26 December 2023

MẤY NGÀY TRƯỚC GIÁNG SINH - Mang Viên Long

Tại X. tôi được Linh Mục Hiệu trưởng cho giữ chức giám thị của trường trung học S. Trường S. là một ngôi trường tư thục lớn vào bực nhất nhì của X. Trường gồm hai dãy lầu, dãy bên phải dành cho học sinh đệ nhất cấp, cũng là khu cho nam sinh. Dãy trái, tầng trên là các lớp đệ nhị cấp chung cho cả nam nữ, và các lớp đệ nhất cấp nữ sinh. Dưới lầu, ở phòng tiền đường trống, kế bên phải là phòng của Giám học, phòng Hiệu trưởng, cũng dãy này, phòng dành cho giáo sư được xây thêm bên cạnh. Phía sau, giữa hai dãy lầu, là Văn phòng. Một dãy hàng rào gỗ ngăn chia khu vực học sinh và nhân viên làm việc. Tổng giám thị, giám thị, thu ngân, sổ sách, được chia ra từng ngăn riêng. Học sinh có thể liên lạc với từng phần hành bên này hàng rào gỗ, và cũng có thể từ cửa phía sau nếu cổng trường phía sau đã đóng. Trường có hai lối ra vào riêng. Cửa trước dành cho nữ sinh và giáo sư, cửa sau dành cho nam sinh. Trong giờ học, các cánh cửa đều được đóng. Có người gác coi sóc mở đóng khi đổi giờ học. Chỗ tôi làm việc cạnh bàn của Tổng giám thị. Thường thì tôi thay thế Tổng giám thị, giải quyết hết mọi việc. Theo Linh Mục Hiệu trưởng, tôi phải quán xuyến như vậy, để niên khóa tới, tôi sẽ thay thế vị Tổng giám thị của trường, bởi vị này bận dạy.
Công việc thường ngày của tôi rất bận. Trường ít giám thị mà học sinh trên bốn ngàn, tôi phải cực nhọc với những giải quyết nhiều lúc không là của giám thị nữa. Từ việc liên lạc với gia đình học sinh, tiếp xúc thân nhân, kiểm soát việc ghi điểm, kiểm diện, sổ phát, nhắc nhở trật tự, đến việc điều động công tác mỗi liên lớp, cấp giấy vào lớp cho học sinh vắng mặt hoặc đi trễ, giữ gìn sổ sách hồ sơ học sinh; tôi cảm thấy công việc đã xoay tôi như một con vụ. Nhưng tôi rất ham thích với công việc của trường học. Những sinh hoạt của nhà trường, tôi đều tham dự, và đôi lúc, đề nghị với Linh mục Hiệu trưởng những dự định mới mẻ khác, cốt gây được một không khí tươi trẻ, vui nhộn song song với việc học. Tôi tự đứng ra trông coi một tờ đặc san. Tôi tổ chức một ban văn nghệ. Những ngày lễ, tôi đã dành thì giờ để nói chuyện một đề tài nào đó về văn chương, hay giáo dục, cho học sinh của trường.
Tôi nhớ nhất là những ngày lễ Giáng Sinh năm đó. Một tuần trước ngày tới hôm lễ chính, tôi cho phát hành ở các lớp một đặc san. Nhân ngày lễ, ngoài các phòng triển lãm tranh, đồ nữ công, bích báo của các lớp, tôi chuẩn bị một đêm văn nghệ thực toàn hảo. Đêm đó, tôi ở lại trại sinh hoạt liên hoan với các lớp mà không trở về nhà. Tôi bỏ lễ nửa đêm để nói chuyện với Lam.
Lam nói chuyện với tôi không được tự nhiên. Có lúc như sợ hãi, có lúc như ngượng ngập, cũng có đôi lúc Lam tỏ ra nồng nhiệt, mạnh dạn, cứng rắn đến nỗi tôi không hiểu được nàng. Mở đầu, Lam có vẻ trách móc, hoặc dỗi hờn, giận tức điều gì. Tôi không để ý, bởi vì, thực tình tôi không nghĩ gì về Lam ngoài việc cảm mến năng khiếu văn nghệ, đầu tóc demi garçon, vóc dáng nhỏ nhắn của nàng. Trong câu chuyện, dần về sau, Lam trách thẳng tôi. Nàng dùng mấy chữ “ độc ác, lạnh lùng, vô tâm” để tỏ tình cảm của tôi với nàng. Tôt sửng sốt. Đến đây thì tôi đã hiểu được đôi phần thái độ của Lam lúc gặp tôi.
Tôi nhớ lại một lần Lam đi học trễ, vào xin giấy vô lớp, tôi đã quở trách nàng. Giống như những học sinh đi trễ khác. Lần thứ hai trong tháng, tôi không cho giấy phép vô lớp như lần trước vì Lam bị trễ quá mười phút. Nàng khóc. Tôi vì bận công việc không để ý tới. Thái độ Lam lúc đó ra sao, tôi cũng không biết. Hình như nàng đã nhìn tôi với cái nhìn vừa trách cứ, vừa dỗi hờn bâng khuâng. Thời gian sau, lúc tôi tổ chức một ban văn nghệ của trường, Lam làm trưởng ban văn nghệ đến gặp tôi ở phòng giám thị. Nàng có mặt trước mười lăm phút theo như giờ họp ấn định. Tôi có nói đôi câu với Lam, nhưng chỉ để vui đùa, hoặc bởi sự cởi mở thường ngày. Tôi nhớ tôi đã khen giọng hát Lam. Khen đầu tóc demi garçon. Khen nàng dễ thương.
