Ông Phượng họ Đặng ở làng Kinh, người cao to lực lưỡng, nổi
tiếng là một chàng trai lực điền, có nhẽ hàng trăm năm làng mới xuất hiện một
người như thế. Các cụ kể lại những ngày mùa, ông gánh hai bó lúa to như hai quả
núi, đi không lọt cổng làng, phải thả xuống ngay chỗ ấy, hàng chục người phải dỡ
ra, gánh dần về nhà, nửa ngày mới hết.
Có một nhà buôn trong vùng nghe tiếng, bèn tìm đến, chiêu mộ ông theo thuyền buôn của mình. Ông đi khoảng chục năm, không có tin tức gì, dân làng đã tưởng mất tích. Một hôm ông bỗng trở về làng, tậu hẳn một mẫu vườn, rồi cất nhà, cưới vợ… Dân làng mừng cho ông. Thế rồi ông lại ra đi. Lần này không phải đi làm thuê, mà làm ông chủ. Ông bỏ tiền đóng một chiếc thuyền lớn, thuê trai làng theo ông đi buôn đá tảng, chở về bán cho làng Kinh và các làng trong vùng để lát đường, lát sân…
Dân làng Kinh không ai biết, rằng mười năm
đi theo nhà buôn trước kia, ông làm những gì, chỉ đoán chắc ông “trúng” được
nhiều vàng lắm, nên mới có tiền tậu vườn, xây nhà... như thế. Nguyên đoàn thủy
thủ của nhà buôn bấy giờ gồm bảy tám anh, ông Phượng là người được nhà buôn tin
tưởng nhất, nên lúc nào cũng giao cho ông giữ túi vàng, quấn chặt ở trước bụng,
không anh nào biết. Trong một chuyến thuyền buôn vào miền Trung, gần tới một
làng chài ven biển thì gặp bão, phải chèo vào bờ để tránh. Chưa vào tới nơi, bỗng
gặp một toán cướp từ trong bờ bơi thuyền nhẹ ra. Chúng ùa lên thuyền, trói ráo
cả lại rồi khảo của. Nhà buôn bị chúng cắt cổ trước mặt mọi người, đem quẳng
xác xuống biển rồi lục lọi khắp con thuyền. Chúng chưa kịp khám xét đến người
ông thì một cơn gió mạnh ập tới, đánh tan nát con thuyền, hất văng cả bọn cướp
lẫn đoàn thủy thủ xuống biển.
Làng chài ấy tên Đại Tân, đó là một làng trù phú thuộc đất
Quỳnh. Trong làng có một cụ đồ hay chữ nổi tiếng cả một vùng, họ Ngô, tên Cời.
Một đêm nằm mơ, cụ đồ Cời thấy có con chim phượng đến đậu trên nóc nhà. Sáng ra
cụ nghĩ mãi, làng Đại Tân có mấy ngọn núi, từng có truyền thuyết 100 con chim
phượng bay đến, nhưng chỉ có 99 con tìm được chỗ đậu, một con phải bay đi, khiến
cả đàn cùng bay theo. Truyền thuyết kiểu ấy thiếu gì nơi cũng y hệt như thế, chắc
do mấy anh cuồng vọng thêu dệt ra cho vui thôi nên cụ cũng chả tin. Nay mơ thấy
chỉ có mỗi một con chim phượng bay đến đậu trên nóc nhà mình, thì không biết có
cái điềm gì đây?
Họ Ngô ở Đại Tân có gốc gác từ một vùng tít phía Tây Bắc,
nơi đất có hai vua, vào định cư trong đất Quỳnh đã mấy đời, thì đất Quỳnh cũng
từng sinh ba vua. Vậy mà cái truyền thuyết 99 con chim phượng cũng chả làm cụ cảm
động, thì biết cái đức của cụ đồ đã đủ để coi chuyện đế vương trong thiên hạ chả
quan hệ gì. Nhưng nay chính cụ mơ thấy, thì cũng phải nghiệm thử xem thế
nào.
