Vợ tôi không đẹp, điều ấy thì chắc chắn rồi, nhưng vợ
tôi là người phụ nữ có duyên và quan trọng nhất, vợ tôi là người phụ nữ đức hạnh,
đảm đang, chung thuỷ.
Xin bạn đọc hãy tin rằng, tôi không khen vợ thái quá đâu mà sự thực đúng như vậy
đấy.
Lúc có ý định xây dựng gia đình, tôi đã chín chắn. Sau khi học xong cấp ba, hai
năm sư phạm, bốn năm trong quân ngũ, rồi trở về học nốt những năm còn lại, tôi
mới gặp vợ tôi bây giờ. Cảnh nhà không dư dật, mẹ mất sớm, hai em còn nhỏ, tôi
cứ tâm niệm rằng mình phải chọn một người con gái không cần đẹp, nhưng phải là
người có đạo đức, thông minh, đủ khả năng cùng tôi xây dựng một gia đình hạnh
phúc.
Thưa các bạn, bây giờ khi đã ở với nhau gần ba mươi năm, tôi không ít lần nói với
gia đình và bè bạn rằng: Lấy vợ, hay đúng hơn là lấy được một người vợ như vậy
là một trong những quyết định thành công nhất của tôi.
Xin nói qua về tôi đôi điều để bạn đọc dễ hình dung. Tôi sinh ra và lớn lên
trong một gia đình gia giáo. Thừa hưởng được nét đẹp của cha mẹ, nên tôi cao
ráo, trắng trẻo, lại có phom người bắt mắt, giọng nói nhẹ nhàng. Đấy là tôi nói
lại cái điều tôi nghe lỏm được từ những người khác giới nói nhỏ với nhau mỗi
khi tôi đi qua hoặc tiếp xúc với họ. Bởi vậy thật dễ hiểu là khi còn trẻ lúc nào
cũng có vài vệ tinh xinh xinh xung quanh. Cả khi đã có vợ và lúc đã ngũ
thập tri thiên mệnh cũng không ít người khác giới từ trẻ đẹp đến trung
tuổi xiêu lòng trước tôi và đây chính là đầu mối của mọi sự rắc rối.
Xin nói thêm rằng, ngoài cái vẻ ngoài trời cho, tôi còn là một người đọc sách
nhiều, có chút năng khiếu về văn chương thơ phú, lại ăn nói có duyên. Bởi vậy
người khác giới khi tiếp xúc với tôi đều có cảm tình.
Xin được trở lại câu chuyện về vợ tôi. Đúng là có hình thức khiêm tốn, thấp bé,
hơi ngăm đen. Bù lại mỗi khi nàng ngước mắt nhìn và mỉm cười, thì trời ạ, lòng
tôi lại rộn ràng một cảm giác khó tả, bồng bềnh nhói đau trong ngọt ngào hạnh
phúc.
Lấy chồng khi còn rất trẻ nhưng nàng rất chững chạc trong cuộc sống gia đình và
đối nhân xử thế.
Là cô giáo dạy văn, vợ tôi luôn là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, gần như năm nào
cũng có vài học sinh giỏi quốc gia, được đồng nghiệp mến phục và học hỏi. Còn học
sinh, rất nhiều em đã ra trường vẫn gọi điện, viết thư hoặc về thăm, hỏi ý kiến.
Các em coi vợ tôi là chỗ dựa tinh thần trong đường đời. Tôi nhớ mãi tết năm ấy
có một đôi vợ chồng trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm. Người học sinh năm
nào cứ ôm lấy vợ tôi khóc nghẹn ngào rồi gọi là mẹ. Qua câu chuyện tôi hiểu rằng
người học sinh ấy có một hoàn cảnh éo le rồi theo gia đình vào Nam làm ăn. Khi ở
Tây Nguyên em bị sốt rét ác tính đến mức liệt cả hai chân. Cuộc sống không còn
lối thoát, nhiều lúc em định kết thúc cuộc đời. Nhưng mỗi lần như vậy em lại nhớ
tới ánh mắt thân thương và lời dạy của cô giáo, em gắng vượt lên và chiến thắng
số phận.
Trong công tác vợ tôi thành công như vậy nhưng nàng không bao giờ sao nhãng việc
nhà. Mỗi khi đi làm về tôi đã có cơm dẻo, canh ngọt cùng lời chào hỏi dịu dàng.
Hai con tôi đều được vợ tôi nuôi dạy ngoan khoẻ, giỏi giang, bây giờ đều có nghề
nghiệp ổn định.
Gia đình tôi ai cũng mừng và khen vợ tôi là vợ hiền dâu thảo. Có lần trong bữa
cơm gia đình bố tôi vui miệng khen:
- Vợ thằng cả giỏi lắm, đúng là vượng phu ích tử.