Một tuần lễ sau đó, lúc vào bàn làm việc, tôi nhìn thấy tập vở để sẵn tại đó. Tôi liếc nhìn tên lớp, rồi gọi một học sinh mang lên trả… Tôi nghĩ có lẽ tập vở của một học sinh bỏ quên, có người nhặt được thảy vào bàn giám thị, để giám thị có việc làm. Khoảng hai ba ngày sau, tôi lại nhận thấy một tập vở khác nằm ở bàn. Lần này, vì trong giờ học, tôi thảy bỏ phía sau hộc bàn, chờ giờ chơi mới gọi trả lại. Tôi coi rõ tên, lớp, và tập vở học: Lê thị Kiều Lam, lớp đệ tam, vở vạn vật. Đến giờ chơi, tôi gọi học sinh cùng lớp, gửi trả cho học sinh có tên ghi ở nhãn, kèm theo lời quở trách nhờ nói lại, Lạ thay đúng vào sáng thứ hai, tôi nhận thấy quyển vở (tập vở cũ, môn vạn vật) lại nằm sẵn ở giữa bàn. Lần này tôi giữ tập vở, chờ giờ học, viết giấy gọi học sinh đến lớp kêu tên Lê thị Kiều Lam đến Văn phòng giám thị. Lam đến. Ngượng ngập. Tôi đã nặng lời với Lam hôm đó. Nàng khóc. Giống như hôm đi trễ không xin được giấy vô lớp. Nhìn thấy Lam khóc, quả thực là tôi hơi hối hận. Nhưng với một trách nhiệm đã lãnh, tôi không dễ chịu như những lúc sinh hoạt văn nghệ. Giám thị, đó là hình ảnh của một ông thầy tay cầm cái roi mây lớn, tay đặt sau đít, đôi mắt lườm lườm theo dõi học sinh. Còn tôi tuy chẳng đến thế, tôi không có cái roi mây, không có đôi mắt lườm lườm hung tợn kia, nhưng tôi phải có sự cứng rắn, nghiêm minh. Đời sống trong các chủng viện đã tập cho tôi một sự nghiêm khắc làm cho nhiều người khó chịu. Ðời sống kỷ luật khép kín và gò bó cũng tạo nơi tôi sự hẹp hòi, đến như ích kỷ. Tuy vậy, tôi luôn xét tôi, và rất may, bản tính tôi rất cởi mở, phóng dật nên có thể tránh bớt va chạm với học sinh hay người bên cạnh. Buổi sáng trách mắng Lam đã đột nhiên biến tôi sống trở lại với cái ảnh hưởng cũ. Lầm lì. Cộc cằn. Nóng nảy bất chợt.
Đêm hôm đó, Lam cho tôi biết nàng muốn gởi cho tôi một lá thư trong tập vở đặt ở bàn làm việc của tôi. (Những giám thị thuê ở ngoài phụ giúp tôi, đồng thời họ có một dãy bàn kê bên phòng chứa sổ sách). Tôi ngạc nhiên, có chút hối tiếc. Nếu tôi được đọc những lá thư đó? Tôi muốn thử coi nàng còn nói thêm điều gì nữa nên tỏ lộ sự ân hận. Tôi ân cần xin lỗi nàng. Lam đã xúc động khi nghe tôi nói thế. Nàng hết vẻ ngượng ngập hay lạnh lùng, bây giờ tôi nghe thấy giọng nàng như một tiếng chim buổi sáng. Nàng nói biết tôi là thế nào, nhưng không hiểu sao lại yêu thương tôi. Hình ảnh tôi đã ám ảnh nàng rất nhiều, đến nỗi không học được. Nàng kể cho tôi nghe, những giờ ra chơi, từ trên hành lang lầu một, nhìn xế xuống chỗ tôi ngồi mà tôi không biết. Mỗi buổi sáng, khi tôi nói chuyện ở máy phóng thanh, nàng đều theo dõi rất tường tận. Ngay cả việc ăn mặc thường ngày của tôi nữa. Hôm nào tôi mặc chiếc áo dài đen đã cũ, cổ sờn rách, hôm nào mặc áo mới, vân vân. Nói tóm đêm đó, nghe Lam nói tới điều gì, tôi cũng ngạc nhiên, và cảm thấy lạ lùng.Những tháng về sau, tôi thường viết giấy gọi nàng xuống phòng giám thị. Dĩ nhiên là để hỏi, và nói những chuyện lặt vặt, cho vui. Tôi cũng cảm thấy, từ đó, tôi khó xóa bỏ hình ảnh Lam trong đầu. Tôi viết được mấy bản nhạc, nhờ những cảm nghĩ xúc động về nàng. Làm được bản nhạc, tôi sao chép cẩn thận, gọi nàng xuống tặng nàng với tất cả hân hoan. Lam cũng rất thường viết thư gởi tôi, bằng cuốn vở vạn vật để ở bàn, hay trong hộc tủ.
