:
– Cầu trời khi lớn lên ai thuê em làm công việc nhặt bông cỏ và sạn gạo.
Tôi rên rỉ:
– Thoa ơi, tới lúc ấy mà vẫn phải ăn loại gạo xấu kém chất lượng này sao! Em phải
cầu trời là mai mốt không phải làm công việc nhặt sạn và bông cỏ gạo nữa nhé.
Ngoài ra còn những “công việc” như nay đi xếp hàng mua nước mắm hay mớ cá ươn ở
“Cửa hàng thủy hải sản”, mai xếp hàng mua bó rau gìa qủa héo từ “Cửa hàng rau qủa”.
Biết là hàng không ngon kém chất lượng nhưng vì gía rẻ hơn gía chợ đen nên người
ta vẫn chen lấn chờ đợi để mua cho bằng được. Mốt lại cũng xếp hàng, mua nhu yếu
phẩm tại “Cửa hàng bách hóa tổng hợp”, gồm mấy gói thuốc lá Hoa Mai hay
Đà Lạt ( dù nhà có hút hay không họ vẫn cứ bán theo tiêu chuẩn) một dúm bột
ngọt, nửa ký đường v.v... Thế là phát sinh ra “nghề” mua đi bán lại hàng nhu yếu
phẩm. Người mua đứng xếp hàng trước cửa hàng bách hóa thì mấy con buôn đứng luẩn
quẩn gần đó, mua hàng ra bán ngay tại chỗ, tiền trao cháo múc vô cùng nhanh
chóng và thuận lợi. Đã gọi là “nhu yếu phẩm” thì nhà nào chẳng cần dùng, tiêu
chuẩn ít ỏi chưa đủ dùng, nhưng vì thiếu thốn, vì cần tiền nên phải nhịn dùng để
bán đi lấy tiền chi tiêu cho chuyện khác cần kíp hơn.
“Cửa hàng bách hóa tổng hợp” cái tên nghe to lớn và lộng lẫy thế mà hàng hoá chỉ
lèo tèo và đơn điệu bày trên kệ, những món mà không ai muốn mua vì vừa đắt vừa
không cần thiết, món nào có giá thì các cô nhân viên bán hàng chỉ bán ra một ít
lấy lệ còn thì các cô chia nhau mua và tuồn ra chợ đen kiếm lời. Tóm lại các
nhân viên bán hàng cho các cửa hàng nhà nước vừa ăn chận của dân vừa ăn hiếp
dân, không cần biết lịch sự là gì. Xã hội chủ nghĩa đã tạo ra những loại người ấy.
Ấy là chưa kể thỉnh thoảng còn phải đi họp tổ dân phố, nhiều nhà “phái” cha mẹ
gìa, tai điếc, mắt mờ hay con trẻ, tuổi vị thành niên đi họp, hiểu được nội
dung cuộc họp hay không? Không thành vấn đề, miễn là …có mặt., để khỏi bị tổ
dân phố phê bình kiểm điểm.
Ông già bà cả và trẻ con thật là hữu ích. Thành ra sống dưới xã hội chủ nghĩa
ai cũng bận rộn và có việc làm cả ngày. Ban đầu nghe danh từ “hạt bo bo” tôi hí
hửng tưởng hạt bo bo tôi thường ăn trong ly sâm bổ lượng ngày xưa, vừa trắng vừa
mềm vừa bùi bùi. Nhưng hoá ra là hạt bo bo khác, bo bo màu vàng ngà ngà, nếu
chà vỏ rồi còn đỡ cứng, chưa chà vỏ thì hạt bo bo vừa dai vừa cứng là nguyên
nhân chính đưa đến sau này nhiều người dân thành phố miền Nam bị bệnh đau bao tử.
Nhưng cũng… nhờ hạt bo bo mà dân chúng có thêm nghề mới nữa là máy chà vỏ hạt
bo bo và máy xay hạt bo bo cho vỡ nhỏ ra. Trong cái khó ló ra cái khôn để
mà sống.
