09 November 2023

RU – Kim Thúy | Nguyễn Quang biên dịch

Nhà văn Kim Thúy và cuốn "Ru", ấn bản đầu tiên bằng tiếng Pháp

Trong tiếng Pháp, ru có nghĩa là dòng suối nhỏ và, theo nghĩa bóng, là dòng, dòng chảy – dòng nước mắt, dòng máu, dòng tiền (Le Robert historique).

Trong tiếng Việt, ru có nghĩa là lời ru, ru ngủ.

Tặng người dân đất nước.

Tôi cất tiếng khóc chào đời nhằm biến cố Tết Mậu Thân, vào những ngày đầu năm con khỉ, khi những tràng pháo dài treo trước cửa nhà đua nổ râm ran hòa cùng tiếng súng liên thanh.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ánh sáng ban ngày là ở Sài Gòn, nơi pháo nổ tan thành ngàn mảnh rải hồng mặt đất như những cánh hoa đào hay như máu của hai triệu người lính được triển khai đều khắp các làng mạc, thành thị của một nước Việt Nam vốn đã bị chia cắt làm đôi trước đó.

Tôi được sinh ra trong bóng đen của những mảnh trời rực rỡ với pháo hoa, và những vòng hoa ánh sáng, rồi bị bắn phá bởi rốc - két và tên lửa. Mục đích tôi sinh ra là để thay thế những sinh mạng đã mất. Nhiệm vụ của đời tôi là kéo dài cuộc sống của má tôi.

Tôi tên Nguyễn An Tịnh, má tôi tên Nguyễn An Tĩnh. Tên của tôi chỉ đơn giản là một biến thể của tên má bởi vì chỉ có một dấu nặng dưới chữ i để khu biệt, phân biệt, tách biệt tôi với má. Tôi là phần mở rộng của má, ngay cả trong ý nghĩa của tên tôi. Trong tiếng Việt, tên má có nghĩa là “nơi chốn yên bình” còn tên tôi là “cõi lòng yên bình”. Với hai cái tên gần như có thể hoán đổi cho nhau đó, má tôi minh định rằng tôi là phần tiếp nối của má và sẽ tiếp tục câu chuyện của bà. 

Lịch sử Việt Nam, được ghi bằng chữ LS viết hoa, đã phá hỏng kế hoạch của má tôi. Lịch sử đã hất bỏ những dấu thanh trên tên của chúng tôi xuống nước khi nó đưa chúng tôi qua Vịnh Xiêm La ba mươi năm trước. Nó cũng tước đi ý nghĩa của tên chúng tôi, ngay lập tức biến chúng thành những âm thanh xa lạ, xa lạ đối với tiếng Pháp. Đặc biệt, khi tôi lên mười, vai trò của tôi như là phần kế tục của má đã kết thúc.

***

Vì cuộc sống lưu vong của chúng tôi, các con tôi chưa bao giờ là phần mở rộng của tôi, của câu chuyện đời tôi. Tên chúng là Pascal và Henri, và chúng trông không giống tôi. Chúng có mái tóc sáng màu hơn tôi, da trắng, lông mi dày. Tôi không được trải nghiệm cảm giác làm mẹ tự nhiên mà tôi mong đợi khi chúng áp vào ngực tôi lúc ba giờ sáng, lúc nửa đêm. Bản năng làm mẹ đến với tôi muộn hơn nhiều, sau khi đã trải qua những đêm mất ngủ, những chiếc tã bẩn, những nụ cười bất ngờ, những niềm vui bất chợt.

Chỉ lúc đó tôi mới hiểu được tình thương của người mẹ ngồi đối diện tôi trước mũi thuyền, tay giữ cái đầu đầy ghẻ chốc hôi hám của đứa con bé bỏng. Hình ảnh đó hiện ra trước mắt tôi nhiều ngày và có lẽ nhiều đêm. Cái bóng đèn nhỏ lủng lẳng trên sợi dây dẫn gắn vào một cái đinh hoen gỉ phát ra thứ ánh sáng lờ mờ, không thay đổi. Ở sâu dưới thuyền không thể phân biệt được ngày hay đêm. Thứ ánh sáng bất biến đó bảo bọc chúng tôi khỏi cái bao la của biển cả và bầu trời vây quanh. Những người ngồi trên boong nói với chúng tôi rằng không thấy được ranh giới giữa màu xanh của trời và màu xanh của biển. Không ai biết liệu chúng tôi đang hướng tới thiên đường hay đang lao xuống vực sâu đại dương. Thiên đàng và địa ngục quấn lấy nhau trong lòng con thuyền. Thiên đàng hứa hẹn một bước ngoặt trong cuộc đời chúng tôi, một tương lai mới, một trang sử mới. Thế nhưng, địa ngục phô bày những nỗi sợ hãi của chúng tôi: sợ cướp biển, sợ chết đói, sợ bị nhiễm độc bởi bánh quy ướt đẫm dầu máy, sợ hết nước, sợ không thể đứng dậy được, sợ phải đi tiểu trong cái xô màu đỏ, chuyền từ tay người này sang người khác, sợ cái ghẻ trên đầu đứa bé lây lan, sợ không bao giờ được đặt chân lên mặt đất được nữa, sợ không bao giờ được nhìn thấy mặt ba má đang ngồi trong bóng tối với hai trăm con người vây quanh.

***

Trước khi thuyền chúng tôi nhổ neo giữa đêm trên bờ biển Rạch Giá, hầu hết mọi người chỉ có một nỗi sợ: sợ Cộng sản, lý do khiến chúng tôi bỏ trốn. Nhưng ngay khi con thuyền bị bao quanh, vây bọc bởi đường chân trời xanh một màu duy nhất, nỗi sợ hãi đã biến thành con quái vật có trăm bộ mặt, cưa đứt chân chúng tôi và khiến chúng tôi không cảm thấy tê cứng trong những cơ bắp bất động của mình. Chúng tôi đông cứng trong sợ hãi, vì sợ hãi. Chúng tôi không còn nhắm mắt khi nước tiểu của cậu bé ghẻ lở phun vào mình. Chúng tôi không còn bịt mũi trước chất nôn của người bên cạnh. Chúng tôi bị tê dại, bị giam cầm bởi vai của người này, chân của người kia, và sợ hãi của tất cả mọi người. Chúng tôi bị làm cho tê liệt.

 Câu chuyện về bé gái bị biển nuốt chửng sau khi trượt chân lúc nó đang đi dọc theo mạn thuyền lan truyền qua lòng con thuyền đầy mùi hôi thối như một thứ thuốc mê hoặc khí cười, biến cái bóng đèn đơn độc thành ngôi sao bắc cực, và bánh quy ướt dầu máy thành bánh quy bơ. Vị dầu trong cổ họng, trên lưỡi, trong đầu đưa chúng tôi chìm vào giấc ngủ theo nhịp hát ru con của người phụ nữ bên cạnh tôi.

Ba tôi đã lên kế hoạch, nếu chẳng may gia đình chúng tôi bị Cộng sản hoặc cướp biển bắt giữ, sẽ đưa chúng tôi vào giấc ngủ vĩnh hằng, giống như Người đẹp ngủ trong rừng, bằng những viên thuốc xyanua. Một thời gian dài sau đó, tôi vẫn thắc mắc tại sao ba không nghĩ đến việc cho chúng tôi lựa chọn, tại sao ba lại tính tước đi của chúng tôi cơ hội sống sót.

Tôi không còn tự hỏi mình câu hỏi đó nữa khi tôi trở thành người mẹ, khi bác sĩ Vinh, một bác sĩ phẫu thuật được đánh giá cao ở Sài Gòn, kể cho tôi nghe bằng cách nào ông đã lần lượt đưa năm đứa con của mình, từ cậu bé mười hai tuổi đến cô bé năm tuổi, một mình, lên năm con thuyền khác nhau, vào năm thời điểm khác nhau, mang chúng ra khơi, tránh xa những cáo buộc của nhà cầm quyền Cộng sản treo trên đầu ông. Ông đoan chắc rằng mình sẽ chết trong tù vì bị buộc tội giết một số đồng chí Cộng sản bằng cách làm phẫu thuật cho họ, ngay cả khi họ chưa bao giờ đặt chân vào bệnh viện của ông. Ông hy vọng sẽ cứu được một, có thể là hai đứa con của mình bằng việc thả chúng xuống biển theo cách này. Tôi gặp bác sỹ Vinh trên bậc thềm nhà thờ, mùa đông ông hốt tuyết, mùa hè ông quét dọn để cảm ơn vị linh mục đã làm cha nuôi các con ông, đã nuôi nấng cả năm đứa tuần tự khôn lớn, cho đến khi ông ra tù.

