25 January 2025

MƠ MỘT TẾT NÀO - Tiểu Lục Thần Phong

Trời lạnh căm căm, cây cối trơ trụi lá cành, những bộ xương khẳng khiu khô đét cắm khắp đất trời. Không khí sôi động đã lắng xuống khi mà cao trào mua sắm quà tặng cho lễ giáng sinh đã qua đi. Cuộc sống con người xứ này lại bắt đầu vòng quay mới. Riêng với người Việt và vài sắc dân Á Đông khác thì bây giờ lại bắt đầu một cao trào khác. Những khu shopping Asian tưng bừng nhộn nhịp cực độ. Người các tiểu bang xa kéo về sắm sanh thực phẩm, bánh mứt, sản phẩm truyền thống… để chuẩn bị cho cái tết âm lịch. Chợ búa, tiệm tùng ê hề hàng hóa, phẩm vật nhập từ Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc không thiếu thứ gì. Nơi nơi bày ra bao lì xì, những tấm giấy chữ Tàu, hoa giả… đỏ với vàng rực rỡ.

Chủ Nhật, Hạo Nhiên chở vợ và con gái đi chợ Hồng Kông để mua sắm đồ tết. Tuy là ở hải ngoại đã ba mươi năm nhưng chất Việt vẫn chưa phai nhòa. Ngày tết trong nhà dù gì cũng có chậu hoa cúc, hộp bánh mứt Việt và dĩ nhiên không thể thiếu hoa quả dâng cúng trên bàn thờ Phật. Hạo Nhiên nhắc vợ:

– Mua thì mua nhưng đừng có phóng tay quá nha em, năm nào cũng dư thừa quá trời, cuối cùng phải bỏ thùng rác.

Mỵ Hoa cười cười:

– Cả năm mới có tết một lần mà anh.

– Em đừng quên là mình vừa chơi xong lễ giáng sinh và tết Tây à nha!

– Em biết, nhưng tết ta xưa nay vốn vậy mà! Có xởi lởi thì mới làm ăn phát đạt. Anh hổng nghe người ta nói: “Xởi lởi trời cởi cho, so đo trời bo lại”

– Người ta nói xàm, xởi lởi ý là không phải sống trùm sò keo kiệt, khác với việc phóng tay mua phung phí.

Nói thì nói vậy thôi chứ Hạo Nhiên biết tánh vợ xưa nay là thế, mà nào chỉ riêng Mỵ Hoa, hầu như các bà vợ Á Đông đều giống nhau hết ráo. Hễ vào chợ rồi thì cứ như cá ra sông rồng lên mây, tha hồ nhìn ngắm, lựa chọn, mua búa xua, mua quá tay luôn. Nhà chỉ có ba người, ngoài hai vợ chồng ra thì con bé Hoàng Hoa có ăn gì bao nhiêu, mỗi bữa èo uột không hết lưng chén cơm, vả lại nó chỉ thích đồ ăn Mỹ chứ không thích đồ ăn Việt, vậy mà Mỵ Hoa cứ mua như thể cho cả mười người ăn không bằng. Tội nghiệp cho cái tủ lạnh, chất đồ nghẹt luôn, không còn khoảng trống để cho hơi lạnh tỏa ra.
Ngày thường đã thế, vào ngày tết thì càng không phải nói nữa, Mỵ Hoa mua quá trời quá đất, khiến Hạo Nhiên không khỏi cằn nhằn. Hạo Nhiên bảo Mỵ Hoa tiết chế bớt, để dành tiền sang năm về Việt Nam ăn tết.
– Em ơi, sang năm về Việt Nam ăn tết!

– Tết ở đây cũng đầy đủ chứ có thiếu thứ gì đâu mà phải về Việt Nam?
– Ừ thì vật chất đầy đủ nhưng vẫn không có được cái không khí tết như ở quê

– Anh khéo mơ mộng lãng mạn, về bển phiền phức tốn kém lắm! Bước vô cửa hải quan gặp ngay những bộ mặt hình sự là mệt rồi, rồi bao nhiêu thứ rắc rối khác, rồi quà cáp biếu xén, lì xì… có mà chết!

