09 May 2023

LẤY VỢ THỜI BAO CẤP - Nguyễn Thị Thanh Dương

Chiều nay có cuộc họp sau giờ dạy, Cầm về nhà muộn hơn mọi ngày. Vừa mệt vừa đói bụng ngồi vào bàn ăn thấy món thịt kho trứng bên đĩa rau lang luộc chấm nước mắm tỏi ớt ngon lành chàng chưa kịp khen thì mẹ chàng đã khoe:

     – Thịt Lan bán đấy. Con bé để ý đến con, thích con, nên nó luôn lấy lòng mẹ, cắt miếng thịt ngon cho mẹ lại cân đầy đủ nữa cơ.

     Cầm chẳng quan tâm đến tình cảm của Lan mà hỏi:

     – Thế thường thì cô ấy cân thiếu hở mẹ?

     Bà mẹ hiểu ý con trai muốn châm chọc, bà lườm con một cái và bênh Lan:

     – Nghề gì ăn nấy. Ai lấy nó là không sợ thiếu protein suy dinh dưỡng thời buổi bao cấp này.

     – Thời buổi bao cấp khốn khó mà còn ăn bớt ăn xén tí thịt của người mua, con thấy nó làm sao ấy.

     – Con cứ sĩ diện cứ thanh cao đi, nghề dạy học của con mỗi tháng được mua nửa ký thịt chẳng bõ gì. Mẹ phải kho mặn lên cả nhà mình 4 đầu người mới đủ ăn cả ngày.

     Cầm nghĩ đến nửa ký thịt tiêu chuẩn, mỗi tháng môt chị giáo viên trường tình nguyện đi xếp hàng mua mang về cho cả khối chứ chẳng dễ dàng gì chàng đi mua được. Ngồi bên con bà mẹ ngọt ngào rủ rê:

     – Mẹ chọn con Lan rồi, chỗ hàng xóm quen biết nhau, vừa xinh vừa nhanh nhẹn đảm đang, con suy nghĩ nhanh lên kẻo người khác rước mất, mấy cô thương nghiệp là đắt giá lắm đấy.

     Bà mẹ lại kể công cho Lan:

     – Hôm 28 Tết vừa rồi nghe tin quầy thực phẩm có bán giò lụa, mỗi hộ một ký, mẹ đến nơi thấy người ta chen sấp chen ngửa nhau cãi cọ í ới mà ngao ngán chịu thua dù biết rằng giò nóng hổi mới ra lò là ngon và rẻ hơn nhiều so với chợ đen. May quá mẹ thấy con Lan cũng đang phục vụ ở đấy, thế là mẹ nhờ nó mua giùm cây giò một ký, nó mang ra cho mẹ những 2 cây giò bảo là mẹ mua 1 ký, còn 1 ký nó biếu tặng gia đình mình ăn Tết.

     Chàng cằn nhằn:

     – Mẹ kể điệp khúc này mấy lần rồi, con thuộc lòng rồi. Nhưng mẹ nhận quà của Lan làm gì!

     Bấy lâu nay Cầm đã âm thầm có cảm tình với cô giáo Hương dạy cùng môn toán cùng trường, chàng luôn tìm cách nói chuyện với nàng, săn sóc ân cần nàng. Nhưng chưa thấy hi vọng gì thì nghe tin Hương sắp lấy chồng, là anh trưởng phòng vật tư nào đó. Hương đi lấy chồng đám giáo viên còn lại chẳng còn ai sáng giá, người thì đã chồng con, người thì xấu, người thì già quá lứa nên Cầm chẳng màng tới đồng nghiệp nữa. Chàng đang buồn tình. Đối với cô Lan hàng xóm tuy chàng chưa có cảm tình ngày nào nhưng cũng không hề ghét nàng chút nào.  Khi Cầm còn là sinh viên sư phạm đã mấy lần Lan mang vở đến nhờ chàng chỉ dạy thêm môn toán, chàng đã chỉ tận tâm thế mà Lan vẫn thi rớt tốt nghiệp phổ thông. Lan nghỉ học và xin được vào thương nghiệp bán cửa hàng thực phẩm cho đến giờ.

     Có lần vì mẹ bận đi đâu đó, cô em gái thì đi học, buổi sáng Cầm đi chợ đến quầy thịt của Lan thấy người mua vừa xếp hàng vừa bu quanh chen lấn nhau, tiếng người mua ngọt ngào năn nỉ có, than thở cũng có:

     – Em ơi, làm ơn bán cho chị lạng thịt nạc về nấu cháo cho con đang ốm.

     – Cháu bán cho bác nửa ký thịt mông sấn này. Khổ quá, bác đợi hơn nửa tiếng rồi.

     Tiếng Lan sa sả mắng khách hàng và ra oai:

     – Cô bác giành giật chen lấn như chuẩn bị cướp cô hồn thế hả? Giữ gìn trật tự tôi sẽ giải quyết từng người.