***

Tôi đã không gào to và không khóc khi được thông báo rằng con trai Henri của tôi là một tù nhân trong thế giới của chính nó, khi người ta xác nhận rằng nó là một trong những đứa trẻ không nghe được, không nói được với chúng tôi, mặc dù chúng không điếc cũng không câm. Nó cũng là một trong những đứa trẻ mà chúng ta phải yêu thương từ xa, không được chạm vào, không được hôn, không được cười với chúng bởi vì mọi giác quan của chúng sẽ bị công kích bởi mùi da thịt, bởi cường độ giọng nói của chúng ta, bởi độ mượt của mái tóc, nhịp đập của trái tim chúng ta. Có lẽ con sẽ không bao giờ gọi tôi là má một cách âu yếm, ngay cả khi nó có thể phát âm từ “poire” (quả lê) với tất cả sự tròn trịa và gợi cảm của âm “oi” (oa). Nó sẽ không bao giờ hiểu tại sao tôi lại khóc khi thấy nó cười lần đầu tiên. Nó sẽ không biết rằng, nhờ có nó mà mọi tia sáng niềm vui đã trở thành phước lành và tôi sẽ tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại căn bệnh tự kỷ, ngay cả khi tôi thừa hiểu rằng tôi sẽ bất khả chiến thắng.

Tôi đã bị đánh bại, bị lột trần, bị hạ gục.

Khi tôi nhìn thấy những bông tuyết đầu tiên của mình qua ô cửa sổ của máy bay ở Sân bay Mirabel, tôi cũng cảm thấy mình trần trụi, nếu không muốn nói là khỏa thân hoàn toàn. Bất chấp chiếc áo chui đầu ngắn tay màu cam mua ở trại tị nạn Mã Lai trước khi chúng tôi sang Canada, và cả chiếc áo len rộng thùng thình màu nâu do phụ nữ Việt Nam đan, tôi vẫn có cảm giác trần như nhộng. Một số người trong chúng tôi trên máy bay lao tới cửa sổ, há hốc miệng, vẻ mặt sửng sốt. Sau một thời gian dài ở những nơi không có ánh sáng, một khung cảnh trắng xóa, trinh nguyên như vậy chỉ có thể làm chúng tôi lóa mắt, quáng mắt, khiến chúng tôi say sưa. Tôi ngạc nhiên bởi tất cả những âm thanh xa lạ chào đón chúng tôi cũng như kích thước của tác phẩm điêu khắc băng trong khi để mắt đến một chiếc bàn ngập các món ăn: bánh mỳ nướng, món khai vị, những món ngon, món nào cũng sặc sỡ hơn món trước. Tôi không nhận ra món ăn nào, nhưng tôi biết rằng đây là một nơi thú vị, một vùng đất bình dị. Tôi giống như con trai Henri của tôi: không nói được, không nghe được, mặc dù tôi không điếc cũng không câm. Lúc này, tôi không có điểm tham chiếu, không có công cụ cho phép tôi mơ ước, phóng chiếu bản thân vào tương lai, để có thể trải nghiệm hiện tại, trong hiện tại.

***
Người thầy đầu tiên của tôi ở Canada đã đi cùng chúng tôi, bảy người trẻ nhất trong nhóm người Việt Nam, qua cây cầu dẫn đến hiện tại. Cô giáo đã theo dõi sự hội nhập của chúng tôi với tất cả sự nhạy cảm của một người mẹ dành cho đứa con sinh non của mình. Chúng tôi bị thôi miên bởi động tác lắc chậm rãi và vững vàng của cái hông cân đối, cái mông tròn trịa và hào phóng của cô. Giống như một con vịt mẹ, cô đi trước chúng tôi, bảo chúng tôi theo cô đến thiên đường nơi chúng tôi sẽ lại là những đứa trẻ, chỉ đơn giản là những đứa trẻ, xung quanh là màu vẽ, tranh vẽ và các thứ linh tinh. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn cô vì đã cho tôi khao khát đầu tiên với tư cách là một người nhập cư: có thể lắc mông như cách cô đã làm. Không một người Việt Nam nào trong nhóm chúng tôi sở hữu sự phong phú, phóng khoáng, tự tin ở những đường cong như cô. Tất cả chúng tôi đều góc cạnh, xương xẩu, cứng cỏi. Và vì vậy, khi cô ấy cúi xuống, đặt tay lên tay tôi, nói, "Tên tôi là Marie - France, bạn tên gì?" Tôi lặp đi lặp lại từng âm tiết của cô mà không chớp mắt, không cần hiểu, bởi vì tôi được ru ngủ bởi vẻ mát mẻ, sự nhẹ nhàng, và mùi nước hoa ngọt ngào quyện vào nhau. Tôi không hiểu một từ nào cô nói, chỉ hiểu giọng nói êm dịu của cô, nhưng thế là đủ. Quá đủ.

***

Khi về đến nhà, tôi lặp lại chuỗi âm thanh tương tự với ba má: “Tôi tên là Marie - France, bạn tên gì?” Ba má hỏi tôi đã đổi tên rồi à. Chỉ trong nháy mắt, thực tế hiện tại của tôi đã bắt kịp tôi, khi sự câm điếc trong khoảnh khắc ấy đã xóa đi những giấc mơ của tôi và do đó, xóa luôn cả sức mạnh để nhìn về phía trước, để nhìn xa về tương lai.

Ba má tôi, mặc dù đã nói được tiếng Pháp, nhưng cũng không thể nhìn xa về tương lai, vì họ đã bị loại khỏi khóa Nhập môn tiếng Pháp, nghĩa là bị gạch tên khỏi danh sách những người sẽ nhận được khoản trợ cấp bốn mươi đô la một tuần. Họ quá thừa tiêu chuẩn cho khóa học nhưng lại không đủ tiêu chuẩn cho mọi thứ khác. Không thể nhìn về tương lai của chính mình, ba má nhìn về tương lai của chúng tôi, cho chúng tôi, con cái của họ.

***

Vì chúng tôi, ba má không nhìn thấy những tấm bảng đen họ lau sạch, nhà vệ sinh trường học họ cọ rửa, những cái chả giò họ giao. Họ chỉ nhìn thấy những gì ở phía trước. Và vì vậy, để tiến bộ, các anh tôi và tôi đã đi tới nơi mà đôi mắt ba má hướng chúng tôi tới. Tôi đã gặp những bậc cha mẹ mà ánh mắt của họ đã bị dập tắt, một số dưới sức nặng của thân xác của tên cướp biển, những người khác đã trải qua quá nhiều năm trong các trại cải tạo của Cộng sản - không phải trại chiến trong thời chiến, mà là trại thời bình sau chiến tranh.

***

Khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng chiến tranh và hòa bình là hai mặt đối lập. Tuy nhiên, tôi đã sống trong hòa bình khi Việt Nam chìm trong máu lửa và tôi không trải qua chiến tranh cho đến khi Việt Nam hạ vũ khí. Tôi tin rằng chiến tranh và hòa bình thực ra là những người bạn vốn hay chế nhạo chúng ta. Chúng đối xử với chúng ta như kẻ thù khi điều đó làm chúng hài lòng, bất kể cái định nghĩa hay vai trò mà chúng ta gán cho chúng. Do đó, có lẽ chúng ta không nên quá coi trọng bề ngoài của người này hay người kia để quyết định quan điểm của mình. Tôi đủ may mắn có được những bậc cha mẹ có thể giữ quan điểm kiên định, bất chấp họ có tâm trạng như thế nào, ở bất kỳ thời điểm nào. Má tôi thường đọc câu ngạn ngữ viết trên bảng đen khi má học lớp tám ở Sài Gòn: Ðời là chiến trận, nếu buồn là thua. “Cuộc đời là một cuộc chiến nơi nỗi buồn dẫn đến thất bại.”

***

Má tôi đánh những trận đầu tiên khá muộn màng, không hề buồn phiền. Má đi làm lần đầu trong đời ở tuổi ba mươi tư, đầu tiên làm công việc dọn dẹp, sau đó làm các công việc ở nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng. Trước đây, trong cuộc sống mà má đã đánh mất, là con gái lớn của một tỉnh trưởng, tất cả những gì má làm là giải quyết tranh cãi giữa đầu bếp món ăn Pháp và đầu bếp món ăn Việt trong sân nhà, hay đảm nhận vai quan tòa trong những cuộc tình bí mật giữa những người giúp việc nữ và người giúp việc nam. Ngoài việc đó ra, má dành cả buổi chiều để làm tóc, trang điểm, mặc quần áo để đi cùng ba đến dự các sự kiện xã hội. Nhờ cuộc sống xa hoa mà má đã sống, bà có thể mơ tất cả những giấc mơ mình muốn, đặc biệt là những giấc mơ má mơ cho chúng tôi. Má đang chuẩn bị cho anh em chúng tôi cùng lúc vừa trở thành nhạc sĩ, nhà khoa học, chính trị gia, vừa là vận động viên, nghệ sĩ và là người biết nhiều ngôn ngữ.