Nghe đồn món bo bo này của đất nước xã hội chủ nghĩa anh em nào đó vốn là thực
phẩm nuôi ngựa, trâu, bò của nước họ, viện trợ cho Việt Nam dùng làm thực phẩm
cho con người. Hàng xóm đua nhau chế biến các sản phẩm thay cho lương thực
lúa gạo ấy, nhà nọ bắt chước nhà kia. Món bột mì tôi cũng chế biến thành bánh
canh nước dừa, nhồi bột, cán mỏng cắt sợi làm bánh canh và nấu với nước cốt dừa
nêm mắm muối bột ngọt. Món mì sợi thì hấp vào nồi cơm mang ra chấm xì dầu hay
nước mắm tỏi ớt. Khoai lang, khoai mì thì luộc ăn chơi ngao ngán đến điêu đứng,
ăn không hết, khoai lang bị sùng thì đem gọt vỏ phơi khô bán cho mấy người nuôi
heo vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Còn món bo bo chỉ có nước chà vỏ, xay nhỏ
rồi độn vào gạo nấu thành cơm.
Một hôm tổ hợp mì
sợi long trọng tổ chức liên hoan để đón tiếp ông phó chủ tịch đặc trách kinh tế
của phường đến tham quan và có buổi họp cực kỳ quan trọng, tất cả công nhân
không làm việc để tham dự buổi họp này. Ông phó chủ tịch diễn thuyết một hồi
lâu và đưa ra những ý tưởng mà ông hớn hở cho là sẽ thành hiện thực không xa:
– Nay mai tổ hợp mì sợi của chúng ta sẽ tiến xa hơn, sẽ phục vụ nhu cầu của
nhân dân nhiều hơn, thành nhà máy sản xuất mì sợi chứ không phải trong căn nhà
tuyềnh toàng như thế này, sẽ có nhà ăn cho công nhân viên, sẽ có nhà trẻ cho
con em công nhân viên và những quy chế phúc lợi khác nữa.
Sau buổi họp của ông phó phường ai cũng phấn khởi. Tôi thì lo xa nếu tổ hợp mì
sợi biến thành nhà máy thì 2 dì cháu Thoa và thằng Bí hết còn chỗ đến đây chơi
và gặp tôi, vì nhà máy sẽ có cổng rào, có nhân viên bảo vệ, ai cho dì cháu nó bồng
bế nhau vào được? Một chị bạn hiểu ý tôi, an ủi:
– Đừng lo nhé
Bông, lúc ấy mày sẽ gởi thằng Bí vào nhà trẻ trong khu nhà máy càng gần con chứ
sao.
Nghĩ tới điều đó tôi mừng vui hết lo buồn nữa, tôi tưởng tượng giờ nghỉ trưa sẽ
sang khu nhà trẻ thăm con, chiều tan ca tôi bế nó về. Nhưng bác Mộc đã thức tỉnh
giấc mơ của tôi:
– Bông ơi, mày tin gì lũ Việt cộng hả? chúng nó nói thì như thánh như thần. Đơn
gỉan ai cũng hiểu là bột mì ở đâu ra để nhà máy sản xuất mì sợi chứ? nước Việt
Nam mình đâu có trồng lúa mì, chỉ đang nhận viện trợ lúa mì khẩn cấp từ nước
Nga trong thời gian khó khăn này thôi, mai kia mốt nọ Nga Xô hết viện trợ thì tổ
hợp mì sợi cũng đóng cửa chứ đừng nói nhà máy to tướng trong tương lai.. Với lại
dân mình dùng lương thực chủ yếu là gạo chứ có phải mì sợi đâu. Chúng ta cứ
làm việc được tới đâu hay tới đó còn hơn là ngồi không ở nhà bị gọi đi
làm thủy lợi không công cho nhà nước, để chúng nó bóc lột sức lao động của
mình..
Mỗi lần họp tổ dân phố mà phổ biến tin đi làm thủy lợi, ai rảnh rang không có
công ăn việc làm như tôi là lo âu hồi hộp vì mình sẽ được “ưu tiên” đi
trước. Làm thủy lợi là đào đất ven bờ hay đào vét trong lòng kinh, lòng rạch
cho kinh rạch thông thương xuôi chảy. Công việc bẩn thỉu, nặng nhọc và vất vả
vì tất cả công đoạn đều làm bằng tay chân cuốc xẻng, bằng sức người, nên chẳng
ai muốn đi.