     Không ngờ cô bé hàng xóm từng rụt rè e ngại lấp ló ở cửa nhà chàng mong gặp chàng để hỏi bài toán khó mà nay thành cô bán thịt của hợp tác xã chanh chua chảnh chọe đến thế. Chàng khó chịu tránh xa không thèm mua thịt nữa dù mẹ chàng đã dặn hôm nay phải mua nửa ký thịt. Mẹ chàng luôn hớn hở gán ghép:

     – Con lấy Lan là xứng đôi vừa lứa.

     – Xứng chỗ nào mẹ, con nhà giáo, Lan bán thịt heo?

     – Thì người nọ bổ sung người kia. Hai vợ chồng cùng nhà giáo thì ăn… bụi phấn hả? Mỗi năm có một ngày nhà giáo được mấy món quà còn toàn là hoa, rác cả nhà.

     Bà mẹ đưa ra các ưu điểm lấy Lan lợi hại thế nào, chẳng riêng gì mua thịt mà mua gạo mua bách hóa, v.v… cũng dễ dàng mau lẹ vì trong ngành thương nghiệp chúng quen biết nhờ cậy lẫn nhau. Cầm đã vặn vẹo:

     – Nhưng ngoài ngành thương nghiệp là mẹ bó tay nhé. Thí dụ như khi mẹ nộp sổ khám bệnh cũng phải đợi từ sáng đến trưa. Hay là mẹ kiếm nàng dâu ngành y tế đi?

     Bà mẹ cười tự tin:

     – Mấy cô y tá cũng phải ăn thịt, đi mua thịt. Con Lan ưu đãi bán cho họ miếng thịt ngon thì khi Lan đi khám bệnh cô ý tá cũng ưu tiên cho Lan vào sớm. Tóm lại mẹ chỉ giới thiệu tôi là mẹ Lan bán thịt heo chợ Hạnh Thông Tây là xong ngay.

     Bà mẹ cứ dỗ dành, Cầm thì đang thất tình cô Hương. Rồi Cầm cũng xuôi lòng nghe theo lời mẹ, cô Lan xinh đẹp chỉ mỗi tội bán thịt cho ai cũng cân non một tí. Cô Lan yêu chàng chắc sẽ nghe lời chàng, lấy nhau về chàng sẽ chỉ dạy cho Lan thànhngười tử tế buôn bán đàng hoàng.

 

*** 

Khi Cầm phát thiệp cưới bạn bè, chàng đã nhận được lời khen nồng nhiệt từ một anh đồng nghiệp:

     – Thời buổi này lấy vợ thương nghiệp là nhất, lương nhà giáo chúng mình thì ba cọc ba đồng.

     Một chị đồng nghiệp thì cụ thể hơn:

     – Vợ bán thịt heo tha hồ ăn thịt heo nhé.

     Chàng giật mình và cảm thấy ngượng ngùng. Họ “kinh nghiệm” quá, không biết anh nọ chị kia đã từng mua thịt heo của Lan và từng bị cân thiếu chưa?

     Cầm cưới Lan, mẹ chàng cưới về được một nàng dâu thương nghiệp giỏi giang. Mỗi tan buổi chợ Lan lại mang về nhà được ít ký thịt dư thừa kín đáo để trong chiếc giỏ xách bằng cói. Tùy từng hôm, hôm nào “khéo tay” thì những vài ba ký thịt, hôm nào xui “lỡ tay” cũng hơn một ký. Thịt nhà ăn không hết mẹ chồng còn phải làm ruốc chà bông để dành. Lần đầu tiên Cầm lựa lời khuyên vợ:

     – Em vừa vừa phải phải thôi mỗi ngày dư ra vài ký thịt thế… Tội chết.

     Vợ ngạc nhiên nhìn chồng:

     – Anh mới từ cung trăng rơi xuống đất hả? Anh cứ đi từ Nam ra Bắc, từ cửa hàng bách hóa, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng ăn uống, xem có mua được cái gì muốn mua không? Chúng nó tuôn ra chợ đen hết, làm giàu đấy, em chỉ có một vài ký thịt mỗi ngày nhằm nhò gì.

     Chẳng cần phải đi đâu chàng đã biết rồi, dạo còn độc thân có lần thèm phở chàng vào cửa hàng ăn uống quốc doanh gọi một tô, cô mậu dịch viên mặt nặng mày nhẹ, chắc mới bị chồng chê hay bồ bỏ nên đang hận tình hận cả thế gian, bưng ra tô phở để trước mặt chàng và quay ngoắt đi. Chàng thấy trên bàn không có thứ gia vị gì, bàn bên cạnh cũng không. Chàng đành lên tiếng gọi xin chanh ớt dù biết thế nào cũng bị mắng, bà nhân viên đang đứng tán gẫu với một bà trong quầy thu ngân, quay ra bực bội cứ như bà ta và chàng có mối thù truyền kiếp:

     – Sao lúc nãy không nói? Chanh ớt hả? Đợi tí, phục vụ đang bận. Có tô phở rẻ tiền mà còn đòi hỏi! Khiếp!

