18 May 2023

TRỞ LẠI MIỀN KÝ ỨC - Đỗ Nhật Minh

Ông Nhật kinh ngạc, không sao nhận ra được chốn xưa. Ngay cả con đường vào làng. Xưa cong queo nhỏ hẹp, đi giữa ao chuôm và cánh đồng, giờ là đường nhựa láng bóng thẳng tắp. Phải, đường nhựa, chứ không lát gạch hoặc trải bê tông giống như bao làng quê khác. Ngay cả cổng làng bề thế. Xưa, trước cổng làng là cây đa mấy người ôm không xuể nay nhẵn thín, không một bóng cây. Cổng tam quan đẹp là thế vậy mà đã bị phá bỏ để thay thế cổng chào bằng xi măng, sắt thép với dòng chữ đỏ quạch trên tấm tôn: “Làng Đường Long”.
Càng đi vào trong làng, ông càng thảng thốt. Chợ Gừng to rộng nổi tiếng khắp vùng vì cơ man hàng nông sản, thực phẩm, gia cầm với bao dãy quán ngang dọc lợp tranh nứa và cả tường gạch lợp ngói, giờ như có phép thần, không còn một dấu vết, thế vào đó là những dãy phố với vô vàn cửa hàng cửa hiệu, bày bán không thiếu một thứ gì. Ông ngơ ngác đi vào khu trường học cấp II ngày xưa, nay gọi là phổ thông cơ sở. Cũng phải hỏi thăm mấy người. Người ta bảo, trường mới vẫn ở nền đất xưa nhưng ông không sao nhận ra. Trước, trường là hai khu dãy nhà ngói, tường đất cạnh đồi cây, giờ là khu đất bằng phẳng với ba dãy nhà cao tầng. Điều an ủi đối với ông là vẫn còn cây nhãn cong queo xưa. Anh hiệu trưởng trẻ bảo vậy. “Thế còn đền Cô?” Ông hỏi. “Đền Cô nào ạ?” “Đền Cô ở xóm Núi”. Anh hiệu trưởng nghĩ một lát rồi gượng gạo cười: “Hình như đền ấy vẫn còn vì thỉnh thoảng cháu nghe người ta nhắc nhưng cụ thể thế nào cháu không rõ. Cháu không phải là người ở đây. Cháu từ xã khác luân chuyển về, mới được hai năm”.

Ông lững thững tới xóm Núi. Bây giờ đường vào đền cũng phải hỏi. Xóm nào cũng thay đổi ghê gớm, đến dãy tre chẳng còn; chi chít, chen lấn nhà cao tầng, làm sao mà nhận ra cảnh cũ. Lạ nhất là đường xóm. Đường bê tông xen lẫn với đường nhựa, lại có cả dãy cột đèn điện chiếu sáng công cộng. Phải, đã năm mươi năm rồi, tròn nửa thế kỷ. Đổi thay là lẽ đương nhiên nhưng quả thực ông không ngờ một làng quê nghèo trung du ven thị xã gần thủ đô lại thay đổi nhanh chóng, lạ lùng đến thế. Phải, đã năm mươi năm rồi, tròn nửa thế kỷ. Thời gian đúng là bóng câu qua cửa. Mới ngày nào ông khoác ba lô đi bộ từ thị xã về đây dạy học. Sim, mua, thành ngạnh và cây hoang dại mọc um tùm ven đường làng. Tre dày đặc khắp thôn xóm. Đường thôn gập ghềnh, cong queo đất đỏ chỉ vừa đủ hai xe đạp tránh nhau. Mới ngày nào ông mới mười tám đôi mươi giờ đã vào tuổi xế chiều.

Đường Long đã ăn sâu trong miền ký ức, luôn dục dã ông trở lại. Phải chăng vì làng quê yên bình này là nơi đầu tiên ông đến, hay là vì có đền Cô và Thủy.