Tôi đã một lần đi
làm thủy lợi tại xã Bình Mỹ A thuộc Củ Chi ráp ranh với Hốc Môn, quần sắn cao
lên, lội xuống con kinh đầy bùn rác hôi hám. Một dãy người cũng tư thế như tôi
đứng xếp hàng cạnh nhau để chuyền tay nhau những cục đất vừa đào xới lên ở đầu
kia. Tôi là người đứng cuối cùng ở đầu này.
Khi cục đất đến
tay tôi, thay vì phải chụp nhanh và quăng lên bờ thì tôi chợt rụng rời khi nhìn
thấy mấy đầu con giun đang lòng thòng ngọ nguậy nên không đỡ cục đất mà họ đã tốn
bao công phu từ người đào lên đến qua tay hơn chục người. Cục đất rơi xuống
lòng kinh, thế là toi công còn tôi thì vẫn bàng hoàng sợ hãi mấy con giun đất
và tủi thân đứng khóc giữa lòng con kinh dơ bẩn của xứ Củ Chi.
Tôi cũng mấy lần
nghe tin đồn là bột mì viện trợ đến từ nước Nga, chẳng biết họ lấy thông tin từ
đâu, nhưng 1 cô bạn tôi là nhân viên cửa hàng lương thực quận đã cả quyết
thế vì cô thấy bao đựng bột mì ghi chữ Nga ở bên ngoài.
Tôi vặn vẹo hỏi bạn:
– Mày có biết chữ Nga bao giờ đâu. Đoán mò hả?
– Thì cứ thấy dòng chữ có mẫu tự nào viết ngược là tiếng Nga, cần gì phải đoán
cho mất công.
Đúng thế, người ta kể rằng những người đi vượt biển ra khơi thấy tàu có chữ nào
ngược là tàu Nga thì tránh cho xa không đến gần, nó không cứu mà còn bắt giao
cho đàn em xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nó. Lời bác Mộc thật có lý, một người
lớn tuổi giàu kinh nghiệm đời và nhất là kinh nghiệm cộng sản từ ngày xưa ngoài
Bắc. Bác Mộc đã than thở:
– Tôi phải bỏ “bác Hồ” từ Bắc chạy vào Nam mà “bác” không tha còn đuổi theo.
Tôi lại có cái lo khác, sợ tổ hợp mì sợi hết bột làm và đóng cửa ngang xương
khi tôi lãnh lương chưa đủ gỡ lại vốn liếng đã đóng góp cổ phần. Ở xóm tôi cũng
như nhiều xóm khác mấy đàn bà con gái loại vô công rỗi nghề đang lao động làm
công việc đan mây tre lá mà họ đùa vui gọi vắn tắt là nghề “xỏ lá”. Ngồi gù
lưng cả ngày, nhà cửa bề bộn mây tre để đan thành những cái rổ, cái khay, v.v…
gia công cho tổ hợp, món hàng rẻ tiền nên công cán chẳng là bao.
Chị hàng xóm khoe với tôi:
– Nay mai tổ hợp mây tre lá sẽ xuất khẩu hàng thủ công ra nước ngoài mang lại
công ăn việc làm dồi dào cho chị em, làm không hết việc, nâng cao thu nhập.
Trời! Chắc tổ hợp mây tre lá này cũng đã được ông phó chủ tịch phường đến tham
quan và hứa hẹn những lời bay bổng như ông đã nói với tổ hợp mì sợi chúng tôi
sau khi đã nhận những phong bì và ăn uống liên hoan chiêu đãi. Tính tôi không
kiên nhẫn, ngồi xỏ lá thì thế nào lá cũng đâm vào tay làm đứt tay chảy máu. Hay
là tôi sẽ mua 1 cái máy se cói về se cói gia công? Không xong, món này cũng bừa
bộn nhà cửa lắm, con tôi đi qua đi lại thế nào cũng vấp ngã, tội nghiệp nó! Hay
là mua cái máy chà gạo gia công cho hàng xóm vì nhà cha mẹ tôi ngay mặt tiền đường
dễ mở tiệm ? Cũng không thích, vì bụi cám làm bẩn nhà và hít bụi vào làm hại phổi,
tôi chết sớm ai nuôi con tôi trong khi chồng đi tù tội chưa biết ngày về?
