Tôi bị bắt ngày 5 tháng 4 năm 1976, trong cái trò bắt người
mà cộng sản gọi là “chiến dịch X2 đánh Văn Nghệ Sĩ phản động”. Chiến dịch X1
trước đó “đánh”tư sản mại bản (tức những nhà tỷ phú người Việt và người Việt gốc
Hoa, đa số ở Chợ Lớn). Có 3 nhà tỷ phú người Việt bị bắt là cụ Hoàng Kim Quy (cựu
Thượng Nghị Sĩ đệ nhị VNCH), hai anh em vua tầu thủy Phạm Quang Khai và Phạm
Quang Hoa.
Trước và sau tôi bị bắt vài ngày có hơn trăm người gồm đủ bộ môn văn nghệ Miền Nam (Văn, Thơ, Báo chí, Nhạc, Kịch, đạo diễn điện ảnh, đạo diễn Cải lương có đôi chút tên tuổi). Đa số giam ở T20 (số 4 Phan Đăng Lưu bên hông chợ Bà Chiểu, Gia Định) vài người đi khám Chí Hòa. Khoảng mười tháng sau một số lớn được tha về, chỉ còn mươi người bị quy kết tội “có nợ máu nhân dân” và “chống cộng ở thượng tầng kiến trúc” bị giữ lại. Đây là những “tội” có thể đưa tới tử hình.
Sau hai năm tra vấn hỏi cung xong, họ đưa bọn tôi lên trại
Gia Trung (xứ sương mù Pleiku) nằm trong khu rừng già, nghe nói trước đây là mật
khu của Việt cộng, để lao động khổ sai.
Tưởng cũng nên kể ra đây tôi là người trong giới Văn nghệ đầu
tiên, mới nhập trại đã bị tống ngay vào “biệt giam” (cachot) khu B1, phòng 11
trại Phan Đăng Lưu. Có lẽ họ tưởng tôi là nhân vật quan trọng, là tay sai của
CIA được dựng lên làm Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam hoạt động trong báo
giới. Vì ngoài Bắc chức vụ này “to” lắm, do đảng đưa ra và quyền hạn cũng như
quyền lợi ngang bộ trưởng.
Trong cùng dẫy biệt giam khu B1 có những nhân vật tên tuổi
như Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Linh mục Đỗ Bác
Ái, Tiến sĩ Mai Văn Lễ (cựu Khoa trưởng Khoa Luật đại học Huế), Luật sư Nguyễn
Hữu Doãn, Luật sư Nguyễn Khắc Chính, Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, Nhà báo Hồ Văn Đồng,
Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, Nhà Văn Nhà báo (nguyên dân biểu) Hồ Hữu Tường.
Những người này lần lượt vào biệt giam sau tôi 1, 2 tuần.
Đầu dẫy khu biệt giam buồng số 1 là “tướng phục quốc Nguyễn
Việt Hưng”. Tôi rất tiếc khi đó không biết nhiều về nhân vật này. Ông là người
đầu tiên cầm đầu một số dăm bẩy người trấn trong nhà thờ Vinh Sơn (đường Trần
Quốc Toản) đánh CS với vài vũ khí thô sơ, khi CS vào Saigon mấy tháng. Sau đó
ông bị CS xử bắn. Vụ “vùng lên”khởi đầu chống đối CS này đã gây tiếng vang rộng
lớn làm trấn động dư luận khắp nước khi đó. CS phải điều động bộ đội công an cảnh
sát vây hãm quanh khu vực Nhà Thờ mấy ngày liền mới trấn áp được. Tôi nghĩ
chúng ta thật vô tình khi ở ngoài này, trải qua mấy chục năm, không thấy một ai
nhắc nhở tới ông (người được gọi là tướng Nguyễn Việt Hưng mà dư luận khi đó đồn
đãi là biệt danh của Tướng NCK hoặc Tướng cảnh sát NNL ở trong mật khu lãnh đạo
cuộc chiến đấu với rất nhiều “hồ hởi phấn khởi”). Theo tôi đây là người chiến
sĩ quốc gia can trường bất khuất, dám đứng ra chống CS ngay từ ngày đầu, chúng
ta nên tỏ bầy lòng ngưỡng mộ và khâm phục.