Sang niên khóa mới, tôi được Linh mục Hiệu trưởng cử làm tổng giám thị. Giúp việc bên cạnh tôi có một tu sĩ probation libre. Anh ta trang tuổi tôi, đi giúp ở một trường trung học ở Y. vừa đổi tới. Khác tôi, anh ăn mặc tự do, đời sống cũng phóng khoáng tự do hơn. Ngày đầu gặp anh, tôi đã hiểu được đôi nét cá tính của anh ta qua cách ăn mặc chải chuốt, những ngôn từ trong lúc nói chuyện. Anh ta còn cho tôi biết Ngọc, anh chàng giả làm Huyền Trân lúc nọ, đã xin ra khỏi chủng viện, sống với một người con gái vừa tốt nghiệp trường Nữ hộ sinh quốc gia, ngay tại Huế. Tôi chợt hiểu tại sao những thư gởi thăm tôi, cha Châu đều không nhắc tới Ngọc. Lúc này, tôi mới hiểu tại sao Ngọc có thể nói giả giọng gái Huế một cách tài tình như thế. Tôi cũng hiểu được, trong những giờ bắt buộc như giờ kinh, giờ nguyện gẫm, giờ giảng, nhất là giờ nguyện gẫm, huấn đức, tại sao Ngọc lại vắng mặt. Có lẽ anh ta phải “nguyện gẫm” một mình?
Có thể nói năm thứ hai ở trường S. là năm tôi khổ tâm nhiều hơn hết, mặc dầu bên cạnh tôi có Đức (tên người bạn ở thời kỳ probation libre) phụ giúp, và trường tăng cường thêm hai giám thị nữa. Năm này, tôi về sống chung với Đức trong một căn phòng thuê được ở một đường hẻm. Quả thực như tôi đoán, Đức rất phóng khoáng và có tâm hồn. Chúng tôi dần dà kể hết những tâm sự, vui buồn, sâu kín nhất cho nhau nghe. Đức bị cha sở ở Y. đề nghị thuyên chuyển tới Y- để cảnh cáo lần đầu, theo lời cầu của anh, về một chuyện tình với một người bạn gái cùng nơi trọ. Nguyên cô gái là người có đạo, trước cũng học ở T. (trường trung học công giáo ở Y.) nhưng thi hỏng tú tài một, ở nhà tự học để thi. Cô ta biết Đức, rất rõ. Nàng lân la làm quen, rồi mời đến nhà giới thiệu với cha mẹ, sau đó Đức phải nhận nàng làm “con nuôi tinh thần” theo lời nài nỉ của nàng. Từ đó những liên hệ trở nên mật thiết hơn, gần gũi hơn. Chuyện đến tai Linh mục Hiệu Trưởng T., năm sau Ðức phải đổi đi.
Tôi cũng đã kể đầu đuôi câu chuyện với Lam cho Đức nghe. Anh ta an ủi, và khích lệ tôi. Chính Đức đã khuyên tôi cùng đi với anh lên phố tìm mua một chiếc bím tóc mầu, gởi tặng Lam để đền lại những quà tặng của nàng. Thực là buồn cười, sau khi nghe Lam giải thích tại sao không dùng cái bím tóc tôi tặng, mà dùng cái cũ: tóc nàng ngắn, theo kiểu demi garçon mà tôi lựa mua cái dành cho tóc dài.
Ðồng thời với sự liên lạc thường xuyên như vậy, tôi cảm thấy một nỗi khó khăn, một tình cảm gần như phạm lỗi. Không ngờ sự ray rứt, băn khoăn của tôi Lam đã nhận biết. Nàng viết gửi tôi liên tiếp ba lá thư trong ba ngày, trách tôi đổi thay, hay hờ hững. Quả thực, trong đôi lần gặp nàng, tôi muốn lẩn tránh. Tôi gặp nàng, đôi khi như một cố gắng. Không còn cái nao nức đón đợi. Hết cái nồng nàn âu yếm
Cũng có nhiều lúc, tôi muốn như Ngọc. Tôi thử để tình cảm tôi, nỗi xúc động tôi chảy đến đâu thì đến. Ra sao thì ra. Đó là những hôm tôi hẹn cùng Lam đi chơi ở quê, hay đến nơi tôi trọ. Trong những hôm như vậy, tôi cảm thấy rộn rã, một niềm vui nào thực tươi mát và phấn khởi xâm chiếm lấy tôi. Chúng tôi xa lánh thành phố, hẹn nhau ở quán nước một ngã rẽ đi N. Nàng đi xe Yamaha dame. Tôi dùng chiếc Honda của nhà trường cấp. Thế là chúng tôi cứ đi mải miết vào xóm, dừng lại những nơi muốn dừng và nói hết nỗi lòng, những mơ ước của nhau, về một tương lai sum họp.
Tôi nhớ lần đầu tiên hôn Lam sau một ngôi chùa, sau khi chúng tôi thử vào xin một cái xăm. Xăm xin được, theo lời Thầy trụ trì, không được tốt. Lam thi hỏng. Rồi chúng tôi không thể gần nhau. Nghe nói, Lam chạy ùa ra phía sau khóc. Tôi hôn nàng. Lòng tôi bây giờ thực yếu mềm. Tâm trí tôi hoang mang cùng độ. Tôi an ủi nàng bằng lòng tha thiết của mình. Nàng hỏi tôi, nếu lỡ nàng thi hỏng, tôi còn thương nàng hay không. Tôi nói nàng đừng nên hỏi những câu vớ vẩn, đừng lo những mối lo không đâu. Tôi không yêu thương nàng bằng chuyện đó, nhưng tôi hứa sẽ gởi Lam cho những người bạn giám khảo ở X. Thời gian sau này, nhớ tới lá xăm, chúng tôi chỉ nhớ tới những nụ hôn; bởi vì chúng tôi sống rất gắn bó và nồng nàn. Ở trường về, tôi thay bộ áo quần của Đức tìm cách gặp nàng. Nếu là ngày chúa nhật, ngày lễ, chúng tôi đều có bạn.