Tôi thật sự chán nản khi nghĩ đến những “ngành nghề” ấy.
Sự lo xa của tôi không vô lý và lời phán đoán của bác Mộc càng có lý. Tổ hợp mì
sợi của tôi làm việc được hơn 1 năm thì bắt đầu sa sút vì thiếu bột mì, tổ
lương thực phường không có bột để nhờ tổ mì chế biến gia công nữa. Bác Mộc thở
dài dạy cho tôi một bài học:
– Mày thấy chưa? chớ bao giờ tin lũ chúng nó. Thử hỏi bột mì ở đâu ra mà chúng
nó cấp giấy phép lu bù cho người ta đua nhau mở tổ hợp sản xuất mì sợi khắp quận
Gò Vấp này và những quận huyện khác trong thành phố để bây giờ cùng chết yểu,
chết chùm cả lũ?
Tôi thật sự ngưỡng mộ sự hiểu biết khôn ngoan của bác Mộc nên lo lắng hỏi sang
chuyện khác với vẻ tin cậy hết lòng:
– Bác Mộc ơi, thế họ nói mấy ông sĩ quan đi trình diện “học tập cải tạo” 10
ngày sẽ về mà nay đã hơn 4 năm rồi. Vậy bác biết bao giờ về không?
– Mày đã trồng cây mít bao giờ chưa? Ba năm mít mới có quả, thì cứ từ hai lần
cái 3 năm ấy trở lên may ra chồng mày mới được tha về.
Tôi chán nản:
– Nghĩa là bình quân từ 6 năm và hơn nữa hở bác? hở trời?
Cuối cùng thì tổ hợp mì sợi chính thức đóng cửa khi tôi chưa thu hồi đủ vốn đã
đóng góp đúng như tôi đã lo ngại. Anh Tình tổ trưởng chỉ biết hứa hẹn an ủi
mọi người:
– Bao giờ tôi bán được cái máy làm mì sợi liên hoàn kia sẽ bồi thường lại các tổ
viên mỗi người một ít.
– Nhưng thời buổi này bột mì khan hiếm ai mua máy về làm gì hở anh?
Anh Tình chán nản:
– Thì đành bán đống sắt vụn như từ lúc nó chưa thành hình cái máy liên hoàn mì
sợi này.
Ối giời ôi, không biết lúc này ông phó phường đặc trách về kinh tế, người đã nhận
mấy lần phong bì của anh Tình tổ trưởng từ lúc bắt đầu đăng ký xin thành lập tổ
mì đến khi đi vào hoạt động, người đã mấy lần ăn liên hoan phủ phê với tổ mì,
đã đến tham quan và tổ chức buổi họp quan trọng với tổ mì sợi của chúng tôi có
còn nhớ những lời phát biểu vàng ngọc “vô gía” của ông không? Tổ hợp mì sợi sẽ
tiến lên thành nhà máy mì sợi. Bây giờ cái máy liên hoàn làm mì sợi cũng đang
thành đống sắt vụn “vô giá” nằm chơ vơ chờ rỉ sét kia kìa. Nhà máy sản xuất mì
sợi trong tương lai của ông phó phường chỉ là một hồn ma bóng quế không bao giờ
là thật.
Những ngày nghỉ ở nhà tôi chưa biết làm gì vì vẫn thấp thỏm “canh chừng” tổ hợp
mì sợi với hi vọng biết đâu nước Nga lại thương tình mà viện trợ bột mì cho Việt
Nam một lần nữa thì tôi lại có công ăn việc làm. Hoặc là cái máy làm mì sợi
liên hoàn kia bán được thì tôi cũng sẽ được chia ít tiền. Tình trạng tổ mì của
tôi sống dở chết dở chỉ là chuyện nhỏ. Nông trường Lê Minh Xuân huyện Bình
Chánh trồng trái thơm do thanh niên xung phong đổ bao nhiêu mồ hôi công sức
cuốc đất và trồng trọt mới là chuyện lớn. Kế hoạch nhà nước đưa ra hô hào thanh
niên xung phong trồng thơm để sản xuất đã thất bại não nề.
