Sau năm 1975, một trong những cách mô tả của báo chí nhà nước
mới về sự thịnh vượng của miền Nam là một xã hội “phồn vinh giả tạo”. Cách dẫn
giải của cụm từ này, đơn giản là do đô-la của đế quốc Mỹ đồ vào, sự ăn xài phủ
phê có tính giai đoạn, quan chức tham nhũng giàu có, bọn tư bản mua bán lũng đoạn…
nên xã hội miền Nam Việt Nam có vẻ đầy sức sống nhưng trong lòng của xã hội là
sự nghèo kém và lạc hậu vì bị áp bức, bóc lột.
Những quan điểm như vậy, dù thiếu tính nghiên cứu khoa học và được dẫn đường bằng cái nhìn đay nghiến vô cớ, cũng khiến không ít người tin vào điều này, thậm chí là căn bản lý luận của những luận văn gọi là khảo sát miền Nam hoặc báo chí trong suốt trong một thời gian dài.
Cho đến khi ngôn luận đời sống xã hội được mở rộng, đặc biệt
là sau khi các mạng xã hội, blog… phát triển, luận điệu này chìm dần, nhưng
không có ai nói lại, xin lỗi hoặc có một sự tự trọng nhất định để cải chính về
đời sống thật của người dân miền Nam, nếu không nói đó là loại ngôn luận phủ định
đầy xúc phạm.
Mới đây, trong một bài
viết của nhà báo Trương Huy San, có nói về thời kỳ phát triển viễn thông
sau 1975 với một số quan chức có ý thức về tương lai đất nước, bài viết có dẫn
con số về đầu điện thoại sử dụng ở hai miền trước 1975. Theo bài viết, con số
thống kê được chính quyền mới ghi nhận lại, cho thấy trong thập niên 1960, điện
thoại tư nhân đã tăng rất nhanh ở miền Nam: Năm1965, 23.377; năm 1966, 24.837;
năm 1967, 27.082; năm 1968, 30.964; năm 1969, 36.150; năm 1970, 34.889; năm
1971; 38.133 máy.
Những con số này cho thấy sự phổ biến trong đời sống dân sự
Việt Nam. Đồng thời gian, các tài liệu về lịch sử viễn thông – phương tiện điện
thoại cố định ở Đại Hàn, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba,Thái Lan… cho thấy điện thoại
cố định (landline telephone) là hầu như chỉ dành cho các văn phòng công sở,
không phổ biến cho dân dụng. Dĩ nhiên, miền Bắc thì lại càng không có, do mọi
nguồn lực đều tập trung phục vụ cho chiến tranh chứ không là phát triển truyền
thông đại chúng. Bên cạnh, việc quản lý nghiêm ngặt các phương tiện liên lạc
này vì sợ gián điệp, cảnh giác… khiến điện thoại chỉ có ở các cơ quan, nhưng
không đều.
Trong bài viết, nhà báo Trương Huy San lập lại vài chi tiết
mà nhiều người miền Nam đã biết, là “ngày 30 tháng Một 1966, lần đầu tiên
người dân Sài Gòn được xem một bộ phim Mỹ, vừa có tiếng Việt vừa có tiếng Anh,
qua 1.000 máy vô tuyến truyền hình được đặt ở những địa điểm đông người tại Sài
Gòn và các tỉnh lân cận. Tín hiệu được phát đi từ hai máy bay hiệu
Constellation bay vòng quanh Sài Gòn. Hôm sau, ngày 31 tháng Một 1966, Tháp vô
tuyến truyền hình đã được khánh thành tại số 7 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn
Thị Minh Khai). Cuối thập niên 1960, máy vô tuyến truyền hình trở thành phổ biến
ở các đô thị lớn và bắt đầu về tới các vùng nông thôn miền Nam.
Ngày 7 Tháng Chín 1970, miền Bắc mới cho phát thử một
chương trình truyền hình đen trắng và phải sau ngày 30 tháng Tư 1975, một số
người dân ở Hà Nội, mới được “xem vô tuyến” nhờ các máy thu hình đưa từ miền
Nam ra chuyển hệ hoặc đưa từ Liên Xô và các nước Đông Âu. Truyền thông báo chí,
ngay cả của nhà nước cũng phát triển rất hạn chế ở miền Bắc. Trong thập niên
1960, trong một xã may ra có ông chủ tịch hay bí thư là có được chiếc máy thu
thanh hiệu Xiong Mao hoặc Orionton. Sau năm 1975, những chiếc radio bán dẫn Nhật
như Standard, National… được các anh bộ đội, các cán bộ vào Nam công tác đưa ra
nhưng nó vẫn là một mặt hàng bị “nhà nước quản lý”.
