24 October 2023

BA VIÊN XÁ LỢI - Phạm Lưu Vũ

Ông Lương Xá lợi, người cựu chiến binh làng tôi mất ở tuổi 91. Ông họ Nguyễn, cái tên Lương Xá lợi đeo vào ông từ hồi ông còn bé, là tôi nghe các cụ kể lại như thế. Hồi ấy, cậu bé Lương cùng bọn trẻ trong làng thường dắt trâu ra chăn ở khu Mả Đường Cái. Một buổi sáng vừa dắt trâu ra tới nơi, thấy một ông sư đang lúi húi tìm cái gì đó giữa những ngôi mả. Bọn trẻ hỏi “ông tìm cái gì?”, ông sư bảo: “tìm Xá lợi”. Có đứa nói: “Đây làm gì có Xá lợi?”, ông sư bảo: “Đêm qua ta nằm ngủ ở đây, trong túi có viên Xá lợi, sáng dậy thấy rơi mất, cho nên mới tìm”. Bọn trẻ chia nhau tản ra, bới đất, vạch cỏ tìm hộ ông sư. Mãi chả đứa nào tìm được, đến lúc ngẩng lên thì ông sư đã bỏ đi đâu mất.
Những buổi sau đó, bọn trẻ chỉ say sưa đào lỗ bắt dế, nhổ cỏ chọi gà… thì cậu bé Lương vẫn mải mê tìm Xá lợi. Mon men đến chỗ có bụi dứa dại, cu Lương phát hiện một con thằn lằn nâu rất to đang bò dọc theo thân cây dứa. Nom thấy cu Lương, con thằn lằn dừng lại, ngoái đầu nhìn cu Lương, giương hai con mắt xanh biếc, ở giữa nổi lên một cục màu đỏ sậm, nom như cái mào. Con thằn lằn khoác bộ da nâu khiến cu Lương càng ngắm càng thấy kì lạ. Cả hai như thôi miên lẫn nhau. Bỗng con thằn lằn cất chiếc đầu to bằng ngón chân cái lên rồi há miệng ra. Cu Lương nom thấy trong miệng nó, không phải chiếc lưỡi, mà là một giọt sương long lanh… Con thằn lằn chậm rãi bò nhích dần về phía cu Lương. Như một phản xạ vô thức, cu Lương xòe bàn tay, chìa ra phía trước, hứng dưới miệng nó. Con thằn lằn nhả giọt sương ấy vào giữa lòng bàn tay. Cu Lương nắm tay lại, không phải giọt sương, mà là… một viên Xá lợi.
Ấy là sau đó bọn trẻ nghe cu Lương thuật lại, chứ chả đứa nào được chứng kiến. Nghe cu Lương kể, có đứa tin, có đứa chả tin, cho là cu Lương bịa. Bọn chăn trâu vì thế bỗng chia ra hai phe, một nửa tin, một nửa không tin. Câu chuyện nhanh chóng loang đi khắp làng, và cả làng cũng nửa tin nửa ngờ. Nhưng từ đó, mọi người đều gọi cu Lương là Lương Xá lợi. Vật mà cu Lương quả quyết là Xá lợi ấy chỉ là một viên sỏi bé tí, vừa bằng giọt sương, có màu trắng đục. Cu Lương bỏ giọt sương ấy vào một cái lọ vẫn dùng đựng dế để đem về nhà giấu kĩ trong buồng.

Lớn lên, ông Lương Xá lợi đi bộ đội. Tôi ngày ấy còn bé, nhưng đã kịp chứng kiến những cuộc chia tay liên miên bất tận như thế ở làng. Làng tôi mấy thế hệ thanh niên như ông đều đi bộ đội, có mặt ở hầu hết các chiến trường… Đến khi kết thúc chiến tranh thì một nửa trở về, một nửa vĩnh viễn không bao giờ trở về. Ông Lương Xá lợi đi một mạch, suốt cả chục năm không hề có tin tức gì, cả giấy báo tử cũng không. Hết chiến tranh ông vẫn bặt vô âm tín. Nhà có năm anh em thì ông là con út, cụ thân sinh một hôm bỗng nói với ông anh cả: “Thằng út sẽ trở về”. Ông cả hỏi: “Sao ông biết?”, cụ trả lời: “Bố vừa gặp những đứa ở làng này không bao giờ trở về, không thấy có nó, cho nên bố biết.” Nói xong cụ lên giường nằm rồi tắt thở, y như người đi ngủ.

Nhưng trong nhà ai cũng đinh ninh rằng ông Lương đã chết, chỉ còn chờ báo tử hoặc mất tích nữa là xong. Một hôm, thằng cháu tên Huệ vào dọn dẹp căn buồng, phát hiện cái lọ ở dưới chân cột, do mọt làm thành một cái hốc từ bao giờ. Mang cái lọ ra ngoài ánh sáng, thấy bên trong không phải một viên Xá lợi, mà là ba viên, y hệt nhau, viên nào cũng màu trắng đục. Trong làng có bác thương binh, cũng đi bộ đội cùng đợt với ông Lương Xá lợi, nằm trong số lũ trẻ trâu ngày trước. Bác vẫn nhận ra cái lọ và viên Xá lợi. Nhưng… sao lại ba viên? Ngày ấy, bác thuộc về phía những đứa trẻ tin vào câu chuyện, nên bây giờ vẫn nhớ như in…
Thằng Huệ gọi ông Lương Xá lợi bằng chú ruột. Hồi ông còn ở nhà thì nó mới năm sáu tuổi. Ông Lương quý nó nhất vì thằng bé nom thông minh lanh lẹ, nghĩ sau này nó tất có tương lai. Giờ thằng Huệ đã trở thành một thanh niên sắp lấy vợ, mà chú Lương của nó vẫn chưa trở về. Nó nhớ chú, nhớ lời dặn của chú trước lúc ra đi, rằng chú đi đánh giặc, để các cháu được học hành, thoát khỏi kiếp dân cày… Nay nó đã học xong cấp III, nỗi mong chú không lúc nào vơi nên ngày nào nó cũng vào nhà của chú để quét tước, lau chùi bụi bặm… khiến căn nhà cô quạnh vẫn ấm cúng hơi người. Dân làng chuyền tay nhau xem chiếc lọ đựng ba viên Xá lợi chán chê rồi, anh cu Huệ lại đem cất vào trong hốc cột như cũ.