***

Tuy nhiên, ở đâu đó xa chỗ chúng tôi, máu vẫn chảy, bom đạn vẫn rơi, nên má dạy chúng tôi biết hạ mình như những người giúp việc. Mỗi ngày, bà bắt tôi chùi bốn viên gạch hoa trên sàn nhà và ngắt từng cái rễ của hai mươi mầm giá đậu. Má đang chuẩn bị cho chúng tôi phòng khi suy sụp. Bà đã đúng khi làm thế, bởi vì rất nhanh sau đó ngay cái sàn nhà dưới chân, chúng tôi cũng không có nữa.

***

Những đêm tị nạn đầu tiên ở Mã Lai, chúng tôi ngủ ngay trên nền đất đỏ, không có sàn nhà. Hội Chữ thập đỏ đã xây dựng các trại tị nạn ở các quốc gia kề cận với Việt Nam để tiếp nhận thuyền nhân – những người sống sót sau hành trình trên biển. Những người khác, những người đã ngã xuống trong cuộc vượt biển, không có tên. Họ đã chết một cách vô danh. Chúng tôi nằm trong số những người đủ may mắn để dạt vào vùng đất khô. Chúng tôi cảm thấy được ban ơn phước khi nằm trong số hai ngàn người tị nạn ở tại một trại dự tính dành cho hai trăm người.

***

Chúng tôi dựng một cái lều trên những cọc gỗ ở một nơi hẻo lánh của trại, bên sườn đồi. Trong nhiều tuần, hai lăm thành viên của năm gia đình làm việc cùng nhau, chặt lén một số cây trong khu rừng gần đó, rồi chôn chúng xuống đất sét mềm, gắn vào sáu tấm ván ép để tạo thành một sàn nhà lớn, và phủ sườn nhà bằng một tấm vải nhựa màu xanh lam. Chúng tôi may mắn tìm được đủ bao đựng gạo bằng vải bố và nylon để che quanh bốn mặt lều, cũng như ba mặt của phòng tắm chung. Bên nhau, hai cấu trúc ấy trông giống như một bảo tàng sắp đặt của một nghệ sĩ đương đại. Ban đêm, chúng tôi ngủ ép sát vào nhau đến nỗi không bao giờ thấy lạnh, kể cả khi không có chăn. Vào ban ngày, sức nóng do lớp vải nhựa màu xanh hấp thụ khiến không khí trong lều của chúng tôi trở nên ngột ngạt. Vào những ngày và những đêm mưa, nước chảy vào qua các lỗ do lá, cành cây và thân cây mà chúng tôi phủ thêm cho mát đâm thủng.

Nếu một nhà biên đạo múa ở dưới tấm vải nhựa vào một ngày hay đêm mưa, chắc chắn sẽ diễn lại cảnh tượng: hai mươi lăm người, già trẻ lớn bé, đứng trên đôi chân của mình, mỗi người cầm một cái lon sắt để hứng nước nhỏ xuống từ mái nhà, đôi khi chảy thành dòng, đôi khi từng giọt, từng giọt. Nếu một nhạc sĩ có mặt ở đó, sẽ nghe thấy bản hòa tấu do tất cả những giọt nước đập vào thành lon sắt tạo nên. Nếu một nhà làm phim có mặt ở đó, sẽ nắm bắt được vẻ đẹp của sự đồng lõa thầm lặng và tự phát giữa những con người khốn khổ. Nhưng ở đó chỉ có chúng tôi, đứng trên một sàn nhà đang dần lún sâu vào đất sét. Sau ba tháng, nó nghiêng hẳn sang một bên đến mức tất cả chúng tôi phải tìm những tư thế ngủ mới, để phụ nữ và trẻ em đang ngủ không bị trượt vào những chiếc bụng béo của những người kế bên.

***

Bất chấp tất cả ngần ấy đêm khi giấc mơ của chúng tôi trôi tuột theo cái sàn dốc, má tôi vẫn nuôi những cao vọng về tương lai của chúng tôi. Má đã tìm thấy một kẻ đồng mưu. Chú ấy còn trẻ và chắc chắn là ngây thơ vì dám phô bày niềm vui và sự thư thái giữa cuộc sống hàng ngày buồn tẻ và trống trải của chúng tôi. Chú và má cùng nhau khởi đầu một lớp học tiếng Anh. Chúng tôi dành cả buổi sáng học với chú, lặp đi lặp lại những từ mà chúng tôi không hiểu. Nhưng tất cả chúng tôi đều có mặt ở đó vì chú đã có thể nâng bầu trời lên và cho chúng tôi thoáng thấy một chân trời mới, cách xa những cái hố toang hoác chứa đầy phân của hai nghìn người trong trại. Không có khuôn mặt của chú, chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được một chân trời không có ruồi, giun và mùi khó chịu. Không có mặt chú, chúng tôi không thể tưởng tượng được có ngày chúng tôi sẽ không còn ăn những con cá ươn người ta quẳng cho mỗi chiều khi phát khẩu phần ăn. Nếu không có khuôn mặt chú, chắc hẳn chúng tôi đã mất đi khát khao vươn tay nắm lấy những ước mơ của mình.

***

Thật không may, sau tất cả các buổi sáng học với giáo viên tiếng Anh ngẫu hứng này, tôi chỉ nhớ một câu: Số thuyền của tôi là KG0338. Hóa ra nó hoàn toàn vô ích vì tôi chưa bao giờ có cơ hội nói ra, kể cả trong buổi kiểm tra y tế của phái đoàn Canada. Người bác sĩ thường trực không nói với tôi một lời nào. Ông kéo giây thun quần của tôi để xác nhận giới tính của tôi thay vì hỏi, Con trai hay con gái? Tôi cũng biết hai từ đó. Vẻ ngoài của một cậu bé mười tuổi và một cô bé mười tuổi chắc hẳn rất giống nhau, bởi vì chúng tôi đều gầy gò. Và thời gian khám rất ngắn: rất đông những người khác đang đợi ở phía bên kia cánh cửa. Trời nóng khủng khiếp trong phòng khám nhỏ có cửa sổ mở ra một con hẻm ồn ào, nơi hàng trăm cái xô lấy nước va chạm vào cái bơm. Chúng tôi người đầy ghẻ và chấy rận và tất cả chúng tôi đều mang vẻ mặt của những kẻ lạc lõng, mông muội…

***

Trong mọi trường hợp, tôi nói rất ít, đôi khi chẳng nói gì cả. Suốt thời thơ ấu, cô chị họ Sao Mai luôn nói giùm tôi vì tôi là cái bóng của chị: cùng tuổi, cùng lớp, cùng giới nhưng mặt chị ở phía sáng còn mặt tôi thì ở phía tối, phía bóng đen, câm lặng.

***

Má tôi muốn tôi phải chuyện trò, học tiếng Pháp càng nhanh càng tốt, cả tiếng Anh nữa, vì tiếng mẹ đẻ của tôi không hẳn là kém cỏi mà là vô dụng. Bắt đầu từ năm thứ hai của tôi ở Quebec, má gửi tôi đến một doanh trại thiếu sinh quân nói tiếng Anh. Má nói với tôi rằng đó là cách mà tôi có thể học tiếng Anh miễn phí. Nhưng má đã nhầm, nó chẳng hề miễn phí chút nào. Tôi đã phải trả giá, mà là giá đắt. Có khoảng bốn mươi học viên, tất cả đều cao lớn, tràn trề năng lượng và quan trọng nhất là, đang tuổi thiếu niên. Họ tỏ ra nghiêm túc khi kiểm tra tới từng chi tiết nhỏ nếp gấp cổ áo, góc đội chiếc mũ nồi, độ bóng của đôi ủng. Đứa lớn mắng đứa nhỏ. Chúng chơi trò chiến tranh, cái trò ngớ ngẩn, mà chẳng hiểu gì. Và tôi thì không hiểu chúng. Tôi cũng không hiểu tại sao tên của học viên hàng xóm ở cùng dãy nhà với tôi lại được cấp trên nhắc đi nhắc lại. Có lẽ ông muốn tôi nhớ tên của cậu thiếu niên cao gấp đôi tôi. Cuộc đàm thoại bằng tiếng Anh đầu tiên của tôi bắt đầu bằng việc tôi nói với nó vào cuối buổi học: “Chào mi, thằng khốn.”

***

Má thường đặt tôi vào những tình huống vô cùng xấu hổ. Một lần, bà sai tôi đi mua đường ở tiệm tạp hóa ngay dưới căn hộ đầu tiên của chúng tôi. Tôi đã đi nhưng không tìm thấy đường. Má bắt tôi quay lại và thậm chí còn khóa cửa sau lưng tôi, nói: “Không mua được đường thì đừng có về!” Má đã quên rằng tôi là người câm điếc. Tôi ngồi trên bậc thềm tiệm tạp hóa cho đến giờ đóng cửa, khi người bán hàng cầm tay và dẫn tôi đến chỗ bịch đường. Ông ấy đã hiểu ra, cho dù đối với tôi từ “đường” là cay đắng.