Chiều hôm sao bão tan. Cụ đồ Cời thơ thẩn ra bãi biển. Phong
cảnh xơ xác, tiêu điều, sóng biển vẫn còn rất hung dữ, dập dềnh những khúc củi
gỗ, những mảnh ván thuyền… Trên trời có đám Hải Âu bay lượn, cất tiếng kêu dáo
dác. Một quả núi nhỏ, thò hẳn ra ngoài biển như mỏ con phượng nên có tên là núi
Mỏ Phượng, trên đó có một ngôi chùa nhỏ, tên chữ là An Thái tự. Có mấy tiếng
chuông chùa, cả tiếng quạ kêu như thể gọi hồn. Cụ đồ Cời bỗng phát hiện một vật
lạ nằm trên bãi cát, nom như một xác người? Cụ vội vàng bước tới. Quả nhiên là
một người đàn ông nằm sấp, quần áo tơi tả. Lật ngửa người ấy lên, thấy vẫn còn ấm.
Cụ vội vàng chạy vào một nhà gần đấy, nhờ người phóng về gọi anh con trai tên
Khẫn, ra cõng người đàn ông ấy về nhà.
Vốn có kiến thức y học, trong lúc chờ con trai, cụ đồ khẩn
trương bấm huyệt, ấn ngực, thông khí, làm những động tác cơ bản để sơ cứu. Khi
mang được về đến nhà thì người ấy đã tỉnh lại. Đó chính là ông Phượng.
Ông Phượng được cứu sống. Nghe ông xưng cái tên là Phượng, cụ
đồ Cời giật mình. Nhưng cái cách phượng xuất hiện ở nhà cụ xem chừng thảm hại
quá, là cách của một người sắp chết đuối, không phải cách của một con phượng
hoàng. Cụ đồ Cời vốn thạo xem tướng, thấy ông Phượng tuy thô kệch, song chất
phác, giữ được của đấy, chỉ hiềm có một tướng phá bại, sau này dễ gặp phải cái
chết bất đắc kì tử…
Ông Phượng ở
nhà cụ đồ Cời gần một tháng thì bình phục hoàn toàn, cùng với ông Khẫn, con cụ
đồ Cời kết tình huynh đệ khắng khít lắm. Cụ đồ Cời nhân đấy dạy ông Phượng viết
chữ Nho. Khoản này thì ông Phượng tỏ ra chậm hiểu, ì ạch mãi cũng chỉ nhớ được
mấy chữ. Đặc biệt, riêng chữ “Phượng” (鳳) là tên của
ông mà học mãi không xong, viết thế nào cũng thiếu 1 dấu chấm ở dưới, lại tròn
như giọt mực. Nghĩ tình giữa ông Phượng với anh con trai, cụ đồ Cời dẫn ông Phượng
lên chùa An Thái, gặp vị sư tu ở chùa ấy tên là sư Thành, ý cụ muốn tạo duyên với
cửa Phật, để giải bớt phần nào cho cái tướng phá bại của ông.
