24 October 2023

UKRAINE CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH LÂU DÀI - Ngô Nhân Dụng

Biểu ngữ "Hãy Chung Tay Tái Thiết Ukraine" ở trung tâm Kyiv, 2023

Cả thế giới đang chờ đợi cuộc chiến tranh sắp tới, khi Israel tấn công quân Hamas ở giải Gaza; cuộc chiến Ukraine sẽ không được chú ý như trước. Điều đáng lo cho nước Ukraine là dân Mỹ và các nước Âu châu sẽ dần dần quên lãng, không thiết tha đến việc viện trợ vũ khí để giúp Ukraine ngăn chặn tham vọng của ông Vladimir Putin muốn tái lập đế quốc của các Nga hoàng và Liên bang Xô Viết.

Cuộc nghiên cứu dư luận của Reuters/Ipsos vào đầu tháng 10 cho thấy dân chúng Mỹ đã bớt lo cho nước Ukraine. Vào tháng 5, có 46% người Mỹ đồng ý cần phải giúp Ukraine thêm vũ khí, bây giờ chỉ còn 41%, theo nhật báo The Wall Street Journal. Chính phủ Joe Biden mới xin quốc hội chấp thuận viện trợ thêm $60 tỷ cho Ukraine, nhưng không biết bao giờ ngân sách đó mới được biểu quyết vì Hạ viện vẫn chưa bầu được một vị chủ tịch mới. Trong số các đại biểu Cộng Hòa lật đổ cựu chủ tịch Kevin McCarthy có nhiều người không muốn tiếp tục giúp Ukraine như trước. Mối quan tâm, hăng hái lúc đầu đã nguội dần vì dân Mỹ không trông thấy những kết quả cụ thể và ngoạn mục.

Sau ba tháng mở chiến dịch phản công toàn diện, quân đội Ukraine chỉ chiếm lại được một phần trăm những vùng đất bị quân Nga chiếm đóng từ năm ngoái. Chiến tuyến dài hơn 1,000 cây số khó thay đổi trong nhiều tháng tới, vì quân Nga đã đặt mìn bẫy và xây công sự phòng thủ kiên cố trong suốt năm qua.

Ukraine sẽ phải đối phó với một cuộc chiến tranh kéo dài. Bộ Quốc phòng Nga sẽ động viên thêm 130,000 lính mới kể từ ngày 1 tháng Mười; kể cả những thanh niên sống trong các tỉnh của Ukraine mà Nga đã sáp nhập. Ông Vladimir Putin ký nghị định sẽ tăng quân lực Nga từ 1.9 triệu lên 2.04 triệu. Nga còn tuyển mộ hàng ngàn người Cuba đang lo lắng vì thất nghiệp. Một công nhân vác gạch 49 tuổi, Enrique Gonzalez, đã tình nguyện rồi được đưa ngay qua chiến trường Ukraine, đã gửi cho vợ món tiền thưởng 200,000 đồng rúp, đổi qua đồng pesos, tương đương với $2,040 đô la – trong khi đồng lương trung bình ở Havana chỉ bằng $17 mỹ kim – bản tin Reuters tường thuật. Ông Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài, chờ cho quân đội Ukraine bị hao mòn và các nước Tây phương giảm bớt viện trợ vũ khí mới.

Ukraine cũng phải chuẩn bị trường kỳ kháng chiến; đã lập kế hoạch tự sản xuất vũ khí, thay vì chỉ trông vào nước ngoài. Cùng ngày Nga tuyên bố động viên, Tổng thống Ukraine khai mạc hội nghị “Diễn đàn Quốc tế Công nghiệp Quốc phòng.” Ông Volodymyr Zelenskyy đã gặp đại diện của 250 công ty sản xuất vũ khí thuộc 30 quốc gia, theo bản tin AP. Nhiều nước cũng gửi bộ trưởng quốc phòng hoặc cử đại diện đến tham dự.

Ông Rustem Umerov, bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói nước ông phải sản xuất đủ số vũ khí cho nhu cầu của quân đội, ở ngay trong nước mình. Ông nhấn mạnh đến nỗ lực nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật chiến tranh mới, “Mục tiêu của chúng tôi là sáng chế những vũ khí mới đứng hàng đầu thế giới.”

Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba cho biết các cuộc thảo luận về hợp tác chế tạo vũ khí với các công ty Âu Mỹ đã bắt đầu từ mùa Thu năm ngoái. “Bước đầu, chỉ bàn đến việc sửa chữa và bảo trì các vũ khí (do các nước Âu châu và Mỹ viện trợ), sau đó bàn đến vấn đề sản xuất chung.” Ông nhấn mạnh rằng các công ty Âu, Mỹ cũng được lợi nhờ rút kinh nghiệm tại chiến trường để cải thiện, chế tạo các vũ khí hiệu quả mạnh và thích hợp với chiến trường hiện đại hơn.