     Tô nước lèo nhạt nhẽo, cô nhân viên còn nhạt nhẽo hơn và có cả sự tàn ác nữa, chàng ăn phở trả tiền nhưng bị các nhân viên nhà hàng quốc doanh quen thói cửa quyền đối xử như ban ơn ban phước. Vừa ăn bớt của dân vừa được quyền chửi dân. Với vài miếng thịt bò trên bát nước lèo toàn mùi vị bột ngọt cũng được gọi là tô phở. Chắc là tổ nấu nướng nhà bếp đã ăn bớt tiền mua xương thịt mới ra nông nỗi này.

     Thấy vợ đanh đá chàng xìu xìu lại:

     – Ngày xưa em dốt môn toán nhờ anh chỉ dạy mà em vẫn học dở thi rớt, bây giờ em tính toán giỏi đấy.

     Lan cười e lệ… dễ thương:

     – Anh khờ thế, em đâu cần học anh môn toán, em chỉ kiếm cớ gặp anh thôi.

     Và vợ ra lệnh:

     – Anh cứ lo dạy học trò những điều hay lẽ phải còn chuyện bán thịt ngoài chợ của em thì khác, anh đừng động chạm vào.

     Trong ngành giáo dục có khác gì, cũng ăn bớt, bóc lột. Một chuyện nhỏ là học sinh phải nộp “kế hoạch nhỏ” giấy vụn để nhà trường thu gom nộp cho nhà máy làm giấy, nhưng học sinh không dễ mua được cuốn vở giá nhà nước trong khi ngoài chợ đen mua bao nhiêu cũng có. “Chợ đen” không có nhà máy sản xuất giấy, không sản xuất tập vở, vậy sách vở ở đâu ra, ngoài chuyện người ta ăn cắp ăn bớt tuồn hàng ra ngoài.  Chàng đòi hỏi chi những điều tốt đẹp khi xã hội chung quanh bao kẻ thực dụng thời cơ.

     Khi Lan sinh đứa con đầu lòng, mẹ chàng trông cháu nội cho Lan bán hàng. Thằng bé hơn 1 tuổi mẹ chàng đã hầm xương hay luộc thịt nạc lấy nước nấu cháo cho cháu ăn. Mẹ chàng hả hê nói với chàng:

     – Mẹ nó không bán thịt liệu ngày nào cũng mua được thịt nấu cho nó như thế này không?

     Cầm chạnh nhớ đến hôm nào chàng đi chợ ai đó đã năn nỉ Lan bán cho chị ta lạng thịt về nấu cháo cho đứa con đang ốm. Chàng đành chịu thua bà mẹ và cả Lan vợ chàng. Hai người phụ nữ này luôn có lý. 

*** 

Mấy năm sau, nhà nước thất bại với đường lối bao cấp, đã đổi mới cơ chế buôn bán, các tư nhân có thể bán những mặt hàng thịt cá rau củ hay nhu yếu phẩm. Lan thất nghiệp nhưng nàng đã nhanh chóng nhạy bén với thị trường mới, ra ngay một phản thịt heo, nghĩa là nàng vẫn bán thịt heo trong chợ Hạnh Thông Tây như ngày trước nhưng không bán cho hợp tác xã nhà nước mà chính mình làm chủ. Bây giờ tình thế đảo ngược, người bán hàng cần khách chứ khách không cần người bán nữa, vì còn những hàng khác để mua khi giá cả cũng như nhau. Cô Lan bán thịt hách dịch ngày nào hiền dịu lịch sự hẳn ra, ông đi qua bà đi lại cô đều mời chào đon đả:

     – Bác mua thịt ạ.

     – Chị ơi mua giúp em miếng thịt.

     Bao giờ cô cũng bán miếng thịt ngon cho khách hàng và cân đúng cân đủ. Không biết có ai còn nhớ mối “hận” xưa bị Lan mắng mỏ và cân non cân thiếu thịt không? Nhưng khách hàng luôn có người nọ người kia, kẻ cũ người mới, Lan vẫn mua may bán đắt rủng rỉnh kiếm tiền.

Có hôm bán đắt hàng chỉ còn mớ thịt vụn mang về nhà kho tiêu nhưng Cầm vui vẻ khen:

     – Những miếng thịt vụn này từ tay em buôn bán tảo tần, thực sự làm anh ngon miệng.

     Lan hiểu ý chồng, cười cười:

     – Đôi lúc em cũng… tiếc thời “vàng son” ăn thịt heo miễn phí. Dạo em bán hàng cho hợp tác xã chắc nhiều khách hàng đi chợ và những kẻ ghen ăn tức ở oán ghét em lắm. Nay em bán hàng do chính mình làm chủ vất vả hơn mà lòng mình lại yên vui thoải mái hơn.

     Lan âu yếm nhìn chồng và tiếp:

     – Đảm đang thế mới xứng với chồng giáo viên của em vừa đạt được danh hiệu giáo viên giỏi toán cấp quận chứ.

Nguyễn Thị Thanh Dương

(March 22, 2023)