– Thiên hạ người ta về tết quá trời kìa, mỗi năm về một đông hơn, ai cũng vậy!

– Em không muốn đi

Chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn những năm 60. Ảnh tư liệu. 

Đã nhiều lần nói nhưng không thuyết phục được Mỵ Hoa nên Hạo Nhiên cũng buông luôn. Chuyện đi về với người ta sao dễ dàng như vậy mà với Hạo Nhiên thì đầy khó khăn trắc trở. Mấy mươi năm rồi chưa lần nào về ăn tết ở quê hương. Hình bóng và âm thanh tết cổ truyền vẫn lung linh trong tâm tưởng Hạo Nhiên. Ngày tết đi chúc tết ông bà, cha mẹ, thăm viếng họ hàng, đi chơi với bạn bè. Những ngày tháng chạp vui ơi là vui, đi coi hội hoa xuân, được chơi bầu cua cá cọp và lô tô trước tết… Những ngày tết ai cũng mặc áo mới, ai cũng vui vẻ và toàn nói lời tốt đẹp. Ngay cả những người có xích mích nhau họ cũng nhịn nhau trogn ngày tết. Tết ngày xưa pháo nổ dàn trời, kỷ niệm đêm giao thừa không thể nào phai nhạt dù có trải qua tháng năm dài. Pháo đêm giao thừa tưng bừng khắp đất trời, mùi thuốc pháo, khói pháo xông nồng nặc nhưng thích làm sao, chỉ tội cho bọn chó mèo sợ kinh hoàng trốn chi trốn nhủi. Buổi cúng giao thừa sao àm thiêng liêng và ấm cúng lạ thường, Hạo Nhiên và nhiều người cũng nói là dường như có sự giao cảm giữa con người với trời đất thiên nhiên, có sự gắn kết giữa con cháu với tổ tiên quá vãng. Sự rung cảm trong thời khắc giao thừa thật khó mà dùng ngôn từ để diễn tả. Sau mấy mươi năm, thời thế thay đổi, con người thay đổi, vận hội khác xưa. Giao thừa và tết không còn tiếng pháo, bánh mức truyền thống cũng mai một dần đi, thay vào đó là những thứ tân thời hơn, Tuy nhiên cái hồn cốt tết dân tộc thì không thể xóa nhòa.

Đường hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Tết Nguyên Đán 2016.

Hạo Nhiên nhớ lắm, muốn đi nhưng Mỵ Hoa không chịu đi. Dù đã ba mươi năm xa quê nhưng hình bóng quê nhà luôn hiện hữu trong tâm trí Hạo Nhiên, những quãng thời gian cuối năm càng làm cho nỗi nhớ thêm khắc khoải. Nghe những bài hát “Xuân này con không về”, “Mùa xuân đó có em”… càng làm cho trái tim Hạo Nhiên ray rức, bồi hồi. Hạo Nhiên cố tình mở những bài hát này khi có mặt Mỵ Hoa như nhắn nhủ và cũng để khêu gợi cảm xúc trong trái tim cô ấy, nào ngờ Mỵ Hoa không có một tí rung động nào, ngược lại cô ấy còn cười chê:

– Mấy bản nhạc Bolero sến súa muốn chảy nước, nhạc gì nghe chán thấy mồ!

Nghe thế, Hạo Nhiên hoàn toàn tin chắc rằng mình và Mỵ Hoa là cả một sự mâu thuẫn đối lập, không hiểu tiền duyên gì mà lại gặp nhau để kết nên vợ chồng. 

Ông đồ viết chữ lên giấy dó trong Tết Mậu Tý 2008.

