24 June 2023

SAU NHỮNG HƯ HAO - Ngân Hà

1
Một mai qua cơn mê,
Xa cuộc đời bềnh bồng ,
Tôi lại về bên em...”(1)

Bản nhạc với lời lẽ chân chất không văn hoa, chẳng cầu kỳ viết lên ước mơ bình thường, rất bình thường do một thanh niên nước tôi thay mặt cho tất cả thanh niên cùng thời trong đó có anh, có chị, có em và...cả tôi, những đứa con của mẹ Việt nam không có nổi một ước mơ bình thường như thanh niên thế giới, ngày cũng như đêm ngồi đếm hỏa châu ôm cây súng thép lạnh, hoặc đang phải đưa lưng ra đỡ đạn để làm vinh danh cho chính thể này hoặc chính thể kia, bảo vệ cho tiền đồn của cả hai phe được vững mạnh tô điểm lên bằng những mớ lý thuyết này nọ được xây trên những xác người và tưới gội bằng nước mắt của những người vợ hiền goá bụa, của lũ con thơ, của bà mẹ già. Mỗi lần một mình với cây guitar khi âm thanh của nốt cuối cùng lắng xuống thì cơn sóng ưu phiền trồi lên. Tôi lại cần “ tĩnh tâm” mấy phút để tìm về một góc nào đó cho tâm hồn lắng xuống tạm thời ngủ yên... và rồi con thuyền mẹ Việt nam bị hỏa lực bắn chìm vào trưa ngày 30-4-1975.
Người ngoại cuộc có thể nghĩ rằng bài ca được hát lên để thỏa mãn cho một nhu cầu âm nhạc hay nghệ thuật thì thật là bé cái tầm, lời lẽ chẳng lên án ai nhưng người trong cuộc lại nhận ra cái dã tâm của cả hai phe dùng máu xương của dân tôi làm nơi thử các loại vũ khí trong một phần tư thế kỷ.
Con chim Việt mỏi cánh sau hai mươi hai năm biệt xứ, nó tự hỏi mảnh đất đó đã qua cơn mê chưa sau hơn một thế hệ ngưng tiếng súng, đã xa cuộc đời bềnh bồng chưa sau bao năm va chạm với những cái bình vôi xa lạ và vô cảm ưng ức một nền văn hoá ngoại lai dẫn đầu bằng những ngòi bút văn nô, trắng gọi là đen thì có lẽ cơn mê đã qua rồi !( vì đã sáng mắt ra ) Và có lẽ cuộc đời bềnh bồng đã qua rồi !( vì đã được ăn đầy họng theo lối Văn Hóa Ăn Uống ) Những luận điệu dối trá, tuyên truyền, chỉ có thể lừa bịp những kẻ khờ dại. Liệu tôi có thể về lại bên em như xưa để tìm lại những gì mất gì còn theo đúng tình tự không ? Câu hỏi làm mất ngủ hằng đêm. Đằng sau của hậu trường xã hội hôm nay đang dắt díu nhau đi vào một cơn mê khác, cuộc bềnh bồng khác, một thảm hoạ không lối thoát.
Thế mà đêm nay tôi trở về.
Tôi trở về chẳng phải để hãnh diện đi bát phố dưới những cao ốc, dinh thự bề thế. Chẳng phải chiêm ngưỡng những đền nọ, đài kia nhằm khoe khoang bằng những đồng tiền, mồ hôi của đám dân gầy đã vốn nghèo hoặc là chứng kiến sự lột xác của xã hội sau thời gian những đồng đô la được Tây phương tuồn vào trong nước, cũng chẳng phải về để thấy tận mắt những nét giàu sang ăn chơi kiểu cách, tiêu xài của những tay đại tư bản mới ra lò, hoặc vênh vang ngồi đồng trong những quán càfé ôm bia ôm hoặc tìm đến những vườn địa đàng khu ăn chơi thời thượng hòng làm cho một số Việt kiều nửa mùa nổi cơn ghen khi người đẹp nằm kỳ cọ trong bồn tắm đầy beers trong lúc các quan chức say xỉn, ngả nghiêng. Những món hàng này phổ biến trong những thiên niên kỷ trước đây, từ hồi văn minh đá đẽo đá mài khi con người chưa học được cách mặc quần, đã quá lỗi thời.
Chiếc Jumble 737 bị delayed mất 30 phút vì những chuyện tẹp nhẹp không cần thiết gây ra bởi lũ con buôn đội lốt du khách. Nhóm chúng tôi ba mươi mạng kể cả tây lẫn ta dành nguyên một khu phần trên của máy bay khá rộng rãi và thoải mái, nếu gọi chúng tôi là du khách có lẽ đúng phần nào ( thực ra thì không phải ). Hành trang mang theo tôi đêm nay không gì hơn là mảnh linh hồn què quặt thương tích từ ngày bỏ nước ra đi được tôi băng bó lại bởi những mớ kỷ niệm đã được thanh lọc cho bớt những gai nhọn do chinh chiến tạo ra để giữ cho tinh thần không bị cào rách chờ ngày trở lại, là tấm hình người em gái năm thứ ba sư phạm ghép chung với hình ảnh phong sương của tôi năm thứ tư đại học khoa học được tôi cất kỹ trong một góc của linh hồn là còn nguyên vẹn chưa bị hao mòn, là quê hương của nàng - quận Đơn dương, Lâm đồng- mà tôi chưa một lần đặt chân đến,
Những đôi mắt lo âu, những nụ hôn vội vã cuống quýt, nên cũng chẳng nhớ đến địa chỉ, những tiếng chào hẹn gặp lại trong hoang mang không đủ lời, chẳng có gì là chắc chắn. Đó là lần sau cùng tại Câu lạc bộ sinh viên Viện đại học Sài Gòn trước ngày quê hương thất thủ.
Mùa đông đầu tiên năm đó trời trở lạnh, cái lạnh ít thấy ở miền Nam bồi thêm với cái lạnh trong lòng vì xác mẹ Việt nam chết chẳng ai chôn, những đứa con hằng đêm bị bí mật bịt mắt dẫn đi không có ngày về. Đầu tháng 12, nửa đêm tôi bị điệu đi trong trận bố ráp, các anh em trong trại tập trung ai cũng ốm o ghe lở bôi những loại thuốc thổ tả do bọn cai tù bán, bôi lên cùng người chẳng ai còn nhận ra ai. Thời gian đi lao động thì có nhưng không ai rõ ngày về, ai còn khoẻ mạnh là nhờ được gia đình thăm nuôi. Mãi đến ngày có lác đác một số anh em được trả tự do. Ngày nọ người ta gọi đến tên tôi, chẳng rõ thân phận sẽ đi về đâu, sau hàng giờ bị quay như chong chóng và bị hăm dọa, họ thả tôi về, bao nhiêu đồ thăm nuôi tôi gởi biếu lại các anh em trong lán. Trời đã gần tối cổng trại thì xa, một anh khác quê ở Củ chi và tôi bảo nhau chạy cho lẹ ra khỏi cổng vì ở đây luật rừng.
2.
Những cánh chim xuôi nam thôi thúc tôi đi tìm tự do, cánh cổng đại học đã trở nên xa lạ, chữ nghĩa chỉ còn Chữ mà vô Nghĩa, lòng tôi hằng đêm đã bay theo cơn mơ tự giải thoát chắp thành cánh bay về phương nam. Một chân trời tự do không xa lắm nơi có những chàng thanh niên như tôi, 25 tuổi vô tư lự đang cắp sách đến trường những cánh cửa đại học trang bị cho họ những kho tàng kiến thức cần thiết để sẵn sàng bước xuống cuộc đời.
Tôi quyết một phen đánh cuộc với định mệnh.
Sài Gòn đang rơi vào cơn đói triền miên sau lần đổi tiền, có lẽ đây là cơn đói ô nhục nhất trong lịch sử của vựa lúa miền Nam, tôi nghĩ đến người em gái và muốn rủ nàng theo, nhưng sau khi được thả về là thành phần bị quản thúc, ngoại trừ nếu xin giấy dời về vùng quê làm ruộng thì lại cấp ngay vì đỡ cho thành phố một miệng ăn và loại được một tên trí thức bất hảo.