Phía sau dẫy biệt giam B1 là dẫy biệt giam B2 có giáo sư Vũ
Quốc Thông, ông chủ nhiệm nhật báo Lẽ Sống Mới Ngô Công Minh (vào đầu năm 1975
làm phụ tá Tổng Trưởng Thông Tin), ông Tống Đình Bắc, Trưởng ty Công an nổi tiếng
sát cộng Miền Tây, ông chủ Nhà sách Khai Trí và một vài người nữa từng giữ chức
vụ cao chế độ cũ. Riêng ông Ngô Công Minh sau khi lên trại tù lao động Gia
Trung với chúng tôi hơn tháng thì CS đưa ông đi nơi khác. Từ đó không ai biết
tin tức về ông. Có dư luận nói ông bị đem thủ tiêu vì mấy tay tổ văn nghệ, báo
chí CS (từng quen biết ông trước kia) muốn cướp không ngôi nhà lớn của ông ở
Saigon và vàng bạc của cải. Theo tôi, ông không phải nhà hoạt động chánh trị,
chỉ là nhà báo thuần tuý nên không thể bị sát hại vì lý do chánh trị. Khi tù về
tôi có dò hỏi tin tức ông nhưng không ai biết một cách chính xác.
Trong thời gian “nằm” biệt giam tôi cũng có vài việc để nhớ
xin kể ra đây.
Cứ mỗi tháng tù biệt giam được cho ra ngoài cắt tóc. Bọn “thế
nhân” chúng tôi tất cả đều bị “gọt” trọc đầu, kể cả vị Linh mục, nhưng với hai
vị Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ thì cai tù lại bắt để tóc.
Hai cụ phản đối, cai tù thản nhiên: “Đó là chính sách Nhà nước!”
Việc thứ hai là vì biệt giam mới làm chưa lắp ống dẫn nước
nên mỗi ngày chúng tôi chỉ được từ hai tới ba phút vòi nước ở ngoài thọc vào để
làm vệ sinh. Tôi không biết nên thản nhiên chà xà bông gội đầu (bằng xà bông giặt).
Đang làm nửa chừng vòi nước rút ra mặc cho tôi nài nỉ. Báo hại đêm đó đầu tôi bị
xà bông làm ngứa ngáy khó chịu không tài nào nhắm mắt ngủ yên được.
Cũng vì “nước” tôi phải tự “tranh đấu” với mình mãi mới nuốt
xong phần cơm tù. Tôi chỉ có 2 cái tô nhựa: một dùng đựng cơm, một dùng đựng
canh. Vì phải chứa nước làm vệ sinh (khi đi cầu) tôi nhịn tắm lấy nước chứa vào
cái tô lớn mầu xanh. Trong khi đi “làm việc” (hỏi cung) tôi viết mấy chữ bằng
bút chì dặn anh tù hành sự để cơm vào nửa tờ giấy báo cũ, còn canh để vào tô nhựa
mầu đỏ. Nhưng anh ta đổ hết nước trữ đi, để cơm canh vào 2 cái tô và đặt ngay
trên bệ cầu tiêu chưa được dội nước còn nồng nặc mùi phân của mình. Tôi ngồi
hơn nửa tiếng đồng hồ nhìn hai tô cơm canh muốn ứa nước mắt tự “tranh đấu” với
mình. Ăn hay nhịn? Nếu ăn, khó nuốt trôi miếng cơm vì tởm lợm. Nhưng nếu không
ăn sẽ bị đói tới trưa hôm sau. Tôi lại mắc chứng đau dạ dầy từ ngày CS chiếm
Saigon nên sẽ khốn khổ lắm. Cuối cùng tôi đành nhắm mắt nuốt vội chút cơm canh
lạnh ngắt với hai hàng nước mắt.
Tôi bị nhốt biệt giam hơn 10 tháng, vào một buổi sáng trời
âm u, được gọi tên mang đồ ra khỏi buồng giam. Phía chéo buồng giam, tôi liếc
nhìn thấy nhà văn Duyên Anh để mặt sát ô vuông cánh cửa sắt phòng giam tập thể
hướng về phía tôi nói khá lớn: “Nhớ ghé nhà tao nói với vợ tao…” Tôi chỉ nghe
được tới đây thì bị viên cai tù nạt nộ cấm nói. Thì ra Duyên Anh tưởng tôi được
tha về nhờ tôi tới nhà nhắn tin vợ.