Trong một thời gian dài, tôi đã nghĩ rằng má thích thú với việc liên tục cho tôi ra rìa. Khi tôi đã có những đứa con của chính mình, cuối cùng tôi cũng hiểu rằng lẽ ra tôi nên nhìn thấy bà đằng sau cánh cửa khóa chặt, dán mắt vào lỗ khóa nhìn theo; Lẽ ra tôi phải nghe má nói chuyện điện thoại với người bán tạp hóa khi tôi đang ngồi trên bậc thềm rơm rớm nước mắt. Sau này tôi cũng hiểu rằng má chắc chắn đã nuôi những ước mơ về tôi, nhưng trên hết má đã cho tôi những phương cách để tôi bén rễ trở lại, và có thể ước mơ.

***

Thị trấn Granby là mái ấm đã che chở cho chúng tôi trong năm đầu tiên ở Canada. Người dân địa phương lần lượt cưu mang chúng tôi. Các bạn học lớp tôi xếp hàng để mời chúng tôi về nhà ăn trưa, thế nên mỗi buổi trưa của chúng tôi đều có gia đình dành chỗ. Và lần nào chúng tôi cũng trở lại trường với cái bụng gần như trống rỗng vì không biết dùng nĩa để ăn cơm. Chúng tôi không biết làm thế nào để nói với họ rằng thứ thức ăn nào đó rất lạ đối với chúng tôi, rằng họ thực sự không cần phải đến mọi cửa hàng tạp hóa để tìm kiếm hộp cơm Minute Rice cuối cùng. Chúng tôi không thể nói chuyện cũng không thể hiểu họ. Nhưng đó không phải là điều chính. Có sự hào phóng và lòng biết ơn trong từng hạt cơm còn sót lại trên đĩa ăn của chúng tôi. Cho đến hôm nay, tôi vẫn tự hỏi liệu lời nói có thể làm vấy hỏng những giây phút phúc lành đó hay không. Và liệu có phải đôi khi tình cảm được hiểu rõ hơn trong im lặng, như tình cảm giữa Claudette và Monsieur Kiệt. Những khoảnh khắc đầu tiên họ ở bên nhau không tả được bằng lời, nhưng Monsieur Kiệt đã đồng ý đặt đứa con của mình vào vòng tay của Claudette mà không hề băn khoăn: một đứa bé, đứa con của ông, mà ông đã tìm thấy trên bờ biển sau khi bị lật thuyền trong cơn sóng dữ. Ông không tìm thấy vợ mình, chỉ có đứa con trai đang được sinh ra lần thứ hai mà không có mẹ. Claudette dang rộng vòng tay với họ và giữ họ bên mình trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm.

***

Johanne cũng chìa tay về phía tôi. Bạn ấy thích tôi mặc dù tôi đội một cái mũ có túp len với logo McDonald, dù tôi đã núp sau thùng một chiếc xe tải cùng với năm mươi người Việt Nam khác để đi làm việc trên những cánh đồng quanh Eastern Townships sau giờ học. Johanne muốn tôi vào học trường trung học tư thục với bạn ấy vào năm sau. Tuy nhiên, bạn ấy biết rằng chiều chiều trong sân ngôi trường đó, tôi đợi những chiếc xe tải của các chủ trại đưa chúng tôi đi làm việc đồng áng bất hợp pháp, hái những bao đậu để kiếm vài đô la tiền công.

Johanne cũng đưa tôi đi xem phim, dù tôi đang mặc một cái áo sơ mi bán giảm giá chỉ 88 xu, bị thủng một lỗ gần một đường may. Sau bộ phim Fame, bạn ấy đã dạy tôi hát ca khúc chủ đề trong phim bằng tiếng Anh, “I sing the body electric,” mặc dù tôi không hiểu lời bài hát hay cuộc trò chuyện của bạn ấy với em gái và cha mẹ mình quanh lò sưởi. Chính Johanne cũng là người đã đỡ tôi sau cú ngã đầu tiên của tôi khi chúng tôi đi trượt băng, người đã vỗ tay và hét tên tôi trong đám đông khi Serge, một người bạn cùng lớp cao gấp ba lần tôi, dang tay ôm tôi cùng với quả bóng và ghi một bàn thắng.

Tôi tự hỏi có thực là tôi đã không hư cấu ra người bạn ấy của tôi. Tôi đã gặp nhiều người tin vào Chúa, nhưng điều tôi tin lại là thiên thần, và Johanne là một thiên thần. Bạn ấy là một trong các thiên thần đã nhảy dù xuống thị trấn để điều trị sốc cho chúng tôi. Hàng chục người đã xuất hiện trước cửa nhà chúng tôi để trao cho chúng tôi quần áo ấm, đồ chơi, lời mời, ước mơ. Tôi thường cảm thấy bên trong chúng tôi không có đủ chỗ để tiếp nhận mọi thứ chúng tôi được cung cấp, để đón nhận tất cả những nụ cười đến với chúng tôi. Làm thế nào chúng tôi có thể ghé thăm Granby Zoo hơn hai lần mỗi cuối tuần? Làm thế nào chúng tôi có thể biết được giá trị của một chuyến cắm trại ở nông thôn? Làm thế nào để thưởng thức món trứng tráng với xi - rô cây phong?

***

Tôi có một bức ảnh chụp ba tôi được những người bảo trợ chúng tôi ôm hôn, một gia đình tình nguyện viên mà chúng tôi được chỉ định. Họ dành những ngày chủ nhật để đưa chúng tôi đi chợ trời. Họ thay mặt chúng tôi thương lượng rất quyết liệt để chúng tôi có thể mua nệm, bát đĩa, giường, ghế sofa - nói cho gọn là những thứ thiết yếu - với khoản trợ cấp ba trăm đô la của chính phủ để trang bị cho ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi ở Quebec. Một trong những người bán hàng đã thêm cho ba tôi một chiếc áo len cổ lọ màu đỏ. Ba đã mặc nó một cách tự hào mỗi ngày vào mùa xuân đầu tiên của chúng tôi ở Quebec. Giờ đây, nụ cười rộng mở của ba trong bức ảnh từ thời đó đã khiến chúng tôi quên mất rằng đó là chiếc áo len nữ, thắt ở eo. Đôi khi không biết hết mọi thứ lại hay.

Tất nhiên, có những lúc chúng tôi muốn biết nhiều hơn. Ví dụ, muốn biết trong những cái nệm cũ của chúng tôi có bọ chét không. Nhưng những chi tiết đó không quan trọng vì chúng không hiển thị trong ảnh. Trong mọi trường hợp, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã miễn nhiễm với các vết đốt, rằng không con bọ chét nào có thể xuyên qua làn da rám nắng của chúng tôi dưới ánh mặt trời Mã Lai. Quả thực, gió lạnh và tắm nước nóng đã tẩy sạch chúng tôi, khiến các vết cắn đau không chịu nổi còn vết ngứa thì rỉ máu.

Chúng tôi đã quẳng những tấm nệm mà không cho những người bảo trợ hay biết. Chúng tôi không muốn làm họ thất vọng, vì họ đã dành cho chúng tôi tấm lòng và thời gian. Chúng tôi biết ơn sự hào phóng của họ, nhưng vẫn chưa biết ơn đủ: chúng tôi chưa biết đến giá trị của thời gian, giá trị đích thực và sự khan hiếm cực kỳ của nó.

***

Trong một năm tròn, Granby là hiện thân của thiên đường trên trái đất. Tôi không thể tưởng tượng ra một nơi nào tốt hơn trên thế giới, ngay cả khi chúng tôi bị ruồi ăn thịt giống như ở trại tị nạn. Một nhà thực vật học địa phương đã đưa bọn trẻ chúng tôi đến những đầm lầy nơi mọc chi chít hàng ngàn cây cỏ đuôi mèo và cho chúng tôi xem các loài côn trùng. Ông ấy không biết rằng chúng tôi đã gãi rát vai với bọn ruồi trong các trại tị nạn trong nhiều tháng. Chúng bám vào các cành cây chết khô gần hố phân, bên cạnh cái lều của chúng tôi. Chúng bu quanh cành cây giống như những quả mọng của cây tiêu hay quả lý chua. Chúng nhiều vô kể, và to đến mức chẳng cần phải bay để hiện diện trước mắt chúng tôi, trong cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không cần phải im lặng để nghe thấy ruồi. Thế mà bây giờ người hướng dẫn thực vật học lại thì thầm bảo chúng tôi hãy lắng nghe tiếng vo ve và tìm cách hiểu chúng.

