Tôi ngồi thừ trước cửa sổ mở rộng trước mặt trong căn bếp
không mở đèn; qua tấm kiếng những chiếc lá thu vàng rơi xuống là đà theo cơn
gió thổi, có những chiếc lá vàng thật đậm màu bị sâu ăn lỗ chỗ, có những chiếc
vàng ươm rất đẹp cũng…lìa khỏi cành cây.
Cuộc đời con người ta cũng thế, sự chia
ly đến bất kể tuổi tác!
Buồn buồn, vừa làm cơm vừa nhớ lại lời chồng
cự nự cách đây gần hai tháng :
– Cái gì bà cũng muốn kiểm soát tôi cả, đi đâu cũng hỏi, mua bán gì bà cũng xía vào nói dù đó chả phải việc của bà… tôi làm sao chịu nổi sự kiềm chế của bà, mà nhất là bây giờ bà và tôi đã về hưu, chả lẽ cự nự nhau đến suốt phần còn lại của cuộc đời này hay sao chứ? …
– …Cho em…tôi… xin lỗi, tôi chỉ cho ý kiến
thôi…
– Lúc nào bà cũng cho ý kiến cả, cái tôi
thích thì bà không thích và ngược lại, chả lẽ tôi sẽ phải sống theo ý bà mãi
hay sao? Tôi đã sống theo ý bà 35 năm rồi. Bây giờ tôi có cuộc đời của tôi chứ!
– Vậy …anh…ông muốn sao?
– Tôi muốn…ly dị!
– …Ah! … ly… dị … sao?
– Phải! tôi đã nghĩ kỹ rồi, bà làm phiền
tôi quá… Mình sẽ ly dị!
– Rồi căn nhà này? … các con sẽ ra sao?
– Vì bà và tôi có chung nhiều thứ quá nên
tôi đã suy nghĩ bà cứ ở phần trên này, còn tôi sẽ ở basement, bà không được xuống
dưới đó, cũng như tôi sẽ không lên đây. Đơn ly dị thì không cần phải làm vì đó
chỉ là tờ giấy thôi, tôi và bà coi như ly thân trước rồi giấy tờ tính sau. Từ
đây bà làm gì thì làm, tôi cũng có sự tự do riêng của tôi, không ai nói với ai
và cấm cản gì nhau nữa.
Nói rồi, ông hung hăng xách tất cả sách vở, cây đàn guitar,
cùng vài cái ly chén xuống để tự nấu nướng ở dưới ấy.
Tôi mở mắt thật to bàng hoàng, không dám
nhúc nhích, hồn như nhẩy ra khỏi xác, nước mắt như đóng băng chưa kịp chảy, chỉ
có đôi tròng mắt theo dõi ông đang tức giận đi qua đi lại khiêng hết đồ này đến
vác đồ kia xuống basement như thực sự không muốn dính dáng gì đến bà vợ nói nhiều
này nữa!
***
Tôi qua Mỹ theo diện HO cùng gia đình bố mẹ khi còn trẻ, chồng
tôi vượt biên cả chục lần mới qua được đảo, rồi có thân nhân ở Mỹ bảo lãnh. Ông
và tôi quen nhau khi tôi xin việc làm trong một tiệm ăn Nhật ở Garden Grove,
vào một mùa hè để lấy tiền đi học. Ông là chủ quán đó, thuê người nấu ăn là người
Nhật.
Tuy hơn tôi 15 tuổi, nhưng ông có bề ngoài trẻ
trung qua tính cách, nên không ai nghĩ chúng tôi cách nhau nhiều tuổi như thế.
Chúng tôi hợp nhau và mau mắn đi đến hôn nhân. Ông rất chiều chuộng tôi. Cái gì
cũng hỏi ý tôi, tôi thích thì ông mới làm, còn không thì chả bao giờ ông làm
trái ý tôi.
Chúng tôi lấy nhau được 35 năm, tôi đều
chăm lo cho ông từ cái áo đến đôi giày, từ cái quần lót đến cái nón, bất cứ thứ
gì cũng là tôi phải đi chọn lựa mua đồ cho ông. Ông ăn mặc theo gout của tôi.
