31 August 2024

NHƯ LÀ TÌNH YÊU! - Chúc Thanh

Khi xưa, trước 1975, ông bà Đào Quý có một quán ăn khá trang trọng, là món bò bảy món Duyên Quê, tọa lạc ở một góc đường Công Lý, con đường rộng rãi râm mát thênh thang, chạy dài từ trung tâm thành phố Sài Gòn ra tận phi trường Tân Sơn Nhứt… ông bà Quý và bốn con trai sống những tháng ngày thoải mái, tuy là bận rộn việc buôn buôn bán bán… họ tự hào với quán ăn thanh lịch Duyên Quê, nơi đó cũng là gặp gỡ của  vô số tao nhân mặc khách, kể cả những nhân vật  kín đáo trong chính trường hay trong giới áp phe đồ sộ của Sài Gòn hoa lệ một thời gian dài.

Ông Quý giao tiếp thân tình và hay ra chào hỏi khách hàng như một thông lệ… bản tánh ông vui và như khá tận tụy với công việc, ông nghĩ khách đến ăn là còn để tìm không khí thoải mái, giao du tình cảm, chớ không phải chỉ thèm ăn hay đói khát chi mà phải tới nơi này… xung quanh quán, ông cho trồng nhiều khóm tre ngà và một vài cây ngọc lan hoa thơm ngát, tàn cây đu đưa trong gió chiều, chiều khoảng 6,7 giờ là mở cửa quán. 

Bạn xa ông cũng có bạn gần ông cũng có, bạn gần nhứt là thân nhứt của ông là  ông Duy Cự, chủ tiệm làm bánh bao ông cả Cần, ngay gần quán của ông, lối rẽ ngay đầu đường Nguyễn Minh Chiếu kề đó. 

Ông Cự hay sang quán ăn thịt bò nướng lá lốt của ông bà Quý, còn ông Quý hay ăn bánh bao cửa hàng ông Cự, ông Quý đã có lần vui miệng mà hỏi bạn là sao không để tên bánh bao ông cả Cự, mà lại kêu là bánh bao ông cả Cần, ông bạn liền đưa hai tay lên trời phân bua : ý đâu được, bị ông cả cần là ông nội của tôi, bí truyền làm bánh bao này là của gia tộc để lại… mình phải theo xưa kính lão mà giữ lấy lề! 

Cả hai người bạn này, dường như làm ăn phát tài và giầu có lắm. Kẹt cái năm 1975, cả hai chạy ra khỏi nước không kịp, có lẽ tại họ nấn ná tiếc của, có lẽ cũng là thời thế biến chuyển mau lẹ quá, nhiều người không lường được. 

Lúc sau cả hai chung tiền mua rẫy ở Long Khánh, coi như đi vào sản xuất theo chỉ thị của nhà nước cộng sản, buồn thay rồi họ cũng thất bại vì họ không quen làm nương rẫy, vả lại đất Long Khánh cao, đào giếng hoài  không có nước. Một chiều đấy, ông Duy Cự dòm xuống giếng sâu mà buồn rầu nói với bạn vàng: 

Tôi muốn nhảy xuống giếng sâu… cho xong đời! 

Ông Đào Quý thương bạn, về lại Sài Gòn, tìm mách cho bạn ông một đường giây vượt biên, đi chính thức chuyến đầu tiên, bạn bảo nên đi cùng nhau, nhưng ông Quý nói: “… bạn cứ đi trước, tôi sẽ đi sau, tôi phải ở lại, tử thủ, nếu có bề gì, bạn còn có nơi nương tựa sau này, quân tử phải biết phòng thân!“… Vậy là gia đình ông Cự dắt díu nhau đi và rất may mắn họ thành công. 

Vậy rồi lụi đụi 20 năm đã qua đi cái vèo, vợ chồng ông Cự nghỉ tình xưa, gởi tiền về giúp ông bà Quý đặng cho bốn đứa con ổng là Thành Công Chiến và Thắng đi vượt biên, mà không hiểu sao lần nào chúng cũng thất bại… ông Cự ca cẩm hoài, số tụi này bết bát quá, sao thiên di không thèm chiếu mạng một khi nào! 

Ông bà Cự và các con vẫn chí thú học hỏi và làm ăn chăm chỉ nơi xứ người. Đến Mỹ, khoảng 10 năm sau, vợ chồng con cái họ đã chung vốn mở được cây xăng, ba cha con thay nhau làm việc ngày đêm. Chẳng bao lâu họ khá giả, mua nhà cửa và nghĩ tới chuyện về thăm quê hương Việt Nam, nhứt là về thăm lại con đường Công Lý lồng lộng khi xưa, con đường cũng có đầy kỷ niệm, cũng có đầy “cây dài bóng mát“ vậy! 

