Vừa đến ngưỡng cửa nhìn vào trong phòng khách đợi, chị Thìn hơi giật mình khi thấy một thân hình cao lớn lực lưỡng, cao hơn chị cả một cái đầu, một mái tóc quăn tít cắt ngắn sát da đầu, một khuôn mặt da đen bóng nhẩy. Chùn chân, chị đã vào trong không thể quay lưng bỏ đi. Một người khách da đen đúa đang đứng sừng sững giữa phòng một tay cầm lon bia tay kia thọc túi quần. Vừa thấy chị đi vào, hắn bước lại gần gật đầu thật lịch sự rồi lên tiếng chào, giọng nghe rất ấm, rất tự nhiên như là đã quen trước kia.
Chị mỉm cười gật đầu không nói gì, chị không biết tiếng Mỹ.
Bà chủ từ nhà trong đon đả đi ra nói khách chờ chị nãy giờ
và muốn đi chị bằng được. Bà kêu mấy cô khác cho hắn nhưng hắn nhật định
đòi chị. Chị Thìn lắc đầu nói không muốn đi với người ngoại. Bà chủ
nói gì đó với người khách da đen, đến lượt hắn lắc đầu quầy quậy xong chỉ chị
Thìn rồi đáp lại một tràng thật dài. Quay sang chị, bà nói khách mai phải
về lại Sài Gòn để lên máy bay về Mỹ, khách chịu trả gấp ba. Nghe “gấp
ba”, chị lưỡng lự một lúc rồi quay sang người khách da đen nói một chữ Mỹ duy
nhất mà chị biết.
- OK!
Cười nhe hàm răng trắng ởn, khách lấy ví ra móc mấy tờ đô la
xanh đưa cho bà chủ. Bà nhét một tờ vào túi, còn lại đưa hết cho chị
Thìn. Chị làm tính nhẩm cộng thật nhanh những con số trên những tờ giấy
xanh xám có hình mặt mấy người da trắng. Hình ảnh mấy bộ quần áo mới cho
thằng con trai sắp tới ngày tựu trường, những tô bún tô phở thơm phức cho anh
Thìn, khuôn mặt đanh đá của bà chủ nợ hàng xóm hiện lên nhanh trong óc chị. Bà
chủ nói chị đưa khách lên phòng trên lầu, phòng đặc biệt dành cho khách sộp. Bà
nói giường đã được trải khăn mới giặt, bà còn dặn chị lấy bia trong tủ lạnh cho
khách.
Đi trước dẫn đường lên cầu thang, chị Thìn chờ những cái sờ
soạng rờ rẫm trên đùi trên mông hay giữa háng như chị thường bị bởi mấy tay
khách khác nhưng người khách da đen ngoan ngoãn im lặng đi sau. Tự nhiên
chị thấy vững tâm trong lòng dù đây là lần đầu chị đi khách nước ngoài, nhất là
một tên đen cao lớn như vầy.
Vào trong phòng, chị Thìn mở tủ lạnh lấy một lon bia đưa cho
khách. Hắn đỡ lấy, nói thank you xong nhìn quanh. Một căn phòng trông khác
những phòng ăn chơi mà hắn đã từng ra vào từ ngày đặt chân lên đất nước này hơn
hai mươi năm về trước cho đến ngày hắn về nước rồi trở lại đây mười ngày trước,
từ những phòng ngủ khang trang máy lạnh chạy rì rì suốt ngày tại các khách sạn
sang trọng trong trung tâm thành phố cho đến những căn phòng chật hẹp nhơ nhớp ẩm
thấp của các nhà thổ rẻ tiền nằm trong các ngõ hẻm tối tăm.
Hớp một ngụm bia xong, người khách bước lại giường ngồi xuống
cạnh chị Thìn. Chỉ vào ngực mình, hắn nói chậm dằn mạnh từng chữ:
- Jimmy, Jimmy. (Chỉ vào chị) Your name?
Đoán hắn hỏi tên mình, chị đáp:
- Thìn.
- What? Tin? Like Tina? Tina (gật gù đầu) I like that.