Quận Rạch Sỏi, miền quê có chim hót trên mảnh đất lành quanh năm mưa nắng hai mùa tắm gội, dân cư hiền lành chất phác như hai mùa nắng mưa nằm bên dòng sông Dương cầm nhỏ thôi không có bên lở bên bồi, mang âm thanh của những con sóng đêm đêm vỗ vào giấc ngủ, chỉ cách thị xã Rạch Giá có năm cây số, hầu hết đều là mái tranh, dân cư khá thưa thớt. Nơi có những người em gái đôi mắt mơ màng như những cánh cò trắng trên cánh đồng xanh ngát như mơ, chiều chiều giặt yếm bên sông. Bên cổng tam quan một kiến trúc mỹ thuật theo kiểu Á đông với mái ngói cong cong có từ thời Đệ nhất Cộng hoà là những khu rẫy bái trồng đủ mọi hoa màu phụ như khoai sắn rau đậu và những vườn cây ăn trái phủ phê, một người bà con xa cho tôi canh tác nhờ hơn sào đất bỏ hoang và dựng một cái chòi để đụt nắng mưa. Hàng xóm thấy tôi chiều chiều ngồi thả câu và hát nghêu ngao với cây đàn, đồng điệu với khung trời của dân miền Nam ngoài chuyện cơm áo, phải có tiếng đàn giọng hát câu hò. Thế là sự có mặt của tôi đã ít nhiều mang lại niềm vui cho chòm xóm.
Mùa mưa đầu tiên trên miền đất mới, hoa màu đã thu hoạch, rẫy bái tạm ngưng, tôi xin đi theo ghe chài đánh cá biển. Ngày ngày chúng tôi ra khỏi cửa Rạch giá miệng sông mới vời vợi làm sao. Ban đầu chưa quen với con thuyền lắc lư, kinh nghiệm thì không, tôi quen thói ăn no chắc bụng nhưng tôi đã lầm, nôn thốc nôn tháo ra tới mật xanh, nanh vàng, anh em dân chài khiêng tôi bỏ vào khoang và cười như nắc nẻ. Nhưng chỉ vài bữa sau tôi làm quen với sóng gió nhận ra địa danh trên mặt biển đâu là Miệt Thứ nhất, thứ nhì cho tới Miệt Thứ tám cách nhau bao nhiêu hải lý nhờ vào cách nhắm chừng giữa vận tốc máy và thời gian mà biết ghe đang ở tọa độ nào. Khúc nào trên biển an toàn nhất khúc nào nhiều cú vọ nên tránh, tọa độ nào thì lọt vào độ nhắm của bọn Công an biên phòng, giờ giấc an toàn ra khơi. Đó là những bài học vỡ lòng cần thiết.
Thường khi ghe chài phải đi qua trạm kiểm soát nằm giữa hai đảo là hòn Đất và hòn Rùa một phần là để nộp thuế cho chúng bằng những cây thuốc thơm còn sót lại từ thời Cộng Hòa. Đây là hai hòn đảo khá trù phú cách bờ biển Rạch gía chỉ độ năm cây số và cách nhau hơn hai cây, có thể nhìn rõ bờ bên kia từ bên này, ghe chài ban ngày thường xuyên ra vào tấp nập như lá tre nhưng cũng rất nhiều vọng gác và những thuyền máy dùng để rượt đuổi với vận tốc cao. Mỗi khi ghe cá ra khơi nghe cơn khát tự do réo gọi làm lòng tôi nao nao không muốn trở về. Mỗi sáng khi ghe vừa ra khỏi cầu Đúc ngay khi còn chưa xa bờ, tôi đã như chim sổ lồng và ước gì tài công và anh em bỗng nhiên một ngày đổi ý và với cái engine 130 ngựa, con kình ngư sẽ cưỡi sóng thật đẹp thật hào hùng lao vào đại dương với đôi tay hiền hậu dẫn dắt của mẹ Thái Bình những đứa con như chúng tôi sẽ tới bến bờ tự do chỉ vỏn vẹn 48 giờ như một chuyến du lịch. Giấc mơ tầm thường này dễ mà lại khó, giọt nắng chiều có đó, nhưng ai có thể giữ lại cho mình chẳng khác nào cơn gió lộng thổi qua vai nên mỗi khi chiều tà con thuyền trở đầu thì lòng tôi mất vui mau mắn héo tàn vì tôi không muốn nhìn thấy cái nhà tù vĩ đại trên quê hương. Tôi biết từ điểm này tính tọa độ chỉ còn chưa đầy 300 hải lý nữa là lọt vào hải phận của Thái lan.
Tự do, tự do ơi ta đã mất ngươi thật sao.
Chưa bao giờ tôi khát khao tự do như lúc này. Đứng trên boong thuyền mà lòng tôi xót xa không hiểu nổi tại sao hàng ngàn chiếc ghe kia cứ đi ra đi vào đi ra đi vào như những con thoi mà không chịu trực chỉ phương nam, giữa lúc có muôn vàn triệu người như chúng tôi muốn thoát ra khỏi cái thiên đàng này mà không được. Cái ý thức hệ nào đang tạo ra hàng rào cản họ, đang xây tường nhốt cánh chim tự do trong lòng họ hôm nay ? Vật gì còn sót lại cho họ sau khi tự do đã mất trắng tay. Cái gì còn neo chân họ lại, có phải chăng là vài con cá bắt được mỗi ngày? Hoặc là tiếc rẻ căn nhà thửa vườn với mớ cây ăn trái ? Hoặc giả học đòi được ở đâu đó cái câu “Tiếng ta còn, nước ta còn” mà tự ru ngủ mình. Hoặc an nhiên tự tại với câu bất hủ mà chẳng thiếu gì người an phận thường nói “ Làm gì phải đi đâu, nước ta ta ở”.
Đi đâu, sống ở đâu tôi cũng mang theo cây đàn, nó như cây đèn thần mở ra cho tôi nhiều cánh cửa dẫn đến bước thành công, kể cả mang theo lên thuyền đánh cá. Về đêm anh em thường neo thuyền chung với nhau nhậu nhẹt, tôi không biết nhậu nhưng biết hò hát nên anh em tha cho và vừa nhậu vừa hát theo đàn. Những ngày sau đó trên đường về, anh tài công bằng lòng hướng dẫn tôi cách dùng hải đồ hải bàn tính toạ độ và sau cùng trao tay lái cho tôi, chiều hôm đó tôi đưa chiếc tàu cá vào bãi bằng an dưới sự hướng dẫn của tài công.
Lúc này vào mùa biển động, giông bão thường xuyên, ghe chài thả neo mũi, neo lái mọi ngư phủ ai về nhà nấy đợi thời. Tôi cũng bị thất nghiệp ngày ngày đi thăm xóm làng mới ngã ngũ ra trong suốt thời gian tôi giang hồ sông biển một số nóc gia đã trở thành nhà hoang. Đầu tiên là những tay cự phách tìm đường chuồn cho lẹ trước khi chúng ra tay, tạo nên phong trào vượt biên lúc đầu còn nhỏ giọt sau trờ nên rầm rộ ảnh hưởng đến mọi tầng lớp. Cái cửa biển đứng trên bậc thềm cũng nhìn thấy, rộng mở thênh thang như chào mời như thách thức, ai sống ở vùng nay đều hiểu biết ít nhiều về kinh nghiệm hàng hải và những ngõ ngách an toàn khi ra đi cũng như mùa biển êm, biển động, dù là dân amateur như tôi cũng còn biết “ Tháng ba bà già đi biển”.
Bây giờ mới nửa tháng bẩy, tôi phải chuẩn bị cho kịp để theo chân “ bà già” vào tháng ba năm sau. Tôi trở về Sài Gòn thăm cha mẹ và hai chị để ngỏ với gia đình về quyết định của tôi. Lúc tôi đã hiểu ra và khâm phục lòng dân Rạch giá thế nào thì khi trở lại Sài Gòn tôi thất vọng như vậy. Cả một bầu trời u uất không lối thoát, vừa đói khát vừa hoang mang sợ hãi, không môt ai hài lòng về kế hoạch của tôi, ai cũng nhìn tôi như nhìn một đứa trẻ người, thơ dạ, tôi sẽ bị lừa, tôi sẽ ra tù vào khám, tôi sẽ tiền mất tật mang. Quả thật khi tôi trở lại nhà Sài Gòn đâu đâu cũng đầy những tiếng rỉ tai, đầy những tổ chức ma, chơi trò lường gạt, vì người giàu muốn ra đi nhưng không có phương tiện. Cha mẹ tôi đã già bỏ ngoài tai chuyện thời cuộc. Hai chị tôi đã có gia đình có cơ ngươi làm ăn sống qua ngày nên không hề nghĩ đến chuyện khác cho mất thì giờ.