Thơm tới mùa thu
hoạch, cả nông trường thơm chín vàng mà không có nơi tiêu thụ, đóng hộp xuất khẩu
thì còn non kém làm sao kiếm ra khách hàng, bán trong nội địa càng ế ẩm vì thơm
tươi ngon đầy rẫy, người ta mắc mớ gì phải mua thơm đóng hộp vừa kém phẩm chất
vừa đắt tiền. Thế là trái thơm tuôn ào ào ra khắp các chợ búa lớn nhỏ trong
thành phố, đi đâu cũng thấy một trời màu vàng của trái thơm đập vào mắt. Loại
thơm trái nhỏ tròn này mùi thơm và ngọt rất xứng đáng mang tên “Thơm”, thơm bán
trên quầy, bên lề đường, hè phố, và vỏ thơm thì ngập ngụa trương sình khắp các
chợ tha hồ cho ruồi bu kiến đậu.
Chưa hết, chắc thơm thu hoạch còn ứ đọng nhiều tại nông trường Lê Minh Xuân nếu
không mau thanh toán thì sẽ hư thối nên các anh em thanh niên xung phong mặc đồng
phục, đội mũ tai bèo, chân đi dép râu cũng rời nông trường về phố xá đẩy những
xe ba gác đi bán thơm vào tận hang cùng ngõ hẻm trong các xóm lao động. Chưa
bao giờ dân thành phố được ăn trái thơm với gía rẻ bèo đến thế.
Tôi mua thơm và hỏi chuyện hai thanh niên xung phong rất trẻ. Hào khí tuổi trẻ
của bao nhiêu thanh niên nam nữ đã bị người ta bóc lột và tận dụng không thương
tiếc tại những nông trường và những lâm trường hoang vu cách xa thành phố, thiếu
thốn ngay cả những tiện nghi tối thiểu nhất của đời thường. Nhiều người bị bệnh
tiêu chảy, nhiễm trùng, vàng da sốt rét kinh niên.
Ở xóm tôi có một anh đi thanh niên xung phong bị chết thảm khốc tại một lâm trường
khi đang đốn chặt tre nứa. Thay vì phạt con dao vào gốc nứa sao cho phần gốc chặt
ra ngã đổ về phía trước thì anh đã vụng về hay sơ ý làm phần gốc cây nứa ngã
ngược lại, đầu nứa vừa chặt nhọn hoắt đã theo đà đổ nhào thật mạnh của
thân cây đâm phập vào bụng anh lòi cả ruột gan.
Một hôm tôi gặp chị Đình gánh nước mắm đi bán ngang nhà liền gọi vào mua nước mắm
và hỏi chuyện vì Đình là em ruột anh Tình tổ trưởng tổ hợp mì sợi của
tôi. Trong thời gian đầu thành lập tổ hợp mì sợi Đình đã theo phụ tá ông
anh rất đắc lực nên chúng tôi đều quen biết Đình. Chị chạc bằng tuổi
tôi. Đình vừa đong nước mắm cho tôi vừa khoe:
– Tớ bán nước mắm
mà sắm được xe gắn máy cho chồng dễ như chơi, đằng ấy muốn vào nghề không tớ bỏ
mối nước mắm cho?
Mắt tôi sáng lên vì ham lời:
– Muốn chứ, bán nước mắm dễ không Đình?
– Thì chịu khó gánh đi rong phắp nơi thôi, tớ gánh từ Xóm Mới qua An Nhơn xuống
vùng Hạnh Thông Tây rồi vòng về Xóm Mới là hết vèo 2 can nước mắm tiền nhét đầy
túi.
Tôi than thở:
– Sao gánh đi xa thế! Mà tôi chưa biết gánh bao giờ.
– Chứ ngồi một chỗ thì bán cho ai? Mình đi tìm khách hàng chứ khách hàng nào đi
tìm mình.