Ông Phượng
chia tay nhà cụ đồ Cời để trở về quê. Tình huynh đệ với ông Khẫn tuy chửa được
bao lâu, song đã tỏ ra lưu luyến lắm. Ông khảng khái cắt ngón tay, lấy máu làm
mực, nắn nói viết chữ Phượng (鳳) tên mình, cũng vẫn thiếu một nét
chấm, rồi đưa cho ông Khẫn giữ, hẹn ngày tái ngộ…
Ông Phượng về buôn đá tảng được mấy năm thì bà vợ đẻ thằng
con giai, đặt tên là Đặng Công. Ông bèn bỏ nghề buôn đá, nghỉ hẳn ở nhà nuôi
con, định chờ thằng con lên 6 tuổi, sẽ dẫn nó vào trong Quỳnh, để nó nhận ông
Khẫn, người kết nghĩa với cha nó là bác, và nhân tiện nhờ cụ đồ Cời dạy nó viết
chữ Nho…
Nhưng tiếc rằng người tính không bằng trời tính. Chiếc thuyền
buôn ngày trước bị sóng biển đánh tan, bọn cướp biển cùng đoàn thủy thủ bị chết
hết, chỉ mỗi ông Phượng còn sống sót, được cụ đồ Cời cứu. Mà không hiểu sao con
cháu bọn cướp biển cũng biết được điều đó. Chúng còn lần ra được cả quê quán của
ông, còn biết ông tậu vườn, xây nhà, có vốn đi buôn đá… Chúng đoán ông đã mang
theo được số vàng ở trên thuyền nên mới như thế. Tháng Chạp năm ấy, con cháu lũ
kẻ cướp kia họp lại, rủ nhau mò ra tận làng Kinh, nửa đêm xông vào nhà, trói
nghiến ông Phượng lại để khảo của. Thằng bé Công bấy giờ mới được 2 tuổi, cùng
bà mẹ bị chúng bịt mắt, trói vứt lăn lóc ở trên giường. Ông Phượng cứ một mực lắc
đầu, kiên quyết không chỉ chỗ giấu vàng, bọn cướp tức giận cắt cổ ông rồi bỏ
đi…
Ông Phượng chết, mà không kịp dặn lại câu gì cho vợ con. Hai
mắt mở trừng trừng…
Ở trong Quỳnh, cũng đúng nửa đêm hôm ấy, ông Khẫn đang ngủ bỗng
thấy rùng mình. Trằn trọc mãi không ngủ lại được nữa, ông trở dậy, thắp đèn, giở
mảnh giấy có chữ “Phượng”, viết bằng máu thiếu một nét chấm của ông Phượng trao
cho ngày trước. Ba dấu chấm của chữ “Phượng” đỏ rực lên, nom như vẫn còn ướt,
như ba giọt máu tươi.
Ông Khẫn hoảng hồn, biết việc chẳng lành, liền đánh thức cụ
đồ Cời dậy. Cụ đồ nhìn chữ “Phượng” thì cũng linh cảm ra ngay. Cuối cùng cái số
“bất đắc kì tử” của ông Phượng có lẽ không tránh được. Cụ bèn giục ông con trai
thu xếp sáng sớm mai tìm ra ngoài quê ông Phượng để hỏi thăm.
Ông Khẫn khăn gói đi mấy ngày, trở về báo tin buồn. Mấy năm
sau, có ông hàng xóm phía Tây dẫn một thằng con trai đến xin cụ đồ Cời dạy chữ.
Cụ đồ vui vẻ nhận lời. Thằng bé khá sáng dạ, học chữ nào thuộc ngay chữ ấy.
Nhưng duy đến chữ “Phượng”, thì dạy thế nào nó cũng viết thiếu một nét chấm. Nhớ
lại chuyện dạy ông Phượng ngày trước, cụ đồ rùng mình. Chẳng lẽ…
Nghĩ tới việc từng dẫn ông Phượng lên đảnh lễ sư Thành ở
trên núi Mỏ Phượng, cụ đồ bèn dẫn thằng bé ấy lên. Vừa nhìn thấy, sư Thành đã
nói ngay: “Nó đã tạo duyên với chùa này rồi đấy…”
Cụ đồ trở về, lựa lời khuyên ông hàng xóm nên cho thằng bé
vào làm chú tiểu trong chùa An Thái để sư Thành dạy dỗ. Ông hàng xóm cũng vui vẻ
đồng ý. Từ đó An Thái tự ngoài sư Thành, có thêm chú tiểu tên Lạc.