Chị thấy người khách đen cứ lầm bầm Tina Tina trong miệng
trong khi nhìn chị đăm đăm, một cái nhìn thật buồn. Chị có cảm tưởng cái
nhìn buồn bã đó đang tìm kiếm một cái gì trong mắt chị, một cái gì đó chị không
biết nhưng đoán khách có tâm sự gì không nói ra. Chị vuốt ve tay hắn, chị
không muốn thấy nét buồn bã tư lự trên mặt khách. Tự nhiên chị thấy có cảm
tình với người khách ngoại quốc da đen này từ lúc nghe hắn chào chị dưới lầu với
một giọng thật ấm. Chị thích điệu bộ dịu dàng của hắn, không sỗ sàng nham
nhở như các người khác. Hắn cầm tay chị lên. Chị ngồi yên cho hắn vuốt
ve mơn trớn. Nước da chị đen, gần đen như da hắn. Hắn chỉ vào làn da
xậm của chị rồi làn da đen bóng của hắn.
- Black, black.
Không hiểu khách nói gì nhưng chị đoán hắn nói chị và hắn da
đen như nhau. Chị cười, gật đầu. Chị biết chị đen nhưng không đen nhiều
như hắn. Chị thấy sự so sánh của người khách da đen là cái gì trẻ con và
buồn cười. Chị bật cười lên. Tiếng cười của chị làm khách cười
theo. Đến lượt hắn thấy cái cười của người đàn bà nghe ngô nghê. Hắn
thấy có gì vui vui trong lòng, một niềm vui tuy nhỏ nhưng hắn ít khi được có đã
từ lâu lắm, dễ chừng đã hai chục năm qua.
...
Hai chục năm trước, hắn hậm hực bước chân xuống phi trường
Biên Hòa để đi tour quân dịch đầu tiên, trong lòng đầy bất mãn. Cưới vợ
chưa được bao lâu, hắn bị động viên và đưa sang một cái nước nghèo nàn nửa vòng
trái đất. Sự bất mãn trong hắn vừa lên đến tột cùng thì bị thay thế bởi nỗi
đau đớn rồi chán chường khi hắn được tin người vợ trẻ bên quê nhà đã bỏ đi theo
một người đàn ông khác. Người đàn bà mà hắn đếm lịch từng ngày chờ lúc hội
ngộ để gặp lại ôm ấp đã không muốn chờ hắn. Hận đời, hắn tình nguyện làm
thêm một tour rồi thêm một tour nữa. Nếu không có lệnh rút quân thì có lẽ
hắn làm thêm vài tour nữa hoặc ở lại luôn.
Hồi hương sau sáu bảy năm xa quê, tất cả đối với hắn đều xa
lạ nhưng thái độ của đồng hương đối với những người trở về như hắn còn xa lạ
hơn. Hắn cứ kể mãi về một nơi mà họ không bao giờ muốn nghe đến nữa. Họ
chán nghe nói về một nơi đã giết mấy chục ngàn người của xứ họ mà đến ngày nay
vẫn còn chưa tìm ra hết hài cốt, một nơi trả về cho gia đình họ những cha, anh
và em mất tay mất chân hoặc mất trí. Họ muốn quên ngay đi một nơi gây phân
hoá dân tình của họ, một nơi đã cho xứ họ một chiến bại đầu tiên trong lịch sử
từ ngày lập quốc của một nước siêu cường. Họ bảo hắn quên đi dĩ vãng đen tối
đó và làm lại cuộc đời, lấy vợ sinh con, đi học lại, tìm việc làm. Hắn đã
cố làm thế nhưng làm sao được khi mà hắn không thể dứt khoát được với Việt Nam,
nơi dù hắn chỉ ở vài năm nhưng trải qua rất nhiều khiến tưởng như ở gần cả của
cuộc đời, những lần bị công đồn, những cuộc hành quân, những đợt pháo kích, những
ngày đi phép về Sài Gòn la cà các bar rượu say sưa la hét, những buổi chiều chạng
vạng ngồi trên tháp canh trên núi nhìn xuống thung lũng rừng lá xanh rì mà lòng
chùng xuống nghĩ về người vợ trẻ đã bỏ đi để đầu ấp tay gối người khác. Những
trôi nổi làm hắn cảm thấy gắn liền với giải đất khói lửa nghèo nàn đó, hòa nhập
vào những âm thanh, màu sắc, hình thái của vùng đất gần như là quê hương thứ
hai và ngược lại hắn cũng đã để những âm thanh, màu sắc, hình thái ấy thấm sâu
vào hắn, chi phối cuộc sống mà sau khi về nước hắn cố nối tiếp.