Khi đi đến trước sân “nhà khách” trại giam tôi thấy vài người
quen ngồi đó với đồ đạc cá nhân lỉnh kỉnh. Chúng tôi chỉ đưa mắt chào nhau. Mấy
phút sau họ điểm danh từng người xong còng tay lại đưa lên chiếc xe hơi bít
bùng chuyển về cơ quan An ninh nội chính (Nha Công an thành phố Saigon cũ đường
Trần Hưng Đạo).
Cùng trên chuyến xe có tiến sĩ Mai Văn Lễ, thạc sĩ Vũ Quốc
Thông, ông Tống Đình Bắc và một vài người nữa (giờ tôi quên mất tên). Trong lúc
ngồi ngoài sân cơ quan chờ làm thủ tục gì đó, các bạn tù của tôi bàn cãi sôi nổi
về dự đoán chúng tôi được đưa lên đây làm giấy tờ tha. Có vị còn “cá” một chầu
ăn uống linh đình ở Chợ Lớn. Rồi lần lượt từng người được gọi tên đem hành lý
đi vào phòng… biệt giam! Tôi được gọi tên sau chót (may mắn cho tôi vì biệt
giam hết chỗ (?) – viên công an tiếp nhận tù nói vậy) nên được nhốt vào khu tập
thể A (làm từ thời Pháp).
Gần 100 người đủ thành phần già trẻ lớn bé, tư sản, chính trị
gia, Linh mục, Mục sư, Thượng tọa, Đại đức, trộm cắp, buôn lậu, nhốt chung
trong một phòng dài trên 10 mét, bề ngang nhỏ hẹp, u tối, ẩm ướt, thiếu ánh
sáng và khí trời.
Phòng có 2 “sàn”, sàn trên cao khoảng một mét. Mỗi người được
cấp manh chiếu rách cáu bẩn, nồng nặc mùi chua mồ hôi người tích tụ lâu năm đã
kết thành “cao”.
Ở trên tôi nói may mắn không phải vào lại biệt giam vì mấy
tháng sau anh Mai Văn Lễ được thả khỏi biệt giam vào phòng tôi kể cho nghe thảm
cảnh trong buồng biệt giam anh đã “chết trong cõi sống” mấy tháng qua.
Buồng biệt giam Sở An ninh nội chính được xây từ thời Pháp
thuộc có tuổi đời trên mấy chục năm. Tường bẩn thỉu lam nham dầy cáu bẩn đen
đúa, sàn xi măng ẩm ướt quanh năm. Mùi mồ hôi, mùi phân nước tiểu người tích tụ
bao năm tạo thành một thứ mùi hôi hám khó tả, ngửi phải muốn nôn ọe ngay. Khủng
khiếp nhất là cái cầu tiêu đã nứt nẻ và vỡ nhiều mảnh, mỗi khi trời mưa nước từ
trong lỗ cầu dâng lên tràn lan khắp buồng với những cục phân chưa tiêu hủy. Nếu
mưa lâu khoảng một giờ nước cầu tiêu dâng ngập buồng giam hơn gang tay, tù chỉ
còn biết đứng dựa vào tường chờ cho nước rút hoặc ngủ đứng. Và khi nước vừa rút
hết, sàn si măng còn ẩm ướt, tù mới ngả lưng nằm thì một hai chú chuột cống khá
to, lông lởm chởm ghẻ lở khắp mình trông dơ dáy khủng khiếp chui lên từ miệng cầu,
thản nhiên gặm bàn chân tù, đạp đuổi nó cũng cứ gan lỳ không chạy! Có lẽ từ lâu
nó sống bằng xương thịt tù bị chết chưa kịp mang đi.
Anh Mai Văn Lễ kết luận: “Đúng là tầng chót địa ngục trần
gian, có một không hai trên thế giới!”
Tôi được biết Linh mục Hoàng Quỳnh, người lãnh đạo giáo dân
khu Bùi Chu Phát Diệm nổi tiếng chống CS bằng vũ lực hồi còn ngoài miền Bắc.
Linh mục bị bắt từ ngày đầu tháng 5. 1975, bị giam và chết trong “tầng chót địa
ngục trần gian” này. Khi họ đem xác Linh mục đi trên cái băng ca, thân thể teo
tóp gầy đét bé nhỏ như đưá trẻ lên 10.
