Ông ta dí một xấp bạc trước mặt mẹ, hai hàm răng nghiến chặt,
lăm lăm con dao nhọn hoắc:
– Đếm xem có đủ cho cô xài không… Nếu thấy
đủ rồi thì từ đây hãy ở nhà đi, tôi không muốn tôi bị truy ra tung tích từ cô!
Cô thật là cái nợ lớn cho tôi đó, biến đi! Bỏ tất cả mọi công việc ba xu đi!
Còn không hiểu nữa sao mà ngước cặp mắt giả nai lên nhìn nữa! Từ giờ trở đi nếu
chúng nó lùng ra tôi, cô và con bé sẽ đừng trách tôi! Thật phiền quá!
– Khoan!... Anh à… Anh...
Ông ta hất mẹ té xuống đất, phóng người ra khỏi nhà bằng ngả sau, nhìn trước nhìn sau rồi biến mất. Mẹ không sao thốt nổi nửa lời, hàng nước mắt long lanh, quẹt nhanh. Vội vàng run rẩy quơ hết đống bạc trên bàn cho vào một cái túi nhỏ giấu dưới đáy tủ, sợ lỡ có ai nhìn thấy thì lại mắc họa vào thân. Tôi ghì cái mền vào lòng, cắn chặt đôi môi cho khỏi bật khóc thành tiếng, hi hí mắt giả ngủ, nằm yên, thầm khẩn cầu Trời Phật cho ông ta biến mất khỏi cuộc đời khốn khổ của mẹ con tôi.
Tôi thù ông ta! Phải! Chỉ mới gần 8 tuổi
thôi, mà tôi đã có một kẻ thù không đội trời chung, là ông ấy! Đặc biệt vết sẹo
dài vắt ngang chân mày trái làm ông ta giống như phù thủy, chiếc miệng không ngớt
mắng chửi, đánh đập tôi khi ông về thăm nhà.
Tôi không hiểu sao ông ta có thể là cha
ruột của tôi!
Ông đưa tiền cho mẹ một mà nạo tiền mẹ đến
mười, nếu mẹ không cất giấu những đồng tiền ấy đi thì sau này ông ta hỏi mà
không có thì mẹ sẽ phải bị hành hạ đến chết. Mẹ một mình nuôi tôi bằng đồng
lương kham khổ, làm cô giáo cấp một, và may thêm buổi tối ở nhà. Những người đến
đặt hàng may của mẹ, ai cũng hỏi tôi về cha, tại sao cha không bao giờ có mặt ở
nhà. Những lúc như thế tôi lại úp mặt vào lòng mẹ, cảm thấy vừa tủi thân, vừa
thù hận người đã mang danh hiệu CHA mà không tròn bổn phận với mẹ và tôi.
Mặc dù tuổi còn bé tôi vẫn biết mẹ phải
chịu đựng biết bao khổ sở cực nhọc vì miệng đời, xã hội còn lạc hậu, nề nếp
phong kiến xưa, và vì sự tồn tại của tôi, đứa con không mong muốn. Tôi không
khóc như mẹ, nhưng lì và thù hận ăn sâu trong tim óc non nớt của tôi, tôi nhất
quyết phải làm một điều gì đó để cứu cuộc đời cực nhọc của mẹ ra khỏi cái hang
hùm ấy.
Một hôm ông ta về nhà trong lúc tôi đang
ngồi trước cửa chơi con búp bê bùn xình bẩn thỉu mà mẹ đã lượm từ đống rác cách
nhà mấy mươi bước khi đi dậy học về, ông kéo tôi xềnh xệch vào nhà:
– Đi tắm và lấy bộ đồ mới mặc vào!
– Đi đâu hả cha?
– Mày có quyền lên tiếng hả?
Chưa nói hết câu, ông đã sán lại tát lên
má tôi một cái thật đau điếng mà tưởng chừng thấy ngàn ngôi sao quay vòng vòng
trên đầu. Té thụp xuống đất, tôi thút thít và biết là ông sẽ làm hại tôi:
– Con chờ mẹ về rồi mới đi.
