Cùng với danh ngôn đã đi vào lịch sử (“Đừng nghe những
gì cộng sản nói. Hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”) T.T Nguyễn Văn Thiệu
còn có một câu nói để đời khác nữa, tuy ít nổi tiếng hơn nhưng cũng
được nhiều người nhắc đi nhắc lại hoài hoài (“Đất nước còn, còn tất cả.
Đất nước mất, mất tất cả”) vì nó đúng với hoàn cảnh và tâm trạng của
họ.
Gần đây, tác giả Thụy Khuê (qua tập bút ký (Quê Hương Ngày Trở Lại – xuất bản vào tháng 6 năm 2019) đã gửi đến mọi người một cách tư duy khác, hoàn toàn mới mẻ, khoáng đạt, và “dễ chịu” hơn nhiều:
“Khi miền Nam thua trận năm 1975, nhiều người Việt phải bỏ
nước ra đi, không ít người kêu than ‘mất nước’. Kêu như thế là chưa
hiểu gì về đất nước: đất nước ta là một tập hợp sông núi, con người, văn hoá và
lịch sử ngàn năm, nó có cái vinh quang cũng có cái ô nhục, bởi nó là tổ tiên
ta, ta phải gánh tất cả, bởi nó đã ở trong ta, trong dòng máu…
Vì thế, nước không bao giờ mất, chỉ thay đổi chế
độ. Nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn không phải là chủ đất nước, họ là những người cai
trị đất nước trong một thời đại. Nhìn như thế, ta sẽ thấy lòng an nhiên tự tại,
một niềm hãnh diện mở ra tới vô cùng, bóp chết những thương đau, thù hận.”
Đúng là “nước không bao giờ mất, chỉ thay đổi chế độ”
(thôi) nhưng với “nhà Hồ” thì nhiều thứ nơi mảnh đất quê hương bỗng
hoàn toàn biến đổi – hoặc không cánh mà bay – chứ chả riêng chi lãnh
hải, lãnh thổ, hay biển đảo… Ngay tại Thủ Đô năm nào cũng có lời
than phiền rằng “những
bồn hoa tết tại Hà Nội chỉ sau một đêm là mất sạch!” Ở nhiều địa
phương khác cũng thế, cũng mất mát tràn lan đủ thứ, cứ hở ra là …
mất.
Vnexpress loan
tin: “Cao tốc Nội Bài – Lào Cai liên tục bị mất thiết bị … Ngày 25/4, đơn vị vận
hành đã phát hiện 2 cháu nhỏ đang tháo bulong tôn hộ lan dải phân cách giữa tại
xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng
VEC, cho biết hầu hết các vụ trộm bulong là do trẻ em thực hiện để lấy sắt bán
phế liệu.”
Hai cháu nhỏ này không làm chuyện chi bất thường hay
mới lạ cả. Chúng chỉ kế thừa và tiếp tục cái truyền thống (ăn
cắp) đã kéo dài, cùng với chiều dài của chế độ hiện hành thôi:
“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng
xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn
phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người
ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá
để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội
thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá.” (Phạm Xuân
Đài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. nxb Thế Kỷ: California 1994).
Điều duy nhất tương đối mới mẻ, hiện nay, là chuyện
mất sách kia:
- Báo Tuổi
Trẻ Thanh
Niên (21/12/2022): “Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất 25 cuốn sách
cổ quý hiếm.”
- Báo Tiền
Phong (20/03/2023): “Lại mất hơn 100 cuốn sách ở Viện Nghiên cứu
Hán Nôm.”
- Đài Tiếng
Nói Việt Nam (31/03/2023): “Viện Nghiên cứu Hán Nôm Nói Sách
Bị Mất, Thất Lạc Do Thiếu Giá Sách.”
Tình trạng “thất lạc” đại trà và
“mất mát” thường xuyên như thế khiến nhiều vị nhân sỹ đâm sốt ruột,
và xót ruột:
- Lê
Huy Bắc: “Sách cổ quý hiếm là hiện thân pháp lý về chủ quyền lãnh thổ
và văn hóa quốc gia. Mất sách là mất nước.”
- Nguyễn
Xuân Diện : “Tôi mong Ông Chủ tịch ý thức rõ về vụ việc đặc biệt
nghiêm trọng này và thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước di sản văn hóa của
đất nước.”
- Phạm
Ngọ: “Sự việc này là bán nước, còn bằng chứng đâu mà nói TS-HS là của
VN.”
- Đặng
Tiến: “Như thế là tộc ác.”
- Nguyễn
Thông: “Xin nhớ rằng có những tài liệu, văn bản cổ vô giá, phải được
coi là di sản quốc gia, bất khả xâm phạm, chẳng hạn bản đồ cổ về Hoàng Sa,
Trường Sa thể hiện chủ quyền của Việt Nam …”
- Nguyễn
Vụ: “Để mất sách Hán Nôm là tội ác không kém giặc Minh xưa.