Ông hiểu biết đền Cô cũng là nhờ Thủy - cô giáo dạy cấp I. Thời ấy, cấp I, cấp II đều chung lớp học - sáng cấp II, chiều cấp I. Mà cấp II cũng chỉ có bốn lớp. Một lớp học dành riêng cho ba giáo viên ăn ở tập thể và cũng kiêm luôn phòng họp hội đồng nhà trường - chỉ có chín thầy, cô giáo. Ông là người tỉnh ngoài, còn hai giáo viên ở cùng đều trong huyện. Thủy nhà gần trường, thi thoảng buổi sáng qua lại chơi với cánh giáo viên ở tập thể. Cô người mảnh dẻ, có khuôn mặt trái xoan xinh xắn. Ông nhớ nhất là Thủy có nụ cười trong vắt và ngúng nguẩy tóc tết đuôi sam. Ngày nghỉ, Thủy thường đưa ông đến thăm đền. Nhiều lần ngượng, ông phải kéo học trò đi cùng, dẫu Thủy không thích điều đó. Sau này nghĩ lại ông thấy mình thật ngố. Nhưng mà hình như cái thời ấy, trai gái thanh tân - nhất lại là giáo viên - đều e dè, kín đáo.

Đền Cô ở xóm Núi. Đó là đền nhỏ nằm ven chân núi Ngọc, cạnh con suối nhỏ, quanh năm nước chảy, xung quanh rợp cây cổ thụ. Đã có bài thơ kể về đền:

Rừng cổ thụ cây xanh ngằn ngặt
Suối nước trong ngày tháng trùng lai
Chim kêu vượn hót lả lơi
Trên cành lá vỗ tựa người đùa duyên
Suối cá nước đua nhau khoe sắc
Thú hữu tình cốt cách tươi xinh
Non non nước nước đôi sinh
Cõi vui riêng thánh một mình là đây

Đền Cô gắn với huyền tích về nữ tướng Bảo Nương diệt giặc ngoại xâm. Bấy giờ giặc phương bắc tràn sang. Thế giặc như nước vỡ bờ, quân sĩ Bảo Nương chống cự không nổi phải rút chạy về núi đá Thạch Lâm trấn giữ kinh thành. Giặc cho đại quân bao vây núi. Đứng trên núi, nữ tướng vết thương đầy người, lòng đau như cắt, giận thù tím ruột bầm gan, quyết sống chết với quân giặc, sau một hồi cầu trời niệm phật, cúi lạy bốn phương đã biến mình thành tảng đá khổng lồ quăng tới tấp vào đám quân giặc khiến chúng chết như ngả rạ, những đứa sống sót tán loạn tháo chạy về nước. Đất nước trở lại yên bình. Đường Long là làng bên chân núi Thạch Lâm. Người dân nơi này lập đền thờ Bảo Nương, gọi là đền Cô, đặt một viên đá lên ngai. Để rước tảng đá về đền, hàng trăm người thắp lễ mới khiêng được. Lúc thắp lễ phải đồng thanh tấu:

Tôn kính thờ thánh
Rước nghênh xe kiệu
Chính diện ngôi cao
Mặt thánh độ điệu
Tâm sáng kính dâng
Mong ngài giáng chiếu

Đền Cô thiêng lắm. Người ta truyền vậy. Vào đền mà ăn nói tục tằn, đánh cãi chửi nhau hoặc đặt vật dơ bẩn lên viên đá thì không trước thời sau sẽ bị cô phạt nặng, hoặc là ốm nằm liệt gường liệt chiếu, hoặc gia đình tan nát, làm ăn lụi bại. Ai có ước nguyện khẩn cầu chỉ cần đặt tay lên viên đá, niệm phật, tất sẽ thành. Chỉ có điều người ấy phải tâm sáng, thực lòng, ngoài nén nhang, không được đặt lễ vật. Đền chỉ mở vào ngày sóc, ngày vọng. Người vào đền phải ăn vận gọn gàng, sạch sẽ, nói năng hòa nhã.