Tôi thích làm bếp, ông cũng là người ăn theo sự nêm nếm của tôi, không bao giờ
chê mặn ngọt gì cả.
Tôi làm kế toán cho hãng insurance bảo hiểm
nhân thọ, ông lo chạy nhà hàng Nhật, ai lo việc nấy, chỉ cuối tuần là ông chở
tôi đi chợ mua đồ nấu ăn cho cả tuần thôi, mà nhiều khi ông đem đồ ăn Nhật ở tiệm
về cho gia đình cùng ăn. Buổi tối, tôi phải lo dậy học các con học bài, trong
khi ông ngồi trong phòng riêng của ông lo sổ sách nhà hàng mỗi ngày.
Chúng tôi có hai con với nhau, chúng đã lớn
và đi xa nhà theo công việc, chỉ còn mỗi hai vợ chồng chúng tôi. Tôi mới về hưu
ở tuổi 60, còn khỏe, định sẽ cùng chồng đi du lịch khắp nơi. Ông cũng đã bán
nhà hàng và về hưu chỉ vài năm nay thôi vì đã lớn tuổi không kham nổi nữa.
Từ ngày ông về hưu trước tôi khoảng hai
năm, ông nghe lời những người bạn nhậu độc thân rủ rê đi chơi đến tối mịt mới về,
có khi qua cả đêm mà chỉ gọi phone về nói nhanh với tôi vài câu cho biết là ông
không về nhà ngủ. Tôi chưa kịp nói gì thì ông đã tắt phone. Thế là cả đêm đó
tôi lo lắng không ngủ được, không biết ông ra sao! Tôi không hiểu tại sao ông lại
thay đổi như thế, nên khi gặp ông về nhà vào hôm sau thì tôi phải hỏi chuyện và
đã nói rất nhiều với ông, tôi kể lể những điều mà hai vợ chồng chúng tôi đã
cùng nhau xây dựng, đã có con cái hạnh phúc 35 năm nay, ở tuổi già lẽ ra phải
cùng nhau hưởng thụ chứ sao ông lại hành động thiếu suy nghĩ, nghe theo lời bạn
bè đi đến những chỗ mà tôi không biết v..v… Thế là ông nói tôi nói nhiều, ông
không thể nào chịu đựng được nữa, và muốn trở lại cuộc đời độc thân như trước
kia để tự do muốn làm gì cũng không ai cấm cản.
Ông còn nói là chuyện ly dị này chỉ thầm
lặng giữa chúng tôi thôi, không nên cho con cháu hay gia đình biết sẽ bị cười
chê. Tôi im lặng nghe sự yêu cầu của ông và cảm thấy chắc tình yêu của ông đối
với tôi chẳng còn nữa, vậy tôi miễn cưỡng chịu đựng và kéo dài để làm gì. Tôi
vô cùng thất vọng và suy xụp khi tuổi hưu mới bắt đầu mà hôn nhân lại …tan vỡ!
Hai chữ ly dị đối với tôi thật nặng, đâu
phải tình nghĩa 35 năm mà muốn nói sao cũng được đâu! Chả lẽ tôi phải ngồi đau
khổ lo lắng những buổi tối ông vắng nhà, hay khóc lóc than thân trách phận? Hay
ông chỉ muốn dọa tôi?! Tôi là loại phụ nữ độc lập, nếu muốn ly dị thật thì tôi
sẽ thực hiện lời yêu cầu ấy cho biết tay!
Đã hai tháng nay chúng tôi chả ai nói với
ai một lời cho dù nhiều lúc tôi cũng muốn xuống nước nói lời « xin lỗi »
nhưng khi nhìn thấy ông đang sung sướng phây phây hưởng sự tự do của riêng
mình… thì tôi lại khựng lại. Ông ấy đã không cần tôi nữa!