Sau hai ngày đêm 15 chiếc xe vận tải lớn, trước đây dùng chở
heo, chở mấy trăm tù ngồi bó gối trên sàn xe chật cứng nhúch nhích cánh tay
cũng không được. Với bao gian khổ đói khát trên con đường dài mệt lả người, chập
choạng tối chúng tôi tới trại tù lao động cải tạo Gia Trung (thuộc tỉnh Pleiku)
nằm trong khu rừng núi hoang vu. Nghe nói nơi này khi trước là mật khu của CS.
Trại Gia Trung lúc bọn tôi tới đã có 3 trại giam, mỗi trại
cách nhau khoảng cây số. Trại nào cũng đầy nhóc người: từ 700 tới 1000. Tù đa số
là các viên chức cấp nhỏ, địa phương quân, nhân dân tự vệ và đông nhất vẫn là
tù hình sự từ các nơi đưa tới, có án hoặc chưa có án. Có cả tù chưa đến 10 tuổi,
đói quá liều ăn tô bún riêu ở chợ không tiền trả bỏ chạy bị bắt.
Những nỗi đói khổ nhục nhã, sống cuộc đời trung cổ, sách báo
đã nói nhiều từ hơn 30 năm, tôi xin miễn kể ra đây. Sự khổ sở nhục nhã chúng
tôi còn có thể chịu đựng được. Nhưng cái khủng khiếp nhất đối với chúng tôi là
sự vô vọng ngày trở về đoàn tụ với gia đình, với đời sống ngoài xã hội. Bọn cai
tù bắt chúng tôi “học tập” chính sách Nhà nước là đem vợ con lên vùng đất tù đầy
này cuốc đất trồng khoai sinh sống (như ngoài Bắc đã thực hiện). Tất nhiên
chúng tôi không thể làm theo họ. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh đời mình chứ không
thể để vợ con đã khốn khổ ngoài đời lại phải gánh thêm cảnh tù đầy.
Trong những năm tháng không tên dài dằng dặc như bao thế kỷ
sống như cây cỏ như súc vật, chúng tôi hết cả hy vọng hết cả chờ mong thì có những
tin tức như những làn gió mát mang theo hơi sống tới: tin đồn về chương trình
HO, người Mỹ sẽ cứu chúng tôi đem sang Mỹ. Trong thời gian này các con tôi gửi
thư cho tôi nói bóng nói gió là hai hội Văn Bút Quốc Tế và Việt Nam đang ráo riết
can thiệp vận động cho anh em cầm bút chúng tôi. Và các con tôi cũng báo tin có
nhận được “quà” của hai hội gửi. Thời gian này bọn tù chúng tôi “hồ hởi phấn khởi”
lắm. Chỗ nào cũng bàn tán về chương trình HO (mỗi người tán một kiểu toàn có lợi
cho mình) với bao hy vọng tốt đẹp. Và chúng tôi cũng hết lời ca ngợi Tổng Thống
Carter – vị ân nhân vĩ đại – sẽ lập cầu Không vận đưa chúng tôi từ VN qua Mỹ sống
một đời ấm no tự do tươi sáng.
Tôi cũng nghe nói tới tên một bà lúc ấy còn rất xa lạ với
chúng tôi: bà Khúc Minh Thơ. Biết bao giai thoại đồn đại thêu dệt về bà được dựng
lên. Qua câu chuyện và lời bình luận của anh em tù, tôi có cảm tưởng bà Khúc
Minh Thơ như một bà tiên đang cầm cây đũa thần giúp chúng tôi từ vực thẳm lên.
Rồi ngày tháng tiếp tục lặng lẽ trôi qua, tất cả mọi việc vẫn
như cũ không có biến chuyển gì xẩy ra, chúng tôi lại tiếp tục buồn nản thất vọng
lê cái thân tù đầy mòn mỏi héo hắt trong quốc nạn khổ sai. “Mong nhưng không đợi
không chờ” như câu thơ của Giáo sư Vũ Quốc Thông làm và đọc cho tôi nghe.