Bất ngờ ba ngày sau, ông Lương Xá lợi đột ngột trở về. Ông mặc trên mình bộ quần áo vải Tô Châu đã sờn, vai khoác chiếc ba lô bị thủng mấy lỗ. Người đầu tiên nhận ra ông trên đường vào làng gào đến khản cả tiếng. Người trong làng đổ ra, người ngoài đồng chạy về… Già trẻ lớn bé ào tới đón ông, như đón một vị anh hùng. Mọi người tranh nhau hỏi han, sờ nắn… khiến ông cứ ngây người, chả ra cười, cũng chả ra khóc, không thốt nổi một tiếng nào. Ông gày gò, đen đúa và hốc hác, nhưng lành lặn từ đầu đến chân... Cả làng rùng rùng theo ông về căn nhà tre, nằm tận nơi cùng làng cuối xóm. Ông bước ngay vào trong buồng, đứng lặng trước cái hốc dưới chân cột, bên trong có chiếc lọ đựng ba viên Xá lợi… nhìn đăm đăm một hồi rồi trở ra.

Tiệc mừng kéo dài mấy ngày, nhưng chỉ duy nhất một món nước chè tươi. Anh cu Huệ, người vui mừng nhất trong nhà đun hết nồi này đến nồi khác, dùng gáo dừa múc ra những chiếc bát sứ long lanh. Cả làng hồn nhiên kéo đến, túm tụm chuyện trò, như thể sự trở về của ông chỉ là cái cớ, hồn nhiên đến nỗi không ai nghĩ đến chuyện mổ lợn, mổ gà để ăn mừng, chỉ nước chè xanh là quá đủ. Và cũng chẳng ai ngờ làng sắp sửa bước vào cuộc đói khát trường chinh. Những ngày đầu nhanh chóng qua đi. Ông Lương ở một mình trong căn nhà heo hút, sống bằng tiền xuất ngũ, tiền trợ cấp. Ông cặm cụi chặt tre trong vườn, đan rổ rá, thúng mủng… gửi người đem ra chợ bán để kiếm thêm tiền. Làng tôi xưa nay nhiều nhà sống bằng nghề đan lát, trong đó có nhà ông Lương. Đó thực sự là một nghề gia truyền, bởi những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình như thế, thì 6 tuổi đã biết đan nống mốt, 8 tuổi biết đan nống đôi, 10 tuổi biết đến cái nống biến hóa kì lạ là cất tứ, cất nhì thù thì đè ba… thì có thể đan được cả thuyền… Nhưng nghề ấy đang mai một dần, vì người ta đã quen với việc dùng những chiếc rổ rá… bằng nhựa. Vì thế việc đan lát của ông Lương chả khác gì những cố gắng thoi thóp cuối cùng, hay là những phút hấp hối của một nghề kiếm sống gia truyền.


Nghĩa là chiến tranh đã kéo lùi ông Lương lại, so với những thay đổi của dân làng. Té ra người ra đi chính là người ở lại, người ở lại mới là người ra đi… Dân làng bắt đầu nhìn ông như một kẻ cũ xì, lập dị. Lẽ ra việc đầu tiên của một anh lính lúc trở về còn lành lặn, dẫu đã ngoại tứ tuần, thì cũng phải lấy vợ chứ? Đằng này ông bỏ ngoài tai mọi thúc giục của họ hàng, cứ lủi thủi sống một mình, chả trò chuyện với ai. Nếu có gợi ông kể lại những kỉ niệm của một thời bom đạn, thì ông cũng im lặng. Hay là ông chả có kỉ niệm gì dù đã hàng chục năm lăn lộn ở chiến trường? Tôi chơi với anh cu Huệ từ nhỏ, nên bấy giờ vẫn thường vào thăm ông, như thăm một cái bóng câm lặng. Tôi nảy trí tò mò, và càng tò mò hơn nữa khi để ý thấy ngày nào ông cũng thắp đúng 5 nén hương, rồi đứng trước bàn thờ lẩm nhẩm khấn những câu mà tôi không tài nào nghe được. Trên bàn thờ còn đặt một chiếc đĩa nhỏ, trên đĩa có một vật gì đen xỉn. Tôi xem trộm thì thấy đó chỉ là một miếng đồng sứt mẻ, có bốn cánh chìa về một phía, như một nửa của ngôi sao. Chuyện này tất có liên quan đến những kỉ niệm đời lính chiến của ông. Nhưng làm cách nào để ông mở miệng đây? Chắc sẽ có những điều thú vị, thậm chí rùng rợn, ly kì… Cứ suy nghĩ mãi như vậy, một hôm tôi buột mồm bịa ra một giấc mơ có hai con khỉ, rồi đem kể cho ông nghe. Không ngờ sự bịa tạc của tôi lại có hiệu quả. Ông giật nảy mình, trợn mắt nhìn tôi một lúc lâu, rồi bắt đầu kể cho tôi nghe một kỉ niệm, trong đó quả cũng có hai con khỉ. Câu chuyện ấy như sau:

Tổ ba người gồm ông, một bác họ Chử, tên Thiên Kim, người Kinh Bắc, một bác họ Hồ, tên Quang Cương, người miền Trung. Bấy giờ đơn vị ông nổ mìn phá đá để làm đường hầm xuyên qua núi. Bác Chử Thiên Kim nom trắng trẻo, thư sinh, hát quan họ nghe như đài. Bác Hồ Quang Cương to khỏe như trâu mộng, nói như liếu điếu, cười như chích chòe. Tổ ba người gắn bó như ruột thịt, ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu… Một hôm vào rừng chặt nứa, lúc quay về, bác Hồ Quang Cương phát hiện có hai con khỉ đang ngồi vắt vẻo trên một chạc cây cao, bác nấp ở cây bên này, giương súng lên ngắm. Một con khỉ vừa đưa quả vả lên miệng cắn, thì “đòm” một phát. Viên đạn khoan một lỗ giữa sọ con khỉ. Nó chết mà chưa kịp hiểu tại sao nên vẫn ngồi yên, hai tay nắm chặt quả vả, để máu tràn xuống mặt, nhuộm đỏ bộ lông. Con khỉ kia nhào sang ôm rồi nhảy vút lên, qua mấy chạc cây, rồi đuối dần, đuối dần… Cả hai cùng rơi xuống, vẫn ôm chặt nhau. Lúc ấy bác Chử Thiên Kim đứng ngay bên dưới, trong tay cầm một đoạn nứa vạt nhọn, theo phản xạ giương lên. Hai con khỉ rơi trúng cây nứa, xuyên như xuyên táo…