Có một buổi sáng chúa nhật Lam đến trễ giờ hẹn mười lăm phút. Tôi đã trách cứ nàng. Thực ra, vì quá nóng lòng và bộc chạc, tôi nghi ngại nàng không thành thực. Lam giận. Nàng bỏ tôi. Sau đó, cả hai cùng vòng xe đi kiếm nhau, nhưng không gặp nhau được. Suốt một tuần lễ tôi không gọi nàng xuống văn phòng như bấy khi vẫn làm. Tôi cố gắng giữ cơn giận lâu hơn, để coi Lam sẽ thế nào. Đáp lại, nàng cũng im lặng, ơ hờ. Tôi nhận thấy, trong dáng vẻ lạnh lùng đó, có một cái gì khổ sở, thất vọng. Trong giờ học chiều thứ hai, tôi gọi tên Lê Thị Kiều Lam xuống văn phòng.
Tôi điềm nhiên hỏi :
- Sao? Dạo này cô có mạnh khỏe không?
Lam hơi mím môi :
- Vẫn mạnh luôn.
Tôi cười:
- Còn giận hết ?
Nàng nhìn tôi, ánh mắt thực sáng:- Hết rồi.
Tôi viết lên mảnh giấy: “Nếu hết giận tuần này anh đợi em ở chỗ cũ, tám giờ sáng, nhé?”, đưa cho Lam. Nàng cúi đọc, ngẩng lên mỉm cười, gật đầu. Sự nhỏ nhắn của nàng trong chiếc jupe màu xanh nhạt khiến tôi thấy nàng thực tội nghiệp.
Giáng sinh năm đó tôi và Lam ăn lễ trước một ngày bởi vì trong suốt ngày và đêm lễ chính tôi rất bận. Buổi sáng chúng tôi đi chơi ở quê đến xế chiều mới trở về thị xã. Dịp này tôi có mang theo chiếc máy ảnh của Đức. Tôi chụp cho Lam. Chúng tôi cũng có chụp chung mấy pose, nhờ một người lính chịu chơi và đa tình làm phó nhòm hộ. Buổi tối, chúng tôi ăn tiệc ở nhà. Đêm đó Đức đã chuẩn bị sẵn để rời phòng trước khi Lam đến nửa giờ. Tôi coi đồng hồ đúng giờ hẹn, thắp sáng hết những ngọn đèn sáp trên bàn, ở lồng đèn, trong hang Bê-lem. Trời đổ mưa nhẹ, nhưng gió lộng. Một chút hơi lạnh đủ để mặc tấm áo len ngắn tay. Để đốt một điếu thuốc chờ đợi.
Lam đến. Thực rực rỡ và xinh xắn. Nàng mặc jupe màu xanh, bím tóc đỏ, đi giày da. Gương mặt nàng hiện ra ở khung cửa sổ như một Giáng Kiều. Tôi đón Lam, trước hết, bằng cái hôn thực ấm.
Tôi hỏi:
- Ngoài phố có vui không?
Nàng ngồi cạnh tôi:
- Em đi một mạch đến đây, không để ý gì hết.
Tôi choàng tay qua vai Lam, nhìn vào gương mặt hơi ngơ ngác của nàng:
- Em lạnh lắm không?
Nàng ngước mắt nhìn tôi, nở nụ cười:
- Lúc nãy thì có, bây giờ hết rồi.
Tôi cúi hôn lên tóc nàng. Mùi nước hoa phảng phất, dìu dịu. Lúc này, nàng mới hết vẻ sợ sệt, lo lắng của lúc mới đến. Trong ánh sáng lung linh của những ngọn nến, gương mặt Lam tươi tắn, đỏ hồng. Đôi mắt rực sáng.
Lam giở xắc lấy ra một gói giấy, nàng hỏi đố anh những gì trong này. Tôi cười, anh chịu. Mắt anh đâu phải mắt thánh mà nhìn suốt lớp giấy dày đó. Tức thì nàng mở ra cho tôi xem. Đó là một tấm đá cẩm thạch, khắc hai chữ: François Xavier-Marie. Tôi bồi hồi. Lam sung sướng khi nhìn thấy tôi câm lặng vì ngạc nhiên và xúc động.
Tôi hỏi : - Em thuê làm bao giờ?
Nàng cười:
- Đố anh?
- Anh chịu thua. Cái gì em cũng ưa đố anh. Em làm như anh là học trò.
- Chứ anh là gì của em?
- Là gì cũng được.
- Em muốn chúng ta là những người học trò trong tình yêu.
- Anh cũng muốn vậy.
- Thì trả lời mau lên.
- Em thuê làm hôm chúa nhật?
- Sai rồi. Chúa nhật ai đi chơi với anh?
- Chứ bao giờ ?
- Trong tuần lễ em giận anh đó. Anh coi, nàng lật tấm đá ra phía sau, có ghi ngày tháng đây này.