***

Tôi thuộc nằm lòng tiếng ruồi. Tôi chỉ cần nhắm mắt là nghe thấy chúng lại vo ve xung quanh mình, bởi vì trong nhiều tháng trời, con bé nhỏ thó cao chỉ một mét đã phải ngồi xổm trên một cái hố khổng lồ ngập đầy phân, dưới cái nắng chói chang của xứ Mã Lai. Tôi phải nhìn chằm chằm vào cái màu nâu khó tả ấy không chớp mắt để không bị trượt chân trên hai tấm ván kê sau cánh cửa của một trong mười sáu hố xí mỗi khi đặt chân đến đó. Tôi phải giữ thăng bằng, tránh bị ngất khi phân của tôi hay của người ở hố xí bên cạnh văng tung tóe. Những lúc đó tôi trốn thoát bằng cách lắng nghe tiếng vo ve của ruồi. Một lần, tôi bị rớt mất chiếc dép ở khe hở giữa hai tấm ván khi bước đi quá nhanh. Nó rơi xuống hố mà không chìm, lềnh bềnh ở đó như một chiếc thuyền trôi dạt.

***

Tôi đã đi chân đất nhiều ngày, chờ má tìm thấy một chiếc dép mồ côi của một đứa trẻ khác cũng bị mất một chiếc như tôi. Tôi đặt chân trần lên lớp đất sét nơi mà một tuần trước đó giòi còn bò lổm ngổm. Với mỗi trận mưa lớn, hàng trăm nghìn con lại trồi lên khỏi hố, như thể được triệu tập bởi một đấng cứu rỗi. Tất cả chúng đều hướng về phía ngọn đồi của chúng tôi và leo lên không mệt mỏi, không bao giờ rơi ngã. Chúng trườn lên chân chúng tôi, tất cả cùng một nhịp điệu, biến lớp đất sét đỏ thành một tấm thảm trắng nhấp nhô. Chúng đông đảo tới mức chúng tôi đã bỏ cuộc trước khi bắt đầu chiến đấu. Chúng trở nên bất khả chiến bại, còn chúng tôi thành ra bị tổn thương. Chúng tôi để chúng mở rộng lãnh thổ của mình cho đến khi tạnh mưa, lúc mà đến lượt mình, chúng bị tổn thương.

***

Khi người Cộng sản vào Sài Gòn, gia đình tôi đã giao nộp một nửa tài sản nhà cửa vì chúng tôi đã thành kẻ bị tổn thương. Một bức tường gạch được dựng lên để thiết lập hai địa chỉ: một cho chúng tôi và một cho trụ sở công an địa phương.

Một năm sau, những người chức trách từ chính quyền mới đến để dọn luôn một nửa ngôi nhà còn lại và đuổi chúng tôi đi. Các nhân viên kiểm kê đến sân nhà chúng tôi mà không báo trước, không có sự ủy quyền, không có lý do gì. Họ yêu cầu tất cả những người có mặt tập trung tại phòng khách. Ba má tôi đi vắng nên các nhân viên kiểm tra đợi họ, ngồi trên mép những chiếc ghế trang trí nghệ thuật, lưng thẳng, không một lần chạm vào hai vuông vải lanh trắng có thêu hoa văn tinh xảo trang trí trên tay vịn. Má tôi là người đầu tiên xuất hiện sau cánh cửa sắt rèn có lắp kính. Bà mặc chiếc váy ngắn xếp li màu trắng và đôi giày chạy bộ. Sau lưng bà, ba tôi vừa đi vừa kéo mấy cái vợt tennis, mặt vẫn còn lấm tấm mồ hôi. Chuyến thăm bất ngờ của nhân viên kiểm kê đã ném chúng tôi về với hiện tại trong khi chúng tôi vẫn đang thưởng thức những khoảnh khắc cuối cùng của quá khứ. Tất cả người lớn trong nhà được lệnh ở trong phòng khách trong khi các nhân viên bắt đầu kiểm kê.

Bọn trẻ con chúng tôi có thể đi theo họ từ tầng này sang tầng khác, từ phòng này sang phòng khác. Họ niêm phong các ngăn kéo, tủ quần áo, bàn trang điểm, két sắt. Họ thậm chí còn niêm phong những chiếc ngăn kéo lớn chứa đầy áo ngực của bà tôi và sáu cô con gái của bà mà không mô tả bên trong. Tôi thấy hình như người kiểm kê trẻ thấy xấu hổ khi nghĩ đến tất cả những cô gái ngực tròn trong phòng khách mặc những bộ đồ ren đẹp nhập khẩu từ Paris. Tôi cũng nghĩ rằng anh ta để trống tờ giấy, không có mô tả gì về những thứ bên trong tủ quần áo, bởi vì anh ta lòng đầy ham muốn nên không thể viết mà không run. Nhưng tôi đã lầm: anh ta không biết áo ngực dùng để làm gì. Theo ý anh ta, chúng trông giống như những cái lọc cà phê của mẹ anh, làm bằng vải khâu quanh một vòng kim loại, đầu xoắn lại của vòng này dùng làm tay cầm.

Dưới chân cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, đêm nào mẹ anh cũng đổ đầy cà phê vào cái lọc rồi nhúng vào cái ấm nhôm pha cà phê để pha vài cốc bán cho khách qua đường. Vào mùa đông, cô ấy đặt cái cốc vừa đủ ba ngụm cà phê vào một cái bát đổ đầy nước nóng để giữ ấm trong khi khách uống ngồi trò chuyện trên những chiếc ghế dài kê cao hơn mặt đất chút ít. Khách hàng của cô nhận ra cô nhờ ngọn đèn dầu nhỏ xíu đặt trên cái bàn chế biến nhỏ xíu, bên cạnh ba điếu thuốc được bày trên đĩa. Mỗi buổi sáng, nhân viên kiểm kê trẻ tuổi, lúc ấy vẫn còn là một đứa trẻ, thức dậy với cái lọc cà phê bằng vải nâu thường được vá lại, đôi khi vẫn còn ướt và treo trên một chiếc đinh đóng cao hơn đầu. Tôi nghe thấy anh ta nói chuyện với các nhân viên khác ở một góc cầu thang. Anh ta không hiểu tại sao gia đình tôi lại có rất nhiều cái lọc cà phê được cất trong ngăn kéo có lót giấy lụa. Và tại sao chúng lại là lọc đôi? Có phải vì chúng tôi luôn uống cà phê với một người bạn?

Người kiểm kê trẻ đã hành quân trong rừng từ năm 12 tuổi để giải phóng miền Nam Việt Nam khỏi “bàn tay lông lá” của người Mỹ. Anh đã từng ngủ trong địa đạo dưới lòng đất, từng có lần ở dưới ao nhiều ngày, núp dưới lục bình, nhìn thấy xác đồng đội hy sinh để chặn những khẩu pháo bị tuột, sống qua những đêm sốt rét giữa tiếng trực thăng và tiếng đạn nổ. Trừ hàm răng nhuộm đen tuyền của mẹ, anh đã quên mất khuôn mặt của bố mẹ mình. Thế thì làm sao anh ta có thể đoán được cái áo ngực dùng để làm gì? Trong rừng, các chàng trai và cô gái có những vật dụng giống hệt nhau: một cái mũ cối màu xanh lá cây, đôi dép làm từ lốp xe cũ mòn, một bộ quân phục và một chiếc khăn rằn quàng cổ hai màu đen trắng. Việc kiểm kê đồ đạc của họ mất ba giây, không giống như của chúng tôi, kéo dài cả năm. Chúng tôi phải chia sẻ không gian của mình bằng cách nhận mười nhân viên kiểm kê nam nữ đó vào nhà. Chúng tôi dành cho họ một tầng của ngôi nhà. Mỗi người chúng tôi sống trong góc của riêng mình, tránh tiếp xúc ngoại trừ những lúc khám xét hàng ngày, khi chúng tôi buộc phải đứng đối mặt với họ. Họ cần đảm bảo rằng chúng tôi chỉ có những thứ thiết yếu, giống như họ.

Một ngày nọ, mười người ấy kéo chúng tôi vào phòng tắm của họ, cáo buộc chúng tôi ăn trộm con cá mà họ được cấp để làm bữa tối. Họ chỉ vào bồn cầu và giải thích với chúng tôi rằng con cá đã ở đó sáng hôm ấy, mạnh mẽ và lành lặn. Điều gì đã xảy ra với nó?

***

Nhờ con cá đó, chúng tôi đã có thể thiết lập liên lạc. Sau đó, cha tôi đã làm họ hư hỏng bằng cách cho họ nghe nhạc một cách kín đáo. Tôi ngồi bên dưới cây đàn piano, trong bóng tối, nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má họ, nơi những nỗi kinh hoàng của Lịch sử, không do dự, đã khắc sâu những đường rãnh. Sau đó, chúng tôi không còn biết họ là kẻ thù hay nạn nhân, không biết chúng tôi yêu hay ghét, sợ hãi hay thương hại họ. Và họ không còn biết liệu họ đã giải phóng chúng tôi khỏi người Mỹ hay ngược lại, liệu chúng tôi đã giải phóng họ khỏi rừng rậm Việt Nam hay chưa.

