Tâm sự sau ngày bầu
cử 5/11/2024
Ái Vân
Vào tuần trước,
gia đình và bạn bè đã tổ chức mừng sinh nhật tuổi 70 cho tôi. Wow, cái tuổi “thất
thập cổ lai hy“ nghe mãi, hoá ra cuối cùng thì nó cũng đến và kể từ bây giờ,
tôi đã chính thức đứng vào hàng của những cụ già “xưa nay hiếm!"
Tính tới tháng 1/2025 thì tôi đã sống đúng nửa đời người ở Đức và Hoa Kỳ - những xứ sở tự do mà đã một thời những người trong nước đã từng nói về nó trong niềm khát khao rằng: nếu đi được thì cái cột đèn nó cũng đi!!!
Nhớ lại cuộc sống
vào cái thời tem phiếu mà người ta đã từng mô tả bằng nhại Kiều rằng:
“Bắt ở trần phải ở
trần
Cho may-ô mới được
phần may-ô” ( may-ô: áo lót nam giới)
Cái gì cũng tem
phiếu, cái gì cũng phân phối. Thỉnh thoảng cơ quan nhà nước thông báo có hàng
phân phối, cán bộ công nhân viên phải đề đạt nguyện vọng xem mình cần mua gì rồi
lên công đoàn để xin mua.
Mỗi lần hàng phân
phối về, cả cơ quan rộn ràng như trẩy hội ngày xuân, vui như Tết. Tất nhiên
không có chuyện “muốn gì được nấy,” tất cả đều phải bốc thăm. Vì khan hiếm nên
mỗi lần chỉ có một số người may mắn. May mắn được mua hàng là một chuyện, nhưng
mua được hàng gì lại là một chuyện khác. Đã xẩy ra những chuyện “râu ông nọ cắm
cằm bà kia.”
Ông A thay vì cái
xích xe thì được mua yên xe đạp mà ông không cần.
Bà B xin mua cái
quạt máy thì được cái chậu nhôm sản xuất tại Liên xô tuy không đúng nguyện vọng
nhưng vẫn mừng húm.
Chị C cần cái ruột
xe lắp vào vào bánh xe đạp để chạy đi làm thì than: tôi độc thân sao lại cho
tôi mua quần đùi đàn ông thế này?
Toàn những chuyện
dở khóc dở cười. Thế nên người ta nói với nhau rằng “ông nhà nước cái cứt gì
cũng phân, mà phân thì như cứt.” (“phân” có nghĩa là phân phối)
Má tôi trong lần
đi trình diễn tại Pháp năm 1969 đã mua được cái radio hiệu Phillip, mang về, ba
tôi phải mang lên công an phường cho họ “cặp chì” (mà tôi không hiểu là gì?) để
chỉ được nghe đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam và đài phát thanh Giải Phóng. Mỗi
lần muốn nghe tình hình thế giới, ba tôi phải dò tìm làn sóng rất lâu mới nghe
tiếng được tiếng mất vì sóng yếu, giọng ông Đỗ Văn BBC hay Lê Văn đài VOA.
Không nhịn được cười khi nhìn thấy ba tôi với vẻ mặt nghiêm trọng, radio phải
dí sát vào tai sợ hàng xóm nghe thấy vì trước cửa dán câu khẩu hiệu CA phường mới
phát cho:
“Gia đình tôi
cương quyết không nghe đài địch” he he…
Những chuyện tiếu
lâm có chút màu sắc chính trị là cấm tiệt (tất nhiên vẫn lén kể và cười với
nhau). Hồi đó tôi rất thích nghe và kể chuyện tiếu lâm, kể cả tiếu lâm chính trị.
Một lần , lỡ kể chuyện TT Hoa Kỳ tặng sâm, nhung, và các loại thuốc bổ cho ông
Lê Duẩn, tôi bị công an văn hoá (PA 25) mời lên phường kiểm điểm một ngày và phải
hứa không tái phạm mới được cho về!
Những năm 80, bãi
bỏ chế độ tem phiếu, cuộc sống vật chất có khá hơn một chút nhưng ăn nói vẫn phải
giữ mồm giữ miệng nếu không muốn CA mời lên phường xơi nước. Mỗi lần đi trình
diễn ở ngoại quốc, ngoài chuyện “hát hay, đàn giỏi, múa khéo" thì mục
“khai báo lý lịch trích ngang" cho CA mới phiền, phải moi óc ra xem 3 đời
có người thân ở nước ngoài không? Họ ở nước nào, bao lâu, có hay liên lạc
không… vv và vv… Ông CA mà lắc đầu thì có tài giỏi mấy cũng quên đi nhé!
Mấy chục năm ở
VN, việc “đi nhẹ, nói khẽ” do vậy cũng quen rồi!