Tôi nghe mà rùng mình. Ông Lương cũng lặng đi hồi lâu, rồi mới kể tiếp. Bấy giờ bộ đội thỉnh thoảng vẫn tranh thủ săn thú rừng để cải thiện bữa ăn, nên chuyện đó tưởng cũng bình thường. Vào một buổi sáng, sau khi khoan lỗ đặt mìn trên núi xong, tất cả trở về doanh trại để nghỉ trưa, chờ mìn nổ rồi buổi chiều tới xúc đất đá… Bữa ăn trưa của bộ đội công binh luôn có những tiếng nổ mìn, vừa ăn vừa đếm xem mìn đã nổ hết chưa? Doanh trại bao giờ cũng dựng ở một vị trí đủ xa để đảm bảo an toàn. Thế nhưng vẫn có một viên đá lạc, chỉ to bằng vốc tay, đã bay về tận lán trại, xuyên qua mái lá, phang gãy chiếc đòn tay bằng nứa và rơi xuống mâm cơm. Bác Hồ Quang Cương vừa đưa bát cơm lên miệng thì hòn đá lao xuống, trúng giữa đỉnh đầu…

Thi hài bác Cương được đặt lên cáng, đưa sang phía bên kia núi để làm lễ an táng. Lúc qua con suối, ông và bác Chử Thiên Kim cẩn thận đặt bác ấy lên một con thuyền nhỏ, bình thường vẫn chở 6 người, hôm ấy chỉ có ba mà thuyền chìm như chở nặng ngàn cân, nước mấp mé cạp thuyền. Bơi đến giữa dòng bỗng nhiên có dòng nước chảy mạnh, con thuyền lảo đảo, quay mấy vòng rồi chìm nghỉm. Ông Lương một mình đánh vật với dòng suối, loay hoay mãi mới đưa được thi hài bác Cương sang bờ bên kia, ngoảnh lại thì không thấy bác Chử Thiên Kim đâu nữa. Dòng nước đã cuốn phăng bác ấy đi. Cả đơn vị tìm dọc theo con suối, xuống tận dưới thung lũng mới thấy, một chiếc rễ cây cứng và nhọn hoắt, như chờ sẵn ở chỗ đó để giữ bác ấy lại. Chiếc rễ đâm xuyên từ bụng ra đằng lưng, máu loang đỏ cả một đoạn suối.

Ông Lương kể đến đây thì im bặt. Gương mặt lại bất động như bấy lâu nay. Tôi chợt ngẩng nhìn lên bàn thờ. Thì ra trong số 5 nén hương mà hàng ngày ông vẫn thắp ấy, tôi đã hiểu được 4. Hai nén cho hai con khỉ, hai nén cho hai người đồng đội. Thế còn nén hương thứ 5?

Sau lần ấy, tôi vẫn thường xuyên vào thăm ông, những vẫn là thăm một cái bóng câm lặng. Nén hương thứ 5 và mảnh đồng gỉ trên bàn thờ kia vẫn là một bí ẩn. Thế rồi số phận khiến tôi cũng phải rời làng ra đi kiếm ăn nơi xứ người. Sự ra đi của những thế hệ như ông Lương là do có lý tưởng gì đấy, còn sự ra đi của chúng tôi, những thế hệ hậu chiến, thì chỉ để kiếm ăn. Tôi cũng đi một mạch, vào tận miền Tây Nam Bộ, lăn lộn đủ mọi việc, sang có, hèn có, điếu đóm có... Thỉnh thoảng tôi cũng viết thư về cho anh cu Huệ để hỏi thăm về ông Lương Xá lợi, vẫn hy vọng có dịp trở về, ông sẽ kể nốt cho tôi nghe về điều bí ẩn cuối cùng ấy. Thì đến năm nọ, một lá thư của anh cu Huệ đã dập tắt niềm hy vọng của tôi. Ông Lương Xá lợi đã bị lẫn.

Thì cũng chẳng có gì lạ, bởi lẫn là nghiệp chướng của tuổi già. Nhưng ông Lương là một cái bóng hiền lành và câm lặng, thì sao biết bị lẫn nhỉ? Anh cu Huệ kể trong thư, rằng ông Lương giờ không đan lát gì nữa, song ông lại quay sang làm… khung nón, những chiếc khung nón, đúng kiểu nón thúng tròn vành vạnh và xinh xắn, bóng bẩy, như sản phẩm của một tay thợ lành nghề. Ông hì hụi làm khung nón, nhưng chả để làm gì, bởi không ai có khâu nón, mà khâu cũng chả ai dùng. Cứ như thể ông đã biến thành người khác, không còn là ông Lương Xá lợi ngày xưa nữa, thế chẳng phải lẫn hay sao? Tôi đọc thư, rùng mình nghĩ tới bác Chử. Có phải ông Lương đang tiếp tục cái kiếp sống dang dở, bị đứt đoạn giữa chừng của người đồng đội Chử Thiên Kim ấy hay chăng?


Gần chỗ tôi đang sống có một ngôi chùa, xây theo lối kiến trúc của người Thủy Chân Lạp ngày trước, các góc mái cong vút, vểnh lên trời như những chiếc vòi voi. Tôi đem căn bệnh lẫn kì lạ của ông Lương ra hỏi sư trụ trì, sư bảo đó là “vong” của bác Chử Thiên Kim nhập vào. Tôi rợn người nửa tin nửa ngờ. Lại nhớ một ông thầy ở ngoài Bắc từng giảng cho tôi nghe về “hồi quang phải chiếu”, liệu có phải kiếp xa xưa của ông Lương đang trở lại, còn ông Lương Xá lợi ở kiếp này thì thực ra đã chết rồi hay không? Một thời gian sau, chưa kịp tính chuyện về thăm quê thì tôi lại nhận được thư của anh cu Huệ. Vẫn tiếp tục kể về cái sự lẫn của ông Lương. Nhưng ông không làm khung nón nữa, mà suốt ngày lại hì hục… đóng cối xay, như một bác phó cối chính hiệu. Ông vót nan, cuộn vanh, chẻ dăm bằng gỗ nhãn, giã đất, sàng lấy đất mịn, trộn ít phân trâu, rắc muối… rồi tạo hình thớt trên, thớt dưới… cứ y như thật. Chiếc cối ông làm ra, cả làng đổ đến xem, người già thì tấm tắc, khen cối đẹp quá, bọn trẻ thì trợn mắt, không hiểu đó là vật gì, bởi bây giờ tuyệt không ai còn dùng đến cối xay lúa nữa.