Sau những năm tháng nhắn tin rồi lùng tìm người vợ bạc tình
không thành, hắn lấy vợ một lần nữa. Tuy trong lòng còn níu giữ hình ảnh
người tình đầu với những hy vọng mong manh tìm lại được pha lẫn với nỗi căm hờn
bội bạc, hắn cố sống ổn định như những người khác. Cố gắng thế nhưng những
kỷ niệm xưa không tha hắn, chúng cứ bao chụp lấy hắn ngày lẫn đêm, cô lập hắn
ra khỏi thế giới thực tại. Bị làm tù nhân cho dĩ vãng, hắn không vùng
thoát ra được. Hắn đã kể lể cho các viên bác sĩ thần kinh của VA (Veterans
Administration). Họ cho hắn đủ loại thuốc để uống, họ khuyên nhủ hắn, họ bảo
đã có nhiều cựu quân nhân đi Việt Nam về như hắn nay tái hội nhập vào đời sống
dân sự. Hắn gật gù, nói sẽ cố gắng. Rồi người vợ thứ hai không chịu
được tình trạng thần kinh khi căng thẳng khi bạc nhược của hắn, bà chúc hắn mau
lành rồi xếp va li ra đi.
Vài năm sau, những đợt người tị nạn bắt đầu đổ vào Mỹ rồi
các chợ búa Việt mọc lên. Thấy lại những hình ảnh, nghe lại những âm thanh
quen thuộc, hắn cảm thấy như sống lại những ngày xưa. Từ ngày đó hắn cứ la
cà những khu chợ, những hội hè của người Việt hòng mong thấy lại được một ít của
những gì đã ra đi nhưng còn để lại nhiều vết thẹo sâu trong tâm khảm hắn. Hắn
nhìn những gia đình lũ lượt đi chợ, những cặp khoác tay nhau đi dạo. Hắn lóng
nghe họ nói chuyện với nhau trong cái âm thanh quen thuộc và hắn đến gần gợi
chuyện với họ nhưng trước một thân hình to lớn khổng lồ đen đúa với một nụ cười
trông đáng nghi, họ tỏ ra rụt rè e ngại rồi tìm cách thoái thác rút đi. Những
ai đứng lại nói chuyện với hắn cũng chỉ lắc đầu đáp I don’t know khi hắn đưa ra
điạ danh của những nơi hắn đã đóng quân. Không bao lâu sau, hắn kết luận
những siêu thị Việt Nam với các bãi xe Nhật đậu đầy ngập, những tiệm cho mướn
vidéo treo đèn nê-ông xanh đỏ, những hộp đêm nhạc kích động xập xình, những hội
hè với đám người ăn diện diêm dúa, những vẻ e sợ lạnh nhạt của dân tị nạn đối với
hắn cho hắn một thất vọng lớn lao, con đường thăm viếng dĩ vãng nhạt nhoè đi
như là một ảo tưởng. Hắn buồn nhưng lại cảm thấy trong lòng thôi thúc
thêm. Bây giờ đã gần năm chục và thật cô đơn, hắn muốn trở lại thăm viếng
cái giải đất có thời gần giết hắn mấy lần nhưng đồng thời gieo vào trong lòng hắn
một cảm giác dai dẳng, có khi bùng lên vào giữa đêm làm hắn giật mình thức giấc
người đầm mồ hôi miệng khô đắng.
...
Tay vẫn cầm lon bia thỉnh thoảng đưa lên miệng tay kia trong
túi quần, người khách đen đi lại cái bàn tròn có hai chiếc ghế gỗ xung
quanh trên có một ấm trà và hai cái cốc con. Hắn đi lại bàn, lưỡng lự một
lúc rồi đặt lon bia xuống, rót trà vào cốc, bưng lại chị Thìn đang ngồi trên
mép giường chờ hắn. Chị cầm lấy cái cốc nhưng không uống.
- Back at home, I always thought you liked tea.
Người khách nói mặt có vẻ hơi ngạc nhiên. Không hiểu
gì, chị Thìn cúi đầu. Khách nâng cằm chị lên, trong cái nhìn ném xuống mặt
chị bớt đi nét dịu dàng lúc nãy.