– Mày còn trả treo hả! Đi ngay với tao!
Tao không phải là cha mày sao?
Tôi lấy hết sức bình sinh và tất cả can đảm,
hét lên:
– Không! O8ng không phải cha tôi! Ông là người ác độc, ông là…
Bốp! bốp!
Ông ta táng vào đầu tôi, túm tóc vặn ngược ra đàng sau, hai con mắt đỏ ngầu, cả
người ông tỏa ra mùi rượu nồng nặc, ông lết tôi ngược ra sau nhà, hai cánh tay
tôi níu ngược lại sau đầu, nương cho mái tóc như sắp lìa khỏi da đầu, hai chân
tôi cào cấu cố bám víu lấy những vật cản trong nhà, nhưng vô ích. Ra đến sau bếp,
ông mở nắp lu nước đầy 2/3, ông bế xốc tôi lên bỏ vào đó một cách gọn lỏn không
do dự. Cái nóng đau rát cùng mồ hôi đổ túa ra đầu cổ từ nãy giờ, gặp lu nước lạnh
mát bất thình lình, nhiệt độ trong cơ thể tôi tụt nhanh bất ngờ, tôi hoàn toàn
mất tri giác, toàn thân mềm nhũn. May là ngay lúc ông vừa bước ra khỏi bếp, thì
mẹ tôi về đến nhà. Điều đầu tiên bà làm là vô bếp múc nước rửa tay chân rồi mới
bắt đầu làm bếp. Khi mở nắp lu nước ra thấy tôi nằm gọn lỏn trong đó, nước lên
ngập đầu, tưởng là đã chết, mẹ hết sức bình sinh lật đổ cái lu, vỡ toang tành,
tay chân mẹ bị mảnh sành của lu cứa đến trầy rất nhiều vết thương nhỏ máu, và bế
xốc tôi sang nhà hàng xóm cứu cấp.
Từ đó tôi và mẹ theo nhau bén gót, mẹ không dám hở tôi ra, sợ ông ta sẽ giết hoặc
hại đến tôi.
***
Ông bà ngoại chỉ
có mỗi mình mẹ là con gái duy nhất ở Cao Lãnh, gia đình khá giả nên mẹ được đi
học đàng hoàng cho đến hết lớp 12. Một vụ pháo kích bất ngờ của Việt Cộng vào
nhà dân khoảng 1973 đã làm cả xóm sụp đổ hoang tàn, bao người chết chóc, trong
đó có ông bà ngoại! Mẹ được những người dân xung quanh vực dậy, di tản lên Sài
Gòn. Mẹ chỉ biết hớt hơ hớt hải chạy theo đoàn người, với hai bàn tay trắng,
tâm hồn rạn nứt, trái tim đã chết theo cái chết oan khiêng của ông bà ngoại dưới
đống đổ nát của nhà cửa làng mạc.
Ở Saigon, chính phủ có xây một nơi tập trung khá rộng bằng mái tole cho những
người chạy giặc từ quê lên tạm trú. Nơi đây mẹ một thân một mình, không người
thân mà chỉ có những người cùng quê làng mà thôi. Mẹ phải bươn chải, phải tự
tìm việc làm thêm để nuôi bản thân mình; còn những người khác ít học thì đi bán
vé số, lượm ve chai, gánh hàng đi bán… May là mẹ đã có một số vốn kiến thức thời
trung học và ngoại ngữ loại khá, nên làm cô giáo dậy toán và ngoại ngữ cho các
em nhỏ ở Saigon.
Một buổi chiều đi dậy về tối, một đám côn đồ ra chận đường, mẹ hốt hoảng không
biết phải làm sao với ba bốn tên mặt mày hung dữ, mẹ chả có tiền bạc gì cho
chúng cả, mẹ quỳ xuống van xin chúng đừng động tới mẹ, nhưng chúng chỉ cười
hung ác, nhào vô cấu xé mẹ. Mẹ sợ đến ngất lịm trên nền đất bùn xình với bóng
đêm ngày càng dầy đặc như để che đi cái dã man tàn ác của bọn côn đồ.
