14 January 2025

NGƯỜI THEO ĐẠO…CHÁU - Lê quang Thông

Những tháng Dương Lịch cuối hằng năm, tôi hay nhớ Mệ Ngoại. Mệ mất trưa 25.12, ngày Thiên Chúa Giáng Sinh. Năm nay, là lần thứ 52 giỗ Mệ.

Năm Mệ mất, tôi đang học năm thứ tư Đại học Huế. Mùa hè đỏ lửa vừa qua. Nguôi ngoai tang tóc, gian nan… theo hai đợt chạy giặc từ Quảng Trị vô Huế, rồi từ Huế vô Đà Nẵng, đời sống tạm bình thường trở lại. Chúng tôi, nhóm bạn thân thiết đủ các phân khoa, vui họp mặt Giáng Sinh đêm 24.12, và như năm trước, ở nhà bạn Tr. đường Phan đình Phùng, mé sông An cựu, gần Viện Hán học.

Buổi sáng 25 về nhà, tôi lăn ra ngủ vùi, vì ngấm rượu, vì vui chơi suốt đêm. Khi mấy em kêu dậy, Mệ đang ở giây phút cuối, cầm tay con cháu và nhắm mắt. Các bác hàng xóm đến từ giã Mệ còn nhắc hôm qua Mệ xuống bến sông sau nhà tắm rửa dù Noel năm nào Huế cũng rất lạnh. Có bác kêu Mệ đừng tắm, dễ bị cảm. Mệ nói không răng mô, lỡ mai có chết cũng sạch sẽ. Không biết buột miệng tình cờ hay Mệ biết trước giờ chết ?

Mệ tôi có hai người con gái, người con đầu lấy chồng xa, và mẹ tôi. Khi mẹ tôi xuất giá tòng phu, Mệ cũng xuất Kim Long tòng Thứ Nữ. Trong nhà, Mệ chăm sóc từ tôi cho đến đứa nhỏ nhất, từ miếng ăn thức uống đến sinh hoạt học hành vui chơi, từ giấc ngủ trưa đến quà chiều. Mệ đi bất cứ đâu về, đứa nào cũng có quà, nhỏ như gói kẹo gừng, to như cái bánh tráng nướng.

Mệ sợ ba mẹ tôi trách tập hư cho cháu, nên dúi quà vào tay đứa nào, Mệ cũng ôm cháu thì thầm dặn “Thu đi”.
Thu đi, trở thành một khẩu lệnh quen thuộc, vừa thân thiết vừa bảo mật. Mệ được chúng tôi bầu là người hát bài “Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn, Từ Linh hay nhất.
Không quan tâm “Thu đi” cho “lá vàng bay”, hay cho “đám cưới về” , Mệ chỉ cần “Thu đi” là dấu kín, đừng cho một ai khác trong nhà biết, đặc biệt là con gái và chàng rể.

Tình Mệ cháu đậm đà. Thân thiết từ những câu hò ru cháu, cho đến những câu chuyện kể về làng xóm Kim Long. Vì thế chúng tôi lớn lên gần gũi với quê ngoại, với các Ôn, Mụ, Cụ, Mự … và làng trên xóm dưới ngóc ngách nào cũng biết, do những lần theo Mệ lên làng qua ngả Ba Bến. Nơi đó là một ngả ba sông, hai sông Bạch Yến và sông Kẻ Vạn, nhập vào nhau, chảy về Bao Vinh. Chúng tôi xuống đò Ba Bến, qua bến phía Kim Long Hậu thôn và theo đường dọc sông Bạch Yến, lên làng ngoại.

Tới nhà thờ họ Mai, đi rẽ vào xóm, phía phải là xóm bà con bên Mệ Ngoại, và cuối xóm là nhà thờ họ Trần Quang bên Ông Ngoại. Bên trái đường xóm là nhà thờ họ Mai.
Thượng Thư bộ Lễ Mai khắc Đôn, làm Phụ Đạo dạy vua Duy Tân từ lúc nhà vua mới 7 tuổi. Con gái quan Thượng Thư là Hoàng Phi Nguyên Phối của Hoàng đế Duy Tân nhà Nguyễn, tên hiệu là Nhị Giai Diệu Phi Mai thị Vàng.

