Tôi xin mạn
phép trích câu thơ thứ
65 trong tác phẩm Chinh Phụ
Ngâm của Đặng Trần Côn qua bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm tựa cho bài viết
lần nầy để nhớ lại hành trình hơn nửa thế kỷ làm người lính Việt
Nam Cộng Hòa của riêng tôi và những người bạn cùng trang lứa
trong quân ngũ ngày đó. Người lính ấy, dù
chưa hoàn hảo trong ý nghĩa uy dũng, can trường theo quan niệm
văn hóa Đông phương, nhưng họ là những người lính bất
khuất, biết hy sinh thân xác, máu xương và ước mơ tuổi trẻ để
bảo vệ miền Nam. Người lính thua trận nhưng lẫm liệt trong lao
tù của địch; hiên ngang, bất khuất trước kẻ thắng cuộc và luôn
thể hiện tình yêu nước nồng nàn dù trong bất cứ hoàn cảnh
nào.
Bài viết nầy cũng lẩn quẩn trong vùng kỷ niệm đó. Kỷ niệm của những cựu sĩ quan Quân lực VNCH, một thời quân ngũ, một thuở hào hùng súng gươm giữ nước. Nhìn lại quá khứ, trong suốt cuộc chiến chống cộng sản trước 1975, đã có biết bao chiến hữu Khóa 2 Hiện dịch Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị thuộc các Quân Binh Chủng QL/VNCH, đã hy sinh thân xác, gởi tro cốt, xương tàn vào lòng đất Mẹ. Số lớn khác đã ướp máu đào trên biết bao chiến địa lừng danh để bảo vệ mảnh đất miền Nam. Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn biết bao hoang mộ của bạn bè trên khắp núi rừng Nam Bắc, sông biển xa xôi, bị vùi thây vì bị đòn thù hèn hạ của đối phương. Họ, những người lính Việt Nam Cộng Hòa mãi mãi không chết. Vì thân xác dù mất đi nhưng tên tuổi không bao giờ mất.
Mùa Thu 1968.
Chúng ta, 400 sinh viên Đại học dân sự toàn quốc, sau khi trúng tuyển
vào Khóa 2 SVSQ Hiện Dịch, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà
Lạt, đã được chia làm 2 đợt và được gởi vào Trung
Tâm Huấn Luyện Quang Trung 3 tháng để học căn bản quân sự
của người Lính chiến trước khi trở thành Sinh viên Sĩ quan Trường Đại
học/CTCT với thời gian thụ
huấn từ 1968 đến 1971.
Giã từ mái ấm gia
đình, trường học và ngậm ngùi chia tay người tình tuổi học trò. Buổi
chiều cuối tuần đầu tiên ở Vườn Tao Ngộ, Trung Tâm Huấn Luyện Quang
Trung, có gã lính mới, không đi phép, lang thang trong mấy câu lạc bộ, bỗng
nghe tiếng hát của ai sao giống tiếng lòng:
“Sao em không
đến chiều nay thứ Bảy. Sao em không lại đường vắng em yêu. Sao em không lại,
sao em không lại. Quân trường riêng tôi đứng đây, đếm từng chiếc lá thu
bay. Sao em không đến, sao em không đến. Để nắng chiều tắt trên cây soan già.
Quạnh vắng mình tôi bâng khuâng trông chờ. Nghe lòng thương thương nhớ nhớ. Nhớ
thương người em trong ước mơ. Đời tôi, từ ngày khoác áo chiến y…”
(Sao Em không
đến – Hoàng Nguyên)
Sau ba tháng ở
thao trường nắng cháy, chúng ta giã từ Quang Trung, mang
theo quân trang đầu đời và tâm tư “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào
kiệt, Xếp bút nghiên theo việc đao cung” để lên cao nguyên, về
Quân trường Đại học CTCT ĐàLạt có gió lạnh sương mù. Mỗi năm,
chúng ta có một mùa Văn hóa học tại Trường Đại học CTCT và một mùa
Quân sự theo học tại Trường Võ Bị Quốc Gia trên khu Chi Lăng. Suốt mùa
văn hóa, mỗi chiều, chúng ta đều phải tập quân hành mấy vòng
quanh Doanh trại. Và riêng tôi, cho đến giờ vẫn còn nhớ nằm lòng
lời ca hào hùng những hành khúc ngày ấy. Rất nhiều bài ca
nhưng tôi vẫn nhớ và thích nhất lời hát vừa bi hùng vừa lãng
mạn của bài ca tiễn đưa người lính chiến ra trận tiền.
Ra biên cương.
Ra biên cương. Thiết tha lòng gái, hôm nay nâng khăn hồng đưa chân anh hùng
ngàn phương. Ra biên cương. Ra biên cương. Bóng hôn hoàng xuống ven rừng,
qua non sông khuất mờ nẻo sương. Trăng non dị thường, ngựa tung vó bước
hiu hiu lá rơi lối mòn tuyết sương…
…Người ngàn
trùng, quên niềm son phấn. Biên ải như đuốc thiêng. Ôi non nước linh truyền. Ôi
tiếng hát câu nguyền. Đời gai chông, xin thề lưu luyến. Biên ải
xin hiến thân, Thấm thoát đã bao lần. Bao người đi đền nợ núi sông.
