Ông và Cháu
Như thường lệ, sáng nay ông Thìn dậy sớm, sau bài thể dục dưỡng sinh phát trên
loa phóng thanh của xã tới tiết mục nhâm nhi trà, ngắm bình minh ló dạng. Vợ
ông, bà Nhị, biết ý chồng nên bao giờ cũng dậy sớm nấu sẵn ấm nước đổ đầy bình
thủy. Bà không pha trà vì biết ông khó tánh, trà ông uống thì chỉ mình ông hãm,
ai hãm cũng không vừa ý.
Tính ông nghiêm, chỉn chu đặt lên hàng đầu nên trong nhà mọi thứ
lúc nào cũng phải gọn gàng, sạch sẽ. Cứ nhìn cách uống trà thì mười phần rõ
chín. Trà phải là loại búp, cánh săn nhỏ và cong như móc câu. Bởi vậy đã uống
loại trà mua ở cửa hàng nào là chết luôn từ đó, chỉ mua độc một chỗ, có bận mấy
cũng phải ghé mua, tới giờ uống trà mà không có là khó yên được với ông.
Nhà độc mỗi thằng con trai. May mắn, nó không giống tính ông. Nó
thích giao lưu bạn bè, tham gia phong trào này nọ, thành ra đi suốt. Hai sáu tuổi
vẫn chưa thấy dẫn bạn gái về ra mắt. Sốt ruột, bà Nhị giục:
– Lo mà kiếm vợ dần đi là vừa bây ơi!
– Lấy vợ sớm chi má!
– Trời đất quỷ thần ơi, chớ bây muốn chừng nào tao mới có sui
đây? Ba má mày ngót nghét bảy mươi rồi đó con à.
Nó im bặt không trả treo nữa. Bà Nhị lại bắt đầu điệp khúc than
ngắn thở dài. Hai ông bà gặp nhau trễ, ngoài ba mươi mới nên duyên. Đã vậy lại
hiếm con, mãi chẳng thấy mụn con nào. Bà đi chữa thầy, cúng Phật, nghe nơi nào
linh thì xa mấy cũng đi. Nhìn cảnh người ta con cái đầy nhà, ríu rít cười nói,
chạnh lòng buồn phận mình. Mấy bận bà giục ông tìm người khác, kiếm đứa nối dõi
tông đường, ông cứ làm thinh. Giục mãi điên lên ông la rần rần:
– Khùng à? Vợ chồng là nghĩa là duyên, lấy nhau chỉ để kiếm con nối
dõi thì lấy làm gì. Đời tui chỉ lấy một vợ, con cái có hay không là trời cho!
Từ đó bà im bặt không nhắc gì tới chuyện con cái trước mặt ông nữa.
Bà lẳng lặng đi cầu, đi cúng, đi chữa thầy. Có lẽ ông Trời cũng mủi lòng nên
ngoài bốn mươi thì cho mụn con trai. Thành ra cái lòng tin ở bà lớn lắm, chẳng
ai lay chuyển nổi, cho tới giờ dù chân đã mỏi nhiều phần, bà vẫn năng đi chùa mỗi
tháng.
Rút kinh nghiệm, giờ bà hối thằng Khang lấy vợ như hối chạy giặc.
Ông Thìn thì lúc nào cũng thủng thẳng:
– Thây kệ nó, hối chi.
Cái ông thiệt lạ. Đời mình chưa đủ khổ hay sao mà còn muốn khổ tới
đời con. Bằng tuổi nó có đứa đã hai tay hai đứa, từ từ thế nào được.
Nghe hối quá, thằng Khang mắc bực, dẫn người yêu về ra mắt ngay mấy
hôm sau. Con nhỏ đẹp người, ăn nói nhỏ nhẹ, trông bộ cũng hiền lành. Bà ưng bụng
quá mà liếc qua thấy ổng như chẳng dòm con nhỏ cái nào suốt buổi thì phải. Cái
bộ sao mà mắc ghét vậy không biết.
Trong bữa cơm chiều, bà giục cưới. Thằng Khang tóm tắt tên tuổi,
gia đình con bé. Cũng nhà gia giáo đường hoàng. Vậy là ổn quá rồi. Ông Thìn ngồi
nghe, mặt tuyệt nhiên không biểu hiện gì, sau rốt, kết luận câu nghe hỡi ôi gì
đâu:
– Kiếm đứa khác đi, tuổi sửu không vô nhà nầy được.
