1.
Buổi sáng vừa ra cửa đi làm, chợt nghe thoáng lạnh, tôi vội quay vào khoác chiếc áo choàng loại nhẹ. Trời lại bắt đầu vào thu. Thoáng chốc, trôi nhanh “trăm năm là mấy, một ngày dài ghê”. Những chiếc lá khô vàng đã bắt đầu rụng rải rác phía sau nhà. Thời gian chợt như trêu ghẹo, đùa cợt với chúng ta. Nhiều lúc soi gương, tôi cứ tưởng mình đang nhìn một người khác. Một tôi phía bên ngoài đang nhìn chăm chăm một tôi bên trong mặt gương soi thật xa lạ với thời gian. Con người của hôm qua chưa kịp nhận diện con người của hôm nay..?
Trên con đường đến chỗ làm, chạy thẳng, quẹo trái quẹo phải, tất cả đều là những phản ứng tự nhiên của thói quen (đôi lúc không cần đến cả ý thức). Chừng như tuổi càng cao chúng ta càng có nhiều thói quen và chi phối bởi thói quen, từ thể chất đến tinh thần. Mọi sai lệch trong sinh hoạt hằng ngày đều khiến chúng ta dễ bực dọc, khó chịu và ngay cả tức giận, nhiều khi rất vô lý. Khả năng thích nghi với hoàn cảnh chung quanh đã không còn nhiều… Tôi cho đèn hiệu quẹo vào tiệm thức ăn nhanh phổ biến của cả nước Mỹ “McDonald’s”, như một thói quen! Và cũng như mọi khi, tôi gọi một biscuit với trứng, thịt bằm và phô-mai qua cửa sổ mà không phải ra khỏi xe. Đây là món ăn sáng “gần gũi” nhất của tôi mấy năm nay. Cà phê và nước uống thì chỗ làm tôi lúc nào cũng có sẵn, “miễn phí” cho nhân viên ngày lẫn đêm. Bà xã thường gọi tôi là “hai lúa” vì thói quen ăn uống của mình: ngày ba cữ, sáng trưa chiều, không hề biết ăn vặt và không thể sống thiếu cơm! Những lần đi công tác xa, nếu may tìm thấy được quán phở của người Việt mình, mỗi chiều ăn phở tôi đều gọi thêm một chén cơm trắng. Bà chủ tiệm thấy vậy hỏi tôi, phở không đủ ăn hay sao ông phải kêu thêm cơm? Tôi cười lắc đầu, không phải phở ít mà tôi thèm cơm! Mà thật vậy, ăn phở bao giờ tôi cũng kết thúc bằng một chén cơm trộn phở, ngon đến muỗng cuối cùng.Nghĩ ngợi lan man tôi chợt nhìn thấy bên lề đường, dọc theo
một góc phố ba mẹ con người da trắng đang ngồi cầm hai tấm bảng viết tay nguệch
ngoạc. Hình như đứa nhỏ nhất vẫn còn ẵm trên tay. Trời đang vào thu, gió trở
mùa và se sắt lạnh. Tôi cho xe chạy chậm lại, sát hơn vào lề đường. Đó là hình ảnh
một người phụ nữ da trắng trẻ ngồi bệt dưới vỉa hè với đứa con trai chừng 4, 5
tuổi và một cháu bé trong lòng. “Vô Gia Cư – Xin vui lòng giúp đỡ”, bằng mực
màu viết trên hai miếng bìa cứng xé ra từ chiếc thùng giấy. Đây cũng không phải
lần đầu hay hình ảnh xa lạ gì nơi thành phố tôi đang ở. Nhưng thường thấy là
người lớn và không có con nít mang theo. Nhìn kỹ cả ba mẹ con đều xinh đẹp, dễ
thương. Chưa kịp phản ứng gì, thì tôi bắt gặp nụ cười thật vô tư, hồn nhiên của
cháu trai nhỏ. Chừng như cậu bé chưa nhận thức được hết những gì đang xảy ra
cho ba mẹ con. Hoặc cậu bé đã quá quen thuộc với hoàn cảnh lang thang “không
nhà cửa” này.
Buổi sáng trong giờ cao điểm, xe cộ tấp nập từ mọi phía của
đường phố. Không thể gây phiền phức, cản trở giao thông tôi móc vội phần tiền
còn lại trong túi và phần bánh biscuit vừa mua vẫn còn nóng. Tôi bấm đèn hiệu dừng
xe “khẩn cấp” và ra dấu cho ba mẹ con ra nhận. Đứa bé trai buông tấm bảng giấy,
cười tươi chạy về phía tôi. Đôi mắt mệt mỏi, mất ngủ của người phụ nữ da trắng
thoáng lên chút hân hoan rồi chìm vào ánh nhìn xa xăm, tĩnh lặng. “Thank you…”,
tiếng cảm ơn trong trẻo của cậu bé chạm đáy lòng một buổi sáng đầu thu. Chiếc
xe tôi trờ vội đi, để lại phía sau góc phố hình ảnh của ba mẹ con người da trắng
không nhà, đang chờ những tấm lòng thương cảm. Cho dù số phận con người thế
nào, ra sao đi nữa cuộc sống vẫn mãi trôi qua giữa lòng đời và lòng người không
dứt… Giấc mơ bao giờ cũng ngắt khoảng, lẫn lộn. Có khi nằm trong tiềm thức hay
trong ký ức của chúng ta một lần thoáng hiện. Hoặc đôi khi hoàn toàn xa lạ mà
người mơ thấy tưởng như không hề có thật. Đất nước Mỹ, phải chăng là giấc mơ của
biết bao nhiêu con người trên mặt địa cầu? Nhưng đôi khi các bạn biết không, giấc
mơ chỉ hiện hữu trong giấc ngủ lúc nhắm nghiền đôi mắt và bước ra khỏi cuộc sống
đời thường.