Cánh cửa lạnh lẽo giữa phần trên và phần
dưới basement được ông đóng thật chặt, ra vào cũng bằng cửa riêng ở phía sau
thì tôi không còn cơ hội nào để nói gì được. Tôi cũng tự trách mình sao càm ràm
nhiều đến nỗi người ta không chịu nổi nữa! Để tu tỉnh sửa đổi, tôi bật băng thầy
Pháp Hòa giảng làm sao bớt nói mà học nghe, rồi làm sao sống cho hạnh phúc mà
không tùy thuộc vào người khác, học chữ nhẫn nhịn, học vui với hoàn cảnh ta
đang có, cuộc đời là vô thường, cái gì đến rồi sẽ đi, v.v…
Từ ngày ly dị tôi bỏ không ăn thịt cá nữa
mà chỉ ăn rau quả cho nhẹ người, điều này tôi đã ao ước từ lâu được ăn chay trường
nhưng vì làm cơm cho chông con tôi phải nêm nếm, rồi cùng ăn với gia đình nên
chưa có dịp. Bây giờ mới thực sự là tôi được tự do làm mọi thứ mình muốn làm.
Tôi ăn chay, ghi tên đi học thể dục, tập văn nghệ ca hát theo ý muốn.
Bỗng tôi phát hiện ra da mặt sáng hơn,
người thon thả, cân lại bớt đi rất nhiều, ai gặp cũng bảo tôi độ này nghỉ hưu,
hạnh phúc quá nên đẹp ra. Bất chợt mùi cá kho bay lên tận trên nhà, tôi thầm
nghĩ:
– Sao mùi cá kho này có vẻ kỳ kỳ tanh
tanh, hình như thiếu gia vị hành ngò, tiêu gì đó… Nhưng thôi kệ, đèn nhà ai nấy
sáng! Ly dị rồi!
Tôi nghe tiếng cạch cửa giữa nhà trên và
basement, giật mình tôi quay lại, ông đưa cái nồi ra nói:
– Bà còn gạo không cho tôi xin mượn một
lon nhé. Tôi quên không mua rồi…
Tôi không nói một lời nào mà lẳng lặng đi
xúc gạo cho ông.
Trời chiều mùa thu gió khá mạnh, sau khi
ăn cơm xong, tôi chui rúc vào phòng với cái ipad nằm nghe thầy giảng kinh. Bỗng
một tiếng động khá lớn cùng với tiếng rơi lẻng kẻng của cuốc xẻng rơi rớt sau
nhà ngay sát phòng ngủ, như có ai xô đẩy, tiếng la của ai đó vọng vào; tôi vội
vàng ngồi dậy, rướn người lên xem thử chuyện gì. Hốt hoảng thấy chồng tôi nằm
sóng soài ngay sát bờ tường. Vội vàng tôi khoác cái áo ấm chạy ra, đỡ ông dậy,
ông cao và nặng, đè lên hai vai tôi, tôi ráng hết sức lết ông vào nhà, hai mắt
ông nhắm nghiền, miệng méo xệch, mặt nhăn nhó, trán mồ hôi rịn đầy ra tuy rằng
trời khá lạnh và gió, tôi gọi :
– Ông ơi! Ông … có sao không? có nghe tôi
nói không?
Ông thều thào, nhăn nhó:
– Tôi…tôi đau bụng quá!
Tôi đỡ ông nằm dài ở sofa, ông nôn thốc
nôn tháo, tôi vội vàng chụp ngay cái xô lau nhà gần gian bếp ra hứng, ông ói
toàn là cá mới ăn hồi chiều. Mùi tanh nồng.
– Chắc ông làm cá không kỹ,… rửa không sạch,
hay nấu chưa chín?
– Cá có cần lấy ruột ra không? …tôi để
yên như thế!
– Sao…không nói tôi nấu cho…
Tôi lấy dầu bôi vào bụng cho ông, lấy
bình cao su nước nóng trườm vào thêm cho ông ấm áp, thay bộ quần áo mới cho
ông, rồi đi nấu ly nước trà gừng giải độc. Sau khi ói ra hết thức ăn hồi chiều
thì có vẻ êm, ông hiu hiu ngủ trên sofa.
Bỗng nhiên ông bật dậy nói :
– Thôi, để tôi xuống nhà nằm, để khỏi phải
nằm trên cấm địa này!