Người đi, không về. Chắc rằng có người nhớ…
(Phạm Duy –
Đường ra biên ải)
Bao bằng hữu đã
ra đi đền nợ núi sông. Ôi, lời ca lãng mạn và bi tráng vô cùng. Ra biên
cương, ra tiền đồn thì đâu có hẹn ngày về. Nhưng trong sâu thẳm của tình yêu,
gã lính trận vẫn còn niềm an ủi vô bờ là ở đâu đó, trong lòng hậu phương xa xăm
nhưng yêu dấu, trong lòng thủ đô Sài Gòn lung linh ánh sáng về đêm, vẫn
có người đêm đêm dõi mắt trông chờ, vẫn có người mong đợi và nhớ
thương “Chàng từ đi vào nơi gió cát, Đêm trăng nầy nghỉ mát nơi nao”.
Nhớ ngày ấy, có
nhiều lần tôi tự hỏi, nhạc sĩ Phạm Duy, cây cổ thụ trong khu vườn Âm
nhạc Việt Nam, khi viết bài ca nầy năm xưa có cảm thán chút gì từ bài Đường
thi “Xuất Tái” của Vương Chi Hoán (-742) thuở xưa không? Câu hỏi là
chuyện của 53 năm trước, khi tôi còn là Sinh Viên Sĩ Quan tại Quân
trường. Ba mươi năm sau, khi định cư Hoa Kỳ, trong một lần được hội
ngộ cùng Niên trưởng Trung Tá Thi sĩ Nhất Tuấn Phạm Hậu và
Nhạc sĩ Phạm Duy tại Seattle (Năm 2002), vài năm trước khi nhạc
sĩ đóng vai viễn khách hồi cư, về tìm lại Mẹ Việt Nam trong Trường Ca ông
viết năm xưa. Trong lần gặp đó, tôi có đề cập đến thắc mắc của mình về
nguyên nhân xuất xứ bài nhạc ông viết năm xưa. Nhạc sĩ Phạm
Duy xác nhận bài ca Đường Ra Biên Ải ông viết lúc ấy, đúng là do cảm
xúc khi đọc bài Xuất Tái của Vương Chi Hoán và cả bài Lương Châu Từ
của Vương Hàn, nó lãng mạn và hào hùng y hệt cái phong cách “tiểu tư sản” của
chính ông, khiến ông đã có thời gian bỏ Hà Nội đi theo kháng chiến trong
giai đoạn cao trào toàn dân vùng lên chống Pháp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn
sau, ông lại phải bỏ kháng chiến trốn về Hà Nội vì những khác biệt về ý thức hệ
đã trói buộc tư tưởng tự do của ông khiến ông không được thoải mái trong sáng
tác. Tôi ghi lại chuyện cũ thay cho lời cảm ơn và tưởng nhớ đến
Niên trưởng Trung Tá Phạm Hậu tức nhà thơ Nhất Tuấn, tác giả Thi tập
"Chuyện Chúng Mình" và nhạc sĩ Phạm Duy, cây cổ thụ trong vườn
Âm nhạc miền Nam mà tác phẩm của ông đã là một gia tài đồ sộ cho
văn học sử nước nhà. Tôi cũng xin được ghi lại
bài thơ Xuất Tái để chúng ta cùng đọc.
Xuất Tái
Hoàng Hà viễn
thượng bạch vân gian
Nhất phiến cô
thành vạn nhận san
Khương địch hà
tu oán dương liễu
Xuân phong bất
độ Ngọc môn quan.
(Vương Chi
Hoán)
Tôi mạo muội tạm
dịch
Ra Biên Ải
Hoàng
Hà in bóng mây cao
Núi xa vạn
trượng, thành hào cô đơn
Tiêu Khương
đừng oán liễu hờn
Đường ra biên ải
gió Xuân chưa về.
Ghi
chú: Chữ “nhận” trong câu thứ 2 có nghĩa là “trượng”, đơn vị đo
chiều dài đời nhà Chu bên Tàu.
Tháng giêng 1971,
khi mùa Xuân chưa mọc cỏ non, hoa lá Đà Lạt còn xôn xao chờ đợi nắng Xuân. Thì
387 tân Thiếu Úy Hiện dịch Khóa 2 Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt,
sau hơn 2 năm thụ huấn, đã mãn khóa ra trường và xuống núi nhập vào lửa khói
chiến trường Việt Nam. Từ Đông Hà xuống Phương Nam. Từ Ái Từ đến vùng Bảy Núi.
Từ Khe Sanh về mũi Cà Mau. Suốt một giài chiến trường miền Nam ngút ngàn khói lửa,
không địa danh nào thiếu bước chân Khóa 2 ĐH/CTCT. Từ Tiền đồn biên giới đến địa
đầu trấn ải mịt mờ chân mây. Với chúng ta, những người lính chiến VNCH,
thì hình ảnh của bài thơ “Xuất Tái” là chuyện có thực của chiến chinh. Gần
năm mươi ba qua, tôi vẫn nghe vang vang bài ca ngày ấy như kỷ
niệm một thuở chinh yên.
Càng nhớ càng
thương đời lính chiến,
Tan hàng đâu phải
việc riêng tây.
Lòng trai đã nặng
tình sông núi,
Thành bại – Thôi
đành gởi gió mây.
Gõ nhịp ta ca Từ
Qui khúc,
Ngàn năm thương
nhớ bóng trăng gầy.
Ta là lính chiến
Miền Nam Việt,
Ước nguyện ngày
nào vẫn còn đây.