Ngày tôi trở lại Rạch giá, cha mẹ đã chúc lành cho tôi được bình an trên biển được may mắn, tìm thấy bến bờ tự do. Riêng tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ, tôi đã biết lái tàu, biết định tọa độ theo dõi hướng gió biết gối sóng lỡ khi cơn giông đến bất ngờ biết dùng hải bàn và hải đồ mặc dù là tôi chưa thành thạo lắm.
Mùa Giáng sinh đã gần kề, biển bắt đầu giảm dần những cơn bão lớn ngoại trừ những con giông đang lúc giao mùa, ghe chài lại bắt đầu mùa đánh bắt. Tôi mê say đi theo ghe như mê gái. Một lần chúng tôi vượt biên qua hải phận Thailand để mua chài lưới lậu của họ. Cơ hội ngàn năm một thuở mà Thượng Đế đã dành cho tôi hôm đó, mọi người trên ghe đều sửng sốt chẳng còn nhận ra tôi là ai vì nghe tôi bỏ tiếng Việt nói toàn tiếng Anh lưu loát với dân chài Thailand để thăm dò đường đất, và anh em trên thuyền nhờ tôi mặc cả với họ. Mọi người đã mua được đủ số chài lưới với giá phải chăng, ai nấy không ngờ về con người tầm thường nhưng bí ẩn của tôi trong một năm qua ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu với họ. Tôi xin với anh tài công cho phép tôi thêm ít phút nữa để tôi điều đình với nhóm ngư phủ Thailand. Đọc bài này xin đừng ai ( nếu còn muốn vượt biên ) dại dột bắt chước tôi. Bao nhiêu thuyền nhân bỏ nước ra đi trước và sau tôi đã từng là nạn nhân của hải tặc Thailand. Tin này có thật và ai cũng biết, chỉ có mỗi mình tôi không bị họ ăn cướp nhưng lại tự nộp mình cho họ! Vị thuyền trưởng ra gặp tôi, ông là người cao lớn khuôn mặt sáng sủa chẳng có vẻ gì là tướng cướp( trên răng duới khố, tôi còn gì đâu cho họ cướp !) nhìn tôi với đôi mắt nhiều dấu hỏi “ Anh là ai, tại sao anh lại muốn đi theo chúng tôi với mục đích gì ?”, tôi bình tĩnh hơn bao giờ hết, nhìn thẳng vào cặp mắt của ông “ Tên tôi là Nguyễn huy Chương, sinh viên cao học Khoa học. Sau ngày mất nước, Cộng sản bỏ tù và hành hạ tôi thể xác lẫn tinh thần trong trại cải tạo, bị tước đoạt tự do và đời sống tôi đang bị đe doạ”
“Anh muốn chúng tôi làm gì cho anh ?” Giọng ân cần.
“ Tôi muốn xin được tỵ nạn “
“ Bằng cách nào ?”
“ Ngay sau khi ông thả tôi lên đất Thái, tôi sẽ đi gặp Cao ủy Tỵ nạn và hy vọng tôi sẽ được nhận vào trại.
“Anh có giấy tờ tùy thân không”, tôi biết sẽ bị hỏi câu này, nên tôi đã kịp chuẩn bị “ Tôi đã bị tước đoạt hết mọi giấy tờ để tôi không thể đi đâu xa được, nhưng dù không giấy tờ tôi không phải là người nguy hiểm, xin các ông đừng lo, tôi còn giúp các ông mọi việc trên tầu”
“Đây, anh cầm lấy tấm thẻ này, phòng khi cần đến, tôi sẽ nói với Cao Ủy là tôi đã cứu anh trên biển”. Ông lấy trong bóp ra tấm danh thiếp đưa cho tôi. Tên ông là Lamon Changthong
Sau một hồi lâu bàn với nhau bằng tiếng Thái, họ bằng lòng cho tôi qua ghe của họ và tôi đã lột chiếc đồng hồ Longine và sợi dây chuyền vàng biếu ông thuyền trưởng để cảm ơn.
“ Tôi đã cứu anh trên biển”. Một lối nói rất khôn khéo của một người từng trải, không dối trá khi đã làm một việc thiện. Tôi nhớ câu nói này của ông suốt đời.
Ở tàu bên này, tôi đưa tay chào vĩnh biệt anh em, nhìn qua thấy mọi người ra đi với bộ mặt ai nấy đều ngẩn ngơ, tôi không rõ họ nuối tiếc điều gì khi tôi đã thuộc về một thế giới khác dù chỉ là chiếc ghe, nhưng đại diện cho một thế giới tự do. Hoàn toàn tự do,và tôi đã quên cây đàn guitar bên thuyền kia bất đắc dĩ phải ở lại trong thế giới chẳng đặng đừng .
Cả ngày hôm đó, tôi như người chìm đắm trong cơn mơ, tôi đang chơi vơi giữa mơ và thực giữa nô lệ và tự do. Người ta không thể cởi bỏ một gông cùm mà không đặt trước một điều khỏan nào đó, một ký kết nào đó, một trao đổi sòng phẳng nào đó cho cân bằng giữa đôi bên nhưng vẫn để lại những vết hằn thù, những con ma phản phé được cả đôi bên cài vào đó khuất sau những tờ hiệp ước, những chữ ký chưa kịp ráo mực. Riêng tôi sự bẻ gãy gông cùm của một chế độ lại không theo những quy chế rườm rà đầy lừa đảo bên trong ấy, nhưng chính là “lòng nhân từ”, cụm từ mềm mỏng và yếu đuối lại có thể du đổ thành quách, có nội lực mạnh hơn cả một đạo luật. Tôi không cảm thấy đói khát không mệt mỏi vì sóng gió, lòng tôi nhẹ như cánh chim, mắt tôi mở lớn chan hoà ánh sáng và trái tim đong đầy niềm vui, nhịp gõ của con tim tự do lúc này là tiếng trống hoà vào với làn sóng tự do bên dưới con tàu. Một chiếc tàu bằng sắt cao lớn bệ vệ như vị thuyền trưởng, bên thành cabin mang tên ECHO- Z.27O và lá cờ Thailand đang hứng gió trên cao. Cái ranh giới ngăn đôi giữa cuộc đời nô lệ và tự do ở Berlin trước đây là bức tường ô nhục thì cái ranh giới của tôi hôm nay lại là bức tường vô hình chỉ một giờ trước tôi vẫn là tên nô lệ, một giờ sau tôi đã thành người tự do chỉ bằng một bước ngắn từ chiếc ghe chài bước qua chiếc tàu Thailand.
Đêm đầu tiên trong trạng thái tự do, tôi tháo cởi mọi gông cùm như sợi xích của một chế độ vô nhân bản đã áp đặt lên đời tôi cùng những toan tính vượt biên mà may ít rủi nhiều, dẫu cho quyết định này có là quyết định nông nổi của tuổi trẻ thì cũng chỉ ngang ngửa với cái liều, chơi diều đứt dây, một thân một thuyền nếu chẳng may va vào cơn giông bão. Tôi cũng tạm quên đi những rủi may biến cố có thể như cơn mưa phũ phàng chụp xuống trên đầu và đi vào giấc ngủ, mà tôi biết khi thức dậy sẽ nhìn thấy mặt trời tự do huy hoàng đang trồi lên từ lòng đại dương.
