Người Việt Nam mình hay nói “ông này có số sướng”, bà kia “có số hưởng” v…v… Riêng tôi, tôi có số… gặp trộm, nói nôm na là tôi chạm trán với mấy ông đệ tử của thần Đạo Chích lần này là lần thứ hai từ ngày sống trên đất Mỹ (https://vvnm.vietbao.com/a247116/nha-bi-trom). Ở đời, có nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra mà chính các nhân vật trong truyện cũng phân vân không biết phải ứng xử như thế nào.
Trường hợp này xảy ra cho chính bản thân tôi ngay trên nước
Mỹ văn minh và giàu có: nhà tôi bị trộm viếng, tôi bắt được ngay tại trận, chạm
mặt với nó, và rượt đuổi nó. Sau khi nó chạy thoát, tôi phải cất công đi làm
“thám tử” điều tra coi tên trộm từ đâu đến, để rồi khi kiếm ra, chính tôi phải
kiếm đến tận nhà để làm hòa và tha thứ cho “ngài đệ tử” của thần Đạo Chích
này.
Trong kinh thánh Tân Ước, chúa Giê Su khi đi rao giảng tin mừng,
Ngài có nói: nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ
người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì hãy để của lễ lại trước bàn
thờ, đi làm hoà với người anh em của ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.
Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa
ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi
sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho các ngươi biết: ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy
cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng! (Matthew 5, 20-26.)
Thật ra, tôi không phải là con chiên ngoan đạo, thực hành lời
Chúa triệt để, nhưng tôi có lý do riêng của tôi là muốn cho tên trộm biết người
Việt Nam, tuy nổi tiếng trong quá khứ là một dân tộc sống trong chiến tranh, hận
thù, tàn bạo, và chết chóc, nhưng là một dân tộc có lòng nhân ái, biết tha thứ
và sống chung hòa bình. Vì vậy, tôi mở ra cho tên trộm một lối trở về, một cơ hội;
thêm nữa, bản chất người Việt Nam luôn đậm tình làng xóm, biết bán anh em xa,
mua láng giềng gần.
Số là tôi vừa lấy lại một căn nhà cho thuê ở thành phố Mesa,
Arizona, cách nơi tôi đang sống khoảng 200 dặm và muốn tân trang lại mới hoàn
toàn để gia đình tôi dọn vào ở. Tôi hẹn với thợ vào sáng hôm sau, nên hôm trước,
tôi chở theo ít đồ nghề và vài đồ đạc cá nhân, dự định sẽ ở lại vài ngày để chỉ
dẫn cho thợ phải sửa và thay những thứ gì. Căn nhà trống, không có đồ đạc,
không có cả giường ngủ. Tôi kéo cái ghế bố quân đội ra để ngủ tạm. Tên trộm đột
nhập vào nhà lúc nửa đêm về sáng tính chuyện đem đồ đạc của tôi về làm của cải
nhà hắn hay sao đó.
Tôi rượt nó chạy vắt giò lên cổ. Nó cao to và trẻ tuổi, sức
lực tràn trề nên khi bị rượt sát nút, nó bèn thi triển tuyệt đỉnh công phu
“lăng ba vi bộ”, phi thân một cái, đứng lên đỉnh bức tường gạch cao 6.2 feet,
nhảy ra ngoài vườn và “chạy mất dép”, bỏ tôi đứng lại một mình, ngẩn tò te vì
tôi không nhảy qua nổi bức tường cao như thế.
Tên trộm cũng biết lựa giờ khi đột nhập vào nhà lúc 02:45,
giờ mà mọi người đang ngủ ngon nhất. Tôi thuộc loại người chỉ ngủ bằng một mắt
và một lỗ tai, hoặc do phản xạ tự nhiên được lặp đi lặp lại trong một thời gian
dài khi tôi còn đi làm trong trại lính vùng Trung Đông. Tuy đang say giấc nồng,
nằm trên chiếc ghế bố, tôi vẫn nghe được tiếng bước chân lạo xạo trên sỏi, rồi
ánh sáng nhấp nháy, chập chờn trong vườn sau, phía hồ bơi.
Tôi choàng dậy, chụp lấy cái head-light đeo lên đầu, nhét
cái phone vào túi quần, và chạy ra mở cửa sau, tính ăn thua đủ với hắn mà quên
rằng trong tay không có lấy một vũ khí tự vệ hay thậm chí một cây gậy. Cái đèn
mang trên đầu tôi là loại quân đội Mỹ hay xài, nó rất sáng, khiến tên trộm bị
lóa mắt, không thấy được tôi, còn tôi thấy rõ được mặt hắn. Nó còn rất trẻ, khoảng
25-30 tuổi, mặc toàn đồ đen, da trắng, tướng tá dễ coi và cao lớn, ít ra cũng
trên 6 feet. Khuôn mặt hắn thất thần, mắt mở to, miệng lắp bắp không thành tiếng
khi tôi hét lớn “who the f … are you?”.