Tôi chả tin chuyện “vong” nhập của ông sư, cũng chả phục chuyện “hồi quang phản chiếu” của ông thầy ngoài Bắc. Mỗi người ai cũng đều có cái lý hay thậm chí là đức tin của mình, nhưng tôi cũng có đức tin của tôi. Chuyện đã diễn ra đến như thế này, thì tôi chỉ có thể hiểu theo một cách duy nhất. Giản dị thôi, đó là ông Lương đã “lẫn” thành bác Chử Thiên Kim, đến lượt bác Chử lại “lẫn” thành bác Hồ Quang Cương. Một người đang tỉnh đã có thể bị lẫn, thì người lẫn rồi vẫn có thể… lẫn tiếp. Té ra có nhiều kiếp luân hồi, cùng chứa trong một kiếp người. Thì ta biết phân biệt lúc nào là tỉnh, lúc nào là lẫn đây? Chuyện ấy làm tôi đâm ra nghi ngờ, nghi ngờ ngay chính bản thân mình. Và ông Lương Xá lợi sẽ còn tiếp tục “lẫn” thành ai nữa đây?

Rồi bặt tin ông một thời gian dài. Tôi đã dần dần lắng đi những chuyện ấy thì lại nhận thư anh cu Huệ. Run run mở lá thư ra, điều lo nghĩ của tôi đã thành sự thật. Ông Lương lại tiếp tục bị… lẫn. Nhưng lần này ông lẫn tiếp thành ai? Không biết. Anh cu Huệ cũng chịu, không biết ông đang trở thành cái gì. Ông không đóng cối xay nữa, chỉ nằm một chỗ, mở trừng đôi mắt nhìn lên trần nhà, cả ngày không thốt ra một tiếng nào. Anh cu Huệ còn kể rằng ba viên Xá lợi đựng trong chiếc lọ để ở dưới chân cột cũng biến mất. Đúng cái hôm ông Lương dừng việc đóng cối, nằm lăn trên bậc hè, ngay bên cạnh thớt cối đang đóng dở. May lúc đó anh cu Huệ vừa mở cổng bước vào. Anh bế ông vào trong buồng, đặt nằm lên giường, lấy dầu gió thoa khắp người. Có vẻ như ông chẳng hề hấn gì, gương mặt vẫn hồng hào, hơi thở đều đều… Đúng lúc đó, nghe có tiếng lạch xạch phía sau lưng, anh cu Huệ quay ngoắt lại, phát hiện một con thằn lằn nâu rất to, có cái mào đỏ ở trên đầu vừa từ trong hốc cột chui ra, nó thoăn thoắt leo thẳng lên nóc nhà, bò theo đòn tay rồi chui qua cái lỗ ở đầu hồi. Anh cu Huệ đến móc chiếc lọ vẫn để trong hốc cột ra. Ba viên Xá lợi đã biến mất.

Câu chuyện làm tôi rùng mình, như vừa nhận được một điềm báo, rằng có lẽ ông Lương Xá lợi sắp sửa kết thúc hành trình luân hồi đa nhân cách kì lạ của mình. Tôi nghĩ bụng như thế và chuẩn bị một cuộc trở về để thăm ông lần cuối.

Nhưng có một chuyện bất ngờ làm tôi chưa về ngoài Bắc ngay. Chỗ tôi làm mướn thuộc tỉnh Trà Vinh, có Năm Vẹn, quê ở Càng Long, một huyện thuộc vùng sâu, vùng xa, tít phía cuối Miền Tây. Anh cũng chạc tuổi tôi, người to lớn, bỗ bã nhưng tính tình bộc trực và khảng khái. Tuy không làm cùng tổ, nhưng tôi khá thân với anh, đã mấy lần Năm Vẹn rủ tôi về quê anh chơi, nhưng chưa có dịp. Hôm ấy, Năm Vẹn bất ngờ bảo tôi:

“Má tau vừa nhắn lên, tuần này về cất mộ cho ông già tau. Mầy về chơi không?”

Trong tôi bấy giờ đang tính chuyện thu xếp về ngoài Bắc, nên chắc chắn sẽ từ chối. Còn đang nghĩ cách trả lời thì Năm Vẹn lại nói tiếp:

“Có người mới đem đến cho má tau ba viên Xá lợi. Má tau vốn là một phật tử thuần thành nên mừng lắm, vì thế mới quyết định cất lại ngôi mộ cho ba tau…”

Tôi nghe mà giật nảy mình, suýt rụng cả hai tai. Vừa nhận được tin ba viên Xá lợi ở ngoài kia biến mất, thì trong này, má Năm Vẹn lại được người ta tặng, cũng ba viên Xá lợi. Trùng hợp chăng? Không thể nào. Thế là tôi quyết định nhận lời về thăm quê Năm Vẹn.

Đường về Càng Long xanh hút mắt, kênh rạch dọc ngang, phải trải đủ các loại phương tiện cơ giới, thủy, bộ… chiều tối mới tới nơi. Năm Vẹn về quê hô bà con, bạn bè lối xóm… trong nháy mắt tụ tập. Một bữa nhậu cá lóc nướng trui tưng bừng, nhậu hết mình, nhậu không say không về, dân Miền Tây là thế. Nhưng trước đó, tôi đã kịp chiêm ngưỡng ba viên Xá lợi đặt trên bàn thờ, trong một chiếc hộp bằng thủy tinh, nom như ba giọt sương trắng lóng lánh. Má Năm Vẹn đã già, cũng chạc tuổi ông Lương, nhưng còn rất minh mẫn. Mái tóc bạc trắng, cổ quấn chiếc khăn rằn, nước da hồng hào, một gương mặt phúc hậu. Má kể:

“Đó là một ông tăng lạ mặt, mặc bộ đồ nâu, giữa trán lồi lên một cục thịt đỏ au. Ổng trao cho má ba viên Xá lợi, bảo ba chúng nó hiện đã thành thần… Má hỏi làm thế nào biết ba chúng nó đã thành thần? Ổng bảo cứ cất xong mộ thì biết. Rồi ổng bỏ đi ngay, má không kịp giữ lại.”