Khi chiếc áo nhỏ của mẹ vừa bứt ra khỏi người, tiếng cười man rợ của bọn ma cô
vang lên thì ngay lúc ấy mẹ thấy một bóng người lao vút vào, con dao nhọn múa
soạt soạt kinh hồn. Cả đám nhào vào đánh một người. Người « anh
hùng » cứu mẹ bị một vết thương ở mặt, máu ồ ạt tuôn ra, ông ta vẫn không
cảm thấy đau mà cúi người xuống vác mẹ trên vai băng băng chạy thật mau vào những
ngõ tối mà cả bọn lưu manh không biết đường đuổi theo.
Theo lời mẹ kể sau ngày ấy, mẹ ở với hắn. Hắn cũng chả yêu thương gì mẹ mà chỉ
dùng mẹ như một công cụ kiếm tiền của hắn, một người phục vụ cho hắn. Đã bao lần
mẹ muốn trốn đi nhưng không biết phải đi đâu, sợ ở cái đất Saigon rộng lớn này
mẹ lại bị hại nữa; mẹ như một con cừu non chưa ra đời, không biết phương hướng
giữa bầy sói hoang, thà ở lại với tên lưu manh, phục vụ cho hắn còn hơn!
Thời gian trôi qua, hắn biết mẹ là người con gái đàng hoàng, trinh trắng, hắn
là người đàn ông may mắn đầu tiên trong đời mẹ, nên hắn bớt hằn học và tin tưởng
giao tiền cho mẹ giữ. Hắn không biết nói chuyện nhã nhặn mà chỉ biết la mắng, uống
rượu, thô lỗ. Cả đời sống bên cạnh mẹ, nhưng chưa bao giờ hắn có lời nói nhẹ
nhàng hay cử chỉ yêu thương với mẹ cả! Trên trán hắn có một vết sẹo dài, vết sẹo
do lần đánh nhau với bọn lưu manh để cứu mạng mẹ, mỗi lần nhìn thấy vết sẹo ấy,
mẹ lại không đành lòng rời xa hắn vì theo mẹ hắn là ân nhân cứu mạng mẹ.
Rồi mẹ mang bầu tôi, hắn đã đánh mẹ một trận nhừ tử, muốn mẹ bỏ cái thai, hắn
không muốn có trách nhiệm với con cái, cũng như không muốn nghe tiếng khóc trẻ
thơ. Mẹ van xin hắn cho mẹ giữ lại đứa con vô tội trong bụng, mẹ hứa với hắn sẽ
không để cho đứa trẻ bật lên tiếng khóc!
Ngày mẹ đi sanh tôi chỉ một thân một mình, khi bế tôi về mẹ cũng cố gắng nuôi
tôi bằng dòng sữa mẹ ít ỏi của người. Tôi là một đứa con gái ngoan ngoãn biết
nghe lời mẹ từ khi còn trong bụng, sợ mẹ bị đòn đau nên tôi chả bao giờ khóc
cho dù nhiều lúc tè đầy tã, ướt cả lưng mà tôi vẫn cứ nằm yên chơi với ngón
tay, bàn chân mình và chờ mẹ rảnh mới đến lau chùi cho. Tôi lớn lên bên cạnh mẹ,
chỉ biết một mình mẹ, chưa bao giờ được cái hôn hay vòng tay ôm của cha. Hắn đi
suốt mấy ngày liền là những ngày tôi và mẹ thật hạnh phúc bên nhau, chúng tôi
cười đùa, mẹ dậy tôi học những chữ cái, dậy tôi đếm. Khi nghe bên ngoài cánh cửa
lách cách mở là mẹ và tôi thật im lặng, tôi sợ đến nỗi phải chui xuống gầm giường
để trốn hắn!