Về tới quê hương việt Nam, nghỉ mệt một hai ngày, sau đó ông bà Cự nghĩ tới việc thăm bạn xưa là gia đình ông bà Đào Quý, nghĩ cái ơn bạn mát tay đã mách bảo cho gia đình ông bà ra đi vượt biên thành công từ bao năm trước. 

Bà Cự lại rất thân với bà Quý. Bà đã nhiều lần nói chồng bà bảo lãnh gia đình ông Quý sang Mỹ, nhưng bà bị ông chặn ngay: 

Mình không có họ hàng thân tộc chi với ảnh chỉ, làm sao bảo lãnh được, bà nghĩ Mỹ nó ngu lắm sao mà cứ nghe bà bịa chuyện… chuyện cà kê bà phịa ra, tôi đây còn thấy tức cười! 

Nhưng rồi có một hôm, ông Cự có hơi ngà ngà say sau khi đã dốc hết 3,4 chai bia qua cổ họng, ông trơn cổ mà biểu vợ ông rằng: 

Nè, bà có ngon lành, bà kiếm dòm xem, có con mẹ Việt Nam nào sồn sồn, đơn thân độc mã, nóng tình muốn kiếm chồng hụ hợ không? 

Chi vậy? 

Thì tụi mình dắt mụ ấy về Việt Nam làm mai cho Ông Quý, bạn vàng của cả nhà mình mà. 

Ủa, vậy tệ quá, ông điên rồi, rủi chị Quý mà hay, chị chửi cho mà tắt bếp. 

Tắt bếp sao được, bếp cháy rực nóng lên là chắc… bà, đúng kiểu, đàn bà nhìn cạn… 

Bà Quý nghe chồng xài xể, bà im một hơi, còn ông chồng say rượu, lè nhè nói tiếp : 

… Thời buổi này, vô khối con mẹ Việt Nam sanh tật, nổi chứng, chán chồng cũ hay chồng Mỹ, muốn về Việt Nam tắm ao ta, ờ ờ, làm ao ta chớ… nè, mình ráng làm mai cho ông Quý một con mẹ nào, coi khá khá, ổng coi vậy chớ không dễ đâu! 

Để làm chi, thôi đừng xúi bậy… chị Quý chửi cho ngập đầu! 

Chửi gì? Có mà êm re, nghe tui nói xong đã nè, con vợ bé đó nó sẽ bảo lãnh ông Quý qua Mỹ nè, rồi thủng thẳng, chờ có đủ giấy tờ là ông Quý sẽ lôi theo bốn thằng con ổng bả qua sau, nước Mỹ này sẽ tràn ngập dân Việt Nam… chỉ là chờ đợi kiên nhẫn, là vấn đề thời gian thôi… “Thành, Công, Chiến, Thắng“… Ông Quý đặt tên các con thiệt là hay, bà không thấy ứng nghiệm sao? 

Bà chị có chút tin dị đoan, bà gật gù trả lời: 

Để tối nay, tôi rảnh, tôi kêu điện thoại cho chị Quý coi chỉ tính sao… hay là vầy, dễ nói hơn, là mình cứ đặt những vấn đề như một thương vụ mua bán đi, thuận mua vừa bán, tỉ như mang được ông Quý qua đây, thì trả họ 30.000 đô la, là theo thời giá bây giờ. Khi nào có green card để ảnh bảo lãnh con, trả thêm 10 ?000 đô nữa. Chớ úp mở làm cái gì, rồi sau thêm cãi lộn và mích lòng! 

O.k. Cũng được, ok, nếu bà lo xa cho bà Quý, mà tôi xét ra thì đàn bà ai không thương con, bà Quý không là ngoại lệ… nói tới đây, như là ông Cự đã tỉnh rượu: 

Thế nhe, nếu bà bằng lòng vậy thì tụi mình có phi vụ, mai, bà kiếm mối nào lẹ lẹ lên, cho ngon lành coi. Rồi mình bàn định với mối, hè này tụi mình vù đi Việt Nam cả ba người, hy vọng vui vẻ cả làng. 

Ông làm dễ như… ăn cơm sườn, để coi. 

Coi gì nữa, con đông một bầy, lo từng đứa, lo sao nổi, mà mình đã lo phụ rồi, không xong. Chi bằng gả ổng đi, rồi ổng tự phải lo cho các con ổng. Còn bả, nhân vật phụ, hà hồi phân giải. 