Cũng như căn phòng này, người đàn bà Việt sắp bán thân cho hắn
khác những người đàn bà con gái khác mà hắn đã từng đi trước kia, từ những đứa
con gái bán bar phấn son lòe loẹt thời hắn còn đi tour cho đến những đứa choai
choai ăn mặc hở hang táo bạo chào đón hắn trên những con đường lớn bên ngoài
các khách sạn bốn năm sao. Nhìn người đàn bà ngồi khép nép trên mé giường,
hắn thấy lại người vợ đầu tiên, người mà đã bỏ hắn để đi theo người
tình. Tina cũng có một màu da đậm như người đàn bà Việt này, không đen bóng
như hắn, chỉ xậm thôi. Hắn biết trong Tina có giòng máu Á châu vì bà ngoại
nàng từ Tàu sang. Mắt Tina tuy to hơn mắt người đàn bà Việt nhưng hai đuôi
mắt cũng hơi xếch lên, cũng cặp môi dày và mái tóc quăn tít. Buổi chiều đi
trên đồi về, hắn đã ngỡ ngàng khi thấy chị Thìn ngoài phố. Một người đàn
bà trông không giống những người đàn bà khác ở đây. Người đàn bà này da
đen gần như hắn, tóc quăn như tóc hắn. Một phụ nữ đen từ đâu lạc đến xứ
này? Nhìn kỹ hơn, hắn lại ngỡ mình thấy Tina của ngày xưa. Không ngờ
bên này bờ đại dương lại có người trông giống người vợ cũ bạc tình đến thế. Những
uẩn ức lắng đọng từ bấy lâu nay chợt bùng lên mãnh liệt. Thấy khách chăm
chú nhìn người thiếu phụ da ngăm ngăm đứng lảng vảng với một đám con gái dáng
điệu ngả ngớn trên con đường dẫn vào thị trấn, người lái xe thuê bảo anh
ta có thể dàn xếp để hắn “đi” với người đàn bà đó.
Tên đen nâng cốc trà lên môi nhắc chị Thìn cùng uống với hắn. Chị
chỉ mỉm cười uống một ngụm nhỏ chiều khách. Hắn vòng tay qua vai chị, kéo
chị sát vào để đầu chị tựa lên vai. Qua cái vòng tay siết ấy, chị cảm thấy
một tấm thân rắn chắc sau làn vải sơ mi. Nhìn thân thể cao lớn của tên
đen, chị Thìn đâm lo, chị không biết lát nữa sẽ có những đau đớn dằn vặt thể
xác nào không. Chị muốn tất cả qua nhanh cho xong. Chị chỉ vào áo hắn
ra dấu cởi. Hắn cau mày nói- Can we talk first? xong móc ví lấy một tấm
ảnh màu đã cũ có vài vết hoen ố đưa cho chị xem. Đặt tấm hình vào tay chị,
hắn chỉ người đàn bà da đen trong ảnh.
- Tina, Tina.
Chị Thìn thấy người đàn bà da đen trong hình có vài nét giống
chị, tự nhiên chị đưa tay lên vuốt mái tóc quăn của mình.
- Yes, yes! Same hair, same smile!
Lật ngửa tấm hình lên, hắn chỉ vào giòng chữ mực xanh nguyệch
ngoạc trên mặt sau.
- 1967.
Cầm hình lại gần hơn, chị Thìn chỉ vào người trong hình xong
chỉ hắn. Chị thấy một nụ cười buồn cay đắng trên môi tên đen. Chị
đoán có lẽ hai người không còn với nhau, có lẽ người đàn bà đen chết đã lâu bỏ
hắn một mình trên cõi đời. Chị chợt thấy buồn, buồn cho người khách và cho
thân phận chị. Chị có chồng mà cũng như không. Chị cố dằn nỗi tủi
thân của mình xuống. Nơi đây không phải là chỗ để phơi bày tình cảm. Chị
biết việc mình phải làm. Chị cúi mặt cởi khuy áo. Tên đen nhìn những
ngón tay đẩy những cái khuy ra khỏi khuyết, hai vạt áo hồng nhạt từ từ hé mở. Hắn
chợt thở dài đứng lên đi lại cửa sổ nhìn xuống những con đường bên dưới, miệng
nói bâng quơ:
- It’s getting dark.