Hắn rất ít khi nào thấy mặt tôi, trừ một hôm hắn về nhà vào nửa đêm khi tôi và
mẹ đang say trong giấc ngủ. Hắn nhìn vào trong giường qua chiếc màn mỏng, tôi nằm
co quắp bên cạnh mẹ. Thấy lạ, hắn vén màn vào trong sát mặt nhìn tôi rồi ra vẻ
hài lòng. Đó là lần đầu tiên mẹ nói hắn có vẻ hài lòng khi thấy tôi. Nhưng tôi
vẫn tránh hắn, im lặng và tự bảo vệ mình như con chim nhỏ sống bên cạnh con
mãnh thú.
Dòng đời vẫn cứ tuôn chảy, cho đến khi miền Nam bị đổi chủ, ai ai cũng bỏ nhà bỏ
cửa chạy hết ra bến tàu, hy sinh thí mạng với biển cả. Cha tôi nhân cơ hội đó
vơ vét của cải của những gia đình giàu có, ăn cắp tư trang trong sự sơ hở của
người dân Sai Gòn rồi đem của cải đó về cho mẹ tôi giữ để bán dần đi tiêu xài.
Mẹ tôi khuyên lơn bao nhiêu cũng bị hắn đánh cho vài bạt tai và không muốn nghe
lời khuyên của mẹ. Hắn cứ tiếp tục ăn cắp, ăn cướp đến nỗi tên tuổi của hắn bị
công an ở chế độ mới truy lùng. Hắn không dám về nhà thường xuyên nữa. Mà thỉnh
thoảng hắn lại xuất hiện khi thì trong bếp, lúc thì ở phòng tắm, ẩn ẩn hiện hiện
rồi lại biến. Lúc ấy tôi đã lớn gần 8 tuổi, tôi chỉ cầu mong cho hắn bị bắt, bị
ở tù mọt gông, tôi cầu nguyện cho hắn sẽ biết mất trên cõi đời này để đừng hành
hạ mẹ con tôi nữa.
***
Tiếng gõ cửa nhè
nhẹ bên ngoài, chỉ mới ba giờ sáng! Giọng nói khe khẽ vọng vào:
– Tràm ơi, Mùi đây! Mở cửa đi!
Mẹ ngồi bật dậy, bỏ cánh tay của tôi đang vắt ngang bụng mẹ sang một bên. Tôi lại
giả ngủ, lắng nghe. Dì Mùi là người bạn thân nhất của mẹ ở đất Sài Gòn này, hồi
xưa cả hai cùng đi học tiểu học, trung học ở Cao Lãnh, hai người gặp lại khi mẹ
dọn đến đây ở, Dì Mùi xinh đẹp nhưng vẫn thua sắc đẹp kín đáo, trầm lắng của mẹ.
Dì Mùi và mẹ thầm thì:
– Tràm!... Ngày mai nghe, nhớ đó … theo tụi tui thì mình mới sống sót làm lại
cuộc đời, chứ sống kiểu này tui không yên tâm thấy con nhỏ cứ bị nay bầm cái
vai, mai tím cái mặt… lỡ sau này lớn lên… “ nó” cũng không tha cho con gái nó nữa
thì sao? tui không tin được hắn!... Đi cho hai đứa nhỏ có bạn!
– Thiệt ra mình cũng muốn lắm, nhưng sao tôi lo quá! Thật khó tính hết sức.
– Bà chỉ có thể chọn, hoặc ở riết đây, hoặc đổi đời. Tui cho bà một đêm nay nữa
thôi. Tội nghiệp con nhỏ, bà nhìn nó có được tương lai nếu chôn chân ở đây
không? Suy nghĩ đi.
Dì Mùi nói nhanh rồi bỏ về, mẹ thao thức cả đêm, thở ngắn, thở dài, cuối cùng mẹ
chỉ đem một chiếc túi nhỏ quần áo và một chút tro trên bàn thờ của ông bà được
xẻ vào hai chiếc túi nylon nhỏ chống nước và bọc thêm túi vải bên ngoài. Thương
mẹ quá, đây là sự quyết định thật táo bạo và liên quan đến cả tương lai cuộc sống
của hai mẹ con, mẹ làm sao suy nghĩ nổi chỉ trong đêm nay?! Tôi lại cắn chặt
chiếc mền, giấu tiếng nấc!!