– Nước mắm Đình lấy từ hãng nào?
Đình thuộc loại người vừa láu táu vừa thật thà, chị nhìn tôi ngạc nhiên và
thương hại:
– Cần gì hãng nào hả giời! Sao đằng ấy ngây ngô thế! Tớ chế ra đấy, chỉ cần một
ít nước mắm thật còn bao nhiêu là nước muối và nước lã nấu với lá chuối khô cho
có màu đẹp như màu nước mắm là thành sản phẩm.
Tôi thảng thốt kêu lên:
– Người ta ăn vào ngộ độc hay đau bụng thì sao?
Đình thản nhiên:
– Đã có “Xuyên tâm liên” trị đủ thứ bệnh mà. Nhưng đằng ấy đừng lo, lá chuối
khô lành lắm, gói bánh gai thơm ngon đến nỗi chỉ ngửi mùi lá chuối khô đã thèm
ăn bánh gai rồi, tớ chưa nghe ai ăn nước mắm của tớ than đau bệnh gì cả.
Tôi hiểu ý Đình, đi khám bệnh ở phường ở quận thì dù bệnh gì người ta cũng bán
cho bằng được loại thuốc dân tộc tên “Xuyên Tâm Liên” kèm vào, nên ai cũng thuộc
tên cũng biết mặt loại thuốc này. Viên thuốc thô sơ màu xanh xám như màu rêu cũ
trông nghèo nàn buồn tẻ làm sao, nhưng vẫn cần thiết vì không phải ai cũng có
tiền mua thuốc tây ngoài chợ đen và không phải thuốc ngoài chợ đen đều bảo đảm
là thuốc thật.
Mỗi lần đi khám bệnh là mỗi lần cơ cực, sau khi nộp sổ khám sức khỏe vào chồng
sổ cao ngất ngưỡng nơi bàn làm việc của phòng khám ở phường là sự chờ đợi dài
lâu đến mỏi mòn và khi gặp được cô y sĩ để khai bệnh, tùy theo cô buồn vui mà
nghe cô gắt gỏng nhiều hay ít.
Có lần tôi dẫn đứa em đi nhổ răng ở phòng y tế quận Gò Vấp, cấp quận cao hơn cấp
phường, nhưng dù quận hay phường cũng chờ đợi dài lâu như nhau. Khi ông nha sĩ
hay nha tá gì đó xuất hiện ai cũng mừng rỡ, thì ông dõng dạc tuyện bố:
– Hôm nay hết thuốc gây tê rồi, ai chịu nhổ răng với điều kiện tự nhiên thì
chúng tôi sẽ sẵn sàng phục vụ.tới cùng.
Ông nha sĩ tưởng mình là hiệp sĩ Don Quixote ra tay cứu nhân độ thế chắc? Ai mà
chịu đau cho nổi hỡi nha sĩ kiêm hiệp sĩ hoang tưởng kia.
Tôi thò tay chấm vào nước mắm trong can của Đình và nếm thử vẫn có mùi nước mắm
mặn mà, không cố tâm để ý thì khó mà biết là nước mắm gỉa được.
Đình chua thêm vào:
– Thời buổi nghèo đói lại nhiễu nhương này ai dỗi hơi mà để ý mà phân tích từng
mùi vị nước mắm gỉa hay thật miễn là gía rẻ, cứ nghe lời tớ đi bán nước mắm lấy
tiền nuôi con. Sĩ diện là chết trước đấy.
Thấy mặt tôi còn ngơ ngẩn, Đình tiếp:
– Hằng ngày đằng ấy mua hàng gỉa mà không biết đấy, thí dụ cái món mỡ nước từ
chợ Đồng Xuân Hà Nội do con buôn tuyến đường xe lửa Nam Bắc tuôn vào trong Nam
người ta đã trộn thêm cả bí đao hầm nhừ vào, cặn bí đao trông như cặn mỡ thịt đọng
lại, vừa hấp dẫn ngon mắt vừa nặng ký, chứ làm gì có mỡ nước nguyên chất thắng
từ mỡ thịt ra đâu. Món này con buôn Xóm Mới cũng bắt chước con buôn thủ đô Hà Nội
làm rồi, một vốn bốn lời.