Có lẽ lệnh của thuyền trưởng không bắt tôi phải làm việc, nhưng tôi đã xin với ông chia cho tôi một vài thao tác nào tuỳ ý ông và tôi đã được phụ chân lựa cá thả xuống hầm và hốt cá tạp trả lại cho biển cả, sau đó xuống hầm xúc đá lạnh chườm cá đợi mẻ lưới sau và rửa sàn tàu cho sạch cứ như vậy suốt ngày. Tôi cũng tìm được một cây guitar cũ mốc meo và đứt dây, của một thủy thủ nào đó trước đây đã bỏ lại, tôi vui mừng lau sạch và nối lại dây đàn. Đêm đầu tiên trên mặt biển êm đềm, tàu đã buông neo, trên bầu trời đen thẫm như nhung yên tĩnh như lòng tôi lúc này gắn đầy những hạt kim cương, con trăng mười sáu xuân xanh yểu điệu như một tiên nữ đang rải xuống mặt đại dương những tia sáng mượt mà, tôi như người lạc vào cõi thiên thai, nghĩ rằng cảnh thiên thai có hai chàng Lưu Nguyễn ngày xưa cũng đẹp như đêm nay là cùng, ngồi trên cái đe tàu, bắt đầu so dây và hát những bài ca ngoại quốc làm thủy thủ bỏ cả đánh bài, ra ngồi quây quần bên tôi, và cùng hát nghêu ngao lạc điệu nhưng cũng ít nhiều mang lại cái không khí mới mẻ và tạo được niềm vui chất phác nơi anh em dân chài. Anh chàng Decha Zhao có đôi mắt chất chứa cả một trời tâm tư, khuôn mặt hiền hoà, không biết đàn nhưng lại thích hát, tối nào cũng muốn tôi đàn cho anh hát hai bài tủ mà anh đã thuộc lòng Bésame Mucho và La paloma. Có lẽ chàng mang tâm sự buồn nên sau khi bản đàn lắng xuống hai ánh mắt để rơi những tia buồn rầu màu lá thu chan hoà trên hai bàn tay đã một thời vụng về, thất bại, hoang vắng đang thả hồn về bến xa xôi nơi có người con gái đã mang theo vầng trăng thề, một nửa linh hồn của chàng và để lại khối tình vụn vỡ.
Nắng gió và nước biển mặn đã “tôi” làn da nâu sạm như đồng đen chẳng ai có thể phân biệt được giữa tôi với người Thái nữa vì tôi cũng đen đúa và ở trần như họ. Tôi đang lõm bõm học nói tiếng Thailand thì con tàu được lệnh trở về vì các khoang đã đầy những cá.
3.
Sài gòn đang lạc vào những ngày đầu đông khác với mọi năm trước kia nó không còn nô nức chào đón ngày đại lễ Giáng sinh như lòng mọi người mong đợi ánh mắt âm thầm của nó như chứa chất cả bầu tời đầy mây xám đang bị xua đuổi bởi những cơn gió đông bạo hành lùa qua những khung cửa sau giờ tan lễ Chúa nhật tại một ngôi giáo đường trong xóm đạo Bắc kỳ di cư thuộc vùng ngoại ô thành phố, nàng, một người con gái rất lạ từ trong nhà thờ bước ra, nàng bước ra sau cùng, cặp mắt buồn và đỏ hoe, dáng điệu mệt mỏi như đã mất ngủ nhiều đêm như dáng một con chim lạc bầy, nhưng bước đi thì lại ra vẻ cương quyết, dường như nàng đã thuộc đường trong khu nhà cửa rắc rối như bàn cờ này, nàng mặc áo dài lụa trắng đã cũ bên dưới cũng quần lụa còn cũ hơn áo đã rách gấu xuống tận hết gót chân mang đồi dép da như dáng một sinh viên đại học thời còn Cộng Hoà, nàng ý tứ ngó trước ngó sau, không muốn ai để ý đến mình tóc cắt ngắn chỉ còn chấm vai nàng che nón lên để không ai phân biệt ra lạ hay quen làm gì trong khu vực này, cuối nhà thờ chẻ ra nhiều ngã rẽ lối thì rộng đủ cho một xe tải nhỏ lọt vừa, lối thì hẹp chỉ đủ cho một chiếc ba gác đi một cách khó khăn, nàng như đã biết phải đi về hướng nào và thanh thản với một chút rụt rè tránh vài đứa trẻ đang đánh bi gần đó và tiếp tục bước vào trong ngõ sâu rồi khuất bóng.
Có tiếng rụt rè gõ cửa. Bên trong tiếng đàn bà hỏi vọng ra “ Ai đó nhỉ, ông thử hỏi xem ai nếu lạ thì đừng mở “ bên ngoài người con gái nghe rõ mồn một.
“ Ai đấy nhỉ, phải người quen không ?”. Giọng hơi yếu nhưng rất đáng mến của một cụ ông.
“ Dạ, con đây mà con là bạn của anh Chương đây”. Một chút băn khoăn, đã hơn hai năm nay không còn ai đến để tìm gặp con mình, nhất là lại một người con gái. Dầu vậy ông cũng mở cửa xem sao.
“ Cô...Xin lỗi cô là ai”. Người con gái nhìn ông cụ nhận ra Chương có những nét giống bố, cô lễ phép cúi đầu chào thì cũng vừa lúc cụ bà đi tới. “ Thưa ông bà con tên là Thu Hoài, bạn của anh Chương từ hồi còn đi học với nhau. Sau ngày đó, chúng con bị mất liên lạc, đi lại khó khăn, nhà con ỡ mãi tận Lâm đồng, con về đây đã được ba ngày, hỏi thăm mãi mới kiếm ra nhà ông bà”
“Mời cô vào trong,tình hình bây giờ khó khăn không nên đứng lâu bên ngoài. Có phải cô muốn tìm Chương không?” “Dạ, anh Chương đi vắng ?”. Câu hỏi vừa để rơi theo với nét mặt lo lắng.
“ Cách đây gần đầy năm, Chương có lần lên Lâm đồng tìm cô nhưng không gặp, lại bị công an theo dõi gắt quá nên đành về không”
“ Chúa ơi, anh Chương đi tìm con, nhưng với mục đích gì thưa...”. Cô gái oà lên khóc, khóc nức nờ. Bà đến bên vỗ vỗ vào vai nàng như muốn an ủi.
Thu Hoài đã đoán ra: “ Vậy bây giờ anh con đang ở đâu, mong sao anh con vẫn bình an”
“Chúng tôi cũng hy vọng như vậy, một người bà con xa là chủ ấp ở Rạch Sỏi nhắn tin Chương đã thất lạc cả tháng nay rồi.”
Hiểu chuyện của hai đứa nên bà rủ Thu Hoài xuống nhà dưới với bà vì nhận ra cô bé phờ phạc như nhuốm bịnh nên giữ nàng ở lại, biết đâu may ra nhận được tin gì khác chăng. Trời về chiều, khu lao động ồn ào vì tiếng xe cộ lẫn tiếng rao hàng quà vặt phá vỡ cái không khí yên tĩnh lúc trước, thẫn thờ ngồi bên cửa sổ nhìn những tia nắng vàng vọt cuối ngày tắt dần như mang theo cả hy vọng mong manh trong lòng nàng chôn vùi nơi cuối trời. “ Cũng phần nào tại mình hối hả đã không cho nhau địa chỉ, người xa như mây trời, vời vợi như cánh chim lưu lạc hai phương trời biết đâu mà tìm nhau, ai bảo đảm sự chèo chống với biển khơi, sóng gió, công an biên phòng, hải tặc và nhiều rủi ro khác làm gẫy đổ những toan tính những hoài bão trong lòng dù một hai liều chết, giả như có nhau sống chết sẽ nhẹ biết bao, nhưng anh, em vẫn cần một bờ vai dù để sống hay chết”.
Chiếc xe lam mang theo tiếng nổ giòn tan và những cụm khói đen như cháy nhà vừa được người nhà kêu tới. Người ta thấy hai ông bà và cô gái như một gia đình rón rén leo lên, có lẽ người tài xế đã biết rõ nơi đến nên chẳng ai nói với ai một lời, tiếng xe nổ bạo hành uy hiếp đôi tai lao đi như sợ thời giờ không còn đủ dành cho cuộc sống đầy bất ổn xung quanh, lao đi như chạy trốn một tai ương đang rình rập, những tai vách mạch rừng sẵn sàng đi bá cáo, ba người chụm vào nhau to nhỏ không ai nghe thấy nhưng trên nét mặt họ đầy vẻ lo âu, riêng người con gái ánh mắt đã vơi đi bao nhiêu tia hy vọng lúc trước chưa kể đến bước đi chênh vênh của nàng như bắt đầu cho một cuộc hành trình gian nan. Bến xe Miền Đông đã hiện ra trước mặt, người ta ồ ạt bươn bả chen lấn nhau như không hề biết mệt, những đống hàng họ lôi thôi lếch thếch chiếm hết cả chỗ đậu xe. Chiếc xe lam vừa làm hết bổn phận kiếm một chỗ đậu mà phải khó khăn giằng co mãi chút nữa là gây sự. Ông bà chọn cho cô gái chiếc xe ca Sài Gòn Lâm đồng, 12 chỗ ngồi, trả hơn tiền để dành bằng được cho cô chỗ ngồi ở băng trên không va chạm với ai để bớt đi một nỗi sầu mà ông bà hy vọng nó không lớn hơn sức mảnh mai của cô có thể vác nổi. Trong lúc bà còn mải trò chuyện với cô, ông trở lại trên tay với ổ bánh mì paté và chai nước trong bịch giấy trao cho cô ăn đường. Khi xe lăn bánh ra khỏi bến, ông bà chỉ còn kịp thấy cô úp mặt vào chiếc khăn muchoir. Cả bầu trời đang vỡ vụn dưới chân nàng theo từng bánh xe lăn qua. Những vết xe vô tình đang hăm hở chở về xứ lạnh một nỗi đau võ vàng và một đám mây sầu chất ngất, để lại sau lưng hai người già cả lạc chạc trong một khu chợ bát nháo lẫn trong tiếng thở dài.