Thành phố lúc này như một con quỷ dạ xoa hồi sinh khi ánh mặt
trời chết dần. Tiếng kèn xe, tiếng người từ xa vọng đến. Căn nhà lầu
hai tầng hắn đang ở trong nằm khuất gần cuối một con đường cụt xa hẳn những ồn
ào náo nhiệt của những con đường lớn của cái thị trấn mà cách đó không xa vào
hai mươi năm trước vào một buổi chiều trời chạng vạng tối cũng như buổi chiều
hôm nay, đồn hắn đã bị tấn công sau hơn một tuần bị bao vây. Hắn và đồng đội
tử thủ trong đồn tưởng sẽ chết tan thây nếu không dưới những đợt pháo kích cầy
nát từng thước vuông đất trong chu vi đồn thì bị bằm thây dưới những lưỡi mã tấu
đen đủi hươi cao hay những mũi lưỡi lê bóng loáng chĩa thẳng. Hắn lắc đầu
cố xua đuổi những di ảnh khủng khiếp. Hắn đã làm như thế mỗi ngày trong
hai mươi năm qua nhưng hình như càng làm thì các hình ảnh đó càng mọc thêm rễ
bám sâu vào óc hắn rồi một hôm một bác sĩ thần kinh của VA đưa cho hắn xem những
bài báo nói về những chuyến đi Việt Nam của các cựu quân nhân Mỹ đã từng đi
tours bên đó. Tuy người bác sĩ không nói ra, hắn nghĩ có lẽ ông ta khuyên
hắn nên đi một chuyến để trục cái con ma Việt Nam ra khỏi đầu óc hắn. Hắn
cố liên lạc lại với các đồng đội cũ để rủ đi nhưng chỉ tìm được một vài người rồi
còn bị họ mắng là đã đem cơn ác mộng trở lại cho họ. Rốt cuộc hắn bỏ việc,
xin chiếu khán rồi khăn gói đi một mình.
Dù đã chuẩn bị tinh thần trước, đến thủ đô cũ nỗi hồi hộp bất
ổn trong lòng hắn tăng lên cao. Hy vọng tìm lại những dấu vết của thời xưa
có lẽ chỉ là một ảo tưởng? Hắn nằm liệt trong phòng khách sạn hai ngày đầu
không dám đặt chân ra ngoài, chỉ gọi nhân viên đem thức ăn lên phòng. Sáng
ngày thứ ba hắn lò mò xuống dưới nói chuyện với viên quản lý. Hắn nói vào
tai viên quản lý cái địa danh nơi hắn muốn đến. Ông này nói sẽ tìm cho hắn
một người lái xe đưa về thị trấn gần nơi khi xưa hắn đóng đồn chặn đường mòn đi
B của bộ đội Bắc Việt. Hôm sau người ta tìm được một người lái xe cho hắn
và hôm qua hắn trở lại cái đồi mà hắn và các bạn trong đơn vị đặt tên là
Tommy’s Hill để tưởng niệm người đồng đội đầu tiên tử trận tại đó.
Xe mới đến chân đồi hắn ngỡ ngàng khi thấy những bãi đất trống
bao bọc xung quanh đồn trước kia căng đầy những lớp hàng rào kẽm gai bây giờ là
một công viên với những hàng cây trồng thẳng tắp và các vườn hoa đủ màu sặc sỡ. Con
đường đi lên đồn thường lầy lội trong những tháng mưa dầm dề được nới rộng và
thay thế bằng những bậc thang cấp xi-măng tươm tất. Leo những bậc thang
lên đến trên, hắn thấy cả một đỉnh đồi đã hoàn toàn lột xác. Những hình ảnh
mà hắn giữ sâu trong tâm khảm hai mươi năm qua chờ lúc được thấy lại trong khoảnh
khắc đã biến đi đâu hết. Tất cả đó bây giờ là một khu chợ trông như mới
xây lên. Như một người điên, hắn ôm đầu đi tới đi lui cố tìm lại một vài
cái gì khả dĩ trông quen thuộc nhưng hắn thất vọng. Không còn những lô cốt
với những ngọn đèn pha sáng rực, những giao thông hào hố cá nhân với những bao
cát đắp xung quanh, đồn chỉ huy với mái tôn lỗ chỗ lỗ đạn. Thay vào đó là
những cửa tiệm nho nhỏ xinh xắn, những quán ăn người ta ra vào tấp nập, những
bích chương quảng cáo sặc sỡ mầu. Những tiếng cười nói gọi nhau của người
người xung quang pha lẫn trong tiếng nhạc vọng đến nghe không giống như tiếng
kèn đồng thúc quân của địch vây quanh đồn hay tiếng đạn đại pháo rít lên trong
màn đêm kéo căng bộ não hắn chỉ một tích tắc trước khi tiếng đổ ầm như muốn làm
nổ tung bộ óc. Mùi thịt nướng, mùi thức ăn từ các quan ăn quá thơm so với
mùi thuốc súng nồng nặc mùi da thịt người cháy khen khét. Khác hết, mất hết!
