Cứ vào mùa Giáng Sinh, các bậc phụ huynh ở nhiều quốc gia
luôn tâm tình rằng họ lo âu trước việc bọn trẻ ngày càng sớm không tin vào sự
có mặt của ông già Noel, một nhân vật thơ mộng đã nuôi trí tưởng tượng của hàng
tỷ trẻ em qua bao năm tháng của địa cầu.
Ông Noel, nhân vật truyền kỳ vĩ đại trên thế gian này, suốt đời mang sứ mạng tạo niềm vui cho trẻ em mà không cần bất cứ một điều kiện đổi chác nào.
Một cuộc thăm dò của Yougov Poll, cũng như trên nhiều tờ báo
phương Tây, cho biết trẻ em thường nhận ra sự thật đáng buồn rằng không hề
có ông Noel trên đời, trễ nhất, thường từ tuổi lên 9. Thăm dò tìm thấy của
Trung tâm nghiên cứu PEW thì còn ảm đạm hơn, nói rằng giờ đây chỉ còn có 1
trong 5 đứa trẻ (từ 8 tuổi) được hỏi là còn tin vào ông Noel. Điều buồn cười rằng
phần lớn trẻ em sau 8 tuổi đều làm bộ tin vào chuyện ông Noel để làm ba mẹ vui
lòng và được nhận quà. Rất nhiều người mẹ hay người bố cũng đoán là con mình
không còn tin vào chuyện có ông già Noel nữa, nhưng cả nhà cùng làm bộ như
nhau, chỉ để cho vui mà thôi. Giả ngờ nghệch với nhau cho nhau vui mà.
Từ nhiều năm trước, giới giáo dục và nghiên cứu tâm lý trẻ
em có lời khuyên rằng phụ huynh nên tìm cách nói sớm và khéo léo cho bọn trẻ biết
về sự thật của chuyện ông già Noel, trễ nhất là vào lúc chúng 9 tuổi. Vì theo
các nghiên cứu, đánh lừa trẻ em trong một thời gian quá lâu, đến khi chúng tự
biết, sẽ có những trường hợp bị tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến nhiều năm sau
trưởng thành.
Và ngay cả khi chúng biết rõ, và làm bộ như có, việc cha mẹ
cứ đánh lừa cũng tạo cho trẻ con một cảm giác gây tổn thương âm thầm về nhận thức
của chúng.
Vậy đó, cuối cùng thì, sự thật vẫn là điều cần thiết cho một
con người, dẫu sống lâu trong sự huyễn hoặc được phủ có một ánh hào quang đẹp đẽ
bao phủ.
Con người vẫn luôn dễ tin vào các huyền thoại, để làm mờ đi
sự tẻ nhạt hoặc khốn khó thường ngày đang vây hãm mình. Đôi khi, con người tạo
nên các huyền thoại, nuôi nấng, như một cơ hội để băng bó các vết thương tinh
thần. Nhanh nhất là những lời hứa, tuyên bố dối. Liều thuốc giảm đau đó đôi khi
để mình tự nuốt lấy, hoặc có lúc thì để một nhóm người, một quốc gia sử dụng để
mê mị đám đông, chèo chống qua các cơn đau hiện thực.
Việt Nam một quốc gia Châu Á, có nhà nước chủ trương vô thần,
nhưng có vẻ cũng thích sử dụng liệu pháp ông già Noel như vậy, thậm chí sử dụng
không cần theo mùa.
Có thể đó là một giải pháp của một số người yêu thể thao Việt
Nam. Trong những trận túc cầu quốc tế, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều người cổ
vũ có thói quen mang theo hình của lãnh tụ, bàn thờ… thậm chí, còn có những biểu
ngữ tuyên ngôn như đang đứng trên đỉnh cao bóng đá thế giới. Những trận tranh
tài thể thao đơn thuần luôn bị bóp nặn để đạt đến cực khoái bởi chủ nghĩa dân tộc
và tệ sùng bái cá nhân, không khác gì những đứa trẻ luôn tin rằng hình dáng một
ông Noel nào đó sẽ mang đến phép lạ đời thường.