4.
Dù là đã từng nghe những Việt kiều kể lại về dân số về nếp sống mới cũng như não trạng hiện nay của người dân trong nước ra sao nhưng khi vừa bước vô phi trường Tân sơn nhất thì đủ thấy những lời đồn đãi còn khiêm tốn hơn nhiều. Chúng tôi phải tụ lại thành một nhóm để nhóm kia đi tìm hành lý, đồ dùng cá nhân chẳng có là bao, chúng tôi chỉ lo thất lạc những kiện thuốc tây, những máy móc khử trùng các loại stensils, và vô số những dụng cụ y khoa khác nhau tổng cộng là 60 thùng và valises, phải cần đến một cái xe pickup truck mới vừa, vậy mà các bác tài xế taxi không hiểu họ làm ăn thế nào, nhưng chẳng ai để chúng tôi yên, họ chèo kéo, chào mời cứ như không đi xe của họ thì sẽ phải đi bộ về hotel vậy. Những cô y tá tóc vàng, những bác sĩ da trắng cứ nhăn mũi vì hơi hướm, bụi bặm trời nóng ngột ngạt làm cho hơi hám thêm nặng nề thiếu dưỡng khí, điều kiện này không hề có nơi công cộng ở xứ sở họ. Máy bay chở chúng tôi về từ Đài bắc đáp xuống hồi 12 giờ mà mãi tới 2 giờ chiều mới xong mọi thứ thủ tục rườm rà để về tới hotel là 3 giờ ba chiếc xe 10 chỗ bám theo nhau chen vào những rừng xe cộ, họ đua nhau bóp kèn trên đường phố tạo nên nhạc nền cho một buổi hoà âm quái gở trên hè phố Sài Gòn. Tôi nhận ra ngã sáu con đường ngày xưa tôi gò lưng trên xe đạp để tới trường Chu văn An mà energy lúc bấy giờ thường là cơm hâm, ngon là gói xôi lạc. Những cô học sinh áo trắng đua nhau qua mặt chúng tôi chễm chệ trên lưng đủ loại gắn máy đắt tiền nét mặt các nàng làm tôi dị ứng phải ngó đi nơi khác. Chỉ cần hai chuyến bay đủ làm cho bạn đang tươi trẻ trở thành lão hóa ở miền đất này, nếu bạn đang mang theo nhiều thứ dụng cụ y khoa tân tiến để khám bịnh và chữa bịnh nhưng bạn lại thiếu cái máy đo lường chính xác về cường độ văn minh siêu việt ở xứ này có thể làm bạn khó sống. Đời sống cuồng nhiệt và xô đẩy ở đây dường như làm cho kim đồng hồ cũng bị vạ lây, mặt trời vừa yên giấc là lúc người ta hồi sinh, chúng tôi không có cơ hội để nhìn sự sinh hoạt về đêm, vì công tác còn nhiều. Sáng hôm sau, ba nhóm sẽ đi làm việc ở ba miền, tôi chọn đi chung với nhóm hai địa bàn hoạt động sẽ bắt từ Xuân lộc qua Long khánh lên Dilinh Đơn dương và sau cùng là Cam ranh và các vùng phụ cận, sau đó cả ba hẹn nhau ở Nha trang nghỉ vài ngày trước khi ra về. Hai nhóm kia, một ở lại miền Tây và ba bay thẳng ra miền trung, bắt đầu từ Vinh trở vào, nhóm nào cũng đầy đủ bác sĩ tổng quát ( nhiều hơn) Pharmacist, Optometrists, Dentists và y tá.
Chúng tôi đã làm đẹp tại mỗi miền chúng tôi đi qua. Con nít thì bất cứ ở đâu cũng dễ thương chúng không có biên cương nên xà vào mọi nơi để làm quen, nụ cười của con trai và nét bẽn lẽn dễ thương của con gái là thuốc mồi cho mọi sinh hoạt. Cây đàn guitar ở đâu cũng trở nên một cây đũa thần, cộng thêm ít bánh kẹo là chúng tôi tạo ra ngay một ban nhạc với nhóm bé con sau giờ cơm và nghỉ trưa. Địa điểm khám bịnh và phát thuốc luôn luôn là một trường tiểu học trung học ngay trong lòng của thị xã hay quận lỵ.
Sáng mai, bắt đầu tuần lễ thứ nhì, chúng tôi giã từ Di linh để theo quốc lộ 27 về Đơn dương. Đêm qua ai đã đánh thức nửa vầng trăng hai mươi bốn năm về trước đang ngủ yên trong lòng tôi, tôi thấy nó trở mình và nhìn tôi với cặp mắt đen thẫm của nàng, cặp mắt đã một thời mỗi khi gặp laị nhau làm tôi quên lối về . Cặp mắt mỗi lần gặp lại biết cười và biết hát cho tôi những bài đồng dao thơm mùi mực tím. Vầng trăng suốt đêm kèn cựa với tôi bắt ép tôi phải đi tìm nửa vầng trăng kia cho nó vì đã quá mỏi mệt, hao mòn trong đợi chờ. Có ai rong ruổi trong cơn lốc đời mình như tôi mà quên được mảnh tình chăng ? Mặc dù ngay cả khi nó rách rưới, ngay cả trong bão táp hai nửa của vầng trăng đã từng đi tìm nhau trong vô vọng. Cơn mây sầu của Dacha Zhao và nửa vầng trăng đêm nay rung lên cùng một âm giai.
Mặt trời mùa hè trong veo dội xuống vùng đất đỏ từ xa bao vây bằng màu xanh của đồi trà và café dăm căn nhà ngói đỏ hiện lên rõ dần sau khi chiếc xe rời quốc lộ 27, con đường đất đỏ phẳng phiu đón chúng tôi bằng những bánh xe tung bụi đỏ mù mịt. Chuyến xe chở chuyên theo nó một ba lô nặng trĩu những oan khiên những vết thương chưa kịp ăn da non về miền quê của nàng, một quận lỵ mênh mông đất cát 21 xã, Lạc lâm là đây chưa hề in dấu chân tôi, nhũng nắm bụi đỏ đang tung lên dưới những bánh xe có lẽ đã in nhiều vết chân nàng. Đôi chân gầy xanh với mười ngón long đong tất tưởi.
Chiếc xe quẹo vào sân một ngôi trường trung học với nhiều bóng cây phượng đỏ, đang hồi nở rộ kiều diễm như môi những nàng con gái xứ Lambiang. Đồng bào kinh thượng trà trộn với nhau như xôi đậu ngồi túm năm tụm ba dưới hàng hiên và những gốc cây phượng, chuyện trò huyên náo như một ngôi chợ, trẻ con vui đùa chạy theo những trái banh. Lâu lắm tôi chưa được nghe lại tiếng ve sầu đang chuyên chở mùa hạ và những kỷ niệm học trò trên đôi cánh nâu như hôm nay, nó vừa như xua đuổi lại vừa như thiết tha mời gọi hãy đến hãy nhớ lại tuổi thơ, hãy tìm lại những gì đã thất lạc trong quá khứ, hãy quên đi những vết thương chưa lành, hỡi các bạn may mắn hãy thưởng thức dòng nhạc đơn điệu như món quà của quê hương, hãy chia sẻ tình thương và thuốc thang cho chúng tôi những răng đau đang đợi bàn tay của các bạn, những cặp mắt cần ánh sáng, những căn bịnh đang cần được chữa lành, đó là cách xoa dịu, cách vỗ về, mà lũ ve sầu chúng tôi bất lực.