Đúng là thời thế tạo con người, thời thế xấu thì một số con người cũng dễ dàng
xấu theo. Dân Xóm Mới xông xáo và gan dạ thật, nghề gì cũng làm được, từ mổ heo
lậu, làm pháo lậu. Thỉnh thoảng lại có vụ thuốc pháo nổ làm chết người mà họ vẫn
không ngán, chỉ vì sức mạnh của đồng tiền. Không biết ngoài vụ nước
mắm giả, mỡ nước gỉa, còn những món gì giả nữa? Có trời mà biết! Tôi cầm
chừng:
– Để tôi đợi tổ hợp
mì sợi ngã ngũ ra sao đã.
Đình gạt đi:
– Khỏi đợi, tớ là em anh Tình thì lạ gì, anh ấy đang tính chuyện làm ăn khác rồi,
cỗ máy sắt vụn kia bao giờ bán được thì bán chứ ngồi mà đợi nó ngã ngũ thì chết
đói.
Tôi tò mò:
– Anh Tình tính làm ăn gì cho tôi theo với?
Đình ghé tai tôi thì thầm:
– Tổ chức vượt biên, anh ấy sẽ mua tàu… Kín mồm miệng giùm nhé, tớ thương hoàn
cảnh đằng ấy nên mới nói trước để mà lo liệu, ở lại vừa đói khổ vừa bị đối xử
phân biệt lý lịch bao giờ con em mình mới ngóc đầu lên nổi? nếu muốn đi thì cứ
3 cây một đầu người đóng cọc trước, tới ngày sẽ lên đường. Thôi, tớ đi bán hàng
tiếp đây.
Chuyện phân biệt lý lịch lắm đắng cay, ai đi xin việc làm hay con em đi học
cũng phải nộp kèm theo giấy chứng nhận lý lịch của địa phương. Nhà nào nghèo mạt
rệp, bần cố nông mấy đời đi ở đợ thế mà sướng, lý lịch “sạch sẽ” Nhà nào có người
làm việc cho chế độ cũ “nguỵ quân ngụy quyền” hay giàu có “tư sản mại bản” thì
tờ giấy chứng nhận lý lịch tối đen như đêm 30 Tết.
Tôi nghĩ đến tương lai của hai con mình mà thương.
Sau đó tôi không gặp lại Đình nữa, tôi nghe tin cả nhà anh Tình đã đi vượt biên
tới đảo Mã Lai. Chắc là Đình đã cùng đi với anh Tình rồi. Bấy giờ tôi mới
hiểu vì sao nhóm anh Tình cư ngụ ở Xóm Mới mà lại xuống Hạnh Thông Tây mở tổ hợp
mì sợi, anh tạo cớ vắng mặt thường xuyên tại địa phương để dễ dàng khi đi vượt
biên không bị ai nghi ngờ.
Chuyện đại sự của anh là tổ chức đi vượt biên tìm tự do chứ không phải chuyện
làm ăn sản xuất mì sợi kia. May cho Đình và cũng may cho tôi, tôi khỏi phải
trả lời Đình tôi không thể bán món nước mắm giả này được. Vì ngay hôm vừa mua
nước mắm của Đình xong tôi đã đổ đi hết không dám ăn thì làm sao tôi dám bán
cho người khác ăn? Chuyện ông tổ trưởng tổ sản xuất mì sợi đi vượt biên
cũng đến tai địa phương tôi, người ta niêm phong tổ mì trong đó có cái máy liên
hoàn cà rịch cà tàng và những đồ dùng không đáng giá khác như bộ bàn ghế cũ, những
cái mẹt, cái nia để hấp mì, v.v… Chỉ tội chủ nhân cho thuê hai căn nhà chắc
đang mong chính quyền địa phương thanh lý dứt điểm vụ tổ hợp mì sợi để họ lấy lại
căn nhà thân yêu đang bị vạ lây niêm phong khóa kín lại.
Tôi không còn
trông mong gì lấy lại được đồng xu nào từ tổ hợp mì sợi nữa.
Nguyễn
Thị Thanh Dương