Ông Nhật mừng rỡ khi trông thấy cây đa quán nước ở ngã ba đường rẽ vào xóm Núi. Cũng lạ thật. Bao cây đa đã mất vậy mà lại còn ở chỗ này. Ngày xưa ông và Thủy thường ngồi đây trước khi đến đền Cô. Hai người không dám ngồi cạnh nhau vì sợ người làng và học trò trông thấy. Thủy mân mê những tàu lá đa rụng xuống do trẻ con nghịch vứt tứ tung còn Nhật toàn hỏi những chuyện đẩu đâu khiến Thủy chỉ mủm mỉm cười. Có lần cũng tại chỗ cây đa này, Nhật đưa ra nhận xét về bài văn của một giáo viên làm Thủy chau mày giận dỗi: “Kệ người ta. Anh không có chuyện gì để nói à?” Tiếng Thủy trong vắt và êm ái, cứ như làm nũng. Thế mà Nhật chẳng hiểu ý tứ gì, càng ra sức thuyết trình. Ôi, cái thời ngốc nghếch đến thế.

Từ xa, ông Nhật nhìn vào quán nước. Chắc bà cụ Tèo mất lâu rồi. Không biết bây giờ ai là chủ quán đây - hẳn là con cháu họ hàng cụ. Bà cụ Tèo vui tính và hay chuyện lắm. Chính bà cụ là người đầu tiên kể ngọn ngành cho ông nghe sự tích đền Cô. Mà bà cụ có trí nhớ tuyệt vời. Bảy mấy tuổi đầu vẫn vanh vách nhớ truyện thơ Phạm Công - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, cả Chinh phụ ngâm - những tác phẩm mà ông chỉ nghe tên chứ chưa bao giờ đọc. Quán nước bà cụ chỉ là mấy cọc tre, mái lợp rạ chẳng có tường vây, ghế ngồi là bờ đất được phủ những manh chiếu. Đồ bán lỏng chỏng bày trên chõng tre - mấy bánh gói ví như bánh chưng, bánh gai rồi ít kẹo vừng, kẹo lạc, thuốc lào, thuốc lá sợi. Vậy mà quán bà cụ lúc nào cũng đông khách. Ông Nhật nhớ nhất một lần, bà cụ chẳng biết đùa hay thật, chỉ tay vào Thủy hỏi: “Vợ thầy Nhật đây hả? Trẻ và xinh quá”. Thủy đỏ vang mặt, luống cuống: “Không ạ. Vợ thầy Nhật còn đẹp hơn cả cô Kiều, cụ ạ”. Nhật lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, cấm nói câu nào cho ra hồn. Ôi, cái thời ngốc nghếch. Chẳng ngốc nghếch mà đi với nhau bao ngày mà không thổ lộ lời yêu, đến cầm tay không dám để đêm về nằm khoèo tưởng tượng đủ chuyện. Cũng tại Hoán ở cùng. Hoán bảo: “Thủy có người yêu đang ở chiến trường. Mày mà dính vào là bị đuổi việc. Chính sách hậu phương quân đội, biết chưa?” Hoán là bí thư chi đoàn, tổ trưởng tổ khoa học tự nhiên, ngấp nghé lên chức hiệu phó. Ngày sắp chuyển trường, phải xa Đường Long để về nơi khác, Nhật mới dám hỏi Thủy về chuyện ấy. Thủy giận dữ: “Lại mồm anh Hoán phải không? Sao anh ấy ác thế”. Thì ra, Hoán chủ tâm hại Thủy. Có lần anh ta dở trò sàm sỡ bị Thủy cho cái tát vào mặt. Mãi sau này Nhật mới biết chuyện đó.

Ông Nhật tới quán nước. Bà chủ quán tóc bạc quá nửa, xởi lởi mời khách. Quán là một căn nhà ngói rộng, kê ghế dài xung quanh. Bàn gỗ bày tươm tất đủ bánh kẹo, nước uống nội ngoại đóng chai trông rất hấp dẫn.