Tiền lộ phí thì làm sao đây? 

Mình cứ ỉ ôi với chị Quý đây, phần tiếp theo, tôi lo, cha Quý coi vậy chớ còn khá vàng, chả dấu kỹ lắm, chỉ có tôi biết chớ có ai biết biết chả bằng tôi… 

Bà Cự suy nghĩ mông lung trong đầu để ý tìm ý trung nhân cho bạn, bạn mà cũng là ân nhân một thời, nên bà phải cẩn thận, bà Annie Thủy thì góa chồng, mới chừng 55 tuổi, còn bóng sắc, nhưng hơi kênh kiệu, và không biết là Annie còn có ý lên xe lần nữa không, chỉ biết là đi đâu bà cũng khoe khi xưa bà là tiếp viên hàng không V.N oai lắm, tới chỗ cộng đồng nào, bà tỏ ra yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu… thành ra mấy ông đành “kính nhi viễn chi“, khó đấy, nói lỡ lời là không xong! Tới gặp bà Thúy Mai, bà này đẹp hơn bà Annie, nhưng khí ồn ào, miệng bằng tay, tay bằng miệng, tuy là rất vui tánh, kẹt khó là bả hay khoe, lúc nào và ở đâu thì cái gì của nhà bả và con cái bả, luôn luôn là số 1 thế giới, vậy cặp đôi với ông Quý, là không ổn rồi. 

Cuối cùng, bà Cự chọn cô Minh Tâm, có thế chớ, cô mới 57 tuổi, còn xuân sắc khá. Chưa bao giờ cô có chồng ngày còn ở Việt Nam, sang đây có lấy chồng người bản xứ một hai lần gì đó. Nhưng điều đó không quan trọng, vì cô và các chồng cô, cô nói là không hợp nhau nên đã chia tay hết cả lâu rồi. 

Cô Minh Tâm son rỗi, có mở một tiệm may áo dài V.N, khách ra vào thấp thoáng, cô là cô chủ nên cô cũng ăn diện bóng sắc và ăn nói duyên dáng. Nói chung, Minh Tâm biết điều, đưa đẩy và vui tính, khiến bà Cự, chân bước đi mà đầu còn ngoảnh lại!

Khi bà Cự ngỏ ý và nói về tánh khí ông bạn mình, bà nói thiệt lòng và Minh Tâm chịu đèn ngay. 

Cô Minh Tâm hào phóng nói là, cứ với giá cả đó, cô ok, và nếu như lỡ ra, sau này, mà lộng giả thành chân, thì số tiền đặt cọc đó coi như xù, kể như là của hồi môn cho cô. 

Bà Cự về kể tự sự với chồng, ông cười vang, khen cô dâu em kiếm được, cổ nói chí lý đó, cổ làm ngoại giao khá lắm đó, vừa chạy di tản vừa làm ngoại giao thành công… bà Cự thì lơ mơ chẳng hiểu mấy, trong lúc chồng bà cứ thao thao nói tiếp: 

Cái con mẹ đó trời đánh nó không chết đâu, để mình kêu ông Quý ra tay, may ra ổng đánh chết được bả… 

Thôi đi, đừng nói lung tung, tôi không hiểu à nhe, chỉ biết thời buổi nay, mình mách dùm anh Quý cái áp phe đó là một cái mode, có gì ké né đâu, tiền trao cháo múc mà. 

Rồi một mùa hè, vợ chồng ông cự dắt cô Minh Tâm về Việt Nam. Ông Quý được nhắn lên ở đệ nhất khách sạn để gặp người đẹp. Ông thương vợ và dắt vợ đi cùng, bà Quý một mực cũng tin chồng, bà bọc theo 15.000 ngàn đô la đặt cọc trước, bà cũng không quên mua quà tặng cho cô Minh Tâm, tỏ vẻ rất lịch sự… bốn năm mặt một lời, bà nói như đanh đóng cột: 

Tôi hết lòng cám ơn cô, đặng lo cho ông nhà tôi, trọng tuổi rồi, mà còn phải bôn ba lo việc con cái. 

Nhưng không có chi, xong việc thì ai về phần nấy. Tiền bạc tôi hứa trả công bội hậu! 

… Nói là nói vậy, mà bà cũng bấm mạnh lên khuỷu tay chồng một cách kín đáo, nhưng chồng bà lại hiểu khác ý, ông cho bà là đặt nặng số tiền cọc cho khỏi bị lừa. Đàn ông, đúng là thứ chậm hiểu… theo ý bà. 