Tiếng hét của tôi chắc không thua gì tiếng hét Kiai của một
võ sĩ Aikido trước khi dùng sống bàn tay chém một cú Atemi hạ đo ván đối thủ. Hồn
vía lên mây, nó quay người bỏ chạy, có lẽ nó không ngờ có người trong căn nhà
trống này. Sực nhớ mình tay không, tôi trở ngược vô nhà, chụp lấy thanh gỗ chặn
cánh cửa kéo (sliding door) làm vũ khí vì tên trộm quá cao to so với vóc dáng
nhỏ bé của một ông già như tôi. Diễn tả thì chậm, nhưng hành động thì nhanh như
chớp, tôi quay lại, rượt hắn chạy về phía khoảng sân bên hông nhà. Nhưng không
kịp nữa rồi, chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng đủ để nó bỏ lại “tôi với trời bơ
vơ”. Xin lỗi nhạc sĩ Tùng Giang, vì tôi đứng sững giữa sân một mình, nhảy
theo không được, chỉ biết bơ vơ đứng nhìn trời.
Khi hắn nhảy được lên nóc bức tường, nhìn xuống đất trong
đêm tối, có lẽ độ cao khiến hắn sợ hãi bị gãy chân nên hắn chần chừ; trong phút
chốc ngắn ngủi đó, tôi móc phone ra và chụp được hình của hắn. Ánh chớp của cái
phone làm hắn hoảng sợ, nhảy đại ra ngoài sân trước và chạy thật nhanh biến vào
bóng đêm. Tôi bị kẹt bên trong cổng bị khóa nên phải chạy ngược vô trong nhà để
mở cửa chính, tiếp tục truy đuổi hắn ta. Hắn đã biến mất trong ánh sáng mờ ảo của
đèn đường trong bóng đêm. Tôi gọi cảnh sát. Họ đến thật nhanh trong vòng
5 phút. Cả hai viên cảnh sát cùng tôi đi quan sát hiện trường, họ làm bản tường
trình những gì họ thấy theo lời kể của tôi.
Tôi gởi bức hình qua cái phone của viên cảnh sát. Họ hoàn
thành biên bản và “text” lại cho tôi “case number” gồm nội dung và cả tấm hình
của tên trộm mà tôi gởi cho họ. Họ chào tôi, ra về, không quên căn dặn tôi đừng
liều lĩnh đuổi theo tên trộm vì nó có thể mang theo vũ khí và vì nó to lớn hơn
ông rất nhiều. Nghĩ lại, tôi thấy mình cũng liều khi trực diện với tên trộm cao
lớn và sức vóc hơn mình nhiều lần.
Ngay hôm sau, tôi đi chào hàng xóm mới, trước nhất muốn làm
quen với họ, tiện dịp kể họ nghe câu chuyện đêm qua để họ đề phòng. Tôi đưa bức
hình coi họ có nhận ra ai trong xóm này không? Không ai biết. Tôi ghé qua làm
quen với gia đình hàng xóm sát nhà bên trái. Cả hai ông bà có vẻ hiền lành, dễ
mến. Họ tiếp đón tôi rất vui vẻ, mời vào nhà hỏi thăm ân cần. Hai ông bà cho
hay ông bà nội cũng là di dân từ Thụy Điển đến nước Mỹ trước đệ nhị thế chiến.
Tôi cũng tự giới thiệu mình là người Việt Nam, phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng
sản.
Hai ông bà rất vui khi có một người Á Châu dọn đến trong
xóm, mà lại là người Việt Nam. Xưa nay họ chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến
gây tranh cãi nhất ở nước Mỹ. Một cuộc chiến dài đăng đẳng với chết chóc, tàn
phá, và hận thù, nơi mà hơn 50 ngàn lính Mỹ đã hy sinh, để lại những vết thương
lòng không hàn gắn nổi cho đến bây giờ.
Trước khi ra về, tôi kể họ nghe chuyện đêm qua và đưa bức
hình tên trộm, hỏi ông bà có biết người này không. Cả hai nhìn chăm chú vào cái
phone của tôi, ánh mắt họ thoáng chút bối rối, rồi hỏi tôi sao có bức hình này.