Ba Năm Vẹn thứ hai, tên là Trọn. Sáng hôm sau, lễ cất mộ được tiến hành, tôi được chứng kiến từ những thủ tục đầu tiên, cho đến những công đoạn cuối cùng. Lúc lắp xong ngôi mộ bằng đá, thì bất ngờ từ đâu đó, tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt, thơm đến lạnh người, thơm rợn tóc gáy, khiến những người đang nói chuyện bỗng im bặt, mọi cử động đều dừng lại, dễ đến vài chục giây. Sau đó mọi người mới sực tỉnh, nhìn vào tấm bia có chân dung của bác Hai Trọn. Đó là chân dung một người lính, mặc chiếc áo rằn ri có cầu vai sĩ quan, nét mặt cương nghị, hàng ria con kiến, quai hàm vuông như hai chiếc ê ke quay vào nhau, ánh mắt sâu thẳm như đang mỉm một nụ cười an lạc, vĩnh hằng. Không ai bảo ai, tất cả cùng quỳ sụp xuống, lạy lấy lạy để…

Buổi trưa hôm đó, bữa tiệc mừng cất mộ mới chính thức diễn ra ở nhà Năm Vẹn. Mọi người đang ầm ĩ chúc tụng ở ngoài vườn, bên dưới những tán dừa thì đứa cháu Năm Vẹn từ trong nhà chạy ra, túm áo Năm Vẹn nói thầm gì đó, hai mắt nó liếc sang nhìn tôi. Năm Vẹn nghe nó nói, hơi sững người, nét mặt lộ vẻ kinh ngạc. Anh bèn đứng lên, kéo tay tôi cùng vào trong nhà.

Trong nhà, phía dưới bàn thờ trải một chiếc chiếu nhỏ. Má Năm Vẹn đang ngồi đó, hai tay chắp trước ngực. Thấy bóng hai chúng tôi đổ xuống manh chiếu, má không ngoái lại, chỉ đưa tay trỏ lên phía chiếc hộp đựng Xá lợi để trên bàn thờ. Hai chúng tôi nhẹ nhàng tiến lại. Trong làn khói nhang, tôi nom rõ bên trong chiếc hộp thủy tinh, vẫn đựng Xá lợi, nhưng không phải ba viên như tôi nhìn thấy tối qua, mà là… 6 viên. Sáu giọt sương lóng lánh.

Cả hai chúng tôi đờ người ra vì kinh ngạc, nhưng không thấy rợn người, chỉ một niềm kính ngưỡng. Riêng tôi, bấy giờ mới quan sát kĩ, thì phát hiện ngay bên dưới bức chân dung của bác Hai Trọn, có một chiếc đĩa nhỏ, trong đĩa cũng đặt một miếng đồng sứt mẻ có bốn cánh… Một lần nữa tôi lại đờ người ra. Miếng đồng nom quen quen, giống quá, giống quá… Cặp mắt tôi nhìn hút về phía miếng đồng, trống ngực đập thình thịch. Bên tai tôi lùng bùng nghe má kể:

“Đó là một ngôi sao bằng đồng, do ông nội của Năm Vẹn nhặt được, ở giữa thân một cây sao cổ thụ bị sét đánh, chẻ đôi ra, một nửa đổ vật về phía Bắc, một nửa vật về phía Nam. Bấy giờ ông nội Năm Vẹn là người chạy đến đầu tiên, phát hiện giữa thân cây có ngôi sao này, bèn lấy mang về nhà, cất trong một chiếc hòm gỗ…”

Bà má kể tiếp, nguyên trước đó, ở gốc cây sao ấy có một tổ chim bìm bịp. Loài bìm bịp nuôi con bằng rắn độc, mà không sợ bị rắn độc cắn vì chúng biết nhai một thứ lá cây trong rừng để đắp lên vết thương, nếu con nó bị rắn độc cắn. Đó là một trong những bí mật của rừng. Nhưng ông nội Năm Vẹn đã tình cờ biết được bí mật ấy khi phát hiện đôi vợ chồng bìm bịp đang ngắt lá để nhai. Ổng ghi nhớ loại lá cây ấy, nhưng cũng không dám nói cho ai biết. Tổ bìm bịp sau đó bị sét đánh chết cùng với cây sao…

“Bác Hai Trọn lớn lên đi lính, mang theo ngôi sao ấy của cha, bỏ vào túi áo ngực làm vật hộ mệnh. Những tháng cuối của cuộc chiến, đơn vị bác đóng trong một khu rừng tràm. Một người lính phía bên kia lạc rừng, bị rắn choàm quạp cắn. Bác Hai Trọn phát hiện được, cõng về doanh trại để cứu chữa. Người lính ấy thoát chết, nhưng cũng bị hôn mê hàng tháng trời, khi tỉnh lại thì cũng là ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh. Mấy hôm sau, người ta tìm thấy bác Hai Trọn ở chỗ bờ suối. Bác ngồi dựa vào một gốc cây, đầu ngoẹo sang một bên, trong tay vẫn cầm khẩu súng lục. Máu loang thẫm ngực, trong túi áo của bác chỉ còn nửa ngôi sao. Trước đó, người lính phía bên kia được cứu sống hình như cũng đã tìm được về đơn vị, không ai biết tên họ là gì…”

Má dừng lại, tôi vẫn đang chăm chú chờ nghe, nhưng má không kể thêm gì nữa. Lại trùng hợp nữa chăng? Có phải người lính ấy chính là ông Lương ở làng tôi? Và ông đã mang theo nửa kia của ngôi sao? Những câu hỏi vừa hiện lên trong óc, thì tôi đã buột miệng nói ra, như một cái máy:

“Trong nhà bác cựu chiến binh ở làng con, cũng có một nửa ngôi sao như thế này. Biết đâu chính là… bác ấy. Má có thể cho con mượn mảnh sao này được không? Để con về ráp lại, nếu khớp thì chắc chắn là bác ấy…”

Nghe tôi nói, đôi mắt của bà má sáng rực lên, ngó tôi chăm chăm một lúc lâu. Rồi má chậm rãi bảo:

“Thật thế hả? Vậy con cứ mang về ngoải ráp thử xem sao... Mang cả theo ba viên Xá lợi nữa. Nếu đúng là người lính năm xưa, thì bảo má tặng cho bác ấy…”

Tôi cảm động suýt phát khóc. Trời đất, giá má biết rằng ông Lương, người cựu chiến binh ở làng tôi cũng từng có ba viên Xá lợi, từ một viên do con thằn lằn nâu nhả ra, rồi cũng con thằn lằn nâu đã tới mang đi… Năm Vẹn nghe lời má, mở chiếc hộp thủy tinh, dùng đôi đũa bằng inox gắp ra ba viên Xá lợi bỏ vào một chiếc hộp nhỏ xíu, chuyên dùng để đựng nhẫn, đoạn lấy miếng lụa đỏ gói lại cùng với mảnh sao rồi trao cho tôi…