Chị ơi, cô Minh Tâm đáp lời bà Quý, sang Mỹ, em sẽ làm giấy tờ rất sớm đặng anh còn lo cho mấy cháu… rồi cô bọc tiền rất kỹ trong áo lót, sợ ở VN, trộm đạo như rươi. 

Rồi ông Quý cũng lo xong giấy hôn thú, visas sau đó, từ khi sang Mỹ quốc, kể là từ khi về cùng sống với cô Minh Tâm, ông thẫn thờ nhớ vợ, nhớ nhà, nhớ con, ông nhớ luôn con đường Công Lý rộng rãi thoáng mát, mà nay như C.S đổi là Nam Kỳ Khởi Nghĩa… chẳng biết Nam Kỳ Khởi Nghĩa kiểu gì mà nay, thân phận ông lêu bêu như lục bình trôi… 

“Lục bình trôi lang thang

          Trôi vô hướng

          Trôi vất vưởng

          Giữa trần ai…“ 

Ông Quý nhớ da diết quê nhà, ông nhớ từ cái quán Duyên Quê bò bẩy món thanh lịch và hoành tráng khi xưa với những cụm trúc thân vàng láng mướt, nhiều túm lá tận cùng ngọn xum xuê… ông hết đi ra lại đi vào loanh quanh trong căn nhà của cô vợ giả vờ… giả đò… chật hẹp khiến ông cuồng cẳng như gò bó. Có lúc ông đã tự trách mình già đầu còn dại, cố sức làm cái thương vụ rắn mắt này, để giờ này, ông tự cái ao lăn vào cái vũng. Thiệt ra, cảnh quang ở đất Mỹ bao la, thoáng đãng, mà do là ông không mấy rành đường, đường đi không tới, nên ông như bị cấm cung ở nhà. 

Cô vợ giả dư biết vậy, hối ông đi học anh văn, cô bỏ tiền đóng học phí cho ông học lái xe, học anh văn, ông cố gắng lắm mà có lúc cũng tiến bộ kiểu giật lùi. 

Học lái xe thì ông tiến mau hơn, số là, khi ở Việt Nam, có khi còn trẻ tuổi, có thời ông từng làm tài xế lái xe tải đường trường. Ông khoe điều đó với cô vợ giả vờ, thì cô chộp ngay cơ hội ông có tí vui vẻ, nàng vặn vẹo : 

Bộ những lúc anh lái xe đường trường, rồi anh có nhớ nhà không? 

Nhớ thì có nhớ, mà công việc là công việc, tôi lang thang một thời trai trẻ đó đây, như con tàu xuôi ngược vạn nẻo, rồi cuối cùng cũng trở về với sân ga khởi đầu. 

Cô nghe mủi lòng cảm động, rủ:

Ngày mai, chúa nhựt, anh đi lễ nhà thờ với em nhe, luôn thể em giới thiệu anh với cha xứ là bạn bè. 

Ông Quý xua tay: 

Chớ, chớ có làm vậy, làm vậy họ sẽ hiểu lầm ra làm sao quan hệ gia đình của cô và tôi? 

Thì em thú thiệt là em cần tiền để lo mở lớn hãng may… vả thêm nữa, nếu có khi nào sở di trú theo dõi, họ thấy mình luôn ở bên nhau. 

… Vả lại, anh nên xếp đồ như áo quần vô phòng em cho hợp lý và hợp pháp. 

Ông Quý phát mệt, ông thấy cô vợ giả làm quá, ông bắt đầu bực mình, ông muốn chửi mắng vợ chồng ông Cự khéo vẽ đường cho hươu cái chạy. 

Ông cũng oán, chỉ tại cái tụi quỷ con cái ông, “Thành, Công, Chiến, Thắng“ đâu chưa thấy, chỉ thấy mình ông phát mệt. Tiền trót trao một nửa rồi, bây giờ ông phải đóng tuồng cải lương kiểu ở rể bất đắc dĩ này, chẳng biết bao giờ mới vãn tuồng? Bao giờ mới có thẻ xanh? 

Có ngày, cô Minh Tâm dậy ông cầm dao, muỗng, nĩa… dậy ông cách mở cửa xe cho phụ nữ, làm ông điên máu… ông chỉ muốn co cẳng đạp cô lăn xuống lề đường ngay mà kẹt còn cảnh sát thì làm sao? 

Kẹt thêm cái bà vợ ông, ngu như bò, dại như kễnh tươm tướp mang tiền nạp cho cái con khỉ Minh Tâm giờ phải làm sao? Nghĩ tới đó, ông phải bê vội ly nước đầy lên, uống một hơi, cho vơi đi một cục nghẹn to nơi cuống họng, may là ông không bị sặc, sặc là chết toi trong hoàn cảnh giả bộ này. 