– Mắc gì hông được? Ông khó cũng vừa vừa thui!
Mắt ông sắc lẹm cứa qua má bà nóng rẫy:
– Đàn bà biết gì mà nói. Nhà có bốn con người thì ba khắc tuổi
còn làm ăn gì nữa?
Bà Nhị im bặt. Thằng Khang giãy nảy:
– Nhưng con yêu cô ấy!
– Mồ tổ cha mầy, hết đờn bà hay sao mà mầy quen tuổi sửu? Tuất với
sửu tương khắc, lấy sao đặng? Dẹp gấp!
Thế là từ hôm đó thằng Khang buông xuôi tất cả, cơm cũng không
ăn. Một tháng thôi mà thành ra con người khác, đến ông nhìn còn xót chớ nói gì
má nó. Bà Nhị thì khỏi phải nói, khóc rên mỗi đêm rằng sợ thằng Khang nghĩ quẩn
làm bậy. Ai không xót ha, nhưng xưa giờ lời ông nói một là một, hai là hai, cấm
cãi! Thì thằng Khang thừa biết nên không cãi mà chống đối kiểu khác. Đau đầu là
ở chỗ đó, chả lẽ bây giờ ông lại phải thay đổi hai thành một sao? Mất hết uy
xưa giờ tạo dựng, sau này ông còn tiếng nói gì trong cái nhà này nữa? Không là
không. Nó bỏ ăn mãi rồi cũng tới lúc phải ăn, không chết được đâu mà sợ, đừng
có mà giở trò hù dọa!
Biết không thể lay chuyển được chồng, bà Nhị chẳng còn năn nỉ tỉ
tê, có điều ra yêu sách giường ai nấy ngủ, không thể ngủ chung với một người
lòng dạ sắt đá không biết tình người là gì.
– Cứ ở đó với sĩ diện hão của ông đi. – Bà đùng đùng quẳng gối ôm
xuống giường và bỏ ra ngoài phòng khách.
Tui làm vậy vì ai? Vì tốt cho cái gia đình này. Khắc tuổi lấy về
làm ăn không hạp, rồi lại li dị. Có đứa nằng nặc sống chết đòi lấy cho bằng được,
lấy về có một tháng đã li dị nhau. Ai? Thằng Thắng xóm dưới chứ ai. Khi đó thì
khổ ai? Khổ con mình, khổ cháu mình, lúc đó bà vui nổi hông?
Ông Thìn mắc nghẹn cục tức, day mặt dòm vách tường. Ông chấp nhận
mang tiếng ác cho cái gia đình này yên ổn. Ai hiểu thì hiểu, ai không hiểu thì
thôi, có điều đau nhất là người đầu ấp tay gối mấy chục năm cũng không hiểu
mình…
* * *
Nó thông báo con nhỏ có thai, cái thằng trông lù lù mà vác lu chạy
thiệt. Đến nước này thì ông chịu thua, “con dại cái mang”, khổ ơi là khổ. Nhưng
trước khi cưới, ông gọi thằng Khang ra răn:
– Quyết định cãi lời thì sau này no sướng, đói khổ tự chịu đừng
than trách nha tụi!
– Dạ.
Nó đáp gọn lỏn làm cho cục tức trong ông trương phình thêm. Con với
cái, nuôi bao nhiêu năm, lo cho ăn học đàng hoàng, những tưởng biết điều biết
chuyện dè đâu thành ra như vầy.
– Thôi, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Ông cứ cau có
vậy hoài coi sao được?
– Ừ, cau gì nữa mà cau!
Thế là chúng nó thành vợ chồng. Thế là nhà tam khắc. Thêm người
thêm đôi đũa, tốn kém chi đâu, nhưng sao ông thấy khó chịu. Như buổi sáng nay,
con dâu vừa dắt xe ra cửa, đề hoài không nổ, ông uống trà ngay ghế đá thấy chứ
sao không, mà giả lơ. Nó phận con, muốn gì cũng phải thưa thốt, đâu thể xuề xòa
cá mè một lứa được.
