19 December 2023

TÂM SỰ VỤN KHI TRỜI TRỞ LẠNH - Võ Kỳ Điền

Tôi có anh bạn người hiền lành chất phác, cùng quê hương bản quán, tánh tình hai anh em khá giống nhau nên rất thân tình. Quen thân từ lâu lắm, tuy tuổi tác cách nhau trên dưới mười năm. Anh học rất giỏi đảm nhiệm chức vụ cao nhứt nhì trong nội các chánh quyền VNCH. Tại sao tôi giới thiệu anh bạn dài dòng như vậy, vì muốn nói rõ chuyện thân quen nên khi tâm sự tôi và bạn thường hàn huyên một cách thật lòng. Biết nhau quá nhiều thì đâu có gì cần phải dấu diếm hay màu mè, khách sáo làm chi.

Có lần trong khi vui đùa trên sóng nước ở một góc biển xa, thấy hoàn cảnh tôi nghèo, bạn thương tình mà nói:
- Tôi thấy anh cùng khá, đáng lẽ phải học kỹ sư hay bác sĩ để giúp ích cho xã hội, vừa cho đời vừa cho mình, lại học chi ba cái chữ nho với lại văn chương vô bổ như vậy.
Anh bạn vừa nói xong tôi nghe muốn á khẩu, lùng bùng lỗ tai. Anh vừa đánh trúng ngay vào tử huyệt, tôi vừa muốn khóc lại muốn cười. Cười là cười cái ngu si của mình, khóc là khóc cho cái số phận của mình. Phải chi anh nói trật, tôi còn chống chế, nào dè anh nói trúng quá, tôi còn chống chế chỗ nào. Đúng thiệt tình, bạn nói không trật một điểm. Tiến sĩ kinh tế du học bên Mỹ mà, làm sao nói trật được.
Nhưng có điều vì anh du học bên Tây, bên Mỹ lúc còn trẻ nên chưa có cơ hội đọc văn Nguyễn Tuân. Có lần nhà văn đã viết câu nầy "có sự thật đôi khi không tiện nói ra". Quả đúng cho trường hợp của tôi hôm nay. Anh đã nói toàn là sự thật. Nhưng anh nói ra làm chi khiến tôi đau cái bụng. Chuyện cũ mấy chục năm về trước, bây giờ tuổi đã già, giàu nghèo như cơn mộng thoáng qua. Tiếc thì cũng vậy, không tiếc thì cũng vậy, đâu có thay đổi được gì.
Cả đời cho tới giờ nầy, tôi hoàn toàn vô sản, trên răng dưới dép. May là không phải dép râu. Nếu là dép râu thì đã bỏ lại một đống xương khô trên dãy Trường Sơn mấy chục năm về trước rồi. Tôi không còn cách gì để trả lời bạn, lắp bắp tự biện hộ:
- Bộ anh nói tôi giỏi lắm sao. Bề ngoài coi ngon lành vậy chớ không phải vậy đâu nghen. Bác sĩ, kỹ sư tưởng dễ ăn hả, khó lắm, phải thiệt giỏi và trầy vi tróc vảy mới học được. Tôi vừa dốt, vừa làm biếng, vừa ham chơi, không đủ tài năng, nghị lực, làm sao mà với tới được.

