The Catcher in the Rye xuất
bản năm 1951, khi tôi chưa kịp mở mắt chào đời. Tuy hai phần ba thế kỷ
đã qua, và tôi cũng sắp sửa từ giã cõi trần (tới nơi rồi) nhưng vẫn
chưa bao giờ tìm đọc nguyên văn tác phẩm này của J.D Salinger cả.
Lý do, giản dị, chỉ vì tôi đã đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh (Thanh Hiên xb 1967) của Phùng Khánh tự lâu rồi. Dịch giả hẳn là phải thông thạo Anh ngữ lắm nên bản tiếng Việt vô cùng gẫy gọn, trong sáng (và cũng rất tài hoa) khiến tôi sợ rằng đọc nguyên tác chưa chắc đã thích bằng. Nó hay đến độ mà nhà văn Võ Phiến cũng có một tạp luận) cùng tên (“Bắt Trẻ Đồng Xanh”) vì ông đã mượn tựa từ bản dịch của ni sư Thích Nữ Trí Hải.
Bài viết này xuất hiện lần đầu trên tạp chí Bách
Khoa – phát hành từ Sài Gòn, vào tháng 10 năm 1968 – và đến nay vẫn
còn được độc giả quan tâm, dù hơn nửa thế kỷ đã qua. Một trong những
vấn đề được tác giả đề cập đến là số phận bi đát của những người
phụ nữ miền Nam, có chồng (và mất chồng) chỉ trong vài hôm – hoặc
vài tuần – sau Hiệp Định Genève :
“Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia
tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có
hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã
sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan,
trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những
kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ
1954.”
Sáu năm sau Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam được thành lập, vào hôm 20 tháng 12 năm 1960,
tại huyện Châu Thành – tỉnh Tây Ninh. Tuy được “dựng” lên ở miền
Nam nhưng phần lớn cán binh (và tử sĩ) lại là người miền Bắc,
theo ghi nhận của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện :
Trại lính, trại tù, người đi không ngớt
Người về thưa thớt dăm ba
Trẻ con đói, xanh như tàu lá
Cày bừa phụ nữ đảm đang
Chốn thôn trang vắng bóng trai làng
Giấy báo tử rơi đầy mái rạ! (“Đất Này Chẳng Có Niềm Vui” – 1965)
Mười năm sau năm nữa (năm1975) thì chiến tranh chấm
dứt. Tuy hòa bình đến nhưng trại lính, trại tù, người (vẫn) đi
không ngớt. Bọn trẻ thì đi thi hành nghĩa vụ quốc tế (giải
phóng nước bạn Cambodia), còn lớp già (thuộc phe thua trận) thì đi …
học tập cải tạo.
Dù được bên thắng cuộc hứa hẹn là thời gian “thụ
huấn” chỉ vài tuần thôi nhưng thực tế thì người về thưa
thớt dăm ba, và không ít kẻ đã ra đi vĩnh viễn, để lại vô số
những vành khăn tang trên đầu cô phụ (vào giữa thời bình) mà chả hề
có một tờ thư hay mảnh giấy báo tử nào ráo trọi.
Nếu còn sống sót, kẻ thất trận cuối cùng cũng đã
rời trại tù vào những năm đầu của thập niên
1990, sau gần 20 năm bị giam cầm. Hơn một phần tư thế kỷ đã qua.
Tù nhân chính trị ở Việt Nam hiện nay đều thuộc vào lớp người mới,
với tên gọi mới: tù nhân lương tâm – TNLT.
Hôm 22 tháng 6 năm 2021, VOA cho
biết :
“Theo báo cáo mới được đưa ra của VNHR, ít nhất 46 người đã
bị bắt giữ và truy tố tính đến ngày 31/5 vì vi phạm Bộ luật Hình sự 2015 sau
khi ‘bày tỏ quan điểm chính trị của họ thông qua mạng xã hội’, một cáo buộc mà
các nhà chức trách gọi là ‘chống phá nhà nước’. Nhóm nhân quyền ở California
cho biết rằng những người khác bị bắt trong năm qua bao gồm các nhà hoạt động
chính trị, nhà báo độc lập và những người khiếu kiện về quyền đất đai.”
Ngày 15 tháng 7 năm 2022, bỉnh bút Nguyễn Văn Lung (Tạp Chí Luật Khoa) cập nhật
thêm vài ba dữ kiện:
“Trong nửa đầu năm 2022, đã có 16 người bị bắt liên
quan đến những vấn đề như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí hay quyền
tự do hoạt động hội nhóm… Con số bị bắt đó tương đương với các năm trước, khi
mà cả năm 2021 và 2020 đều có 39 người bị bắt vì những vấn đề nhân quyền. Hiện
tượng này có thể gọi là ‘đàn áp một cách ổn định’. Những con số đáng buồn cho
thấy không có tiến triển gì trong việc cải thiện tình hình nhân quyền trong nước.”
Tuy tuyệt nhiên “không có tiến triển gì trong việc cải thiện
tình hình nhân quyền trong nước” nhưng đã có sự thay đổi lớn lao (và khá
bất ngờ) nơi thái độ của không ít nạn nhân. Phụ nữ Việt Nam hiện nay
không còn chịu nín lặng trong cảnh góa bụa, ngay sau ngày cưới, như
lúc đình chiến 1954. Họ cũng không cắn răng và nuốt nước mắt, trước
cảnh gia đình tan nát (chỉ vì chả may thuộc bên thua cuộc) như sau Đại
Thắng Mùa Xuân 1975 nữa.