Tôi tin rằng sẽ không có bất cứ đất nước nào trên cõi đời
này sẽ đem lại giấc mơ cho chúng ta, nếu chúng ta không mang nó theo sẵn trong
tim. Hình ảnh ba mẹ con người da trắng chừng như nhắc nhở tôi, thiên đường nào
cũng có sự may mắn và nỗi bất hạnh gần bên. Ánh mắt hồn nhiên của cậu bé “vô
gia cư” da trắng chỉ khiến tôi thoáng chút thương cảm tình người. Thế thôi.
Nhưng ánh mắt thơ ngây ấy lại xô đẩy tôi về với một xót xa khác, một hình ảnh
trong tận cùng của ký ức.
2.
Buổi chiều trên bờ biển Phú Quốc thật yên bình
và thật đẹp. Xa xa là Dinh Cậu nằm trên một doi đá cơi ra phía ngoài khơi. Mặt
trời như trái banh lửa khổng lồ đang lăn và chìm dần vào lòng biển xa. Đây là lần
đầu tiên tôi viếng thăm hòn đảo ngọc Phú Quốc. Nhiều nơi trên đảo vẫn còn giữ
được vẻ đẹp hoang sơ, chưa bị bàn tay con người xâm lấn, cưỡng chiếm. Nhưng xa
gần đã bắt đầu có dấu hiệu của sự phát triển thương mại, những khu nghỉ dưỡng
và các khách sạn 5 sao đang đẩy thiên nhiên vào bờ vực nguy cơ của ô nhiễm môi
trường… Tôi đi dọc theo khu “Chợ Đêm Phú Quốc” mà mọi người đang chuẩn bị bày
biện, chất hàng cho buổi tối. Những tiếng bàn ghế và mùi bếp lửa cũng bắt đầu
vang vọng, tỏa lan. Chỉ vài giờ nữa khu phố chợ thưa thớt này sẽ tấp nập những
người và tràn ngập quán ăn đêm. Gió hanh hanh thổi theo hơi biển mặn và mùi cá
phơi khô như một đặc sản không gian của quê hương Rạch Giá, từ đất liền đến đảo
xa. Mùi vị quê nhà thấm sâu vào mọi giác quan của mỗi người con đất biển. Buổi
chiều đang rơi nhè nhẹ theo từng giọt nắng vàng treo lơ lửng hai bên mặt đường.
Chợt thoang thoảng đâu đây mùi thơm quen thuộc của tuổi thơ tôi. Mùi thơm của sữa.
Mùi thơm của sữa đậu nành đây mà! Tôi thấy khát và thèm vô cùng một ly sữa đâu
nành nóng!
“Trà sữa – Sữa đậu nành – Chè các loại”, trước mặt tôi
là chiếc xe che kiếng với vài chiếc bàn nhỏ và tấm bảng ghi bắt mắt. Ngồi xuống
ghế, tôi gọi một ly sữa đậu nành nóng. “Bác có bỏ thêm đường hông?”, cô gái bán
hàng hỏi. Tôi cười, gật đầu. Ly sữa đậu nành bốc khói, thơm phức. Khuấy vài muỗng
thì tôi thấy mấy con kiến đen nổi lên, có lẽ ở trong đường. Thường thì chẳng hề
hấn gì, nhưng tôi đang ho mấy hôm nay vì chưa thích nghi lắm với thời tiết
chung quanh. Còn đang phân vân thì có tiếng: “Mua dùm con vài tấm vé số đi
bác”! Đó là cô bé gái khoảng 11, 12 tuổi cầm trên tay xấp vé số quen thuộc mời
mọc. Định cười lắc đầu, “Mua giúp con đi bác. Độc đắc mấy chục tỷ lận, con thấy
bác có số may mắn đó”. Dưới chiếc nón rộng vành, khuôn mặt xinh xắn là đôi mắt
thơ ngây trong sáng của cô bé (lẽ ra phải đang cùng gia đình ngồi ăn buổi cơm
chiều). Ánh mắt cô bé không hiểu sao, có cái gì đó khiến tôi khó xử, khó chối từ.