Tôi cảm thấy chưa có một mùa Giáng sinh nào tôi được hạnh phúc như vậy. Năm ngoái, tôi nhìn Lam với cái nhìn ngó dửng dưng, với sự tạnh không của tâm hồn. Đêm Giáng sinh, khi nghe chuông lễ nửa đêm đổ, tôi nói chuyện với Lam gần như là đùa cợt, bâng quơ. Hơn một năm trôi qua, phút này hình ảnh Lam đã trở nên hình ảnh của hạnh phúc, của nguồn vui và hy vọng của đời sống tôi. Nàng còn dự phần chính trong quyết định mà những tháng sắp đến đây tôi sẽ trình bày với Cha Châu. Tôi chọn lựa con đường đi vào đời cam khổ, phấn đấu sắp đến, cũng vì Lam. Lam đã khiến tôi khổ sở trong nhiều tháng nay, để chọn lấy một thái độ. Một cách sống.
Sau cùng, tôi cảm thấy phấn khởi và tin tưởng, để gần Lam. Hình ảnh những mùa Giáng sinh cũ trong ký ức chạy thoáng qua, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy bóng dáng mình thấp thoáng trong đó. Những ngày Giáng sinh hồi còn ở Làng Sông, cái không khí tĩnh lặng, cái buồn bã khép kín không xóa hết được cho dầu những sinh hoạt những ngày kế cận có được tổ chức. Chúng tôi đi chơi ở miền núi. Những năm sau, chúng tôi được đi chơi tập thể ở bờ biển Quy Nhơn. Hồi về sống ở khu La San tuy cái không khí ít u mặc, ngưng đọng, nặng nề như ở Làng Sông, nhưng nỗi tẻ lạnh không vơi trong tâm hồn tôi. Trái lại, thời gian này, tôi hiểu được tương lai tôi, những ngày sống khép kín nghiêm nhặt làm tôi bỗng nhiên đôi lúc thấy ngơ ngác. Ở Đại chủng viện, tuy sinh hoạt được tự do hơn xưa; đời sống thoải mái, nhưng cũng từ đó, trong tôi nhen nhúm một nỗi mơ ước đi xa.
Lam nắm lấy bàn tay tôi đặt lên ngực nàng:
- Anh mơ nghĩ gì thế?
Tôi vẫn còn bàng hoàng. Thời gian êm ả cùng đời sống thầm lặng, lủi thủi ở ký túc xá, còn đứng lại trong đầu tôi. Tôi đưa bàn tay Lam lên môi. Tôi nói: “Anh nghĩ tới ngày mai, những ngày Giáng sinh sum họp của chúng ta”.
Lam thơ ngây:
- Không còn xa nữa đâu, anh nhỉ?
Tôi đáp:
- Chẳng còn lâu đâu. Như đã định với em mấy lần trước, hè này anh ra lại Huế, gặp Cha Châu. Sau đó anh vào Sài Gòn trong hai năm, học xong hai chứng chỉ chót, anh sẽ trở về...
Lam nhắc:
- Nếu em thi hỏng, anh còn thương em không?
Tôi cười :
- Đừng nói bậy nữa. Chuyện đó, anh đã lo sẵn cho em rồi.
Chúng tôi cũng dùng những món ăn nguội đã sắm sẵn từ buổi chiều mà Đức đã chịu khó đi tìm giúp. Một con gà quay. Bánh mì. Chả lụa. Nem nướng. Hai hộp bánh ngọt. Bấy nhiêu đã quá đủ cho chúng tôi mừng đêm Chúa giáng sinh. Tôi uống bia, còn Lam uống Coca pha một ít bia từ ly của tôi. Gần Lam, được sống cùng nàng những giây phút ấm áp và quấn quýt như vậy, tôi thường nghĩ tới những ngày ở các trường học. Hình ảnh tôi trở lại một cách rời rạc và xa lạ làm sao. Tiếp theo, khi cố xua đuổi những bóng dáng lầm lũi câm lặng đó, tôi nghĩ tới một mái gia đình. Một sum họp. Điều này bao giờ cũng làm tôi chếnh choáng, tôi tưởng như bị lạc vào một cõi nào thực xa.Trước khi đưa Lam trở về, tôi ôm hôn nàng thực lâu. Dường như tôi bị say. Lam vừa rời tay tôi ra khỏi cửa, bỗng chạy vào ôm lấy cổ tôi, nàng hôn tôi như một đứa trẻ.
Tôi không biết diễn tả thế nào để có thể nói được đôi phần cái tâm trạng tôi khi rời hẳn Đại Chủng Viện Xuân Bích. Khi xa cha Châu, người Cha Linh hướng đã giúp tôi tu học, hướng dẫn tôi vượt qua được những cơn khủng hoảng tối tăm của tâm trí. Rời Ðại Chủng Viện lần này, tôi biết rằng, tôi sẽ rời xa nó mãi. Nếu có dịp tôi trở lại, cũng là sự trở lại của một kẻ ở ngoài, một du khách hay một tìm về lạc lõng, bơ vơ. Rời phòng Cha Bề Trên, đi giã biệt quí Cha giáo sư, tôi cảm thấy vừa nôn nả, vừa ngại ngùng. Cụ Sau, giáo sư Thần học, nhìn tôi với đôi mắt sâu thẳm, ưu tư hơn Cha Nhân, giáo sư Cựu ước, lặng lẽ và trìu mến. Các giáo sư như Bouyer, Nguyễn Hữu Ðăng, an ủi và cầu chúc tôi như một đứa con sắp rời gia đình đi vào chốn khó khăn, nguy hiểm. Chỉ có Cha Michel Barnouin (mà chúng tôi gọi là Cao Như Sơn), cười nói rất bình thản khi nghe tôi giã từ ông.