Mấy năm sau cụ đồ Cời mất. Ông Khẫn cũng không thọ lắm,
nhưng cũng kịp có ba anh con giai. Anh trưởng được ông nội đặt tên là Nệ, hai
anh tiếp theo là Trường và Kỳ. Trước khi mất, ông Khẫn cũng đã kể lại cho ba
anh con trai nghe câu chuyện của ông Phượng ngày trước. Dặn sau này nếu có điều
kiện, thì thỉnh thoảng cũng nên hỏi thăm gia cảnh của Công, đứa con trai ông
Phượng để lại, coi như một người bà con xa của mình.
Đặng Công lớn lên cũng trở thành một chàng lực điền, song
còn thua xa ông bố. Làm ruộng quanh năm mà vẫn nghèo rớt, vợ chồng, con cái cứ
đến giáp hạt là lại đói. Bấy giờ cả làng đói nên chả ai giúp đỡ được ai. May có
gia đình họ Ngô trong đất Quỳnh vẫn giữ mối dây liên lạc, thỉnh thoảng cũng gửi
ra giúp, khi thì yến gạo, yến sắn với vài cân cá khô, của ít lòng nhiều…
Cũng may ông Phượng để lại được nếp nhà vững chãi, ba gian
hai chái nên đỡ phải lo gió bão. Còn mảnh vườn, tuy rộng hàng mẫu đấy, song hầu
như chả trồng trọt được gì, vì cứ lâu lâu lại bị bọn trộm đến đào xới lung tung
để tìm chỗ giấu vàng, nom ngổn ngang gò đống, cỏ dại mọc đầy như một bãi chiến
trường.
Vợ chồng Đặng Công đẻ hai đứa con, một trai một gái. Thằng lớn
tên Đặng Cò, chỉ học đến lớp 7 rồi ở nhà, được ông Bảy Thế, một đại gia họ Nguyễn
ở trong làng thấy thương gia cảnh, đem vào Sài Gòn cho theo ông làm ăn kiếm sống.
Đứa con gái tên Đặng Thị Thắm, cũng chỉ học đến lớp 7 rồi ở nhà làm ruộng.
Cuộc sống của gia đình nhà họ Đặng ở làng Kinh cứ thế trôi
đi, cơn nghèo túng vẫn chưa dừng lại. Năm ấy, có nhà đầu tư nước ngoài về đất
Quỳnh xây nhà máy chế biến hải sản, làm đồ hộp ở ngay làng chài Đại Tân. Nhà họ
Ngô có ông thứ hai là ông Trường cũng làm ở đó. Nghĩ đến nhà Đặng Công, ông Trường
bèn xin cho Thắm vào làm công nhân. Không học hành, không nghề nghiệp thì làm tạp
vụ, lương không cao nhưng thu nhập cũng hơn mấy sào ruộng, thỉnh thoảng gửi về
giúp bố mẹ đong lúa, nhà Đặng Công bấy giờ mới bắt đầu có cơ thoát khỏi cảnh
đói kém lúc giáp hạt.
Gần đến tết năm ấy, vợ chồng ông Công còn lo chưa biết trông
vào đâu, thì ở quảng trường thôn, tên là “Quảng trường Con gà” bỗng dưng xuất
hiện những việc kì lạ.
Sân quảng trường vứt ngổn ngang những kết cấu cột, kèo, quá
giang bằng gỗ, những viên đá tảng… mốc meo, cũ rích. Có cả những tấm bia đã mòn
gần hết chữ, những bức đại tự, hoành phi, câu đối… lở lói, thậm chí có cả mấy
bát hương bằng đồng, bằng đá, mấy cái điếu bát chạm rồng…
Thì ra có tin các họ tộc trong làng Kinh đang rục rịch xây lại
nhà thờ họ, vốn bị phá cách đây đã lâu, cùng với những miếu mạo, đình chùa…
Nhân cơ hội ấy, nhiều người tham của đã khuân trộm về làm chuồng trâu, chuồng
bò, hoặc lát bậc cầu ao… Nay không hiểu sao, bỗng dưng họ lại tự giác khuân đến
đó, quẳng trả vào ban đêm. Ban đầu chỉ là vài viên đá tảng, dần dần đến cột,
kèo… sân quảng trường trở nên ngổn ngang.