Câu chuyện vụn vặt trên một bờ biển lạ, tưởng sẽ trôi đi theo sóng nước, nào ngờ hôm nay trời trở lạnh, co ro trong cái quạnh hiu, nhìn qua khung cửa tuyết phủ trắng xóa một góc trời, đâm nhớ anh bạn thân ngày nào và câu nói văng vẳng bên tai "anh học chi ba cái văn chương với chữ nho vô bổ...". Thôi đành tự biện hộ, tại cái số phận mình hẩm hiu như vậy. Chạy trời đâu cho khỏi nắng. Mà đâu phải chỉ có mình tôi học văn chương ở cái xứ Việt Nam nầy. Cũng có nhiều nhiều bạn lắm, đại học Văn Khoa lúc nào cũng đông nghẹt mà.
Nhưng tôi suy nghĩ thêm có lẽ các bạn học ban văn chương giống như tôi thời xưa đông vì chưa được nghe nhà văn Sơn Nam nói. Ông đã nói một câu để đời như vầy: "nếu mà viết văn làm giàu được thì Ba Tàu Chợ Lớn thành nhà văn hết rồi".
Cho nên ở Chợ Lớn có thấy người nào là nhà văn đâu. Chuyện rõ như ban ngày và không bất cứ ai chối cãi cho được. Phải chi hồi mới lớn tôi được nghe câu nói nầy thì đời tôi bây giờ có lẽ khác xa lắm, đâu phải trơ trọi như bây giờ. Đời lúc nào cũng trớ trêu ở hai chữ “phải chi”, thêm vào cho đủ bộ ”phải chi hồi đó”. Phải chi hồi đó tôi đừng học văn chương, đừng học ba cái chữ nho rắc rối, mà rán học cho được bằng kỹ sư, bác sĩ... Còn nếu không đậu được thì đi làm công, dành dụm tiền mở quán bán phở, mì, hủ tiếu, mở tiệm sửa xe... Có hàng trăm hàng ngàn nghề, nghề nào cũng có thể làm giàu được nếu mình chịu khó cố gắng chăm chỉ siêng năng, cần cù.
Và nếu có kiếp sau thì tôi phải nên nhớ môt điều đừng bao giờ làm lại nghề thầy giáo, đừng bao giờ làm nghề viết văn làm thơ, nếu không muốn thiếu trước hụt sau và những hệ lụy theo sau đó. Tôi không dám kể lể nữa đâu, e rằng các đồng nghiệp sẽ chạnh lòng. Tuy vậy trong các bài của tôi đôi khi có viết như thiệt cảnh nhà lầu, xe hơi, nhảy đầm, du lịch, ăn chơi... không thiếu thứ gì. Bạn đọc tha hồ tưởng tượng chuyện giàu sang phú quí. Bạn đọc tưởng thiệt hả, không phải đâu, không phải như vậy đâu. Viết văn là phải hư cấu, thêm thắt vẽ vời, sách nào, thầy nào cũng dạy như vậy. Viết đúng y sự thật là viết báo chớ không phải viết văn.

Viết tới đây chợt nhớ có lần đi du lịch xa trở về, viên thanh tra nhà đoan phi trường cầm cuốn sổ thông hành của tôi dò xét:
- Ông là nhà kinh doanh hả (businessman?) Tại sao cuốn sổ passport đóng dấu đầy nghẹt như vậy nè.
Tôi trả lời/
– Tôi nghỉ hưu từ lâu rồi, nên có thì giờ rảnh đi tới đi lui.
Ông cười và nói tiếp/
- Vậy là ông giàu có quá rồi.
Tôi biết ông cố ý hỏi tới hỏi lui để dò xét coi tôi có gian dối hay giấu diếm cái gì bất hợp pháp hay không, bèn trả lời vui vẻ mà cũng khá thật tình/
- Ông biết không, tôi đi du lịch chỗ nầy chỗ kia, bằng tiền già và tiền hưu trí, rồi vợ con thấy thương mà cho thêm. Tại ông hổng biết chớ tôi là người nghèo nhất tỉnh bang Québec nầy... Ủa không phải, nói cho đúng hơn là nghèo nhứt trong cái xứ Canada nầy!
Tại ông thanh tra nầy không biết tôi xém là nhà văn, nếu biết thì sẽ không bao giờ hỏi câu đó đâu. Tôi chỉ dám nói về tôi thôi, làm sao mà dám viết dùm cho các bạn khác. Đừng trách cứ nghen, tội nghiệp. Bạn văn của tôi, các ông Luân Hoán, Song Thao, Hoàng Xuân Sơn, Trang Châu, Phan Ni Tấn, Bắc Phong, Đỗ Quí Toàn, Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn... nhà cửa, xe cộ, giàu sang thấy mà ham!
Bên ngoài khung cửa kiếng, tuyết bay phơi phới trắng xóa, ngập trời. Mùa đông Canada năm nay đến sớm.

Võ Kỳ Điền
Brossard, QC  - le 4 sep 2022