Chúng tôi được hướng dẫn vào bốn khu rộng rãi, khám tổng quát và pharmacy ở từng dưới, dental và optometry trên lầu. Với số bịnh nhân như hôm nay đã đủ cho hai ngày ở đây, nên chúng tôi cần phải tăng vận tốc và chạy đua với cái kim đồng hồ.
Tới giờ nghỉ trưa, xem ra số bịnh nhân lại nhiều hơn trước. Bữa ăn mộc mạc đơn sơ là hương hoa của nương rẫy của những giọt mồ hôi gói chung với những ánh mắt của các cháu đang lăng xăng tiếp viên và phục vụ. Tôi hỏi một bà bếp lúc bà đi ngang qua bàn của tôi:
-Thưa bác, bác có biết trong vùng này, có bà nào tên là Lê thị Thu Hoài không ?
Bà bếp nhìn tôi hồi lâu như muốn chụp lấy hình tôi vào trong mắt bà, cũng như muốn tò mò những điều còn âm ỉ trong tôi, vì tôi là một khách lạ đến từ một thế giới xa xôi mà tỏ ra như đã quen qué từ lâu. Mặc kệ, tôi đọc được qua ánh mắt tò mò ấy một thái độ dễ thương, ráng giữ nụ cười trên môi dành cho bà.
- Làm sao bác sĩ lại biết bà Thu Hoài, bả là Hiệu trưởng trường này đã nhiều năm rồi, con gái bả nó vừa ở đây. Nói tới đây, bà đon đả đi ra khỏi phòng ăn, lúc sau trở lại với một cô bé xinh xắn tuổi độ 17, 18 gì đó nhìn tôi bẽn lẽn đến độ không biết làm gì để dấu đi cái nét mắc cở đến thẹn cả người. Tôi hơi lịm đi trong lòng vì đó chính là nét mắc cỡ mà mẹ nàng ngày xưa dành cho tôi mỗi khi tôi ghẹo nàng.
- Nó đây thưa bác sĩ, nó tên Hoài An. Cô bé lí nhí chào tôi. Buông đũa đứng lên, tôi mời cháu lại bàn uống nước kéo ghế mời ngồi.
- Con là....Vâng, con là con của Hiệu trưởng ở trường này. Bác sĩ có điều chi dạy bảo con phải không ?
- Con ngoan như vầy đâu cần dạy, chú chỉ muốn con cầm tấm danh thiếp này về trao lại cho mẹ con, nếu không có gì phiền hà cho con. Tôi đùa với nó
- Dạ thưa không đâu, chiều nay mẹ con có hẹn để được khám răng ở đây mà. Con sẽ về trao lại danh thiếp này cho mẹ con. Cám ơn bác sĩ.
5.
- Dr. Chương huy Nguyen, MD
Family Physician
X. Boulevard, Vancouver BC, Canada.
Tel:....................
Nàng nhận từ tay con gái tấm danh thiếp, đọc đi đọc lại mấy lần vẫn không chịu tin.
An...n, ai trao cho con tấm danh thiếp này ?
Mẹ, mẹ làm sao vậy, con thưa với mẹ ba lần rồi là của bác sĩ Chương. Cô bé vừa trả lời vừa tỏ ra đắn đo thắc mắc.
Ông là người như thế nào ? Nàng dắt đứa con vào cái ngõ cụt mà không hay.
Mẹ, con đâu có dám nhìn ông, còn mẹ làm sao lúng túng thế ? Cô bé như bị bà mẹ tự nhiên làm cho rắc rối cuộc đời.
Thôi được...Chiều hai giờ đi khám răng. Nàng lẩm bẩm như nói với chính mình.
Nếu ai để ý thì sẽ thấy nàng lúng túng thật, vừa để tấm danh thiếp ở trên bàn giờ đâu mất không thấy nữa, nó vừa trong tay nàng bé bỏng như chính tình yêu nàng dành cho chàng mấy chục năm vè trước rồi bị thời thế cướp đi như tấm danh thiếp vậy. Vào phòng riêng đóng cửa lại như nhốt cơn thổn thức của nàng xuống đáy lòng, nàng đang bị vật vã bởi cơn shock mà bao nhiêu năm nàng chôn kín không tỏ cho ai. “Ôi, cái định mệnh thật éo le, thật cay đắng đi tìm nhau thì không gặp, để hơn nửa đời qua đi khi trăng đã hết tròn, khi nhan sắc đã tàn úa khi con tim đã chết theo mùa đông, em như thiên thần gãy cánh biết thân thưa điều gì với anh bây giờ”. Ngày đi lấy chồng nàng đã đốt hết mọi dấu vết kỷ niệm ngoài hình bóng của chàng, rồi khi chồng nàng quyết định đi vượt biên một mình vì nàng đang mang thai. Hai ngày sau được tin chiếc ghe bị gài cho ra khỏi cửa biển và biên phòng đã chực sẵn bắn chìm. Làm đám tang cho chồng xong nàng rơi vào cơn trầm cảm nặng nề tưởng như không qua khỏi nên đứa con sinh ra sau đó rất èo ọt và khó nuôi, cha mẹ nàng đã đón về thuốc thang hai năm sau nàng mới trở lại vừa đi học vừa đi làm cho tới ngày đủ vốn liếng văn bằng đòi hỏi, đi nhận chức hiệu trưởng trung học Lạc lâm đến nay đã hơn mười năm.
Chiều nay trong cơn bối rối, nàng đánh mất khả năng tập trung trước giờ đi khám răng, không biết phải ăn mặc như thế nào, nói năng ra làm sao, đầu óc nàng bỗng nhiên sinh ra hỗn độn và tối tăm như khi còn đang bịnh. Để định hướng lại, nàng sẽ chưa thể gặp Chương chiều nay, mặc dù rất muốn, vì tâm hồn nàng còn nhiều xao xuyến chưa thể làm chủ được mình.
Đêm nay, một đêm không trăng sao, khu xóm đã hết người qua lại khá thuận lợi cho việc gặp gỡ riêng tư. Nàng nhờ con đến gặp bác sĩ Chương mời ông về nhà riêng tránh được những con mắt nhòm ngó và nàng cảm thấy tự tin hơn nơi nhà mình.
Con bé đi trước tôi, bước chân đã bớt vẻ rụt rè. “ Thầy, sáng nay con thấy thầy có mang theo cây guitar phải không thầy ?”. Tôi hơi ngạc nhiên không rõ con bé phong tôi lên chức thầy từ hồi nào.
“ Có lẽ vậy, rồi sao nữa ?”
“Thì thầy hát cho tụi con nghe, thầy là ca sĩ hả ?”. Lại thêm một câu làm tôi tức cười.
“ Trời đất, chú mà là ca sĩ thì giờ này đang đứng trên sân khấu với đèn màu, chớ sao lại ở đây, tụi con là những đứa nào?”
“ Chúng đông lắm làm thầy chết ngộp luôn”
“ Chết ngộp hơn sống một mình”
“ Thì thầy dọn về đây đi, sống với mẹ con và con”. Con nít hôm nay, mồm miệng dạn dĩ hơn ngày xưa.
“ Chú lấy đâu ra tiền trả tiền mướn cho má con”. Nó cười rúc rích, đắc ý vì mới trêu tôi được một câu có ý gán ghép. Nó thả tôi ngay sân nhà và đi theo vài đứa bạn.