- What happened to the base here, the American base? Hắn
lắp bắp hỏi.
- Don’t know ... but twenty years already, người lái xe đáp.
- Twenty years, twenty years, hắn lẩm bẩm đi lẩm bẩm lại
trong miệng.
Hai mươi năm rồi còn gì! Cái gì cũng thay đổi theo thời
gian ngoại trừ hắn.
Hắn hỏi người lái xe đã có ai như hắn trở lại đây tìm cái đồn
cũ. Anh ta lắc đầu đáp don’t know. Những đồng đội của hắn bây giờ đã
phiêu bạt nơi nào, đã có ai đã gột rửa được ra khỏi đầu óc những hình ảnh kinh
hồn của những ngày tháng khói lửa ở đây để tái hội nhập đời sống dân sự bình
thường, hay là họ đã vào dưỡng trí viện cả hoặc sống một cuộc đời vất vưởng
không gia đình không nhà cửa lây lất trên các vỉa hè tay ngửa xin tiền tay kia
cầm lon bia. Chỉ có một mình hắn trở lại nơi này, ngỡ ngàng đứng trên đồi
cố tìm lại những gì còn lại để chắp nối với những mảnh vụn trí nhớ. Để làm
gì? Hắn không biết nữa.
- No more war!
Tiếng người lái xe nghe như tiếng vọng lại từ xa.
- No more war!
Hắn lập lại câu đó mà thấy tiếng mình nghe cũng như từ đâu vọng
lại.
...
- Dim-my.
Tiếng gọi nhẹ nhàng sau lưng lôi người khách đen trở về thực
tại. Trong ánh sáng vàng vọt hắt xuống từ hai ngọn đèn cao có chân đứng
hai bên đầu giường, chị Thìn vẫn ngồi trên mép giường chờ đợi, toàn thân lõa lồ
với những đường cong thanh tú nổi hằn trên làn da nâu xẫm như thỏi kẹo
xô-cô-la. Khách bước lại gần hơn để chiêm ngưỡng tấm thân nhỏ nhắn ấy. Tina
của hắn ngày xưa cũng nhỏ nhắn như vầy, cũng nước da nâu xẫm mịn màng không một
tì vết gì từ đầu xuống chân. Hắn vuốt má chị Thìn rồi cái nhìn ngây dại đi
theo hai bàn tay xuống đôi vai tròn trĩnh, cái hông thon, cặp mông tròn và chắc.
- Tina, you still look beautiful.
Dưới cái nhìn của người khách như khám xét từng phân da thịt
mình, chị Thìn ngượng chín người. Chị vẫn còn mắc cở mỗi khi trần truồng
trước mặt đàn ông còn mặc quần áo. Thật trơ trẽn! Chị chỉ vào chiếc
áo trên người khách đen một lần nữa. Lần này hắn không phản kháng, cởi áo
vắt lên thành ghế. Một tấm thân lực sĩ như pho tượng đồng đen dần hiện ra
trước mắt chị với những bắp thịt tay, bụng, vai và ngực. Nhìn tấm thân lực
sĩ ấy mà chị Thìn thấy trong lòng dấy lên một nỗi buồn. Anh Thìn, chồng chị,
trước kia cũng có một thân hình đẹp như vậy. Mỗi chiều anh đi làm từ công
trường về, chị thích nhìn anh cởi quần áo đi tắm trước khi ăn cơm tối. Nhìn
bắp thịt cuồn cuộn trên ngực trên lưng anh, chị thầm cám ơn Trời Phật. Không
học thức, chồng chị chỉ có những bắp thịt đó để đem cơm ăn áo mặc cho chị và đứa
con trai đầu lòng, bảo đảm một cuộc sống nghèo nhưng ổn định và hạnh
phúc. Chị cũng không quên những bắp thịt săn chắc đó trong những nửa đêm
chị bị đánh thức dậy để rồi sau đó phải bậm môi để không buông ra những tiếng
rên rỉ khoái lạc, những móng tay bấu vào tấm lưng bắp thịt cứng như sắt nguội của
chồng cào sướt da đến rịn máu, những buổi sáng sớm khi những tia mặt trời ban
mai còn yếu ớt chị trườn người lên xuống trên bụng anh Thìn. Không thể
quên được những kỷ niệm trước đây nhưng càng nhớ lại càng thấy sót sa.