Phải trừng trị Viện trưởng, lãnh đạo và cá nhân liên quan ở VNC
Hán Nôm.”
Nỗi bức xúc của nhiều vị thức giả, cùng thái
độ bình tâm như vại của nhà nước hiện tại khiến tôi
nhớ đến một vụ mất sách khác (hồi thời bao cấp) nhưng đã được giới
lãnh đạo vào thời điểm đó “xử lý” triệt để và quyết liệt hơn
nhiều:
Anh Phương từng có một tiểu sử rất đẹp.Sau năm 1975 anh
là thiếu tướng, phụ trách thanh tra ở Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Và có việc anh xử
lý một vụ liên quan đến cô V. văn công …
Cô V. lấy một anh làm đoàn trưởng, tìm được một chân nhân
viên ở thư viện quân khu tại Đà Nẵng… Đại hội VI của Đảng 1986 được coi là đại
hội đổi mới, nhưng tình trạng bao cấp còn kéo dài đến đầu những năm 90.
Nhưng ở chỗ cô V. lại có một thứ rất giàu: những bộ toàn
tập Lênin sang trọng, bìa cứng, màu nâu đậm, gáy chữ vàng nghiêm trang, dịch rất
công phu, do Liên Xô in và cho không, thư viện lớn hàng trăm bộ, thư viện cỡ
quân khu cỡ của cô cũng mấy chục bộ…
Thỉnh thoảng cô V. lại phải vất vả lau mốc. Và tới lúc
bao cấp túng bấn quá, tới bo bo cũng không đủ mà ăn, cô bèn đem bán bớt đi một
bộ. Có ít đâu, ta đã nói rồi, ông ấy viết khỏe lắm, những 54 tập dày cộp. V. đã
cẩn thận bóc hết bìa và xé hết những trang có ảnh lãnh tụ, cũng đã là một việc
khá nặng nhọc.
Bán cho ai? Chỉ có thể các bà đồng nát. Giấy rất tốt, gói
xôi không gì bằng. Thiếu đi một bộ cũng khó nhận ra. Kệ sách có hạn, chỉ chưng
vài bộ, còn thì cất trong kho. Vậy mà vẫn có người tỉ mỉ đi soi đếm, và ‘chỉ điểm’.
Đời vẫn thế, loại ấy không thiếu. Sự việc bị tiết lộ. Xử
vụ này là thanh tra quân khu, thiếu tướng Phương. Án phạt tối đa đối với một đảng
viên. Bởi vì đây là kết luận của anh Phương, sau khi cân lên đặt xuống kỹ lưỡng
mọi mặt. Phân tích rất đúng và nghiêm, không còn cãi vào đâu được.
Không phải, không chỉ tội tham nhũng, còn có
thể thông cảm nhẹ tay. “Đằng này,” anh Phương bảo,“nó bán cả chủ nghĩa kia mà!”
Tôi ở Hà Nội nghe mà kinh ngạc, anh Phương, chính anh Phương tôi từng biết đã
nói ra được câu ấy ư?” (Nguyên Ngọc. Hồi ký Đồng Bằng. Văn
Việt – 11/08/ 2020).
Tôi thì không ở Hà Nội và cũng chả kinh ngạc chi vì
đã từng nghe nhiều câu khó tin hơn về “chủ nghĩa,” từ mồm miệng của
những vị quan chức cao cấp hơn cái ông thiếu tướng (nào đó) trong câu
chuyện thượng dẫn rất nhiều:
- Hồ
Chí Minh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa
chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin.”
- Vũ
Đức Đam: “Bộ Bách khoa toàn thư phải là tri thức cơ bản về Việt Nam đặc
biệt là tri thức ứng dụng cho đất nước, phải đúng theo quan điểm của chủ
nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.”
- Võ
Văn Thưởng: “Nguyên tắc sống còn là kiên định chủ nghĩa Marx –
Lenin.”
Với “nguyên tắc sống còn là kiên định chủ nghĩa Marx
– Lenin” và với niềm tin sắt đá vào khả năng “bách chiến bách thắng
vô địch muôn năm” của học thuyết này (từ cả trăm năm nay, suốt từ
thời chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến tân chủ tịch Võ Văn Thưởng) thì
nhà đương cuộc Hà Nội có cần gì đến cái Viện Hán Nôm làm gì, nói
chi đến mớ sách cổ và sách mủn?
Bởi thế, cũng xin đừng ai lo lắng mất “bằng chứng
TS-HS là của VN” hay “để mất sách Hán Nôm là tội ác không kém giặc
Minh xưa” nữa nhá. Nay thì giặc Minh đang ngồi ở ngay trong Viện Hán
Nôm hay giữa Bộ Chính Trị chớ chúng đâu còn ở tuốt bên Tầu nữa!
Tưởng Năng Tiến