Sau gần 10 năm thân thể rã rời hư hao chỉ cỏn bộ da bọc
xương, tinh thần suy sụp chán nản chẳng còn gì để mong để chờ và cũng hết cả
“cú” tha bất ngờ thì anh Doãn Quốc Sỹ được gọi tên tha, năm sau anh Hồ Văn Đồng
rồi thời gian sau nữa là giáo sư Vũ Quốc Thông. Những người này được tha về làm
sự hy vọng tưởng tắt ngấm trong chúng tôi lại lóe lên, dù là ở cuối đường hầm
mù mịt.
Có lẽ do nguồn từ gia đình ký giả Cao Sơn lên thăm nuôi nói
đài VOA vừa loan tin tôi và họa sĩ CHÓE (Nguyễn Hải Chí) hiện bị giam tù ở trại
Gia Trung, Pleiku. Thế là ầm cả trại đến nỗi viên quản giáo đội tôi cũng tò mò
hỏi anh tù nấu nước có biết tôi không và hiện ở đội nào (vì đài VOA chỉ loan
bút hiệu của tôi nên anh ta không biết). Báo hại tôi từ khi có tin này không được
tự động đi gánh phân người từ trại ra ngoài đồng nữa, phải về đội cuốc đất chặt
cây đào mương như mọi anh em tù khác. Gánh phân tuy có vất vả bẩn thỉu hôi hám
mất vệ sinh thật nhưng chỉ nửa buổi là “thanh toán” xong các hố xí. Thời gian
còn lại thoải mái xuống suối tắm giặt và đi “va tạt linh tinh” kiếm củ khoai mì
hay vài cọng rau lang “cải thiện”cho “ấm” cái bụng thường trực rỗng.
Nếu tôi nói đã hơn một lần “tự động” ăn… phân người, có lẽ
nhiều người không tin cho là tôi nói quá để kể khổ thân phận tù đầy dưới chế độ
cộng sản.
Lần thứ nhất quãng hơn 10 giờ, tôi vừa đói vừa khát ghé vào
chỗ chòi đun nước uống của đội để uống nước. Anh bạn được phân công đun nước,
nguyên đại úy cảnh sát quốc gia, vốn quý mến tôi, thấy tôi đến, anh mắt nhìn chỗ
khác nhưng miệng nói nhỏ: “bác đi tới phía bụi cây bên trái”. Tôi biết là “có
gì” rồi. Tới nơi nhìn vào trong bụi cây tôi thấy nửa trái dưa chuột nhỏ. Tôi cầm
lên bỏ vào miệng nhai liền. Có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ ăn miếng dưa chuột
ngon đến thế (tôi vốn không thích ăn dưa chuột). Vừa nuốt xong nửa phần dưa chuột
tôi chợt nhớ ra, ngừng nhai, tiến lại chỗ anh bạn đun nước, nói: “Này ông ơi,
có phải trái dưa này “tẩm” phân người?” Anh bạn gắt nhẹ: “Đã bảo, bác cứ ăn đi,
không chết đâu mà sợ!” Nghe anh bạn nói, tôi biết mình đã lỡ ăn rồi (hơn nữa
cũng tại đói) nên tiếp tục cố nhai và nuốt nốt phần dưa chuột còn lại.
Nguyên do thế này. Trong vườn ươm giống của đội trồng rau có
một dàn dưa chuột. Khi dưa mới kết trái to hơn ngón tay đã bị tù (và cả cai tù)
hái trộm ăn hết nên ban giám thị trại tù ra lệnh lấy phân tươi của người hòa với
nước rồi hàng ngày quết vào những trái dưa chuột cho hết bị trộm. Nhưng tù vẫn
hái trộm ăn sau khi rửa sơ qua.
Thế là lần thứ nhất tôi ăn phân người.
Lần thứ hai thì chính do tôi (và mấy ông bạn) chủ động ăn
phân người.
Tôi và mấy “đồng sự” được “bố trí” dọn phân cầu tiêu các
phòng giam. Một số anh em tù hình sự ra ngoài đồng làm việc đã hái và ăn tươi
nuốt sống các trái bắp. Vì ăn trộm nên không kịp nhai (sợ cai tù thấy) các bạn
tù hình sự cứ thế mà nuốt. Bắp già hạt cứng dạ dầy không tiêu nổi, hôm sau đi cầu
ra nguyên cả hạt. Chúng tôi lúc đầu còn sợ bẩn sợ hôi và bệnh nhưng sau khi sôi
nổi “bàn thảo”, chúng tôi đi tới việc lấy những hạt bắp này đem ra suối rửa, luộc
hai ba lần cho hết mùi hôi rồi ăn một cách ngon lành thoải mái! Nhiều bạn tù biết
chuyện cũng xin ăn ké. Tôi được “ấm bụng” ít ngày thì bị “ngưng công tác” (vì
tin đài Voa loan?).