Tổng thống Zelenskyy đã tiết lộ một “trọng điểm” trong chuyến đi Washington vừa qua là ông đã bàn với Tổng thống Joe Biden về hợp tác sảng xuất vũ khí. Đại diện hai nước sẽ gặp nhau trong thời gian tới để lập kế hoạch, sẽ thiết lập nhiều xưởng chế tạo trong nước Ukraine. Ông cho biết mới thành lập một “Liên minh Công nghiệp Quốc phòng” trong đó 13 công ty vũ khí quốc tế đã tham dự, Ukraine sẽ dành một ngân sách đặc biệt cho chương trình này.

Hợp tác sản xuất vũ khí là một chương trình cần nhiều thời gian mới thành. Ukraine đang sẵn sàng chịu đựng một cuộc chiến lâu dài. Ukraine vốn đã là một trung tâm sản xuất vũ khí, chiến hạm và hỏa tiễn của Liên bang Xô Viết. Trong thời gian đó, một triệu rưỡi công nhân làm việc trong 700 cơ sở, với 205 xưởng máy và 130 trung tâm nghiên cứu, phát triển; một nhà máy ở Kharkiv đưa ra 900 xe thiết giáp mỗi năm, theo tuần báo Economist. Từ năm 1991, khi Liên Xô tan vỡ, việc sản xuất ngưng dần; sau khi bị tấn công, Ukraine phải bắt đầu lại từ đầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, mới nhậm chức đầu tháng Chín năm nay, phụ trách công việc tái vũ trang. Một người sanh ở Crimea, gốc Tartare, theo Hồi Giáo, là nhóm thiểu số gốc từ Trung Á đã bị quân Nga đàn áp, ông Umerov, 41 tuổi, biết Ukraine không thể chỉ trông cậy vào vũ khí viện trợ mà phải tự mình làm lấy. Vốn là một doanh nhân, ông bắt đầu cải thiện các xưởng chế tạo, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước, áp dụng các phương pháp quản trị mới của Âu Mỹ. Các xí nghiệp tư chỉ đóng góp 20% đến 30% số vũ khí làm tại Ukraine. Họ được chính phủ giúp đỡ, các nhân viên cao cấp bị động viên được đưa trở về làm việc nếu cần.

Trong ba tháng đầu năm nay, Ukraine đã sản xuất số đạn dược lớn bằng cả năm ngoái. Bộ trưởng Mykhailo Fedorov, 32 tuổi, phụ trách kỹ thuật tin học, cho biết trong năm nay sẽ chế thêm nhiều máy bay tự động (drones), tăng 120 đến 150 lần số sản xuất năm ngoái. Chính phủ đã miễn thuế cho các công ty làm drones khi nhập cảng các bộ phận và nguyên liệu. Máy bay không người lái của Ukraine đã được cải tiến để bay xa hơn, đi tấn công các địa điểm trên bán đảo Crimea và bên trong nước Nga; nhắm vào các kho vũ khí, kho xăng dầu, các bộ chỉ huy đầu não, các nơi sản xuất bộ phận thiết yếu của hỏa tiễn Nga; đã giết được các cấp chỉ huy và khiến phi trường Matx Cơ Va phải tạm đóng cửa nhiều lần.

Các xí nghiệp vũ khí ngoại quốc bắt đầu cộng tác bằng cách giúp Ukraine bảo trì và sửa chữa các vũ khí viện trợ. Sau đó, tiến tới hợp tác để sản xuất tại chỗ. Công ty vũ khí lớn nhất của Đức, Rheinmetal, hiện đang sửa chữa các thiết giáp Leopard của Đức ngay bên cạnh chiến trường. Công ty Anh Quốc BAE đã lập một chi nhánh làm các đại bác L119 và M777 trong nước Ukraine, theo báo Economist.

Điều đáng lo nhất là các xưởng chế tạo vũ khí sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu cho hỏa tiễn và máy bay Nga tấn công. Chính phủ Ukraine có kế hoạch phân tản ra nhiều nhà máy nhỏ trên toàn quốc, trong các vùng tương đối an toàn.

Muốn theo đuổi cuộc kháng chiến lâu dài, vũ khí cần thiết, nhưng Ukraine cũng không thể quên xây dựng một nền kinh tế vững vàng. Sau 18 tháng bị tấn công, sản lượng quốc gia đã giảm một phần ba, báo Economist cho biết. Nền kinh tế dựa trên lực lượng lao động. Dân số Ukraine 37 triệu đã giảm một phần năm, số còn lại hai phần ba là phụ nữ. Một triệu thanh niên đang cầm súng và 7 triệu người dân đã đi tị nạn ở nước ngoài. Số người trong tuổi lao động giảm từ gần 17 triệu xuống 12.4 triệu. Xuất cảng lúa mì vốn là một nguồn ngoại tệ lớn, đã giảm mất một nửa vì Nga phong tỏa bờ biển Hắc Hải. Chi phí quốc phòng tăng từ 5% Tổng Sản Lượng Nội Địa lên 26%. Một nửa ngân sách chính phủ là tiền viện trợ; năm ngoái lên tới $31 tỷ mỹ kim và năm nay sẽ còn cao hơn. Tình trạng này không thể kéo dài nếu phải chiến đấu trường kỳ.