Dân làng xôn xao cả tháng trời. Các trưởng họ trong làng ra
nhận những thứ trong nhà thờ họ của mình bị dân làng “giải tán” bao năm nay, giờ
được đem trả lại. Trả một cách bí mật. Không biết thủ phạm cụ thể là những
ai.
Trong làng có ông Tiến trọc, cùng tuổi với ông Công đến rủ
ông thầy cúng Bùi Tâm đến chơi nhà ông Đạo, một vị tuy không chức sắc gì, song
có uy tín trong làng. Ông Tiến trọc bảo:
- Té ra làng mình là một làng kẻ cắp các ông ạ. Hở ra cái gì
là thó về nhà mình ngay, bất kể có dùng được hay không. Cứ tưởng các nhà thờ họ
ngày xưa biến đi đâu cả. Té ra nó phân tán hết vào các nhà trong làng.
Ông Đạo bảo:
- Thì… dân gian mà. Nhưng không hiểu sao tự dưng họ phải tự
nguyện mang trả hết như thế nhỉ? Có ai biết mà bắt tội họ đâu?
Ông Tiến trọc nói:
- Giời biết, đất biết, quỷ thần biết… Sợ nuốt không trôi,
nên trước sau cũng phải trả lại đấy thôi.
Cu Văn lên 9 tuổi, cháu nội ông Đạo ngồi hóng chuyện, nghe
ông Tiến nói, nó liền trỏ ngay vào ông mà bảo:
- Hì, hôm nọ cháu thấy cả bà Vân nhà ông cũng đem bỏ cái điếu
bát ở đấy…
Ông Tiến trọc đỏ mặt, chữa thẹn, đổ ngay cho ông bố:
- Tôi cũng chả biết cái điếu ấy nằm ở nhà tôi từ bao giờ, chắc
từ đời bố tôi…
Cu Văn vẫn chưa thôi:
- Đêm hôm nọ cháu còn phát hiện nhà ông Thời bí thư chở ra cả
một xe…
Ông Đạo mắng át đi:
- Trẻ con, cấm được nói bậy.
Thầy cúng Bùi Tâm bảo:
- Không những giời đất, quỷ thần biết, mà chính cái tâm
trong con người ta nó biết nên không thể giấu nó mãi được. Chỉ một cái tin xây
lại nhà thờ họ, mà kinh động đến tâm địa của cả làng đấy…
Ông Tiến trọc hỏi:
- Kinh động như thế nào? Sao ông biết?
- Họ bí mật nhờ tôi đến khấn tạ, nên tôi biết. Ban đầu, có một
anh được báo mộng, rằng phải đem trả ngay cái món ấy, món ấy… đang nằm trong
nhà. Nhà ấy đem trả, rồi đến lượt nhà khác. Chuyện báo mộng cứ thế loang ra…
không sót mảy may một thứ gì. Nhưng có một chuyện kì lạ lắm các ông ạ.
Ông Đạo hỏi:
- Chuyện gì?
Thì ra là câu chuyện của nhà Đặng Công.
Cái Thắm con ông Công đang làm trong Đại Tân, một hôm nhân
ngày nghỉ, nó thơ thẩn leo lên núi Mỏ Phượng để viếng cảnh chùa. Gặp một ông sư
đang ngồi trên tảng đá trông ra biển. Ông sư ấy chính là chú tiểu tên Lạc ngày
trước, còn kém ông Công mấy tuổi, song giờ đã lên sư bác, thay sư Thành trụ trì
chùa An Thái. Khi sư Lạc quay lại, cái Thắm nom thấy bỗng cảm thấy có gì đó rất
thân thiết mà không sao lý giải được. Sư Lạc bỗng trỏ vào nó mà hỏi:
- Cháu người làng Kinh phải không?