Bây giờ, nghĩ nhớ lại, tôi hiểu tôi lúc đó bị dằn vặt bởi những lời nguyện ước, và những mơ ước về đời sống: Tôi bị lạc lõng, hơi lo sợ và cũng có một hạnh phúc êm ái. Tôi từ giã các bạn còn lại mà không lời giải bày, bởi vì, tôi không thể nói gì được khi tôi đã nghĩ và quyết định trái ngược với họ. Tuy thế, họ đã hiểu tôi, rất niềm nở và tự nhiên, với sự ra đi vĩnh viễn của tôi. Có lẽ, họ coi tôi đáng thương hại, hoặc không đáng chê trách, khi tôi không đủ ý chí, nghị lực, cũng như không đủ ơn phước để nhận lãnh ơn nghĩa Thiên Triệu thiêng liêng. Tôi là một kẻ đã bỏ cuộc. Tôi chọn lựa một cuộc đời sống khác, hợp với bản chất và lòng mơ ước tự nhiên của tôi. Ngày gặp Lam, tôi tự nhủ, hãy cứ để tình cảm trôi chảy, cứ việc sống hồn hậu và nồng nhiệt theo tâm hồn. Bây giờ, tôi đã bị trôi đi, bị cuốn hút vào một giòng nước mạnh mẽ, tôi không thể cưỡng lại. Nói cho đúng, tôi không muốn cưỡng lại. Ngày mẹ tôi được tin tôi vào đời, bà tự nhiên không nói. Trên gương mặt bình thản, đầy ắp tình thương của bà, tôi biết bà không trách tôi. Hình như bà cho tôi làm vậy, là một việc không có gì để nói.
Tôi vội vã trở lại X. khi mùa Hè sắp đến. Tôi gặp lại Lam. Chúng tôi tiếp tục sống với những hò hẹn, gặp gỡ, và cuồng nhiệt được mấy tuần trước ngày tôi đi Sài Gòn thực hiện những dự tính mà tôi đã nói với Lam. Lam thường đến với tôi, sau bữa cơm chiều, cho đến mười giờ đêm mới về nhà. Tôi tạm trọ chung với Đức. Nhưng tôi và Lam hoàn toàn tự do, bởi Đức thường vắng mặt giờ đó. Hơn nữa, Đức tỏ ra một người sành sỏi, đã tạo dịp thuận tiện cho chúng tôi sống những ngày sắp xa nhau. Lam thường đến, mini jupe màu, giày da, tóc cột bím, mắt sáng, môi đỏ, nụ cười hồn nhiên, tấm lòng dào dạt khao khát. Gặp nhau Lam như vừa lo sợ xa cách và tham lam, ôm chầm lấy tôi, không rời. Tôi bồng nàng lên ghế như một con búp bê. Đôi khi, tôi bị lôi cuốn bởi Lam, con sóng dào dạt, không ngăn được những khao khát sôi nổi bừng nóng trong lòng. Chúng tôi nằm ở giường cho đến giờ Lam phải trở về. Tôi không thể kéo dài thêm một vài ngày nữa với Lam bởi vì chuyến bay tôi đã ghi trước, mọi việc đã được thu xếp chuẩn bị. Buổi sáng hôm ra đi, tôi không muốn Lam đưa tiễn. Chúng tôi đã đưa tiễn nhau mấy hôm trước rồi. Nhưng lúc Đức vừa chở tôi đến trạm hàng không thì tôi nhìn thấy Lam ở đó. Tôi trông thấy nàng ngơ ngác và tội nghiệp. Nàng có vẻ sợ hãi. Vẻ mặt xanh xao. Ánh mắt lạnh lùng kia làm tôi nao núng lạ. Tôi nghe tôi khóc trong lòng. Tôi thấy tôi chếnh choáng. Gặp tôi, Lam chỉ trao tôi tập Văn số mới đặc biệt về Simone De Beauvoir, rồi lẳng lặng đi về. Tôi muốn giữ nàng lại, muốn được nhắn nhủ (cho dầu suốt mấy tuần qua đã nhắn nhủ), muốn ôm hôn nàng (dầu tôi đã hôn nàng chiếc hôn từ giã từ tối hôm trước). Nhưng Lam đã bỏ đi.
Trong tập báo nàng trao tôi, có một lá thư:
X. Đêm 5 tháng 7 năm 1970
Anh yêu dấu,
Mai anh đi rồi, để lại cho em sự cô đơn và buồn bã cũ. Và nỗi thương nhớ không nguôi. Sự chia lìa đã đến thực rồi. Em phải làm sao đây? Làm sao để níu kéo lại những ngày yêu nhau cũ. Vậy mà những ngày qua em vẫn còn mù mờ không nghĩ rằng anh sẽ xa em, sự xa cách đau khổ cho em biết chừng nào. Đêm qua, rời anh trở về, em suy tư và nghĩ ngợi về anh quá nhiều. Em nhớ anh - nhớ ngay cả trong giấc ngủ nên không thể bình thản để học hành. Anh đã lấy mất linh hồn và thể phách em tự lúc nào. Xa anh trở về, mang theo nỗi buồn trống vắng, nỗi cô đơn, sầu thảm nào đang vây bọc quanh em. Anh yêu dấu muôn đời của em, nhớ lại những ngày tháng xa, những lúc cùng anh vui chơi, em đã khước từ những mê đắm, những ôm ấp thương yêu nhưng anh biết đâu đó chỉ là cái váng nổi của một phần con người thực trong em, để rồi, buổi chiều, buổi sáng em đã nằm mãi, mơ mộng mãi, không thể học, không thể ngủ, không thể làm được một cái gì. Điều nào ước muốn đang lẩn khuất, hành hạ trong em.