Gói bánh tét chuẩn bị cho ngày Tết

Mỵ Hoa và người nhà Mỵ Hoa hình như ai cũng có trái tim đúc bằng thép, cả gia đình cô ấy ở bên này và không một người nào có chút gì quyến luyến hay thương nhớ gì về Việt Nam, chẳng chút nhớ nhung hay lưu luyến kỷ niệm gì với Việt Nam. Họ không về Việt Nam chẳng phải vì lý tưởng tự do dân chủ. Họ nào có quan tâm gì đến vấn đề quốc sự nhân quyền. Với họ, Việt Nam như một xứ sở xa xôi lạc hậu nào đó không có liên hệ gì với họ. Trong tư tưởng họ định kiến kiên cố hình ảnh một Việt Nam thời đói nghèo của những năm sau bảy lăm. Thực tế thì xã hội ngày nay đã khác lắm rồi. Kinh tế đã khá cởi mở, đời sống nâng cao hơn, tầng lớp trung lưu đã hình thành… tuy nhiên về mặt dân chủ hay những vấn đề nhân quyền hay văn hóa xã hội thì chưa có gì hay ho. Người nhà Mỵ Hoa đóng khung cái nhìn về Việt Nam hết sức tiêu cực, mọi thứ đã thay đổi nhưng định kiến trong tâm họ không làm sao thay đổi được. Bọn họ ngày ngày đi cày, tối về ăn ngủ, tiền đều đều vô nhà băng là hạnh phúc lắm rồi. Bọn họ không có chút tình gì với con người hay quê hương, dĩ nhiên họ cũng chẳng quan tâm gì đến những hoạt động văn hóa vì cộng đồng dù là ở sở tại hay trong nước. Bọn họ sống quá đơn giản và thực dụng, chỉ hạn hẹp ở bản thân và cái gia đình nhỏ của họ mà thôi. Đời sống của bọn họ thật đáng thương hại thay, chỉ biết có làm kiếm tiền rồi ăn cho thật nhiều, mua quần áo vật chất này nọ… quanh năm chỉ có mỗi một lộ trình là từ nhà đến nơi làm thế thôi! Họ sống thuần xác thân, không có một chút mảy may nào mặt tinh thần, không biết gì đến vui thú nghệ thuât, thẩm mỹ… ngay cả du lịch họ cũng cho là vô bổ tốn tiền. Họ như gà vit, sáng ra khỏi chuồng đi kiếm ăn rồi tối vô lại chuồng, ngoài việc kiếm tiền và ăn ra hầu như họ chẳng có như cầu gì khác; ngay cả vấn đề tâm linh như: Phật, Chúa, chùa chiền, nhà thờ… họ cũng không quan tâm, chẳng hề ủng hộ dù một xu. Đành rằng mỗi người có nhận thức và cách sống khác nhau nhưng với những người như thế không thể nào không khiến cho Hạo Nhiên coi thường. Hạo Nhiên tự hiểu là mình không có quyền nhận xét hay đánh giá ai nhưng chung đụng với những người như thế thật chẳng thích chút nào. Hạo Nhiên vẫn giao tiếp bình thường với bọn họ nhưng hoàn toàn không muốn gặp. Có gặp thì cũng chỉ là phép tắc xã giao cho có lệ trong một quãng thời gian ngắn của những buổi lễ cuối năm. 

Có lần Hạo Nhiên kêu gọi mọi người gom góp chút tiền gởi về Việt Nam làm quà cho những người nghèo khổ, ốm đau, bất hạnh. Thằng KeVin, anh của Mỵ Hoa nói:

– Thằng Hạo Nhiên thích làm chuyện bao đồng, mình ở đây thì biết ở đây là đủ rồi, hơi đâu gởi tiền Về Việt Nam làm từ thiện. Tụi nó xà xẻo hết chứ đến được tay người nhận bao nhiêu.

– Ừ, thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

– Tụi làm từ thiện nhiều đứa xạo dã man, ăn quỵt, ăn chặn, toàn phát mớ mỳ gói để quay phim, chụp hình làm màu.