Còn tôi nói là không giúp gì cho vợ con thì không đúng. Tôi rất yêu thương vợ
con. Song cũng như nhiều người đàn ông khác, tình yêu thương ấy không biến
thành những cái thiết thực như cơm áo gạo tiền, việc học hành của con cái, thậm
chí dễ dàng thỏa mãn khi làm được những việc nhất định. Nhưng khi gặp khó khăn
không vượt qua được lại dễ dàng tiêu cực, rượu chè. Chính những lúc ấy, vợ tôi
lại dịu dàng bên tôi, nâng tôi dậy. Nàng như một điểm tựa vững chãi để tôi vượt
lên, những lúc ấy nàng lại khéo léo giấu mình để tôi hưởng cái vinh quang và hạnh
phúc của sự thành công.
Cuộc sống gia đình tôi cứ trôi đi như một dòng sông, tuy lắm thác, nhiều ghềnh
nhưng vẫn trĩu nặng phù sa băng về biển lớn. Nhiều người nhìn cuộc sống gia
đình tôi với ánh mắt khâm phục và pha chút ghen tị.
Song đúng lúc ấy thì sóng gió nổi lên trong căn nhà nhỏ của chúng tôi. Nhiều
năm được vợ chiều chuộng tôi sinh hư từ lúc nào. Quen được hưởng cái thành công
mà mình chỉ đóng góp phần nhỏ, tôi có chút hợm mình. Quen với cái nết na, dịu
dàng ở người vợ, tôi coi là bình thường và đi chệch hướng từ lúc nào.
Đấy là lúc vợ tôi đi học. Mặc dù rất thành công trong công tác nhưng vợ tôi
luôn không ngừng học hỏi phấn đấu vươn lên. Vợ đi học xa, con xa nhà, tôi đã phải
lòng một người phụ nữ khác. Trời ơi, đúng là phải dùng từ phải lòng mới đúng với
diễn biến tình cảm của tôi lúc bấy giờ. Người phụ nữ ấy như từ trên trời rơi xuống,
trẻ trung xinh đẹp, mê tôi vì dù tóc đã muối tiêu mà vẫn trẻ trung lịch lãm.
Còn tôi say như say một bông hoa lạ chợt hiện giữa chiều buông. Chúng tôi xoắn
lấy nhau trong đam mê. Gặp nhau chưa đủ, chúng tôi liên tục gọi điện cho nhau
và hẹn hò, người ấy vô cùng xúc động trước những vần thơ cháy bỏng của tôi trao
tặng.
Có lúc nào trong cơn mù quáng ấy tôi nghĩ đến người vợ tấm cám với sự lo lắng
và ân hận không? Xin thưa là có, sau mỗi cuộc hẹn hò, sau mỗi lần gặp gỡ là tôi
lại bồn chồn sợ hãi. Nhưng rồi như có ma đưa đường, quỷ dẫn lối, tôi cứ như con
thiêu thân lao vào ngọn lửa dục vọng. Đúng cái lúc chúng tôi hết những e dè, sắp
vượt qua cái giới hạn mong manh cuối cùng thì vợ tôi đi học về. Vẫn như mọi
ngày, vợ tôi dịu dàng, ân cần chiều chuộng. Tôi như người ngồi trên đống lửa,
cười nói đấy mà dạ không yên, có lúc cứ giật mình thon thót vì tưởng vợ tôi đã
biết và nói xa nói gần.
Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình dại khờ biết bao, còn lúc ấy tôi cứ tưởng mình
khôn ngoan lắm.
Một hôm, khi đầu gối tay ấp, không biết câu chuyện giữa hai vợ chồng tôi như thế
nào mà lại dẫn đến đề tài về cái đẹp và cái xấu ở người phụ nữ, vợ tôi hỏi:
- Anh đọc sách nhiều, anh có biết về những người đàn bà có ngoại hình xấu mà
lại có nết tốt trong lịch sử Trung Quốc không? Đợt này ra chúng em có buổi thảo
luận về đề tài ấy.
Thế là tôi thao thao bất tuyệt:
- Bên cạnh Tứ đại mỹ nhân như Chiêu Quân (chim sa), Tây Thi (cá lặn), Dương
Quý Phi (hoa nhường), Điêu Thuyền (nguyệt thẹn) còn có Ngũ xú nhân: Ma Màu,
Chung Vô Diệm, Mạnh Quang, Hoàng Thị, Nguyễn Thị. Những người xấu xí về diện mạo,
thậm chí bị dị dạng ấy lại là những người vợ đảm đang, chung thuỷ, góp phần tạo
dựng sự nghiệp cho chồng con và đóng góp công lao không nhỏ cho xã hội của họ.