Ánh đèn sáng trưng từ trong phòng khách hắt ra sân rộn ràng ý nghĩa mời mọc, có lẽ nàng đã sẵn sàng đâu đó, nên khi tôi còn ngoài sân nàng đã xuất hiện vẫn nhẹ nhàng mỏng mảnh như ngày xưa, nàng đón tôi với chiếc áo dài lụa kiểu sinh viên, cặp mắt vẫn là hai giếng sâu nhưng chứa đầy hư hao và bão nổi của đời người, nụ cười chen vào một chút thống thiết trên làn môi phôi pha vì thiếu những nụ hôn, khoé mắt không dấu được vài nét chân chim cào lên khuôn mặt đã bước vào tuổi 45, nàng chìa tay cho tôi chẳng phải là để bắt mà là muốn kéo cái dĩ vãng năm xưa về bên nhau, bàn tay vẫn bé bỏng nhưng thô ráp bởi cuộc sống hôm nay, nàng đã cởi bỏ cái mác hiệu trưởng cũng như tôi đến thăm, nàng cho tôi cơ hội dìu nàng đến bên bộ salon cả hai ngồi đối diện trong một thế giới rất riêng tư ở giữa là bộ đồ trà và khay trái cây đã cắt sẵn. Nàng đưa tay tắt đèn và nhờ tôi đốt lên ngọn bạch lạp, trên tường trước mặt tôi là một hương án hình một sinh viên sĩ quan trong lễ phục ngày thứ bẩy, tóc quân trường, nụ cười ngạo nghễ , vai rộng chiếc mũ alpha trong tay. Tôi xin phép được đốt một cây nhang và trở về chỗ ngồi, tránh gợi lại những vết thương chẳng bao giờ lành. Giọng nàng đều đều đan xen những dĩ vãng êm đềm lẫn với những dòng chảy của định mệnh có lúc lênh đênh tựa hồ như tiếng sáo diều ru ngủ một cuộc tình không may, có lúc tựa hồ như con diều no gió, nhưng rồi chao nghiêng làm nó đứt dây. Tôi rót nước trà nóng ra ly, loại trà có mùi thơm đặc biệt vì nơi đây là quê hương của những người sành điệu, rồi tay nàng như mời mọc, tôi đón lấy tay nàng trong tay tôi, nàng đổi đề tài:
“ Anh còn cơ hội nào khá hơn dành cho em không?”. Câu nói vừa rớt ra từ vành môi san hô như tẩm mùi nước mắt, làm tôi phải nắm chặt lấy tay nàng.
“ Có chứ, mục đích chính của chuyến đi này là về tìm em, nếu như anh còn được may mắn, anh dành cho em hai ngày cuối cùng của chuyến đi là 27 và 28 tháng này tại Hotel Yasaka, trên đường Trần Phú, Nha Trang”
“ Vâng, thưa anh. Anh muốn em giữ chỗ không ?”
“Đó là nơi thường xuyên mỗi năm đã được booking từ sớm cho cả phái đoàn y tế EMAS Canada hội tụ về đó nghỉ ngơi trước khi hồi hương”.
Tôi trở lại thăm nàng để chào tạm biệt.
Nàng tiễn tôi một khúc đường mà ánh mắt hun hút như gởi cả vào bầu trời xanh và những con sóng bạc Nha trang mà nàng đếm từng ngày như đang đếm những bước chân ngại ngùng nói lời từ giã.
6.
Cụm từ “Cố nhân ơi” mà tôi đã từng đọc trong thi văn ngày còn trẻ nghe sao nó thi vị, nó lãng mạn là thế, mà có lúc muốn dìm mình vào hoàn cảnh mê muội dại dột của tuổi đôi mươi để được gởi theo mây theo gió vào cõi xa xăm tiếng cố nhân ơi dành cho một hình bóng ai đó mà nỗi nhớ như cào xé tâm can. Cụm từ ấy đã đuổi theo tôi hơn tuần lễ nay, nó chơi trò ú tim mà theo tôi có lẽ cả với nàng từ bữa xa lìa Lạc lâm mang theo mùi café mocha chất ngất trong xe do vị linh mục giáo xứ trao tặng. Ban ngày lăng xăng trăm việc, nó đi lang thang, đêm về nó cũng về theo bóng đêm không hề thi vị, chẳng hề lãng mạn chút nào chỉ thấy nó lầm lũi như dòng sông chảy xiết đẩy hai con thuyền của chúng tôi đã nhiều chục năm xa nhau lại càng xa hơn cùng với tuổi đời khô cằn đã hết những tháng ngày thơ mộng, như gió thu làm vàng úa tuổi xuân.
Đứa con gái đã theo bạn đi trại hè, còn lại một mình với không gian trống vắng như khoảng vắng của đời nàng gần hai chục năm qua mà nắng hạ mưa thu cũng không đủ để lấp đầy, bóng dáng của Chương chưa hề phai nhòa trong tâm hồn, chàng đã đến tìm nàng đột ngột như một cơn mưa trái mùa cần thiết trong tháng hạ nơi trái tim nàng đang cạn kiệt những màu xanh. Ánh mắt của chàng như có sức nóng hâm lại tình yêu như ánh mặt trời sưởi vừa đủ ấm cho cánh chim được phục hồi sau mùa đông nghiệt ngã. Sáng hôm sau, nàng thức dậy sớm ra vườn nghe lời chim quen, như nhắn nhủ làm nỗi buồn lắng xuống, một sức vỗ về vô hình đánh thức giác quan mà thời gian qua dường như ủ ê, ngủ vùi hoặc vì không còn thiết tha. Cuộc sống đơn điệu như con tàu buổi sáng kéo còi ra khơi và về thả neo bến cũ khi hoàng hôn chưa tắt. Nàng soạn lại những trang vở đời lâu ngày hoen ố vui ít buồn nhiều, coi lại những kỷ niệm với chàng được gói kỹ chắt chiu theo từng mốc thời gian để làm hành trang cho chuyến đi Nha trang vào ngày mốt. Ngày đó tình yêu giữa hai tâm hồn đã thoảng mùi trái chín, nhưng cũng chỉ mới và non dại như cơn gió mùa thoáng qua vai làm vành môi khao khát những nụ hôn và quấn quýt những lọn tóc thề. Đã bao năm nàng thèm một bờ vai, hôm trước chỉ mới được tay trong tay mà nghe lòng đã rộn rã, kéo nàng trở về những rộn rã sau mùa thi, khi bài vở của năm cũ đã trở thành cố nhân, hai con mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, nhưng con tim lại tươi vui đến khờ dại. Người ta thường nói, hãy thả trôi những dĩ vãng để sống cho hiện tại. Ừ, thì sống cho hiện tại, nhưng cái hiện tại sắp đến lại mong manh quá, ngắn ngủi quá không thể đủ để ươm một tia hạnh phúc thì sao ! Cái khoảng cách nửa vòng trái đất làm sao gởi cho nhau những làn hơi ấm, cái nhẫn nơi ngón tay có lớn lao gì nhưng lại gian nan hơn cà cái cầu vồng làm cách trở Ngưu lang. Bao nhiêu niềm vui tạo ra được một nụ cười, cũng như bao nhiêu nước mắt đủ làm dịu được một cơn đau, tiếc rằng đời chẳng phải là giấc mơ, giấc mơ thì bao la cuộc đời thì chật chội, đi tới đâu cũng đụng phải nỗi buồn. Vậy nàng sẽ đến với chàng bằng tâm sự gì. Phải chăng là tâm sự của một người đàn bà.
7.
Những vòng bánh xe như đang giã từ hiện tại, lăn ngược dòng thời gian trên quãng đường dài 170 cây số dẫn nàng về với quá khứ, để gặp lại người trong quá khứ. Ai dám nói rằng quá khứ như món đồ cổ đắt tiền đã bị thời gian đánh cắp và xoá nhoà mọi vết tích, nhưng hôm nay nàng trở về ương ngạnh, cái ương ương của thời cánh môi chưa hề thấm lệ đời, thời tóc mây còn vô tư trước những vuốt ve của gió thoảng qua vai, về để tìm lại một quá khứ xanh tươi thuở đôi môi chưa sẵn sàng đón nụ hôn đầu. Nàng đến với tôi trưa nay mang theo những sợi nhớ mong quấn theo gót chân gầy, đôi bàn tay ngỡ ngàng như vừa tuột mất một giấc mơ, nàng cố giấu đi cơn mưa phùn trên quãng đường dài, nhưng con sóng ngầm đã tràn lên tới chân mi của đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ và mang đến cho tôi một nụ cười mà hai làn môi run rẩy, tôi đỡ lấy cái luggage nhỏ nơi tay nàng và chấp nhận món quà mà với sự cố gắng hết sức của nàng dành cho tôi.
Tôi giúp nàng treo lên những tấm áo lụa mỏng mượt mà, mà có lẽ nàng mới ủi sáng nay vì không có nếp gấp, mùi thơm đánh thức khứu giác của tôi về mùi tóc của nàng ngày xưa, vừa lăng xăng tôi vừa hỏi chuyện :
“ Chỉ bây nhiêu sao đủ cho em ?”