Sau đó mẹ đứng trước bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, có lẽ đây là lần cuối, mẹ khấn
thật lâu, lâu đến nỗi tôi ngủ thiếp đi.
***
Thoáng chốc hai
mươi năm trên đất Mỹ thanh bình như những giọt mật hạnh phúc mà mẹ con chúng
tôi đang khát khao tận hưởng. Tôi đã thật sự trưởng thành, ra trường và làm luật
sư cho một văn phòng ở Connecticut. Mẹ chỉ còn làm bán thời gian nên có
thì giờ nghỉ ngơi và đọc sách báo, không những thế mẹ còn sáng tác văn thơ đóng
góp cho các báo Việt trên thế giới mà mẹ tìm thấy website trên net.
Một hôm, lưỡng lự mẹ nói:
– Nếu… vì bất đắc dĩ gặp lại cha thì con có muốn… không?
– Không! Dù có tận thế con cũng không muốn nhìn lại ông ta nữa. Con không thể
nào quên được, xin mẹ đừng hỏi con điều này.
Ánh mắt mẹ nhìn tôi sâu lắng:
– Con gái! Hãy bỏ qua tất cả… Dù sao cũng là cha con.
– Nhưng ông ta không muốn có con trên đời này mà!
– Con người sẽ thay đổi ý nghĩ khi ở một hoàn cảnh khác, hãy vì mẹ con nhé!
Dì Dượng Mùi vẫn ghé thăm chúng tôi với Đan, con trai của vợ chồng dì, hơn tôi
3 tuổi, anh vừa xong bằng bác sĩ; chúng tôi thân nhau từ thuở nhỏ bên nhà, anh
không những là người anh, mà còn là một người bạn tri âm tri kỷ thật hiếm có.
Anh mới được nhận việc ở một nhà thương lớn.
Tôi chịu đựng
chai lì từ thuở bé bao nhiêu, thì Đan có một tuổi thơ tuy nghèo nhưng thật trọn
vẹn trong tình yêu chan chứa của bố mẹ, trưởng thành với một trái tim sẵn sàng
chia sẻ và giúp đỡ chăm sóc người bệnh thật nhiệt tình!
Anh điện thoại, năn nỉ tôi:
– Dỹ Lan, Em… giúp anh đóng vai con gái của bác trai này nhé, bác bị bệnh thật
nặng, chắc sẽ không qua khỏi trong nay mai… nguyện vọng của bác chỉ muốn được nắm
tay con gái của bác lần cuối!
– Em có phải là con gái bác đâu!
– Anh biết. Người nhà của bác ấy có đăng tin từ mấy tháng nay trên khắp các mặt
báo, mà vẫn không tìm ra thân nhân… Anh muốn làm một điều gì đó giúp bác trước
khi ra đi, nên nghĩ đến em.
– Đúng là anh có trái tim nhân hậu của một bác sĩ quá đó!
– Không phải đâu, anh thấy bác lạ lắm, bác có một câu chuyện đời thật đau lòng,
bác muốn tạ tội cùng người con gái của bác! Anh không nỡ không giúp. Bác nói sẽ
mãn nguyện nhắm mắt nếu thấy được người con gái ấy.
– Hừm… Thôi được rồi, em sẽ đến giúp anh.
– Cám ơn em, mình hẹn chút nữa nhe, yêu em!
Đan lúc nào cũng thế! Cuộc đời đối với chàng là những trang cổ tích màu hồng, ở
bên chàng ai cũng cảm thấy được yêu thương bảo bọc, cả đối với bệnh nhân, chàng
cũng muốn làm kỳ tích cho họ! Tôi yêu chàng chắc cũng vì điểm đặc biệt này! Chẳng
bao lâu chiếc xe tôi đã đậu ngay trước bệnh viện chàng làm việc. Chàng chờ tôi
bên ngoài với chiếc blouse trắng, dưới ánh nắng xuân đong đưa của tàn cây
phong, nụ cười tươi nở trên môi, trông chàng thật trong sáng và đẹp; chàng hôn
nhẹ lên trán tôi:
– Cám ơn em đã đến! Em nhớ
đóng cho nhập vai nhé, trấn tĩnh bác để giúp bác ra đi nhẹ nhàng.