Cái quần dài tụt xuống, tên đen cởi ra treo lên cái mắc trên
tường. Một cái xẹo dài cả gang tay nổi trên làn da đùi đen bóng. Chị
Thìn chăm chú nhìn, chị vuốt ve cái sẹo dài đó.
- Oh, just a small cut from a shrapnel!
Cười nhe hàm răng trắng, người khách làm vài động tác thể dục
chân đứng lên ngồi xuống cho thấy vết thương chiến trận không thấm tháp
gì. Cái cắt của miểng đạn khá sâu. Hắn còn nhớ cái miểng cạnh bén như
lưỡi dao lam cắm vào đùi, nhưng nó không sâu và không đau hơn nhát chém hư vô của
những giòng chữ trong lá thơ hắn nhận được tháng trước. Lá thơ vỏn vẹn mấy
giòng nhưng hắn cứ mở ra đọc, đọc xong lại nhét vào túi rồi lại móc ra đọc nữa
như là không tin vào những gì mắt mình đọc trong thơ. Nỗi đau từ nhát chém
hư vô quá đau, nó át đi cái đau khi người y sĩ lôi mảnh đạn từ trong thịt ra mà
không dùng thuốc tê.
Nhìn cái xẹo trên bắp chân tên đen, chị Thìn thấy nó đẹp, chị
thèm có nó, không phải cho chị mà cho anh Thìn. Nếu chỉ bị một cái xẹo như
vậy thì đâu đến nỗi nhưng hình như Trời Phật đã tìm thấy một lỗi lầm to lớn nào
đó trong kiếp trước của vợ chồng chị nên quyết định phạt kiếp này. Chiếc
xe cần trục khổng lồ của cơ quan công trường một hôm không biết làm sao đổ xuống
đè lên anh Thìn. Khi được đưa vào nhà thương thì đã quá trễ, bác sĩ bảo họ
phải cưa đi đôi chân bị đè nát của anh trên đầu gối. Nhìn chồng nằm thoi
thóp trên giường bệnh, chăn phủ nửa người dưới xẹp lép, chị Thìn bặm môi để khỏi
bật lên những tiếng nấc trong khi những giọt nước mắt lăn trên má rơi xuống ướt
đẫm áo. Chị biết từ lúc đó trở đi, chị và anh sẽ mất mát đi rất nhiều. Anh
Thìn chồng chị giờ là kẻ tàn phế, suốt ngày nằm liệt giường vì vừa thiếu chân
và vì thiếu chí. Chẳng bao lâu, tấm thân cường tráng ấy trở thành một bộ
xương khẳng khiu vô dụng. Suốt ngày anh chỉ nằm một chỗ với tấm chăn mỏng
đắp ngang người để che dấu một thực tế đau lòng. Đang là người kiếm cơm gạo
nuôi gia đình, anh trở thành kẻ ăn bám, một gánh nặng cho người vợ trẻ. Như
anh, chị Thìn không có học, không như anh, chị không có tay nghề và sức lực. Tiền
dành dụm chẳng mấy chốc hết sạch, tiền nợ chồng chất. Cả hai không còn gia
đình thân nhân để cầu xin. Rồi một ngày chị gặp một người bạn cũ khi xưa ở
cùng quê với chị sau lên thành phố tìm việc làm để khả quan kinh tế. Chị kể
lại cho cô bạn cũ về nỗi khổ gia đình. Cô bạn bây giờ trông gần như lột xác dù
trên mặt trên người vẫn còn vài nét quê mùa. Nhìn cách trang điểm son phấn
và áo quần diêm dúa của bạn, chị Thìn đoán được bạn mình đã dấn thân vào con đường
tội lỗi bán thân nuôi miệng và chị cũng đoán bạn mình sẽ rủ rê mình đi cùng đường. Trong
hoàn cảnh bế tắc của chị, còn lựa chọn nào khác.