Ví dụ như Khổng Minh - Gia Cát Lượng có diện mạo khôi ngô tuấn tú, trí tuệ uyên
thâm, tài thao lược xuất chúng, lại có vợ là Hoàng Thị vô cùng xấu xí dị dạng.
Song Hoàng Thị cực kỳ thông thái, đảm đang việc điều động quân lương cho Khổng
Minh ra trận phò nhà Thục Hán. Hứa Doãn đời Tống đỗ tiến sĩ có tài văn chương,
làm quan được dân tin yêu, cưới vợ, thấy vợ xấu xí có vẻ không bằng lòng mới hỏi
rằng:
- Đàn bà có tứ đức, nàng được mấy đức?
Vợ là Nguyễn Thị thản nhiên trả lời:
- Thưa! Thiếp chỉ kém dung thôi.
Nói rồi nàng hỏi chồng:
- Kẻ sĩ có bách hạnh, dám hỏi chàng có mấy hạnh?
Hứa Doãn cao ngạo đáp:
- Ta đủ bách hạnh.
Nguyễn Thị từ tốn:
- Bách hạnh thì đức làm đầu, chàng là người háo sắc không hiếu đức, sao nói
có đủ bách hạnh được.
Hứa Doãn lấy làm xấu hổ, từ đó vợ chồng rất kính trọng, yêu mến nhau, sống vô
cùng hạnh phúc.
Vợ tôi nằm nghe cứ mủm mỉm cười.
Một hôm vào cuối giờ làm việc, vợ tôi gọi điện nhắn tôi về có khách. Vừa về đến
cửa nhà, tôi rụng rời chân tay vì khách không phải ai xa lạ mà chính là người
phụ nữ tôi theo đuổi đang vui vẻ trò chuyện cùng vợ tôi. Tôi gượng chào hỏi rồi
ngồi tiếp chuyện, cũng may lát sau người ấy ra về, tôi vô cùng ngạc nhiên vì vợ
tôi rất ân cần, niềm nở với người ấy. Hai người còn hẹn nhau lần sau sẽ trổ tài
nội trợ cho tôi biết tay.
Vợ tôi rót nước cho tôi uống rồi nhỏ nhẹ:
- Anh ạ, anh giấu em nhưng em biết tất cả. Phụ nữ chúng em có linh cảm tinh
tế, nhạy bén mà các anh luôn đánh giá thấp. Chính em chủ động gọi điện cho chị ấy
và gặp nhau. Chị ấy không phải là người xấu, phải cái do hoàn cảnh éo le, thiếu
thốn tình cảm. Có trách, em chỉ trách anh bạc tình. Anh kể cho em nghe về Hứa
Doãn, vậy mà... Em biết anh là người tốt, đấy chỉ là phút xao lòng thường tình
của đàn ông. Anh có biết không, em đau đớn vô cùng và cũng phải đấu tranh vật
vã rất nhiều mới có thể vượt lên cái ghen tuông thường tình của đàn bà để không
coi chị ấy là tình địch và tha thứ cho anh, giữ lấy hạnh phúc cho mình, giữ được
anh và làm cho người phụ nữ kia nể phục.
Ôi! Đàn bà dẫu có mấy tay. Đàn ông bây giờ thử hỏi có bao nhiêu người thuỷ
chung với vợ? Có bao bao nhiêu người ở bên vợ mà vẫn sắt son với bồ? Nhưng giải
quyết như vợ tôi cũng liệu có mấy người?
Bây giờ thì sóng gió đã qua đi, vợ tôi vẫn ân cần dịu dàng như xưa. Còn tôi dù
cố đến đâu cũng không khỏi cái mặc cảm tội lỗi. Tôi biết rằng bát nước đã chao
nghiêng sóng sánh, không bao giờ đầy như cũ được nữa, nên tôi cố gắng sống tốt
với vợ con để chuộc lại lỗi lầm.
Còn người phụ nữ kia, lâu lâu lại lên nhà tôi chơi với niềm cảm phục vợ tôi vô
hạn, hai người coi nhau là bạn bè.
Chỉ có tôi cứ day dứt mãi trong lòng và viết những dòng này như một lời tạ lỗi
với vợ. Khi đưa cho vợ tôi đọc trước khi gửi đi, nàng cười và mắng yêu:
- Chỉ được cái mồm miệng đỡ chân tay. Mà thôi em bỏ qua. Em cũng mong truyện
này sẽ được đăng để đàn ông các anh thấm thía cái nết đánh chết cái đẹp và bỏ
thói trăng hoa.
Trần
Vân Hạc