Anh yêu dấu,Cho em trở lại những ngày đầu tiên thần tiên đẹp đẽ. Anh ơi, đây là hành lang, dưới kia là văn phòng, anh đang làm gì, đang nghĩ gì? Xin hãy ngước nhìn, có em đứng đây với vô số những miên man suy tưởng. Ôi, chuyến đi xa, mi đã tạo ra một khoảng cách giữa ta với người. Tội nghiệp cho ta, cho đôi mắt mê mải nhìn. Anh có còn nhớ không giờ lễ nửa khuya Giáng Sinh năm kia, chúng ta đã nói chuyện quên ngủ. Mới đây, mùa Giáng Sinh tuyệt vời nhất đời em, bên cạnh anh. Buổi sáng rong chơi khắp miền ngoại ô. Buổi tối ấm cúng bên nhau, trong nhau, bên ánh đèn mờ tỏ. Và những ngày say đắm nhất, in khắc vào tâm hồn em nhiều nhất, vừa mới vuột khỏi tầm tay em, sáng hôm nay.
Anh yêu dấu,Anh đi rồi. Em phải làm sao đây khi sự xa cách quá lâu? Dù muốn hoặc không thì bây giờ cũng không thể nối tiếp lại những ngày vui cũ. Thôi hết rồi những lần hẹn hò chờ đợi. Thôi hết rồi những lần quấn quít bên nhau quên cả giờ về. Anh ơi, từ đây một mình sao em có thể trở lại chốn cũ. Nhìn tên thánh của hai đứa đã khắc sâu vào phiến đá? Xa anh rồi, tâm hồn em lạnh lẽo, bây giờ càng lạnh lẽo xa vắng hơn. Đầu óc em mê muội, trí óc em bồng bềnh trôi nổi. Trời ơi, thế này mãi thì làm sao em học được. Anh ơi, nếu em thi rớt rồi anh có còn yêu em không? Hay lúc đó, bao nhiêu tình cảm đều tiêu tan mất? Em sợ lắm. Sợ vì xa cách anh sẽ quên em mất thôi.
Em của riêng anh,
Lê Thị Kiều Lam
Tôi viết thư cho Lam mỗi ngày khi đến Sàigòn. Cuộc sống mới, hoàn toàn xa lạ, đã làm tôi càng ao ước được trở về với Lam - sống thu nhỏ trong một khu vườn, một mái nhà. Tôi đã phải phấn đấu và nhẫn nại với sự chọn lựa một cách khổ sở. Lam gởi thư thường xuyên, giống như tôi, mặc dầu nàng nói đang bận lo học thi. Tôi có viết thư gởi Lam cho vài giáo sư quen, nhưng họ đã đến một nơi khác. Tôi không nhắc đến chuyện này, ngại nàng buồn. Hơn nữa, nhắc tới thi cử, là nhắc lại câu hỏi: “Anh ơi, nếu em thi rớt, rồi anh có còn yêu em không?”, càng khiến nàng lo lắng, và tôi buồn bực. Tôi cũng không hiểu lý do gì, vì đâu, đã khiến Lam cứ nhắc lui tới việc thi cử của nàng, rồi coi đó là một yếu tố quyết định tình yêu. Nàng cũng không ngớt sợ hãi, hoang mang bởi sự xa cách. Một thư nàng viết: “Anh ơi, có đang buồn, có đang nhung nhớ, có đang thao thức như em? Sao em nóng cả ruột gan, không thể vùi đầu vào chăn gối, vào giấc ngủ. Thôi em thức mãi nghe anh? Em thức để nhớ tới ai đã đến và đã xa khuất nẻo mù tăm. Hai năm, hai năm nữa, ta mới thực là của nhau cho suốt một đời. Biết em có còn sống để chờ đợi, biết anh có mãi mãi nuôi dưỡng một tình yêu nhỏ dại, hay rồi anh ơi, đây chỉ là giấc mơ, một tấn kịch trong đời em ngắn ngủi?” Sự hoang mang của Lam chuyền đến tôi như cơn bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo. Tôi muốn trở về X. Muốn chung sống bên Lam. Tôi đã thay đổi được đời mình thì tôi cũng có thể khước từ hết thảy mọi thứ ở đời để chỉ cần có nàng. Trong lúc chờ đợi sự quyết định dứt khoát, tôi gởi tặng nàng chiếc nhẫn cưới. Đáp lại, Lam gởi tôi sợi dây chuyền có thánh giá thường ngày vẫn đeo ở cổ. Sau đó, những thư của nàng vơi bớt buồn rầu, cái ý nghĩa ly biệt mù tăm cũng tiêu dần, nhường lại cho những kể lể kỷ niệm, những dặn dò hy vọng. Một thư nàng viết: “Anh ơi, buổi sáng nào cuối, sao anh chẳng hôn em. Anh quên hôn em mất rồi anh ạ. Em muốn đứng lại, cố níu kéo nhưng không thể làm khác hơn là quay đi. Em nhìn theo anh từ một góc đường mà không dám đưa anh đến tận nơi vì ngại gặp mặt, phải chào hỏi người ta. Nên để anh đi, không một vẫy tay đưa tiễn, một lời cuối dặn dò. Nhìn chuyến xe ca chở anh rời thành phố mà em không ngăn được những giòng nước mắt âm thầm chia ly.”