Bà Phi theo vua bị Pháp đày năm 1916 qua đảo La Réunion, giữa Ấn Độ dương, Lãnh thổ Hải ngoại của Pháp. Sau hai năm Bà Phi trở về Huế vì đau ốm hoài do không hợp thủy thổ.

Vua Duy Tân bị đày xa và 4 nhà yêu nước khác bị chặt đầu ở Cống Chém, làng Đốc Sơ, An Hoà, khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1916 không thành.
Trong 4 Chí Sĩ có Cụ Trần Cao Vân, theo báo Nông-Cổ Mín-Đàm (*) là bị chém đến 6 lần, đầu mới rụng. Ôi ! Đau đớn, những người yêu nước Việt Nam thời đầu thế kỷ 20…

Mệ kể lúc mẹ tôi khoảng mười tuổi, Mệ dẫn vô Nội thăm Bà Phi. Bà Phi đã già, nhưng chuyện xưa xóm giềng thuở nhỏ, vẫn còn nhớ rõ.
Nhắc tới Mệ, biết bao nhiêu chuyện. Bao yêu thương đàn cháu dành cho Mệ Ngoại nói sao cho hết. Hôm nay nhân ngày giỗ Mệ, tôi nhớ tới tôn giáo mà Mệ theo, với lòng tin mãnh liệt : Đạo Cháu.

Mới nghe tưởng Đạo Cháu dịch từ Tôn Giáo, vì Tôn là Cháu, Đạo là Giáo. Ông Nội dạy tôi từ nhỏ thuộc lòng Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự…Tôi hay trình diễn mỗi lần tập trung kỵ giỗ :
Thiên trời, Địa đất
Cử cất, Tồn còn
Tử con ,Tôn cháu,
Lục sáu ,Tam ba
Gia nhà, Quốc nước
Tiền trước, Hậu sau
Ngưu trâu, Mã ngựa…
thì viết Đạo Cháu để dịch chữ Tôn Giáo là quá sát, chạy đâu nữa.

Ngũ Thiên Tự theo thể thơ lục bát đọc nghe du dương hơn :
Thiên trời, Địa đất, Nhân người
Hà sông, Hải bể, Thập mười, Tam ba
Quân vua, Mẫu mẹ, Phụ cha
Sư thầy, Hữu bạn, Xuất ra, Nhập vào
Vũ mưa, Phong gió, Tinh sao…
Thuở 5,6 tuổi tôi như một cái máy Cassette khi được bấm nút, giờ vừa đọc vừa thương Ông Nội quá chừng, một người vào cửa Khổng sân Trình nhằm thời “vứt bút lông đi, giắt bút chì”, như Cụ Tú Xương viết.

Nguyên, chữ Tông giáo chỉ các đạo. Vua Hiến Tổ Thiệu Trị nhà Nguyễn có tên là Nguyễn Phúc Miên Tông. Vì tránh phạm húy, chữ Tông được đọc thành Tôn. Tưởng mình “Hán rộng” quên đi chuyện kỵ huý này, cho rằng Đạo Cháu do dịch từ chữ Tôn Giáo, e thiên hạ cười sái hàm.

Đơn giản, Đạo Cháu là một thứ Tôn giáo cho những người yêu thương cháu, hướng cuộc sống mình vào việc chăm sóc cháu và xem đó là lẽ sống.

Với Mệ Ngoại, cháu là Giáo Chủ. Thương yêu cháu là Giáo lý. Chăm sóc cháu là Hành đạo. Ngoài ra mọi chuyện khác như đi chùa, tụng kinh…là ai sao mình vậy, lơ là thì không, mà tha thiết lắm cũng không.
Mệ Ngoại sẵn sàng nổi tham, sân, si…khi đứa mô đụng tới “cháu bà”.
Mệ Ngoại sẵn sàng tử vì đạo, lăn xả vô ôm che đứa cháu, kể cả khi bị ba mẹ nó nhịp roi, vừa “quất phép” vừa dạy vì một lỗi lầm nào đó.