Đang bí bức thì có thằng cháu, cháu ruột kêu vợ ông bằng dì, sang đây đã lâu, nó nghe tin ông ở gần chùa Điều Ngự Cali nên lần theo địa chỉ mà tới thăm ông. Ý là dì nó ở VN, báo động cho nó tới “rình“ ông. Thằng Công vừa tới, ông mừng túm ngay nó như túm được phao cứu sinh ông đề nghị nó đưa ông ra ngoài uống café. Tiện dịp may này, ông hàn huyên tâm sự với Công đủ điều, không quên ca cẩm cô vợ giả có lúc tán ông ra mặt, thằng cháu rất văn minh như đồng tình với ai đó: 

Cổ yêu dượng thiệt đó, cứ làm như vậy đi dượng, dượng có đủ này kia, rồi mới có cái happy-end được. 

Ôi, happy cái miệng mày, tao làm sao mà chiều ý bả cho được. Tao ngán làm đồ giả lắm… vả chăng tao đến bên cạnh bả, tao cũng ơn ớn, vì người bả là toàn đồ giả không hà… lông mi giả, mặt giả, ngực giả, eo iếc giả, đùi mông chân bụng giả tuốt luốt, mày coi, lỡ đụng nhẹ vô đâu, nó rớt cái rầm… rồi làm sao tao có tiền mặt mà bồi thường ngay, mày xúi dại tao, mà tao nói lại với dì mày, có nước khi nào gặp mày, bả sáng cho mấy cái bạt tai nổ đom đóm mắt à con! 

Dượng khó tánh khó nết vừa thôi nha, cổ đã sắm cho dượng nào áo  quần mới, giầy dép, nước hoa thơm, đồ lót đắt giá… mà dượng vừa nói vừa khoe như chửi người ta. Vậy chớ dượng đòi cái gì? 

Tao chỉ đòi về lại VN thôi. 

Như vậy là xé bỏ contrat, là mất tiền toi. 

Hình như là mày khùng hơn tao rồi, ông Quý la to lên, Công ơi, đồ lót đắt tiền, nước hoa đặc biệt hả, … mấy thứ đó chỉ ba thằng lại cái nó mới xài đồ dơ bẩn. 

Con nói thiệt nhe, dượng là đồ nhà quê, quê rặt… “tình cho không biếu không“… mà càm ràm hoài! 

Cho không hồi nào? Mầy nói nghe lạ đời, tao đã trao bả  nửa số của 30.000 đô, chừng nào tao bảo lãnh xong, coi như làm xong hồ sơ cho bốn đứa em mày, thì tao trả nốt 15.000 đô nữa. Có ai cho không, biếu không ai cái gì trên đời này đâu? 

Nói nào ngay, quả thiệt là cô Minh Tâm có cảm tình đặc biệt với ông Quý. Mấy lúc sau này, ông ăn ít đi, cô lo lắng lắm. 

Ông không ga lăng như mấy ông chồng Mỹ của cô trước đây, nghĩ sao nói vậy và ông cương quyết như hai lần 15.000 đô là 30.000 đô vậy. 

Có lúc ông cũng dễ bảo, bảo đi học anh văn là đi, bảo học thi quốc tịch là học thi, ăn uống có sao ăn vậy, không nề hà chê bai, không phê phán… nhưng không phải vậy mà dễ gì lay chuyển được ý nghĩ cố định của ông. 

Rồi cũng có một lần ông khẳng khái nói với cô rằng: 

Tiền bạc mua bán là một lẽ, nhưng Minh Tâm chịu giúp gia đình tôi, lại là một lẽ khác. Ơn ấy tôi không bao giờ quên, nhưng tôi không thể lộng giả thành chân được. Tôi không thể là vợ chồng với Minh Tâm vì tôi đã có vợ cái con cột. Tôi không phải là một người gian dối. Tôi và Minh Tâm là hai người bạn tốt, của nhau, được không? 

Ông nói mau, nói rõ, rồi đưa tay xiết chặt bàn tay cô bạn một giây và buông ra ngay. 

Ông vừa buông tay thì cô Minh Tâm cũng vừa kịp hiểu ra bản chất của con người này. Một con người tình cảm, cứng cỏi, thuần nhất và rất khả ái như là tình yêu! 

Mà, mà qua những lần va chạm xưa rầy, qua những lần ong qua bướm lượn trước nay, có lẽ cô chưa hề biết đến… 

Paris – mùa hè 2024

Chúc Thanh