Tuy nhiên, rất nhanh, thứ âm nhạc đã mang lại cho họ một chút tự do nào đó đã phải gieo mình vào đám lửa, trên sân thượng của ngôi nhà. Họ đã nhận được lệnh đốt sách, bài hát, phim ảnh - tất cả những gì phản lại hình ảnh của những người đàn ông và phụ nữ với những cánh tay gân guốc giơ cao búa liềm và lá cờ đỏ sao vàng của họ. Rất nhanh, chúng lại một lần nữa lấp đầy bầu trời bằng khói.

***

Những người lính đó sau này ra sao? Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi bức tường gạch được dựng lên giữa chúng tôi và những người Cộng sản. Tôi trở lại Việt Nam để làm việc với những người đã khiến bức tường được xây, những người đã tưởng tượng nó như một công cụ để cắt đứt sinh mạng của hàng trăm nghìn, thậm chí có thể là hàng triệu người. Tất nhiên, đã có những sự đảo ngược kể từ khi những chiếc xe tăng lần đầu tiên lăn bánh trên đường phố chạy ngang qua nhà chúng tôi năm 1975. Kể từ đó, tôi thậm chí còn học được từ vựng Cộng sản của những kẻ từng tấn công chúng tôi vì Bức tường Berlin sụp đổ, vì Bức màn sắt đã được vén lên, vì tôi vẫn còn quá trẻ nên không bị quá khứ đè nặng. Chỉ có điều, sẽ không bao giờ có bức tường gạch trong nhà tôi. Tôi vẫn không chia sẻ tình yêu dành cho những bức tường gạch của những người sống quanh tôi. Họ có luận điệu rằng gạch làm cho căn phòng ấm cúng.

***

Ngày tôi bắt đầu công việc ở Hà Nội, tôi đi ngang qua một căn phòng nhỏ hướng ra phố. Bên trong, một người đàn ông và một người phụ nữ đang xếp gạch xây một bức tường thấp chia căn phòng làm hai. Bức tường cao dần lên từng ngày, cho đến khi chạm trần nhà. Người thư ký nói với tôi rằng đó là vì hai anh em không muốn sống chung dưới một mái nhà. Người mẹ đã bất lực trước sự ngăn chia này, có lẽ vì chính bà đã dựng lên những bức tường tương tự khoảng ba mươi năm trước giữa kẻ chiến thắng và người chiến bại. Bà mất trong thời gian ba năm tôi ở Hà Nội. Theo kế thừa, người anh thì người mẹ để lại cái quạt điện mà không có ổ cắm, người em thì có cái ổ cắm mà không có cái quạt nào.

Đúng là bức tường gạch giữa hai anh em đó không thể so sánh với bức tường đã tồn tại giữa gia đình tôi và những người lính Cộng sản, hai bức tường này cũng không có cùng lịch sử với những ngôi nhà cổ ở Québéc – mỗi bức tường đều có một câu chuyện riêng. Chính nhờ khoảng cách đó mà tôi đã từng được dùng bữa với những người từng là cánh tay phải, cánh tay trái của Hồ Chí Minh mà không thấy hiềm thù lởn vởn, không thấy những người phụ nữ trên tàu lửa ôm những lon sữa bột Guigoz cũ trên tay như thể chúng là những lọ thuốc có ma thuật. Đối với những người đàn ông bị giam trong các trại cải tạo, đó là một liều thuốc kỳ diệu, ngay cả khi những chiếc hộp chỉ chứa thịt rang nâu (thịt chà bông): một cân thịt heo quay xé nhỏ từng sợi, sấy khô cả đêm trên than hồng, ướp mặn, rồi lại ướp mặn với nước mắm mua được sau hai ngày xếp hàng chờ đợi, hai ngày hy vọng và tuyệt vọng. Những người phụ nữ đã dốc lòng, tận tâm làm những sợi thịt heo đó, dù họ không chắc đã tìm thấy cha của con mình trong cái trại mà họ lên đường đến thăm, không biết người ấy còn sống hay đã chết, bị thương hay ốm đau. Để tưởng nhớ những người phụ nữ đó, tôi thỉnh thoảng làm món thịt rang nâu đó cho các con trai của mình, để lưu giữ, để nối lại những cử chỉ yêu thương.

Tình yêu, như con trai Pascal của tôi hiểu, được định nghĩa bằng số lượng trái tim được vẽ trên một tấm thiệp hoặc bằng bao nhiêu câu chuyện về rồng được kể bằng ánh đèn pin rọi dưới một chiếc chăn nhồi lông vịt. Phải đợi thêm vài năm nữa tôi mới có thể kể lại cho con nghe rằng vào những thời điểm khác, ở những nơi chốn khác, những người cha người mẹ đã thể hiện tình thương của mình bằng cách sẵn sàng bỏ rơi con cái, như cha mẹ của Tom Thumb. Tương tự như vậy, người mẹ đã giúp tôi lướt đi trên mặt nước bao quanh là những đỉnh núi cao của vùng Hoa Lư, bằng cách chống một cây sào dài, đã muốn từ bỏ con gái của mình, trao cô bé cho tôi. Người mẹ đó muốn tôi thay chị làm mẹ. Chị thà khóc vì thiếu con hơn là nhìn con chạy theo khách du lịch để bán cho họ những chiếc khăn trải bàn mà chị đã thêu. Khi đó tôi là một cô gái trẻ. Giữa những ngọn núi đá ấy, tôi chỉ thấy một phong cảnh hùng vĩ thay cho tình yêu vô bờ bến của người mẹ. Có những đêm tôi chạy dọc theo những luống đất dài bên cạnh con trâu để gọi chị về, để nắm lấy tay đứa con gái của chị trong tay tôi.

Tôi đang đợi Pascal lớn thêm vài tuổi nữa mới tìm ra mối liên hệ giữa câu chuyện về người mẹ ở Hoa Lư và Tom Thumb. Trong khi chờ đợi, tôi kể cho con nghe câu chuyện về con lợn chui trong quan tài để vượt qua các chốt kiểm soát giữa nông thôn và thành thị. Nó thích nghe tôi bắt chước những người phụ nữ khóc trong đám tang, lao cả xác lẫn hồn vào cái hộp gỗ dài, than khóc, trong khi những người nông dân, mặc toàn đồ tang, đầu quấn khăn tang, cố gắng giữ họ lại, để an ủi trước mặt các kiểm soát viên đã quá quen với cái chết. Khi họ trở lại thị trấn, đằng sau cánh cửa đóng kín của một địa chỉ bí mật luôn thay đổi, những người nông dân giao con lợn cho người hàng thịt, người này sẽ cắt nó thành từng miếng. Sau đó, những người buôn bán sẽ buộc những miếng thịt đó quanh chân và eo lưng của họ để vận chuyển chúng đến chỗ chợ đen, đến các hộ gia đình, đến chỗ chúng tôi.

Tôi kể cho Pascal nghe những câu chuyện này để lưu giữ ký ức về một phần lịch sử mà sẽ không bao giờ được dạy ở bất kỳ trường học nào.

Tôi nhớ một số học sinh ở trường trung học của tôi than phiền về các giờ học lịch sử bắt buộc. Khi còn trẻ, chúng tôi đã không nhận ra rằng môn học này là một đặc ân mà chỉ những quốc gia hòa bình mới có được. Ở những nơi khác, mọi người quá bận tâm đến sự sống còn hàng ngày hơi đâu mà dành thời gian viết lịch sử chung của họ. Nếu tôi không sống trong sự im lặng hùng vĩ của những hồ nước lớn đóng băng, trong cuộc sống yên bình đơn điệu hàng ngày, nơi tình yêu được tán dương với bóng bay, hoa giấy, sôcôla, có lẽ tôi sẽ không bao giờ để ý đến bà cụ sống gần phần mộ ông cố của tôi ở đồng bằng sông Cửu Long. Bà đã già lắm rồi, già đến nỗi mồ hôi chảy dài trên những nếp nhăn của bà như một khe nước chảy dọc theo luống đất. Lưng bà còng, còng đến nỗi bà phải đi hướng lưng về phía trước khi xuống cầu thang để không bị mất thăng bằng mà ngã đập đầu. Bà đã gieo bao nhiêu hạt thóc? Bà đã ngâm chân trong bùn bao lâu rồi? Bà đã ngắm nhìn bao nhiêu lần mặt trời lặn trên đồng lúa của mình? Bà đã gác lại bao nhiêu ước mơ chỉ để thấy mình bị còng lưng dần sau hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm?