Đó là hai dấu ấn khủng khiếp trong trại tù cho tới ngày hôm
nay, mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn không khỏi rùng mình tự hỏi không hiểu sao mình lại
có thể “ghê gớm” đến thế!
Còn một chuyện nhỏ nữa mà tôi cũng khó quên. Tôi vốn bị quy
kết “học tập cải tạo” xấu, tư tưởng không ổn định và trây lười lao động nên thường
xuyên bị ăn 13 ký một tháng (5 ký gạo, 8 ký khoai mì – nhưng bọn cai tù và bọn
nhà bếp đồng lõa ăn chặn mất 2 ký gạo nên chỉ còn 3 ký). Trong 7 năm sống ở trại
Gia Trung tôi được gia đình “thăm nuôi” có 3 lần. Đáng nhớ nhất là lần 2 con
tôi (còn vị thành niên: một trai 15 tuổi và một gái 13 tuổi) đi xe đò hơn ngàn
cây số lên thăm Bố với gói quà khoảng 10 ký. Khi đến cây số 25 (quốc lộ 18) thì
xuống xe, lúc đó là 2 giờ đêm. Trời rất lạnh lại ở chốn rừng thưa hoang vắng
không biết đường vào trại, hai anh em phải ngồi dựa lưng vào nhau chờ sáng
trong lòng vừa sợ vừa lo mọi thứ, nhất là với thú dữ và kẻ cướp. Sáng hôm sau
tôi được gọi thăm nuôi. Tôi cố làm nét mặt lạnh lùng vô cảm để tránh trận nước
mắt của hai con tôi khi nhìn thấy thân thể tiều tụy mòn mỏi hết sinh lực của bố
chúng.
Như đã viết ở trên vì tôi học tập cải tạo xấu lao động kém
nên chỉ được nhận 2 ký đồ thăm nuôi. Tôi nhìn thấy một gói bột trắng khoảng 1
ký, tôi tưởng là bột gạo hoặc bột sữa nên lấy gói này và 1 gói xả xào mắm ruốc
vừa đủ 2 ký. Hai con tôi đứng trước cửa nhà thăm nuôi nhìn theo, tôi biết chúng
đang khóc nhưng không đủ can đảm quay lại nhìn: tôi sợ không cầm được nước mắt
và òa khóc. Tôi nghe tiếng con gái tôi nói trong nước mắt: “Bố ráng giừ gìn sức
khỏe để còn sống trở về với các con!”
Vào tới buồng tôi mở ngay gói bột ra pha nước vào cái tô nhựa
và ngoắng cho tan bột. Bột bị ngoắng sủi bọt lên trắng xoá. Đang đói đang khát
tôi đưa lên miệng uống liền một ngụm lớn. Nhưng chất bột vừa trôi vào cổ họng,
thấm vào lưỡi đắng chát và nóng rát, không có mùi vị gì có thể gọi là sữa cả,
dù là sữa quá “đát”, tôi muốn nôn ọe vội nhổ ra ngay. Thì ra đó là sà bông bột
(mà tôi cứ đinh ninh là bột gạo hay bột sữa). Kể lại cho anh em trong trại nghe
ai cũng ôm bụng cười.
Hai con tôi thật ngây thơ đem sà bông bột cho tù giặt quần
áo!
Sau này tù về tôi mới biết hai con tôi cũng vô cùng khốn khổ
trong chuyến về này. Vì xe đò hết chỗ chật cứng, chủ xe bảo hai con tôi muốn đi
thì lên mui xe mà “nằm”. Bát đắc dĩ chúng phải làm theo. Mấy lần suýt chết khi
xe chạy qua nhưng cái “cầu” thấp nhỏ bắc ngang đường, chỉ sơ sẩy một chút là bị
vướng gạt ngã xuống đường chỉ có chết, nếu không thì cũng vỡ đầu gẫy chân tay.