Không như cái đau đớn thể xác của chồng, nỗi đau đớn mà chị
chịu đựng những vuốt ve những nắn bóp những vùi dập những ô uế và cảm giác kinh
tởm lẫn tủi thân không khác gì một lưỡi bén cứa tới lui thật chậm trên da thịt. Chị
phải chịu đau với cái lưỡi bén đó đã bao tháng qua để nuôi thân, nuôi người chồng
tàn phế và đứa con thơ. Chị phải khắc phục nỗi đau cắt da cắt thịt của cái
lưỡi bén ấy. Sau nhiều lần đi khách, cái lưỡi bén dần dà bị những lưỡi dũa
trườn lên trườn xuống trên bụng chị trên lưng chị dũa mòn đi để sau cùng nó chỉ
còn là một khúc sắt nguội, nó không còn cho chị một cảm giác gì mỗi lần đi với
khách.
...
Bế xốc chị Thìn trên tay, tên đen đưa chị lên giường. Trong
vòng tay chắc nịch của người khách, chị tựa đầu lên bộ ngực rắn chắc. Quàng
tay qua cổ hắn, chị ghì chặt hơn. Hắn thì thầm vào tai chị.
- Oh, Tina! I still love you!
Rồi hai thân thể ép chặt vào nhau, đi vào nhau, những ngón
tay bấu vào lưng nhau, hai cặp chân cuốn vào nhau như thời anh Thìn hãy còn
chân. Chị nhắm mắt để đôi bàn tay của người khách da đen xoa dịu những nỗi
đau đớn trên da thịt chị, đôi môi đánh thức những cảm xúc trên từng thớ thịt chị,
những lời nói nghe lạ tai vỗ về những tức tưởi trong thâm tâm chị. Những cảm
xúc xác thịt mà chị tưởng đã chết từ ngày vào căn nhà này đang được hồi sinh và
đòi tự do bung ra, chị để chúng chan hoà khắp thân mình. Dưới tấm thân to
lớn lực lưỡng ấy, chị không cảm thấy bị đè nén hay như bị cưỡng ép. Hai
tay chị không buông xuôi hai bên hờ hững như mọi lần, những móng tay bấu vào da
thịt trên tấm lưng đẫm mồ hôi, hai chân chị bắt chéo quặp xung quanh hông người
khách, chị muốn ép tấm thân ấy sát vào mình hơn,sâu trong mình hơn. Người
khách da đen trên người chị Thìn đáp ứng cuồng nhiệt hơn. Hắn thủ thỉ vào
tai chị những lời hắn chờ hai mươi năm qua để có dịp nói cho người vợ bạc
tình. Hai cánh tay vạm vỡ ôm vòng sau lưng chị siết chặt lại, chặt như con
trăn nước siết một con mồi vùng vẫy trong tuyệt vọng rồi yếu đi, hắt ra những
hơi thở cuối cùng.
...
Tấm màn vải cửa sổ bay nhẹ trong ngọn gió chiều lùa vào
phòng. Ngọn gió bay trở ra ngoài, tấm màn rũ xuống, lịm đi. Tất cả
ngưng đọng bên này bức tường. Hai thân thể trần truồng bất động như hai
pho tượng. Người khách da đen ngồi trên mép giường, đầu vùi trong hai bàn
tay. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng đen bóng loáng. Những bắp thịt
chỉ mới cứng săn lên vài phút trước giờ mềm nhũn ra sau giây phút cực điểm ngắn
ngủi. Tất cả những gì chứa chất dồn nén trong hắn từ hai mươi năm qua đã
túa ra hết, túa ra hết trên tấm thân bất động của chị Thìn nằm đó trên giường,
hai tay đã buông xuôi hai bên, hững hờ, không còn nồng nhiệt. Những uẩn ức
trong hắn túa ra hết, không còn gì ở trong kéo căng những tế bào trong bắp thịt,
những sợi thần kinh trong não. Tất cả chùng xuống, thư thản. Hai bàn
tay hắn rớt xuống đùi. Năm đầu ngón tay vuốt ve vết sẹo. Cái cạnh của
miếng thép thật bén, bén như nhát chém gói ghém trong lá thơ từ nhà gởi
sang. Lá thơ đó cũng như cái miểng đạn súng cối cạnh bén hắn còn giữ ở
nhà, miểng đạn giữ làm kỷ niệm nhưng lá thơ không biết để làm gì nếu không phải
lúc nào cũng nhắc hắn về mối hận xa xưa.
- I am sorry, Tina, you know I still love you.
Miệng lầm bầm, người khách da đen quay lại đưa tay vuốt lên
đôi mắt chị Thìn. Hai mí mắt xụp xuống. Trông chị như đang ngủ một giấc
thật bình thản, không còn lo nghĩ gì về chồng và đứa con trai đang chờ ở
nhà.