Con nhỏ loay hoay hoài với chiếc xe không biết làm sao, cái bụng
bầu tám tháng cháng áng càng khó khăn thêm. Thế mà nó cứ lụi cụi đề rồi đạp chẳng
thèm lên tiếng nhờ. Thây kệ, muốn làm gì thì làm. Ông thì kệ được chứ vợ ông
thì không. Bà Nhị lật đật chạy ra phụ con dâu. Hồi lâu chiếc xe vẫn ì ra chẳng
chịu nổ, bực quá bà quay sang trút giận:
– Sang xem xe nó ra sao. Đờn ông đờn ang mà thấy cứ trơ mắt ra
nhìn!
Ông cáu lại:
– Vậy má con bà không có miệng sao? Muốn giúp phải nhờ chứ.
Nói thì nói cho bõ tức chứ ông cũng sang giúp. Có gì đâu, xe bỏ cả
ngày chủ nhật không đi bị ngộp xăng, đạp mạnh cái là nổ.
Con bé vừa khuất dạng là bà Nhị sừng sộ ngay:
– Khó tánh khó nết vừa thôi. Có gì cháu ông thiệt chớ ai thiệt.
Hèn chi con nhỏ sợ ông hơn sợ cọp. Người ta nói “mẹ chồng nàng dâu” là quá sai
luôn, phải nói là “cha chồng nàng dâu” mới đúng!
Nói gì thây kệ bả, chấp chi cho mệt. Tui là vậy, ai ở được thì ở,
không ở được thì thôi. Mà thật lòng ông thấy mặt nó như có gai trong mắt. Nó
làm thứ gì cũng không vừa ý. Nó lau cái nhà ông thấy cũng khó chịu. Lau nhà thì
người ta phải đi giật lùi, đằng này cứ đứng trên đẩy xuống. Lau xong toàn dấu
dép, sạch nổi gì. Thế là ông lau lại, cố tình để cho nó thấy lần sau bắt chước
mà làm theo. Vậy mà bả rang rảng liền:
– Ông làm vậy khác nào nhổ nước miếng vào mặt con. Nó bầu bì đẩy
trên xuống cho nhẹ chứ. Có chuyện gì cháu ông khổ chớ ai khổ!
Nghe cái điệp khúc “cháu ông khổ chứ ai khổ” là muốn ứa gan. Từ hồi
con nhỏ về, nhà này chia hai phe rạch ròi: Ba mẹ con lúc nào cũng cười cười nói
nói, còn mình ông thui thủi giống tự kỷ gì đâu.
Ghét quá ông tham gia hội người cao tuổi, ra ngoài bớt cho nó
khuây khỏa đầu óc. Cũng học được nhiều thứ chứ chẳng chơi. Thấy người ta trồng
kiểng, ông cũng lọ mọ tập đúc chậu, rồi mua cây giống về trồng. Nào sứ, nào
lan, nào hồng, phát tài, nguyệt quế,… Nhờ học hỏi mà ông biết kỹ thuật chăm sóc
sao cho mai ra hoa đúng tết. Tết này phải làm vườn cây trổ bông hàng loạt mới
được, cho nó rực rỡ xua bớt không khí nặng nề trong nhà. Mà Tết này có thêm
thành viên mới, ông lại lên chức, cũng phải làm nhà cửa khác xíu.
Có điều bụng ông đôi khi cũng bất an bội, bởi thằng cháu đích tôn
sanh trúng năm sửu. Con trai ẩn tuổi mẹ làm ăn sao khá? Biết nỗi lòng ông, lão
Tứ mách nước:
– Tui biết cha thầy này hay dữ lắm. Ông qua đó nhờ chỉ cách giải
hạn cho gia đình thuận hòa bớt, chớ sống mà tương khắc vậy tổn thọ dữ lắm.
Thiệt chớ, sống mà suốt ngày đầu óc cứ nặng nề thì thọ gì nổi. Vậy
là không chần chừ thêm, ông ghé sang, dốc bầu tâm sự nhờ thầy gỡ dùm. Thầy nghe
gật gù cái đầu, chẳng dài dòng lê thê, đem ra bốn lá bùa, mỗi lá một màu khác
nhau, bày ông cách khấn ểm. Thầy còn căn dặn thêm cháu sinh ra sẽ khắc ông nội,
phải cho vợ chồng nó ra riêng gấp, trễ ngày nào thọ giảm chừng ấy. Nghe mà rầu
gì đâu. Nhà mỗi mụn con trai, lại là con cầu con khẩn, bả thương nó hơn bản
thân nữa, giờ mà biểu nó ra riêng chắc bả tự vẫn có chứ chẳng chơi, mà ở chung
thì khó bề yên ổn.