“ Anh đủ cho em”. Câu trả lời như nhắn với tôi rằng có anh ở bên là có tất cả
“ Con bé có nhiều nét giống em, nó mắc cỡ đỏ rần cả mặt y hệt em ngày xưa”
“ Em hy vọng là nó khác em về cuộc đời”. Giọng nói có pha ít nhiều đắng cay. Chỉ nói được tới đó, tôi phải vội ôm lấy nàng vì cơn xúc động đã trào lên, da mặt tái đi. Đặt nàng ngồi vào lòng như ôm một rừng thu chưa một lần thay lá trong đời, nàng khóc thảm thiết trên vai tôi, nàng cần phải rũ bỏ như rừng phong ( Maple ) rũ bỏ dĩ vãng để chờ mùa xuân thay áo mới, nàng cũng vậy, dù tôi còn nhiêu bổn phận với gia đình, nhưng tôi cũng có bổn phận phải phục hồi lại đời nàng, như lương y phục hồi sức khỏe cho bịnh nhân. Tôi không gặp khó khăn khi đang đứng trước ngã ba đường, vì tôi đang làm công việc của một lương y. Tôi sẽ sửa chữa những gì hư nát còn nàng sẽ vá lại những kỷ niệm đã một thời rách rưới. Lúc này chỉ còn hai tâm hồn riêng một khung trời như hai con tằm quá lứa cũng cố gắng nhả tơ mà chính nàng đang bắt đầu trên vai tôi, những giọt nước mắt nóng hổi hôm nay thật là cần thiết như cơn mưa rào làm dịu bớt cơn đau tưới gội cho trái tim tươi lại cho cả nàng và tôi, nàng đang gửi lá vàng về cho mùa thu cũ và sẽ tìm thấy mùa xuân đã đánh mất.
Hai dòng suối đã cạn, đôi mắt vừa trải qua một cơn mê đời đã lâu với một mặt trời thương tích và lẻ loi, đôi vai tôi đã mỏi nhưng hơi hướm của da thịt, thơm của tóc, mặn nồng của nước mắt, tôi mang theo trong những ngày sắp tới khi xa nhau. Nàng bé bỏng, rũ rượi và mềm nhũn như con mèo ngái ngủ nằm sõng soài ra giường: 

“Em mệt lắm,chiều chuộng em đi, kể chuyện cho em ngủ đi anh”. 

 

Tôi hát se sẽ bên tai nàng những bài ca đã một thời lên ngôi: 

“Nắng chia nửa bãi chiều rồi, vườn hoang trinh nữ xêp đôi lá rầu, sợi buồn con nhện giăng mau, em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây...”. Thoáng trong cơn mơ, tôi thấy môi nàng cười.
Nàng thức dậy khi đèn đường vừa thắp lên. Thân phận đàn bà vừa mỏng manh vừ kỳ diệu, nàng vừa từ bỏ bầu trời u ám không trăng sao bước vào thế giới bình an chỉ qua một giấc ngủ, trở về với dáng dấp người con gái tôi quen hai mươi mấy năm về trước, bên trong phòng đã hơi tối nhìn qua cửa sổ nàng hỏi tôi:
“ Bạn bè anh, họ đi đâu cả rồi ?”
“ Họ đi sang đảo”
“ Sao anh không đi ?”
“ Vì tình em thơ mộng hơn muôn vàn hòn đảo”. Nàng ném cho tôi một ánh mắt bẽn lẽn biết ơn.
“ Bên ngoài đẹp anh nhỉ, trời có mát không anh?”
“ Đủ mát và cũng đủ khoác thêm chiếc áo len, kiến bò bụng chưa?”
“ Sau khi bò bụng anh, chúng mới chịu bò qua bụng em”. Giọng tươi vui
“ Chúng đang bò rồi” tôi nói đùa
“ Vậy đợi em nhé”. Tôi nghe tiếng nước từ bông sen. Nửa giờ sau con ngài đã hóa thân thành cánh bướm ( hết hồn, tôi tưởng sẽ phải dỗ nàng suốt đêm nay ). Nàng chung với tôi vài hớp rượu nên khi ra khỏi quán ăn, men rượu bò lên đôi má và đôi môi nàng làm tôi mê mẩn chẳng rõ có bò lên tới mắt hay không nhưng ánh mắt đêm nay sáng như sao trời, đi sát vào bên tôi như mời mọc, tôi cho nàng cảm giác là đôi tình nhân đang cầm tay nhau như những đôi khác đang ngược chiều với chúng tôi, gió biển đưa vào mát lạnh về đêm, những lá dừa gió thổi cọ quẹt vào nhau âm thanh nghe khô khốc. Đi qua cầu, bên đó trời tối hơn nhìn rõ sao trời vì đã xa con phố, một tiếng dế mèn gáy vang lên dưới khe đá vì bất ngờ bị làm phiền.Trên ghế đá nàng ngồi sát bên tôi như nhắc nhở “ hãy chiều chuộng em đi thời gian chẳng có là bao”.
Đêm về bao la cái bao la đã bao lần vùi trong giấc chiêm bao của nàng nhưng vẫn chỉ là chiêm bao từ khi nàng còn hay mơ mộng, từ khi hai người mới quen nhau, kể từ sau ngày mất nhau như hai cánh chim về hai phương trời khi mặt trời mọc bên nàng là lúc lặn bên tôi, với trùng dương vời vợi thì giấc mơ về một đêm bao la cũng rụng xuống như cơn nắng yếu ớt của chiều thu và chôn vùi trong tháng đông lạnh cóng. Vậy mà con tim nhỏ bé mầu nhiệm lại có trí nhớ vượt thời gian nó âm thầm cất dấu để tặng lại cho nàng cái ước mơ tưởng rằng không bao giờ quay lại như lá thu đã bay vào dĩ vãng. Gần nửa đêm phố xá đã thưa thớt ánh màu đèn và thưa thớt tiếng nhạc, gió biển lạnh như cố tình xua đuổi những bóng ai còn trên bãi trả lại cho đại dương sự trinh nguyên của nó, những con sóng lớn đang cuốn ra khơi những hình ảnh xấu xa, những bước chân dâm dật, lời tán tỉnh thô lậu những ánh mắt đưa đẩy mời chào.
Không gian đêm nay như một bến vắng đủ cho con thuyền thả neo sau mấy chục mùa đông hắt hiu trôi nổi, hai chúng tôi ngồi bên nhau như trong cái lòng thuyền mà cả hai vừa tát cạn những gian nan dựa lưng vào tường như dựa vào khung cửa đời vừa được mở ra mà bên kia là cánh cửa long đong vừa vĩnh viễn khép lại nàng và tôi đều muốn quên đi, mặc dù cả hai đều không tiến xa hơn tình bạn, như đôi chim lưu lạc trong gió cuốn vừa tìm lại tổ cũ và tặng cho nhau những gì cao quý nhất còn sót lại. Nàng mặc bộ đồ ngủ bằng soa mát dịu như đôi môi nàng đêm nay, đôi chân xoải dài cho tôi được dịp nhìn lại dáng dịu mềm như bước chân êm aí trong đôi hài cườm năm nao. Tôi bưng khay bạc mà room service mới vừa mang lên với chai rượu Chateau du Pape hai ly cristal và một bông hồng đỏ, vừa nhâm nhi vừa ôn lại những chuyện ấm lạnh, những gian truân một thời, nàng để tay nàng trong tay tôi, ấm áp như lời tình tự, trong lúc nàng lim dim vì men rượu, tôi xỏ vào ngón tay nàng chiêc diamond ring như một món quà mà từ thời yêu nhau tôi chưa có cơ hội.
“ Em cảm ơn anh, nhưng sao anh lại đeo nhẫn cưới cho em...m.. ?” một chút gì bối rối vừa rớt ra khỏi làn môi đậu xuống vuông áo lụa trở nên một dấu hỏi.
“Em xứng đáng để nhận, nó vừa là friendship ring vừa là sự tái hợp hai nửa của vầng trăng lẻ loi sau bao nhiêu năm để hai cõi lòng được tròn trịa, mong sao anh xứng đáng với tình bạn của em.”
“ Và anh sẽ không bao giờ bỏ em bơ vơ chứ ?”. Ánh mắt nàng thoảng mầu lo lắng và nàng dâng hiến cho tôi những gì cao quý nhất của đời nàng để biến đêm nay thành đêm bao la. Trong lúc đang xộc xệch gối chăn, tôi thầm bên tai nàng:
“ Không bao giờ, em sẽ không còn bao giờ bơ vơ!”(1) Trịnh Lâm Ngân.

Ngân Hà