Trong ký ức nhạt nhòa, tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều chủ
nhật đón xem các bộ phim cao bồi và siêu nhân trên truyền hình ở Sài Gòn vào
các chiều chủ nhật. Bọn trẻ con vẫn hò hét và tán chuyện với nhau về những tình
tiết hấp dẫn trên TV. Truyền hình là phương tiện giải trí mắc tiền và riêng tư
nhiều hơn cả điện thoại gia đình, nhưng theo một bài
viết của nhà báo Phạm Công Luận, thì lúc đó, “Máy truyền hình đã xuất hiện
tại VN, lần đầu tiên, năm 1966. Một chiếc Denon, 12 inches, giá 16.500 đồng, 19
inches: 30.000 đồng… Mặc dù kỹ thuật còn lỉnh kỉnh, như: vô tuyến truyền hình,
chương trình cao su, hát nói nhiều hơn hình ảnh, ti vi – một danh từ mới – đã
được “khán thính giả” VN chiếu cố kỹ. Nhà nhà đều có ti vi. Ai không có thì đi
coi cọp. Ăng ten mọc như mắc cưởi, hướng loạn trên các mái nhà, nhất là ở các tỉnh.
Chương trình được hâm mộ nhất là… cải lương và… đài Mỹ. Batman xuất hiện khắp
hang cùng ngõ hẻm. Lúc đó điện còn yếu, mỗi nhà một survolteur cho ti vi”. Một
thống kê khác, cho thấy lúc đó sức mua của người dân miền Nam rất mạnh, nên cho
đến đầu thập niên 70, cứ 50 người thì có một gia đình sở hữu truyền hình.
Một buổi phát hình của Đài truyền hình Sài Gòn, trước năm
1975.
Năm 1980 chính quyền mới thử nghiệm phát truyền hình màu lần
đầu, cố gắng nối kết giữa các hệ phát hình xã hội chủ nghĩa và tư bản như NTSC,
Secam, Pal… Năm 1983, ông thầy của tôi làm việc ở Sài Gòn, gom góp tiền bạc mua
được chiếc tivi màu 14 inch JVC vỏ đỏ. Ông kể chuyện mình dành dụm mãi mới mua
với giá gần 1, 4 lạng vàng. Mua xong, ông gửi về quê ở Hà Nội để cho ông cụ
thân sinh xem giải trí, vốn cả đời chưa thấy truyền hình màu là gì. Thế nhưng
chỉ qua tháng sau, ông nhận lại chiếc truyền hình ấy với thùng, bao còn mới
tinh. Hỏi ra mới biết, khi ông cụ nhận được quà không bao lâu, thì xóm làng biết
chuyện. Phía hội, đoàn, cả công an khu vực cũng ghé nhà, thuyết phục cụ mỗi đêm
nối dây mang ra sân cho cả xóm mấy mươi người cùng xem vì tình nghĩa xóm làng.
Đột nhiên từ chỗ có của, nhưng không được vui hưởng, mà trở thành người hàng
đêm phải quét sân, dọn tivi ra, rồi hết giờ lại dọn vào… quá mệt mỏi nên ông cụ
gửi trả tivi về Sài Gòn, nói rằng ông chỉ muốn được yên.
Về điện thoại cố định, từ giữa những năm 80, khi liên lạc viễn
thông không còn bị nhìn với ánh mắt nghi kỵ, và nằm trong kế hoạch phát
triển 1995-2000, với mục tiêu 100 người dân/1 điện thoại, người Sài Gòn dù trải
qua nhiều đợt vô cùng khốn khó, đã dẫn đầu cả nước để đóng tiền “cọc”, đưa điện
thoại cố định về nhà. Cần phải nói, mỗi điện thoại lúc đó bị yêu cầu thế chân 4
đến 5 triệu đồng, tương đương 4-5 cây vàng (năm 2005, giá vàng là 955.000 đồng/chỉ),
nhưng đến giờ, hầu như không ai lấy lại được số tiền thế chân đó.
Chắc là Sài Gòn không chỉ là “phồn vinh giả tạo” đâu, vì sau
năm 1980, ở các chợ điện tử của quận 5, quận 1, quận 10… mọc lên như nấm các cửa
hàng chuyển hệ truyền hình của phương Tây, sang các hệ màu xã hội chủ nghĩa
đang phát. Sự phát triển của các của hàng này cũng chứng mình một điều là các
phương tiện bị gọi là xa xỉ vào lúc đó, đều là tài sản có sẳn của nhiều gia
đình miền Nam, còn lại sau các chiến dịch đánh tư sản X1, X2, X3 mà khiến bộ mặt
xã hội trở nên mệt mỏi và kiệt quệ… Cái cách sống và chọn tiện nghi cho mình, đắt
tiền nhưng vẫn chấp nhận sau giai đoạn chiến tranh kết thúc, rõ là một xã hội
đã quen với nhu cầu và mức sống như vậy. “Phồn vinh giả tạo” quả là không có ý
nghĩa gì, khi ít phút nhìn lại lịch sử bằng sự thật.