Chúng ta thường không nhớ đến sự tồn tại của tất cả những người phụ nữ đã cõng đất nước Việt Nam trên lưng trong khi chồng và con trai họ đang cõng vũ khí. Chúng ta quên họ vì dưới chiếc nón lá họ không nhìn lên được bầu trời. Họ chỉ đợi mặt trời lặn xuống nơi họ để có thể ngất đi thay vì ngủ thiếp. Nếu họ dành thời gian để chờ giấc ngủ đến, họ sẽ tưởng tượng cảnh những đứa con trai bị thổi bay thành ngàn mảnh hay thi thể của những người chồng trôi dạt trên sông lênh đênh như những đồ tạp nhạp lềnh bềnh. Người nô lệ Mỹ đã có thể hát về nỗi buồn của họ trên cánh đồng bông. Người phụ nữ Việt để nỗi buồn lớn dần trong buồng tim mình. Họ bị đè nặng bởi tất cả nỗi đau đến nỗi không thể tự đứng dậy được, không thể duỗi thẳng những tấm lưng cong và còng xuống dưới sức nặng của nỗi buồn. Khi những người đàn ông ra khỏi rừng rú và bắt đầu bước đi dọc theo những con đê đất bao quanh ruộng lúa của mình thì những người phụ nữ lại tiếp tục mang trên lưng gánh nặng của lịch sử câm lặng của đất nước. Thường thường họ qua đời dưới sức nặng đó, trong thầm lặng.

Một trong những người phụ nữ mà tôi biết đã chết khi trượt chân trong nhà cầu nằm chênh vênh trên một cái ao đầy cá da trơn. Đôi dép nhựa của bà bị trượt. Bất cứ ai quan sát bà lúc đó đều sẽ thấy chiếc nón lá của bà biến mất sau bốn tấm phên chỉ che được cái thân hình lom khom, bao quanh bà mà không bảo vệ cho bà được. Bà chết trong nhà cầu của gia đình, đầu chui xuống hố đầy phân giữa hai tấm ván, phía sau túp lều của mình, vây quanh là những con cá da trơn, thịt vàng, không vảy, không ký ức.

Sau khi bà cụ mất, chủ nhật nào tôi cũng ra một đầm sen ở ngoại thành Hà Nội, ở đó luôn có hai ba người phụ nữ lưng còng, tay run, ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ tròn trịa dùng sào chèo chống trên mặt nước và thả lá trà vào hoa sen đang mở. Họ sẽ quay lại vào ngày hôm sau để thu hái từng bông sen một trước khi những cánh hoa tàn úa, sau khi những lá trà bị giam cầm đã hấp thụ mùi hương của nhụy hoa trong đêm. Họ bảo tôi rằng mỗi lá trà đó đều lưu giữ linh hồn của những bông hoa có cuộc sống quá ngắn ngủi.

Những bức ảnh không thể lưu giữ linh hồn của những cây thông Noel đầu tiên của chúng tôi. Những cành cây lấy từ những khu rừng ngoại ô Montréal, được cắm vào vành một cái lốp xe dự phòng phủ một tấm vải trắng, trông có vẻ trơ trụi và thiếu sức hút, nhưng thực ra chúng đẹp hơn nhiều so với những cây vân sam cao hai mét rưỡi mà chúng tôi chưng ngày nay.

Ba má thường nhắc nhở anh em chúng tôi rằng họ không có tiền để chúng tôi thừa kế, nhưng tôi nghĩ họ đã truyền lại cho chúng tôi kho tàng ký ức phong phú của mình, cho phép chúng tôi nắm bắt được vẻ đẹp của một cây tử đằng nở hoa, sự tinh tế của một từ, sức mạnh của điều kỳ diệu. Hơn thế nữa, ba má đã cho chúng tôi đôi chân để vươn tới những giấc mơ của mình, tới vô tận. Đó có thể là hành trang đầy đủ để chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của riêng mình. Nếu không, chúng tôi sẽ làm con đường đi của mình tắc nghẽn một cách vô ích với những hành trang của cải cần vận chuyển, bảo hiểm và chăm sóc.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Sợ kẻ có tóc, ai sợ kẻ trọc đầu”. Và vì vậy tôi cố gắng hết sức có thể để chỉ sở hữu những thứ không vượt quá giới hạn của thân thể mình.

***

Dù sao đi nữa, kể từ khi vượt thoát bằng thuyền, chúng tôi đã học được cách di chuyển thật nhẹ nhàng. Người đàn ông ngồi cạnh chú tôi trong khoang thuyền không hề có hành lý, thậm chí không có lấy một cái túi nhỏ đựng quần áo ấm như chúng tôi. Ông ấy để mọi thứ mình sở hữu lên người. Quần bơi, quần soóc, quần dài, áo phông, áo sơ mi và áo len, và những thứ còn lại nằm trong các lỗ tự nhiên: kim cương gắn vào răng hàm, vàng bọc răng và đô la Mỹ nhét trong hậu môn. Khi ở trên biển, chúng tôi thấy những người phụ nữ mở băng vệ sinh của họ để lấy ra những đồng đô la Mỹ được gấp làm ba theo chiều dọc một cách hoàn hảo.

Về phần tôi, tôi có một chiếc vòng tay bằng acrylic, màu hồng giống như nướu giả nha khoa, nhồi đầy kim cương. Ba má cũng đã đính kim cương vào cổ áo sơ mi của các anh trai tôi. Nhưng răng của chúng tôi không có vàng vì má cấm đụng đến răng của các con mình. Má thường nói với chúng tôi rằng cái răng cái tóc là góc con người, thậm chí có thể là gốc rễ cội nguồn. Má muốn hàm răng của chúng tôi thật hoàn hảo.

Đó là lý do tại sao ngay cả trong trại tị nạn, má vẫn có thể tìm thấy một chiếc kìm nha khoa để nhổ những chiếc răng sữa lung lay của chúng tôi. Má vẫy từng chiếc răng đã nhổ trước mặt chúng tôi dưới cái nắng chói chang của xứ Mã Lai. Những chiếc răng nhuốm máu đó được trưng ra một cách kiêu hãnh trên nền bãi cát mịn và hàng rào dây thép gai. Má nói với tôi rằng có thể làm mắt to ra và thậm chí có thể chỉnh hai tai bị vểnh ra quá nhiều của tôi. Tuy nhiên, bà không thể sửa chữa những khuyết điểm cấu trúc khác trên khuôn mặt tôi, vì vậy ít ra tôi cũng phải có hàm răng không tì vết và trên hết là không đánh đổi chúng để có kim cương. Má cũng biết rằng nếu thuyền của chúng tôi bị cướp biển Thái Lan chặn lại, những chiếc răng vàng và những chiếc răng gắn đầy kim cương cũng sẽ bị nhổ sạch.

***

Cảnh sát được lệnh cho phép tất cả các thuyền chở người Việt gốc Hoa rời đi “trong bí mật”. Người Hoa là những nhà tư bản, do đó chống Cộng sản, vì nguồn gốc dân tộc và vì giọng nói của họ. Nhưng những người giám sát được phép khám xét người họ, tước đoạt mọi thứ họ sở hữu cho đến phút cuối cùng, đến độ làm nhục họ. Gia đình tôi và tôi đã trở thành người Hoa. Chúng tôi đã cầu xin trợ giúp từ gen di truyền của tổ tiên mình để có thể được rời đi với sự đồng ý ngầm của cảnh sát.

***

Ông cố ngoại của tôi là người Trung Hoa. Ông đến Việt Nam một cách tình cờ năm 18 tuổi, kết hôn với một phụ nữ Việt Nam và có 8 người con. Bốn người trong số họ chọn làm người Việt Nam, bốn người còn lại vẫn là người Hoa. Bốn người Việt Nam, trong đó có ông tôi, đã trở thành những nhà chính trị và nhà khoa học. Bốn người Hoa làm ăn phát đạt nhờ kinh doanh lúa gạo. Mặc dù ông nội tôi đã trở thành tỉnh trưởng, ông ấy không thể thuyết phục được bốn anh chị em người Hoa của mình để con cái họ đi học một trường Việt Nam. Và nhánh gia tộc làm người Việt Nam không nói được một từ tiếng Tứ Xuyên. Gia tộc tôi bị chia đôi, đất nước tôi cũng vậy: miền Nam thân Mỹ, miền Bắc thân Cộng.

***

Cậu Chung của tôi, anh trai của má tôi, là cầu nối giữa hai phe chính trị. Thật ra, tên của cậu có nghĩa là cùng nhau, nhưng tôi gọi cậu là cậu Hai vì theo truyền thống của người Nam Việt Nam là thay tên anh chị em bằng thứ tự khai sinh của họ, bắt đầu bằng số hai.