Chia tay má và quê hương Năm Vẹn, tôi háo hức trở về quê càng sớm càng tốt, nhưng không phải chỉ có sự tò mò thôi thúc, mà còn một lý do khác nữa. Một kẻ đã tha phương kiếm sống ngót chục năm trời, cũng dành dụm được một ít tiền, thì phải ra dáng công tử lịch lãm văn minh một tí, hay ít ra thì cũng phải giang hồ sành điệu… để hãnh diện với dân làng chứ? Tôi mang cái sĩ diện rất nam nhi ấy ngạo nghễ bước vào một Trung tâm thương mại, sắm một chiếc samsonite sang trọng, mà cả làng tôi chắc đã mấy ai nhìn thấy. Có ngờ đâu rằng đó lại là nguyên nhân khiến chuyến trở về của tôi trở thành thê thảm. Xếp tất cả tư trang vào trong chiếc cặp, số tiền dành dụm cùng gói lụa quý giá kia thì bỏ vào chiếc túi có kéo phẹc mơ tuya ở bên dưới nắp, khóa cặp lại cẩn thận rồi xách ra khỏi nhà trọ. Một bác xe ôm như thể đã chờ sẵn tôi ở ngoài cổng. Nghe tiếng bác mời chào, tôi nhìn bác mà suýt giật bắn mình. Nom bác nhang nhác bức chân dung của bác Hai Trọn mà tôi mới chứng kiến. Cũng chiếc áo rằn ri, chỉ không có cầu vai sĩ quan, cũng hàng ria con kiến, cũng quai hàm vuông như hai chiếc ê ke… Chắc lại trùng hợp thôi, tôi nghĩ bụng rồi trèo lên ngồi sau lưng bác, bảo bác chở ra bến xe…

Các bến xe đò ở Miền Tây lúc nào cũng nhộn nhịp, xe đi tỉnh nào cũng có, tôi biết thế nên bình thản, ung dung như người đi du lịch. Xuống xe, trả tiền bác xe ôm, vừa bước vào cổng đã có mấy người túm lấy: “Về đâu? Về đâu?...”. Nghe tôi trả lời giọng Bắc, một gã đen trũi, to con, đội chiếc nón vải tùm hụp tóm ngay lấy tay tôi kéo đi. Luồn lách qua mấy dãy xe đò, tới gần sát tường rào, đúng chỗ nằm giữa hai chiếc xe thì gã dừng lại. Tôi chưa kịp chột dạ thì ở đâu lù lù hiện ra hai gã cởi trần, xăm trổ đầy mình. Cả ba gã quây lấy tôi, ép tôi vào một bên thành xe, giương ba cặp mắt nhìn chòng chọc vào chiếc samsonite trong tay tôi, gã đen trũi hất đầu ra lệnh: “Để chiếc cặp lại ông nội. Rồi muốn biến đâu thì biến”.

Tôi rụng rời thoáng nghĩ: “gặp bọn trấn lột”, rồi cay đắng nghĩ tới chuyện mất toi công sức dành dụm cả chục năm trời. Nhưng còn ba viên Xá lợi và mảnh sao kía? Tiền mất còn kiếm ra được, những vật ấy mất thì khó mà tìm lại. Trong đầu tôi nghĩ nhanh như thế và tính chuyện sẽ nộp chiếc samasonite cho chúng, chỉ năn nỉ xin giữ lại gói lụa đỏ ấy. Vừa lúc đó nghe có tiếng nẹt pô rú lên, rồi một chiếc xe máy từ bên ngoài lao thẳng vào tên đang đứng trước mặt tôi, khiến gã không kịp phản ứng, ngã chỏng gọng. Đồng thời, người ngồi trên xe máy nhân đà đưa một chân quẹt ngang, gã đen trũi đứng bên trái tôi cũng đổ vật xuống. Chiếc xe máy dừng tắp, bác tài bỏ xe đấy xông tới, giáng vào giữa mặt gã đứng bên phải tôi một quả trời giáng làm gã ôm mặt, lảo đảo khuỵu xuống. Tất cả chỉ diễn ra trong tích tắc. Bấy giờ tôi mới kịp định thần, nhận ra chính là bác xe ôm vừa chở tôi tới bến xe.

Sau hành động rất… Lục Vân Tiên ấy, bác xe ôm móc trong người ra một chiếc túi vải nhỏ xíu có thắt dây ở miệng túi, đưa cho tôi rồi bảo:

“Có gì quý giá hãy bỏ vào đây rồi buộc ngang bụng, chớ để trong cặp dễ bị kẻ gian nó giật mất. Xe lên thành phố đang đậu ở giữa bến, số 57… sắp khởi hành rồi…”

Tôi cầm chiếc túi vải, luống cuống không biết nói thế nào. Bác xe ôm lại giục “Đi ngay kẻo lỡ chuyến…”. Làm tôi vội vã rời khỏi chỗ đó như một cái máy, quên cả cám ơn bác.

Ngồi trên chiếc xe đò, rời khỏi bến một lúc lâu tôi mới hoàn hồn. Cũng may xe rộng, chỉ khoảng hơn chục hành khách, riêng tôi ngồi một mình một ghế. Nhớ lời dặn của bác xe ôm, tôi đảo mắt quan sát xung quanh rồi kín đáo mở chiếc samsonite, lấy ra gói vải lụa đỏ đựng ba viên Xá lợi và mảnh sao, bỏ vào chiếc túi vải của bác đưa. Chiếc túi nhỏ vừa vặn chứa gói vải lụa. Tôi thắt nút túi lại rồi vén áo, buộc vào ngang bụng.

Lúc xe qua phà thì có thêm mấy người khách lên. Trong đó có ba thanh niên lịch sự, trẻ trung, hai nam, một nữ. Cô gái Miền Tây có nước da trắng hồng, mái tóc đen mượt, từ người cô tỏa ra một mùi thơm ngầy ngậy của gái Cửu Long giang. Tôi biết họ là sinh viên, đang học trên Thành phố vì nghe loáng thoáng câu chuyện của họ. Cô gái đến ngồi ngay bên cạnh làm tôi suýt ngất. Cũng may cô rất nhí nhảnh, giọng lảnh lót như chim chèo bẻo, những tiếng “dạ…” kéo dài như kẹo kéo nghe rất dễ thương. Cô chủ động bắt chuyện nên tôi cũng bớt rụt rè. Hành trình lên tới Thành phố kéo dài gần bốn tiếng đồng hồ, quá đủ để tôi kịp làm quen với những người bạn mới.