Tiếc thay, ông già Noel thì không bao giờ đến, và những người
Việt như vậy, mãi mãi không thể trưởng thành – và mang vác những vết thương tâm
lý suốt đời mình.
Hứa hẹn, giới thiệu những chỉ số, nói những điều viễn tưởng
nhưng nghe thật chắc chắn… của nhiều nhà lãnh đạo, cũng là một loại quà phát vô
tội, không cần chỉ là vào lễ Giáng sinh. Chắc không có đất nước nào người dân
được tặng “quà hứa” nhiều như Việt Nam, những món quà như món nợ mà truyền đời
các nhà lãnh đạo Việt Nam từng thốt ra, từ y tế, đến giao thông, giáo dục… chồng
chất không cách trả nổi.
Đôi khi vì tin, những đứa trẻ hôm qua lớn lên, vẫn ngầy ngật
trong cơn hoang tưởng như báo chí rùm beng một thời 2017, người Việt sẽ tạo phi
thuyền bay vào vũ trụ, hoặc mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chắc
như bắp“Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, do người Việt có gien
về khoa học công nghệ”. Năm 2022, ông Hùng cũng phát quà Giáng sinh sớm, khi khẳng
định Việt Nam sẽ là “quốc gia đi đầu về công nghệ 6G”.
Cũng giống như những gia đình đã đủ hiểu biết – con cái và
cha mẹ cùng giả ngờ nghệch về chuyện tồn tại của ông già Noel, người Việt cũng
luôn giả reo vui, tán tụng nhau từng hồi, từng thời kỳ với những món quà hộp rỗng
từ các nhà lãnh đạo vậy.
Trong hàng triệu những đứa trẻ còn ngây thơ còn tin vào sự
có mặt của một ông già Noel trên đời, chắc hẳn sẽ có rất nhiều đứa trong số
hàng trăm ngàn trẻ em Việt Nam đang cực nhọc mưu sinh. Chúng cũng được tặng những
món “quà hứa” về trường lớp khang trang, qua sông đến trường không mạo hiểm…
nghe rất êm tai, nhưng mỗi năm vẫn phải tập bơi, tập sống sót trong những cơn xả
lũ bất thần giữa đêm khuya ở đâu đó rất xa thành thị.
Một mùa Giáng sinh, tôi đọc được đâu đó câu chuyện cảm động.
Một đứa trẻ 5 tuổi ở Nashville, Hoa Kỳ, bị bệnh nan y và đang chết dần, bé mơ ước
được thấy ông già Noel. Một viên cựu quân nhân đã được mời đóng giả làm Santa
Claus đến tặng quà cho bé. Lấy hết sức tàn, đứa bé ôm lấy ông và mở quà. “Con sẽ
chết, nhưng nếu con chết, con sẽ đi đâu?”. “Ở nơi con đến, sẽ có một Santa
Claus tốt nhất đợi và đón con ở đó”, viên cựu quân nhân trả lời. Ít phút sau, đứa
bé chết trong vòng tay của ông già Noel giả trang đó.
Hóa ra, con người tạo ra những huyền thoại để làm dịu những
nỗi đau của con người và nuôi những ước mơ chân thành từ trái tim của con người.
Câu chuyện nhỏ đó có thể làm rơi nước mắt, với hiện thực và cổ tích trộn lẫn
trong trí tưởng, giữa một mùa yêu thương và hy vọng mà con người đã dịu dàng
cùng nhau gìn giữ qua nhiều thế kỷ.
Có lúc, chúng ta cũng nghe văng vẳng quanh mình những tuyên
ngôn và hứa hẹn rất nhiều trên đất nước này, bất kể đó có là mùa Giáng sinh hay
không, nhưng rồi ai cũng có thể nhanh chóng nhận ra, đó là những huyền thoại
như chưa bao giờ mang hơi thở con người.