– Ừ thì cũng có người nầy người khác, kẻ tốt người xấu nhưng không thể vơ đũa cả nắm như thế!

Lẽ ra Hạo Nhiên không đối đáp làm gì nhưng vì không khí im lặng nặng nề nên Hạo Nhiên mới lên tiếng để có chuyện mà nói. Thông thường Hạo Nhiên chỉ chơi đùa với mấy đứa cháu chứ chẳng thèm góp chuyện với tụi anh em vợ. Giữa bọn họ và Hạo Nhiên khác nhau quá làm sao nói chuyện chung được. Đôi khi hạo Nhiên cũng nghĩ thầm: “Sống như bọn họ vậy mà sướng, chẳng bận tậm lo nghĩ gì, không lo lắng chuyện bao đồng, chỉ có mỗi làm, ăn và hưởng thụ thế mà sướng cái thân, nhẹ cái tâm, mặc dù cái tâm mờ mịt và tầm thường”.

**

Chợ Hồng Kông đông như phiên chợ tết Việt Nam ngày xưa. Người chen lấn đẩy xe kẹt cả các lối đi, nghẽn tại các quầy tính tiền. Những chiếc xe trong chợ chất đầy hàng hóa và thực phẩm, tiếng gọi nhau í ới ồn ào. Có nhiều người dùng điện thoại thông minh để live stream oang oang giới thiệu quảng cáo cho người bên kia đầu dây nhìn, nghe. Không khí tết tràn ngập khu Asian Square, những tiệm ở đây đã sẵn sàng nhiều phong pháo dài hàng trăm thước chuẩn bị đốt vào sáng mồng một tết ta. Nhìn quang cảnh chợ tết khiến lòng Hạo Nhiên nao nao vô cùng. Ký ức tết ngày xưa cứ lung linh trong tâm tưởng. Hạo Nhiên mơ có một ngày được về Việt Nam ăn tết nhưng chưa làm được. 

Năm nào người Việt cũng kéo về quê ăn tết đông đảo, mỗi năm con số người về tết lại tăng thêm. Hạo Nhiên mấy lần nói với vợ nhưng cô ấy luôn bác bỏ. Hạo Nhiên biết không thể nào khơi gợi ký ức kỷ niệm quê hương trong tâm trí cô ấy. Đôi khi Hạo Nhiên cười thầm một mình: “Mình duy tình, vợ mình duy lý, sao tréo ngoe vậy ta”? 

Nhớ tết, tự dưng Hạo Nhiên thấy lòng nao nao dễ sợ. Ước gì giờ này lái xe máy chạy lòng vòng khắp phố phường Sài Gòn. Hạo Nhiên nhớ những ngày xưa cứ lái xe giữa đêm khuya đi qua những con đường vắng vẻ dưới ánh đèn vàng vọt, có khi bù khú với bạn bè nơi quán cóc vỉa hè, nhậu quán bình dân vậy mà vui. Đời sống tuy nghèo nhưng tình cảm rất tràn đầy, bạn bè thân thiết kề vai bá cổ giỡn như con nít, nói xàm quá trời luôn. Hạo Nhiên cũng là một cây ngồi đồng ở các quán cà phê, làm gì thì làm, ngày nào cũng phải ra quán làm ly cà phê, hổng có thấy thiếu thiếu trong tâm hồn. Đã mấy mươi năm rồi mà ký ức không thể xóa nhòa, vẫn nhớ, vẫn thèm cái cảm giác chở con ghệ đi ăn khuya, ẻm ngồi sau lưng ôm chặt eo, hai đứa vi vu dưới trời đêm của thành đô.
Ở hải ngoại văn minh, tân tiến một bước là lên xe, nắng không dính da, mưa không ướt tóc. Sướng thì sướng thật nhưng Hạo Nhiên không sao quên được kỷ niệm ngày xưa, cái cảm giác lâng lâng khi chở con ghệ đi dưới mưa, ẻm dở áo chui vào áp sát lưng, thấy cả một trời thương nhớ. Những hôm ngồi ở nhà hàng Intermezzo sang trọng, quý phái, lịch lãm và phong cách nghệ thuật rất cao vẫn cảm thấy thiêu thiếu. Hạo Nhiên thèm một chút ồn ào, xô bồ nơi quán cóc vỉa hè, thèm tiếng hò dô dô của bạn nhậu. Ngày thường thì đời sống bận rộn mưu sinh chẳng có thời gian để ngồi mơ mộng, chỉ có những lúc như bây giờ, khi cái tết gần kề, khi ngồi chờ vợ đi chợ thì ký ức cũ trỗi dậy như những cơn sóng trong tâm.

