Lớn lên, chút nữa, lên bậc học Đại học, theo chuyên ngành Văn chương, mới biết thêm trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du, không chỉ có từ “quan san” trong 2 câu thơ “xuất thần” thứ tự 1519 và 1520 đã nói trên, mà “quan san” còn được lặp lại trong các câu thơ thứ 1937-1938: “Gác kinh viện sách đôi nơi/ Trong gang tấc lại gấp mười quan san” và hai câu thứ 2873-2874: “Vâng ra ngoài nhậm Lâm Tri/ Quan San nghìn dặm, thê nhi một đoàn”. Tra cứu trong các Tự điển Hán Việt, hai từ “Quan san” là để chỉ: Quan tức Cửa ải, San hay còn gọi là Sơn, chỉ núi non nói chung. Song xét theo “văn cảnh” của từng câu thơ, thì câu thơ “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” nghiêng về nghĩa của sự “chia ly, xa cách”, còn “quan san” trong câu “Trong gang tấc...” và “quan san nghìn dặm” lại chính là nghĩa xa xôi, cách trở, của khoảng cách, dặm dài...
Trong vở cổ thi “Tây sương ký” của Vương
Thực Phủ, theo chú giải của các cụ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, thì cũng có nói đến
“rừng phong bị nhuộm mất cái màu xanh”, còn Nhượng Tống thì cho rằng: “Rừng
phong ai nhuộm đỏ tươi/ Phải chăng nước mắt của người chia ly?” thì rất xác
thực, mà qua ngòi bút của Nguyễn Du sau này, đã hóa ra cái “màu quan san” đầy ý
vị của chất thơ, và cũng tràn đầy cảm xúc của cuộc chia tay, tiễn đưa... người
thương, lên đường về quê vợ! Lâm ly mà cũng lắm éo le cùng tận!? Trong một buổi
chiều thu, lá phong đỏ rực...
Nhân nói chuyện “Lá cây phong”, lại có
nhiều ý kiến tranh luận. Có người cho “lá phong” ở đây, là lá cây phong, vốn
tên khoa học là Acer, hay còn gọi là “Chi phong”, “Chi thích”, có hơn 125 loài
trên thế giới? Được xếp vào “họ phong” hay họ “dẻ ngựa”. Lá có dạng gân và thùy
hình chân vịt, cây cao có thể từ 10 đến 40m, mọc nhiều ở miền Nam Châu Á, và
khu vực ở Địa Trung Hải. Lá về mùa thu chuyển sang màu vàng hoặc màu đỏ rực.
Không biết đây có phải là “Phong” trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nói đến
và Nguyễn Du mượn cảnh đó không? Nhưng cũng có người cho rằng, nước Trung Hoa
xưa, không có trồng các loại cây phong này, mà “Phong” để chỉ một loại cây như
cây bàng, thường được trồng ở gần cung điện nhà vua, vì bàng cũng có lá chuyển
màu sang vàng, và đỏ vào cuối mùa thu, đầu mùa đông. Nhưng ngẫm “rừng phong”,
thì “bàng” ít ai trồng thành rừng? Và tên cái rừng “phong” này cũng tốn khá giấy
mực của các cụ túc nho xưa.
Trở lại truyện Kiều, ngoài cái màu “quan
san” gây ám ảnh, Nguyễn Du còn sáng tạo và hạ bút viết 2 câu thơ (câu
1595-1596), diễn tả sự nhớ nhung những ngày sống bên nhau của nàng Kiều cùng
chàng Thúc Sinh là: “Chạnh niềm nhớ cách giang hồ/ Một màu quan tái, mấy mùa
gió trăng”. Thêm cái “màu quan tái”, song ít người nhắc đến, có lẽ vì sự...
tái tê, ê chề, sau này, khi Hoạn thư, bắt Kiều về hầu hạ phục dịch cho mình,
trước mặt Thúc Sinh?
Tóm lại, ai đã từng học, từng đọc và...
nhập tâm với cái “màu quan san” với rừng phong nhuộm đỏ, và cặp tình nhân chia
tay, tiễn biệt nhau trong... trí tưởng thì chắc sẽ nhớ mãi và sẽ buột miệng thốt
ra cụm từ “Màu quan san” khi bắt gặp cảnh rừng cây (có thể chẳng là cây phong)
thay lá vào những ngày thu... mà mình nhìn thấy trong cuộc đời...