Đầu năm 1985 tôi bất thần được gọi tên tha về cùng một số
anh em quân nhân. Ngoài tôi không có thêm tên anh bạn văn nghệ sĩ nào. Các anh
mừng cho tôi thì ít, lo lắng chán nản thất vọng cho mình thì nhiều. Viên quản
giáo trở nên tử tế với tôi, gã chạy vào phòng nói: “Mừng cho anh nhé. Có thuốc
men gì cho tớ xin”. Tôi cho gã mấy viên thuốc cảm, gã đòi lấy hết nhưng tôi
không cho để cho anh em tù nghèo không thăm nuôi.
Trại tù phát cho chúng tôi 50 đồng tiền đi xe, trong khi giá
xe về Saigon 150 đồng. Đi bộ từ trại tù ra tới quốc lộ 25 gần 5 cây số. Chúng
tôi phải nài nỉ mãi bà chủ xe đò mới “thông cảm” lấy 50 đồng. Xe đày nhóc người
ì ạch chạy như rùa bò trên con đường vòng vèo dốc núi cheo leo đầy bất trắc,
nguy hiểm. Tôi và ba anh tù đi cùng chuyến xe không một đồng bạc dính túi, phải
nhịn đói nhịn khát hai ngày đêm liền cho tới khi về tới nhà ở Saigon.
Một anh có “sáng kiến” đem bộ quần áo tù mới tinh được trại
tù phát khi tha, gạ bán cho mấy người trên xe để lấy tiền ăn, nhưng đều bị từ
chối vì ai cũng sợ xui khi mặc đồ tù.
Rời nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn sống mấy năm thì “phong trào
HO” nở rộ và tên tuổi bà Khúc Minh Thơ được anh em tù về hết lời ca ngợi công đức.
Bà là ân nhân của tù cải tạo. Tôi vì nghèo, tiền ăn không có lấy đâu ra vàng
đút lót hối lộ để được đi HO. Nhưng nghe theo lời các bạn đồng nghiệp cũ may mắn
thoát sang Mỹ trước, viết thư về khuyên tôi cứ đến đường Nguyễn Du nộp đơn kèm
theo những giấy tờ can thiệp (từ trước tới nay) của các tổ chức như Hội Văn Bút
Quốc Tế, Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Liên Đoàn Ký Giả Quốc Tế, Hội Nhân Quyền…v…v…
Nhưng tất cả đều vô vọng.
Lần nào cũng vậy, hai lần, tôi “ôm” hồ sơ xin xuất cảnh tới
Sở Ngoại Vụ đường Nguyễn Du đều được các viên chức hữu quyền (công an CS) trả lời
dứt khoát: “Nhà Nước không có chính sách cho anh xuất cảnh. Bọn lính cũ không
có súng ống đâu còn đánh được chúng tôi nhưng với bọn anh chỉ một cây viết vẫn
có thể chống phá chúng tôi như các anh đã làm trước đây. Anh nên biết bên đó bọn
báo chí phản động nhiều như nấm”.
Thế là con đường sống bị triệt. Hết hy vọng, hết chờ mong.
Tôi đành sống kiếp mạt rệp – một thứ công dân hạng bét – ngay trên quê hương đất
nước mình. Nhưng tới cuối năm 1998 tôi được anh bạn nhà văn Hoàng Hải Thủy từ Mỹ
gửi thư về báo cho biết tôi và Nhà văn Uyên Thao được bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch
Hội Bảo Vệ Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam đã tận tình can thiệp với Bộ Ngoại
Giao Mỹ để chúng tôi được sang Mỹ định cư. Chính Hoàng Hải Thủy sốt sắng giới
thiệu hai chúng tôi với bà Khúc Minh Thơ và cộng tác mật thiết với bà trong
công việc vận động. Con đường hy vọng, con đường sống, lại mở rộng trước mắt
tôi. Buổi tối ngày 18 tháng 5 năm 1999 tôi lên máy bay giã biệt quê hương tăm tối
sang Mỹ định cư. Tôi lại được sống lại dưới bầu trời tự do dân chủ như tại Miền
Nam Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên nhiều đêm vẫn giật mình thức giấc vì những
ám ảnh não nề thê thảm khốn cùng của những năm tháng tù đầy.