Ông đứng lên nghiêng ngả, cả người lại đổ
ập xuống đất, tôi vội vàng chạy lại:
– Ông cứ nằm ở đây nghỉ đi, khi nào khỏe
hẳn thì hãy xuống, tôi đâu có nằm ngoài salon này đâu, tối tôi vào buồng ngủ cơ
mà!
– Tôi… lạnh quá!
Tôi vội vàng vào phòng tìm thêm cái mền dầy
hơn đắp cho ông, để tay lên trán ông thấy hâm hấp nóng, tôi đưa ông ly nước ấm:
– Ông uống 2 viên Tylenol cho hạ sốt nhe.
Nửa đêm tôi lại nghe tiếng động khá lớn
bên ngoài, ông muốn đi vào nhà tắm nhưng không đi được vì phát hiện ra mắt cá
chân xưng phồng bị bong gân khi té sau nhà! Tôi lại đỡ ông lên sofa, khi đặt
ông xuống thì ông bám lấy vai tôi, cả người tôi té đè lên người ông, hai khuôn
mặt chúng tôi gắn khít vào nhau. Bốn con mắt nhìn nhau, ngay phút giây ấy, tôi
cảm thấy tình cảm của tôi giành cho ông vẫn nguyên vẹn trong tim. Nhưng thôi…
Tôi cố vùng dậy, sửa lại cái áo, lấy cái bô để ngay dưới sofa khi cần dùng, xoa
dầu và băng cái chân mắt cá đang xưng vù của ông.
Liếc nhìn mặt ông, tôi thấy ông có vẻ sượng
sùng vì chịu sự giúp đỡ bất đắc dĩ của tôi, vậy mà chính ông là người đòi chia
đôi tất cả, chấm dứt cuộc sống chung vợ chồng.
Suốt hai ngày, ông nằm yên ở sofa, tầng
trên nhà với tôi; tôi phải đi chợ, nấu nồi cháo thịt băm cho ông ăn có sức,
giúp ông làm vệ sinh, thay quần áo, đánh răng, lau mặt. Mỗi lần như thế tôi thấy
ánh mắt ông thật trìu mến, đầy biết ơn, hối hận, nhưng vì tự ái vẫn không nói lời
nào.
***
Mới bước vào chợ Việt Nam, tôi đã nghe tiếng cô bạn Trang gọi
ơi ới nơi bán thịt, cô bạn này thỉnh thoảng tôi hay gặp mỗi lần đi chợ Việt:
– Tường Vi nè, gặp bà tui mừng quá, tính
phone bà tối nay…Tụi này đang làm ngày gây quỹ, quyên tiền cho mùa lụt ở Huế,
bà giúp tụi này nhe, kêu gọi mọi người cùng đóng tiền gởi về Việt Nam, mình
cũng làm một màn văn nghệ, hoạt cảnh bữa đó nhe.
– Bao giờ vậy bà?
– Vào ngày Thanksgiving Lễ Tạ ơn đó!
– Đúng vào ngày đó hả?
– Ừ, tụi mình làm văn nghệ buổi trưa, còn
buổi chiều nếu bà bận với gia đình thì ok rồi.
– Cũng được đó, vậy bao giờ tập văn nghệ…
bà đón tui đi.
– Ngày mai hẹn bà ở đầu đường nhe, tui đi
ngang qua đón bà với bà Kim luôn rồi tụi mình đến thẳng nhà anh Nguyên tập hát,
ở đó có băng nhạc, họ tập cho mình luôn.
– Anh Nguyên …
– Cái ông mà hồi xưa theo bà khi còn đi học
đó nhớ không? cái ông mà suốt ngày đeo kiếng mát trong lớp đó mà tụi mình đặt
tên là không không thấy đó… Bây giờ ổng lập gia đình rồi, mà cũng ly dị luôn rồi,
hổng nghe nói đến con cái gì hết…Bà biết không tui nghe nhiều người nói ở tuổi
về hưu 60-65 này rất nhiều gia đình lục đục ly dị vì không hợp nhau đó nhe, hồi
xưa họ bận đi làm, con cái nên không có nhiều thì giờ ở bên nhau. Bây giờ ở cạnh
nhau 24/24 thành ra họ thấy tật xấu của nhau đưa nhau ra tòa ly dị nhiều lắm đấy!