Tôi thấy trong ánh mắt chàng, niềm lo lắng và tận tụy vì người bệnh khiến lòng
tôi cũng nặng ưu tư; tôi gật đầu, hứa sẽ làm với tất cả trái tim để giúp người
sắp lìa đời. Chúng tôi vừa bước vào, cả gia đình người bệnh giạt ra hai bên, một
người đàn ông gầy yếu, nhỏ bé xanh xao nằm quắp lại, hai mắt nhắm nghiền, miệng
há ra, khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn. Tôi tiến đến, lòng xao động, cầm tay bác
và vén những làn tóc đượm mồ hôi trên trán sang một bên, nhìn kỹ khuôn mặt. Vết
sẹo! Vết sẹo dài trên chân mày trái hiện rõ nét.
Vết sẹo! Trái tim như ngừng đập, tôi nghẹt thở. Tay chân bủn rủn.
Tôi bật dậy, quay đầu bước ra, Đan chặn tôi lại:
– Em có sao không? Sao mặt xanh vậy?
– Không! Không! Đây không phải sự thật! Tôi… không muốn giúp người này đâu!
Không! Không…
Cả trái tim nhức buốt. Cả tuổi thơ khủng khiếp hiện về.
Kẻ thù duy nhất của tôi đang nằm trước mặt tôi, thoi thóp! Chả lẽ nào lại là
ông ta sao?! Người đã tàn nhẫn đầy đọa mẹ tôi cả nửa đời người, nhẫn tâm giết
chết cả tuổi thơ của con gái ông ta. Tôi đã thề với lòng sẽ không nhìn lại ông
ta nữa mà.
Tôi bật dậy muốn chạy ra khỏi phòng. Lời mẹ bên tai, hãy bỏ qua lòng thù hận.
Tôi muốn chạy thật xa khỏi đây.
Nhưng, ông ta đang hấp hối.
Tôi không nỡ, quay lại! lòng trắc ẩn.
Ngồi xuống bên giường, khuôn mặt ông lúc này quằn quại nhăn nhó đau đớn, không
còn sức rên rỉ nữa, như đang bị trừng phạt, trả nghiệp; tôi nắm lấy bàn tay
chai đá, hằn những lằn gân xanh, vuốt trán, mỗi cái chạm vào da thịt ông, tôi
thấy cả dòng máu hồi sinh đang chảy trong tôi, một huyết thống thật thân yêu
khó tả vào giờ phút cuối của đời người, thật chan chứa không sao kể xiết.
Tôi cúi xuống, lần
đầu tiên tôi hôn lên tay, hôn lên trán ông một cách thật trìu mến, chân thành
như chính con gái ruột nhận lại người cha lâu đời của mình vậy!
Tất cả sự thù hận chất chứa trong tim từ bao năm nay bỗng tan chảy thành hai
dòng lệ nóng hổi, dồn dập tuôn tràn:
– Cha ơi! Cha… Đừng bỏ con!
Người bệnh bỗng mở mắt ra! Nhìn sững tôi! Thật lâu. Nhìn đến nỗi tôi tưởng như
hàng thế kỷ. Cuối cùng, ông ôm chặt tôi, níu vào lòng:
– Ôi con gái… con gái của tôi đây rồi. Cám ơn Trời Phật! Hãy tha lỗi cho cha
con gái nhé! Tha lỗi cho cha! Cha thật đáng chết! Thật… đáng chết!
Bóng mẹ gục đầu sụt sùi bên ngoài cửa…
Thì ra chính mẹ đã nhờ Đan chuyển lời đến tôi, để giải tỏa mọi khúc mắc u buồn
trong tôi và người đàn ông mà tôi gọi bằng CHA.