“Bao nhiêu một tấm con”? “Dạ 10 ngàn”. Nhớ ra trong túi tôi chỉ còn chừng hai
trăm ngàn, mà lúc nãy tôi quên nhắc bà xã đưa thêm dằn túi. “Bác mua cho con 10
tấm thôi nghen”. “Dạ 100 ngàn, bác lựa đi”. Tôi lấy vội và đưa cô bé tờ giấy
100 ngàn màu xanh. Cất tiền xong, cô bé vẫn còn nhìn tôi ngập ngừng:
-“Bác có uống ly đậu nành có mấy con kiến đó hông bác”? Bây
giờ tôi mới nhớ ly sữa đậu nành mà tôi đẩy sang một bên, phân vân vì mấy con kiến
đen.
-“Con muốn uống sữa đậu nành, bác kêu cho con một ly
khác”.
-“Hổng phải con uống đâu bác… Bỏ mấy con kiến ra, con xin
đem dzề cho đứa em nhỏ con uống…”, cô bé vừa nói vừa lấy trong cái túi vải
khoác vai, một chiếc bình bằng nhựa màu xanh. Cử chỉ và lời nói tự nhiên của cô
bé làm tôi xúc động vô cùng. Tuổi thơ trong chiến tranh tôi đã “lớn trước tuổi”,
đất nước hòa bình phát triển giàu mạnh cũng mang theo những lớp tuổi thơ “già
trước tuổi” biết chừng nào! Tôi giúp cô bé vớt bỏ mấy con kiến đen “vô tội vạ”
ra khỏi ly sữa đậu nành và gọi thêm một ly nữa mang đi. Tôi đưa cô bé thêm ly
mang đi kèm theo tờ giấy 100 ngàn còn lại.
-“Má con dặn hổng được lấy tiền người lạ. Con lấy sữa đậu
nành thôi”, cô bé trả tôi lại tờ giấy bạc. Hơi bất ngờ, nhưng tôi cũng vội kiềm
chế cảm xúc: “Hay con lựa cho bác thêm 10 tờ vé số nữa đi…”. Cô bé đếm vé số
cho tôi và cất giữ lại tờ giấy bạc 100 ngàn.
-“Con ngoan lắm. Ba má con đâu, mà con phải đi bán vé số”?
-“Má con bệnh… Con hổng có ba…”, cô bé trả lời nhỏ giọng, đượm
buồn.
Tôi nghèn nghẹn ở cổ, không dám hỏi hay nói lời gì thêm, lặng
nhìn cô bé bán vé số với chiếc túi đựng hai ly sữa đậu nành bước đi vào giữa những
sợi nắng vàng vọt, mong manh của buổi chiều… Nhiều người “than phiền” người Việt
không có thói quen nói tiếng “cám ơn”! Nhưng trong giây phút nầy, mọi tiếng cám
ơn chừng như đều “thừa thãi”, đãi bôi và vô nghĩa như nhau. Ánh mắt, tấm lòng của
cô bé bán vé số ở khu chợ Phú Quốc là cả môt tấm gương soi cho những kiếp đời
này. Chợt đâu đó có tiếng hát phát ra từ chiếc loa của một hàng quán bên đường:
“Cuộc đời vẫn đẹp sao / Tình yêu vẫn đẹp sao…”, nghe thật bùi ngùi, mai mỉa.
Khu chợ đêm bắt đầu nhộn nhịp tiếng người như xô dạt bóng dáng cô bé trong từng
cơn gió mùa biển mặn.
3.
Trên đường về buổi chiều hôm đó, tôi không còn
nhìn thấy ba mẹ con người phụ nữ da trắng nữa. Rồi những ngày sau cũng không.
Góc lề đường nhỏ trở lại bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Chắc họ
đã về một nơi nào đó, một khu tạm trú dành cho những người vô gia cư? Gió đầu
thu cũng bắt đầu trở lạnh, kéo theo ngày “tháng Mười chưa cười đã tối”. Hình ảnh
ba mẹ con vô gia cư người da trắng khiến tôi nhớ vô cùng cô bé bán vé số và ly
sữa đậu nành ở khu chợ đêm Phú Quốc năm nào. Cũng 8 năm rồi, cô bé ngày nay chắc
đã trở thành một thiếu nữ 19, 20 xinh đẹp? Cô thiếu nữ ấy bây giờ ra sao, hay vẫn
còn giúp mẹ nuôi em bằng những tờ vé số cầm tay? Mong rằng không phải vậy. Mong
rằng những may mắn sẽ đáp xuống cuộc đời cô bé để ánh mắt thơ ngây thoát khỏi
bao nét nhọc nhằn, bất hạnh. Mong rằng cô bé sẽ quên tôi và ly sữa đậu nành,
như quên đi những ký ức buồn trong mênh mông dòng đời nghiệt ngã trôi xa?
Bên ngoài trời đang mùa gió trở. Gió vào thu heo hắt lạnh mặt
người. Gió mùa này sẽ thổi về đâu, cho mùa sau nối tiếp? Cô bé ơi, xin hãy đi
trọn kiếp người với một tấm lòng trong sáng cưu mang, như những cơn gió mùa
thơm ngát của hôm qua…
“… Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở, thì thầm
Mai lỡ không về, chắc anh buồn biết mấy
Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày…” (*)
Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long