Cậu Hai, con trưởng trong gia đình, từng là dân biểu quốc hội và lãnh đạo phe đối lập. Cậu thuộc về một đảng chính trị gồm những trí thức trẻ tự đặt mình vào thành phần thứ ba, dám đứng giữa hai làn đạn. Chính phủ thân Mỹ đã cho phép sự ra đời của đảng đó để xoa dịu sự tức giận và náo loạn của những người trẻ tuổi có lý tưởng. Cậu tôi đã đạt được vị trí hàng đầu trong tâm trí công chúng. Một mặt, chương trình chính trị của cậu đã thu hút các thành viên trong nhóm mình. Mặt khác, nhờ vẻ ngoài điển trai như một ngôi sao điện ảnh, đối với các cử tri của mình, cậu đại diện cho niềm hy vọng về một cái có vẻ bề ngoài là dân chủ. Là một thanh niên lôi cuốn, vui vẻ, cậu đã phá vỡ ranh giới giữa các gia đình người Hoa và người Việt. Cậu là người có thể thảo luận với một bộ trưởng trong nội các về tác động của tình trạng thiếu giấy in đối với quyền tự do báo chí, đồng thời vòng tay qua eo vợ của người đàn ông đó và dẫn bà ấy nhảy điệu valse - dù người Việt Nam thường không mấy khi nhảy điệu valse.

Suốt thời thơ ấu, tôi có một điều ước thầm kín: được làm con gái của cậu Hai. Sao Mai là công chúa của cậu, cho dù đôi khi cậu quên mất sự tồn tại của chị trong nhiều ngày liền. Sao Mai được ba má tôn sùng như nghệ sỹ xuất chúng. Cậu Hai tổ chức nhiều bữa tiệc tại nhà. Và thường, vào giữa buổi cậu sẽ ngừng mọi cuộc trò chuyện để cho con gái ngồi trên ghế piano và giới thiệu một giai điệu nhỏ chị sẽ chơi. Đối với cậu, trong hai phút ngắn ngủi “Dưới ánh trăng thanh,” không có gì tồn tại ngoài con búp bê có ngón tay mũm mĩm ngân nga một cách thanh thản nhất trước khán giả người lớn. Lần nào tôi cũng ngồi chỗ gầm cầu thang để ghi nhớ cảnh cậu hôn lên mũi chị Sao Mai trong lúc khách vỗ tay hoan hô. Cậu chỉ thỉnh thoảng dành cho con gái hai phút chú ý, nhưng nó đủ để mang lại cho chị họ tôi một sức mạnh nội tâm mà tôi thiếu vắng. Không cần biết bụng đói hay no, Sao Mai không bao giờ ngần ngại chỉ huy các anh lớn của chị và cả tôi nữa.

***

Tôi và Sao Mai lớn lên cùng nhau. Hoặc tôi ở nhà chị hoặc chị ở nhà tôi. Đôi khi ở chỗ của chị thậm chí không có một hột gạo. Khi ba má chị đi vắng, những người giúp việc cũng biến mất - thường thì cả hũ gạo cũng thế. Và ba má chị lại thường vắng nhà. Một ngày nọ, anh trai chị cho chúng tôi ăn một ít cơm nguội dính dưới đáy chảo. Anh ấy đã thêm một chút dầu và một ít hành lá để biến nó thành một bữa ăn. Năm người chúng tôi nhấm nháp thứ bánh gạo rang khô đó. Những ngày khác, chúng tôi bị chôn vùi dưới hàng núi xoài, nhãn, vải, xúc xích Lyon, bánh xốp kem.

Ba má của chị họ tôi thường lựa chọn những thứ cần mua dựa trên màu sắc của trái cây hoặc mùi thơm của một loại gia vị hoặc đơn giản là theo ý thích nhất thời. Thức ăn họ mang về nhà luôn được bao quanh bởi không khí lễ hội, cảm giác phóng túng và sốt sắng. Họ không băn khoăn về hũ gạo rỗng trong bếp hay những bài thơ mà chúng tôi phải học thuộc lòng. Họ chỉ muốn chúng tôi ních nhiều xoài vào, cắn ngập vào trái cây và làm cho nước trái cây phun ra, trong khi quay vòng vòng như con quay theo điệu nhạc của Doors, Sylvie Vartan, Michel Sardou, The Beatles hay Cat Stevens.

***

Ở nhà tôi, bữa ăn luôn đúng giờ, người giúp việc túc trực, bài tập về nhà được giám sát. Khác với ba má Sao Mai, má tôi chỉ cho hai anh và tôi hai quả xoài, mặc dù còn hàng tá nữa nằm trong giỏ. Nếu chúng tôi không đồng ý về khẩu phần đó, má sẽ lấy lại và không cho quả nào cả cho đến khi chúng tôi đạt được thỏa hiệp để chia hai quả xoài cho cả ba chúng tôi. Đó là lý do tại sao đôi khi tôi thích ăn cơm khô với anh chị họ của mình hơn.

***

Tôi cứ muốn mình thật khác biệt với má nhưng rồi một hôm tôi đã thay đổi. Đó là lúc tôi quyết định cho hai con trai ngủ chung phòng, dù trong nhà còn phòng trống. Tôi muốn chúng học cách sát cánh bên nhau như cách mà các anh tôi và tôi đã làm. Có người nói với tôi rằng mối quan hệ được hình thành bằng tiếng cười nhưng thậm chí còn hơn thế nữa bằng sự chia sẻ và sự bực mình khi phải chia sẻ. Có thể nước mắt của người này dẫn đến nước mắt của người kia vào lúc nửa đêm, bởi vì cuối cùng đứa con trai mắc chứng tự kỷ của tôi cũng nhận ra sự hiện diện của Pascal, người anh cả mà nó đã phớt lờ trong ba hoặc bốn năm đầu đời. Hôm nay, nó cảm thấy thích thú rõ ràng khi được cuộn mình trong vòng tay ôm ấp của Pascal, hay nấp sau lưng anh trước mặt những người lạ. Có thể là do giấc ngủ bị gián đoạn đó mà Pascal sẵn sàng đi giày trái trước giày phải để phù hợp với sự cứng nhắc do ám ảnh của em trai mình. Để em trai mình có thể bắt đầu ngày mới mà không cáu kỉnh, không bị đảo lộn quá mức.

***

Chắc là má đúng khi không những bắt tôi phải chia sẻ với anh em ruột mà còn bắt chúng tôi phải chia sẻ với anh chị em họ. Tôi chia sẻ má tôi với chị họ Sao Mai vì má chịu trách nhiệm về việc giáo dục cháu gái của mình. Chúng tôi học cùng trường, cùng lớp như hai chị em sinh đôi, và ngồi cùng cái ghế dài. Đôi khi chị họ tôi thay thế cô giáo của chúng tôi khi cô đi vắng; chị đứng trên bàn cô giáo và vung một cây thước lớn. Chị cũng năm hay sáu tuổi như chúng tôi, nhưng chị không hề mảy may rụt rè sợ hãi trước kẻ mạnh vì, khác với chúng tôi, chị ấy luôn được đặt trên bệ cao. Ngược lại, tôi hẳn sẽ tè ra quần vì không dám đưa tay lên, vì không dám bước ra cửa khi mọi ánh mắt đều đổ dồn vào mình. Chị đã triệt hạ bất kỳ đứa nào chép bài làm của tôi. Chị trừng mắt vào bất cứ ai trêu chọc khiến tôi phải khóc. Chị bảo vệ tôi vì tôi là cái bóng của chị.

Chị kéo cái bóng của mình đi khắp mọi nơi, nhưng đôi khi chị bắt tôi chạy theo sau chị như một con chó, chỉ để cười to.

***

Khi tôi ở bên Sao Mai - mà tôi luôn ở bên Sao Mai - những người phục vụ ở nơi từng là Cung thể thao Sài Gòn không bao giờ mời tôi một ly soda chanh sau khi tôi học đánh quần vợt vì họ đã mang một ly đến cho chị Sao Mai rồi. Bên trong những hàng rào cao lớn của câu lạc bộ sang trọng này là hai hạng người rất khác biệt: tầng lớp tinh hoa và người phục dịch, những vua chúa bé con mặc y phục trắng tinh và những đứa trẻ chân đất nhặt bóng. Tôi không thuộc về bên nào. Tôi chỉ là cái bóng của chị Sao Mai. Tôi đứng sau lưng chị ấy để nghe lén cuộc trò chuyện của ba chị với các đối thủ quần vợt của cậu vào giờ uống trà. Cậu nói về Proust trong khi ăn bánh madeleine, an vị trên chiếc ghế bành bằng mây của mình trên sân thượng của Cung thể thao. Hai chúng tôi theo cậu đi qua những kỷ niệm thời cậu còn là du học sinh ở Paris. Cậu thật hào hứng khi tả những chiếc ghế trong Vườn Luxembourg cũng như khi tả đôi chân của những vũ công cancan; cậu cứ kể mãi không ngừng. Tôi lắng nghe cậu kể chuyện từ sau lưng ghế cậu ngồi, nín thở, như một cái bóng, để không khiến cậu dừng lại.

(còn tiếp)

Kim Thúy