Tôi chột dạ, nói trống:
– Vậy sao, tùy duyên bà ơi! vật đổi sao dời
há…. Gặp lại bà tui rất vui đó!
– Hồi xưa nhớ không? năm nào mà tụi mình
không họp nhau làm chợ Tết Việt Nam ở Phước Lộc Thọ, nào là bán chả giò, bánh
mì, bánh bao, văn nghệ ca hát múa tùm lum hết, quyên tiền cho người homeless ở
Cali, tụi mình cùng nhau đi chợ mua đồ về nấu cơm phân phát cho họ để cám ơn
quê hương thứ hai này đã cưu mang dân tỵ nạn mình nè. Nghỉ 35 năm lo lập gia
đình con cái, bây giờ tụi mình về hưu hết mới quay lại văn nghệ tiếp. Nghiệp bà
ơi! …Chắc con bà cũng lớn hết rồi chứ gì?
– Đúng rồi, tụi nó lớn hết, đi hết luôn,
một đứa thì ở San Diego, còn một đứa thì ở Bắc Cali; bây giờ tui tự do lắm, hú
đi đâu là tui đi ngay!
– Vậy được, để ngày mai tui đón bà nhe.
Nè mà sao chỉ có tui và bà là có duyên gặp nhau thôi, mấy bạn gái người Việt
mình trong lớp hồi đó tui chả gặp ai hết.
– Duyên …trôi nước mà! Thôi, tui về trước
nhé, hẹn bà trưa mai!
Tôi về lòng hớn hở vì gặp lại bạn thời
trung học, còn vui hơn nữa là làm từ thiện, một mục đích cao đẹp, giúp cho người
kém may mắn hơn mình; ngày mai sẽ gặp Nguyên, anh chàng này đã từng là cái đuôi
của tôi, nhưng anh ta quá hiền, chả bao giờ nói gì với tôi mà chỉ ngắm tôi từ
xa, lâu lâu bỏ vào thùng thơ nhà tôi mấy bài thơ tình lãng mạn. Có hôm trời mưa
thật to, chàng đã đem cho tôi mượn cây dù mà tôi nhớ mãi và còn giữ đến hôm nay
vì nhất định không chịu lấy lại.
Thấy tôi vừa làm bếp, vừa tủm tỉm cười vì
nghĩ lại cuộc đối thoại với Trang ở chợ, chồng tôi nằm ngay sofa giả bộ nhắm mắt
nhưng vẫn tò mò để ý xem vì lý do gì hôm nay tôi vui thế. Nấu bát cháo thịt cho
chồng xong, tôi với tay bật bài Nắng Chiều để tập hát trước cho quen, chồng tôi
vẫn lắng tai nghe.
Tiếng phone reo lên, ông theo dõi tiếng tôi trả lời với đầu
dây bên kia:
– Vâng! Đã lâu chưa hát lại,… gặp nhau
ngày mai nhé. Có gì gởi email đi nhe… Vâng thời gian trôi qua thật nhanh…
Tôi thấy ông có vẻ thấp thỏm muốn nói điều
gì, đôi lông mày châu lại, rồi giãn ra, nhưng lại không dám vì chính ông là người
gây ra khoảng cách này!
Khi tôi mới đi tập hát với các bạn về, định
bước vào nhà tôi nghe tiếng ông nói chuyện phone với một người bạn:
– Vợ tôi gặp tên đó à? …còn ngả đầu vào
vai nó nữa? văn nghệ cho ngày Tạ Ơn sao? Tạ ơn ai?...Tôi sống trên đất Mỹ này
đã 40 năm… đúng thật là chả bao giờ biết đến chuyện làm văn nghệ văn gừng nhăng
nhố cho người ta xem, già rồi còn lên sân khấu làm gì nữa, để mấy đứa trẻ mới
lên sân khấu chứ… Mình đi làm đóng thuế cũng là một hình thức trả ơn quê hương
thứ hai này rồi còn gì!... Nói thật tôi cũng vì nghe các ông xúi đốc vô mà mạnh
dạn về đòi ly dị với vợ, bậy thật! bây giờ …không biết làm sao mà nói lời xin lỗi…
– …
– Phải rồi, bả nhỏ hơn tôi 15 tuổi, nhìn
còn trẻ trung lắm, không có tôi đi theo hèn chi tên đó sáp lại gần bả nói chuyện.