“Xin lỗi, bà có phải con gái cụ Tèo không? Tôi trông giống quá”. Ông vui vẻ hỏi.

“Vâng. Ông ở đâu mà cũng biết mẹ tôi?”

Ông Nhật mủm mỉm cười, và khi ông tự giới thiệu kể đầu cuối câu chuyện, bà chủ quán luống cuống, kêu toáng lên:

“Thầy giáo Nhật. Lúc thầy vào em cứ ngờ ngợ nhưng không dám hỏi. Em là Nga. Khi thầy ở đây, em mới học lớp ba. Lên cấp II, em học thầy Hạnh, thầy Vịnh, cô Tỉnh, thầy Ân, thầy Chiên. Thầy Vịnh chủ nhiệm lớp bảy của em. Thầy Hạnh, thầy Ân mất rồi. Loáng cái đã mấy chục năm. Nhanh quá thầy nhỉ. Em năm nay cũng xấp xỉ tuổi sáu mươi, có đủ cháu nội, cháu ngoại. Ô, sao thầy lại đi bộ? Ngay đầu làng, ở chợ Gừng ấy, có khối xe ôm”.

“Tôi thích đi thế này. À, chị có học cô giáo Thủy không?”

“Dạ, có. Cô giáo đẹp người đẹp nết về sau đâm khổ, thầy ạ. Lúc lỡ thì, cô lấy một ông bệnh binh góa vợ. Độ dăm bảy năm, ông ta phát dở, suốt ngày đập phá. Một hôm, ông ta cầm búa phang đầu vợ. Cô chết mà người hàng xóm chẳng hay... Thầy làm sao thế, mặt tái mét, mồ hôi vã ra cả mặt. Thầy uống nước đi. Em vừa pha nước chanh. Thầy uống bia nhé?...”

Ông Nhật lắc đầu, đăm đắm nhìn lên ngọn cây đa trước mặt.

“Thế đền Cô còn không?” Ông ngập ngừng khe khẽ hỏi.

“Đền vẫn còn thầy ạ. Cách đây vài ba năm đền được tu sửa khang trang lắm. Ban thờ xây gạch ngày xưa đã được mở rộng dài ra, ốp đá hoa, đắp cả rồng, phượng. Điện được mắc sáng trưng có cả đèn xanh, đỏ, tím, vàng. Đẹp không thể tả được”.

“Vậy thì phúc đức cho làng, cho thôn ta quá”.

“Đẹp nhưng chả ai đến thầy ạ. Nói không ai tới thì hơi quá. Cũng có một số người vào. Người ta ít vào cũng là phải. Ai đời đền thờ thần thờ thánh mà có cả phân người, phân gia súc, cả kim tiêm, bông băng. Xã và thôn cũng cử người trông nom nhưng chả ông nào làm được lâu. Người bị kẻ xấu đe dọa hành hung, người thì ăn tiền để lũ mất dạy vào đú đởn, tiêm chính. Người vì ăn cắp tiền công đức. Có tí lộc đền mà mấy ông gầm ghè nhau. Nội bộ nát như tương. Suối cũng cạn rồi. Đền chả còn thiêng nữa. Cầu chẳng được, ước chẳng thành. Đền tự dưng lạnh hương khói. Giờ thầy có đến cũng chẳng ai mở cổng. Nếu thầy muốn vào phải cho lão Xuân còm trong xóm ít tiền. Lão ấy đánh một chìa khóa riêng...”

Ông Nhật ngồi như chết lặng.

“Thầy có vào không ạ? Em sẽ chỉ nhà”.

Ông Nhật buồn bã nhìn ra ngoài - nơi con đường nóng bỏng không một bóng người qua. Ông cứ ngồi như thế như một tảng đá, mãi cho tới khi có mấy người đi xe máy tới, bước vào...

Đỗ Nhật Minh