Cái Thắm kinh ngạc, hỏi sao thầy biết? Vị sư im lặng, không
nói gì. Rồi sư chuyện trò với nó, rất là thân thiết. Khi Thắm kể về gia cảnh của
mình, vị sư bỗng bảo nó hãy gọi điện về nhà, bảo bố chở viên đá tảng ở bậc thềm
nhà đem trả. Thắm lại kinh ngạc một lần nữa. Song hỏi thì sư Lạc chỉ một mực im
lặng…
Nhận được điện của con gái, đúng lúc dân làng cũng đang trả
những thứ lấy trộm của các nhà thờ họ. Đặng Công liền nghe lời con gái, đem cậy
viên đá tảng trước thềm nhà mình lên, nửa đêm bí mật chở ra quẳng ở quảng trường
Con gà. Thay vào đó, Đặng Công lấy gạch và vôi vữa xây lại.
Xong xuôi, gọi điện vào trong Quỳnh, báo cho con gái biết.
Cái Thắm liền đến báo với sư Lạc, rằng bố cháu đã đem trả tảng đá ấy rồi, thì vị
sư ấy lại lắc đầu mà bảo:
- Không phải trả ở chỗ đó.
Thắm hỏi vậy trả chỗ nào?, vị sư chỉ nói:
- Làng Kinh chắc còn người biết.
Nghe điện thoại của con gái, Đặng Công đờ người như bị thôi
miên. Nhớ ra thầy cúng Bùi Tâm, bèn đến nhà kể lại mọi việc. Ông thầy cúng Bùi
Tâm thì không lấy gì làm ngạc nhiên, liền nói ngay:
- Phải đem trả ở dưới đình…
Đặng Công vẫn lơ mơ chưa hiểu. Thầy cúng Bùi Tâm phải giải
thích:
- Ngày trước, làng có thuê ông cụ nhà anh (trỏ ông Phượng),
chở đá tảng trên mạn ngược về lát thềm đình. Chắc ông cụ đã ngầm mang một viên
về làm bậc thềm nhà mình…
Ông Đặng Công nghe ra, liền chở viên đá tảng ấy đang ở quảng
trường Con gà đem xuống đình trả, đồng thời sắm sửa lễ tiền, vàng mã… nhờ thầy
cúng Bùi Tâm cúng tạ hẳn hoi, mọi việc xong xuôi, lại báo cho con gái. Khi cái
Thắm nói lại với sư Lạc, thì sư bảo:
- Được rồi. Bây giờ thì cháu gọi về, bảo bố hãy đào xuống
bên dưới cái bậc thềm ấy…
Cái Thắm lại gọi điện. Ông Công càng không hiểu ra sao, song
vẫn lấy xà beng phá chỗ bậc thềm mới làm hôm trước, lại đào sâu xuống bên dưới
khoảng vài tấc, bỗng lộ ra một viên gạch Bát Tràng vuông vắn cỡ ba tấc. Lật
viên gạch lên, thì ra bên dưới là một hố nhỏ xây bằng gạch. Trong hố có một cái
hũ sành nút lá chuối, bên ngoài bọc nhung đỏ. Ngỡ là hũ rượu, Đặng Công mở nút
ra. Bên trong hũ chứa toàn… Vàng!
Vợ chồng Đặng Công mừng rú lên. Té ra mình có vàng chôn
trong nhà mà không biết, bao nhiêu năm nay phải chịu cảnh nghèo túng, đói khát…
chỉ vì bị viên đá tảng đè lên.
Tết năm ấy nhà ông Công ăn tết to nhất làng. Thằng Cò trong
Sài Gòn tức tốc bay về, cái Thắm cũng từ trong Quỳnh ra, cả nhà sum họp vui vẻ.
Bà Công bàn đem cúng cho làng một ít vườn để làm nhà mẫu giáo, cúng tiền làm
nhà thờ họ… Ông Công bảo tết xong, bố con ông sẽ vào trong Quỳnh chơi một chuyến
cái đã, để thăm hỏi và cám ơn cả gia đình nhà họ Ngô…