Tôi được Đức viết thư báo tin Lam thi hỏng tú tài. Dù chưa nhận được thư chính thức của Lam nói về chuyện này, tôi vội vã viết một lá thư an ủi và phân tích những ý nghĩ không chính xác, nông nổi của nàng về việc thi cử. Tôi chờ tin. Một tháng trôi qua. Tôi sống trong cùng cực lo âu và thất vọng. Tôi trở về X. muộn bởi đang phải lo thi. Vừa tới X. tôi cùng Đức đến ngay đường Cao Thắng, số 32. Với tư cách là giáo sư và Tổng giám thị trường S. (Đức lên làm Tổng giám thị trường S. từ khi tôi ra đi), Đức hỏi người nhà cho gặp Lê thị Kiều Lam để có việc cần. Làm lại hồ sơ gì đó. Người nhà vào trong, trở ra thưa không có Lam ở nhà. Chúng tôi ra về. Một tuần lễ lưu lại X, tôi luẩn quẩn hoài bên khúc đường Cao Thắng, hy vọng sẽ gặp Lam, nhưng vô ích. Bên này một quán nước, từ tám giờ sáng đến mười hai giờ trưa, tôi nhìn ngó sang nhà Lam. Buổi chiều, từ hai giờ đến sáu giờ. Suốt một tuần như thế. Đức cũng không giúp tôi gì hơn sau lần cùng tôi đến nhà. Anh ta nói cũng không hiểu được. Quả thực, tôi cũng không hiểu.
Khi rời X. vào lại Sài Gòn, tôi nhờ Đức đến nhà trao hộ Lam lá thư cuối cùng của tôi. Tôi gọi là cuối cùng, bởi vì, tôi đã viết nó với tâm trạng và lời lẽ của một người vĩnh viễn ra đi. Đến nay, tôi không còn nhớ hết tôi đã nói những gì trong ấy, nhưng tôi biết chắc rằng tôi đã bày tỏ hết nỗi thất vọng, đau xót của tôi vì sự tan vỡ, vĩnh biệt này. Với Lam, tôi nghĩ, có lẽ bởi tuổi trẻ và sự hoang mang dễ bị lung lạc để thất vọng, nàng đã không thấu hiểu hết tôi.
Ở Sài Gòn khoảng vài tháng, sau đó, tôi xin làm giáo sư khế ước, được bổ nhiệm tới dạy tại P. một thị trấn miền duyên hải Trung phần. Đó là một nơi thực tĩnh lặng, và heo hút.
Tôi là người luôn luôn đến trường sớm nhất. Lý do: Không có đồng hồ, nằm mãi trong phòng suốt buổi sáng (tôi chỉ dạy một buổi chiều), nên muốn được ra ngoài. Hằng ngày, hễ tôi mở cửa bước ra là để đi dạy, còn trở về thì nằm lì luôn. Cơm nước đã nhờ đứa nhỏ ở cạnh lên hiệu ăn xách về giúp. Tôi trở nên trễ nải trong việc giao thiệp, và lười biếng trong việc ăn mặc. Hơn nữa ở trường, giáo sư trên ba chục nhưng nghe nói phe phái đã có tới ba bốn nhóm. Họ ăn nói gìn giữ, kênh kiệu, khách sáo thái quá. Ai cũng nghĩ rằng mình là một người quan trọng. Bởi thế, cách ăn mặc họ cũng phải tỏ ra là như thế: cà-vạt luôn luôn dính vào cổ, ngay cả những ngày nóng bức. Có người mỗi ngày một bộ đồ, một chiếc cà-vạt. Màu sắc phải harmonie.
Tôi ngồi ở dãy ghế dựa nhìn ra ngoài sân. Học sinh đã đông. Trời buổi nhiều nay tạnh ráo, nhưng gió lạnh. Những cành dương trong sân trường xơ xác sau những ngày mưa bão lụt lội. Đứa con gái người phu trường mang hai bình nước trà đặt lên bàn. Tôi chồm tới rót một tách nước trà nóng. Tôi bỗng nhìn thấy tấm bảng kê ở vách thấy ghi: “Yêu cầu quý vị Giáo sư nộp phiếu điểm tháng 12 cho Văn phòng kịp làm thành tích. Hạn chót: Trước ngày nghỉ Noel”, phía trên hàng chữ cũ vẫn không xóa: “Yêu cầu quí vị Giáo sư dạy dỗ như thường vì lụt đã rút hết nước. Văn phòng”.
“Hạn chót trước ngày nghỉ Noel”, tôi đọc thầm. Lại một mùa Giáng Sinh nữa sắp đến. Chỉ còn bốn hôm. Thốt nhiên tôi đưa tay lên cổ, cầm chiếc thánh giá của sợi dây chuyền, nói khẽ: “Bây giờ Lam ở đâu? ”
Mang Viên Long

Trong Tạp chí VĂN số Giáng Sinh năm 1974.