Chiều tối xe tới Thành phố. Mấy bạn trẻ cùng cô gái rủ tôi cùng vào quán ăn tối rồi đi đâu hẵng đi. Tôi nhận lời vì biết những chuyến tàu Bắc ban đêm mới chạy. Có thêm cơ hội để giao lưu với những người bạn mới, nhất là cô gái Miền Tây ấy thì còn gì thú bằng. Chọn một quán ăn khá khang trang, nằm ngay cổng bến xe, cả bọn vui vẻ kéo nhau vào. Không ồn ào, bỗ bã như bữa tiệc ở dưới nhà Năm Vẹn, song cũng phải tỏ ra mình là một tay chịu chơi, giang hồ thứ thiệt, tôi cụng hết li này đến li khác, cả cô gái cũng uống ra trò. Nhưng… tôi chỉ nhớ được mỗi đoạn đầu, còn li cuối cùng tôi đã uống như thế nào thì chịu, bởi vì khi tỉnh dậy, thì cả bàn chỉ còn lại mỗi mình tôi. Hai chàng sinh viên mới quen cùng cô gái, cả chiếc samsonite của tôi nữa đã… biến mất.

Tôi lại một lần nữa rụng rời. Lần này thì mất thật rồi. Cũng may tôi đã kịp đeo cái túi vải vào trước bụng. Nhưng lấy tiền đâu để mua vé về quê bây giờ? Móc hết trong túi, số tiền lẻ còn lại chỉ đủ mua vài ổ bánh mì và mấy chai nước, tạm cầm hơi mấy ngày ngồi trên tàu. Nhưng còn tiền mua vé? Tôi luống cuống, bấn loạn và tuyệt vọng. Giấc mộng giang hồ sành điệu với sĩ diện nam nhi thế là tan biến. Nghĩ lại từ chuyện suýt bị trấn lột dưới bến xe ở Miền Tây, đến việc bị mất chiếc samsonite mà cảm thấy số phận mình thật kì lạ. Mấy lần trước, tôi cũng đã từng lên Thành phố thì có gặp chuyện gì đâu? Sao lần này lại đen đủi đến thế? Lại nghĩ hay là đành bán đi mấy viên Xá lợi, nghe nói sẽ rất có giá nếu gặp người sùng đạo. Nghĩa là giấc mộng nam nhi kia xem ra vẫn còn hy vọng? Tôi liếc nhìn vào phía trong, bà chủ quán nom có vẻ phúc hậu, trên cổ đeo chuỗi tràng hạt, trong nhà còn có bàn thờ Phật… Tôi đang định tới lân la, gạ bán mấy viên Xá lợi thì bỗng ngoài cửa quán có tiếng người gọi:

“Có ai rảnh khuân hàng mướn không? Giúp lão một tay…”

Tôi nhìn ra, một ông lão gày gò nhưng rắn rỏi, mặc bộ bà ba màu nâu, trên cổ vắt chiếc khăn rằn đang tìm người để mướn khuân vác hàng gì đó. Như buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi chả kịp suy nghĩ gì nữa, liền bước ra…

Bấy giờ trời đã tối hẳn. Ông lão dẫn tôi vào trong bến xe, luồn lách qua mấy ngõ ngách, rồi trỏ vào một đống bao tải để trên mặt đất, độ năm sáu cái gì đó, bảo tôi khuân ra ngoài đường, chỗ gốc cây óc chó, sẽ có xe đến chở đi. Tôi như một cái máy câm lặng, cúi xuống nhấc thử, cũng không nặng lắm, liền hất một bao lên vai, lủi thủi vác đi.

Vác năm sáu chuyến thì hết đống bao hàng. Ông lão vui vẻ hỏi tôi tính bao nhiêu tiền? Giá như bình thường, không rơi vào tình cảnh này thì tôi cũng khảng khái giúp ông lão. Nhưng hôm nay… Dường như ông lão cũng đoán ra, nên không cần tôi trả lời, liền cầm một cuộn tiền, cũng toàn tiền lẻ nhét vào tay tôi.

Rời khỏi bến xe, tôi như một cái bóng vô hồn, thất thểu cuốc bộ về phía nhà ga. Khoảng hai giờ đồng hồ thì tới. May quá, vẫn đang bán vé chuyến tàu ra Bắc lúc nửa đêm. Tôi ghé mặt vào lỗ bán vé, hỏi ra ga ấy, ga ấy… giá vé bao nhiêu? Cô bán vé nói gì tôi nghe không rõ, vì đôi tai vẫn còn ù ù. Tôi đưa cuộn tiền vừa nhận từ tay ông lão. Cô bán vé giở ra đếm đếm, rồi lườm tôi một cái, kèm theo một câu nói trống không: “Biết rồi còn hỏi”. Tôi hiểu nghĩa là số tiền ấy vừa đủ để mua một chiếc vé.

Thế rồi sau hai ngày một đêm trên tàu, tôi cũng mò về được đến quê nhà. Chả còn tí tư cách của một giang hồ thứ thiệt, cũng chẳng còn sĩ diện nam nhi, may còn trí tò mò về nén hương thứ 5 và tấm lòng của bà má Miền Tây mà tôi vẫn mang trong mình. Chờ trời tối tôi mới tay không vào làng, thật đúng là vì không “áo gấm”, nên đành… “đi đêm”. Đến thẳng nhà anh cu Huệ, chẳng cần phải hỏi han, kể lể… tôi kéo thẳng anh vào nhà ông Lương Xá lợi. Căn nhà tối thui, chỉ có ngọn đèn dầu trên bàn thờ leo lét. Ông Lương nằm trong buồng. Anh cu Huệ bật đèn, còn tôi, đứng trước bàn thờ, thắp lên 5 nén hương, rồi thò tay vào trong bụng, móc chiếc túi vải nhỏ xíu ra. Đặt chiếc hộp nhỏ đựng ba viên Xá lợi lên trước, đến lượt mảnh sao thì tay tôi run bắn lên, y như người bị bệnh Pakinson. Tôi nín thở cầm hai mảnh sao ráp vào nhau… Đúng là một ngôi sao tám cánh, ở giữa có lỗ thủng nham nhở, có thể thò lọt ngón tay. Người lính bị rắn choàm quạp cắn năm xưa đúng là ông Lương rồi. Vậy là câu hỏi đã có lời giải. Nén hương thứ 5 là nén hương ông thắp cho bác Hai Trọn, người lính phía bên kia…

Anh cu Huệ cũng nín thở, tròn mắt quan sát mọi cử chỉ của tôi. Quay lại nhìn anh, không cần nói gì, dường như anh cũng hiểu. Tôi run rẩy mở nắp chiếc hộp nhỏ. Ba viên Xá lợi như ba giọt sương trắng lạnh, trắng rợn hơn cả ánh đèn. Anh cu Huệ nom thấy thì há hốc mồm, tính thốt lên một điều gì đấy. Tôi đưa tay ngăn anh lại, rồi cầm chiếc đĩa đựng hai mảnh sao lúc này đã ráp khít khịt cùng anh đi vào trong buồng.