Tôi hiểu ngay rằng họ biết tên trộm này là ai. Bà xin phép mượn cái phone của
tôi và bước vào nhà sau, nói chuyện với đứa con trai khác của ông bà. Khi trở
ra, bà mời tôi ở lại thêm một chút nữa để bà nói chuyện.
Hai ông bà cho biết đây là đứa con riêng của bà với chồng
trước. Nó tên là S., không sống chung với ông bà, nhưng thỉnh thoảng ghé qua ăn
bữa cơm. Nó mới bị cho nghỉ việc ở một hãng xưởng trong thành phố. Ông bà cho
hay sẽ nói chuyện với nó vì nó nợ tôi một lời xin lỗi rất lớn. Ông bà cũng
thành thật cám ơn tôi đã cho hay và xin tôi cứ tự nhiên báo cảnh sát để bắt đứa
con hư hỏng này.
Tôi cho họ hay cảnh sát đã có bức hình và biên bản về vụ trộm
tối hôm qua. Tôi bắt tay ông bà, không hứa hẹn điều gì, và ra về trong một tâm
trạng không biết nên vui hay buồn. Tôi có thể cảm nhận được sự chân thành trong
lời nói của ông bà. Tôi nghĩ rằng S. không có việc làm nên đói ăn vụng, túng
làm liều, chứ nó không phải là một tên trộm chuyên nghiệp: khi đụng độ với tôi,
nó đã khiếp sợ và quay đầu bỏ chạy. Có lẽ khi về thăm gia đình, nó thấy căn nhà
không có người ở cả tháng nên tò mò và đánh liều vô coi có gì không.
Tôi quyết định sẽ gặp S. và ngồi xuống nói chuyện với nó.
Tôi điên thoại hỏi ông bà hàng xóm khi nào nó về, cho tôi hay. Một buổi trưa,
S. lái xe về thăm cha mẹ. Tôi bước qua nhà. S. bước ra bắt tay, vẻ mặt bối rối,
đầu cúi xuống, thái độ luống cuống và xấu hổ; lời đầu tiên nó xin lỗi và thú thực
là tối đó đi uống rượu về, tò mò muốn biết coi nhà kế bên có gì không. Sau một
hồi chuyện trò, tôi hứa với nó là sẽ không truy tố nó ra tòa theo yêu cầu của cảnh
sát. Tôi sẵn lòng bỏ qua, coi như chưa có gì xảy ra. S. ôm tôi thật chặt và hứa
sẽ không bao giờ làm điều gì sai trái. Nó bịn rịn tiễn tôi ra cửa. Ba má nó
theo sau, bắt tay và cảm ơn không ngớt, trên gương mặt dãn ra vẻ vui mừng.
Tôi nghĩ rằng với sự rộng lượng, nhân ái của mình, có thể
giúp S. tìm lại con đường đúng đắn trong cuộc sống. Anh ta sẽ phải nhìn lại bản
thân mình và suy nghĩ về thái độ tha thứ của ông hàng xóm. Cha mẹ của S. tỏ ra
rất khâm phục cách ứng xử của tôi. Tôi muốn cho họ thấy người Việt Nam mình,
tuy trải qua một cuộc chiến khốc liệt triền miên, nhưng chúng tôi, người miền
Nam là một dân tộc hiếu hòa. Văn hóa chúng tôi là bán anh em xa, mua láng giềng
gần. Bản thân tôi thấy nên cho S. một cơ hội để hối cải, mở một con đường cho
S. đi, để nó thấy được trên đời này mất việc không phải là ngõ cụt cuối con đường.
Tôi biết từ rày trở đi, S. nhìn tôi, nhìn một người Việt Nam với một ánh mắt
khâm phục.
Quả thật, từ đó trở đi, gia đình ông bà hàng xóm đối xử với
tôi rất nồng ấm. Họ luôn chào hỏi vui vẻ, thỉnh thoảng mời tôi qua thăm khu vườn
xanh um của bà, hoặc qua bên nhà tôi thăm hỏi ân cần, nếu cần gì họ sẽ giúp.
Tình láng giềng giữa chúng tôi rất vui vẻ, chan hòa.
Mỗi một biến cố là một bài học và một kinh nghiệm sống, dạy
tôi biết phải phản ứng ra sao cho hợp thời để không phải hối tiếc về sau. Hơn
thế nữa, tôi muốn người bản xứ thấy rõ, qua cách hành xử của mình là một minh
chứng cho sức mạnh của lòng nhân từ và niềm tin vào sự thay đổi của con người,
nhất là người đó lại là người hàng xóm của mình.
Nguyễn Văn Tới