Nhớ tết Việt Nam, nhớ quê. Hạo Nhiên ngồi một mình với ly cà phê nhìn người tấp nập ở khu châu Á. Lác đác những tà áo dài khoe sắc xuân sớm đó đây. Hạo Nhiên thích nhìn những tà áo dài tha thướt, không ít lần khẽ nói: “đẹp lắm, dịu dàng biết bao”. Những tà áo dài cứ như đàn bướm tung tăng khắp vườn hoa. Thấy áo dài xuất hiện ở những khu Á Đông là biết xuân về, là thấy sắc xuân hiển hiện, thấy hồn dân tộc thân thương, và thấy cả hình ảnh những ông đồ của một thời xa vắng. Hạo Nhiên rất kỵ áo dài cách tân, không phải cứ cách tân là mới là hay, có những cái cách tân chỉ đem lại hư hỏng hoặc là tệ hơn cả cái cũ. Cách tân áo dài là một minh chứng đây, áo dài cách tân ngắn cũn cỡn, nhỏ xíu, bó chẹt lấy cái thân làm cho da thịt đùn ra trông thô kệch quá. Những người mặc áo dài cách tân bó cứng như khúc giò lụa. Áo dài cách tân phá hỏng nét đẹp thướt tha của áo dài truyền thống, ấy vậy mà bây giờ nó lại là thời trang, người người đua theo, cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ, biết làm sao được, khi thời thế nó thế!

Hạo Nhiên mơ một lần về quê ăn tết. Hạo Nhiên sẽ đi từ Nam ra Bắc, sẽ về những vùng quê thăm thú ruộng đồng, những xóm làng ngày xưa, sẽ lên thượng du để cảm nhận cái không khí xuân của đất trời cao rộng. Hạo Nhiên sẽ nhặt cánh hoa đào, ngửi mùi hương mai vàng, sẽ thăm hết những người thân quen, sẽ chào nói với người xa lạ, sẽ cười với bất kỳ ai gặp gỡ trên đường xuân. Hạo Nhiên biết rằng quê hương giờ không còn tiếng pháo, không có xác pháo hồng, đó là một sự mất mát to lớn của không khí ngày tết, một sự hư hoại của hình dáng xuân. Âu cũng là lẽ vô thường, vô thường luôn thay đổi, thay đổi không ngừng nghỉ, thay đổi trong từng phút giây. Biết đâu một ngày nào đó Hạo nhiên về ăn tết quê hương mà sự cai trị độc tài không còn nữa, lệnh cấm pháo dỡ bỏ, những chính sách hà khắc dẹp hết, khi ấy thì pháo xuân lại nổ giòn dã, tết lại tưng bừng với pháo đỏ, rực rỡ với mai vàng.

**

Chuông điện thoại reo vang, mở máy thì nghe tiếng Mỵ Hoa:

– Hạo Nhiên, anh uống cà phê xong chưa? Em đi chợ xong rồi, về anh ơi!

Hạo Nhiên quay lại chợ. Nhìn chiếc xe đẩy chất ứ hự đồ đạc phẩm vật tết, tự nhiên Hạo Nhiên thấy mùa xuân đã về. Cơn mơ tết nào đành dừng lại để đẩy xe đồ tết về nhà. 

Tiểu Lục Thần Phong 

Ất Lăng thành. 0125