Qua xứ tự do thì
khác hẳn: muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, miễn không xâm hại đến người
khác thì không sao!
Định cư tại Hoa Kỳ
tròn 30 năm, tôi đã chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa, những cuộc biểu
tình rầm rộ, ròng rã, mà cảnh sát chỉ đứng yên giữ trật tự, chỉ can thiệp khi
có xô xát hoặc phá hoại tài sản.
Tôi đã chứng kiến
cuộc xuống đường rộng lớn BLM năm 2020.
Tôi đã chứng kiến
những người phụ nữ xuống đường đòi quyền tự quyết cho chính thân thể mình bằng
biểu tượng những chiếc mũ màu hồng.
Tôi đã chứng kiến
những cuộc diễu hành của cộng đồng LGBT náo nhiệt và phấn khích.
Và nhiều cuộc xuống
đường khác mà tôi không nhớ hết…
Đó là cách thể hiện
chính kiến của mỗi người dân khi được sống trong một thể chế tự do, một xã hội
tôn trọng quyền cá nhân của con người. Và tôi hiểu rằng mình đã may mắn đến thế
nào.
Tôi hiểu thế nào
là Tự Do và trân trọng nó vô cùng!
Tôi đã chứng kiến
đoàn người điên cuồng đập phá xông vào điện Capitol trong ngày 6/1/2021 để phản
đối kết quả một cuộc bầu cử công bằng và minh bạch.
Mấy chục năm sống
trong một xã hội văn minh, tôn trọng quyền con người, chúng ta coi Tự Do là điều
đương nhiên và miễn phí, chúng ta sử dụng nó một cách hoang phí và vô tư mà
quên mất rằng bao thế hệ đi trước đã phải đấu tranh như thế nào để chúng ta có
cơ hội tận hưởng nó ngày hôm nay!
Những phúc
lợi cơ bản chúng ta được hưởng xưa nay có thể bị cắt giảm như Medicare, Social
Security và những khoản chưa biết rõ.
Obamacare có nguy
cơ bị bãi bỏ trong khi chưa có chương trình bảo hiểm nào thay thế, nhưng dứt
khoát nó phải bị bãi bỏ mặc dù nó đã giúp cho gần 50 triệu người Mỹ mua được bảo
hiểm giá phải chăng chỉ vì nó mang dấu ấn của TT Obama!
Người đi làm có
thể chỉ được nghỉ hưu khi đủ 70 tuổi… Tất cả để bù đắp vào thâm thủng ngân sách
do chính sách cắt thuế cho giới tài phiệt
Cuộc sống của người
cao niên, yếu đuối, tàn tật mà nhiều Việt MAGA đang hưởng thụ sẽ bị ảnh hưởng nặng
nề. Chúng ta có thể tìm hiểu về nó trong Project 2025.
Tức nước vỡ bờ.
Đau quá thì có khi lại phải xuống đường lên tiếng cũng nên!
Nếu đã quên hoặc
không muốn nhớ cộng sản thật sự như thế nào thì xin quý vị mua vé về VN, đứng
giữa đường giương cao biểu ngữ “đả đảo cộng sản” hoặc réo tên mấy ông lớn đang
ngồi ở Ba Đình mà chửi, mà cứa cổ hình nộm mấy ổng như các vị đã từng ngang
nhiên ra đường cứa cổ hình nộm Biden và réo gọi “thằng Bảy Đần,"
"Let's go Brandon!” Quý vị sẽ bị còng tay nhốt vào kho đếm lịch ngay. Trần
Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải… chỉ vì bày tỏ chính
kiến ôn hoà đã phải lãnh những bản án nặng nề nhiều năm!
Nhưng Tự Do thì
khác!
Tự Do không nhìn
thấy bằng mắt, không cầm được trong tay, nhưng nó hiển hiện trong từng lời nói,
trong mỗi nhịp thở, mỗi bước đi, mỗi ánh mắt nhìn… Nó vô hình nhưng lại hiện hữu
rất cụ thể, thiết tha, thấm thía mà chỉ những khi sắp mất nó, ta mới thật sự cảm
nhận sự tuyệt vời của hai chữ Tự Do!
Tự Do không thể
mua được bằng tiền.
Tự Do là vô giá
mà chúng ta chỉ có được nó khi phải trả bằng máu và nước mắt của rất, rất nhiều
người trong nhiều thế hệ mà biết đâu trong những năm tháng tới đây, chúng ta sẽ
hiểu được giá trị của nó bằng trải nghiệm đau thương của chính bản thân mình?
Liệu lúc đó có
quá muộn chăng?
May ra lúc đó
chúng ta mới biết được giá trị của hai chữ Tự Do!