Những người vợ tù bây giờ đã cùng chồng tích cực
nhận lãnh vai trò “tác nhân,” thay vì chỉ nhẫn nhục “cam chịu lịch
sử” như lớp người đi trước, dù họ vẫn bị đe dọa và sách nhiễu
thường xuyên :
- Công an Thanh Hóa dọa bắt luôn vợ Bùi Văn Thuận
- Vợ TNLT Trương Minh Đức bị câu lưu, tước hộ chiếu
- Ông Trịnh Bá Phương bị ép cung: “Không nhận tội vợ sẽ bị
bắt”
- Vợ nhà báo Lê Trọng Hùng bị từ chối thăm gặp chồng
- Công an Hà Nội gây khó dễ việc tiếp tế cho nhà hoạt động
Trương Văn Dũng đang bị tạm giam
- Gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc bị nhiều công
an bao vây
- Gia đình tù nhân lương tâm khiếu nại việc đối xử thô bạo,
nhục mạ bởi quản giáo
- Thân nhân đi thăm tù bị đánh đập
Chính sách thô bạo và ti tiện cố hữu của nhà đương
cuộc Hà Nội, xem ra, không có chút tác dụng nào đáng kể. Phản ứng
và cách hành xử của những người vợ tù hiện nay, thế hệ sinh trưởng
trong lòng cách mạng, đã hoàn toàn khác trước.
Xin ghi lại dăm ba trường hợp, theo thứ tự abc, để
rộng đường dư luận :
Bùi Huệ, phu nhân của TNLT
Dũng Vova: “Đến nay Vova được sự ủng hộ và quý mến của không ít các bà con,
anh em cùng lý tưởng. Nó giống như vị ngọt của cà phê đã trải qua cái đắng.”
Đỗ Lê Na, phu nhân của TNLT Lê
Trọng Hùng: “Tôi cũng muốn cho người dân ở trong nước, đặc biệt là những
gia đình đấu tranh, một số gia đình thì cũng còn e ngại trong việc người thân của
mình bị bắt bớ, có những gia đình không dám thẳng thắn lên tiếng, thì tôi muốn
qua cái câu chuyện của gia đình mình để cho mọi người biết rằng là cái quyền
lên tiếng để chống lại áp bức bất công – đó là quyền của mỗi người, và nếu
chúng ta làm đúng thì chúng ta sẽ không có gì phải sợ hãi họ cả.”
Trịnh Nhung, phu nhân của TNLT
Bùi Văn Thuận: “Cháu/em là vợ của anh Thuận, luôn tự hào về anh, ủng hộ và
tin tưởng rằng anh không làm gì sai cả, nên sẽ luôn đồng hành cùng anh trên con
đường khó khăn phía trước.”
Đỗ Thu, phu nhân của TNLT Trịnh
Bá Phương: “Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Tôi nghĩ họ sẽ không để yên cho tôi
đâu.”
Nguyễn
Thị Ánh Tuyết, hôn thê của TNLT Đỗ Nam Trung: “Sau này
Trung về chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện nốt những việc còn dang dở, mà chúng
tôi đã có những dự tính cho tương lai của hai đứa. Và tôi cũng sẽ kể cho Trung
nghe rất nhiều về những tháng ngày đã xa cách này, tôi đã nhớ Trung biết bao
nhiêu…”
Lê
Bích Vượng, phu nhân của TNLT Nguyễn Lân Thắng: “Bốn tuần. Ba mươi ngày.
Một tháng. Nghe nói tóc anh bạc nhiều. Nghe nói anh gầy đi. Nghe nói anh già đi
đến vài tuổi. Uh. Không sao. Mọi người luôn bên anh – Như anh đã có mặt ở những
vùng đất khó khăn, những khi bão lũ, thiên tai, nhân hoạ … tàn phá.”
Không chỉ thân nhân mà bằng hữu, hàng xóm, láng
giềng cũng thế. Thái độ của họ đối với những TNLT của chế độ hiện
hành hoàn toàn đã khác. Hình ảnh, biểu ngữ, cùng những bó hoa rực
rỡ và bia bọt tràn lan khi mọi người chào đón Phạm
Thanh Nghiên, Cấn Thị Thêu, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (như những vị anh thư
hay anh hùng của thời đại) đã khiến cho cư sỹ Phạm
Nguyên Trường cảm thán: “Trong nước CS mà đón tù chính trị về vui vẻ
như thế này thì thời gian tồn tại của chế độ có thể kéo dài bao lâu?”
Ơ hay, cái ông
này hay nhỉ? ̣Sao đã tu tại gia (và đã muốn gác bỏ chuyện thế sự
ngoài tai) mà vẫn còn “bao la” thế? “Thời gian tồn tại của chế độ còn có
thể kéo dài bao lâu” nữa là chuyện của “các đồng chí lãnh đạo ở
trên,” chứ việc gì mình phải bận tâm!
Tưởng Năng Tiến