Tôi cũng biết hắn ta hồi đó, hiền …mà lợi hại nhe! …Hôm đó tôi uống hơi nhiều,
thêm vào mấy ông cứ nói cuộc đời phải tự do, độc thân là sướng nhất, mới có hai
tháng ly dị thôi mà tôi thấy thật khổ, không ai nấu cơm cho, tôi nấu nửa chín nửa
sống, đồ thì mặc nhăn nhúm, ăn xong cũng phải tự rửa bát, té cũng phải nhờ người
ta đỡ đần, bôi thuốc; nếu mấy bữa bệnh không có bả lo cho tôi thì chắc giờ này
không biết có còn ngồi đây nói chuyện được với mấy trự không nữa! tôi …già rồi
mà còn nghe xúi bậy!
– …
– Bây giờ thì tôi bớt rồi. Cuối tuần này
hả? ngay Phước Lộc Thọ sao? ừ… ừ ….được đó! nhớ giữ cho tôi một ghế nhe.
– ...
– Ok bye nhe.
Thấy tôi bước vào nhà, ông làm bộ nằm xuống
như đang ngủ. Tôi mừng vì thấy ông đã khỏe lại, tỉnh bơ với tay vặn nhạc,
Một tuần nhanh chóng trôi qua, dáng ông đi qua đi lại ở cửa
sổ sau nhà bếp, mắt nhìn vào bên trong rình xem tôi đang làm gì, nhưng tôi vì bận
lo tìm cái áo tứ thân đã bỏ quên trong kẹt tủ từ mấy chục năm nay, tập hát cho
đúng nhịp, tập học thuộc bài để đóng cho đúng vai cô gái thôn quê nên không để
ý đến ông cũng đang lẩm bẩm hát nhỏ nhỏ bên ngoài.
***
Trên sân khấu nhìn xuống khán giả chật cả đại sảnh, người ngồi
kẻ đứng khắp mọi ngõ ngách, có người leo lên cả cầu thang lầu hai đứng nhìn xuống
xem hoạt cảnh đặc biệt của chúng tôi diễn với tất cả chân tình, họ thả những
cánh hoa hồng xuống để hoan nghênh khi bài Nắng Chiều chấm dứt.
Bất chợt từ hàng dưới khán giả, một ông mặc
chiếc áo dài the đen, tóc muối tiêu đội mấn đen, quần trắng, chân đi guốc lóc
cóc bước lên sân khấu với bó hoa hồng thật to; như ăn ý với ban nhạc từ trước
đó, cả ban nhạc dạo lại khúc cuối, ông cất tiếng hát tự tin vững vàng làm các
diển viên ca sĩ chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên:
Vừa hát, ông vừa đến bên cạnh tôi, trao cho tôi bó hoa hồng
và cầm tay tôi để lên ngực ông ở câu:
Nhớ em dịu hiều nắng chiều ngừng trôi…
Bên ngoài, buổi chiều đang dần xuống, ánh nắng chỉ còn lại một
dải mờ nhạt trên ngọn cây, gió bắt đầu mạnh, tôi cảm thấy tuổi hưu bắt đầu những
chuỗi ngày ngọt ngào trong việc làm từ thiện; tưởng sẽ đem hạnh phúc cho người
bất hạnh, nhưng ai ngờ chính công việc ấy cũng đem lại niềm vui ấm áp cho người
đã cho đi.
Một ngày Tạ Ơn đời, Tạ Ơn người thật ý
nghĩa làm sao!
Sỏi Ngọc