Theo Đạo Cháu không quy y, không chịu lễ rửa tội, và không có thống kê nào nêu được bao nhiêu phần trăm tín đồ, nhưng người theo càng lúc càng nhiều, trong đó có Mệ Ngoại tôi.

Mệ đọc vè Lụt Quý Tỵ 1953, đọc lui đọc tới đến lúc cháu đọc trôi chảy một mình :
Tháng Tám, Quý Tỵ, 53
Ngày rằm mưa gió chan hoà Huế đô
Tưởng rằng lụt lội ở mô
Rạng ngày nước lớn ồ ồ khắp nơi…

Anh em tôi hầu như đứa nào lúc nhỏ cũng thuộc làu Vè Thất Thủ Kinh Đô, kể biến cố tháng 5 năm 1885 Huế chống Pháp :
Bây vô trong chốn Hậu đô
Thưa cùng quan Huyện ngài vô mà tìm
Tau chừ thất lạc như chim
Thắng tau ở, bại tau tìm đường tau đi…

Mệ nói vè hằng ngày, đám cháu chúng tôi đến mấy chục năm sau còn nhớ :
Ve vẽ vè ve
Nghe vè con cá
Cứu trung thiên hạ
Là cá ông voi
Đi ngược về xuôi
Là cá bánh lái…

Mệ Ngoại tôi, một kho tàng vè, hò ru con, chuyện nhân gian... Khi Mệ ngồi giữa đám cháu ăn cau trầu, đứa nào cũng dành xoáy nhỏ trong một bộ cối, nĩa bằng đồng để Mệ nhai cho dễ. Đứa em gái út đeo Mệ, dính chặt với Mệ suốt ngày, đêm ngủ với Mệ. Nếu ai hỏi vì sao thì nó nói đơn giản, con ghiền mùi của Mệ.

Đạo Cháu của Mệ không biết phát triển ra sao, nhưng riêng tôi đã có rất nhiều cảm tình với tôn giáo này qua hình ảnh Mệ. Bây giờ tôi có ba đứa cháu và vô Đạo Cháu hồi nào không hay.

Lúc hai thằng cháu, một Nội, một Ngoại, đi nhà trẻ, chúng tôi đón chúng một tuần 2 lần. Tôi thích nhất là giây phút chúng ùa ra ôm lấy ông bà mừng rỡ. Lên xe, nhà tôi mang sẵn hai hộp nhỏ màu sắc, vóc dáng khác nhau, đựng Gummibärchen cho hai đứa. Mỗi đứa lấy hộp của mình, vừa nhai vừa dành nhau kể chuyện hôm nay ăn trưa món gì, cô tập múa hát ra sao… Rồi cho chúng đi ăn kem ở quán Ý Paradiso gần nhà. Những sinh hoạt đó tiếp thêm sức sống ở tuổi già. Quấn quýt chúng, riết đâm ghiền trẻ con và không gặp tụi nó vài hôm, đã quay quắt nhớ.

Nói về tuổi thọ với bạn bè, tôi hay bày tỏ mong ước : đợt đầu, sống đến ngày thằng Max, đứa cháu lớn nhất xong Abitur (Tú tài Đức). Có ông bạn cho rằng tôi khôn, vì tôi hiện có ba đứa cháu. Tính sơ sơ, tôi sống đến hơn 90 tuổi, đứa cháu đợt sau cùng mới xong Tú tài. Chừng đó, ông bạn cho là tôi đã quá may mắn, quá lời to trong cuộc sống này, ai mà chẳng mong.

Ngẫm lại, Đạo Cháu đã thành đạo dòng từ Mệ Ngoại, và chúng tôi tự nhiên tiếp nối, không còn là kẻ Tân Tòng.

Lê quang Thông
Frankfurt, Germany

——————————————-
*Nông-cổ Mín-Đàm (1901-1921): tờ tuần báo kinh tế đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, do tư nhân là một người Pháp đảo Corse, hội viên Hội Đồng Thuộc địa Nam kỳ làm Chủ nhiệm, ra ngày thứ 5, ở Sài Gòn. Tên báo có nghĩa là “Uống trà bàn luận chuyện làm ruộng và đi buôn”, và dưới tên Nông-cổ Mín-đàm có chú thêm “Causeries sur l‘agriculture et le commerce”.