Anh cu Huệ đỡ ông Lương ngồi dậy. Tôi hai tay bưng chiếc đĩa lên ngang mặt ông. Vừa nhìn thấy ngôi sao, ông giật bắn người, thốt ra một tiếng như bị nén lâu năm từ trong lồng ngực. Rồi ông cứ thế nhìn trân trối một lúc lâu. Chúng tôi cũng yên lặng, không dám đánh động đến hồi ức của ông.

Một lúc lâu sau, ông Lương quay sang nhìn tôi. Cái nhìn khiến tôi đọc được, nghe được và hiểu ra tất cả. Ông đã kể cho tôi nghe kỉ niệm cuối cùng của ông. Câu chuyện như sau:

Năm cuối của cuộc chiến tranh, đơn vị của ông Lương bấy giờ đã luồn sâu tận Miền Tây. Một lần bị lạc trong rừng, trước khi trời tối, ông vơ một đống lá khô lót làm chỗ nằm nghỉ qua đêm. Không ngờ trong đống lá có một con rắn choàm quạp, một giống rắn cực độc, màu sắc lẫn vào lá khô. Con rắn đã cắn vào cổ ông…

Khi ông Lương tỉnh lại thì thấy mình nằm trong một căn phòng, toàn thân bất động, không nhúc nhích được, cả cái cổ cũng ngay đơ, chỉ nhìn thẳng lên trần nhà. Lúc ấy ông không hề biết rằng ông đã được cứu thoát khỏi tử thần và đã nằm hôn mê như thế cả tháng trời. Có một người vẫn ra vào căn phòng để chăm sóc, bơm sữa, lau người và thay quần áo… cho ông. Khi sức khỏe dần dần hồi phục, đã bắt đầu ngoái đi ngoái lại để quan sát căn phòng thì ông kinh hãi đến lặng người. Ông đã rơi vào tay “phía bên kia”. Chủ căn phòng này là một người lính, không những thế, còn là một sĩ quan, ông nhìn thấy bộ quân phục treo trên tường, có cả mũ, ngù vai, quân hàm, quân hiệu… Nằm một mình suy nghĩ, ông tìm cách ứng phó trước tình huống bất ngờ này. Trước mắt, ông cứ phải giả vờ bất động để tìm hiểu cho kĩ rồi sẽ tìm cách thoát ra khỏi đây, tìm đường trở về đơn vị. Đến ngày thứ ba, cảm thấy đã có thể cử động toàn thân, ông rời khỏi chiếc giường, lần ra cửa sổ quan sát phía bên ngoài. Đó là một trại lính đóng bên cạnh một khu rừng, gần đấy nghe có tiếng suối róc rách… Một trại lính, nhưng sao thấy vắng vẻ, đìu hiu?…

Sáng hôm đó, người lính ấy vẫn bước vào căn phòng trong câm lặng. Nhưng anh không trở ra ngay như mọi khi. Anh vẫn đứng bên cạnh giường, nhìn thẳng vào ông, cất tiếng nói, lần đầu tiên ông được nghe:

“Ông nằm đây nên không biết. Cách mạng đã giải phóng Sài Gòn cách đây ba ngày rồi. Giờ ông cũng đã khỏe mạnh, hãy nhanh chóng tìm về đơn vị kẻo họ sẽ chuyển đi nơi khác. Cứ theo hướng Đông Bắc mà đi, họ đóng cách đây chừng chục cây thôi.”

Nói xong, người lính ấy đặt xuống giường chiếc la bàn, đoạn đóng bộ quân phục, đội mũ, đeo ngù vai, thắt bao súng… soi gương chỉnh đốn tử tế rồi mới bước ra khỏi căn phòng, khép nhẹ cánh cửa lại.

Ông Lương nghe nói trong lòng lẫn lộn nỗi vui mừng và sự kinh ngạc. Vậy là chiến tranh đã kết thúc, quân ta đã toàn thắng trong lúc ông hôn mê. Chính người sĩ quan này đã cứu ông thoát khỏi nọc độc của con rắn choàm quạp. Thế là bao toan tính, đối phó… của ông đã không còn cần thiết nữa. Đang miên man tận hưởng sự nhẹ nhõm bất ngờ như từ trên trời rơi xuống ấy, thì ông bỗng giật nảy mình, nghe có một tiếng súng nổ, từ phía dòng suối dội vào căn phòng.

Ông Lương rời khỏi khu trại lính vắng ngắt, quần áo, giày mũ… vứt la liệt. Hướng ra phía có tiếng súng nổ ban nãy, rảo bước như bỏ chạy, ông phát hiện ngay bên cạnh bờ suối, dưới một gốc cây sao, người sĩ quan phía bên kia đang ngồi dựa lưng, đầu ngoẹo sang một bên, hai cánh tay buông thõng, một tay vẫn cầm khẩu súng lục. Ông Lương chạy tới sờ tay lên ngực. Vẫn còn nóng hổi, máu từ trong ngực chảy ra, ướt đẫm bộ quân phục rằn ri, trên túi áo có một lỗ thủng, ông chạm tay vào một vật gì cưng cứng. Ông mở cúc áo, lấy ra một mảnh đồng, đó là nửa ngôi sao…

Ông kể đến đây thì dừng lại, rồi hỏi tôi, cũng bằng ánh mắt: “Cháu biết tên bác ấy rồi chứ?” Tôi trả lời: “Dạ, cháu biết rồi ạ. Đó là bác Hai Trọn”.

Thế rồi ông Lương Xá lợi thanh thản ra đi, ngay đêm hôm đó. Tôi và anh cu Huệ chứng kiến những phút cuối cùng, ông kính cẩn hôn lên chiếc hộp đựng ba viên Xá lợi của bà má Miền Tây tặng rồi ngả người, ra đi trong một gương mặt hoan hỉ.

Làng tiễn đưa ông Lương Xá lợi ra nghĩa địa, đúng khu Mả Đường Cái mà hồi bé, con thằn lằn nâu đã nhả viên Xá lợi cho ông. Anh cu Huệ bây giờ là người chuyên làm công việc chấp hiệu trong các đám tang của làng. Anh dùng chiếc mõ làm bằng hai mảnh tre quay lưng vuông góc với nhau, gõ ba tiếng, rồi cầm một mảnh giơ lên cao, miệng dõng dạc hô:

“Nghe cho lọt…”

Phạm Lưu Vũ