Trăm mối tơ vò cứ ngổn ngang thêm trong lòng ông Thìn đến độ phát
ho cả tháng, bỏ ăn, bỏ trà. Bà Nhị lo sốt vó lấy đủ loại thuốc cũng chẳng thấy
chồng khỏi. Bà lại sắm lễ lên chùa khấn vái như dạo đi cầu con. Thấy ba má chồng
âu sầu, con Hương cũng rầu theo. Con nhỏ thiệt tội, lần nào bà Nhị đi chùa cũng
lết bụng đi theo, cầu khấn cho ba chồng nhanh khỏi bệnh. Không biết nó học ai
chưng đủ thứ thuốc, sợ ông không uống bà phải dối rằng bà chưng.
Cũng chẳng hiểu nhờ mấy thứ thuốc chưng hay nhờ hai má con năng
đi chùa khấn vái mà hơn tháng tự dưng bệnh tình ông Thìn thuyên giảm rồi khỏi hẳn.
Lúc đó cũng sát ngày con Hương lâm bồn. Má con nhà đó rục rịch sửa soạn quần
áo, đồ dùng con nít coi bộ rộn dữ lắm. Ngay cả thằng Thắng mà còn háo hức đến độ
rinh cái cũi gỗ về, rồi lùng mua đồ chơi treo đầy lên đó. Có ông Thìn im lặng.
Ông dành thời gian cho vườn cây, lặt từng lá vàng, bắt từng con sâu, ra bộ bận
bịu dữ lắm. Chứ tay chân không làm thì cái đầu nó lại suy nghĩ, mà toàn lo với
lắng.
Rồi con Hương trở dạ, đột ngột vào một đêm tháng mười hai lạnh buốt.
Ba mẹ con hối hả đi bỏ lại mình ông. Ông phải dậy đun nước pha trà, cứ nằm mãi
thế thì chết mất. Nhấp một ngụm trà, đầu óc tỉnh táo hẳn ra. Ông nhớ đợt bà Nhị
sanh, vắt chân lên đầu cõng bà từ nhà ra trạm xá, rồi lại lật đật chạy về nhà lấy
đồ đạc mang lên. Lúc tới nơi thì vợ đã sanh xong rồi. Bước vào cửa, thấy đứa
con bé xíu quấn khăn nằm ngủ bên mẹ, trái tim ông tan chảy, mừng vui và thương
yêu trộn lẫn… Nghĩ tới đó ông nôn nao muốn gặp cháu nội. Ờ, xíu trời sáng tưới
cây xong phải vô coi thằng nhỏ ra sao chớ, cháu nội mà!
* * *
Ẵm thằng cháu nội trên tay, nhìn khuôn mặt thiên thần đang ngủ,
ông Thìn lẩm bẩm:
– Tổ nội cha thầy, cháu ông như vầy mà biểu hãm tài. Trán, mũi,
miệng tạc khuôn ông nội, lớn lên thế nào cũng thành người tài giỏi. Trâu vàng
trâu bạc nhà ông chứ phải chuyện giỡn!
Trước mắt ông hiện ra cảnh Tết năm sau, ông đứng cạnh cội mai già
vàng rực bông, bỗng nghe tiếng kêu thất thanh của con dâu:
– Cẩn thận té đó con!
Ngoái đầu thấy thằng cháu lững chững đi về phía ông, tay đưa ra
trước đòi ẵm, ngọng nghịu gọi:
– Ội….ội!
Ông vội ngồi xuống dang tay đón thằng cháu, cười tươi rói bảo nó:
– Nội đây! Nội đây!
Bế bổng nó lên, rúc môi vào cổ, vào má hôn chùn chụt. Thằng cháu
thích chí cười vang cả góc sân, giòn như tiếng pháo tống mùa Tết xa xưa khi ông
còn bé xíu…
Ngân Kim