Ukraine đã cố bảo vệ hải cảng Odessa, mở đường hàng hải mới dọc theo bờ biển các nước Romania và Bulgaria, hy vọng số xuất cảng sẽ lên bằng 70% mức cũ trước chiến tranh. Cần mở các cuộc tấn công nhắm phá hủy các căn cứ hải quân Nga tại Hắc Hải để bảo vệ đường xuất cảng hàng hóa. Ukraine dùng hỏa tiễn, drone, kể cả loại “drone tàu ngầm” cùng các thủy lôi “tinh khôn” tự tìm mục tiêu để tập kích hải quân Nga.

Nhưng muốn kinh tế không suy yếu, Ukraine vẫn cần đầu tư thêm. Chính phủ đã đưa ra các biện pháp thuế khóa để khuyến khích đầu tư, có thể “đóng bảo hiểm” cho các doanh nhân nếu bị thiệt hại vì chiến tranh.

Điều may mắn là sau khi bị quân Nga tấn công, số tiền đầu tư vẫn tăng lên trong các ngành chế tạo xe hơi, biến chế nông phẩm và công nghiệp nặng. Ông Sergiy Tsivkach, phụ trách chương trình đầu tư “UkraineInvest” cho biết mỗi tháng vẫn có ba đến bốn dự án đầu tư mới của các công ty quốc tế, đặc biệt trong công nghiệp chế tạo. Trước chiến tranh, chỉ có hai, ba dự án được đề nghị trong sáu tháng. Từ năm 2020, đã có thêm $1.7 tỷ mỹ kim, trong đó $500 triệu do chính phủ bỏ ra.

Nhưng trở ngại lớn nhất cho hoạt động kinh tế là nạn tham nhũng chứa sẵn trong guồng máy hành chánh của một nước cộng sản cũ. Tổng thống Zelenskyy đã cách chức nhiều quan chức, kể cả những cố vấn thân cận và một bộ trưởng quốc phòng. Tháng trước, ông sa thải tất cả những người chỉ huy các sở tuyển mộ nhập ngũ, đưa các binh sĩ từ chiến trường về thay thế, sau khi được An ninh Quân đội kiểm tra lý lịch. Trong hai tuần lễ sau khi được bổ nhiệm, bộ trưởng quốc phòng Umerov đã cách chức sáu trong số bảy thứ trưởng.

Công tác điều tra tham nhũng tiến hành khả quan nhưng một trở ngại lớn khác là các tòa án. Các thẩm phán trước đây chỉ được bổ nhiệm nếu được chi bộ đảng Cộng sản thông qua, sau đó guồng máy tư pháp vẫn theo nếp cũ, dựa trên phe đảng, bè phái. Khi nào các doanh nhân cảm thấy có một hệ thống pháp lý an toàn họ mới sẵn sàng bỏ tiền làm ăn.

Vì đã sống trong nạn tham nhũng trong quá khứ, dân Ukraine mất tín nhiệm đối với giai tầng lãnh đạo. Tỷ số người tin tưởng vào các nhà chính trị là 60% vào cuối năm ngoái, vẫn giảm xuống chỉ còn 44% vào tháng Sáu vừa qua.

Điều đáng mừng nhất là người dân Ukraine còn rất lạc quan và hoàn toàn tín nhiệm ông Zelenskyy; 76% muốn tạm ngưng cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Phần lớn không ai than phiền về những quyền tự do bị hạn chế trong thời chiến. Đặc biệt, 82% dân chúng nghĩ Ukraine phải hoàn toàn độc lập; 42% đồng ý phải tiếp tục chiến đấu dù các thành phố đều bị Nga tàn phá; chỉ có 23% nghĩ rằng nên tìm cách thương thuyết. Với lòng dân như vậy, Ukraine đủ sức chịu đựng một cuộc chiến tranh lâu dài.

Tuy nhiên Ukraine vẫn cần phải được nước ngoài hỗ trợ, vì một mình không đủ sức đương đầu với Nga. Nếu dân Mỹ cảm thấy mệt mỏi thì Đức, Anh quốc, Pháp và các nước Âu châu khác sẽ phải đóng góp nhiều hơn. Vì nếu ông Vladimir Putin nuốt gọn Ukraine thì chính các nước này sẽ bị đe dọa. Các nước giáp giới Nga, ở Bắc Âu, Ba Lan, và vùng Baltic lo lắng nhất, cũng là những nước tích cực nhất trong việc trợ giúp Ukraine.

Ngô Nhân Dụng