1. Sự khôn ngoan của đồng tiền
Cựu Tổng thống Trump xứng đáng làm tổng thống một lần nữa, đó là phán quyết của đa số công dân Mỹ. Chẳng những Trump được nhiều phiếu đại biểu hơn đối thủ, Phó tổng thống Harris, tổng số phiếu ông nhận được cũng hơn số phiếu của bà Harris rất nhiều. Kết quả này hoàn toàn ngoài dự đoán của các nhà bình luận.
2. “It’s the economy, stupid!”
Harris đã có một khởi đầu tốt đẹp và đảng Dân Chủ đã hy vọng
tràn đầy. Nhưng rốt lại là một kết cuộc ngỡ ngàng, đau xót. Chẳng
những bà thua phiếu, mà còn thua nặng, đánh mất nhiều thành phần trước đây ủng
hộ đảng Dân Chủ, giúp tổng thống Biden thắng Trump.
Giữa những tiếng thở dài, nhiều lời phân tích, giải mã’ đã
vang lên. Vì sao Harris thất bại? Bà không có tài ăn nói, lý luận?
Dân chúng chán ghét chính phủ đương thời (đây là thái độ chung của dân chúng khắp
nơi, chẳng riêng gì dân Mỹ), đòi hỏi sự đổi mới, nhưng bà lại tuyên bố không có
gì Biden đã làm mà bà đã có thể làm khác hơn! What?! Trong chính trị,
nói mà không dự đoán được phản ứng của người nghe thì dỡ quá. Câu quảng
cáo không mất tiền mua này đã được phía Trump lặp đi lặp lại trên TV. Ai
muốn vật giá leo thang, muốn di dân bất hợp pháp tràn ngập nước Mỹ thì bỏ phiếu
cho Harris nhé!
Thật ra phó tổng thống chẳng có quyền lực bao nhiêu, tổng thống
nói sao làm vậy, nhưng Harris không chịu dùng sự thật này để đỡ đòn. Có
thể bà thành thật tin điều đó vì bà là Biden thứ hai, Biden 2.0. Nhưng rất
có thể, bà nói thế vì không muốn làm buồn lòng tổng thống Biden, người nâng đỡ
bà hết mực. Sợ làm buồn lòng một tổng thống mà dân chán chê? Vậy
còn mấy chục triệu người đang buồn thỉu buồn thiu khi nghĩ đến tương lai nước Mỹ
dưới sự lãnh đạo của Trump thì sao? Lịch sử chắc chắn sẽ ‘nói chuyện’ với
bà về việc đặt ưu tiên sai lầm này.
Có người trách Biden nhiều hơn hết. Tại sao già yếu,
không được lòng dân, mà không tự ý thức được vị trí của mình? Quá tự tin
hay tham quyền cố vị? Nếu tự nguyện làm tổng thống một nhiệm kỳ để việc lựa
chọn ứng cử viên Dân Chủ tiến hành theo thể thức thông thường, thì chắc chắn một
người khác, có khả năng, được yêu mến hơn Harris đã được chọn lựa rồi. Chẳng
hạn Newsom, Shapiro hay Buttigieg? Ít nhất, những người này có thể biện hộ
cho những điều mất lòng dân của chính phủ đương thời một cách hiệu quả.
Và hứa hẹn những đổi mới mà không sợ mất lòng ‘ai’.
Nhưng phân tích, giải mã, đổ thừa bao nhiêu thì cũng không
qua sự thật đơn giản này: “Đó là nền kinh tế, đồ ngốc!” Có thực
mới vực được đạo. Trước mắt là vật giá đắt đỏ khó khăn, hay ít nhất là
cũng “có vẻ” như thế. Giá xăng lên, giá thịt cá trứng sữa lên vùn vụt.
Tiền thuê nhà tăng. Ai cần biết lý giải nguyên nhân? Lập luận kiểu trước
đây, dưới sự lãnh đạo của Trump, cuộc sống dễ thở hơn. Bầu cho Trump, cuộc
sống sẽ dễ thở như trước. Nhị đoạn luận, gọn gàng thế đó!
3. Dân Do
Thái là tác giả
Theo Wikipedia, James Carville là người chế ra câu ‘The
economy, stupid’. Nhưng không, dân Do Thái mới là tác giả của nhận định
sâu sắc này. Theo Kinh Thánh, dân Do Thái đã bị đày ải khi sống tại Ai Cập.
Dưới sự lãnh đạo của Moses, họ được giải thoát và đưa đến miền đất hứa.
Nhưng đất hứa còn xa lắc mà bụng dạ đói meo nên họ cằn nhằn ‘Để chúng tôi chết ở
xứ Ai cập còn tốt hơn. Ở đó chúng tôi được ăn thịt và bánh mì dư dật.’
Thà chết no hơn tự do mà đói!
Đừng trách cử tri sao ‘xác thịt’. Cuộc bầu cử vừa qua
không phải là sự lựa chọn giữa dân chủ và độc tài, giữa quyền tự do của đàn bà
trên thân thể họ và đạo đức tôn giáo, giữa lòng nhân ái và tính tư kỷ. Nó
là sự lựa chọn thiết thực nhất. Giữa những thứ có thể cân đo đong đếm và
những thứ không có hình thù.